Wednesday, June 9, 2010

ĐÊM NHẠC CUNG TIẾN - THƠ NHẠC TƯỞNG NHỚ HỮU LOAN

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT MỸ (VAALA) TỔ CHỨC ĐÊM NHẠC CUNG TIẾN CHỦ ĐỀ Vết Chim Bay

Lê Đình Y-Sa

June 07, 2010

http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=4717

.

Thông Cáo Báo Chí May 24, 2010

Liên lạc: Lê Đình Y-Sa Email: ysadle@yahoo.com

Dan Trần: dan@cocoparisllc.com

VAALA: (714) 893-6145

.

Việt Báo và VAALA giới thiệu hai tuyển tập nhạc Cung Tiến: Hoàng Hạc Lâu và Vang Vang Trời Vào Xuân

.

WESTMINSTER – Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) sẽ thực hiện một chương trình nhạc Cung Tiến với chủ đề Vết Chim Bay vào lúc 7:00 P.M. thứ Bảy, 10 tháng Bảy, 2010 tại La Mirada Theater, La Mirada, CA 90638. Chương trình quy tụ hơn 80 ca nhạc sĩ gồm Dàn nhạc giao hưởng Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng; Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi và ca trưởng Lee Lee Trương; các tiếng hát Lệ Thu, Quỳnh Giao, Bích Liên, Anh Dũng, Bích Vân, Mộng Thủy, Lê Hồng Quang, Phạm Hà, Trần Đại Phước, Phạm Đăng Khoa và Mai Phi-Long; dương cầm thủ Đỗ Bằng Lăng và Ngô Diễm Uyên. M.C: Lê Đình Y-Sa và Mai Phi-Long.

Một cuốn phim tài liệu ngắn về nhạc sĩ Cung Tiến do Vũ Trần đạo diễn sẽ được chiếu trong buổi trình diễn.

Đêm nhạc sẽ chuyên chở những ca khúc nổi tiếng của Cung Tiến, được nhiều người yêu mến suốt nhiều thập niên như Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Lệ Đá Xanh, đến các sáng tác mới tại hải ngoại như Chinh Phụ Ngâm, Vang Vang Trời Vào Xuân, Hoàng Hạc Lâu, Kẻ Ở, Vết Chim Bay…. Chương trình sẽ được khai mạc với phần giáo đầu và chương II của tổ khúc Chinh Phụ Ngâm do Dàn nhạc giao hưởng Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ trình tấu, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng điều khiển.

“Tôi nghĩ rằng Cung Tiến là một trong những nhà sáng tác quan trọng đương thời của chúng ta. Về phương diện nhạc lời, ông đã viết nhiều bài ca sâu đậm và phong phú. Các bài hát này có giai điệu hấp dẫn, cấu trúc tinh vi và kỹ thuật cao,” nhà soạn nhạc đương đại P.Q. Phan (Phan Quang Phục), hiện là giáo sư âm nhạc tại Indiana University, Jacobs School of Music, phát biểu. “Với Chinh Phụ Ngâm, Cung Tiến chứng minh ông có thể vượt qua giới hạn nhạc lời. Bài này phản ảnh tính chất dân tộc cao. Các giai điệu của bài có nhiều chi tiết trang điểm theo lối nhạc truyền thống Việt Nam, hòa hợp âm nhạc của ca trù, ả đào và nhã nhạc,” giáo sư P.Q. Phan nhận xét.

Một ngày trước đêm nhạc Vết Chim Bay (http://www.viettribune.com/vt/files/vol05num214/Flyer.jpg), vào lúc 7:00 tối thứ Sáu, 9 tháng Bảy, 2010 tại phòng hội Việt Báo, Nhật Báo Việt Báo cùng VAALA sẽ thực hiện một buổi giới thiệu hai tuyển tập nhạc Cung Tiến mang tựa đề Hoàng Hạc Lâu và Vang Vang Trời Vào Xuân. Các diễn giả của buổi ra mắt sách gồm có tài tử Kiều Chinh, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, nhà báo Đỗ Quý Toàn, và nhà thơ Trần Dạ Từ.

.

Nhạc sĩ Cung Tiến sinh tại Hà Nội năm 1938. Ông tự học nhạc từ hồi niên thiếu; sau đó học các lớp ký âm và xướng âm pháp tại trường trung học Nguyễn Trãi (Hà Nội) và Chu Văn An (Sài Gòn). Trong thời gian theo học ngành Kinh tế học tại Đại Học New South Wales, Úc Châu, 1957-63, ông đã tham dự các lớp học tư nhân tại Âm nhạc viện Sydney. Trong khi qua Anh quốc, 1970-73, Cung Tiến theo học cao học ngành Phát triển Kinh tế tại Đại học CambridgeEast Anglia, ông đã dự các lớp sáng tác hiện đại, nhạc sử, và âm nhạc học.

Ngoài ca khúc, ông cũng đã sáng tác một tổ khúc cho dàn nhạc giao hưởng, mang tên Chinh Phụ Ngâm, minh họa bằng nhạc một số tình, ý và cảnh chính yếu trong thi phẩm nổi tiếng này của Bà Đoàn Thị Điểm. Một khúc chèo cổ, Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành, đã được ông soạn lại cho giọng hát, thụ cầm, và dàn đàn dây. Hiện ông đang xúc tiến hoàn tất một số tác phẩm khác cho dàn giao hưởng như Tổ Khúc Bắc Ninh (dân ca quan họ), và cho giọng hát và đội thính phòng như Ta Về (một số khổ thơ Tô Thùy Yên).

.

Tại Saint Paul, thủ đô bang Minnesota, trong thời gian 1992-98, ông đã là thành viên và được được cử vào ban giám đốc của tổ chức Diễn đàn Soạn nhạc gia Hoa Kỳ (American Composers Forum), và năm 1992-95 The Schubert Club (một tổ chức thành lập từ 1882, nhằm phát huy nghệ thuật âm nhạc) chọn ông là Nghệ sĩ Lưu trú (Artist-in-Residence). Năm 1993, ông được The Saint Paul Companies tại Minnesota cấp một ngân khoản $30,000 để thực hiện một dự án nghiên cứu về dân ca Việt Nam.

.

Dưới bút hiệu Thạch Chương, ông đã viết những bài khảo luận văn học trên nhiều diễn đàn, và trước năm 1975 đã dịch và xuất bản các tác phẩm văn học quốc tế như Hồi ký viết dưới hầm của Fyodor Dostoyevsky, và Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovitch của Alexandr Solzhenitsyn. Cung Tiến hiện sống tại bang Minnesota. Ông sẽ từ Minnesota đến tham dự buổi ra mắt hai tuyển tập nhạc và đêm nhạc Vết Chim Bay.

.

Vé tham dự đêm nhạc Vết Chim Bay hiện được bán tại Bolsa Tickets, www.bolsatickets.com , (714) 418-2499 và nhà sách Tú Quỳnh (714) 531-4284. Giá vé: $20, $35, $50, $65 và $100 V.I.P. Một buổi tiệc trà dành cho khách có vé V.I.P. sẽ được diễn ra từ ngay trước buổi trình diễn nhạc, từ 5:00 P.M. đến 7:00: P.M., cũng tại La Mirada Theater.

.

Thành lập vào năm 1991 bởi một số nhà báo, nghệ sĩ và thân hữu, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) là một tổ chức văn hóa bất vụ lợi. VAALA đã tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa như triển lãm, ra mắt sách, trình diễn nhạc, kịch, Hội Luận Điện Ảnh, Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (ViFF), lớp Hát Bội, Cuộc Thi Vẽ Thiếu Nhi Trung Thu, các lớp học âm nhạc và nghệ thuật, và chương trình smART Program với workshop nghệ thuật miễn phí cho một số hội đoàn phục vụ thiếu niên và thiếu nhi tại vùng Orange County và Los Angeles.

.

.

.

Thơ Nhạc ‘chiều Tím Hoa Sim’tưởng Nhớ Nhà Thơ Hữu Loan

Việt Báo

Thứ Tư, 6/9/2010, 12:00:00 AM

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=5&nid=160213

Garden Grove (Bình Sa)-- Chiều Thứ Bảy 5-6-2010, tại nhà hàng Royal Seafood Restaurant một đêm Thơ - Ca - Nhạc "Chiều Tím Hoa Sim" do ông Minh Quang Lê Văn Thẩm Trưởng Ban Tổ Chức đã qui tụ khoảng 300 văn thi hữu, thân hữu tham dự. Điều hợp chương trình MC Xuân Thanh và Thu Hiền. Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm. Tiếp theo ông Minh Quang Lê Văn Thẩm trưởng ban tổ chứ lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự tham dự của tất cả mọi người. Trong phần tuyên bố lý do tổ chức chiều thơ nhạc…
Ông nói: Chúng ta hãy đến với Thi sĩ Hữu Loan qua văn học thi ca. Bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" của Thi Sĩ Hữu Loan đã được nhiều Nhạc Sĩ phổ nhạc qua những ca khúc: Những Đồi Hoa Sim-Áo Anh Sút Chỉ Đường Tà... đã để lại trong lòng người yêu văn thơ ca nhạc những bâng khuâng, tình cảm dạt dào về thân phận con người… Chúng ta càng ái mộ Hữu Loan hơn khi sống trong một chế độc độc tài kềm kẹp mà dám đương đầu với áp bức để tìm cho mình một lẻ sống đạm bạc, khắc khổ, trù dập sau khi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ra đời..
Mở đầu chương trình văn nghệ với đôi song ca Xuân Thanh-Lan Hương, đã trình diễn thật xuất sắc trong bài hát mới "Đi Giữa Rừng Cờ Vàng" Tiếp theo Ca Sĩ Tuấn Khải lên hát bản "Những Đồi Hoa Sim" qua giọng ngâm của Phi Loan với bài thơ "Chuyện Tình Hoa Sim" với tiếng sáo Ngọc Nôi và đàn tranh của Lê Đức Phẩm.
Sau đó Nhà Văn Bùi Bích Hà trò chuyện với quan khách để chúng ta biết rõ về thân thế & sự nghiệp của nhà thơ Hữu Loan hơn. Bà nói: Năm 1949 Hữu Loan viết bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" trên chiếc quạt giấy ở nhà một người bạn ở Thanh Hóa, và chuyền tay rất nhiều người hâm mộ; kể lại chuyện tình đau thương của tác giả trong thời chinh chiến…Bài thơ khóc vợ bị đem ra phê bình kiểm điểm, bị gán cho nhãn hiệu tư riêng, lạc hậu vì nó không đề cao lãnh tụ, mà đề cao tình yêu. Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm kết án ông Phản động, tịch thu ngòi bút của ông và ông bị tù đày. . . Khi được thả, ông chán chế độ, nên từ bỏ tất cả về Nga Sơn-Thanh Hóa đốn củi, đánh cá, làm ruộng để sinh nhai. Khi đang là chính trị viên Tiểu đoàn, ông đã bất chấp lệnh cấm lập gia đình lần thứ hai với con gái "địa chủ" mà ông từng thọ ơn. Người con gái này may mắn sống sót qua cuộc cải cách ruộng đất trong khi cha mẹ bị tàn sát. . . Cô đang sống lang thang đầu đường xó chợ, mọi người xa lánh vì sợ liên lụy. Ông cảm thông ơn nghĩa và thương cảm tình cảnh thân gái dặm trường, nên mang về làm vợ. Họ sống trong lao động cực nhọc, nhưng rất thương yêu nhau; và cuối cùng cuộc tình họ có 10 người con và 30 cháu nội ngoại. Có đoạn nhà văn Bích Hà nói: "…Nhà thơ Hữu Loan nằm xuống trong hạnh phúc của một đời tử tế ở tuổi 95, sau khi nhận bán tác quyền bài " Màu Tím Hoa Sim " với thù lao 300 tiệu đồng để gọi chia sớt cho con cháu một chút lộc trời và tự lấy thế làm đủ, ông từ tốn bày tỏ tâm niệm cuối cùng: "Thơ tôi làm ra không phải để bán." Tấm di ảnh của ông trên bàn thờ nghi ngút khói hương... qua ánh mắt nhìn an nhiên tự tại... Bà tiếp dù cho văn hóa và lịch sử có hồi bị chà đạp và suy đồi, nhưng xu thế tiến lên của nhân loại là bất biến. Những giòng sông luôn biết tìm đường ra biển lớn và dân tộc luôn có khả năng loại bỏ những chướng ngại ngăn cản bước chân đi về tương lai…"
Tiếp theo "Chuyện Tình Hoa Sim" do Lan Hương trình diễn, sau đó Xuân Thanh với bản "Lên Đồi Sim" hái những quả chín mọng. Khánh Hồng ru hồn ta về khu " Rừng Tím" với những kỷ niệm thời ấu thơ. Chiều Tím qua tiếng hát của Thu Hiên. Thanh Hương với bản " Ngàn Thu Áo Tím " trong không khí lắng đọng của chiều thơ nhạc Thi Sĩ Hà Phương ngâm bài thơ "Đôi Mắt Người Sơn Tây" Kết thúc là đồng ca " Anh Đi Chiến Dịch" do Thu Hiên, Thanh Hương, Lan Hương, Xuân Thanh. Sau đó buổi tiệc bắt đầu với chương trình dạ vũ để mọi người cùng vui trong một đêm cuối tuần cùng nhau nhớ về một nhà thơ đã để lại cho đời những bài thơ với nhiều kỷ niệm khó quên.

.

.

.

No comments: