Sunday, November 23, 2008

RƯỢU ĐỘC

Cả “độc” lẫn “đểu” đang tràn lan
Friday, November 21, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=87132&z=157

Hà Nội (NV) - Tháng trước, tại Sài Gòn, có 12 người chết vì ngộ độc rượu. Khi kiểm nghiệm, tất cả những mẫu rượu gây chết người đều có methanol (một chất độc trong cồn công nghiệp, có thể làm lú lẫn, mất trí nhớ từ nhẹ đến nặng, hôn mê, thậm chí tử vong, nếu sống sót có thể mù vĩnh viễn hoặc mắc những di chứng khác về thần kinh). Báo chí miền Nam gọi những loại rượu này là rượu “độc”, và mới đây, báo chí miền Bắc dùng hai từ khác: rượu... “đểu” để gọi những loại rượu không bảo đảm chất lượng. Tuy “độc” và “đểu” nhưng rượu không bảo đảm chất lượng đang tràn lan khắp Việt Nam.

Hôm 21 Tháng Mười Một, thanh tra Bộ Y Tế CSVN công bố kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu tại sáu tỉnh, thành phố phía Bắc (Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn). Theo đó, hơn 80% cơ sở sản xuất rượu đang hoạt động không theo bất kỳ tiêu chuẩn nào về chất lượng. Trong 55 mẫu bia, rượu được kiểm nghiệm, có 2/2 mẫu bia hơi đóng chai không đạt chuẩn về diacetyl, 17/53 mẫu rượu không đạt chuẩn về chất lượng. Gần như tất cả các cơ sở sản xuất rượu đều không công bố chất lượng, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Ðáng lưu ý là dù kết luận như vừa kể song thanh tra Bộ Y Tế CSVN không ra lệnh đóng cửa cơ sở nào mà chỉ yêu cầu đình chỉ lưu hành 6 loại sản phẩm.

Tình trạng kể trên chẳng khác gì so với miền Nam. Tháng trước, khi tổ chức kiểm tra nguồn gốc rượu, Chi Cục Quản Lý Thị Trường Sài Gòn cũng đã phát giác hàng loạt điểm kinh doanh rượu không có nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng. Cơ quan này xác nhận: “Rượu không rõ xuất xứ, hết hạn sử dụng đang được bày bán khắp nơi”. Tuy nhiên chẳng có cơ sở sản xuất, kinh doanh nào bị đóng cửa.

Hồi giữa Tháng Mười, sau khi có 12 người chết vì ngộ độc rượu, thanh tra Sở Y Tế Sài Gòn đã tổ chức kiểm tra những công ty có liên quan đến việc cung cấp nguyên liệu, chế biến, kinh doanh những loại rượu gây chết người. Kết quả kiểm nghiệm của Trung Tâm Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn Ðo Lường Chất Lượng 3, cho biết: “Chín mẫu rượu và cồn thực phẩm của công ty Chế Biến Thực Phẩm Sài Gòn (Safoco, ở quận Thủ Ðức) và công ty Khả Doanh (ở quận Tân Phú) có hàm lượng methanol cao gấp 70-172 lần mức cho phép (giới hạn cho phép dưới 0.1%).”

Bất kể rượu “độc”, rượu “đểu” tràn lan khắp nơi nhưng theo báo chí Việt Nam, các quán nhậu bình dân - nơi chuyên cung cấp những loại rượu này - luôn đông nghẹt khách vì giá rượu rất rẻ: Giá rượu trắng, rượu chuối hột chỉ từ 8,000 đồng/lít đến 10,000 đồng/lít. Giá những loại rượu “sang” hơn như: Rượu rắn, rượu hải mã, rượu tắc kè, rượu thuốc... cũng chỉ từ 15,000 đồng/lít đến vài chục ngàn đồng/lít. Cũng theo báo chí Việt Nam, các bợm nhậu cùng xác nhận họ biết đủ thông tin về rượu “độc”, rượu “đểu”, cũng như chuyện tử vong hàng loạt vì ngộ độc rượu song tất cả vẫn cho rằng uống vài xị thì “không có vấn đề, bởi ngày nào cũng uống mà... chẳng sao cả”. (G.Ð.)



Rượu độc
Vô Sắc
21-10-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5598

Tình trạng thực phẩm nhiễm chất độc, vì vô tình hay cố ý, trên qui mô lớn là chuyện rất hay xảy ra tại các nước chậm, hay đang phát triễn. Bên cạnh ý thức của dân chúng và điều kiện sinh sống về mặt vệ sinh còn yếu kém, còn có nhiều lý do nổi cộm khác ai cũng nhận thấy. Đó là hệ thống luật pháp lỏng lẻo; sự giám sát của các cơ quan chức năng lơ là; trang thiết bị kiểm nghiệm thực phẩm thiếu thốn, lạc hậu; quan chức có trách nhiệm thiếu năng lực, có khi còn bao che cho tội phạm. Thường họ chỉ chạy sau đuôi các sự kiện đã xảy ra để giải quyết thay vì có những biện pháp tiên liệu, dự phòng. Chuyện “nước tương đen” ở Việt Nam vừa qua hay sữa nhiễm chất độc melamine gần đây ở Trung Quốc là hai, trong rất nhiều thí dụ điển hình.

Hà Nội: Quán nhỏ, nhậu nhỏ. Nguồn: vietnamesegod.blogspot.com
http://www.dcvonline.net/php/images/102008/nhau_hn.jpg

Trong vài tuần đầu của tháng Mười năm nay, một số báo chí Việt Nam có đăng nhiều bản tin về một số khá lớn người dân Sài Gòn bị thương vong do uống rượu nhiễm độc methanol. Nhận thấy đây là một vấn đề xã hội to lớn, liên quan đến nhận thức về chất lượng và tai hại của rượu-bia tương đối yếu kém của người Việt Nam, đang và sẽ còn ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục triệu người đang sinh sống trong nước trong nhiều năm tới, chúng tôi soạn một bài viết bàn đến một số điều liên quan đến sự nhiễm độc nêu trên.

Cũng như nhiều bài viết thuộc loại này trước đây, chúng tôi sẽ trình bày vấn đề dưới lăng kính y tế và khoa học thường thức, dành cho mọi người trên một diễn đàn không chuyên. Đề tài liên quan đến rượu và những ảnh hưởng tai hại của nó đến sức khỏe con người và xã hội là một đề tài rất rộng lớn, thuộc nhiều lãnh vực, do đó, chỉ mong đóng góp một phần nhỏ vào những cảnh báo chung đến từ nhiều nơi.

Trong bài viết này chúng tôi dùng từ “cồn” cho các chất có gốc rượu (-OH) trong công thức hóa học nhưng không uống được. Các chất cồn này thường dùng làm chất đốt, dung môi, hay trong các ngành kỹ nghệ, nhằm phân biệt với “rượu”, dùng để uống.

1. Bối cảnh Vấn đề

Theo một số tường trình của báo chí trong nước, từ cuối tháng Chín đến một, hai tuần đầu tháng Mười năm nay, đã có ít nhất là 27 người ở Sài Gòn đã phải nhập viện do uống phải rượu độc. Trong số đó có 9 người đã bị tử vong (số liệu vào ngày 15/10, của báo mạng VNExpress).

Theo lời tuyên bố của bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám Đốc Sở Y tế Tp HCM thì nhân viên y tế đã phát hiện ra cồn methanol trong nhiều loại rượu giá rẻ, hoặc không rõ nguồn gốc, hay tự pha chế, mà những người bị nhập viện nói trên đã uống vào. Bên cạnh chuyện thuốc trừ sâu được cho vào rượu để làm trong nước rượu, nay thêm nạn nhiễm cồn methanol.

Chúng ta sẽ tìm hiểu xem cồn methanol là gì, độc hại ra sao, tại sao lại hiện diện trong rượu uống? Cũng qua đây sẽ xem xét một số chi tiết trong việc điều chế, thành phần, tạp phẩm có trong rượu. Sau cùng xem qua sự biến dưỡng của rượu hay cồn trong cơ thể và ảnh hưởng của các chất này đến sức khỏe con người.

2. Rượu để uống gồm những loại nào và thường được sản xuất ra sao?

Rượu uống, bao gồm nhiều loại khác nhau tùy theo nguyên liệu và qui trình sản xuất. Thí dụ: rượu đế, rượu nếp, bia, vodka, whisky, cô-nhắc (cognac), rượu rum, vang trắng, vang đỏ, Mao Đài, sake, v.v… Tổng quát, chúng có mùi vị và nồng độ khác nhau (từ khoảng bốn phần trăm, tức bốn độ, của bia cho đến 40-50 độ của rượu đế, whisky) và có hay không được chưng cất ra thành phẩm sau cùng. Tuy nhiên, tất cả rượu uống kể trên đều có công thức hóa học chung là ethyl alcohol, hay ethanol (CH3CH2OH, từ đây gọi là rượu ethanol). Trong phân tử rượu ethanol có 2 nguyên tử carbon.

Nhiều người cũng đã biết, rượu để uống được sản xuất bằng phương pháp lên men kỵ khí (anaerobic fermentation) chất tinh bột (starch, như của gạo, nếp, lúa mì, mạch, v.v…), hay đường (của nho, mía, trái cây chín), với các loại men rượu (yeast). Tinh bột khi ủ với men rượu và nước cũng sẽ bị phân hủy trong giai đọan đầu cho ra đường. Công thức đơn giản của quá trình lên men rượu như sau:

Đường + men rượu → rượu ethanol + khí carbonic

Đường ghi bên trên bao gồm nhiều loại khác nhau về nguồn gốc, và thường cũng khác nhau về cấu tạo hóa học. Thí dụ đường của mía là saccharose, của nho là glucose, của mật ong cùng nhiều loại trái cây là fructose, v.v…

Tuy nhiên, trong phản ứng ủ men cho ra rượu, không chỉ có rượu ethanol, loại có thể uống, được sản sinh ra. Nếu nguyên liệu, kể cả men, chứa nhiều tạp chất; điều kiện lên men không đúng qui trình, thì không chỉ có rượu ethanol, mà một lượng nhỏ nhiều tạp chất khác cũng sẽ được sản sinh ra. Trong đó có nhiều loại cùng có gốc rượu (tức -OH) như rượu uống ethanol, nhưng có số nguyên tử carbon khác hơn là hai, và không uống được. Thí dụ một số loại cồn đơn giản: một carbon, methanol (CH3OH); ba carbon, propanol, C3H7OH; bốn carbon, butanol, v.v…

Các loại cồn propanol và butanol, thường dùng làm nhiên liệu, được sản xuất đại trà bằng cách cho lên men cellulose (thành tế bào của các loại cây cỏ, không phải một loại đường) với vi trùng (bacteria), chứ không phải với men rượu.

3. Cồn methanol là gì và được sản xuất ra sao?

Như tên gọi, cồn methanol, hay methyl alcohol, cũng là một chất thuộc nhóm rượu, nhưng chỉ có một nguyên tử carbon trong phân tử, và không thể dùng để uống vì rất độc.

Cồn methanol thường được sản xuất đại trà trong kỹ nghệ bằng cách chưng cất phân hủy (destructive distillation) gỗ (vì thế còn có tên gọi trong tiếng Anh là rượu gỗ, wood spirit), hay cách thông dụng hơn hiện nay là tổng hợp khí methane (CH4) của khí đốt thiên nhiên (natural gas) với khí hydrogen.

Công thức đơn giản của sự tổng hợp này, với sự hiện diện của chất xúc tác, như sau:
Khí methane (CH4) + Nước → Khí carbon monoxide (CO) + Hydrogen (H2) → Cồn methanol

4. Tính độc hại của cồn methanol

Theo vài bản tin trong nước, khi một số “bợm nhậu” được cho biết về sự nhiễm độc cồn methanol đã làm một số mgười uống rượu chết thì họ mạnh miệng tuyên bố “uống hoài có thấy sao đâu!” Hay “uống ít thì nhằm nhò gì!” Hoặc “có nghe thấy ai nói gì đâu!” Chúng ta thử tìm hiểu xem sự độc hại của cồn methanol đến mức nào.

Não của người chết vì uống rượu nhiễm methanol. Nguồn: Methanol Poisoning, Pathology/uwo.ca
http://www.dcvonline.net/php/images/102008/brain_methanol.jpg

Cồn methanol là một chất độc với cơ thể con người, có tính ức chế đến hệ thần kinh trung ương (gồm não và tủy sống, để phân biệt với hệ thần kinh ngoại biên). Nếu uống vào, tùy liều lượng, sẽ gây nhức đầu, ngầy ngật, ói mửa, mù mắt (do gây hư hoại tế bào võng mạc và sợi thần kinh thị giác), hôn mê, và tử vong. Một khi vào trong cơ thể sẽ được thải trừ ra rất chậm.

Liều lượng của rượu ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của con người thay đổi tùy từng cá nhân. Có một vài tài liệu ghi liều tử vong của cồn methanol là 100-125 ml (cho tạng người Tây phương), nhưng nhiều tài liệu khác, thí dụ
của Đại học Cambridge cho biết, chỉ với 10 ml methanol (bằng hai muỗng cà phê) có thể gây mù mắt, và 30 ml gây tử vong. Như thế, nếu uống 1 xị (250 ml) rượu đế hay rượu thuốc gì đó có chứa cồn methanol chỉ với nồng độ là 4% thôi (tức khoảng 2 muổng cà phê trong 1 xị rượu) thì cũng có thể gây mù mắt.

Thế nhưng, theo 1 vài bản tin trong nước thì có nhiều hiệu rượu có tiếng tại Việt Nam (thí dụ Safoco) được khám phá có chứa nồng độ cồn methanol rất cao (17.2%), thậm chí có cơ sở sản xuất, con số này
lên đến 40%. Với nồng độ methanol này có lẽ người sản xuất đã chỉ dùng toàn cồn methanol pha loãng với nước, thêm vào chút hương liệu, rồi đem bán. Như thế, chỉ với nửa xị loại rượu này cũng đủ làm chết người.

Điều nguy hiểm là các dấu hiệu ban đầu của nhiễm độc cồn methanol lại nhẹ và không rõ ràng như say xỉn với rượu ethanol. Do dó việc phát hiện để cấp cứu thường khi đã quá trễ.

Ngoài ra, nhiễm độc cồn methanol cũng có thể xảy ra qua đường da hay hô hấp, thường xảy đến cho những người làm việc trong các ngành kỹ nghệ có sử dụng chất này. Có một số
trẻ sơ sinh tại Ai cập đã bị chết vì cho dùng vải thấm (compress) tẩm rượu có chứa methanol đấp lên da để giảm sốt.

5. Tại sao cồn methanol lại rất độc?

Ngoài tác động ức chế đến hệ thần kinh trung ương tương tự như rượu ethanol, cồn methanol còn rất độc vì nó được phân hủy trong cơ thể (ở gan) do enzyme alcohol dehydrogenase để cho ra formaldehyde (H2CO; mọi người chắc còn nhớ đây là “hóa chất ướp xác” được cho vào bánh phở để bảo quản được lâu hơn ở Việt Nam vài năm trước). Chất này lại được oxít hóa cho ra formic acid (CH2O2), là chất độc hại chính (chất này là tác nhân chánh trong nọc độc của ong và kiến). Formic acid gây tăng độ acid (acidosis) trong máu, dẫn đến suy hô hấp và ngưng thở.

6. Rượu ethanol thì được biến dưỡng trong cơ thể ra sao?

Khác với methanol, rượu ethanol sẽ bị phân hủy tại gan thành một chất trung gian, acetaldehyde (CH3CHO), cũng rất độc. Tuy nhiên chất trung gian này được nhanh chóng phân hủy ra chất cuối cùng acetate (C2H3O2) không độc hại. Nhưng, với điều kiện gan còn hoạt động tốt, chưa bị xơ vì đã uống nhiều ... rượu.

Như thế, khác với rượu ethanol, sản phẩm biến dưỡng cuối cùng của cồn methanol trong cơ thể lại là một chất rất độc hại. Đây là chất độc chính gây ra chết người.

7. Các công dụng thông thường của cồn methanol

Công dụng chánh của cồn methanol gồm có: làm nhiên liệu (thí dụ pha trong xăng), dung môi (thường dùng trong phòng thí nghiệm), trong nhiều ứng dụng của các ngành kỹ nghệ, hay được dùng trong việc sản xuất những hóa chất khác.

Một ứng dụng của cồn methanol, quen thuộc với nhiều người, là được cho vào ethanol với một lượng nhỏ (4-5%), để khiến ethanol không thể dùng uống được (do độc tính) và rẻ hơn (được miễn thuế rượu uống ở nhiều nước). Hỗn hợp này được sử dụng nhiều trong bệnh viện, phòng thí nghiệm, làm chất đốt gia dụng, hay dùng để lau chùi trong nhà. Nó được gọi là methylated spirit (Anh, Úc), hay denatured alcohol (Mỹ, Canada), được bán rộng rải ở các siêu thị, và được sử dụng tại hầu hết mọi gia đình ở phương Tây.

8. Vì sao cồn methanol hiện diện trong rượu để uống?

Theo tin trên báo, và có lẽ nhiều người cũng đoán được, loại rượu mà những người trúng độc ở Việt Nam uống là các loại rượu rất rẻ tiền. Đó là các loại rượu đế, rượu trắng, rượu chuối hột, rược sâm, rượu ngâm tắc kè, hải mã, rượu thuốc, v.v… bán trong các quán nhậu rẻ tiền, quán cóc ở lề đường hay ngoại ô. Theo tin báo, ở nhiều nơi, giá bán các loại rượu này còn rẻ hơn giá vốn sản xuất rượu trắng nếu thực sự được làm bằng gạo hay nếp.

Do đó, có thể suy ra, những nhà sản xuất rượu dỏm đã pha cồn methanol, có giá sản xuất rất thấp, vào rượu ethanol. Cũng khá tương tự như trường hợp một số người ở Trung Quốc đã cho melamine vào sữa nhằm tăng nồng độ đạm giả tạo lên (do sự hiện diện của nitrogen trong phân tử melamine), sau khi đã pha loãng sữa với nước.

9. Điều trị

Một trong vài cách điều trị chánh của trúng độc cồn methanol lại là dùng rượu ethanol. Lý do là ethanol sẽ ưu tiên tranh dành lấy enzyme alcohol dehydrogenase, do đó cồn methanol sẽ không bị phân huỷ bởi enzyme này để sinh ra độc chất formic acid. Nhờ thế nó sẽ được bài tiết nguyên dạng ra khỏi cơ thể qua đường tiểu (một phần nhỏ qua đường hô hấp).

Bệnh nhân sẽ được truyền tỉnh mạch dung dịch 10% ethanol trong 5% dextrose. Bên cạnh đó có kèm theo các điều trị chống co giật, bảo vệ đường ruột, kiềm hóa hệ tuần hoàn, v.v...

10. Say xỉn

Nhân đây, có lẽ cũng không vô ích để bàn qua nguyên nhân gây say xỉn do uống rượu-bia (không chứa cồn methanol).

Tác dụng chánh của rượu bia nói chung là ức chế hệ thần kinh trung ương, ngăn chặn hay giảm thiểu các chức năng của não bộ. Các tín hiệu giữa các tế bào não và sự dẫn truyền đến các cơ quan cùng các bắp thịt qua các sợi thần kinh sẽ bị suy giảm hay mất đi (thí dụ thở, các phản xạ bắp thịt). Do đó người say không làm chủ được các vận động của cơ thể khi đi đứng, phản ứng rất chậm lúc lái xe.

Rượu-bia cũng là chất lợi tiểu, làm mất nước trong các tế bào của cơ thể, gây ra khát nước, chóng mặt, nhức đầu. Rượu kích thích sự gia tăng sản xuất của acid trong bao tử nên gây ra ói mửa. Rượu làm thất thoát đi những chất cần thiết để duy trì sự khỏe mạnh của cơ thể như đường trong máu, các vitamin, và các chất khoáng. Rượu tác động lên tim và hệ tuần hoàn gây tăng huyết áp, hụt nhịp thở và trụy tim.

Bên cạnh các tác động tai hại của rượu ethanol, những tạp chất độc hại sinh ra trong quá trình lên men rượu (tiếng Anh gọi chung các chất này là congeners) như acetaldehyde, ethyl acetate, methanol, propanol, acetone, còn gây những phản ứng ngầy ngật, dật dờ, khó chịu đến một hai ngày sau. Rượu đậm màu (như vang đỏ, rum) chứa nhiều congeners hơn rượu không màu (như vodka, gin, vang trắng)

Ngoài những tác động ngắn hạn kể trên, còn có những nguy hại lâu dài đến gan (xơ gan, cirrhosis; ung thư), não bộ. Theo các nghiên cứu thì
rượu không giết chết tế bào não, tức neurones, nhưng làm hư hủy các nhánh dẫn truyền, tức dendrites, của các tế bào này. Sau cùng, rượu ảnh hưởng xấu đến cung cách hành xử, tình trạng tâm thần của người nghiện rượu.

11. Giải rượu ethanol

Ở Việt Nam thường hay nghe đến nhiều bài thuốc giải rượu truyền miệng rất thiếu cơ sở khoa học, không đáng tin. Nhiều khi chỉ do một sự trùng hợp ngẫu nhiên của một trường hợp cá biệt nào đó rồi trở thành một “bài thuốc gia truyền” chưa được kiểm chứng và thống kê các kết quả.

Cách giải rượu hiệu nghiệm nhất là uống thật nhiều nước, và thời gian nghỉ ngơi. Cơ thể sẽ từ từ phân giải hết chất rượu trong người. Cũng có một số cách hổ trợ nhưng không đáng kể (xin đọc thêm các bài ở phần tham khảo).

Trên một trang mạng bán rượu trong nước (Thế giới rượu) khá qui củ, cũng có những chỉ dẫn rất mâu thuẩn. Thí dụ để chỉ cách giải rượu, dòng chữ bên trên ghi “những ai tin vào mẹo vặt ... nên uống một cốc cà phê đặc;” Nhưng chỉ vài hàng phía dưới lại ghi “nên tránh xa các đồ uống có caffeine bởi chúng dễ gây mất nước và làm bạn khó chịu hơn.”

Đúng là caffein có cùng tác dụng lợi tiểu như rượu sẽ gây mất nước trầm trọng, nên tránh dùng khi say, cho dù nó có tác động hưng phấn làm người say cảm thấy tỉnh táo hơn lên đôi chút. Tuy nhiên, nếu muốn uống cà phê, nên kèm theo thật nhiều nước. Uống thật nhiều nước lọc khi bị say xỉn là điều rất cần thiết.

12. Trách nhiệm của các cơ quan chức trách

Trong một bài báo trong nước, có ghi một câu kết luận: “theo các chuyên gia, ý thức của người dân trong việc kinh doanh sản xuất lẫn sử dụng rượu vẫn quan trọng hơn cả.”

Tôi không đồng tình với nhân định mang tính đùn đẩy trách nhiệm về cho người dân này. Một kiểu “xã hội hóa” trách nhiệm về y tế và sức khỏe của nhân dân khỏi các cơ quan chức năng. Kêu gọi sự ý thức của những “bợm nhậu” vừa nghèo vừa kém hiểu biết, lại chỉ thích “nhậu cho quên đời,” là điều khó khăn. Dân chúng, kể cả người buôn bán, phân phối nhỏ, hầu hết không có khả năng và điều kiện để phân biệt hay kiểm nghiệm rượu tốt xấu. Chính quyền, hay cụ thể hơn, Bộ Y tế cùng các cơ quan về an toàn, vệ sinh thực phẩm là những bộ phận được giao phó trách nhiệm quản lý, giám sát, xử lý, nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm sách sẽ, vệ sinh, an toàn cho nhân dân. Thiết nghĩ, được trả lương cho vai trò nào phải chu tòan trách vụ đó.

Nhiều lần trong mấy năm qua, có rất nhiều vi phạm cố ý và trầm trọng trong vệ sinh, an toàn thực phẩm, đã được phát hiện. Thế nhưng chưa thấy có tin những vi phạm này được đưa ra tòa xử lý hay trừng phạt nghiêm khắc, nhằm răn đe làm gương cho những vi phạm cố tình vì lòng tham, vì thiếu lương tâm, để bảo vệ sức khỏe cho mọi người dân. Nếu các cơ quan chức năng còn thiếu quyết liệt và hữu hiệu về những mặt này, nếu giáo dục đại chúng trên các phương tiện truyền thông không rộng khắp và mạnh mẽ, chắc chắn sẽ tiếp tục có những vụ nhiễm độc trên qui mô lớn, của nhiều loại thực phẩm khác, xảy ra trong tương lai.

13. Kết luận

Thỉnh thoảng uống rượu-bia, và điều độ, là điều bình thường trong xã hội của nhiều nước. Tuy nhiên, nhậu nhẹt thường xuyên với bạn bè, đồng nghiệp, với đối tác làm ăn, ở Việt Nam hiện nay lại là một chọn lựa hàng đầu, hay hầu như đương nhiên, khi gặp gỡ nhau.

Không như ở các nước đã phát triển, ở Việt Nam hình như ai, ở đâu, tiệm ăn nào, cũng có thể bán rượu. Quán nhậu ở Việt Nam có đủ cở, đủ kiểu, hiện diện khắp mọi nơi. Từ quán cóc lề đường với ba bốn bàn đến “làng nướng,” nhà hàng hai, ba tầng chứa cả năm bảy trăm người; từ thành phố hoa lệ đông đúc đến miền thôn quê nghèo nàn, hẻo lánh. Dân nhậu bao gồm đàn ông con trai đến cả đàn bà, con gái; từ các ông bà có nhiều tiền của đến những người lao động, công nhân nghèo khó.

Các quán nhậu nào ở Sài Gòn cũng đông khách, ồn ào, náo nhiệt; không chỉ vào các buổi chiều tối cuối tuần như ở ngoại quốc mà vào cả mỗi ngày; bắt đầu đâu đó từ 10 giờ sáng cho đến hơn 10 giờ đêm. Thức uống phổ biến ngày nay ở nhiều loại nhà hàng, quán ăn, là bia và rượu. Thậm chí các quán nhậu còn hiện diện ở chung quanh các
ký túc xá sinh viên.

Ngày trước, thời chúng tôi còn là học sinh-sinh viên ở miền Nam, thức uống của chúng tôi khi gặp gỡ, tụ họp nhau thường chỉ là nước ngọt, nước chanh tươi, chanh muối; hay “ra vẻ” hơn, ly cà phê đá. Rượu-bia không phổ biến lắm và thường chỉ dành cho giới quân nhân, hay người đứng tuổi. Rượu chè nhậu nhẹt, đặc biệt của giới trẻ, không là một cung cách và hình ảnh được xã hội miền Nam ngày đó chấp nhận.

Với tình trạng người người nhậu rượu, ngày ngày nhậu rượu như hiện nay, cho dù không bị trúng độc cồn methanol thì chúng ta cũng có thể tiên liệu rằng hàng chục triệu người dân Việt Nam, kể cả thành phần thanh niên, sinh viên trẻ tuổi cũng đang và sẽ bị con sâu rượu độc hại đục nát hết cả nội tạng lẫn thần hồn.
--------------------------------------------------
Tham khảo
1. Vodka của Safoco có chất cực độc. http://snipurl.com/4ikwr [www_vnexpress_net]
2. Methanol. Toxicological overview. http://snipurl.com/4ikx2 [www_hpa_org_uk]
3. Alcoholic fermentation by yeast cells. http://snipurl.com/4ikxh [www_yobrew_co_uk]
4. Methanol. http://snipurl.com/4ikxw [en_wikipedia_org]
5. Ethanol. http://snipurl.com/4ikye [en_wikipedia_org]
6. Nhậu cho sướng đã, rượu độc tính sau. http://snipurl.com/4ikyr [vnexpress_net]
7. How the Body Responds to Alcohol. http://snipurl.com/4ikz5 [recipes_howstuffworks_com]
8. The effects of alcohol on the body. http://snipurl.com/4ikzj [www_therightmix_gov_au]
9. Rượu lậu vẫn bán tràn lan. http://snipurl.com/4ikzx [www_tuoitre_com_vn]
10. How To Cure a Hangover. http://snipurl.com/4ikrx [cocktails_about_com]

No comments: