Sunday, November 30, 2008

OBAMA VỚI VẤN ĐỀ DÂN CHỦ TRÊN THẾ GIỚI

Bush, Obama và những nhà đấu tranh dân chủ
Việt-Long, phóng viên đài RFA
2008-11-29
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-dissident-choice-vlong-11292008111311.html
Tổng thống Bush là người mạnh mẽ bênh vực cho dân chủ tại các quốc gia độc tài, còn Tổng thống Obama lại muốn có chính sách ra sao đối với vấn đề dân chủ trên thế giới.

Tổng Thống Bush và phu nhân Laura Bush chụp hình với các nhà đấu tranh dân chủ hôm 23.9.2008 ở đảo Governors, New York. Photo courtesy of www.whitehouse.org. Photo by Eric Draper.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-dissident-choice-vlong-11292008111311.html/bush-with-dissidents-305.jpg

Một bài báo Mỹ viết: Tổng thống George W. Bush là người mạnh mẽ bênh vực cho dân chủ tại các quốc gia còn mang nhiều tính chất của những chế độ độc tài, những quốc gia còn đàn áp những người tranh đấu cho dân chủ, thường được gọi là những người bất đồng chính kiến.
Còn Tổng thống tân cử Obama, người muốn thay đổi tận gốc rễ nền chính trị của Hoa Kỳ, sẽ có thể có chính sách ra sao đối với vấn đề dân chủ của những nước còn là những quốc gia toàn trị trên thế giới?
Đó là nội dung chính của bài báo mà tác giả là một nhà dân chủ nổi tiếng ở Liên Xô trước đây, ông Natan Sharansky, tên tiếng Nga là Anatoly Borisovich Shcharansky. Ông gốc là người Do thái, sinh ở Nga, từng bị giam 9 năm trong gulag Liên Xô, sau giữ nhiều chức vụ cao cấp trong chính phủ Israel, hiện là viện trưởng một viện nghiên cứu chiến lược quốc tế của Israel.

Quan điểm của Tổng thống Bush
Điều đáng ngạc nhiên, là ông Bush, ở cương vị nhà lãnh đạo một siêu cường, lại là người dường như khá cô đơn trong hoạt động vì dân chủ cho những nước còn chế độ toàn trị.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, qua nhiều đời Tổng thống, thường không mặn mà với chuyện tiếp xúc với các nhà dân chủ ở những quốc gia còn độc tài.
Họ chỉ muốn duy trì một quy ước tạm thời nào đó với những nước toàn trị có quan hệ ngoại giao với Mỹ, cho nên xem việc tiếp xúc trực diện với những người bất đồng chính kiến như sự khiêu khích có thể làm tổn hại mối quan hệ ấy.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trước đây từng ngăn cản được Tổng thống Ford tiếp xúc với nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Nga, nhà văn Alexander Solzhenitsyn, khôi nguyên giải Nobel hoà bình, sợ tỏ ra khiêu khích đối với Liên Xô. Nhân vật nổi tiếng không kém, nhà lãnh đạo tinh thần của xứ Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, được Tổng thống Bill Clinton tiếp đôi ba lần, nhưng không phải ở phòng bầu dục, nơi tiếp khách chính thức của tòa Bạch Ốc, cũng vì Washington không muốn làm Bắc Kinh nổi giận.
Chính sách này hoàn toàn thay đổi dưới thời Tổng thống Bush. Những nhà bất đồng chính kiến được tiếp thường xuyên ở phòng bầu dục. Tổng thống còn tiếp xúc công khai với những nhà dân chủ tại hơn 100 diễn đàn khác nhau ở nhiều thời điểm.
Những nhà dân chủ của Nga, Ai Cập, Trung Quốc, Sudan, Bắc Hàn, có trong danh sách những người gặp ông Bush ở tòa Bạch ốc. Nhân viên tòa đại sứ Mỹ ở nhiều quốc gia cũng thường tiếp xúc trực diện những người dân chủ nổi tiếng ở những nơi ấy.
Tuy vậy ông Bush vẫn cô đơn. Khi một số người bất đồng chính kiến nổi tiếng trên thế giới mời ông Bush nói chuyện tại một hội nghị ở Praha năm 2007, với sự hiện diện của mấy chục nhà dân chủ quốc tế, thì hầu hết các cố vấn của ông đều ngăn cản.
Nhưng một người quen trong tòa Bạch ốc nói với một người đạt lời mời, rằng ở cánh Tây của tòa Nhà Trắng tại Washington chỉ có một người duy nhất muốn Tổng thống Bush đến dự. Đó là Tổng thống Bush. Và vị Tổng thống Mỹ không những đến, mà còn tiếp xúc riêng với từng nhà dân chủ có mặt ở Praha hôm ấy.
Ông Bush còn đi xa hơn thế. Hơn một lần, ông đã đem cả sức nặng của phòng bầu dục đặt lên những đòi hỏi trả tự do cho những người dân chủ. Tháng 8 năm 2001, ông dọa giữ lại gói viện trợ nhiều triệu đô la cho Ai Cập, nếu nước này không thả nhà dân chủ Saad Eddin Ibrahim.
Sự tiếp xúc với những người dân chủ có tầm quan trọng lớn lao đối với sự nghiệp chính nghĩa của họ, là những người bị cô lập và xóa nhòa ngay tại quê hương mình.
Trong thập niên 1970, khi những nhà dân cử Hoa Kỳ, khởi đầu là nghị sĩ Edward Kennedy, bắt đầu tiếp xúc công khai với những người bất đồng chính kiến người Nga trong chuyến công tác Maxcơva, thì việc đó bắt đầu gây ảnh hưởng lớn lao chưa từng thấy cho phong trào tranh đấu của họ, cho người dân quanh họ, và cả chính quyền Liên Bang Xô Viết.
Mặc dù cuộc tiếp xúc ấy sau này trở thành những điều cáo buộc trước tòa đối với những người dân chủ, như phản bội tổ quốc vân vân, nhưng từ đó họ nghiệm ra rằng sự tù đày, cô lập, kiềm chế, sách nhiễu suốt đời cũng không quan trọng bằng việc cuộc đấu tranh của họ rơi vào quên lãng, không được ai ở bên ngoài biết đến, chỉ vì chính sách ngoại giao quốc tế thực dụng của nhiều quốc gia.

Chính sách của Obama?
Tuy vậy, không phải là mọi nhà chính trị trong chính quyền ông Bush và các chính quyền phương Tây đều ủng hộ chính sách cổ võ dân chủ của vị Tổng thống Mỹ thứ 43. Chính giới Mỹ không tỏ ra ủng hộ mạnh mẽ. Chính giới châu Âu cũng không khác.
Thế nhưng chính quyền tương lai của Tổng thống Barack Obama có thể tạo một khúc quanh có ý nghĩa.
Tuy chưa công bố chính sách ngoại giao, vị Tổng thống đắc cử đã từng tuyên bố qua diễn văn, sách báo và tiếp xúc riêng tư, rằng ông thấy được sự thay đổi lớn lao chỉ xảy ra từ dưới hạ tầng quần chúng ngược lên thượng tầng chính trị.
Bài nói chuyện hồi tháng 5 của ông đề cập tới những người bất đồng chính kiến bị giam cầm trong những xà lim tăm tối chỉ vì nói lên sự thật. Ông cũng tuyên bố Hoa Kỳ phải bênh vực cho dân chủ mà không hề nao núng. Và “quyền tự do đầu tiên và căn bản hơn hết mà Hoa Kỳ phải giành lấy cho mọi người, là quyền tự do chính trị.”
Ông Obama đang ở vị trí vững mạnh hơn nhiều để lãnh đạo, so với những người tiền nhiệm. Ông có thể sử dụng sự mến chuộng sâu rộng của quần chúng cùng với ảnh hưởng đáng kể của ông đối với công luận Mỹ và quốc tế, để yểm trợ những người đấu tranh vì dân chủ trên khắp thế giới.
Làm như vậy, ông Obama có thể đoàn kết người dân Mỹ trong một chính sách dựa trên những lý tưởng dân chủ vẫn luôn luôn là nền tảng tinh thần của xứ sở Hoa Kỳ, và biến nước Mỹ thành niềm hy vọng tốt đẹp nhất cho thế giới, như một vị nghị sĩ khác của bang Illinois trở thành Tổng thống Mỹ trước đây đã từng tuyên bố.


No comments: