Thursday, June 3, 2010

CƠ SỞ NUÔI CỌP LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á

Kỳ 1:

Đột nhập hang cọp lớn nhất Đông Nam Á

Cập nhật lúc 07:28, Thứ Hai, 05/04/2010 (GMT+7)

http://vietnamnet.vn/psks/201004/Dot-nhap-hang-cop-lon-nhat-Dong-Nam-A-902467/

Loạt phóng sự điều tra về nạn buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia, từ Lào về Việt Nam của nhóm PV - CTV Báo VietNamNet.

Mất nhiều tháng trời liên hệ manh mối, rốt cuộc nhóm PV - CTV Báo VietNamNet đã có một chuyến đi đáng nhớ tại Tà Khẹc (Lào) khi đột nhập thành công vào trang trại nuôi hổ lớn nhất Đông Nam Á.

Đường 13, con đường xương sống miền Nam Lào vắng và êm như lụa. Tính cả đèo dốc hiểm trở, 210km từ Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đến Tà Khẹc chỉ mất 2 giờ xe. Trong tư thế của những người đi mua hổ về nấu cao, nhóm PV - CTV báo VietNamNet rốt cuộc cũng tìm ra “hang ổ” lớn nhất của hổ: Trại Muang Thong.

Muang Thong có thể là tên một địa danh. Nằm cách thành phố Tà Khẹc khoảng 30km, ngay trên đường 13, quả thật, nhìn bề ngoài, không ai nghĩ rằng sau cánh cổng nhỏ ti hí là cả một thế giới mênh mông chim thú.

Trại Muang Thong rộng 200ha, được bao bọc bởi lưới thép mắt cáo cao 5m nhập từ Thái Lan. Cứ 5m chiều dài quanh trại lại có 1 cột thép đế rọ bê tông. Và mỗi 100m lại có thêm 1 chòi canh mà nghe nói, người ngồi trong chòi canh đã được lệnh bắn bất kỳ ai xâm nhập trái phép.

Thật may, 2 trong số 5 ông chủ của trại là người Hà Tĩnh. Và chúng tôi được một người quen khá sành của giới buôn hổ giới thiệu với họ. Tất nhiên, vì thế cuộc “đột nhập” dễ dàng hơn bằng cổng chính.

Cổng mở, vẻ ngoài tồi tàn biến mất. Những chuồng thép rộng vài chục m2 nối tiếp nhau bất tận. Và trong số những anh em đi trong đoàn, cả những người dẫn đường sành sỏi, lần đầu tiên được chiêm ngưỡng một thế giới toàn hổ, rặt hổ. Hổ lớn vài tạ, hổ bé đang sơ sinh đến vài dăm chục kí lô, có tất!

Phan Anh D, 1 trong 2 chủ trại người Việt dẫn chúng tôi đi vòng quanh chuồng ngoài cùng, nơi nhốt hai con hổ lớn.

Anh ta nói: “Cặp này đang “chung” (thuật ngữ của dân nuôi hổ, ngụ ý đang trong quá trình phối giống). Cứ 5 – 7 phút 1 lần, hổ đực lại “chung”. Chỉ có hai con này không bán, còn lại trong trại 720 con khác, gồm cả gấu, báo và cặp… sư tử châu Phi, các ông chọn con nào tôi giải quyết con đó!”.

Anh bạn đi cùng buột miệng: “Hổ đâu ra mà lắm thế nhỉ?”. D nói ngay: “Trong số 700 con này, khoảng 100 con đẻ tại trại. Còn lại từ Malaysia, Thái Lan, Myanma chuyển qua. Ngày nào cũng có xe chuyển hổ về đây. Cả sống cả chết”.

D là một Việt kiều từ Thái Lan về đây làm ăn. Trại Muang Thong được D khai sinh cách đây 6 năm. Theo D, vốn ban đầu góp chung là 3 triệu USD, chủ yếu bỏ ra để học cách nuôi nhốt an toàn và làm thế nào để hổ sống khỏe.

Ban đầu mới làm, hổ chết nhiều lắm. 1 năm đầu lỗ tơi bời. Nhưng sang năm thứ 2 thì lãi. Lãi lớn nhất là biết cách làm cho hổ sinh đẻ được trong môi trường này. Nghe nói ở Việt Nam cho hổ đẻ được ầm ĩ lắm, chứ ở đây năm nào cũng có vài chục hổ con ra đời”, D kể.

Theo ước tính của D, thì trại này riêng tiền hổ giờ cũng vào khoảng 7 – 7,5 triệu USD.

Tính ra tiền Việt, mỗi ngày cả trại phải mua khoảng 30 triệu tiền thịt gà cho hổ ăn. Mỗi con hổ trưởng thành ăn khoảng 4-5 kg thịt gà/ngày. “Tiền đầu tư cho trại khoảng 40 triệu/ ngày. Rất lớn nhưng lãi cũng được!”.

D cho hay: “Thị trường chủ yếu của trại là… Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi năm, người Việt sang mua hổ, làm thịt nấu cao ngay trong trại không biết bao nhiêu mà kể. Có người sang đây cả chục lần. Họ sang đây năm bảy người, chung nhau mua 1 con, thuê bác sỹ đông y chuyên nấu cao bên kia sang nấu tại chỗ”.

Giá một kg hổ trên 1 tạ, bán ngay tại trại hiện giờ là 4.700 Bath (tiền Thái Lan, tương đương khoảng 140 USD). Loại dưới 1 tạ mua nấu cao thì không đến, chỉ khoảng 4.300 bath/kg.

Mỗi tháng, ít nhất có 10 – 12 con hổ trưởng thành được “hóa cao” tại sân sau của trại Muang Thong.

Tại đây, có lẽ linh khí của hổ quá nhiều, nên trong bán kính gần 1km, không có con vật nào dám bén mảnh đến. Kể cả giống chó săn rất thiện chiến mà tụi tôi nuôi ở đây cũng không có con nào dám đến gần”, một công nhân chuyên làm thịt hổ nói.

Thế giá hổ đưa về Việt Nam thì thế nào?” – tôi hỏi D.

Các ông mua nấu ở đây thì biết giá rồi đó. Còn mua về thì tụi tôi đưa hổ về tận địa chỉ mà các ông yêu cầu. Giá hổ móc hàm (làm sạch lòng và nội tạng) là 3,3 triệu/kg, giao tận nơi (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Nếu giao hàng ở Hà Nội, giá là 4 triệu”.

Như con 1 tạ 6 này thì bao nhiêu cân móc hàm?” – tôi chỉ vào con hổ lớn, đang nằm thiu thiu bên bể nước trong chuồng. D tiếp: "Con 1 tạ rưỡi thì khoảng 11 kg lòng và nội tạng. Con này đẻ 3 lần rồi, chắc cũng khoảng 12 - 13 kg lòng. Móc hàm khoảng gần tạ rưỡi. Mua con này được đấy. Hổ già, xương mới tốt. Hổ 3 - 4 năm thì xương không nặng, nhưng con này thì cũng được 15 - 16 cân xương tươi đấy!”.

Thấy tôi băn khoăn về khâu vận chuyển, D dứt khoát: “Chuyện chuyển như thế nào, chuyển sống hay chết là tôi lo, các ông không phải bận tâm. Cứ về đến nơi, ông trả tôi đủ tiền là ok. Tôi nhận của các ông 20% tiền cọc, nhưng nhận ở Việt Nam. Các ông cứ chọn đi, rồi về bên kia, tôi cho người đến lấy tiền cọc. Nhận cọc xong 3 ngày là các ông có hàng”.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được theo “áp tải” hàng về Việt Nam, D không gật cũng không lắc: “Tôi không muốn giấu, nhưng làm nghề gì ăn nghề đó. Tôi chuyển hàng nghìn con hổ về Việt Nam rồi, các ông cứ yên tâm đi”.

Nhóm PV Điều tra
(còn tiếp)

.

.

Kỳ 2:

Theo chân ông Ba mươi xuyên biên giới

Cập nhật lúc 08:39, Thứ Hai, 31/05/2010 (GMT+7)

http://vietnamnet.vn/psks/201005/Theo-chan-ong-Ba-muoi-xuyen-bien-gioi-913313/

Muốn tận mắt chứng kiến việc làm thế nào mà người ta chuyển dễ dàng hổ sống về Việt Nam, PV VietNamNet lại phải cậy nhờ người nói khó. Cũng giống như khi vào thăm trại hổ, chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên trước những chiêu thức của D.

D. tự hào: “Tôi chuyển rẻ lắm cũng khoảng nghìn con hổ cả sống lẫn chết về Việt Nam rồi. Nhưng chưa bao giờ bị bắt. May mắn thôi, nhưng kín kẽ và bí mật vẫn là yếu tố hàng đầu”.

Trong trại Muang Thong, luôn có 5 chiếc Toyota Prado biển vàng (ở Lào xe ô tô có 3 loại biển kiểm soát: Vàng, xanh và trắng. Biển vàng là biển kiểm soát xe cá nhân - PV) đậu chờ sẵn. Ghế sau được tháo hết, xung quanh kính dán phim đen kịt. D. nói 5 chiếc xe này không phải để chở hổ về Việt Nam, mà là để “nghi binh”.

Người Lào không như người Việt Nam mình. Người Việt Nam hay ghen tức nhau, thấy ai làm ăn được thì nghĩ này nghĩ khác. Dân Lào sống rất thật. Ai làm ăn được họ mừng. Nhưng cũng phải cẩn thận. Bởi vì Tà Khẹc đa số là dân Việt Nam mà!”. Nói xong D cười khoái trá.

Để chở hổ “móc hàm” về Việt Nam, D cho 2 chiếc Prado chạy cách nhau 20 phút. Trên 1 trong 2 xe chắc chắn có hổ, nhưng cũng không ai biết chắc chắn hổ ở xe nào. Xe chạy tốc độ cao như thế cho đến đèo Nậm Thôn thì sẽ có chiếc thứ 3 đeo biển Việt Nam chính thức nhận hàng đưa về Việt Nam.

D nói: “Làm nghề này nếu không có thù oán với ai, không ai báo chính xác với ban ngành chức năng thì hầu như không bao giờ bị tóm. Bí quyết chở hổ chết thì chẳng có gì ngoài hai chữ bí mật. Từ lộ trình đến tất cả các mối quan hệ trên đường mình đều phải nắm rõ. Nhưng hổ sống thì mới phải tính kỹ”.

D. trầm ngâm một lát mới rộn ràng trở lại: “Các ông muốn đưa con này về Việt Nam mà còn sống à? Thời điểm này thì hơi khó, nhưng tôi sẽ sắp xếp”.

Người đàn ông ngồi bên cạnh D. nói nhỏ với tôi: “Anh D. đã nói thế là các ông không phải lo rồi. Về đường Cha – Lo (Cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình) bằng xe khách cho yên tâm. Cước cao tí nhưng anh D đã hứa thì 100% về đến nơi an toàn”.

Việc sắp xếp của D, sau đó được mô tả qua: D sẽ đóng cũi con hổ nặng 160kg này, chở nó chạy dọc theo đường 13, ngược lên Viên Chăn.

Việc chở hổ của một trang trại được cấp phép như Muang Thong trên đất Lào là "hợp pháp", nên công đoạn này không phải lo nghĩ gì (?)

Việc tiếp theo, D sẽ cho anh em thân cận của mình tìm 1 xe khách hoặc xe tải có hầm chứa hàng đủ rộng để tính toán bước 2.

Thường thì sau khi tìm được xe đủ tin cậy với lộ trình chắc chắn, D. sẽ tiêm thuốc mê cho ông ba mươi và nhét cũi vào một hộp sắt lớn.

D. kể, việc này phải có 3 yếu tố bảo đảm: thứ nhất là xe tốt, đi đúng nơi về đúng hẹn; thứ 2 là tính toán lượng thuốc đủ để chú hổ ngủ không quá 12 giờ; thứ 3 là khi bốc hàng lên xe, tuyệt đối không ai được biết trong hộp sắt có cái gì.

Để bảo đảm yếu tố thứ 3, D. thường chi gấp 2 tiền chuyên chở “hộp sắt” cho chủ xe.

Tất nhiên, còn một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa, là D phải biết chắc chắn trên chiếc xe đó không chở hàng lậu đến mức sẽ bị Hải quan, Biên phòng Lào và cả Việt Nam “trói” tại cửa khẩu để kiểm tra.

Những chiếc xe như thế này, thường thì chỉ mình D biết nó “sạch” đến mức nào. “Tránh được việc “chết oan” cũng quan trọng như tránh Hải quan Việt Nam”, D. khẳng định.

Chúng tôi chính thức được D. gửi đi cùng một chuyến xe như thế này.


Tháp tùng ông Ba mươi

Chú hổ nặng 160kg được “nai nịt” gọn ghẽ và đưa vào cũi sắt, chở ngược từ Tà Khẹc lên Pắc – Ca – Đinh. Cả quãng đường gần 100km thỉnh thoảng vẫn nghe ông kễnh “hự hự” sau thùng xe Prado chuyên dụng.

Để tránh tiếng gầm của hổ có thể làm lái xe giật mình, người ta chế vách ngăn khoang lái và tháo cả 4 ghế sau của chiếc Prado đắt tiền. Xe 7 chỗ trở thành xe 2 chỗ khi cả hai cửa hông sau cũng bị bịt kín.

Người lái xe nói: “Tiếng gầm của một con hổ, nếu hết “công suất”, có thể làm vỡ kính của những chiếc xe tốt nhất. Hồi tôi còn làm thợ săn bên Myanma, đi săn vào mùa xuân như thế này thỉnh thoảng nghe tiếng gầm của hổ mà giật mình.

Hổ đang “chung” ở rừng, thì trong vòng bán kính 30 cây số không bao giờ có một bóng thú rừng. Tiếng gầm của nó làm cho muôn loài phải khiếp hãi trốn tránh”.

Cách thị xã Pắc – Ca – Đinh chừng non 10 cây số, xe rẽ vào một con đường đất hẹp. Người lái rút điện thoại alo mấy tiếng, ra vẻ khẩn trương. Chỉ mấy phút sau, 2 người đàn ông nhanh nhẹn xuất hiện trên chiếc Land Cruise trắng cũ kỹ.

Và cũng chỉ mất 5 phút, họ tiêm xong thuốc mê cho chú hổ, chuyển nó vào hộp sắt, khiêng lên xe. Tôi cũng được gọi đi cùng ra đường lớn.

Hơn 10 phút đứng chờ trên đường 13, cả tôi và chú kễnh được đưa lên xe đầu kéo hiệu HuynDai màu đỏ chót. Hộp sắt chứa con hổ bị tiêm thuốc mê được đưa lên sau Container và gần như người ta không hề đoái hoài gì đến nó nữa.

Cửa container mở toang, đường vắng ngắt êm như lụa. Xe đầu kéo mà chạy trên 100km/ giờ, vun vút trên đường như xe đua. Chỉ hai tiếng, đã nghe người lái nói sắp phải qua cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình).

Tôi thắc mắc: “Xe đi qua không ai kiểm tra hả anh?” – Người lái tên T., quê Hương Khê (Hà Tĩnh) nói: “Kiểm tra gì nữa. Khi đi chở hàng sang, làm “thủ tục” rồi. Đáng lẽ xe này chở hoa quả về, nhưng vì khan hàng bên nhà lại có việc nên không chờ. Người của hội này (ám chỉ Hải quan Việt Nam) trên Viêng (Viên Chăn) nó báo về đây là xe trống rồi. Chứ nếu mà chở gì thì kiểm tra rồi, thoát sao được”.

- Thế thùng hàng ở Pắc (cách gọi tắt Pắc - Ca - Đin), họ không kiểm tra à?

- Không đâu. Vì nó không có trong danh sách “gỗ” báo về. Bình thường có tin báo họ mới kiểm tra, chứ không có kiểm tra sao hết được.

Xe này chở hoa quả, qua trạm cũng phải “thủ tục” 1 triệu. Xe chở hàng khác thì “thủ tục” nhiều hơn. Bên Lào "thủ tục" rẻ, chứ mấy anh Việt thủ tục nặng lắm. Tiền này là để xe không bao giờ bị đưa vào “danh sách đen””, T. than vãn (*).

Tuy nhiên, điều bất ngờ cũng xảy ra. Khi xe còn cách cửa khẩu Cha Lo chừng non 2 chục cây số, thì tài xế ghép xe vào vệ đường. Sau cái bắt tay "chào tạm biệt, hẹn gặp lại" cứ như những người bạn thân thiết lâu năm, chúng tôi được bàn giao sang một xe 7 chỗ khác nằm ven đường chờ sẵn để đưa đi "giải trí", chia tay.
Mãi về sau, khi gặp lại T., chúng tôi mới hiểu, lúc đó xe đã vào đến địa phận "ém", chờ chủ hàng điều động giờ qua "cửa". Những người lạ như chúng tôi không được phép đi sâu hiểu thêm vào những bí mật "điều binh khiển tướng" của các ông chủ hổ bên kia biên giới.
Kể cả lái xe đến cung đoạn đó cũng chỉ biết tuân thủ lệnh điều động qua điện thoại của các chủ hàng như một cái máy.
Chú hổ vẫn nằm 1 mình sau thùng xe. Còn chúng tôi chỉ kịp thì thào gọi vội cuộc điện thoại dặn phóng viên phía Việt Nam "đón lõng ở Cha Lo", rồi lên xe đi theo hướng ngược lại tìm quán bia trên đất bạn Lào ngồi chơi... chờ điện thoại.
Chỉ chưa đầy 1h đồng hồ sau, điện thoại của chúng tôi đã rung lên. Phía chủ hàng Việt Nam báo sang "đã nhận được quà".

--- Mãi về sau, khi gặp lại lái xe T., mới biết, qua cửa khẩu Cha Lo được chừng vài chục cây số, có hai người đứng bên đường vẫy xe, cầm trên tay cái biển có chữ vừa đủ đọc: "Lấy hàng gửi ở Pắc – Ca – Đinh".

T. rà phanh, dẹp xe vào vệ đường. Hai người đàn ông lạ mặt im lặng chuyển hàng xuống, nhanh như khi chuyển lên vậy.

Từ đây, chú hổ độc hành sẽ được đưa về xưởng. Có thể sau vài ngày nữa, chú sẽ biến thành… cao, hoặc cũng có thể thành vật nuôi trong nhà, có trời mới biết nổi.

(*) - VietNamNet sẽ quay lại với đề tài này trong loạt điều tra khác).

Nhóm PV Điều tra
(còn tiếp)

Kỳ 3:

Quy trình 'vào nồi' của ông ba mươi

Cập nhật lúc 07:03, Thứ Ba, 01/06/2010 (GMT+7)

, http://vietnamnet.vn/psks/201006/Quy-trinh-vao-noi-cua-ong-ba-muoi-913504/

“Tại sao người ta gọi hổ là ông? Con người phải gọi con vật là ông, thì nó phải kinh khủng lắm. Thợ săn toàn bốc phét gặp nai bắt nai, gặp hổ bắt hổ. Gặp hổ rồi mới biết, chỉ mới ngửi thấy mùi của nó thì đã vãi cả linh hồn ra rồi!”.

Tôi có lẽ là số ít nhà báo may mắn gặp Trần Văn Hoàn, thợ săn duy nhất tại Quế Phong từng bắn hạ hổ trước sự chứng kiến của nhiều người. Hoàn 40 tuổi, người to như con trâu mộng, là thợ săn chuyên nghiệp đã chính thức giải nghệ năm ngoái sau khi “giải tán” hết đám đồ nghề. Cặp sừng bò tót Nghệ An là vật kỷ niệm cuối cùng của đời thợ săn, Hoàn cũng đem tặng tôi.

Hoàn nói rằng, người tự vỗ ngực rằng bắn được hổ thì nhiều, nhưng bắn được thật sự thì tôi dám cá trên cả tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ có 2 người.

Đối mặt với “ông ba mươi”

“Tại sao người ta gọi hổ là ông? Con người phải gọi con vật là ông, thì nó phải kinh khủng lắm. Thợ săn toàn bốc phét gặp nai bắt nai, gặp hổ bắt hổ. Gặp hổ rồi mới biết, chỉ mới ngửi thấy mùi của nó thì đã vãi cả linh hồn ra rồi!”.

“Trong một khu rừng già, cái mà người thợ săn tinh tường có thể nhận biết có hổ hay không nhờ 2 đặc điểm: rừng thưa và vắng. Nếu vào một khu rừng mà không nghe tiếng chim hót, không thấy bóng một con thú nào, thì y như rằng khu rừng đó có hổ vừa đi qua. Cái mùi đặc trưng, thối kinh khủng và tiếng gầm kinh hoàng của hổ, làm cho chim chóc cũng không dám hót”.

- “Vậy anh bắn được hổ ở đâu?”.

- “Cả làng Nậm Phóng hồi đó đều muốn bắn nó! – Hoàn trầm ngâm – Cứ 3 – 4 ngày trong làng lại mất 1 con lợn hoặc con nghé con. Cả làng biết chắc là hổ về ăn, có người còn kể là nhìn thấy ông kễnh cắp con lợn gần tạ nhảy qua hào nước rộng 2m xung quanh làng.

Tôi và anh em thợ săn trong làng bàn nhau đào 1 cái hố sâu 4m, rộng 2x2 mét, ngụy trang kỹ, ngay trên đường mà con hổ thường vào để bắt lợn. 2 anh em tôi cũng làm một cái hầm đất, cách cái hố bẫy khoảng 30m và thay nhau nằm chờ. Chờ như thế, đến tảng sáng ngày thứ 6 thì thấy tự nhiên trong làng gà không gáy, chó không sủa. Trên rừng, dế, nhím, chồn, cáo đang kêu tự nhiên im như thóc.

Anh em tôi nhìn nhau, biết là hổ đang trên đường vào.

Chỉ mấy phút sau, thấy một cái bóng lờ mờ ngay cửa rừng. Cách 100m mà đã thấy thối lắm. Nó đi đến gần cái hố, dừng lại rồi nhảy phốc qua, đứng im một lát. Lúc đó, chỉ còn cách chỗ anh em tôi phục có hơn 20m. Đó cũng là lần duy nhất cho đến nay tôi nhìn thấy con hổ rừng thực sự. Nó uyển chuyển và oai dũng, chậm rãi đi tiến vài bước rồi lại quay lui vài bước. Đôi mắt xanh biếc dữ dằn.

Tôi ngắm bắn. Ngắm vào giữa hai đốm sáng xanh lè. Bình thường nếu bắn như thế này, thì cách 200m chưa bao giờ trượt. Khẩu CKC của tôi cũng đã từng bắn bò tót, bắn gấu, nhưng đây là lần đầu tiên nhắm thẳng vào 1 con hổ. Tôi bóp cò. Bắn xong cũng không hề chớp mắt. Và nghe hộc một tiếng lớn, rồi thấy cái bóng to lớn của con hổ lao thẳng ra phía sau chỗ anh em tôi nằm.

Anh em tôi nằm sau một ngôi nhà sàn, cách chỗ con hổ hơn 20m. Vậy mà chỉ nghe hộc một tiếng, sau đó là một tiếng gầm đinh tai nữa, rồi không hề thấy gì nữa. Cả làng đốt đuốc đi tìm. Và thấy con hổ nằm chết trước ngôi nhà sàn, trong bụi cây sả um tùm. Nghĩa là sau khi bị bắn, nó còn kịp chạy mấy bước, và nhảy qua ngôi nhà cao mười mấy mét, rơi xuống trước sân rồi mới chết. Không một loài nào có thể có được sức mạnh kinh khủng như thế.

Hoàn kể chuyện 18 năm trước, mà sôi nổi như vừa mới hôm qua, hôm kia.

Bây giờ, thì Hoàn trở thành thợ nấu cao hổ có tiếng ở Hà Tĩnh.

"Ông ba mươi thì cũng vào nồi

Hổ với bao nhiêu huyền thoại, bao nhiêu sự huyền bí. Và càng huyền bí hơn, khi người ta chuẩn bị nấu một nồi cao hổ. Trực tiếp chứng kiến cảnh người ta xẻ thịt, nấu cao, mới thấy hết rằng những huyền thoại về hổ tồn tại được cũng có cái lý của riêng nó.

“Trước người ta thuê nấu nhiều lắm. Nhưng có lẽ tại tôi hay nói, mà nói thật, nên giờ khách mua hổ nấu cao cũng ít đi. Làm gì cũng phải có cái tâm. Tôi thấy người ta lừa nhau thì không chịu được. Mặc dù nấu thuê nồi cao cũng được 30 - 40 triệu đấy!”.

Hổ nấu cao, theo Hoàn có 2 loại. Thứ nhất là hổ rừng. Cực tốt mặc dù đã gần như tuyệt chủng. Thứ 2 là hổ nuôi trong trang trại. Loại này lại chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 là hổ nuôi quá lâu trong trại, ăn cả “tăng trọng” nên xương không tốt. Nhóm 2 gầy, nhỏ hơn nhưng do thợ săn bẫy được ở rừng về bán lại cho trại.

“Hổ mà đẻ trong trang trại, ăn xương gà xương vịt, có khi ăn cả tăng trọng nữa thì lấy đâu ra cho tốt”.

Làm thịt một con hổ, lọc bồ xương ra là biết hổ gì rồi. Con hổ rừng nặng 2 tạ, nhưng chỉ có khoảng 12 kg lòng, tim phổi… nhưng hổ nhà thì nặng tạ rưỡi cũng có đến 12 - 13 cân lòng. Khác nhau ghê lắm.

Đặc biệt là xương hổ. Con hổ rừng nặng 1 tạ, lọc được đúng 11 cân xương tươi. Xương của nó cứng lắm.

Hoàn lắc đầu nguầy nguậy, a chà một tiếng rồi mới nói tiếp: Hổ rừng tốt cũng phải thôi. Chẻ được một cái xương sườn của nó cũng ra cả mồ hôi tai chứ không dễ.

Nhưng hổ nhà thì chẻ xương để làm sạch cũng đã khó lắm. Một con hổ trang trại nặng tạ sáu được khoảng 13 cân xương tươi. Chẻ vụn ra, cạo hết tủy, ngâm trong nước lá cải nóng 2 - 3 ngày, phơi khô rồi lại ngâm tiếp trong nước phèn. Khi nấu chỉ còn 8 - 9 cân nữa. Riêng cái xương sọ của con hổ, người lực lưỡng như tôi cầm cả cái búa tạ nện chục phát mới vỡ.

Trong thế giới của hổ, chỉ những ai “có phận sự” mới được tiếp xúc với hổ. Thợ nấu cao hổ chỉ có 3 người. Gồm 1 người chuyên làm xương, một bác sỹ đông y và 1 người giúp việc. 3 người bọn họ làm việc dưới sự giám sát 24/24 của người thuê nấu.

Sở dĩ người ta phải hô hào 5 - 7 người chung tiền mua hổ nấu cao, có lẽ cũng do “trách nhiệm” giám sát khá nặng nề. Với những tốp thợ không thật thà, chỉ 1 nháy mắt thì trong lố xương hổ rất có thể có thêm vài cái xương… lợn.

Bác sỹ T, cùng tốp thợ với Hoàn, nói: “Nhiều người mua bộ xương hổ bên Lào về, gặp tụi tui mới biết bị lừa. 3 loại xương giống hệt nhau, từ cái xương ngón chân trở đi là xương sư tử, xương hổ vào xương báo. 3 bộ xương đặt cạnh nhau không hề khác nhau 1 cái gì, chỉ khác kích cỡ và hộp sọ. Nhiều người mua phải xương báo hoặc xương sư tử mà cứ tưởng mình mua được xương hổ rẻ. Bộ xương hổ khô khoảng 15 kg giờ khoảng 450 triệu, nhưng bộ xương sư tử thì chỉ 120 triệu, thậm chí rẻ hơn. Nhanh tay nhanh mắt đổi vài cái xương cũng đã có tiền tiêu rồi.

“Ngày trước nấu cao hổ, sau khi làm thịt xong, lọc xương tụi tôi phải ngâm bộ xương trong nước suối chảy xiết cả tháng trời mới đưa về nấu được. Giờ thì khác, làm nhanh lắm. Mất 2 - 3 ngày chẻ xương, rồi cho vào cối ly tâm quay. Quay cho lóc hết thịt, gân, tủy, rồi đưa ra ngâm nước lá cải nóng, phơi khô ngâm phèn hoặc ngâm nước lá đu đủ nữa là xong. Có thợ thì người ta bổ xương vào nồi áp suất nấu 1 ngày, rồi vớt xương ra làm sạch, giống như nấu cao ngựa bạch. Nhưng làm như thế không sạch được tủy”.

- Nấu cao hổ có nghi lễ cúng bái gì không?

- Có chứ. Có người còn mời thầy cúng về cúng. Ở đâu xa không biết, chứ ở Hà Tĩnh có 2người nấu cao hổ không cúng, một người đi tù rồi, còn 1 tay thì nghe nói vỡ nợ trốn ra nước ngoài rồi.

Bác sỹ T khẳng đinh như đinh đóng cột: “Không phải ai cũng nấu được cao hổ. Lần trước tôi nấu thuê cho một đại gia trẻ ở Can Lộc. Đại gia này thì cũng lừa đảo là chính thôi. Tôi bàn anh ta cũng bái cho nghiêm cẩn, hắn nói thôi, cúng bái rách việc. Hắn thuê bọn tôi, đang chẻ xương đã thấy 2 - 3 chục chiếc xe ô tô đậu ngoài ngõ chờ mua cao rồi. Mấy ngày sau khi sắp nấu xong, người mua nườm nượp ngoài ngõ. Nồi cao đang nấu, mà hắn đã bán được gần 1 tỷ tiền cao. Hóa ra hắn nhốt tụi tui trong buồng với nồi cao, rồi ai đến mua hắn đưa cao cu tam cu tứ ra bán. Giờ thì hắn đi mất rồi. Không biết đi đâu, chứ những người như thế, ông hổ không cho sống đàng hoàng đâu!”.

Với những người nấu cao để dùng, ngoài 12 cân xương hổ, còn phải thêm vào ít nhất 4 kg xương, móng sơn dương. Theo bác sỹ T, thì “phi sơn dương bất thành hổ cốt”. Nếu không có xương sơn dương để điều hòa, thì xương hổ dù có tốt đến đâu cũng không thể thành cao tốt.

Công dụng của cao hổ, theo ông T thì không phải bàn cãi gì. “Nó tốt hay không tốt phải hỏi người có bệnh. Nhưng nhìn người bình thường như tụi tui cũng biết, ông thấy đó, cả 3 người tụi tôi nhìn có giống hổ không?”. “Bác sỹ cao hổ” năm nay đã 73 tuổi, nhưng xương cứng gân chắc, nhìn ông không ai đoán được tuổi. Có lẽ cũng do như ông nói: thỉnh thoảng có nếm cái muôi thử cao thôi!

Tôi đã trực tiếp chứng kiến cảnh nấu 1 nồi cao. Và sự công phu của việc nấu cao hổ chắc chắn xứng đáng với giá trị của nó. 1 con hổ nặng 1,6 tạ, lọc được 11 kg xương thành phẩm, thêm 4 cân xương sơn dương và nấu được gần 3kg cao. Con hổ tròn 500 triệu, công người nấu và và “gia vị” hết gần 100 triệu nữa. Tính ra giá thành hiện tại, mỗi lạng cao hổ đã có giá 20 triệu đồng. 20 triệu đồng là cao hổ cốt tự nấu.

“Trên thị trường hiện nay, nhiều người rao bán cao hổ chỉ 7 triệu 1 lạng. Không hiểu đó là hổ gì, nhưng chắc chắn là hổ không tốt!” – ông T nói xong cười sáng khoái.

Chi Mai – Kiều Anh – Quang Cường – Trí Thức

.

.

.

No comments: