Friday, June 18, 2010

BẮC TRIỀU TIÊN : CÁC THANH TRA của ĐẢNG trên SÂN CỎ WORLD CUP 2010

World Cup 2010 – Bắc Triều Tiên: Các thanh tra của đảng trên sân cỏ

Radosław Leniarski

Lê Diễn Đức dịch

Tháng Sáu 18, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/06/18/world-cup-2010-b%e1%ba%afc-tri%e1%bb%81u-tien-cac-thanh-tra-c%e1%bb%a7a-d%e1%ba%a3ng-tren-san-c%e1%bb%8f/

Sau nhiều tháng tập hợp rèn luyện thể thao và học tập chính trị trên ba châu lục, Bắc Triều Tiên đã kìm chân rất lâu đội vô địch bóng đá thế giới Brazil. Để các cầu thủ không suy nghĩ về việc lựa chọn tự do, gia đình và bạn bè của họ đã và đang bị giữ làm con tin của chế độ Kim Jong-il (Kim Chính Nhật).

----------------------

Khi đội tuyển Bắc Triều Tiên trở về từ giải World Cup 1966, nơi họ đã đánh bại người Ý và đối đầu dũng cảm với Bồ Đào Nha, Lãnh tụ Vĩ đại Kim Il Sen (Kim Nhật Thành) vẫn không hài lòng, nên đã cho họ vào nhà tù một thời gian ngắn.

- “Bây giờ có thể cũng giống vậy, bởi vì Bắc Triều Tiên là một đất nước không thể đoán trước. Số phận của các cầu thủ ra sao sẽ được trả lời sau giải thi đấu” – Nicolas Levi của Trung tâm ở Ba Lan – Châu Á học cho biết. – “Các cầu thủ có thể bị đưa đi trại cải tạo lao động, có thể biến mất khỏi đời sống thể thao, và cũng có thể được nhận giải thưởng. Với thắng lợi ở World Cup họ còn có thể được cấp cả nhà ở”.

Hôm thứ Ba, Bắc Triều Tiên đã đấu một trận quyết liệt với Brazil, nhưng thua 1-2.

.

Tư tưởng của Lãnh tụ Vĩ đại trong đầu sau tay lái của xe Hummer

Các cầu thủ dũng cảm là ai? Huấn luyện viên Kim Jong-hun lựa chọn cầu thủ chủ yếu từ các đội của Bắc Triều Tiên, bao gồm các câu lạc bộ phòng của ban ngành, nhưng nhiều nhất từ câu lạc bộ Quân đội Nhân dân, thuộc Bộ quốc phòng, một đội bóng giành được nhiều chiến thắng nhất. Nhưng cũng có ba cầu thủ chơi ở nước ngoài. Thú vị nhất trong số này là cầu thủ được gọi là “Rooney của Nhân Dân” Jong Tae-se, từ lúc sinh ra đã sống ở Nhật Bản, có mẹ là phụ nữ Bắc Triều tiên, cha là người Hàn Quốc.

“Rooney của Nhân Dân” học ở trường của Hội văn hoá Chongryon được tài trợ bởi chế độ cộng sản Bình Nhưỡng, trong đó người ta dạy tư tưởng của Lãnh tụ Vĩ đại. Một hiệp hội như thế – Nhật Bản biết rất rõ, vương triều ở bờ biển phía bên kia muốn gì – được dung dưỡng trong khuôn khổ buộc Nhật Bản xin lỗi về sự chiếm đóng bán đảo Triều Tiên cho đến khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II.

Chính hiệp hội Chongryon đã tài trợ cho các thành viên của mình đến Nam Phi xem các trận đấu của Bắc Triều Tiên trong giải World Cup 2010 với số tiền 6.500 đô la. Ngoài khoảng 300 cổ động viên còn có thể nhìn thấy trên sân vận động khoảng 200 binh sĩ mặc trang phục thống nhất, đội cùng một loại mũ, nhưng không bắt buộc gắn phù hiệu chân dung của Lãnh tụ Vĩ đại, như là biểu tượng của người chỉ huy. Khi phóng viên hỏi tên của các cầu thủ, một trong số họ thẳng thắn nói: -“Tôi không biết tên một cầu thủ nào cả!”.

- “Những cổ động viên khác còn là những người Trung Quốc, họ thường xuyên đến cổ vũ cho nước láng giềng bị thiếu cổ động viên đồng hương trong trận đấu” – Levi giải thích. Bắc Triều Tiên với tư cách tham gia World Cup nhận được rất nhiều vé, các đại lý du lịch nhượng lại cho những người Trung Quốc thân thiện.

Tinh thần học tập tốt của Jong Tae-se ở Chongryon đã thuyết phục các nhà chức trách Bình Nhưỡng, nên anh được cấp hộ chiếu – Đây cũng là cố gắng của anh khi từ chối nhập quốc tịch Hàn Quốc để được đứng vào đội tuyển.

- “Jong Tae-se đã suy nghĩ rõ ràng rằng, anh sẽ được nhìn nhận hơn khi làm một cầu thủ trong đội tuyển Bắc Triều Tiên. Ở Hàn Quốc anh chỉ là một trong rất nhiều cầu thủ bình thường, nhưng ở miền Bắc là ngôi sao” – Levi nói. Nhưng anh lại từ một thế giới khác. Hàng ngày anh sống ở Nhật Bản và như người Nhật Bản, anh hít thở đời sống sở tại và lái chiếc xe Hummer lớn. Khi đến Bắc Triều Tiên tập trung, anh mang theo một cái Nintendo và chơi games trên điện thoại di động lúc ở phòng thay quần áo, không ai trong đội tuyển hiểu được chúng là cái gì. Tại Bắc Triều Tiên, hệ thống điện thoại di động mới có một năm nay và chỉ 53 ngàn người được chọn lựa cho phép sử dụng. Không có cầu thủ nào trong số này.

Trong sự so sánh với những người dân nghèo khó, các cầu thủ bóng đá và các huấn luyện viên có cuộc sống ở Bắc Triều Tiên quá sung sướng. Huấn luyện viên có căn hộ 200 mét vuông ở thủ đô, còn cầu thủ thì 150 mét vuông – đó là phần thưởng cho việc lọt vào chung kết dự World Cup – cộng với xe hơi, thường là Fiat hoặc Mercedes mới. Có nghĩa là xe hơi thuộc thế hệ những năm 70, nhưng vẫn còn được sản xuất tại nhà máy của Bắc Triều Tiên. Bản thân Lãnh tụ Vĩ đại rất thích loại Mercedes này.

.

Thần hộ vệ đang bám sát

Trong chuyến đi Nam Phi các đại diện của đội bóng được hưởng chế độ ăn uống với số tiền 5.000 USD. Nhưng nếu họ ra khỏi khu vực tập trung của đội tuyển hay khách sạn, luôn luôn có người giám hộ bám theo.

- “Nếu đi một mình, họ phải viết báo cáo. Trước hết, họ có nghĩa vụ không được kể lại trong nước về những gì họ đã nhìn thấy ở nước ngoài” – Levi nói.

Cầu thủ và huấn luyện viên không được trả lời về bất kỳ điều gì trong các cuộc họp báo ngoài chủ đề thể thao. Các câu hỏi như: – “Ông là người xây dựng đội tuyển hay Lãnh tụ Vĩ đại?” – đưa ra trước trận đấu với Brazil đã bị người điều khiển của FIFA loại bỏ theo yêu cầu của phía Bắc Triều Tiên. Cũng tương tự sau trận đấu, khi được hỏi về khả năng truyền hình có thể phát sóng các trận tiếp theo. Bắc Triều Tiên được cấp quyền phát sóng miễn phí, nhưng chỉ phát tóm lược các trận đấu vào buổi tối.

Nguyên tắc tại thời điểm vòng loại World Cup là những người hoạt động trong đoàn của Bắc Triêu Tiên lấy các câu hỏi từ các nhà báo ghi trên mảnh giấy và thông báo rằng, sẽ trả lời sau.

Những người đi kèm không chỉ riêng lúc các cầu thủ tập trung và trong các giải đấu. Họ có mặt bên cạnh cả những cầu thủ chơi dài hạn ở các nước khác, mặc dù các cầu thủ “nước ngoài” thường từ một gia đình được cách mạng. Riêng trường họp của Jong Tae-se là không có thần bảo hộ đỏ trong câu lạc bộ Nhật Bản Kawasaki.

Người giám hộ của đảng sống trong phòng khách sạn của đội trưởng Hong Yong-jo ở Rostov-on-Don. Điều này cũng áp dụng cho một số cầu thủ Bắc Triều Tiên khác- không thuộc đội tuyển – là những người chơi ở Latvia (không biết bằng phép lạ nào, bởi vì Latvia không có quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên), Thụy Sĩ, Serbia, Macedonia, và dĩ nhiên ở Nhật Bản. Trả tiền cho thời gian cư ngụ của họ thường là Đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại nước đó. Tất cả đều thường xuyên được học tập ý thức hệ, hoặc đọc những tư tưởng của Lãnh tụ Vĩ đại trong cuốn sách của ông. – “Công việc học tập như thế cũng áp dụng cho đội tuyển trước khi luyện tập. Không thể xem nhẹ những bài học này, bởi vì các thanh tra của đảng luôn có mặt trong đội hình” – Levi nói.

Nhà cầm quyền muốn được đảm bảo rằng, đại diện của họ không phản bội giống như huấn luyện viên Moon Ki-nam bảy năm trước đây đã trốn sang Hàn Quốc. – “Gia đình của Moon bị đưa vào trại cải tạo. Nhà cầm quyền cho sự bỏ trốn là tội phản bội tồi tệ nhất, nên trừng phạt hai đời gia đình của người đào ngũ, cộng với một phạm vi rộng bạn bè” – Levi nói.

Moon đã kể rằng, hình thức nhục hình đã được sử dụng trong đội bóng.

- “Tôi không muốn nghĩ rằng, thực tế đúng như vậy. Tại Bắc Triều Tiên, hình phạt cho hành vi xấu được sử dụng như bị cúp điện ba ngày hay bị nhốt trong phòng” – Levi nói. – “Tuy nhiên, rất có khả năng người Triều Tiên lại sử dụng chất doping bất hợp pháp như họ đã làm trong World Cup 1966”.

.

Nguồn: Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza 17/06/2010

Bản tiếng Việt © Lê Diễn Đức

.

.

.

No comments: