Wednesday, November 26, 2008

NHỮNG GIẢI PHÁP CƯÁU NGUY KINH TẾ MỸ

Những giải pháp cứu nguy
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA
2008-11-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/to-Jumpstart-the-US-economy-NXNghia-11262008122037.html

Liệu kinh tế Hoa Kỳ có sớm ra khỏi giai đoạn suy trầm này không? Câu hỏi trên được thế giới nêu lên sau khi Hoa Kỳ cho áp dụng nhiều biện pháp cứu nguy kinh tế.
Tháng truớc, chính phủ Hoa Kỳ đã tung ra kế hoạch cứu nguy tài chính trị giá 700 tỷ đôla, và hôm thứ Hai 25, Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định sẵn sàng tung ra 800 tỷ cứu nguy thị trường tín dụng.
Trước đó, Tổng thống tân cử Barack Obama cũng thông báo kế hoạch kích cầu kinh tế để tạo thêm hai triệu rưỡi việc làm trong hai năm tới. Cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về các giải pháp cứu nguy kinh tế sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.

Suy trầm kinh tế

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Cả bốn khối kinh tế mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Âu Châu đều bị nguy cơ suy trầm, và đầu máy kinh tế mạnh nhất là Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu đẩy lui khủng hoảng tài chính. Vì vậy, thế giới theo dõi vụ cứu nguy kinh tế Mỹ mà chưa rõ là các giải pháp đó có thành công không.
Chương trình chuyên đề tuần này sẽ tìm hiểu về các giải pháp ấy. Câu hỏi đầu tiên là vì sao thế giới thường theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế Mỹ, và các giải pháp cấp cứu đang được áp dụng hay đang thảo luận sẽ có công hiệu như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Dù Hoa Kỳ chỉ đạt có 22% tổng sản lượng toàn cầu, kinh tế Mỹ vẫn có sức kéo mạnh nhất vì đóng góp tới 60% vào đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, chủ yếu nhờ sức tiêu thụ rất cao, tới 70% tổng sản lượng nội địa GDP của Mỹ.
Khi vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ vào thời điểm mà kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm sau sáu năm tăng trưởng thì thế giới rất lo ngại vì cùng lúc đó, các đầu máy kinh tế khác đều cũng bị đình đọng, là trường hợp rất hiếm hoi, nửa thế kỷ mới thấy một lần. Đó là vì sao thế giới cứ trông đợi vào sự phục hồi của kinh tế Hoa Kỳ.
Từ chuyện đó qua câu hỏi thứ hai của ông, giới tiêu thụ Hoa Kỳ đang tiết giảm chi tiêu vì vụ khủng hoảng tài chính và kinh tế Mỹ vẫn bị ách tắc tín dụng, nghĩa là không ai dám cho vay nên giới hữu trách liên tục đưa ra nhiều biện pháp cấp cứu và cuộc tranh luận về các biện pháp này càng gây phân vân cho thị trường. Đây là điều bất thường mà mình sẽ cố trình bày cho rõ ràng.

Việt Long: Đầu tháng này, ông có nói về bốn hướng giải quyết cơ bản theo mức công hiệu từ nhanh đến chậm, gồm có biện pháp tiền tệ của Ngân hàng Trung ương là bơm thêm tiền, thứ hai là biện pháp ngân sách bằng cách lấy tiền từ công khố đưa cho dân xài, thứ ba là biện pháp thuế khóa là giảm thuế và thứ tư là gia tăng công chi cho một số dự án của khu vực nhà nước. Cho tới nay, các biện pháp ấy đã được áp dụng ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta sẽ phải trở về một vấn đề mình có đề cập tới trước đây là khủng hoảng chính trị ở trên đã tác động đến hệ thống tài chính và nay đang thấm xuống sinh hoạt kinh tế ở dưới.
Hôm 18 vừa qua, ông Tổng trưởng Ngân khố Hank Paulson trình bày trước Quốc hội rằng khi được Quốc hội cho phép thi hành kế hoạch cấp cứu trị giá 700 tỷ vào đầu tháng 10, thì bộ Ngân khố đã thực tế dời đổi mục tiêu, từ mua lại các khoản nợ bất trắc để khai thông ách tắc tín dụng qua việc bơm thẳng tiền vào các doanh nghiệp.
Lý do là từ khi dự án cấp cứu - vốn đã được thảo luận với lãnh đạo tài chính và ngân hàng của Quốc hội trong các ngày từ 15 đến 19 và đệ nạp hôm 19 tháng Chín - lại bị Quốc hội bác và đòi nghiên cứu lại.
Biến cố ấy khiến thị trường chứng khoán Mỹ hốt hoảng và tuột giá mất 9% trong 10 ngày, tức là mất luôn khoảng 2.000 tỷ đô la. Vì vậy, bộ Ngân khố phải đổi mục tiêu từ bơm tiền mua giấy nợ qua mục tiêu châm thẳng tiền vào doanh nghiệp.
Đây là điều đáng tiếc và cho thấy trách nhiệm rất nặng của chính trường ngay trong mùa bầu cử khi gây hoang mang cho thị trường vào lúc dầu sôi lửa bỏng và không giải tỏa được ách tắc tín dụng và nạn cạn kiệt thanh khoản.
Bây giờ, cả bộ Ngân khố và Ngân hàng Trung ương đang ra sức bơm thẳng tiền vào doanh nghiệp và vừa tung ra biện pháp bất thường là châm tiền vào ngân hàng thương mại CitiGroup, sẽ bảo lãnh khác khoản nợ của ngân hàng này với con số dự báo là 306 tỷ đô la và đặc biệt Ngân hàng Trung ương bỏ ra 800 tỷ đô la mua lại các loại nợ an toàn trên thị trường tín dụng.
Nói vắn tắt giới chức hữu trách đang khai thông nạn đông lạnh tín dụng hầu sinh hoạt kinh tế không bị tắc nghẽn vì dân chúng và doanh nghiệp vay tiền không được.

Giải pháp cứu nguy

Việt Long: Bây giờ ta bước qua loại biện pháp ngân sách để kích cầu, thì giới hữu trách Mỹ có những dự tính gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hồi đầu năm, để chặn trước nguy cơ suy trầm, Chính quyền Bush đã xin Quốc hội cho phép bơm tiền, nôm na là trả lại tiền thuế cho dân xài, mà kết quả không được công hiệu, như diễn đàn này cũng đã trình bày và giải thích vì sao. Dân chúng được trả lại tiền thì lại không xài mà ghim lại, có khi để trả nợ, cho nên không gây tác dụng kích thích tiêu thụ.
Trong giai đoạn tranh cử và sau đó, đảng Dân Chủ cũng đề nghị một dự án kích cầu khác, khoảng 175 tỷ Mỹ kim như Nghị sĩ Barack Oabma đã nói tới. Nhưng chưa chắc biện pháp ấy đã thành công và tuần qua, Tổng thống tân cử Obama còn nói đến một dự án lơn hơn gấp bội về mục tiêu và ngạch số.
Cũng trong hướng ấy, ông Obama hứa hẹn việc hạ thuế cho 95% dân Mỹ đang lao động trong khi bên đảng Cộng Hoà thì đề nghị giảm thuế cho doanh nghiệp. Sự khác biệt nằm trong triết lý kinh tế chính trị của hai đảng. Bên đảng Dân Chủ thì chú ý đến việc kích thích tiêu thụ và châm tiền cho dân xài để nâng số cầu, bên đảng Cộng Hòa thì chủ trương yểm trợ vế cung, là giảm thuế để nâng sức sản xuất.
Bây giờ, cả hai chủ trương đó đều đang bị thực tế thách đố và cuộc tranh luận càng làm dư luận hoang mang bất định cho nên Ngân hàng Trung ương bước ra giải quyết luôn, bằng biện pháp bơm tiền mua lại nợ qua hai ngả, một ngả là 600 tỷ tín dụng gia cư và ngả kia là 200 tỷ tín dụng tiêu thụ hay của tiểu doanh.

Việt Long: Cuối tuần trước và hôm Thứ Hai vừa qua, Tổng thống tân cử Obama có loan báo kế hoạch đại quy mô nhằm kích cầu và tạo thêm hai triệu rưỡi việc làm cho dân Mỹ trong hai năm sau khi ông nhậm chức. Liệu kế hoạch này có công hiệu hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Khi thông báo kế hoạch gọi là cấp bách này, ông Obama không cho biết là sẽ trị giá bao nhiêu và thực tế tiến hành ra sao. Các giới chức bên đảng Dân Chủ đưa ra con số từ 500 đến 700 tỷ mà cũng không giải thích thêm. Điều đáng chú ý là sự xoay chuyển lập trường của ông Obama.
Khi tranh cử, theo chủ trương tái phân lợi tức, ông hứa giảm thuế cho dân nghèo nhưng tăng thuế nhà giầu. Cụ thể là ông lập tức thu hồi đạo luật giảm thuế của Chính quyền Bush từ thời 2003, chứ không đợi tới khi đạo luật này mãn hạn vào cuối năm 2010, nghĩa là nhiều loại thuế sẽ tăng mạnh.
Bây giờ, trong hai cuộc họp báo tại Chicago cách nhau hai tuần, ông Obama hàm ý là có lẽ ông sẽ không thu hổi quyết định giảm thuế ấy, tức là sẽ không tăng thuế khi mà sinh hoạt kinh tế đang bị đình đọng. Đây là điều đáng mừng cho thị trường và cho thấy ông Obama có biết nghe lời khuyên thực tiễn của ban tham mưu kinh tế, mà đa số đã từng làm việc cho Chính quyền ông Bill Clinton ngày xưa.

2.5 triệu việc làm?

Việt Long: Thế còn kế hoạch tạo ra hai triệu rưỡi việc làm trong hai năm tới, liệu kế hoạch ấy có công hiệu hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là hướng giải quyết thứ tư trong bốn loại biện pháp cứu vãn chúng ta đã nói tới, nghĩa là lập ra các dự án đầu tư trong khu vực công, như xây dựng cầu đường, tu bổ xa lộ hay lập nông trại hay cơ sở hoạt động có lợi cho môi sinh.
Người ta nói là kế hoạch này cũng tương tự như Tổng thống Franklin Roosevelt đã làm sau vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933, nhưng tôi thú thật là không hiểu ông Obama sẽ thực hiện việc đó ra sao và nhất là vì sao lại nói đến con số hai triệu rưởi việc làm. Vì đó là điều khó hiểu, trừ phi là để ban phát quyền lợi cho một số địa phương.

Việt Long: Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao đó ông lại thấy điều kế hoạch ấy khó hiểu?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông, mọi lãnh đạo đều bị chi phối bởi thực tế kinh tế xã hội chứ không thể chủ quan duy ý chí được. Một trong nhiều thực tế ấy là sự chuyển dịch dân số và cơ cấu sản xuất.
Thí dụ như khi tranh cử năm 1988, ông Bush cha hứa hẹn tạo thêm 15 triệu việc làm. Khi tranh cử năm 1992, ông Bill Clinton hứa hẹn tạo thêm 10 triệu việc. Năm 2000, ông Al Gore hứa tạo thêm 10 triệu việc trong khu vực siêu kỹ thuật, và năm đó, ông Bush con, tức là đương kim tổng thống thì nói rằng việc hạ thuế sẽ tạo thêm năm triệu công việc làm.
Năm 2004, Nghị sĩ John Kerry cũng hứa hẹn tạo thêm 10 triệu việc. Năm nay, khi tranh cử ở vòng sơ bộ, Nghị sĩ Hillary Clinton cũng hứa hẹn tạo thêm ba triệu việc trong khu vực xây dựng hạ tầng...

Việt Long: Ông nói đến những đề nghị của các ứng cử viên khi tranh cử là sẽ tạo thêm từ ba triệu tới 10, hay 15 triệu việc làm mới. Như vậy, kế hoạch của ông Obama tạo thêm hai triệu rưỡi việc làm trong hai năm đâu có gì là quá đáng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đúng vậy, thưa ông. Khi Tổng thống Eisenhower nhậm chức năm 1957, hàng năm kinh tế Mỹ tạo thêm được triệu rưởi việc mới. Khi ông Reagan làm Tổng thống năm 1981, số việc làm tăng bình quân là hai triệu rưởi mỗi năm, và trong bốn năm đầu của ông Reagan thì kinh tế đã tạo thêm hơn sáu triệu việc.
Nhìn về dài thì do dân số gia tăng, lực lượng tham gia thị trường lao động Mỹ vẫn tăng đều hơn một triệu rưởi mỗi năm và theo thống kê bộ Lao động Mỹ thì từ nay đến năm 2011, sẽ có thêm hai triệu 600 ngàn người đến tuổi kiếm việc.
Nếu từ nay đến đó ông Obama chỉ tạo thêm có hai triệu rưởi việc làm thì chả hoá ra số thất nghiệp khi ấy còn cao hơn bây giờ? Vì vậy, tôi không hiểu ra giá trị cứu nguy của kế hoạch này. Thứ nữa, để tạo ra hai triệu rưởi việc làm mà công quỹ phải tốn thêm đến 700 tỷ Mỹ kim thì đâm ra mỗi việc làm mới sẽ tốn 280.000 tiền đầu tư do dân thọ thuế phải trả hay sao?
Sau cùng, về cơ cấu sản xuất của Hoa Kỳ thì tình hình ngày nay đã khác xa thời Tổng thống Roosevelt tung ra kế hoạch cấp cứu bằng các dự án xây dựng hạ tầng như xa lộ hay đập nước. Thành phần có thể mất việc và cần tìm việc làm mới là nhân viên văn phòng, chuyên viên có tay nghề chuyên môn.
Họ không dễ gì làm việc mới là lái xe ủi, máy cầy, đẩy búa điện để tu bổ xa lộ. Vì vậy kế hoạch tạo ra hai triệu rưởi việc làm của ông Obama có thể có lợi cho di dân thiếu chuyên môn mà chưa chắc đã có tác dụng kích cầu mau chóng như kinh tế đang cần.
Cho nên, tôi thiển nghĩ rằng mình nên chờ đợi sự công hiệu của biện pháp tiền tệ để khai thông ách tắc tín dụng và quyết định hạ lãi suất hoặc giảm thuế để kích cầu. Một chi tiết cũng cần nói tới là nhờ dầu thô sụt giá gần hai phần ba, giới tiêu thụ tại Mỹ tương đối có vẻ lạc quan hơn một chút trong tháng 11, là điều khá bất ngờ.
Và nếu giới chính trị không gây thêm vấn đề kinh tế Mỹ có hy vọng khởi sắc kể từ quý ba của năm tới, tức là sớm hồi phục hơn các đầu máy kinh tế kia.

Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.


No comments: