Friday, November 28, 2008

LỊCH SỬ CÓ ỦNG HỘ TỰ DO ?

Lịch sử có ủng hộ tự do?
James Reynolds
Phóng viên thường trú của BBC ở Bắc Kinh
22 Tháng 11 2008 - Cập nhật 15h14 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/11/081122_jamesreynolds.shtml
Khi không có quả cầu thủy tinh, lá trà, hay cỗ máy thời gian, thì khó mà đoán được chuyện gì sẽ diễn ra trong tương lai.

Một số dự đoán dễ dàng trở thành điều sai, ví dụ như ngày xưa từng có vị giáo sư tuyên bố không thể chế tạo xe lửa tốc độ cao vì hành khách sẽ không thở được, hay có nhà toán học chứng minh với cả thế giới là những hệ thống máy nặng hơn không khí sẽ không thể bay được.
Dù vậy, nỗi lo dự báo sai không ngăn người ta tính toán về tương lai của Trung Quốc.

Lịch-sử-nói-tự-do-sẽ-đến
Từ sau ngày kết thúc Cuộc chiến tranh lạnh năm 1989, một trường phái nổi bật bên phía đối thủ chính của Trung Quốc - Hoa Kỳ, tin rằng nền dân chủ sẽ đến với Trung Quốc, vì rằng tự do thương mại sẽ kéo theo tự do dân chủ, và rằng con đường tất yếu của lịch sử là hướng đến tự do.
Hãy tạm gọi đây là trường phái Lịch-sử-nói-tự-do-sẽ-đến. Hai đời tổng thống Mỹ ủng hộ tư tưởng này:
"Tôi đã nói với Giang chủ tịch là khi nhắc đến nhân quyền và tự do tôn giáo thì Trung Quốc nằm ở phần sai của lịch sử. Không giống những người khác, tôi không tin là chỉ đơn thuần là tăng cường quan hệ thương mại sẽ giúp mở cửa và tự do. Chúng ta phải nỗ lực để tăng tốc bánh xe lịch sử" - Tổng thống Bill Clinton, Washington DC, 11.6.1998.
"Tôi lạc quan về tương lai của Trung Quốc. Giới trẻ lớn lên trong không khí tự do mua bán sẽ kéo theo đòi hỏi về tự do, đặc biệt là tháo bỏ kiểm duyệt Internet. Trung Quốc sẽ thay đổi đúng lúc và đem theo lịch sử cùng truyền thống. Thay đổi sẽ đến" - Tổng thống George W Bush, Bangkok, 7.8.2008

Đừng-tin-vào-điều-đó
Quan điểm rất rõ ràng. Nhưng cũng còn có một trường phái khác, tạm gọi là Đừng-tin-vào-điều-đó.
Quan điểm này cho rằng dân chủ không hề cần thiết cho Trung Quốc chút nào cả, mà quí vị có thể đọc thêm trong quyển sách của nhà báo James Mann: The China Fantasy.
Có vẻ như trường phái Đừng-tin-vào-đó từng có cơ hội xuất hiện trong bản thảo báo cáo gần đây của tình báo Mỹ về viễn cảnh thế giới trong năm 2025...
"Các thay đổi khác ít có thể dự báo trước, vì là kết quả tương tác qua lại giữa một vài xu hướng và tùy thuộc vào khả năng lãnh đạo. Các câu hỏi liệu xem Trung Quốc và Nga có trở thành quốc gia dân chủ hay không thuộc vào nhóm này. Xu hướng gia tăng số lượng dân trung lưu ở Trung Quốc tăng khả năng đó nhưng không đủ để tạo thành biến chuyển dứt khoát". - Xu hướng toàn cầu năm 2025, Hội đồng tình báo quốc gia Hoa Kỳ, xuất bản tháng 11 năm 2008.

Điểm chung
Như vừa trình bày, có hai trường phái ngược với nhau. Phe Lịch-sử-nói-tự-do-sẽ-đến tin/hi vọng là Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc và dân chủ, ví dụ cũng giống như Mỹ. Nhưng phe Đừng-tin-vào-điều-đó thì lại cho rằng Trung Quốc sẽ thành cường quốc và nhiều khả năng sẽ không có dân chủ, ví dụ sẽ không giống như Mỹ. Chúng ta chờ xem quan điểm của chính phủ Obama sẽ như thế nào.
Như vậy, bất kể dự báo sẽ có dân chủ hay không, hai bên cùng thống nhất là Trung Quốc sẽ ngày càng thêm mạnh vào năm 2025:
"Trung Quốc sẽ có thêm ảnh hưởng đối với thế giới trong vòng 20 năm tới hơn bất kỳ quốc gia nào. Nếu xu hướng như hiện nay tiếp tục phát triển, thì đến năm 2025 Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới và sẽ là cường quốc về quân sự. Họ cũng sẽ là nước xuất khẩu tài nguyên lớn nhất và cũng là người xả nhiều chất thải làm hại môi trường sống nhất." - Xu hướng toàn cầu năm 2025, Hội đồng tình báo quốc gia Hoa Kỳ, xuất bản tháng 11 năm 2008.
Nhưng đó là cách nhìn của người Mỹ, thế còn người Trung Quốc nhìn tương lai của mình như thế nào?

Quan điểm của Trung Quốc
Nói chung quốc gia này vẫn tiếp tục đi theo chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, được biết qua cái tên tạm dịch là "Chỉ thị 24".
"Quan sát bằng cái đầu lạnh, giữ vững vị trí, xử trí tình hình một cách bình tĩnh, giấu tiềm năng và kiếm thêm thời gian, phòng thủ tốt, và đừng bao giờ nổi bật". (trích từ tác phẩm Trung Quốc và di sản của Đặng Tiểu Bình của Michael E Marti)
Năm 2003, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc xây dựng chính sách từ những lời căn dặn của Đặng Tiểu Bình, đưa ra khẩu hiệu minh họa con đường phát triển của đất nước trở thành cường quốc: "tăng trưởng hòa bình". Nói cách khác, là chúng tôi sẽ không chiếm nước của quí vị và bắt tất cả quí vị phải nói tiếng Trung Quốc.
Đảng cộng sản Trung Quốc luôn muốn nhấn mạnh là Trung Quốc vẫn chỉ là một nước đang phát triển và vẫn còn mất nhiều thời gian mới trở thành điều thách thức hay có khả năng vượt qua Hoa Kỳ.
Các con số có thể chứng minh cho quan điểm của Trung quốc. Hai chỉ số thể hiện ngay sức mạnh của một quốc gia là tiền và súng. Hiện tại kinh tế Hoa Kỳ lớn gấp bốn lần Trung Quốc, và Hoa Kỳ chi tiền cho quốc phòng nhiều gấp mười lần Trung Quốc. Cho nên nếu xét về số tiền chi ra và số thuốc súng để đốt thì Hoa Kỳ vẫn còn dẫn trước rất xa.

Hàng hải
Nhưng Trung Quốc vẫn có tham vọng riêng. Rõ ràng là quốc gia này muốn thể hiện uy lực, đặc biệt là trong vùng Đông Á. Về mặt chính trị, họ vẫn muốn bảo đảm làm sao cho đảo quốc tự trị ngoài Đài Loan không tuyên bố độc lập. Về kinh tế thì Trung Quốc muốn bảo vệ tuyến đường ngoại thương, vì một phần đáng kể hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu đi từ Ấn Độ Dương vào Thái Bình Dương qua eo biểu Malacca.
Đảng cộng sản tin là cách tốt nhất để bảo đảm cho tuyến đường đó là phát triển hải quân. Các báo cáo mới nhất cho rằng Trung Quốc muốn chế tạo hàng không mẫu hạm. Tham vọng quân sự của Trung Quốc khiến một số quan chức Hoa Kỳ, ví dụ như một nghị sĩ Mỹ mà tôi phỏng vấn so sánh Trung Quốc với con cá mập trong phim Hàm cá mập. Tại một điểm nào đó trong tương lai hai nước sẽ tranh giành nhau về uy thế trong vùng Thái Bình Dương.
Về lâu dài, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước khác có thể sẽ ở vào vị thế cạnh tranh hay thậm chí chiến đấu vì nguồn tài nguyên. Mức tăng nhu cầu đột ngột ở Trung Quốc được đáp ứng bằng nguồn tài nguyên từ các nước khác, đặc biệt là châu Phi, Trung Đông, và Nam Mỹ. Để tiếp tục phát triển thì Trung Quốc phải tiếp tục nhập nguyên liệu. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi ai cũng cần dùng đến một nguồn nguyên liệu duy nhất?
Câu trả lời là chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra. Cũng như tôi đã nói từ đầu bài, dự báo thường sai. Cần nhớ rằng ngành tình báo Hoa Kỳ không hề dự đoán việc xây dựng bức tường Berlin năm 1961 lẫn sự sụp đổ của nó năm 1989.
Cho nên, không ai biết điều gì sẽ xảy ra năm 2025, tất nhiên là trừ trường hợp bạn có trong tay cỗ máy thời gian.


No comments: