Sunday, June 13, 2010

BAO GIỜ ĐÀ LẠT HẾT THỐNG ?

Có phải lo bao giờ Đà Lạt hết thông?

13/06/2010 20:27:54

http://bee.net.vn/channel/1982/201006/Co-phai-lo-bao-gio-Da-Lat-het-thong-1756368/

- Ngày nay, Đà Lạt đã khác xưa rất nhiều, những hình ảnh đẹp, thơ mộng về rừng thông nơi đây trong con mắt của những người lớn tuổi dường như đã lùi vào dĩ vãng, nó chỉ còn là quá khứ của một thời đã xa… Mấy năm nữa, những người trẻ liệu cũng có chung cảm nhận?


Thông Đà Lạt đang chảy máu. Người ta thản nhiên chặt hạ hàng loạt thông để triển khai xây dựng công trình lớn, những khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng trong rừng thông thơ mộng. Người ta buộc phải lựa chọn, kinh tế hay thiên nhiên môi trường? Hay người ta thậm chí còn không nghĩ tới câu hỏi đó? Máu thông cứ đổ.


Người dân cũng giết thông. Anh bạn tôi kể, họ đổ hóa chất cực độc vào gốc thông, để thông chết hàng loạt theo cái cách mà thoạt nhìn, ai cũng tưởng thông chết già. Thông gục, cà phê, cây ăn quả, vườn rau… thế chỗ rừng thông. Vì người dân nghèo quá ư? Sao không có ai nói với họ rằng, họ đang phá đi một “di sản thiên nhiên” của chính mình. Thông đang chết.

Cách đây mới chỉ 2 năm, cơn gió mạnh đã quật ngã một cây thông trong nội ô thành phố, ngày hôm sau thấy các báo trung ương và địa phương đều tấp nập đưa tin. Dư luận xót xa cho cây thông già. Tôi trộm nghĩ: “Chỉ có một cây thông bị gió quật đổ, lại chẳng gây thiệt hại gì cho ai mà các báo lại đồng loạt đăng tin. Vô duyên quá!...”.

Trong một lần được gặp nhà báo Uông Thái Biểu (đại diện báo Nhân Dân tại Lâm Đồng), đem vấn đề băn khoăn này ra hỏi, được thầy giải đáp tỉ mỉ tôi mới sực tỉnh. Đối với mỗi người dân Đà Lạt, thông không phải là một loại cây đơn thuần như bao địa phương khác mà nó đã gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt hằng ngày của một bộ phận lớn người dân nơi đây. Để có được một Đà Lạt nổi tiếng với không gian thơ mộng, những cánh rừng thông đã giữ một vai trò đắc lực, gần như là tuyệt đối.

Những người thầy lớn tuổi đã từng sống lâu năm ở Đà Lạt kể rằng, ngày các thầy mới vào trong này công tác, cả thành phố là một rừng thông bạt ngàn. Khi ấy chưa có bếp gas, bếp điện như bây giờ, mỗi khi chiều về các thầy lại đi quét lá thông hoặc nhạt cành khô về nấu, khói thông rất thơm, len lỏi thoát ra từ các mái nhà lác đác ẩn hiện trong rừng thông xanh. Cảnh buổi chiều trong lòng thành phố rất yên bình, vắng lặng như một vùng quê vậy. Lúc này Đà Lạt còn lạnh lắm, cả ngày có sương mù bao phủ.

Chính vì vậy, sau khi phát hiện ra Đà Lạt, người Pháp đã quy hoạch theo hướng phát triển nơi đây thành một thiên đường nghỉ dưỡng. Các ngôi biệt thự được những kiến trúc sư người Pháp thiết kế xây dựng ẩn mình trong những rừng thông xanh mướt hướng mặt về phía hồ Xuân Hương. Đà Lạt vốn đẹp, dưới bàn tay quy hoạch của các kiến trúc sư người Pháp lại càng thơ mộng, lãng mạn hơn.

Vậy mà giờ đây...?

Tôi nhớ mãi giọng ngậm ngùi của bác tài xế trên chuyến xe đưa tôi lên Đà Lạt 4 năm về trước, “Bà con lấy áo ấm ra mặc đi nha, mùa hè nhưng Đà Lạt vẫn lạnh lắm đấy!...So với những năm đầu mới giải phóng, Đà Lạt còn lạnh hơn thế này nhiều kia!... Ngày ấy rừng thông còn bạt ngàn chứ không như bây giờ”.

Bước ra ngoài cửa hưởng chút gió mát từ rừng thông. Nghe thấy tiếng thông vẫn vi vu trong gió. Chợt tự hỏi, thông đang reo hay thông đang khóc? Có phải lo một ngày nào đó Đà Lạt sạch bóng thông?

Khắc Lịch

.

.

TIN LIÊN QUAN

Rừng thông Đà Lạt đang bị thiêu sống

“Xẻo” đất rừng thông quý làm vườn cà phê

Thông Đà Lạt bị thảm sát: Chúng tôi chưa được báo cáo...

Máu thông Đà Lạt đang chảy

.

.

.

No comments: