Wednesday, November 12, 2008

NHÌN LẠI KẾT QUẢ BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

Nhìn Lại Kết Quả Bầu Cử
Vũ Linh
Việt Báo Thứ Tư, 11/12/2008, 5:18:00 PM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=137035

Ứng viên Dân Chủ Barack Obama đã thắng cử. Chiến thắng của ông rõ ràng, không ai có thể đặt bất cứ câu hỏi nào hết. Ông thắng với hơn 65 triệu phiếu, hay gần 53%, hơn ông McCain gần 8 triệu phiếu. Đây là những con số kỷ lục. Năm 2000, Al Gore thắng Bush 500,000 phiếu nhưng thua phiếu cử tri đoàn. Năm 2004, Bush thắng Kerry với 3 triệu phiếu. Trong lịch sử cận đại Mỹ, chỉ có một tổng thống duy nhất là Jimmy Carter đã thu được hơn 50% tổng số phiếu, với 50,1%, thua xa Obama.
TNS Obama có những lợi thế to lớn ngay từ đầu. Nghĩ cho cùng, những lợi thế này quá lớn và bất chấp mọi cố gắng, ông McCain vẫn không vượt qua nổi.
Công bằng mà nói, khi lựa TNS John McCain, đảng Cộng Hòa đã lựa ứng viên mạnh nhất của họ. Trong hàng ngũ các ứng viên Cộng Hòa chạy đua sơ bộ, không ứng viên nào khác có tư thế mạnh bằng ông McCain. Nhưng hiển nhiên là ứng viên mạnh nhất của Cộng Hòa trong tình huống hiện nay cũng vẫn chưa đủ để vượt qua những mô đất quá lớn trước mặt.
Đây là lúc chúng ta có thể kiểm điểm lại những lợi thế rõ ràng của ông Obama. Phải nói ngay là có khá nhiều yếu tố đã đưa ông Obama đến chiến thắng. Chúng ta sẽ không thể vào chi tiết hết được.

Có hai yếu tố hết sức quan trọng, mà thật sự không có tính cách quyết định nên khỏi cần phải bàn nhiều. Đó là các vấn đề tiền và sự thiên vị của truyền thông.
Ông Obama đã “lấy tiền đè người”, tung ra hơn bẩy trăm tỷ để “mua” Tòa Bạch Ốc thật. Nhưng vấn đề là đây không phải là tiền túi của ông, mà là tiền thiên hạ yểm trợ. Nếu ông McCain có được số tiền đó thì ông cũng sẽ không ngần ngại dùng tiền để mua Tòa Bạch Ốc như Obama thôi. Do đó, vấn đề cần xét là tại sao có sự yểm trợ mạnh mẽ đó.
Sự thiên vị của truyền thông đối với các ứng viên cấp tiến không phải là chuyện mới lạ, mà đã có từ cả nửa thế kỳ nay. Nhưng các ông Nixon, Reagan, Bush (cha), Bush (con) đều đã vượt qua được khó khăn ấy. Vấn đề là tại sao McCain không vượt qua được.

LỢI ĐIỂM # 1: DI SẢN CỦA TT BUSH
Lịch sử cho thấy dân Mỹ là thứ dân ngồi không yên, luôn luôn tìm cái mới lạ để tiến lên chứ không bao giờ chịu đứng yên một chỗ, chứ đừng nói là de lui. Rất ít khi một đảng được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ. Một biệt lệ xẩy ra khi Phó tổng thống Bush (cha) được đắc cử tiếp theo tám năm của TT Reagan. Chẳng qua vì sự thành công đặc biệt của TT Reagan thôi. Ngay cả Al Gore cũng không giữ quyền được sau tám năm tương đối thành công của TT Clinton.
Bây giờ, sau tám năm của Bush, dân Mỹ muốn thay đổi.
Ý muốn thay đổi năm nay mạnh hơn bất cứ lúc nào khác vì triều đại của Bush là một chuỗi dài khó khăn ngay từ những ngày đầu vừa chân ướt chân ráo dọn vào tòa Bạch Ốc, cho đến ngày thu xếp đồ đạc về quê Texas. Chưa hết cơn khủng hoảng thị trường chứng khoán “dot.com” thì lại gặp vụ khủng bố tấn công 9/11. Rồi đến cuộc chiến Afghanistan và Iraq. Vài tháng trước khi về quê, lại bị vụ khủng hoảng tài chánh. Nội bộ đảng Cộng Hòa thì hết xì-căng-đan về gái và trai, đến lem nhem tham nhũng trong đám dân biểu nghị sĩ. Và cả hai, ông Bush và đảng Cộng Hòa bên Quốc hội, đều xài tiền như nước!
Dân Mỹ chán ngấy mấy ông Cộng Hòa đến tận cổ. Mà ông McCain cũng không chứng tỏ được ông có khả năng hay ý chí muốn tách xa khỏi TT Bush.

LỢI ĐIỂM # 2: KHỦNG HOẢNG TÀI CHÁNH
Dân Mỹ vẫn có thành kiến đảng Dân Chủ là đảng của nhà nghèo và trung lưu, đảng của Nhà Nước bao che cho dân, lo cho họ nhiều hơn là đảng Cộng Hòa, là đảng của dân nhà giàu, của tài phiệt. Tám năm thống trị của “tài phiệt Cộng Hòa” theo lập luận của phe Dân Chủ đã đưa đến tình trạng khủng hoảng nhà cửa, khủng hoảng ngân hàng, trực tiếp đe dọa nhà cửa, và công ăn việc làm, đời sống hàng ngày của dân nghèo và trung lưu.
Cho đến giữa tháng Chín, cuộc chạy đua vẫn ngang ngửa. Rồi cái mà truyền thông gọi là “bất ngờ Tháng Mười” nổ bùng từ tháng Chín qua những xáo trộn của thị trường chứng khoán, những cảnh các đại ngân hàng liên tục xập tiệm, cảnh Nhà Nước tung hàng trăm tỷ tiền thuế của dân ra để cứu vớt các tài phiệt -cho dù hình ảnh đó là sai hoàn toàn- đã làm dân Mỹ tránh xa Cộng Hoà và gần lại với Dân Chủ hơn. Vì họ nghĩ Dân Chủ cũng là đảng có khả năng điều hành kinh tế giỏi hơn đảng Cộng Hòa là đảng mạnh hơn về quốc phòng và an ninh.
Chính ông McCain còn củng cố thành kiến này khi thú nhận ông cũng không rành về vấn đề kinh tế cho lắm. Chẳng hiểu ông quá thật thà hay quá lẩm cẩm. Có khi là cả hai!
Bây giờ là lúc đời sống kinh tế là vấn đề sinh tử trước mắt. Hai phần ba dân Mỹ cho rằng kinh tế là ưu tư hàng đầu của họ. Do đó cũng là lúc trao con thuyền quốc gia cho Dân Chủ. Thêm vào đó, tâm lý quần chúng, như bầy con trẻ, là khi gặp khó khăn thì dễ có ý nương tựa vào Nhà Nước hơn. Bây giờ tình hình rối beng, nên lập trường của phe Dân Chủ, gia tăng sự can thiệp của Nhà Nước, được chấp nhận dễ hơn.

LỢI ĐIỂM # 3: MÀU DA ĐEN
Các báo cấp tiến một mặt ca tụng cuộc bầu cử năm nay có tính cách lịch sử vì là lần đầu tiên một ứng viên da đen làm đại diện cho một chính đảng và có hy vọng vào Tòa Bạch Ốc. Mặt khác họ cũng rao giảng trong cuộc chạy đua này rằng màu da của ứng viên không là yếu tố quan trọng. Hai mệnh đề hoàn toàn trái ngược!
Nếu màu da không là vấn đề thì sao lại coi chuyện ông Obama làm tổng thống là biến cố lịch sử?
Nếu không phải vì màu da thì làm sao giải thích 97% dân da đen ùn ùn bỏ bà Hillary, vợ của người đã từng được dân da đen gọi là "Tổng thống da đen đầu tiên", để chạy theo Obama? Ông Obama đã làm gì cho dân da đen để được sự hậu thuẫn đó?
Thật ra, màu da của ông Obama đã là một yếu tố cực kỳ quan trọng.
Không phải vì lá phiếu ông thu được từ khối dân da đen. Từ thời TT Johnson đến giờ, khối dân da đen luôn luôn bỏ phiếu cho ứng viên Dân Chủ với tỷ lệ trên dưới 90%, bây giờ ông Obama có được 97% phiếu của dân da đen cũng không có gì đáng nói. Người ta cũng để ý thấy ông Obama lại thua tại tất cả những tiểu bang nhiều dân da đen tại miền Nam. Rõ ràng là ông Obama đã thắng nhờ phiếu của dân da trắng trung lưu tại các tiểu bang bản lề vùng đại hồ, và dân da trắng trẻ và trí thức khắp nơi, chứ không phải nhờ phiếu dân da đen.
Một số lớn những thành phần trẻ và trí thức không để ý đến màu da của Obama thật. Nhưng không ít người vẫn mang mặc cảm kỳ thị và tội lỗi nên đã bỏ phiếu cho ông để hoặc là chuộc lỗi, hoặc là chứng minh mình đã văn minh hơn.
Và yếu tố quan trọng nữa là màu da đen đã trở thành bức bình phong làm bia đỡ đạn cho ông Obama. Bất cứ lời chỉ trích hay đặt vấn đề nào của phe Cộng Hòa cũng được biến ngay thành chuyện kỳ thị da màu. Làm cho ông McCain nhiều khi há miệng không được. Thậm chí có lúc lại còn phải ra mặt bênh vực Obama, là người đàng hoàng, đáng phục chứ không đáng sợ.

LỢI ĐIỂM # 4: THÔNG ĐIỆP KHÁC BIỆT
TNS Obama là người không có quá trình. Do đó thông điệp của Obama bắt buộc phải là những hứa hẹn về tương lai. TNS McCain trái lại có quá trình dầy cộm, và ông luôn luôn nhắc nhở mọi người về những thành tích đó.
Kết quả thực tế là người ta nghe một thanh niên trẻ nói về những hứa hẹn cho một tương lai đẹp đẽ, và một ông già cứ nhắc lại những chuyện oai hùng quá khứ.
Thông điệp của Obama cũng là “thay đổi toàn diện”, một thứ cách mạng ôn hòa trong dân chủ. Trong khi thông điệp của McCain là cải cách, chống tham nhũng và thối nát của Hoa Thịnh Đốn. Trước những khủng hoảng liên tục đe dọa đến nhà cửa, việc làm, và túi tiền của người dân, tham nhũng ở thủ đô là chuyện quá nhỏ, dân Mỹ không để ý tới.
Ông Obama cũng giữ vững chiêu bài duy nhất: “Thay Đổi và Hy Vọng” từ đầu đến đuôi, luôn luôn nói về tương lai lâu dài cho cả thế hệ trẻ.
Trong vấn đề này, ông McCain rõ ràng đã thua xa. Thông điệp của ông thay đổi thường xuyên. Từ sự thiếu kinh nghiệm của Obama, đến Iraq; lúc thì chống tham nhũng ở Hoa Thịnh Đốn, lúc thì nêu vấn đề thuế; hết la hoảng vụ mục sư Wright thì lại tung hô Joe The Plumber; từ tay khủng bố Bill Ayers đến chủ trương tái phân lợi tức từ dân giàu cho người nghèo nhuốm mùi xã hội chủ nghĩa,…
McCain không có sự tập trung vào một chủ đích rõ rệt, khiến cho phe đối lập có thể mô tả ông như một người theo cơ hội chủ nghĩa, nói và làm lung tung, miễn sao cá nhân mình thắng được thì thôi. Vẫn bận rộn tìm kiếm lý do để thuyết phục người ta bỏ phiếu cho mình. Khác với Obama là có một viễn kiến lâu dài cho đất nước.
Cũng không ai phủ nhận được biệt tài nói rất giỏi, rấy hay, rất có lý, rất hùng hồn của ông Obama không cần biết nói sai hay nói đúng, nói láo hay nói thiệt.
Trong xã hội tân thời, có hai nghề cần miệng lưỡi nhất, đó là luật sư và chính trị gia. Không có miệng lưỡi thì đừng hy vọng chen chân vào những nghề này! Oabma là luật sư đi làm chính trị, là hợp cách!

LỢI ĐIỂM # 5: GUỒNG MÁY VẬN ĐỘNG TRANH CỬ
Ông Obama bị chỉ trích là không có một chút kinh nghiệm về quản lý. Ông phản ứng bằng cách khoe tài quản lý cuộc vận động tranh cử của ông. Thoạt nghe thì thấy như cãi chầy cãi cối. Nhưng nhìn lại cho kỹ, sự thành công của ông một phần rất lớn là nhờ tổ chức vận động bầu cử hầu như tuyệt hảo của ông.
Từ đầu đến đuôi, rất quy mô, rất hiệu quả, rất kỷ luật.
Ngay từ đầu, ông đã thành công trong giai đoạn khó khăn nhất: hạ được bà Hillary và cả guồng máy chính trị của đảng Dân Chủ.
Ông tạo ra được một sự hậu thuẫn gần như cuồng tín trong giới trí thức khá giả và trẻ, chẳng những thu được tiền mà còn thu được tài năng về thông tin điện toán của họ để dùng trong cuộc chạy đua. Cuộc vận động tranh cử của Obama đã là một chiến dịch tiếp thị chính trị -political marketing- quy mô, tân tiến, tốn kém, và vĩ đại chưa từng thấy.

LỢI ĐIỂM # 6: NHỮNG SAI LẦM CỦA ÔNG MCCAIN
Đã vậy, ông McCain cũng đã phạm phải nhiều lỗi lầm nghiêm trọng trong cuộc chạy đua với ông Obama.
Lỗi lầm lớn nhất có lẽ là đã tấn công ông Obama không đúng chỗ, không trúng tử huyệt.
TNS Obama có hai nhược điểm lớn nhất là quá trình quá mong manh, và lập trường thiên tả nhất trong các ứng viên tổng thống từ trước đến nay. Đúng ra, đây phải là mũi dùi tấn công của phe Cộng Hòa. Trong cuộc chạy đua với ông Obama, bà Hillary đã tung ra cái quảng cáo gọi là “ba giờ sáng”. Đại ý thì bà đặt vấn đề nếu nửa đêm, ba giờ sáng, có một biến cố khẩn cấp liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, thì ông Obama đã sẵn sàng chưa? Đây là lập luận nặng ký nhất của Hillary đánh Obama, và ngay sau đó, hậu thuẫn của Obama rớt đài mau chóng tại Ohio, Pennsylvania, Virginia, vì mọi người thấy rõ Obama chưa sẵn sàng. Chỉ tiếc cho bà Hillary là quảng cáo tung ra quá muộn, sau khi Obama đã nắm chắc số phiếu cử tri cần thiết để loại bà.
Nếu so với bà Hillary thì ông McCain còn có tư thế sẵn sàng trả lời chuông điện thoại vào lúc ba giờ sáng hơn bà Hillary rất xa. Vậy mà vì lý do nào đó, ông đã không khai thác yếu tố quan trọng này.
Đã vậy, ông lại tự phá đi cái lập luận trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm chống Obama này khi lại chọn bà Palin đứng cùng liên danh. Bà thống đốc này còn trẻ hơn Obama và có quá trình mỏng manh không thua gì ông Obama. Làm cho ông McCain không thể dùng lập luận “ba giờ sáng” được nữa.
Điểm yếu thứ hai của Obama là lập trường cấp tiến thiên tả, nói như Obama nói là “san sẻ sự giàu có”. Lập trường này nghe rất nặng mùi xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại những giấc mộng tự lực cánh sinh, tự do làm giàu của đại đa số dân Mỹ, kể cả thành phần tiểu thương. Quan trọng hơn nữa, đây là vấn đề liên hệ trực tiếp đến túi tiền của thiên hạ trong những ngày kinh tế bất ổn. Vấn đề đóng thuế cực kỳ quan trọng, nhưng ông McCain không giải thích rõ ràng một cách cụ thể và dễ hiểu cho mọi người, mà cứ lập đi lập lại lập luận tổng quát ông Obama sẽ tăng thuế, trong khi ông Obama nói rất rõ ràng minh bạch là ông sẽ cắt thuế cho 95% dân Mỹ.
Ông McCain thực sự phải đợi đến lúc anh Joe The Plumber xuất hiện với câu hỏi giản dị của anh thì mới xác định được lập trường về thuế của ông một cách rõ ràng hơn, tạo sự chú ý của dân Mỹ nhiều hơn.Nhưng cũng không khác gì quảng cáo “ba giờ sáng” của bà Hillary, ông đã tìm ra vũ khí quá muộn.
Một yếu tố quan trọng khác đã không được ông McCain chú tâm ngay từ đầu.
Trong tình thế hiện tại, rất có nhiều hy vọng đảng Dân Chủ sẽ thắng lớn tại Quốc hội, thậm chí có thể còn chiếm được đa số tuyệt đối kiểm soát được cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Với sự đắc cử của Obama, đảng này sẽ nắm luôn Hành Pháp.
Trong vài năm tới, sẽ có ít ra là hai hay ba thẩm phán Tối Cao Pháp Viện về hưu. Với một tổng thống Dân Chủ và một quốc hội Dân Chủ, thế nào những thẩm phán này cũng sẽ được thay thế bằng những thẩm phán “phe ta”. Như vậy cả ba ngành Lập Pháp, Hành Pháp, và Tư Pháp, sẽ đều do một đảng kiểm soát trọn vẹn. Thêm vào đó, giới truyền thông cũng đã hoàn toàn chui vào trong mền của ông Obama rồi.
Đây là một tình trạng tập trung tất cả tứ quyền (hành pháp, lập pháp, tư pháp và báo chí) trong một phe, cực kỳ tai hại, vì Dân Chủ sẽ có dịp thao túng toàn diện chính trường Mỹ, để lại những chính sách thiên tả có ảnh hưởng rất lâu dài. Tốt hay xấu thì chưa biết, mà chỉ biết là guồng máy chính quyền sẽ không còn sự cân bằng và kiểm soát lẫn nhau nữa. Chưa nói tới việc ban tranh cử của Obama sẵn sàng trừng phạt đài truyền hình nào nêu câu hỏi hóc búa và hứa hẹn vận động Quốc hội làm luật đóng cửa các đài phát thanh địa phương, vốn có lập trường và quần chúng bảo thủ hơn.
Đây phải là điểm mà ông McCain phải nhấn mạnh ngay từ đầu, nhưng lạ lùng thay, không ai nghe ông McCain rung chuông báo động gì hết.
Thay vì chú tâm vào các vấn đề thực sự quan trọng nêu trên ngay từ đầu, ông McCain lại tập trung mũi dùi tấn công vào những chuyện thật sự… lãng nhách, có tính cách cá nhân, không liên hệ trực tiếp đến đời sống của cử tri, chẳng gây tác động gì, mà chỉ thấy dân Mỹ nhún vai. Ông McCain tố ông Obama có liên hệ với guồng máy chính trị bẩn thỉu Chicago. Chính trị gia nào mà không có liên hệ với một guồng máy chịnh trị bẩn thỉu? Ông tố Obama có liên hệ với tài phiệt Rezko đang bị ra tòa. Thì chính ông McCain cũng từng liên hệ với tài phiệt Keating đã từng bị tù. Ông tố Obama có liên hệ với cựu khủng bố Bill Ayers, nhưng đó là chuyện của thời thập niên 60 khi chống chiến tranh Việt Nam là chuyện bình thường. Không ai tin Obama là một tên khủng bố.
Vì không nói về chính sách mà đánh cá nhân nên McCain bị truyền thông tố là chơi bẩn. Uy tín của ông bị sứt mẻ nặng nề.

LỢI ĐIỂM # 7: SỰ CHỌN LỰA BÀ SARAH PALIN
Thêm vào đó, nghĩ cho cùng việc ông McCain lựa bà thống đốc Sarah Palin cũng đã là một sai lầm chiến lược quan trọng. Không phải vì bà này là một mụ nhà quê ngớ ngẩn như truyền thông cấp tiến mô tả. Bà Palin chắc chắn đã gây chấn động và huy động tinh thần khối bảo thủ như McCain mong đợi thật. Bà thu hút được lá phiếu cơ sở và sau khi thất cử vẫn được 64% đảng viên cho rằng sẽ là lãnh tụ Cộng Hoà trong tương lai (so với 12% hay 11% của các nguyên thống đốc Mitt Romney hay Mike Huckabee). Nhưng cái lợi này nhỏ hơn cái hại lớn.
Ông Obama từ trước đến giờ không ăn bứt được vì thiên hạ vẫn còn nhiều câu hỏi rất lớn đối với ông. Ông là ai, lập trường thế nào? Khả năng ra sao? Kinh nghiệm ở đâu? Bất ngờ ông McCain chọn bà Palin, một người không ai biết đến, cũng chẳng có kinh nghiệm gì ghê gớm. Như đã bàn ở trên, ông McCain mất ngay cái vũ khí “kinh nghiệm” để dùng chống Obama.
Nhưng quan trọng hơn nữa, tất cả các câu hỏi đặt ra cho Obama bây giờ được chuyển qua bà Palin, dĩ nhiên với sự tiếp tay tích cực của truyền thông. Người ta đặt câu hỏi về bà Palin nhiều hơn là lo sợ về ông Obama. Dù sao thì ông Obama, sau gần hai năm tranh cử, đã trở thành một khuôn mặt quen thuộc hơn khuôn mặt mới toanh của bà Palin.
Số phiếu bà Palin huy động được trong khối bảo thủ cuối cùng thì cũng chưa bằng số phiếu của các thành phần phụ nữ và độc lập nghi ngờ bà mà chạy qua bên kia! Qua những câu hỏi ấy, người ta cũng đâm ra nghi ngờ sự tính toán của ông McCain và khả năng xét đoán của ông luôn.

LỢI ĐIỂM # 8: Ý TRỜI!
Cách đây một năm, ưu tư lớn nhất của dân Mỹ là cuộc chiến Iraq và vấn đề an ninh nội bộ chống khủng bố. Ông McCain hưởng lợi lớn vì ông là người được dân Mỹ tin tưởng có khả năng và kinh nghiệm cần thiết để ứng phó với các vấn đề quốc phòng an ninh. Cách đây nửa năm, giá dầu xăng tăng vùn vụt. Ông McCain kêu gọi khoan mỏ dầu mới và được ngay sự đồng ý của hơn hai phần ba dân Mỹ.
Ngày nay, nhờ sự thành công của kế hoạch đôn quân của TT Bush, tình hình Iraq lắng dịu, tin tức Iraq biến khỏi mặt báo. Giá xăng cũng đột ngột rớt từ hơn bốn đô xuống còn khoảng hai đô một ga-lông. Chẳng ai thắc mắc chuyện khoan mỏ dầu nữa.
Hai lợi thế then chốt của ông McCain bất ngờ biến mất.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chánh nổ bùng ra. Mà trong đầu người dân Mỹ, kinh tế tài chánh chính là sở trường của đảng Dân Chủ.
Bảo sao sự hậu thuẫn của ông McCain không rớt? Ý trời?
Cuối cùng thì bánh vẽ ông Obama đưa ra trông quá ngon, hơn một nửa dân Mỹ muốn thử. Bốn năm tới sẽ là thời gian chúng ta xem tài làm bánh thật của tổng thống Obama. Giới truyền thông và những người ủng hộ Obama đang say sóng, vui mừng nhẩy múa, nhưng giới kinh tế tài chánh có vẻ dè dặt hơn nhiều. Trong hai ngày ngay sau khi TNS Obama đắc cử tổng thống, thị trường chứng khoán rớt ngay 1.000 điểm, 10%. Kinh tế Mỹ mất 1.500 tỷ (9-11-08).
Vũ Linh


Con người của chữ nghĩa làm thơm thế giới
Bùi Tín
Đăng ngày 11/11/2008 lúc 13:27:13 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3256
Thật là thú vị khi được biết tổng thống Mỹ Barack Obama mới được bầu không những là nhà báo có tay nghề vững, từng nhiều năm là tổng biên tập tuần báo Luật pháp của trường đại học hàng đầu nước Mỹ Havard, còn là một nhà thơ và nhà văn có hạng.

Obama làm thơ sớm, năm 19 tuổi (1981), khi là sinh viên đã có 2 bài thơ đăng trên tạp chí văn Feast, được bàn đến từ tháng 7-2007 trên báo The New Yorker, được các nhà bình luận văn học nhận xét là có tư tưởng cấp tiến, có phong cách hình tượng và bút pháp riêng.

Năm 2005, Obama đưa in cuốn sách Dreams of my Father (Những giấc mơ của Cha tôi), kể lại cuộc đời nhọc nhằn của người cha gốc Kenya châu Phi, sang đảo Hawaii lập nghiệp rồi lại trở về quê cũ ở Kenya, với những giấc mơ đẹp chưa thành hiện thực. Sau đó Obama đưa in cuốn sách thứ 2: The Audacity of Hope (Ước vọng táo bạo), nói về sự nảy sinh của những ước vọng đẹp đẽ và khả năng thực tế thực hiện ước vọng ở thế hệ ngày nay.

Theo hãng CNN, hai cuốn sách này được bạn đọc Mỹ, nhất là bạn trẻ tìm đọc trước khi Obama là ứng cử viên tổng thống, bán được hàng triệu cuốn, là những văn phẩm "bestseller" (sách bán chạy nhất) đầu thế kỷ 21.

Thật đáng mừng, tổng thống trẻ tuổi của nước Mỹ không những là một trí thức thực sự, loại hiểu biết cao rộng, còn là một nhà báo tài năng, cũng là một thi sĩ có hạng và một nhà văn được ưa chuộng.

Không phải ai khác, chính nữ văn sĩ Mỹ giải báo chí Pulitzer 1988, giải Nobel văn học 1993 Toni Morrison, gốc da đen, bang Ohio, đã hứng khởi chào mừng tân tổng thống Obama rằng: tôi trẻ hẳn lại (bà 87 tuổi), được sống cùng thời với Obama, được có một tổng thống không phải chỉ chung một màu da, mà đáng mừng hơn nhiều, "tổng thống thứ 44 của chúng ta là một con người của chữ nghĩa, là một người làm vẻ vang cho ngòi bút".

Có lẽ đây là một lời khen thú vị nhất, đáng mừng nhất, sâu sắc hơn cả về tổng thống Obama.

Anh em trí thức, văn nghệ sĩ chân chính ở trong nước chắc cũng vui thêm khi được tin này. Tôi nghĩ đến niềm vui thú của anh chị em ở bên nhà, như Võ Thị Hảo, Trần Thị Hồng Sương, Trần Khải Thanh Thuỷ, Dương Tường, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, và biết bao nhà văn, nhà văn hoá khác...

Con người của chữ nghĩa khai phóng làm thơm tho thế giới.

Những người cầm quyền tối tăm, nghèo văn hoá, thù nghịch với báo chí tự do, chỉ làm ô nhiễm, huỷ hoại đất nước họ thống trị.


Paris 11-11-2008
Bùi Tín

No comments: