Thursday, November 27, 2008

KINH TẾ NƯỚC NGA VỀ ĐÂU ?

Hiện trạng kinh tế đưa nước Nga về đâu?
Lilia Shevtsova
Đăng ngày 27/11/2008 lúc 02:47:46 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3307

Nguồn: NRC Handelsblad, ngày 1&2/11/2008

Nga bị khủng hoảng kinh tế. Giá dầu hạ đang xoi mòn quan niệm của chính quyền là nhà nước trong khi thi hành và duy trì quyền lực không bị luật hiện hành hoặc các tiêu chuẩn luân lí ràng buộc. Nhà chính trị học Lilia Shevtsova (*) tiên đoán là những người Nga sẽ sống tồi tệ hơn.

Giá dầu hiện nay đã sụt xuống dưới 70 dollar một thùng là dấu chỉ cho thấy giờ của sự thật ở Nga bắt đầu. Đó là quan điểm của Lilia Shevtsova, nhà chính trị học có nhiều uy tín ở Nga. Theo bà, giá dầu thấp gây đe doạ thẳng tới sự tồn tại của chính quyền độc đoán do tổng thống Medvedev và thù tướng Putin lãnh đạo. Bà cho là khi không có đủ tiền nhờ bán dầu và khí đốt thì không thể mua chuộc dân chúng được nữa. Tiền để mua sự im lặng về chính trị, theo bà đó là cốt lõi của nuớc Nga dưới sự lãnh đạo của Putin.

Trong cuốn sách của bà có tựa đề Russia – Lost in transition, The Yeltsin en Putin legacies xuất bản cuối năm 2007, bà Shevtsova đã tiên đoán đúng nhiều điều xảy ra trong năm vừa qua về chính trị và kinh tế ở Nga. Nếu lần này bà cũng nói đúng thì khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra không thương xót với mọi người dân Nga bình thường trong thời gian sắp tới.

Trong căn phòng của bà ở cao ốc của cơ sở nghiên cứu Carnegie Moscow Centre, bà Shevtsova đã bày tỏ về sự khủng hoảng kinh tế hiện nay: “ Tôi cảm thấy chán nản vì tình hình ở nuớc tôi”. Bà nói tiếp: “Tôi không thấy vui được”.

Khủng hoảng kinh tế ở Nga có lẽ đã bắt đầu trước mùa hè

“Khủng hoảng đã bắt đầu vào cuối mùa xuân. Tiếp theo là cuộc chiến tranh ở Georgia xảy ra. Cà những phát triển về cơ cấu cũng đóng góp một vai trò. Đầu tiên là lạm phát. Chính phủ đã hoàn toàn không có biện pháp nào để chống lại. Chính thức thì lạm phát là 10%, nhưng thực tế thì lạm phát còn cao hơn nhiều.”

Tại sao chính phủ không thể kiềm chế được lạm phát?

Rất khó khống chế lạm phát trong một nền kinh tế mà các hãng khổng lồ được độc quyền. Việc độc quyền ấy không cho phép cạnh tranh. Và không có cạnh tranh thì không có lí do để hạ giá. Lạm phát là kết quả trực tiếp của việc độc quyền kinh tế của các hãng khổng lồ ở Nga như Gazprom và Rosneft”.

Còn những phát triển tiêu cực nào nữa?

Phát triển thứ hai là nợ chồng chất của các hãng. Nga hãnh diện vì đã trả được các món nợ ngoại quốc mà Nga đã mượn, nhưng nợ của các hãng xưởng với ngoại quốc, đặc biệt là các hãng nhà nước như Gazprom và Rosneft và cả các ngân hàng nhà nước, đã lên tới 527 tỉ dollar (tính vào tháng 6-2008). Vào cuối năm nay một phần của món nợ ấy phải được tái tài trợ. Và còn phải trả tiền lời. Vì khủng hoảng tín dụng nên rất khó kiếm ra tiền.

Sự phát triển thảm khốc thứ ba là cơ sở hạ tầng – đường và đường xe lửa ở Nga đang trong tình trạng rất tồi tệ.

Phát triển thứ tư là nền kinh tế không có tính đa dạng: gần 70% xuất khẩu của chúng tôi là dầu thô, các sản phẩm chế biến từ dầu và khí đốt và tất cả các cơ sở sản xuất khác chỉ đóng góp 30% vào việc xuất khẩu này.

Và sau cùng là yếu tố nhân khẩu. Cuối năm 2011 chúng tôi sẽ không có đủ lực lượng lao động nữa để vận hành kiểu mẫu kinh tế hiện nay, một kiểu mẫu đòi nhiều nhân công.”

Có phải sự can thiệp thái quá của nhà nước làm cho khủng hoảng tài chánh lớn hơn?

“Chính trị và sở hữu ở nước này là một. Quyền lực và sở hữu không được phân định rõ ràng. Ai cai trị nước Nga, sẽ sở hữu nước Nga. Tất cả các thành viên của chính phủ đều là chủ tịch của hội đồng quản trị các hãng xưởng lớn. Nhà nước quy định các luật lệ về kinh tế và đồng thời lại là người thực hiện các luật này. Chỉ cần yếu tố này cũng đủ là cơ sở cho tham nhũng.

Nhà nước cũng không bảo đảm quyền tư hữu. Và còn sự vắng mặt của cạnh tranh chính trị nữa. Khi không có cạnh tranh chính trị thì cũng không có cạnh tranh kinh tế. Không có cạnh tranh thì không bao giờ có một nền kinh tế lành mạnh.”

Chính phủ có thể còn có chút điểm tựa nào không?

Với khoản dự trữ tiền tệ bắt đầu teo lại từ tháng tám vừa qua mà hiện nay là 485 tỉ dollar thì nước Nga có lẽ vẫn còn có thể chế ngự được khủng hoảng trong những năm tới, nhưng những món nợ ngoại quốc của các hãng xưởng thì không giảm mà còn tăng lên. Và bây giờ giá dầu lại hạ xuống dưới 70 dollar một thùng và sẽ còn giảm xuống nữa thì nước Nga sẽ lâm vào tình trạng khó khăn nguy kịch.”

Bộ trưởng tài chánh đã nói là ông không thể tài trợ ngân sách cho năm tới

Nếu giá dầu sụt xuống dưới 70 dollar thì chính quyền không có thể còn mua chuộc được mãi giới trung lưu là giới ủng hộ chính quyền. Cũng không có tiền để mua chuộc phần dân số còn lại một đôi chút như là việc tăng thường xuyên tiền hưu bổng và tiền lương. Trong năm 1999 giá lương tháng trung bình của người Nga là khoảng 80 dollar, bây giờ thì hơn 500 dollar. Một sự tăng trưởng quan trọng. Người Nga đã có một cuộc sống khá hơn và nghĩ là sẽ luôn luôn được như vậy. Nhưng do hậu quả của lạm phát, đời sống của họ bây giờ trở thành khó khăn và khắc nghiệt hơn. Chẳng sớm thì muộn dân chúng sẽ bày tỏ sự bất bình. Cuối cùng thì những người đã quen sống sung túc mà nay bỗng nhiên cảm thấy bị mât phương hướng và thất vọng sẽ bày tỏ sự bất bình của họ.”

Giới trung lưu Nga sẽ xuống đường?

Giới trung lưu Nga khác rất xa với giới trung lưu ờ Hà Lan hay ở Anh là những nước mà họ là cơ sở của đổi mới và gồm những con người mang tính cá nhân và hoàn toàn độc lập, rất quan tâm đến đa nguyên và đấu tranh chính trị. Giới trung lưu của chúng tôi làm việc cho các hãng xưởng lớn và không quan tâm tới các loại công việc mà giới trung lưu ở Hà Lan và ở Anh quan tâm. Những nhân viên ấy nhận tiền và các ưu tiên của Gazprom hay Rosneft. Họ không tạo thành cơ sở cho một xã hội tự do mà cho một nhà nước theo chủ nghĩa dân tộc”.

Dầu vậy giới trung lưu ấy phải cảm thấy bị đe doạ. Điển hình là hãng nhà nước khổng lồ Severstal sẽ giảm 25% mức sản xuất và sa thải nhân viên cũng với số phần trăm tương đương. Lại còn một số hãng xưởng không thể trả được lương cho nhân viên nữa.

“Vẫn còn chưa làm cho giới trung lưu nhận ra được những điều sẽ xảy ra trong những tháng tới: giảm mức sản xuất và sa thải hàng loạt. Khoảng hơn một năm nữa sẽ thấy một nước Nga hoàn toàn khác.”

Trong cuốn sách của bà, bà đã nói tới một thỏa hiệp giữa nhà nước và dân chúng, dựa vào nguyên tắc ‘họ để chúng tôi sống và đổi lại chúng tôi để họ cai trị’. Thoả ước này sẽ chấm dứt chăng vì bây giờ nhà nước không còn tiền nữa?

Tạm thời thì dân chúng Nga, dù thất vọng và bất mãn thế nào đi nữa, cũng không có đủ sức đẩy để phát biểu sự bất bình của mình mặc dầu sự căng thẳng đã đủ chín mùi để bất cứ lúc nào cũng có thể bùng nổ. Tuy nhiên không có phương tiện nào để đo tình trạng căng thẳng như truyền thông tự do để xã hội có thể phát biểu sự bất bình của mình. Nhưng vào một lúc nào đó thì họ sẽ nhận ra rằng cuộc sống của họ khác rất xa với những người cai trị họ.”

Chính phủ sẽ làm gì?

Chính phủ đang ở trong ngõ cụt không lối thoát, mặc dầu vậy cuộc khủng hoảng hiện nay đã không làm cho điện Cẩm Linh lo lắng. Nước Nga còn luôn nghĩ là họ có thể nhờ sự trợ giúp của phương Tây. Nhưng phương Tây bây giờ đang có những vấn đề riêng của họ. Tình trạng có thể sẽ được giải quyết cách khác. Và rồi có thể giới ưu tú của lớp cải tổ thứ hai sẽ nghĩ đến.

Gần đây có một vài cuộc thăm dò ý kiến đáng tin tưởng trong giới quyền lực như các đại tá và tướng lãnh và các viên chức cao cấp ở cấp bộ và thống đốc. Những kết quả của các cuộc thăm dò ấy rất là kinh ngạc: 45,5% các người được hỏi tin là hệ thống hiện nay là một đe doạ cho sự tồn vong của Nga. Họ chọn chủ nghĩa tư bản xã hội dựa trên một nhà nước pháp trị. Như vậy có nghĩa là một phần lớn các thành phần ưu tú Nga muốn điều ấy.

Vấn đề chỉ là giới ưu tú ở Nga đã phải tự thích ứng với hệ thống và không có lực để kết hợp và đưa yêu sách. Những thành viên của khối ưu tú ấy cũng cảm thấy bị khối đa số đe doạ và khủng bố. Người ta sợ bị mất việc và tin rằng dù hệ thống có tồi dở nhưng vẫn còn vận hành. Bên cạnh đó người ta tin là nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin lại trở thành siêu cường. Và chủ nghĩa ái quốc không chấp nhận việc chỉ trích nước mẹ đẻ. Nhưng sẽ đến lúc người ta hiểu là người ta phải làm một cái gì đó nếu không đất nước sẽ trở thành bi thảm hơn”.

Các thành phố kĩ nghệ than phiền là nếu không có các hãng xưởng vừa và nhỏ thì họ không có tương lai

“Tại các thành phố có các khó khăn thường ngày thuộc lãnh vực y tế, xây dựng đường xá, trường học. Họ không có tài khoản riêng, vì tất cả các tiền thuế đều phải giao nộp cho Moscova. Moscova chỉ cho lại 10% tiền thuế ấy và như vậy không đủ để trả tiền cho các người làm trong ngành y tế, xây dựng đường xá và giáo dục. Do vậy họ muốn khuyến khích lập ra các hãng xưởng vừa và nhỏ. Vì họ biết là các hãng xưởng ấy là cơ sở và bảo đảm cho sự sống còn của thành phố.

Tuy nhiên hạn chế lớn nhất vẫn là tham nhũng – tham nhũng không phải chỉ ở cấp địa phương mà ở cả cấp chóp bu, vì ở Nga tham nhũng là một hiện tượng từ trên xuống dưới. Người ta không thể diệt trừ tham nhũng khi quyền lợi của những người cầm quyền và cuộc sống kinh tế là một. Nếu luật không cho phép một nhân viên chính phủ có quyền sở hữu thì tại nước chúng tôi người vợ sẽ đứng tên sở hữu ấy. Thực tế ấy không thể loại trừ được bao lâu mà nước Nga không có cơ quan tư pháp, lập pháp và truyền thông độc lập.”

Và khi có các cơ sở ấy có nghĩa là hệ thống độc đoán chấm dứt?

“Vâng, và chính vì vậy các người điều hành ở Nga là những con cá mập. Họ tiêu diệt các nhà làm ăn nhỏ vì những người ấy là mối đe doạ cho họ.”

Điều gì sẽ thay đổi trong tương lai sắp tới?

“Những người Nga sẽ sống tồi tệ hơn. Có lẽ điều ấy đúng cho hơn 50% dân chúng. Nhất là ờ các làng xã và các thành phố ở tỉnh thì các người nghèo, các gia đình có nhiều con và những gia đình chỉ còn cha hoặc mẹ sẽ gặp khó khăn. Đừng quên là hơn một nửa dân số Nga là những người về hưu.

Ngành xây cất và ngành buôn bán thực phẩm sẽ bị sụp đổ. Những nhà buôn trung gian trong ngành thực phẩm cung cấp cho các thành phố, lệ thuộc vào tiền mượn. Nếu họ không mượn được tiền, họ sẽ không có thể mua thực phẩm. Sắp tới cà những sản phẩm phương Tây trong các tiệm ở Moscova sẽ biến mất hoặc sẽ rất đắt. Sẽ có một giai đoạn hoàn toàn mới trong cuộc sống của chúng tôi xảy ra.”

Trần Thế NguyênNguồn: NRC Handelsblad, ngày 1&2/11/2008
----------------------------(*) Lilia Shevtsova sinh năm 1947 tại Lvov. Năm 1971 bà hoàn tất việc nghiên cứu lịch sử và báo chí tại Học viện quốc gia nổi tiếng ở Moscova chuyên về bang giao quốc tế của bộ ngoại giao Liên Xô.

Từ năm 1974-1988 bà làm việc, là giám đốc, tại Trung tâm Nghiên cứu chính trị Moscova. Năm 1978 bà bảo vệ luận án về khoa chính trị tại Viện Khoa học xã hội Moscova.

Từ năm 1989-1996, quyền giám đốc của học viện Nghiên cứu chính trị và kinh tế quốc tế của Viện Khoa học Nga ở Moscova.

Năm 1993 giáo sư đại học California ở Berkeley. Năm 1994 giáo sư đại học Cornell ở Ithaca (New York) và đồng thời giáo sư đại học Georgetown ở Washington DC.

Từ 1994-1995, chuyên viên nghiên cứu tại Woodrow Wilson Center for International Scholars, Washington. Từ 1998 đến nay cộng sự viên cao cấp của Carnegie Endowment for International Peace, ở Washington và Moscova. Từ 1997-2003 giáo sư tại Học viện quốc gia Moscova chuyên về bang giao quốc tế.


No comments: