Sunday, November 30, 2008

CÁC THÁCH THỨC ĐÓN CHỜ OBAMA

Các thách thức to lớn đón chờ tổng thống tân cử Barack Obama
Mai Vân
Bài đăng ngày 30/11/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 30/11/2008 20:01 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/107/article_1750.asp
Ngay sau khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống, mọi người đã ký thác vào ông rất nhiều mong ước, Những kỳ vọng rất lớn đã trở thành những thách thức đặt ra cho vị Tổng thống tân cử Mỹ, trải rộng từ lãnh vực kinh tế, xã hội, cho đến ngoại giao, môi trường. Giới phân tích đặc biệt chú ý đến việc cải thiện tình hình nền kinh tế là đầu tàu của thế giới, giải quyết hệ quả của cuộc chìến tranh Irak, điều chỉnh đưòng lối ngoại giao để tôn cao trở lại uy tín của Hoa Kỳ.
Chưa bao giờ một tổng thống đươc bầu lên ở Hoa Kỳ lại làm dấy lên một làn sóng hân hoan như thế trên cả thế giới, và cũng chưa bao giờ một nguyên thủ nhà nước Mỹ lại đứng trước nhiều thách thức nặng nề như những gì đang chờ đợi nguời thừa kế ông G. W. Bush. Một số nhà quan sát đã ví công việc của ông Barack Obama sắp tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng giêng tới đây với các công trình của thần Hercule, trong huyền thoại Hy Lạp.
Niềm tin to lớn mà dân Mỹ cũng như toàn thế giới đặt vào vị Tổng thống tân cử Hoa Kỳ rốt cuộc càng làm cho ông Obama cảm thấy gánh càng nặng hơn, vì phải làm thế nào để không gây thất vọng. Ông đã báo trước là con đường sẽ khó khăn, nhưng người ta vẫn chờ đợi phép lạ.

Mười thách thức đối với ông Obama

Ngay từ khi ông Barack Obama chiến thắng trong cuộc bấu cử ngày 04/11/2008, giới truyền thông, các chuyên gia phân tích cũng như các viện nghiên cứu đã nhất loạt liệt kê những công việc mà ông phải thực hiện trong cương vị lãnh đạo cường quốc số một trên hành tinh. Khái niệm ''10 thách thức đón chờ Barack Obama'' đã trở thành phổ biến, cho dù nội dung hay thứ tự các việc cần phải làm có khác nhau đôi chút.

Báo cáo của Viện Brookings Institution (Hoa Kỳ) nêu bật 10 thách thức chờ đón tổng thống mới của nước Mỹ. (Ảnh : Brookings Institution)
http://www.rfi.fr/actuvi/images/107/topten_RC_brookings_200_2008_11_30.jpg

Tầm vóc quốc tế của những thách thức đối với Tổng thống tân cử Mỹ đã được Viện Nghiên cứu Brookings Institution ở Hoa Kỳ nêu bật ngay vào đầu tháng 11 trong bản báo cáo mang tựa đề ''Mười thách thức toàn cầu về mặt kinh tế đối với Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ''.
Theo viện nghiên cứu này, 10 công việc mà ông Barack Obama phải sắn tay áo để giải quyết có thể tóm tắt như sau :
1. Tái lập ổn định tài chánh
2. Phát huy bảo vệ môi trường
3. Sử dụng ''Sức mạnh thông minh'' (Smart Power) để cải thiện hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế.
4. Củng cố thương mại toàn cầu
5. Lèo lái Trung Quốc, thế lực đang lên, vào quỹ đạo quốc tế
6. Thúc đẩy nước Nga hợp tác và tôn trọng các chuẩn mực quốc tế nhiều hơn.
7. Lôi kéo Ấn Độ vào nền kinh tế toàn cầu
8. Thiết lập quan hệ mới với Châu Mỹ Latinh
9. Yểm trợ cho châu Phi tăng trưởng
10. Theo đuổi một chương trình hành động tích cực đối với vùng Trung Đông.

Dù được mệnh danh là kinh tế, nhưng 10 thách thức nêu trên bao hàm mọi lãnh vực từ chính trị, ngoại giao, đến kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng đã đưa ra nhiều bản liệt kê 10 thách thức đối vớI ông Obama trong các lãnh vực cụ thể hơn là kinh tế hay ngoại giao.
Trong lãnh vực này, mọi ngườI đều nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới, từ bỏ chủ nghĩa đơn phương thời ông Bush để lưu tâm hơn tớI chủ nghĩa đa phương trong bang giao quốc tế. Về các hồ sơ cụ thể, đó là các thách thức liên quan đến việc chấm dứt ổn thỏa cuộc chiến tranh tại Irak, xử lý đúng đắn cuộc chiến tại Afghanistan, giải quyết hệ quả cuộc chiến chống khủng bố do người tiền nhiệm George Bush khởi động trong đó có hồ sơ nhạy cảm là nhà tù Guantanamo, hoá giải nguy cơ vũ khí hạt nhân đến từ Iran. Tất cả các hồ sơ đó sẽ góp phần hỗ trợ cho việc thúc đảy trở lại tiến trình hoà bình Trung Cận Đông đang bế tắc. Hồ sơ Nga, Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc cũng là những vấn đề mà tổng thống tân cử Mỹ phải tiếp tục xử lý.
Tuy nhiên, theo tất cả các nhà quan sát, thách thức quan trọng hàng đầu đang chờ đợI ông Barack Obama chính là làm sao kéo được kinh tế Mỹ ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay.

Thách thức quan trọng hàng đầu là chấn hưng kinh tế

Phép lạ trưóc tiên mà mọi người mong chờ ông Obama thực hiện là làm sao vực dậy nền kinh tế Mỹ, nâng cao cuộc sống người dân, như ông đã hứa trong cuộc vận động tranh cử.
Tổng thống tân cử của Hoa kỳ đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính đưọc đánh giá là thảm hại nhất từ năm 1929 đến nay, tác động nặng nề đến kinh tế.
Theo các chỉ số công bố vào hạ tuần tháng 11/2008, tăng trưởng Hoa Kỳ đã tụt giảm 0,5% vào quý 3 năm nay, mạnh hơn dự kiến 0,3% trước đây.
Một ví dụ về hoạt động kinh tế khó khăn, đó là ngành chế tạo xe hơi, được xem là cột sống kinh tế Hoa Kỳ đang bị thua lỗ đến mức phải cầu cứu Nhà nước giúp đỡ.
Hậu quả trên bình diện xã hộI rất lớn : thất nghiệp lên đến 6,5%, tỷ lệ cao nhất từ 14 năm qua. Theo kết quả điều tra của Reuters và Đại học Michgan, tinh thần các hộ gia đình đã sa sút, chỉ số tin tưởng giảm xuống mức thấp nhất từ 28 năm qua. Cũng dễ hiểu là mức độ tiêu xài mua sắm liên tục giảm sụt ở mức kỷ lục : 3,7% trong quý 3 này, và có thể giảm đến 5% ở quý tư năm 2008, trong khi mà mức đầu tư của các xí nghiệp cũng tuột dốc.
Phải nói là chính khủng hoảng kinh tế tài chính là một trong những yếu tố quyết định cho thắng lợi của ông Obama, do đó, người ta rất mong đợi ông trong lãnh vực này.
Trong thờI gian qua, ông đã đưa ra một loạt cam kết, trong đó có kế hoạch giúp đỡ người thất nghiệp, với chủ trương bơm tiền, giảm thuế để kích cầu, bảo hiểm xã hội cho mọi ngườI (hiện có 45 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế), tạm hoãn việc tịch biên nhà cửa của nạn nhân trong vụ subprime...
Tuy nhiên, thách thức đối vớI ông Obama là chính quyền tìm đâu ra tiền để thực hiện các cam kết, khi mà mức bội chi nhà nước đã lên khá cao : 455 tỷ đô la. Theo giới quan sát, thâm thủng ngân sách Hoa Kỳ trong tài khoá 2009 có thể vượt mức 1000 tỷ.
Theo bà Maya MacGuineas thuộc một hiệp hội giám sát ngân sách mang tên Comittee for a Responsible Federal Budget, với khoản thâm thủng tăng vọt thì ông Obama rất khó thực hiên đãy đủ những lời cam kết lúc tranh cử.
Hiện nay, số nợ của Nhà nước Hoa Kỳ, qua công trái phiếu là 10.000 tỷ đô la. Với kế hoạch cưú vãn ngân hàng đã thông qua, trị giá cả ngàn tỷ đô la, và bây giờ thực hiện lời hưá lúc tranh cử, (riêng mạng lưới bảo hiểm xã hội sẽ ngốn hàng ngàn tỷ đôla), nợ hiển nhiên sẽ chồng chất ngày càng cao, tiền lãi cũng vậy.

Thách thức đến từ Irak, Afghanistan và Iran

Thế giới chờ đợi nhiều nơi Obama trên mặt đối ngoại giải quyết những hồ sơ nóng, trong lúc ngườI Mỹ cũng chờ đợi nơi tổng thống mới một mặt để cải thiện hình ảnh nước Mỹ, và đặc biệt là giải quyết một vấn đề thiết thân với họ : hồ sơ Irak.
Đây là vấn đề ngay từ lúc ban đầu đã gây xích mích giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống. Ông Bush đơn phương hành động, dẫn đến nhũng hậu quả tai hại kéo dài đến hiện nay, và làm cho hình ảnh nước Mỹ xấu đi một cách tệ hại. Thách thức đối vơí ông Obama là thay đổi hình ảnh này, tăng cường vai trò của Hoa Kỳ, nhưng cũng chứng minh được là nước Mỹ của ông biết lắng nghe những đồng minh của mình nhiều hơn, tôn trọng phương thức đa phương giải quyết các vấn đề thế giơí. Thế giới đang chờ đợi xem bản lĩnh của ông Obama trong việc giải quyết 2 thách thức lớn là vấn đề Irak và Afghanis tăng.
Ông Obama đã hứa rút quân ra khỏi Irak. Kế hoạch của ông là rút phần lớn binh sĩ Mỹ trong vòng 16 tháng, kể từ ngày ông nhậm chức. Rút quân như ông nói trong ''tinh thần trách nhiệm'', tức là dành thờI gian cho chính phủ Irak củng cố lực lượng vũ trang của họ. Hiện nay số lính Mỹ đóng tại Irak là 150 000. Một số ít sẽ ở lại để chống khủng bố. Dĩ nhiên việc rút quân như thế là công việc phức tạp không đơn giản, tuy nhiên cái khó khăn nhất trong việc rút quân theo giới phân tích, không phải do Irak, mà là liên quan đến Iran.
Theo chuyên gia George Friedman, thuộc cơ quan tham vấn chính trị Stratfor, việc Mỹ rút quân sẽ mở cửa cho Iran vốn luôn muốn kềm chế Irak, họ xem đây là vấn đề an ninh quốc gia hàng đầu. Sự hiên diện của Hoa kỳ ở Irak, buộc Iran phải chấp nhận một chính quyền trung lập ở Bagdad. Do đó Hoa Kỳ rút quân đi, Teheran sẽ tìm cách đưa lên một chính phủ thân họ ở Bagdad. Sự việc tất nhiên sẽ gây bất bình nơi các đồng minh trong khu vực của Hoa Kỳ. Â rập Xeút, vôn rất e ngại Iran, Jordani cũng sẽ không hài lòng, và đặc biệt là Israel. Do đó ông Obama sẽ phải thương thuyết với Iran. Nếu không đạt đươc những bảo đảm từ phiá Iran, việc rút quân khỏi Irak sẽ có những hậu quả tai hại.
Nói chuyện vớI Iran, là một thách thức lớn khác đối với ông Obama vì theo Stratfor, ông Obama không có chủ bài trong tay để thuyết phục, hay đánh đổi vơí Iran, sao cho hai bên cùng có lợi lâu dài.
Obama sẽ lâm vào thế lưỡng nan, rút đi thì để lại hậu quả khó lường trong vùng, nếu để một số quân ở lại thì sẽ bị cử tri của ông chỉ trích. Điều chắc chắn ông sẽ làm nhiều ngườI thất vọng.
Với phân tích trên, rõ ràng là thế đứng của ông Obama khá tế nhị. Vì trên hồ sơ hạt nhân Iran hiện nay, cũng không thấy ông Obama có thể đề nghị gì hơn những nỗ lực hiện nay. Ông tuyên bố sẽ tiếp xúc vớI Iran không cần điều tiên quyết nào, nhưng vấn đề là dứt khoát Iran sẽ không từ bỏ việc làm giàu uranium. Câu hỏi đặt ra là họ có đang tăng cướng việc làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân hay không.
Bên cạnh Irak, Iran, hồ sơ gai góc khác là Afghanistan, tình hình ngày càng nguy hiểm hơn. Lực lương liên minh bị nhiều tổn thất. Ông Obama tuyên bố rút quân khỏi Irak để tập trung vào Afghanistang, đưa thêm quân đến đây, dẹp căn cứ Al Quaeda ở vùng biên giới với Pakistan.
Không kể hiệu quả các chiến dịch quân sự vãn hồi trật tự, vấn đề đặt ra cũng là vấn đề tài chính, nhân lực. Hoa Kỳ có thể nào cáng đáng hết hay không về nhân lực và tài lực ? Ong Obama sẽ phải kêu gọi đến các đồng minh Châu Âu và NATO, vốn cho đến giờ vẫn không mặn mà lắm với việc đua quân qua Afghanistan. Dân châu Âu không muốn con em họ bị chết ở Afghanistan. Thách thức đối với ông Obama do đó là làm sao thuyết phục được các đồng mình giúp đỡ Hoa Kỳ một tay ở Afghanistan.

Trở thành vị Tổng thống của tất cả người Mỹ


Tất cả các thách thức nêu trên quả là lớn lao. Theo giới phân tích, hiện nay ông Barack Obama đang có một lợi thế là Đảng Dân Chủ của ông nắm được đa số ở cả hai viện Quốc Hội Mỹ, giúp cho các chủ trương mà chính quyền của ông đề ra có thể được thông qua một cách dễ dàng hơn.
Tuy vậy, nói theo kiểu phương Đông, để thành công, tổng thống tân cử Mỹ cần phải có ''nhân hòa'' tức là được mọi người tại Mỹ ủng hộ.
Đây chính là một trong những thách thức to lớn cho ông Obama vì lẽ trong cuộc bấu cử vừa qua, dù đã chiến thắng áp đảo trên bình diện phiếu đại cử tri, tổng thống tân cử Mỹ chỉ thu được 52% số phiếu của dân chúng. Nói cách khác, vẫn còn có gần một nửa người dân Mỹ không tín nhiệm ông.
Việc điều hành việc nước chỉ với 50% dân chúng ủng hộ không phải là một điều mới tại Mỹ. Thế nhưng riêng đối với ông Obama, vấn đề còn khó khăn gấp bội vì ông là một người da màu. Trong cuộc bầu cử vừa qua, chỉ có 46% người da trắng bầu cho ông. Do vậy, trong các biện pháp đề ra trong thời gian sắp tới đây, ông Obama cần phải chứng tỏ rằng ông là tổng thống của mọi người. Các quyết định của ông sẽ luôn luôn bị soi rọi xem có thiên vị bên này hay bên kia hay không. Đây quả là một thách thức mà những người tiền nhiệm của ông Barack Obama không gặp phải.
Cơ quan tham vấn chính trị Stratfor tại Hoa Kỳ, trong một bài nghiên cứu công bố hôm mồng 5 tháng 11 đã nêu bật yếu tố kể trên thành một thách thức quan trọng mà ông Obama phải ứng phó.
''Tổng thống George Bush đã chứng minh rằng một nhiệm kỳ tổng thống có thể bị hủy hoại nhanh chóng do việc không hiểu được cách thức cũng như các giới hạn trong việc sử dụng quyền hành. Niềm phấn khởi to lớn của những người ủng hộ ông Obama có thể xoá mờ thực tế là cũng như ông Bush trước đây, ông Obama cũng phải điều hành một đất nước bị chia đôi một cách sâu rộng.
Bài trắc nghiệm đầu tiên đối với ông Obama sẽ rất đơn giản : Liệu ông có thể vừa duy trì hậu thuẫn lớn lao của các ủng hộ viên truyền thống, vừa chinh phục thêm các thành phần khác để mở rộng nền tảng chính trị của mình hay không ? Hay là ông sẽ làm như hai ông Bush và Cheney trước đây vào năm 2001, nghĩa là cho rằng có thể điều hành quốc gia mà không cần lưu tâm đến phân nửa còn lại của đất nước chỉ vì mình đã kiểm soát được cả hành pháp lẫn lập pháp ?
Ông Obama và những người ủng hộ ông có thể cho rằng tái lập lại những gì ông Bush đã làm không có gì là nguy hiểm cả. Vào khi ấy, ông Bush cho rằng hoàn toàn có thể vừa thực hiện các chủ trương mình đề ra, vừa mở rộng nền tảng chính trị của mình. Thế nhưng ông đã không thành công bởi vì việc mở rộng địa bàn chính trị đòi hỏi phải thay đổi đướng lối chính sắch, mà khi một lãnh đạo trở nên thực dụng, ông ta sẽ bắt đầu mất đi những người ủng hộ cố hữu. Nếu ông Obama thu được 60% số phiếu cử tri trong cuộc bấu cử vừa qua, thì vấn đề không đặt ra. Thế nhưng ông chỉ thắng với tỷ lệ nhỉnh hơn một chút so với ông Bush vào năm 2004 mà thôi. Tóm lại sắp đến lúc mà ta sẽ thấy là liệu ông Obama còn tài ba trong tư cách tổng thống như ông đã từng chứng tỏ trong tư cách ứng cử viên hay không ?''.

Giới quan sát lạc quan thận trọng

Theo đánh giá của ông Louis Balthazar, chủ tịch Viện Quan sát Hoa Kỳ, thuộc đại học Quebec, ở Montreal, những điểm thuận lợi có thể giúp ông Obama trong thời gian tới đây, là ông có thể tranh thủ, ít ra là trong giai đoạn đầu, tâm lý phấn khởi của mọi người sau khi ông đắc cử, với tỷ lệ đi bầu 64,1%, điều chưa từng thấy từ một thế kỷ nay tại Hoa Kỳ.
Theo ông Balthazar : ''Ông Obama có tính chính đáng và uy tín đạo đức rất lớn trong dân chúng. Do đó ông có khả năng yêu cầu ngườI dân chấp nhận hy sinh, kiên nhẫn trong một giai đoạn đặc biệt khó khăn''. Ông Balthazar tỏ ra tin tưởng vào bản lĩnh của tổng thống Hoa Kỳ tân cử trong việc đối phó với các thách thức : ''Người Mỹ đã bầu lên một tổng thống có bản lĩnh đáng khen, rất thông minh, bình tĩnh trước mọi tình huống. Một ưu điểm khác là Obama biết tham khảo ý kiến. Ông sẽ không có những quyết định vội vã. Dù đắn đo kỹ lưỡng, nhưng ông sẽ lấy những quyết định cần thiết.''
Một yếu tố thuận lợi khác hiện nay, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Simon Laing, trả lời tạp chí Pháp Capital, là người Mỹ đã thực sự thấy được những khó khăn to lớn hiện nay. Điều này cho phép ông Obama có một chính sách dài hạn và thỏa đáng hơn ngưòi tiền nhiệm. Theo ông Laing, trong hai năm tới, có thể dự kiến là kinh tế Mỹ thoát ra khỏi suy thoái, thị trường tín dụng lắng diụ hơn và khi ấy thì Đảng Dân Chủ có thể thực sự đề ra những công trình dài hơi đánh dấu nhiệm kỳ tổng thống Obama. Ưu tiên lúc đó sẽ được dành cho những hồ sơ bảo đảm an sinh xã hội rất tốn kém.
Đối vớI ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS ở Paris, thì bên cạnh niềm hy vọng đổI thay lớn lao vớI vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, thế giớI nên tỉnh táo nhìn nhận hai vấn đề :
''Trước hết, dù tài ba đến đâu, ông Obama không phải là thần thành. Ông không thể nào bằng một phép mầu làm tan biến vố số các vấn đề quốc nộI và quốc tế đang đặt ra. MọI ngườI không nên đặt hy vọng quá cao để rồi thất vọng não nề khi không được toại nguyện.
Vấn đề thứ hai là ông Obama không phải là Tổng thống của thế giớI mà là của nước Mỹ. Chương trình hành động của ông xuất phát từ lợI ích quốc gia Hoa Kỳ chứ không phải là từ việc mang lại hạnh phúc cho tất cả. Chúng ta không nên hoài nghi về tính thần yêu nước của ông, và mục tiêu của ông chính là khôi phục lại hào quang và uy thế vượt trội của Hoa Kỳ đã bị tổng thống Bush làm lu mờ.
Có điều là quan điểm của ông Obama về quyền lợi quốc gia ít trái ngược với quyền lơị của nước khác hơn lập trường của ông Bush. Quan điểm của ông Obama về các giá trị của nước Mỹ cũng không đối địch với nước khác''.


No comments: