Sunday, November 23, 2008

MỘT ĐỜI CHO MAI SAU (Phần 1)

Một đời cho mai sau (I)
Cung Thị Lan22-11-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5723

Cung Giũ Nguyên: Một đời cho thế hệ mai sau

Tôi tưởng là mình đã chuẩn bị tinh thần cho cái chết của bác tôi khi ông đã một trăm tuổi; thế nhưng, khi nhận tin ông ra đi vào cõi miên viễn, tôi bỗng trở thành một kẻ vô hồn, rỗng tuếch và trống trơn.

“Bác mất lúc 3 giờ sáng vào ngày 7 tháng 11 rồi Lan. Kỳ lạ là khoảng hai tuần trước, bác vẫn còn đi ra ngoài hóng nắng vậy mà tự dưng sức khỏe xấu đến độ bác sĩ bó tay. Thật là buồn khi bác nằm liệt, không ăn uống được gì trong ba ngày mà bác còn chống chọi với tử thần để chờ con cháu về gặp lần cuối mới ra đi...”

Cung Giũ Nguyên (1909-2008). Nguồn: HĐS Nha Trang
http://www.dcvonline.net/php/images/112008/cgn1.jpg

Giọng nói rời rạc và buồn bã của em gái ở đầu giây bên kia vương vất mãi trong đầu tôi. Cùng với cảm giác mất mát đang tràn ngập, tôi đã nhận không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, điện thư, lời phân ưu, bài tưởng niệm, điếu văn, tin tức và hình ảnh. Những thông tin này từ những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, học trò cũ và Hướng Ðạo sinh của bác tôi. Họ là những người đã từng sống ở thành phố Nha Trang, cùng thở chung với ông một bầu không khí biển nhưng nay đang lưu lạc khắp nơi trên thế giới.

Có lẽ chẳng ai tin được chúng tôi, những người đều ở Nha Trang trước đây nay mỗi người một nơi, vẫn liên lạc với nhau, gọi cho nhau để chia sẻ với nhau bao điều luyến nhớ tiếc thương trước sự ra đi của bác trong những ngày này. Ngẫm lại đời của một người có tài, thông minh và nhân hậu như ông mà phải trải qua qua một cuộc sống thăng trầm và phức tạp, lòng tôi cảm thấy bùi ngùi, thương nhớ. Biết bao điều tôi muốn hỏi ông cũng như biết bao điều tôi muốn nói với ông nhưng giờ đây tôi là người phải tự giải đáp cho những thắc mắc của mình qua các giấy tờ và tài liệu mà ông đã gửi cho tôi. Từ những hiểu biết của mình, tôi muốn minh rõ ông là người như thế nào và đã sống ra sao.

Cung Giũ Nguyên (1908-2008). Nguồn: Trần Văn Hồ
http://www.dcvonline.net/php/images/112008/cunggiunguyen.jpg

Trước năm 1975, hầu hết học sinh, sinh viên và trí thức trong thành phố Nha Trang đều biết đến Cung Giũ Nguyên. Là giáo sư có khoa nói rất đặc biệt, nhà văn nổi tiếng và trưởng Hướng Ðạo có tài có đức, ông đã được nhiều thanh niên Nha Trang trong thời ấy mến phục và kính nể. Các học trò của ông đã công phu thu thập và tóm lược tiểu sử của ông như sau:

Thầy Cung Giũ Nguyên: Giáo Sư Cung Giũ Nguyên sinh năm 1909 tại Huế. Họ thật là Hồng bị cải thành Cung; khi vua Tự Đức, húy Hồng Nhậm lên ngôi. Vì lý do chính trị hay kinh tế - tổ tiên của Cung Giũ Nguyên, người Phúc Kiến, đã qua lập nghiệp tại Việt Nam giữa thế kỷ XIX. Tại đây, họ Hồng cùng với nhiều họ Trung Hoạ khác, lập ở Bao Vinh, Thừa Thiên, phố Thanh Hà, sau thành làng Minh Hương, và sau đó đều được xem là người Việt Nam.

Thân phụ Cung Giũ Nguyên là Ông Cung Quang Bào, một đốc học. Thân mẫu là bà Nguyễn Phước Thị Bút, trưởng nữ quận công Hồng Ngọc, và cháu nội ngài Nguyễn Phước Miên Lịch, An Thành Vương, con út Vua Minh Mạng, và có lần đã làm Nhiếp chánh Thân thần.

Cung Giũ Nguyên học cấp trung học tại trường Quốc Học Huế những năm 1922-1927. Đáng lẽ đi học trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, nhưng vì con trưởng một gia đình nghèo và đông con, phải từ bỏ mộng trở nên họa sĩ để kiếm kế sinh nhai.

Năm 1928, được bổ làm trợ giáo tập sự tại trường Nam tiểu học Nha Trang nhưng đến đầu năm 1930 bị bãi chức; nghị định thải hồi của Khâm sứ Trung kỳ không nêu lý do, nhưng có thể ước đoán là vì lý do chính trị. Năm 1930 là năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, và cũng là năm Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí trong Việt Nam Quốc dân đảng bị xử tử tại Yên Bái. Trong bài thơ Le Mot đăng trong tạp chí France-Asie, Sài Gòn, năm 1948, Cung Giũ Nguyên có nhắc đến biến cố nầy. Giáo sư Bùi xuân Bào trong phần giới thiệu các nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp trong quyển Littératures de langue francaise hors de France, đã nhắc lại bài thơ ấy và xem 1930 là năm đánh dấu khúc quanh đời của tác giả.

Cung Giũ Nguyên viết văn từ năm 1928 và từ đó, đã cộng tác với nhiều báo chí trong nước và ngoài nước, trong số có: Đông pháp thời báo (Sài Gòn), Sài Gòn-Mới Nam Phong (Hànội), L’Indochine Nouvelle (Sài Gòn),France-Annam. La Gazette de Hu, Tân Văn (Sài Gòn) Symposium (Syracuse) Books Abroad (Oklahoma, Hoa Kỳ) France-Asie. (Sài Gòn). Bách Khoa (Sài Gòn),Présence Francophone (Sherbrooke, Canada) Đại Học (Huế), Tri Thức (Đà Lạt). La Tribune (Sài Gòn), v.v.- 1938-1940 - Cùng với Raoul Serène, sau nầy là Giám đốc Hải Học Viện Đông dương, chủ trương nguyệt san LES CAHiERS DE LA JEUNESSE, Nha Trang.

– 1939, Chủ bút Nguyệt san song ngữ TƯƠNG LAI TẠP CHÍ Nha Trang
– 1940-1942, Chủ bút nhật báo LE Soir D’Asie Sài Gòn.
– 1954, Chủ bút tuần báo LA PRESSE D’EXTREME-ORIENT. Sài Gòn

Tác phẩm
Một người vô dụng, tiểu thuyết. Tín đức thư xã, Sài Gòn, 1930;
Nhân tình thế thái, truyện ngắn, (Phổ thông văn xã, Gia định, 1931,
Nợ văn chương, tiểu thuyết, Nhà in Châu Tịnh, Vinh 1934);
Volontés d’existence, tiểu luận Editions France-Asie Sài Gòn 1954;
Le Fils de la Baleine, tiểu thuyết, Editions Arthẻme Fayard, Paris 1956.
Bản dịch: Der Sohn das Walfischs, Genf và Frankfurt, 1957,
Kẻ thừa tự của ông Nam Hải, Nxb Văn Học Hà nội 1995;
Le Domaine Maudit, tiểu thuyết, Fayard Paris 1961;
Thái Huyền, tiểu thuyết, Nxb Đại Nam, Glendale, Hoa Kỳ, 1995...
Trên bốn mươi (40) đầu sách khác chờ xuất bản.

Cung Giũ Nguyên trở lại nghề dạy học từ 1940 tại Nha Trang, đã dạy (các môn, tùy theo trường: Việt văn, Hán văn, Latin, Pháp văn, Anh văn, Sử địa. Kinh tế học, Văn học, Triết học...) ở các trường Kim Yến, Collège de Nha Trang, Võ Tánh, Lê quý Đôn, các Trường Dòng Phanxicô, Lasan, Giuse, Lớp Tu Muộn Địa phận, Lớp Kỷ thuật viên Viện Psteur. Lớp Anh văn Trung Học Y tế v.v...

– Từ 1955 đến 1975: Hiệu trưởng trường trung học đệ nhị cấp bán công Lê quý Đôn, Nha Trang,
– 1972-1975, giáo sư thỉnh giảng Viện Đại học Cộng đồng Duyên Hải Nha Trang, trưởng phòng Pháp văn, phụ trách nội san Duyên Hải.
– 1990-1999, giáo sư thỉnh giảng (Ngôn ngữ và văn chương Pháp), Khoa Pháp văn, Trường Cao đẳng Sư Phạm Nha Trang.

Công tác xã hội
– Phó hội trưởng Hội Khuyến Học Nam kỳ (Société d’Enseignement Mutuel de Cochinchine), Sài Gòn 1940-1942
– Hội trưởng Hội Vinh Sơn (Conférence de Saint Vincent de Paul) Nha Trang. 1950-1952.
- Hội trưởng Hội Kiến Hương, Nha Trang, 1950.
– Uỷ viên Đạo trưởng Đạo Nam, Hội Hướng Đạo Trung Kỳ, 1938-1944.
– Deputy Camp Chief of Gilwell. Phụ tá Trại trưởng Gilwell. Thành viên Ban Huấn luyện Trại trường Hướng đạo thế giới, London Anh quốc, 1957. Uỷ viên Huấn luyện Hội Hướng đạo Việt Nam, Trại trưởng Việt Nam 1958-1963.
– 1950-1954. Nghị viên Hội đồng quốc gia lâm thời.
– 1972, Hội viên thiệt thọ Hội Nhà Văn Tiếng Pháp, Association des Ecrivains de Langue Francaise (ADELF), Paris.
(Trang điện tử Trung Học Võ Tánh Nha Trang Khánh Hòa, Phỏng Theo Tư Liệu của NhaTrang website)

Tiểu sử này là văn bản được đang lên các trang nhà, còn thực tế có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong lòng học trò của ông:

“Tôi còn nhớ một buổi sáng ngồi chờ giờ của thầy Cung Giũ Nguyên. Những câu chuyện đàm tiếu của chúng tôi bị cắt ngang khi thầy bước vào lớp. Sau khi lớp học được im lặng, thầy mở đầu bài giảng bằng một câu chuyện rất ngắn mà hơn 40 năm tôi vẫn còn nhớ cái khuôn mặt chữ điền, cặp kính cận thị, và mái tóc lúc nào cũng tươm tất rất đúng là một nhà giáo gương mẫu.
Thầy bắt đầu chậm rãi.
Có ba cậu học trò đi bộ trên đường đi học về nói cười vui vẻ. Một trong ba cậu học trò nhìn qua bên kia lề đường thấy một bà gánh hàng rong. Anh ta nhìn người bạn cùng đi với mình:
– Ai đi bên kia giống má mày quá?
Anh bạn nhìn qua bên kia đường thấy má mình vội vàng nói:
– Ai chớ không phải má tao.
Cả lớp im lặng con ruồi bay cũng nghe.
(Nguyễn Mai, Nam sinh trường Trung Học Võ Tánh, Nha Trang- Niên khóa 1961-1967)
“Nha Trang và Cung Giũ Nguyên.
Ngôi nhà nằm trên một con đường vắng đầy bóng tối, tôi không biết tên. Mảng sân hẹp nhiều cây. Nhà kiến trúc kiểu xưa, đã cũ lắm, phòng khách nhỏ. Thầy đã già. Nhưng người học trò năm xưa giờ cũng đâu còn trẻ. Thầy hỏi: Anh về bao giờ? Tôi nắm tay Thầy. Ánh sáng của ngọn điện yếu không soi rõ khuôn mặt Thầy. Thầy bảo: Anh vào đây! Tôi bước theo Thầy. Phòng làm việc của nhà văn Cung Giữ Nguyên nhỏ, ngăn nắp, nhiều sách báo. Thầy hỏi: Anh đã có cuốn này chưa? Le Fils de la Baleine. Bản tiếng Việt: Kẻ Thừa Tự Của Ông Nam Hải. Thầy nói đây là bản dịch của ông Nguyễn Thành Thống, nhà xuất bản Văn Học Hà Nội in cách đây sáu năm. Nguyên bản cuốn tiểu thuyết của Thầy do nhà xuất bản Arthème. Fayard, Paris France in năm 1956. Cuốn sách sau đó đã được dịch và xuất bản ở Tây Đức và Canada.
Thầy mở trang đầu cuốn sách, cúi xuống viết lời đề tặng cho cậu học trò ngày xưa. Chữ ký bị nhòe một giọt nước. Thầy tôi vẫn viết bằng loại viết có chứa nước mực. Dưới chữ ký là một đường vạch cong và mạnh.
Tôi đang có trong tay một cuốn tiểu thuyết mà số phận của nó trong gần nửa thế kỷ qua nổi trôi như cuộc đời một con người. Một cuốn sách đi đường vòng. Chào đời tại Pháp (bằng tiếng Pháp, tất nhiên) năm 1956, và chính thức trở về Việt Nam bằng ngôn ngữ mẹ đẻ vào năm 1995, cuốn sách đã có một hành trình 39 năm lưu lạc quê người. Ở Đức năm 1957. Ở Canada năm 1978. Và tôi mang trở lại Hoa Kỳ cuốn sách của Thầy tôi năm 2001.”
(Nguyễn Xuân Hoàng, Thầy tôi, Nhà văn Cung Giũ Nguyên,Việt Tribune, năm 2001)

“Cho đến nay, học trò Thầy rời mái trường đã lâu lắm rồi, hầu hết đầu đã bạc, vậy mà âm vang những câu chuyện hay bài học “ngoài môn học”, hay những lời giảng về cách nhìn cuộc đời, cách nhìn một thế giới lớn rộng hơn cái không gian nhỏ bé của mình hay vượt ngoài cái thời gian hạn hẹp của mỗi đời người, dường như vẫn còn đâu đó. Đồng thời, khó có mấy ai quên được nụ cười thật đặc biệt mỗi khi thầy chuyển tải các bài học này.
Bài học nhiều lắm. Chúng con chỉ muốn nhắc lại ba bài học chính của Thầy, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều, mà chúng con phải học mãi trong suốt cuộc đời mình. Những bài học ngỡ rằng đơn giản nhưng thật không dễ học. Những bài học vô cùng quý giá vì nó thật sự quan trọng cho cuộc đời và vì không chắc học trò nào khi đến trường đều được dạy theo một cường độ và cung cách như vậy. Nhắc lại ở đây như một lời biết ơn trước khi nói lời vĩnh biệt Thầy. ‘Hãy luôn nhìn về tương lai. Hãy luôn làm việc hết mình và không ngừng học hỏi. Hãy nuôi hy vọng’
(Trương Hồng Sơn, Điếu văn đại diện Trung tâm Cung Giũ Nguyên và một số học trò cũ của Thầy Nguyên ở hải ngoại)

Và:
“Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một cuộc đổi đời, một nền văn hóa mới, ‘văn hóa xã hội chủ nghĩa’ được áp đặt lên miền Nam, tất cả những giáo chức ở Nha Trang (và có lẽ khắp miền Nam!) được lệnh cơm bầu, nước giỏ đến trường Tiểu Học Tân Phước để học tập ba ngày về đường lối chủ trương của ‘Nhà nước cách mạng’.
Số giáo chức Nha Trang chạy vào Sài Gòn khá nhiều. Số còn lại chỉ chừng hơn vài trăm, ngồi im phăng phắt để nghe cán bộ giáo dục thuyết giảng về “sự ưu việt” của “văn hóa xã hội chủ nghĩa”.
Mấy cán bộ ngồi trên bàn chủ tọa, súng lục xề xệ bên hông, phía sau lưng có ba anh ‘thầy giáo ngụy’ đang lăng xăng hầu trà pha nước.
Không biết họ moi ở đâu ra mấy cuốn ‘Đồi thông hai mộ’, ‘Minh tâm Bửu giám’…cứ nhá lên, nhá xuống, vừa cười nham nhở vừa phê phán:
– Đấy! Cái thứ văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy như thế đấy!
Một trong ba cán bộ cộng sản ngồi bên trên có ông Cung Giũ Phú, ở ngoài Bắc mới vô, đang nắm giữ chức Giám đốc Khu Triển lãm 2/4 tại Nha Trang, em của Thầy Cung Giũ Nguyên.
Phía dưới đám ‘ngụy giáo’, Thầy Cung Giũ Nguyên ngồi hàng đầu. Suốt ba ngày, Thầy vẫn ung dung tự tại, thái độ điềm nhiên, ngồi yên lặng, miệng vẫn ngậm pipe, lơ đảng nghe lời giáo huấn của kẻ thắng trận.
Tôi ngồi sau lưng Thầy, lòng cứ bồn chồn, tâm trạng vừa ngao ngán vừa thấp thỏm không yên. Ngao ngán cho sự đời, kẻ vô học được thời nhảy bàn độc thì ít, mà cho ba anh ‘giáo ngụy’ điếu đóm sau lưng thì nhiều.
Kết thúc ba ngày “cải tạo tư tưởng”, làm bản ‘thu hoạch’ để tổng kết thành tích học tập, ‘Ban Giảng huấn’ mời Thầy Cung Giũ Nguyên đại diện cho học viên khóa học, lên phát biểu ý kiến.
Tôi tự hỏi không biết Thầy mình sẽ nói cái gì bây giờ? Nói theo chăng? Không được! Nói nghịch lại để phản ứng chăng? Lại càng khó. Sẽ ‘có vấn đề’ ngay!
Trong lúc tôi đang lúng túng tìm cách để tự trả lời thì Thầy ung dung đứng dậy tại chổ chứ không bước lên phía trên và vẫn cứ bằng một giọng cố hữu, vừa trầm vừa chậm rãi, Thầy thong thả nói rõ từng tiếng:
– Trong ba ngày nay các ông đã nói quá nhiều rồi, quá đủ rồi, chúng tôi đâu còn có gì để nói nữa đâu!
Nói xong, Thầy ngồi xuống và tiếp tục ngậm ống tẩu thở khói.
Tự dưng tôi nghe hả hê trong dạ và chợt nhớ đến lời của Thầy Nguyễn Duy Nhường dạy Việt văn: ‘Nghề dạy học có ba điều đáng hãnh diện. Đó là Bần hàn bất năng di, phú quí bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất’.”
(Nguyễn Thanh Ty, Chữ Trinh Còn Một Chút này! Boston 10/11/2008)Vì sao thầy Cung giũ Nguyên để lại nhiều điều đáng nhớ trong lòng học trò của ông như thế? Phải chăng từ sự kính nể:

“Thời gian mấy mươi năm qua, học trò Thầy và cả chính Thầy, đã trải qua bao thăng trầm. Càng thấm thía với những lời dạy này, và với rất nhiều học trò của Thầy, nó trở thành một cái phao tinh thần cho cuộc đời họ, bởi vì, trong suốt mấy mươi năm qua, có mấy ai không có những lúc muốn quị xuống, muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc, muốn mặc cho thế sự quay quần như thế nào, quay mình đi như thế nào. Bài dạy chỉ thật sự có tác dụng nếu chính người dạy tin và sống theo nó. Từ những nơi rất xa, nhìn về quê nhà, thấy cách sống của Thầy, ở vào cái tuổi của Thầy mà vẫn lừng lững không chịu thua với khả năng tàn phá của thời gian, học trò Thầy ấn tượng vô cùng.
Thầy có một quá khứ rất đáng để trân trọng nhưng Thầy luôn nhìn về trước và luôn làm giàu thêm cho sự nghiệp tinh thần của mình và làm giàu thêm cho cuộc đời. Trong một hoàn cảnh không thuận lợi chút nào, Thầy không ngừng viết, suy nghĩ, và cả học hỏi. Ở tuổi gần 100, vượt xa cái tuổi tự cho là “tri thiên mệnh” của người xưa, Thầy vẫn học. Thầy sử dụng computer rành hơn nhiều học trò Thầy bên kia bờ đại dương. Gần tuổi 100, Thầy vẫn còn ngồi trước máy vi tính gởi e-mail đến các học trò, người thân ở khắp nơi, cho đến khi... cơ thể Thầy không còn cho phép Thầy tiếp tục.”
(Trương Hồng Sơn- Điếu văn của đại diện Trung tâm Cung Giũ Nguyên và một số học trò cũ của Thầy Nguyên ở hải ngoại)

Kính thương:
“Thầy đã bách niên viên mãn tuổi trời ban. Thầy đã rũ sạch bụi trần ai để về nơi ‘Nước Nhược’ sau khi lưu lại cho hậu thế, nhất là đám môn sinh của Thầy, một gia tài văn học quí hiếm và nhiều lưu luyến tiếc thương.”
(Nguyễn Thanh Ty, Chữ Trinh Còn Một Chút này! Boston 10/11/2008)

“Rất đau lòng khi biết thầy Cung Giũ Nguyên vừa tạ thế ở quê nhà. Thầy là một vị Thầy khả kính của rất nhiều thế hệ học sinh ở nha Trang. Tôi được diễm phúc là vinh dự là học trò của Thầy trong hai năm Nhị C và Nhất C ở trường Võ Tánh, và cũng là đứa học trò được Thầy thương mến”
Phạm Tín An Ninh.

Hay kính phục:
“Thời gian mấy mươi năm qua, học trò Thầy và cả chính Thầy, đã trải qua bao thăng trầm. Càng thấm thía với những lời dạy này, và với rất nhiều học trò của Thầy, nó trở thành một cái phao tinh thần cho cuộc đời họ, bởi vì, trong suốt mấy mươi năm qua, có mấy ai không có những lúc muốn quị xuống, muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc, muốn mặc cho thế sự quay quần như thế nào, quay mình đi như thế nào. Bài dạy chỉ thật sự có tác dụng nếu chính người dạy tin và sống theo nó. Từ những nơi rất xa, nhìn về quê nhà, thấy cách sống của Thầy, ở vào cái tuổi của Thầy mà vẫn lừng lững không chịu thua với khả năng tàn phá của thời gian, học trò Thầy ấn tượng vô cùng.
Thầy có một quá khứ rất đáng để trân trọng nhưng Thầy luôn nhìn về trước và luôn làm giàu thêm cho sự nghiệp tinh thần của mình và làm giàu thêm cho cuộc đời. Trong một hoàn cảnh không thuận lợi chút nào, Thầy không ngừng viết, suy nghĩ, và cả học hỏi. Ở tuổi gần 100, vượt xa cái tuổi tự cho là “tri thiên mệnh” của người xưa, Thầy vẫn học. Thầy sử dụng computer rành hơn nhiều học trò Thầy bên kia bờ đại dương. Gần tuổi 100, Thầy vẫn còn ngồi trước máy vi tính gởi e-mail đến các học trò, người thân ở khắp nơi, cho đến khi... cơ thể Thầy không còn cho phép Thầy tiếp tục.”
(Trương Hồng Sơn, Điếu văn của đại diện Trung tâm Cung Giũ Nguyên và một số học trò cũ của Thầy Nguyên ở hải ngoại)

“Có một vài dòng để nói về thầy Nguyên. Tường Lân có một may mắn lớn là đã học trường Duyên Hải Nha Trang và đã được học thầy nguyên một vài buổi học ngoại khóa năm 1975. Thật không thể nào quên được cách nói chuyện dí dỏm, duyên dáng nhưng vô cùng sâu sắc của thầy. Vậy là Việt Nam đã mất đi một người thầy vĩ đại, một nhà văn lớn.”
(Nguyễn Tường Lân - học sinh trung học Võ Tánh Nha Trang - niên khóa 1966-1973)

“Ở cái tuổi khi tôi chỉ mới biết những bài quốc văn giáo khoa thư, Thầy Cung Giũ Nguyên của chúng tôi đã là một nhà văn và là một nhà văn nổi tiếng viết tiếng Pháp.
Tôi rời xa Nhatrang khi qua trung học đệ nhất cấp, vào trung học đệ nhị cấp ở Sàigòn, lấy Tú tài Toán, học lớp PCB ở Đại học Khoa học, tôi gần như quên đi cái thế giới văn chương mà có lúc tôi từng yêu thích. Thế nhưng, tôi không quên Thầy tôi, nhà văn Cung Giũ Nguyên, người đã một thời là hình ảnh mà tôi mơ ước được là như thế.”
(Nguyễn Xuân Hoàng, Thầy tôi, Nhà văn Cung Giũ Nguyên, Việt Tribune, năm 2001)

Tôi chẳng lấy làm lạ về những lời mỹ cảm của học trò dành cho thầy Cung Giũ Nguyên. Khuôn mặt trầm tĩnh, trán cao thông minh, ánh nhìn điềm đạm và cử chỉ ung dung là tất cả ấn tượng khó quên cho cho bất cứ ai từng gặp ông. Ngoài diện mạo bên ngoài, tài hùng biện, lối nói dí dỏm và ý chí tự học của ông đã thu hút bao nhiêu sự mến phục của học sinh, và những người chưa từng là học sinh của ông.

“Nếu thế hệ sau tôi, lỡ học Pháp văn nhằm thầy Nguyên đứng lớp thì hụt hơi liền! Đó là một ông thầy lên lớp không mảy may tôn trọng giáo trình, tuy đang là hiệu trưởng của trường chúng tôi đang theo học. Tôi nhớ bài học đầu tiên môn tiếng Pháp của niên khoá 1973 – 1974, có tính từ “loin” nghĩa là xa xôi. Thế là ông dẫn học sinh từ xa xôi đến hiu quạnh, đến cô đơn, với tất cả những từ phái sinh từ loin, và sau cùng ông nói về sự cô đơn của nhân loại – một lĩnh vực của... triết học. Đúng là ông thầy rất ư “sang đàng” chi địa. Hai giờ học chỉ có mỗi từ loin.
Có bận, có đứa học trò hỏi: thầy học triết hồi nào mà có thời gian thầy dạy triết ở Võ Tánh? Thầy Nguyên tỉnh bơ kể rằng có lần ông vào Sài Gòn, đến hiệu sách của ông Khai Trí, thấy bán nhiều sách triết, vốn trong túi đang có tiền, mới bảo cửa hiệu đo bán cho ông một thước sách triết, về để chưng trong nhà lấy le. Tình cờ thanh tra giáo dục ghé nhà, thấy ông có nhiều sách triết, trường Võ Tánh lại đang thiếu thầy triết, bèn mời ông dạy triết.
Thực ra, suốt đời ông, tự học là chính, vì từ năm 19 tuổi, học xong trung học, ông đã đi dạy học, đã có truyện ngắn đầu tiên đăng trên France-Asie. Tấm gương tự học của ông đã truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò. Ông tự học triết và toán tại thư viện một tu viện ở Đà Lạt mất mấy năm. Sau khi hết đi dạy, ông lại tiếp tục làm việc ở các thư viện, cũng chính một trong những nơi này giúp ông già làm quen với tin học, để còn kịp cập nhật mình với phương tiện mới.
Lợi dụng cái đầu bách khoa của ông, lũ con gái trong giờ học, hỏi đủ chuyện sang đàng, từ tâm lý tình cảm, đến cả tính dục, nhờ ông xem tướng, xem chỉ tay. Mấy thầy dạy triết như thầy Nhẫn mỗi lần gặp từ khó giải thích như “kê gian” trong bài giảng về libido của S. Freud môn tâm lý học, mới bảo qua nhờ thầy Nguyên giải thích kỹ hơn. Nghe hỏi, thầy Nguyên lại kể chuyện sang đàng rằng ông nuôi một chuồng gà mái, một hôm có ai đem cho con gà trống, ông đem nhốt chung và con gà trống tử nạn vì nghĩa vụ. Rồi ông mới giải thích từ kê gian gọn gàng là đạp mái, ai không hiểu, kệ!”
(Công Khanh, Thời Gian và Cung Giũ Nguyên)

“Kỷ niệm về thầy Nguyên là một điều rất tình cờ vì tôi không ở Nha Trang, không phải là học trò của thầy. Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, học trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng từ đệ-thất tới đệ-nhị rồi học Quốc Học Huế vì lúc bấy giờ (1960) trường Phan Châu Trinh chưa có đệ-nhất. Tôi học ban toán nhưng rất thích môn Pháp văn…
Cuối năm đệ-nhất tôi vào thi vấn đáp môn Pháp văn với thầy Nguyên. Tôi không biết thầy, tôi không biết tên thầy. Tuy vậy, dù với sự hồi hộp lo âu của một thí sinh, tôi vẫn ghi nhận ngay một điều là thầy nói tiếng Pháp rất dễ dàng, nói như thở; trong tất cả thầy Pháp văn tôi học từ nhỏ đến lớn, không ai nói tiếng Pháp như thầy. Một người bạn cùng vào thi với tôi, có anh chị dạy ở trường Hàm Nghi và Nguyễn Tri Phương, nói cho tôi biết tên thầy. Tôi chưa biết hay quen người nào có họ Cung; tôi thấy tên thầy lạ và hay và có lẽ vì thế tôi nhớ tên thầy.
Tôi rời Huế và chẳng nhớ gì ngoài mái tóc thề tung bay của mấy nàng học trò trường Đồng Khánh; Huế mờ nhạt mau chóng trong trí nhớ tôi vì sự náo nhiệt của Sài Gòn. Một hôm, có lẽ vào đầu năm 1963, tôi tình cờ đọc một bài báo trong tạp chí Bách Khoa bàn về văn chương và triết học mà tác giả là Cung Giũ Nguyên. Bài báo có tầm vóc của những bài đăng trên tạp chí Đại-Học do giáo sư Nguyễn Văn Trung, Đại Học Huế, chủ trương, hay tạp chí Quê-Hương của các giáo sư Nguyễn Cao Hách, Vũ Quốc Thông, Vũ Quốc Thúc, Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Tôi nghĩ đến vị thầy chất vấn tôi trong kỳ thi vấn đáp ở Huế. Tên trùng tên, họ trùng họ. Tuy có rất nhiều Nguyễn Nam, Lê văn An và Trần Anh Dũng nhưng chắc không có nhiều Cung Giũ Nguyên; biết đâu chỉ có một Cung Giũ Nguyên. Và nếu điều đó là sự thật thì vị giáo sư trung học này quả là một bậc kỳ tài, nói tiếng Pháp như gió vi vu và bàn chuyện văn chương và triết học rất là ý vị.
Vì vẫn còn thích tiếng Pháp và vì hay la cà tại nhà sách Khai Trí và Xuân Thu để mua tiểu thuyết Pháp loại bỏ túi, tôi quen một người bạn rất thông thạo văn chương Pháp. Người này đọc nhiều, hiểu rộng và thích nói chuyện nên tôi học hỏi ở anh ta rất nhiều. Anh nói cho tôi nghe về Marcel Proust, Francoise Sagan, rồi Phạm Duy Khiêm và hai tác phẩm Légendes des Terres Sereines (Huyền Thoại của Những Xứ Yên Bình) và Nam et Sylvie (Nam và Sylvie). Sau Phạm Duy Khiêm là Cung Giũ Nguyên với tác phẩm Le Fils de la Baleine (Người Con Trai của Ngài Cá Ông). Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt. Tôi đoán đúng, chỉ có một Cung Giũ Nguyên đang dạy Pháp văn ở Nha Trang, và bấy giờ tôi hiểu rõ ràng tại sao vị thầy tôi vào thi vấn đáp nói tiếng Pháp quá hay ho và am hiểu nhiều chuyện văn chương triết học.
Tháng 9 năm 2000 cựu học sinh Đệ-Nhất C Võ Tánh niên khóa 1965-66( Nguyễn thị Hoàng Anh, Nguyễn Bá Dĩnh, Vũ thị Minh Dung, Ngô văn Hóa, Võ thị Xuân Hương, Trương thị Bích Khuê, Phạm Khắc Long, Từ thị Tuyết Nga, Nguyễn văn Quang, Trần thị Cảnh Tịnh, Ông thị Cẩm Vân, Nguyễn thị Bạch Võ, Nguyễn Ngọc Y, Nguyễn thị Như Ý. Cựu học sinh Võ Tánh Nha Trang: Nguyễn thị Kim Cúc, Dương Đức Ngọc, Phùng văn Nguyên, Nguyễn Lương Thuật, Nguyễn Đăng Tuấn. Cựu học sinh Nữ Trung Học Nha Trang: Nguyễn Hữu thị Ngọc Tài) và thân hữu họp mặt tại Greensboro, North Carolina.Hầu hết những người này là học trò của thầy Nguyên; qua câu chuyện của họ và nhất là tài liệu của Trung Tâm Cung Giũ Nguyên (Website:www.nhatrang.org) tôi biết thêm rất nhiều về thầy. Thầy là một nhà văn lớn, được trọng vọng nơi xứ người nhưng ít biết đến tại nước nhà; dù sao thầy là một hãnh diện lớn cho mọi người Việt Nam.”
( Nguyễn Phụng, Thầy Cung Giũ Nguyên và Truyện Le Fils de la Baleine, Greensboro, North Carolina 4, 2002)

“Tôi không phải là học trò của ông, càng không rành rẽ về tiếng Pháp lắm để có thể đọc được những tác phẩm văn học viết bằng tiếng Pháp của ông, thế nhưng là một người Nha Trang và theo thiển nghĩ của cá nhân tôi-ông là người biết rõ về nha Trang nhất. Vâng tôi tự tin khi viết lên điều này vì từ năm 1920 ông đã đến Nha Trang và đã chọ nơi đây làm chốn đi-về (những kỳ nghỉ hè, đi dạy học và cả những khi phải tha phương và cuối cùng Nha Trang là bến đậu cho đến cuối đời.
... Năm nay ông đã bước sang tuổi 97 và vẫn còn miệt mài làm việc với chiếc máy vi tính mỗi ngày mà không cần người phụ giúp. Hoàn thiệjn những bản thảo đang dang dở, hệ thống lại toàn bộ tác phẩm, dịch ra tiếng Việt những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp...khối lượng công việc thì đồ sộ mà quỹ thời gian còn quá ít. Thế nhưng 'không viết nữa thì làm gì!', ông đã nói với tôi như vậy. 'Ðời người như một miếng da lừa, mỗi ngày nó teo tóp đi một chút. Dân gian thường nói cá ươn, ươn từ cái đầu. Con người cũng vậy, phải bắt cái đầu nó làm việc đừng để nó hư. Nên sống lạc quan và biết cười'.”
(Ðào Thị Thanh Tuyền, Cung Giũ Nguyên, Nhà giáo dục, Nhà báo, Nhà văn)

“Tôi không phải là học trò của thầy. Nhưng tôi vẫn gọi thầy xưng con với thầy vì sự uyên bác và tuổi tác của thầy. Tôi đã từng nghe danh của thầy từ rất lâu, nhưng mãi đến năm 1987 tên của tôi mới được vinh dự đặt bên cạnh tên của thầy khi tôi dịch cuốn Autour de la lune (Bay quanh mặt trăng) của Jules Verne, in ở Nhà xuất bản Tổng Hợp Phú Khánh. Thế rồi mãi đến những năm đầu của thập niên 90 tôi mới được gặp thầy. Câu chuyện như thế này.
Đầu năm 1990, lúc đó tôi đang là biên tập viên của Nhà xuất bản Khánh Hòa, tôi được phân công biên tập một cuốn sách dịch của tác giả Cung Giũ Nguyên. Đó là cuốn Le Fils de la Baleine, người dịch là Nguyễn Văn Hùng, tức Cung Giũ Hốt, em ruột của tác giả Cung Giũ Nguyên. Tôi đã đọc nguyên bản tiếng Pháp trước, sau mới đọc đến bản dịch. Tôi thấy khoảng cách giữa nguyên bản với bản dịch quá xa, nên tôi đã yêu cầu người dịch dịch lại, nhưng người dịch không đồng ý và đã rút bản thảo về. Một tuần sau tôi có dịp đến làm việc với một cộng tác viên rất nổi tiếng của Nhà xuất bản Khánh Hòa. Đó là Thầy Cung Giũ Nguyên.
Tôi còn nhớ rất rõ. Khi tôi gõ cửa nhà số 60 Hoàng Văn Thụ Nha Trang, một ông cụ trông rất khỏe mạnh, ở trần, mặt quần pijama, chân mang vớ. Tôi nghĩ trong đầu cây cổ thụ đây, nhưng tôi thắc mắc vì sao ở trần mà lại mang vớ. Về sau ông cụ mới cho biết: ở trần là để cho mát, nhưng phải mang vớ là để khỏi bị muỗi cắn chân khi ngồi làm việc. Ngay từ đầu tôi đã thoáng thấy cái nét hài hước của ông cụ, một đặc điểm mà ít người nhận ra, vì khi nói đến Cung Giũ Nguyên thì thường người ta nghĩ ngay đến một ông trưởng giả khó tính hút píp xách ba-tông đi giày tây. Ông cụ hỏi tôi: Cái gì vậy? Thưa: Con ở bên Nhà xuất bản muốn gặp thầy. Ông cụ nhìn bộ dạng của tôi rồi phán: Năm phút thôi!
Đúng là cao đạo. Nhưng không phải thế. Hôm đó tôi đã được hầu chuyện ông cụ gần hai tiếng đồng hồ. Cuối buổi ông cụ cho tôi biết sở dĩ có cái lệnh năm phút thôi kia là vì ông cụ thấy rằng quỹ thời gian của mình còn ít quá, chứ không rỗi rãi như tôi. Khi biết được danh tính của tôi, ông cụ hỏi: Có phải anh là người đã chê bản dịch của Nguyễn Văn Hùng không? Thưa: Dạ phải. Hỏi tiếp: Chê người khác mà mình có làm được không? Tôi biết mình đã nhảy lên lưng cọp rồi. Vốn có máu hung hăng của bọn trẻ tôi thưa ngay: Dạ thưa, nếu thầy đồng ý thì để con làm thử. Lệnh tiếp: Thế thì về làm đi! Đến lúc này thì tôi mới thấy mình đã lỡ dại rồi. Thì giờ đâu? Cả ngày tôi làm việc và ở lại luôn tại Nhà xuất bản, chiều mới đạp xe đạp mười cây số về Trường Trung Học Phổ Thông Hoàng Hoa Thám Diên Khánh, nơi tôi tạm trú cùng với vợ con tôi; ở đó lúc bấy giờ ban đêm điện đóm không ổn định chút nào. Thế nhưng tôi đã cố gắng tốc hành trong vòng một tháng để dịch cho xong cuốn sách của ông cụ. Và tôi đã dịch tựa sách Le Fils de la Baleine thành Kẻ Thừa Tự của Ông Nam Hải thay vì dịch sát chữ là Người Con Trai của Cá Ông. Tôi rất hài lòng về cái tên mới này của bản dịch.
Ngoài ra tôi cũng rất khổ công nhưng hài lòng khi chuyển được những câu ca dao miền Trung cũng như những phần trích bài ca bả trạo, mà cụ đã lược dịch sang tiếng Pháp, trở lại tiếng Việt đúng với nguyên bản. Khi đến trình cho cụ bản dịch, cụ bảo hai tuần nữa quay trở lại. Nhưng một tuần sau tôi lại có dịp đến làm việc với cụ. Cụ bảo: Xem xong rồi. Thưa: Có được không ạ? Trả lời: Được. Thưa: In được không ạ? Trả lời: Được chớ!
Thế là tôi về lo thủ tục xuất bản. Đối với Nhà xuất bản của chúng tôi thì không có gì khó khăn. Nhưng khi trình lên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thì tôi được biết qua Trưởng phòng biên tập, ‘Hay dở không cần biết sách của Cung Giũ Nguyên không được in ở Nhà xuất bản Khánh Hòa!’
Tôi vốn tánh liều mạng nên gửi bản thảo thẳng ra Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội. Giám đốc Nhà Xuất bản Văn Học lúc bấy giờ, nhà thơ Lữ Huy Nguyên, không những đã đồng ý cho phép xuất bản mà còn viết lời giới thiệu. Còn một việc hy hữu khác nữa là ở trang bìa 3 tôi có ghi ở đầu trang: VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM. Bên dưới hàng tít này tôi ghi: CUNG GIŨ NGUYÊN. Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học vẫn duyệt. Thế có nghĩa là CUNG GIŨ NGUYÊN được công nhận là nhà văn Việt Nam và tác phẩm Kẻ Thừa Tự của Ông Nam Hải được thừa nhận là Văn Học Hiện Đại Việt Nam. Một kết quả ngoài dự định của cụ, vì sau 1975 cụ không được công nhận là nhà văn Việt Nam, trong khi thế giới vẫn công nhận cụ là một nhà văn học giả Việt Nam. Còn một mắc mứu khác đó là phần lớn các tác phẩm của cụ được viết bằng tiếng Pháp cho nên nhiều người cho rằng những tác phẩm đó không được xem là thuộc Văn Học Việt Nam. Tôi có đem việc này hỏi ý kiến của cụ thì cụ cho biết tiếng Pháp chỉ là một phương tiện diễn đạt còn nội dung vẫn là bản chất và bản sắc Việt Nam. Phần tôi thì tôi cho rằng nếu sách của cụ mà viết bằng tiếng Anh thì có lẽ Việt Nam ta đã đoạt giải Nobel về Văn Học từ lâu rồi. Tuy đã có giấy phép xuất bản từ năm 1991 nhưng mãi đến năm 1995 cuốn sách mới được in và phát hành. Lý do là vì lúc bấy giờ các cơ sở hợp tác xuất bản mà bây giờ được gọi là các công ty văn hóa không biết Cung Giũ Nguyên là ai cả; người ta lại còn thấy ngại một cuốn tiểu thuyết do một người Việt viết bằng tiếng Pháp lại được dịch trở ngược lại sang tiếng Việt. Một chuyện thấy sao lạ đời, mà lạ đời thì không ai dám mạo hiểm; ôm vào chắc là khó bán ra.
(Nguyễn Thành Thống, Nha Trang ngày 8/11/2008. Sau cơn mưa trời lại sáng. Vĩnh biệt Thầy Cung Giũ Nguyên. Nguồn Vietscience)Trong lần dự Ðại Hội Thẳng Tiến Bảy của Hướng Ðạo Việt Nam Toàn Thế Giới tại Houston, Texas, trưởng Cao Ngọc Cường đã kể lại cho tôi nghe chuyện anh mê cách giảng bài của thầy Cung Giũ Nguyên đến độ có hôm anh trốn học ở trường Võ Tánh để lẻn vào lớp học của ông, thầy cũ của ông, ở trường Lê Quý Ðôn để nghe giảng. Sau lần họp mặt đó, anh đã viết thư cho tôi như sau:

Sunday, January 25, 2004 11:04:33 AM
Chị Cung Lan thân,
Ðầu tiên xin gửi đến chị và gia đình lời cầu chúc sức khỏe, an bình trong năm mới. Không biết chị còn nhớ tôi, Ðà Ðiểu Siêng Năng Cao Ngọc Cường ở lều Báo Chí trại TT7.Riêng tôi, tôi nhớ giọt lệ của chị khi nhớ đến Bác Cung Giũ Nguyên của chị ở quê nhà trong video quay hôm ấy.Trưởng Cung Giũ Nguyên cũng là 1 người thầy dạy vô cùng kính mến của tôi khi tôi còn là cậu học trò nhỏ năm Ðệ Tam ở trường Lê Quý Ðôn, Nha Trang nơi thầy từng là Hiệu trưởng. Xin chị chuyển đến Thầy lời biết ơn chân thành của tôi và tôi luôn cầu xin ơn trên cho Thầy tôi mạnh khỏ và minh mẫn, tôi vẫn thường theo dõi những bài viết của thầy trong Bạch Mã và vẫn còn mường tượng ra một Thầy Cung Giũ Nguyên với đôi mắt nheo nheo và nụ cười hóm hỉnh với tẩu thuốc bốc khói cầm trên tay không kịp ngậm vì say mê giảng bài cho đám trò nhỏ.Dấu hình thầy trong Bạch Mã in không thấy rõ lắm. Xin chị Lan làm ơn cho tôi biết thêm tin tức của thầy và nếu có thể được xin cho tôi địa chỉ hoặc email của thầy để tôi liên lạc với thầy vì nhờ Thầy tôi mới có một tâm hồn như hôm nay…
Thân ái Bắt Tay Trái,
Ðà Ðiểu Siêng Năng Cao Ngọc Cường
Thanh Trưởng Thanh Ðoàn Quang Trung”

Ðược khá nhiều học trò nể phục, thương kính, thầy Cung giũ Nguyên là một biểu tượng cao trọng trong lòng mọi người không ngoài tôi. Vậy mà, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi đã chứng kiến cảnh ông suy sụp và khủng hoảng đến tội nghiệp. Tôi đã bàng hoàng khi thấy ông ngồi chổm hổm vừa khóc vừa đốt những chồng sách quý của ông trong một góc vườn nhà. Tôi, như những học sinh trung học trước năm 1975, không hề quan tâm đến chính trị nên không hề biết sự liên quan đầy quan trọng giữa tài liệu sách vở và tình hình chính trị của đất nước. Tuy nhiên hình ảnh của một người luôn luôn ung dung và tự tin trước sự kính nể cuả mọi người trong thành phố Nha Trang trước đây, đang nhỏ lệ bi thương trước những cuốn sách bị đốt do chính mình, khiến tôi rất đau lòng và xót xa.

Cung Giũ Nguyên (1909-2008). Nguồn: Hướng đạo - CĐ người Việt tại Úc
http://www.dcvonline.net/php/images/112008/cgn2.jpg

(Còn tiếp)
-------------------------------------------
DCVOnline biên tập và minh hoạ.


Re: Một đời cho mai sau (I)
2008-11-22 08:11:51
Tàng
Tôi đã bàng hoàng khi thấy ông ngồi chổm hổm vừa khóc vừa đốt những chồng sách quý của ông trong một góc vườn nhà. Tôi, như những học sinh trung học trước năm 1975, không hề quan tâm đến chính trị nên không hề biết sự liên quan đầy quan trọng giữa tài liệu sách vở và tình hình chính trị của đất nước. Tuy nhiên hình ảnh của một người luôn luôn ung dung và tự tin trước sự kính nể cuả mọi người trong thành phố Nha Trang trước đây, đang nhỏ lệ bi thương trước những cuốn sách bị đốt do chính mình, khiến tôi rất đau lòng và xót xa.
Tôi rất thông cảm với tác giả về câu nhận xét trên. Trường hợp của tôi cũng vậy, thày tôi GS Nguyen thien Ngo, sau ngày 30-4-75 ...một đám người nam có nữ có, tay quấn cái miếng vải đỏ, theo mấy thằng đầu nón cối, tay bồng AK lục soát nhà thày, và chúng hốt di gần 2000 cuốn sách và tuyển tập sách báo anh Pháp của thày ...10 ngày sau tui đi vòng vòng thấy nhiều sách có chữ ký của thày nằm bên viả hè ..... Năm 1980 tôi gặp ông Nguyễn văn Trương chủ nhà sách Khai Trí Saigon ở trong phòng 18 khu AH Chí Hoà, tôi hỏi ông :trong đời ông tiếc nhất cái gì ??? ông trả lời: cái mạng củ tôi tôi không tiếc, nhưng tôi tiếc nhất những sách báo mà tôi đã thu thập được xuất bản từ xưa tôi để trên lầu nhà tôi ...như một thư viện nhỏ .... thế mà họ đã đem xe vô "hốt" như hốt một đống rác ... tiếc thật ...
Đúng là :sách vở ích gì cho buổi ấy .......

Re: Một đời cho mai sau (I)
2008-11-22 08:23:43
Chuột Túi Kangaroo
Xin vĩnh biệt trưởng Cung Giũ Nguyên! Tôi đọc bản tin vào lúc nữa đêm, ở nhà; nên đầu không đội nón để "giở mũ chào người quá cố" như một hướng đạo sinh từng được dạy. Nhưng sẽ đi thắp một nén nhang hướng về trưởng sau khi gởi ý kiến này.
Trưởng Cung Giũ Nguyên, tôi chưa có được hân hạnh gặp trưởng, nhưng qua đàn anh, tôi biết trưởng vẫn sống với tinh thần Hướng đạo sinh cho đến lúc ra đi. Điều đó làm tôi ngưỡng mộ trưởng. "Hướng đạo một ngày, là hướng đạo đời đời."
Ngày tôi làm lễ tuyên hứa của một thiếu sinh, để được mang một bông huệ trên túi áo trái, tôi đã hứa - điều đầu tiên trong ba lời hứa của Hướng đạo sinh Việt Nam ngày đó: "Trung thành với tổ quốc, hiếu thảo với cha mẹ, và thân tín với người cộng sự." Tôi yêu tổ quốc Việt Nam của tôi. Nhưng thưa trưởng, sau 1975, rất tiếc tôi bị cưỡng chế: "Yêu tổ quốc, đồng nghĩa với yêu chủ nghĩa xã hội." Từ đó, tôi ra đi...
Năm 2005, tôi về lại Việt Nam, có gặp lại một số bạn Hướng đạo sinh ngày xưa. Được biết, anh em có sinh hoạt lại với hình thức kín đáo. Tôi lấy làm mừng.
Kính chúc trưởng phiêu diêu trong cõi an bình.
Xin được bắt tay trái lần cuối với trưởng,Sóc Kiên Nhẫn,Thiếu đoàn Trần Quốc Tỏan,Đạo Vạn Niên, Liên đạo Thừa Thiên-Huế


Re: Một đời cho mai sau (I)
2008-11-22 10:29:38
nguyễn phan
Cám ơn tác giả bài viết đã cho tôi biết chi tiết về cụ Cung Giũ Nguyên, một nhân tài có đạo đức. Đọc đến đoạn cuối, mường tượng ra cảnh một nhà văn phải tự tay đốt chết những đứa con tinh thần của mình, tôi cũng muốn khóc theo. Ai bày ra cảnh này?
Trong tiểu sử, đời hoạt động văn hóa, giáo dục của cụ Cung Giũ Nguyên bị thủng một lổ lớn từ 1975 đến 1990. Hữu Loan, tác giả bài thơ bất hũ „Màu tím hoa sim“ cũng đã phải đi thồ đá 30 năm chỉ vì muốn làm „cây gỗ vuông chềnh chệnh“ (lời của ông), không muốn và phục tùng đảng CSVN. Con trai trưởng của Hữu Loan, một học sinh xuất sắc của Hà Nội năm xưa, vì bố muốn làm người đứng thẳng, đã trở thành một anh nông dân nghèo, thay vì trở thành nhân tài cho đất nước. Các em của ông cũng thế, trừ đứa út.
Và còn biết bao nhiêu nhân tài của đất nước đã bị cái ác đảng cộng sản thui chột, đốt ra tro trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Bao nhiêu nhân tài miền Nam sau năm 1975 bỏ mạng trong các trại cải tạo, trên biển Đông, trong rừng Thái – Miên?
Cái chế độ khủng bố này có trọng nhân tài không? Họ đang kêu gọi nhân tài HN về giúp nước kìa! Tại sao trong khi nhân tài trong nước, mà không yêu nổi cái thùng rác CNXH, thì lại bị trù dập, thủ tiêu, lại chạy ra ngoài này gọi nhân tài HN trở về? Câu trả lời duy nhất: ĐCSVN lại xạo, lại lừa dối nữa!
Hãy lắng nghe hai câu nói của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để biết thế nào là trơ mặt ra nói dối:
1. "Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối".
2. „VN có luật báo chí rất tốt, rất tự do, rất thông thoáng mà nhiều nước trên thế giới cho tôi biết là họ cũng không có được“.
Cộng sản = lừa dối: chân lý

No comments: