Thursday, June 24, 2010

CÁI HỌC NGÀY NAY ĐÃ ĐỖ RỒI

Cái học ngày nay đã đỗ rồi: đỗ cao quá, CSVN đâm lo

HÀ LONG

22-06-10 07:53

http://danchua.eu/373.0.html?&tx_ttnews[tt_news]=8359&cHash=ee3c2208b1

Nói về thành quả giáo dục, nhất là kết quả thi tốt nghiệp phổ thông lấy bằng tú tài với tỷ lệ cao đều là ước mơ của các nhà giáo dục và còn là niềm hãnh diện của quốc gia. Trong thế giới phương Tây, học sinh thi tốt nghiệp phổ thông đạt thành quả từ 80 đến 90% được xem là một thành quả lớn lao. Đó là ước mơ của các hiệu trưởng ở thế giới công nghiệp tân tiến. Thí dụ ở nước Đức, tại tiểu bang Bayern là một nơi học nổi tiếng và chế độ giáo dục rất cao mà tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông chỉ đạt đến 85%, tại tiểu bang Berlin đạt đến 78%, còn tiểu bang Nordrhein-Westfalen chỉ với tới con số khiêm tốn 75,5%. Tại tỉnh Chemnitz chỉ có một trường Kepler-Gymnasium duy nhất đỗ tú tài 100% với 99 học sinh, mà theo ông hiệu trưởng Stephan Lamm cho biết „nhà trường chưa bao giờ có kết quả tuyệt đối như thế.“

Phải mở một ngoặc lớn nói về chế độ giáo dục tại Đức khi lên được trường chuyên (Gymnasium) thì từ lớp 5 các học sinh đã được chọn lọc cuộc tính điểm lần thứ nhất và sau đó đến lớp 10 học sinh lại phải trải qua cuộc tính điểm lần thứ hai, nếu học sinh đủ điểm thì mới được học tiếp cho đến thi tốt nghiệp phổ thông. Ấy vậy, trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hàng năm tại Đức có khoảng 15 đến 20% học sinh vẫn không đủ điểm lấy mảnh bằng tú tài.

Hôm nay nhìn về Việt Nam người dân thấy giới quan chức giáo dục đang hả hê, vung vít về thành quả thắng lợi cực kỳ to lớn trong kỳ thi tốt nghiệp trong tháng 6 vừa qua. Tuy rằng chưa có công bố chính thức từ bộ giáo dục, nhưng báo chí đã đưa tin cho biết về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 2010 của 63 tỉnh thành VN thì phần lớn đều đạt trên 90% với hệ THPT, đứng đầu là tỉnh Nam Định với tỷ lệ 99,78%. Tiếp theo là tỉnh Bắc Ninh đứng thứ nhì với 99,2%.

Thấy con số cao „đột biến“ về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2010 tại VN chẳng lai là không khâm phục về kết quả học tập của học sinh và công lao của thày cô. Cho con số gần đến ngưỡng cửa 100% của toàn học sinh trong một tỉnh lỵ thì không một quốc gia nào đạt tới được. Kết quả vô cùng tuyệt đối về kỳ thi 2010 được biết thêm tại Sàigòn có 22 trường đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tuyệt đối 100%, tại Hải Phòng có đến 20 trường đạt 100%, tại Bắc Giang có 5 trường đạt 100%, tại Vĩnh Phúc có 8 trường đạt 100%, tỉnh Bình Phước có 4 trường đều đạt 100% đỗ tốt nghiệp, tỉnh Hậu Giang có 3 trường đều đỗ 100%, tỉnh Nam Định có 35/72 trường và trung tâm đỗ 100%, tỉnh Hà Nam có 11/25 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, tỉnh Quảng Ninh cho hay, có 19/52 trường đạt 100%, tỉnh Quảng Nam có 8 trường đạt 100% đỗ tốt nghiệp, v.v…

Đó là chưa kể thêm một trường học nằm tận trong vùng sâu xa thuộc tỉnh Bình Phước, trường THPT Lương Thế Vinh (sóc Bom Bo, xã Bom Bo) vẫn đạt được 100% tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp. Và trường THPT Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh - một trong những huyện xa xôi, khó khăn nhất tỉnh Lâm Đồng ). Trường THPT Đạ Tẻh có 333 thí sinh dự thi đều đỗ cả thảy 333.

Điểm qua thành quả tốt nghiệp ở vài tỉnh người dân bị chợp ngoáng giá trị tuyệt đối giáo dục tại Việt Nam, bỗng chốc chỉ qua một năm học tập nhiều học sinh „đột biến“ đâm chồi nẩy lộc về hệ số thông minh IQ trong đầu óc của mình giống như là nấm rơm đang gặp mưa rào.

Tìm lại dữ liệu của năm 2007 cho thấy tại Yên Bái không có thí sinh nào đỗ tốt nghiệp vào năm 2007 tại 3 Trung tâm Giáo dục. Tại đây, tất cả 268 học sinh thuộc TTGDTX huyện Trấn Yên, TTGDTX huyện Mù Cang Chải, TTGDTX thị xã Nghĩa Lộ dự thi tốt nghiệp THPT hệ bổ túc nhưng không có một thí sinh nào đỗ tốt nghiệp. Tiếp theo chúng ta vẫn phải ngỡ ngàng với một trường học tại Quảng Ngãi, trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây) đã gây chấn động cả nước với sự kiện không có học sinh nào (0%) đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006 – 2007, với 51 thí sinh dự thi và cả 51 thí sinh... đều bị "rớt". Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã đạt được danh hiệu cao quý có một không hai: “Trường 0% đỗ tốt nghiệp”. Năm 2009, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trường này chỉ đạt được 8,33%. Đến kỳ thi 2010 trường THPT Đinh Tiên Hoàng bỗng nhiên lột xác chẳng khác gì trong một truyện thần thoại với kết quả cao „đột biến“ có tỷ lệ đỗ hơn 90% của tổng số 78 thí sinh dự thi ở đây. Theo báo Sàigòn Tiếp thị: Trước kỳ thi, ông Đặng Tấn Thủ, phó chủ tịch huyện Sơn Tây đã trao đổi với báo chí về chuyện đây là năm đầu tiên, trường THPT Đinh Tiên Hoàng được Sở giáo dục - đào tạo Quảng Ngãi cho phép thành lập Hội đồng thi riêng. Do đó “Nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay của trường từ 80% trở lên thì cần phải xem lại, là kỳ thi “có vấn đề”, ông Thủ nhấn mạnh.

Thí sinh tại Sơn Tây, Quảng Ngãi đã tìm được kỳ tích lạ trong đời? Hoặc con số lên cao bất ngờ do con người nhào nặn ra vì có hội đồng thi riêng?

Chủ quan nhìn thấy 4 lý do quan trọng dẫn đến đỗ tốt nghiệp cao từ đánh giá của bộ GD-ĐT

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Thị Nghĩa gặp gỡ với các phóng viên báo chí chiều ngày 18/6 và khẳng định Bộ GD-ĐT không buông lỏng kỳ thi, việc thí sinh đỗ cao là do đề thi bám sát với chuẩn kiến thức phổ thông và công tác ôn tập đã được tổ chức tốt.

Tiếp theo, ông Văn Đình Ưng, Phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT nhìn ra 4 lý do khiến học sinh đỗ tốt nghiệp cao, kể cả việc ảnh hưởng của thời tiết vào kỳ thi.
1. Năm nay là năm thứ tư thực hiện cuộc vận động “hai không” nên những thí sinh yếu, kém đã cố gắng học tập để thi đỗ.
2. Do công tác tư vấn tốt của các cơ quan truyền thông.
3. Do các ngày thi trên toàn quốc thời tiết mát mẻ.
4. Có thể do các em phấn đấu lập thành tích để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội!

Và tiếp theo cách nhìn chủ quan từ giới báo chí đi theo „lề phải“ đưa tin là một kỳ thi ít biến động cả về tình hình an ninh trật tự trong những ngày diễn ra kỳ thi cũng như kết quả cuối cùng.

Các trường tích cực tổ chức ôn tập cho học sinh trước kỳ thi để khắc phục tình trạng những năm trước thí sinh bị điểm kém ở môn Lịch sử do nhiều học sinh coi đây là môn học phụ, không coi trọng trong cả năm học lớp 12.

Bên cạnh đó, với đề thi và đáp án được Bộ GD-ĐT công khai trên mạng, đa số giáo viên đều đưa ra nhận xét đề thi ngắn gọn, không yêu cầu cao. Đáp án chấm thi của Bộ năm nay cũng được cho là không quá chi tiết, thí sinh dễ đạt điểm cao.

Số giám thị bị kỷ luật chỉ có 1 trường hợp duy nhất. Số liệu này được lãnh đạo Bộ GD-ĐT đánh giá là sự thể hiện tính nghiêm túc của kỳ thi.

Cách nhìn khách quan từ bên ngoài và của giới chuyên gia

Trao đổi với báo Thanh Niên, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội) bày tỏ: “Kết quả thật tuyệt, tôi đã nhìn thấy rõ điều đó ngay sau khi kết thúc kỳ thi và tôi rất lo lắng với cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay”.

PGS Cương vạch rõ ra lộ trình của tỷ lệ đậu cao: “Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ nhìn vào các con số để nói rằng, kỳ thi an toàn, nghiêm túc, việc dạy và học tốt hơn... nhưng tôi xin thưa rằng: nếu tôi muốn có một kết quả tốt nghiệp THPT hơn 90% thì không cần căn cứ vào chất lượng của học sinh mà ngay từ khi kỳ thi chưa tổ chức, tôi đã có thể “thiết kế” được kết quả đó bằng cách: đề thi dễ, coi thi dễ và chấm thi dễ”.

Theo PGS Cương đỗ cao có thể do buông lỏng kỷ luật: “Vi phạm giảm, mà giảm tới một mức xuống dốc không phanh ấy thì phải đặt câu hỏi: phải chăng có hiện tượng coi thi lơi lỏng, thấy vi phạm mà không xử lý chứ không phải không có vi phạm để xử lý”.

Chỉ nhìn vào con số cán bộ thanh tra thì các hiệu trưởng trường học và học sinh sẽ biết phản ứng kịp thời để đạt kết quả tốt nghiệp: „Lực lượng thanh tra từ 9.000 người của năm 2009 giảm xuống chỉ còn 600 người (năm 2010). Lý do Bộ đưa ra là công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT đã đi vào nền nếp, kỷ cương 3 năm rồi, không cần thanh tra Bộ cắm chốt nữa.“

Nạn phao thi rải khắp nơi sau khi thi THPT

- Chẳng lạ gì tại ngôi trường THPT Vân Tảo nổi tiếng một thời với người "Người đương thời" Đỗ Việt Khoa. Năm nay thầy Khoa không coi thi vì trước đó ông đã tự nộp đơn xin thôi việc, tức thì hai bên đường trường THPT Vân Tảo đã được trải thảm đầy phao thi môn Văn.

- Theo phóng viên Tiền Phong Online, cũng trong sáng nay (02/6), tại trường có điểm đầu vào thấp là THPT Trần Hưng Đạo (Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi cũng thấy có nhiều mẩu giấy photo nhỏ, in sẵn các đáp án môn Văn, được vứt ra đường sau khi thi xong: Khi tiếng trống báo hết giờ vang lên, học sinh ùa ra, cũng là lúc xuất hiện “phao” trước cổng. Một em học sinh tên T hớn hở cầm tài liệu photo bằng nửa bàn tay khoe "chép được bài".

- Theo vnexpress, sau buổi thi môn có tính chất học thuộc lòng chiều nay, hàng loạt tài liệu thi nhỏ bằng nửa bàn tay vứt ở trước cửa trường THPT Cao Bá Quát, huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Các phản ảnh rộng rãi và mạnh mẽ về kỳ thi THPT 2010

- Thuy Vu, Ha Noi: Tôi là giám khảo chấm thi của một tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp là 99% nêu trên. Rất nhiều tập bài thi giống hết nhau, thậm chí có cả bài thi có 2 nét chữ khác nhau, dường như học sinh được một người làm bài hộ và cho cả phòng chép. Điều đó phản ánh tình trạng coi thi ở tỉnh đó và giải thích tỉ lệ nói trên.

- Bùi Trung Mến, Hậu Giang: Là học sinh trực tiếp tham gia kì thi TN THPT nên cháu rất hiểu tại sao có kết quả cao như vậy.

- Vũ Như Cẩn: Vợ tôi là một giáo viên tại HN, sau khi đi coi thi về có kể với tôi rằng: Trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH này chỉ nghiêm túc được buổi đầu tiên, các buổi sau giáo viên trường sở tại đã đi từng phòng thi xin các giám thi nương tay cho học trò (để học trò chép và quay bài), thôi thì nể nang nhau mặc kệ học trò làm gì thì làm. Thiết nghĩ, thủ đô còn thế huống chi các tỉnh, tỉ lệ học sinh đỗ 99% con ít, đáng lẽ ra phải 100%.

- Lê Mai, Hải Phòng: Chẳng ai tin là chất lượng giáo dục đã tốt lên khi nhìn vào các chỉ số trên, thực tế trong gia đình tôi có hai giáo viên làm giám thị coi thi tốt nghiệp và một thí sinh đi nhưng các bạn biết không năm nay tỉ lệ cao thế là do có chỉ thị từ trên xuống là phải đạt kết quả cao để lấy thành tích. Chính em tôi đi thi về nói tệ nạn coi cóp, đáp bài rồi hỗ trợ nhau như kiểm tra ở trên lớp và giám thị cũng hướng dẫn rồi đáp bài cho thí sinh nữa còn mấy bà chị tôi làm giám thị ở mấy hội đồng thi bảo cũng có mấy ông trên Bộ xuống kiểm tra nhưng nhưng mấy ông nay chưa xuống được các phòng thi thì mọi việc đã trở lên nghiêm túc lắm rôi vì giám thị hành lang đã thông báo cho các phòng biết trước để cất tài liệu nghiêm túc trở lại...

- Trần trọng Tuệ: Năm 2007, năm tôi thi tốt nghiệp một cách nghiêm túc bởi lẽ đây là năm thí điểm đầu tiên "chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục" và hiển nhiên năm đó các trường trên toàn quốc đều có tỷ lệ đậu tốt nghiệp không cao, thậm chí có trường không đậu học sinh nào (trường Đinh Tiên Hoàng, Quảng ngãi). Phải chăng học sinh năm nay có chất lượng cao hơn các năm trước hay bệnh thành tích đâu lại vào đó? Con số đánh giá này giúp chúng ta thầm hiểu rằng: "Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục" những năm gần đây như một cái mốt thời trang đã lỗi thời. Mong Bộ giáo dục hãy xem lại!

- Do Quang Hung, Hai Phong: Tôi không dám lạc quan để nghĩ rằng kết quả thi năm nay đã phản ánh được mặt bằng chất lượng học sinh thi tốt nghiệp so với năm trước, cảm nhận của chúng tôi là thành tích của các tỉnh đang phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của của bộ máy lãnh đạo ngành giáo dục tại các địa phương. Căn bệnh thành tích vẫn ăn sâu trong tiềm thức của chúng ta và lại bật lên như 1 bản năng tự nhiên để điều tiết kết quả của kỳ thi đấy thôi.

- Trung Tâm, Thanh Hóa: Khi bộ giáo dục không gửi đoàn thanh tra ủy quyền của bộ trực tiếp về các trường thi ai cũng biết kết quả sẽ cao như xưa thôi.

- Thai An, Quảng Ngãi: Kết quả thi tốt nghiệp ở các tỉnh đạt tỷ lệ đỗ rất cao đánh giá được điều gì? Phải chăng là đánh giá được sự thiếu nghiêm túc trong thi cử của địa phương đó. Tỉnh nào có tỷ lệ đỗ càng cao thì tỉnh đó càng thiếu nghiêm túc. Chẳng phải nghiên cứu, điều tra gì cả thì ai cũng biết trình độ của học sinh mình như thế nào rồi, chắc chắn số lượng yếu kém sẽ nhiều hơn số lượng khá giỏi. Vậy mà tỷ lễ đỗ đạt lại cao ngất ngưởng. Đúng là giờ thi tốt nghiệp phổ thông cũng chẳng còn mấy quan trọng, nhưng thật là nguy hiểm nếu bộ giáo dục lấy đấy mà xét tuyển đại học.

- Nguyễn Minh Sáng, HN: Nhìn kết quả thi mà đau đớn lòng. Bộ GD-DT nghĩ gì? Hay bỏ kỳ thi này thôi!

- Nguyen Thang Long, Thu Duc: Tỷ lệ tốt nghiệp cao hay thấp thì đều thấy bị kêu ca. Nhưng tôi thấy kỳ thi tốt nghiệp 2010 thắng lợi ở những mặt sau: Không còn cảnh toàn dân "bao vây" trường thi, phòng thi nữa, tuyệt nhiên không có bất cứ người dân nào trèo tường vào trong hội đồng thi nữa. Các giáo viên đi coi thi về không còn cảnh lo lắng bị chặn đường vì "trót " coi nghiêm túc khi mà tất cả đều coi không nghiêm túc như trước đây. Các hội đồng coi thi chỉ có 3-5 cảnh sát đến nhưng không phải vất vả chạy ngược chạy xuôi để "đuổi-bắt-tha" như trước nữa, sự có mặt của các anh đủ để sự mất trật tự không xảy ra nữa.

- Lê Viết Hoan: Theo tinh thần tổ chức coi thi như năm nay, thì năm tới (2011) nước ta sẽ có kết quả thi tốt nghiệp THPT ở nhiều tỉnh (nhiều tỉnh chứ không phải nhiều trường) đậu tốt nghiệp 100%. Nếu với kết quả như thế nó sẽ nói lên điều gì? Nghiêm túc? Chất lượng giáo dục được nâng cao ? Coi thi dễ? Nhiều trường, tỉnh vì thành tích nên tìm cách nọ kia? Xin quý vị nhìn vào cách tổ chức thi ở nhiều hội đồng, nhiều địa phương trong kì thi vừa rồi thì sẽ có câu trả lời.

- Nsfc: Tôi có người quen năm nay làm thanh tra giáo giục. Cô ấy đi coi thi về thở dài: "Năm nay đâu lại vào đấy rồi! Thanh tra đi kiểm tra chưa được một vòng đã có điện thoại nhắc nhở: 'Lượn gì mà lượn lắm thế!'". Tôi nghe mà buồn.

- Dactanhang: Ngồi một quán nước mà nghe mấy cô cậu học trò trò chuyện với nhau thì mới ngã ngửa ra. Trong phòng thi các em lại được tha hồ chép bài của nhau và quay cóp. Để được vậy, các em phải đóng tiền và được giám thị trong phòng thi nhẹ tay cho. Và những khuôn mặt vừa bước ra khỏi cổng trường cấp 3 đã gọi thầy cô "Lão ấy ngồi ở cửa phòng. Cứ thanh tra đi qua thì lão ấy lại nhắc để chúng tao ngồi yên".

Từ nền giáo dục đỗ cao ngất ngưởng 100% phát sinh ra những tiến sĩ giấy

Vài ngày vừa qua cả nước VN chiêm ngưỡng tài trí thông minh của ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc sở Văn hóa- Thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ, vì chỉ qua một đêm ông Ân trở thành một nhà trí thức có học vị tiến sĩ tại Mỹ, nhưng một chữ tiếng Anh bẻ đôi ra ông cũng không biết. Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã đặt tên cho ông Ân là “Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh”. Trước đó ông Ân chỉ là cử nhân tại chức kinh tế - quốc dân khóa 24 (lớp học được tổ chức tại thành phố Việt Trì) bây giờ đã có luận án giật bằng tiến sĩ với đề tài “Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ”. Khi bị bắt bí quá thì ông Ân cho biết bằng tiến sĩ này ngốn mất của ông 17.000 Đôla Mỹ, nhưng khi bị hỏi dồn dập thì ông lại ú ớ không biết tên trường đại học, tên trang website của trường đại học cũng không nhớ.

Ông tiến sĩ giấy này khẳng định trong thời gian làm tiến sĩ có sang trường đại học này để học 2 đợt, mỗi đợt 1 tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt và ngay cả khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối.

Theo ông Ân trường đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) cũng không yêu cầu những nghiên cứu sinh như ông Ân phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào mà chỉ cần gửi đề cương sang cho họ… chỉnh sửa là được.

Ai theo dõi tin tức về ông Ân đều phải ngả nón bái phục vì học vị tiến sĩ của ông Ân lấy được còn dễ hơn đi thi cấp 3 trường làng ở VN và chỉ mất thời gian đúng 2 tuần lễ. Dân cư mạng liền cho biết ngay tin tức nóng bỏng: “Trường Southern Pacific University đã bị giải thể từ ngày 28.10.2003 theo phán quyết của tòa án Hawaii. Bằng cấp của trường Southern Pacific University không được Mỹ công nhận.”

Và vẫn theo SGTT cho biết, tại tỉnh Phú Thọ hiện còn có khoảng 10 người cũng được đào tạo tiến sĩ như theo kiểu của ông Ân!

Nếu đúng như thế thì theo nhận xét của quan lớn Nghị tại Hà Nội đã chẳng ngoa tí nào: Hà Nội cần thật nhiều tiến sĩ, thủ đô quyết tâm đến 2020 có 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ, điều này làm cho dân Hà thành phát hoảng vì sợ ra ngõ gặp tiến sĩ! Đây là sản phẩm IQ siêu tốc của kế hoạch 20.000 tiến sĩ: nhà nhà làm tiến sĩ, người người làm tiến sĩ và toàn dân thi đua làm tiến sĩ.

Nhìn về ông giám đốc sở Văn hóa- Thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Ngọc Ân chúng ta phải liên tưởng và lo lắng về mức đo IQ khi ông chịu trách nhiệm trực tiếp đến Lễ hội Đền Hùng đã được tổ chức từ ngày 14/04/2010 theo quy mô hoành tráng cấp quốc gia với một bảng hiệu to tướng về "nấu bánh trưng" và "giã bánh giày" vì "Bánh Chưng” đã bị viết sai chính tả một cách sơ đẳng.

Theo cách nhìn mỉa mai tri thức của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, người có chức vị giáo sư tiến sĩ trước khi làm bại biểu: Ở ta có nhiều loại bằng: trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,… Nhưng tôi chỉ phân biệt hai loại bằng: Loại I, bằng cấp có trước lúc làm quan, nghĩa là đi học rồi mới làm quan. Loại II, bằng cấp có sau lúc làm quan, nghĩa là làm quan rồi mới đi học.

Đáng tội và khó hiểu quá! 82 triệu dân VN (phải trừ đi số 3 triệu đảng viên) đang bị ông Ân cho ăn quả lừa to tướng hoặc là ông Ân đã quá ngây thơ để bị lừa mất 17.000 Đôla Mỹ cho một tấm giấy vô bổ?

Rồi lại đến Nhà Thơ không thông thạo Sử Việt qua bài thơ “Trần Quốc Tuấn… bóp nát quả cam”

Không biết có phải là hậu quả của một nền giáo dục xuống dốc trầm trọng hay không khi báo chí lại phanh phui ra được bài thơ vào ngày 12/6: “Trần Quốc Tuấn… bóp nát quả cam” của tác giả Khiết Minh (Nha Trang) khi sáng tác bài thơ ca ngợi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (đăng trong tập thơ “Lời thương mở lối” do nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành năm 2010). Tác giả đã vô tư đảo lộn lịch sử của Trần Quốc Toản để viết về Trần Quốc Tuấn.

“Lời thương mở lối” là tập thơ tập hợp các bài thơ của khoảng 140 tác giả trong Câu lạc bộ Văn học - Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa, nhân kỷ niệm câu lạc bộ này tròn 20 tuổi.

Bài thơ được sáng tác năm 2008, gồm 16 câu, nội dung ca ngợi tướng quân Trần Hưng Đạo là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Tác giả Khiết Minh ngẫm lịch sử sáng tác thơ khen Trần Hưng Đạo:
Tuổi trẻ phi thường trí tuyệt luân
Đứng ngoài nghe lén việc quan quân
Bình Thang hội nghị không cho dự
Bóp nát quả cam quyết tự thân


Đây là lấy râu ông này cắm cằm ông nọ, mà sự ngu muội đảo lộn lịch sử của hai đấng anh hùng danh tộc này không ai có thể chấp nhận được.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi rõ: Trần Quốc Toản vì nhỏ tuổi nên không được vua Trần Nhân Tông cho vào dự Hội nghị Bình Than, phải đứng bên ngoài nên “hổ thẹn, phẫn khích, tay cầm quả cam bóp nát lúc nào không biết”. (Theo TT).

Ôi lịch sử! Cái sai chết người từ nền giáo dục VN!

Kết luận

Hiệu quả của một nền giáo dục tốt không thể nào đi đường tắt để một sớm một chiều mà đạt đến được. Mọi người dân và chính quyền đều phải đầu tư vào trí, dũng và nhân cách để xây dựng một con người, tham gia rèn luyện một nhân cách và phảt triển tài năng cùng tri thức để đáp ứng được nhu cầu cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia. Quan trọng là sự truyền thụ tri thức và kinh nghiệm cho học sinh, điều kiện kiên quyết vẫn là một giáo dục đúng đắn, công bằng và văn minh.

Nhìn vào con số đỗ với tỷ lệ quá cao của mùa thi 2010 tại VN không thể không làm cho giới nhà giáo, các bậc phụ huynh ưu tư vì chính họ là những người đang trực tiếp tiệp cận học sinh và hiểu thấu đáo về tri thức của con em mình.

Và kết quả đỗ cao ngất ngưởng 100% đang làm cho người viết vẫn phải lấn cấn không an lòng.

Cuối cùng, sự mù tịt về lịch sử chẳng khác chi bài thơ “Trần Quốc Tuấn… bóp nát quả cam”, một thí dụ xác thực cụ thể trong cuộc thi THPT 2010 của môn văn, ai đọc là không bàng hoàng về sự hoang tưởng từ lối giáo dục tuyên truyền ngu dại đang để lại trong lòng học sinh với đề tài: “Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi“.

Một học sinh đã vô tư bình phẩm: “Việt rất đỏng đảnh trẻ con ngay cả ở nhà lẫn ở chiến trận. Tham gia quân lính rồi nhưng Việt chưa đủ vị thành niên 17 nên không được phát súng. Việt lấy ná thun bắn chim hằng ngày đi bắn giặc. Mà Việt giỏi lắm, dù chỉ bằng công cụ thô sơ ấy mà bắn cháy được xe bọc thép và cả tiểu đoàn Mĩ chết sạch còn anh chỉ bị thương nhẹ ở chân không đi được nên lếch trong rừng cây cao su mấy ngày đêm mà không ra được” (Theo Đất Việt, Sài Gòn GP).

Lại có thêm một anh hùng hoang tưởng Lê Văn Tám thứ hai trong nền giáo dục VN rồi chăng?

Theo cách nói của giới Blogger: Hoàn Toàn Bó Tay Chấm Com!

.

Nhận diện địa phương " học giỏi" nhất (24-06-2010) - TS Nguyễn Văn Tuấn

.

Ước tính và nhận diện địa phương với bệnh thành tích trong giáo dục (24-06-2010) - TS Nguyễn Văn Tuấn

.

.

.

No comments: