Friday, November 28, 2008

QUÀ TẶNG LỄ TẠ ƠN

Quà tặng Lễ Tạ Ơn
Ngô Nhân Dụng
Wednesday, November 26, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=87328&z=7
Ngày Thứ Ba, chính phủ và ngân hàng trung ương Mỹ đã tặng cho dân món quà mừng Lễ Tạ Ơn trị giá 800 tỷ đô la. Tính từ Tháng Chín đến giờ, tổng số tiền mà chính phủ Mỹ đã hứa và đã dùng trong việc giải cứu thị trường tài chánh đã lên tới 4 ngàn tỷ đô la! Số tiền 800 tỷ đô la mới sẽ được chuyển qua đường thị trường tới các ngân hàng, các công ty tài chính và đầu tư, để họ có thêm tiền cho vay, nhờ thế mà những người tiêu thụ khi vay nợ được hưởng lãi suất thấp hơn.

Ðây là một phương cách kích thích cho kinh tế không bị suy sụp nặng. Chính phủ và Quốc Hội Mỹ, và cả bộ tham mưu của vị tổng thống tân cử đều đã nói đến những kế hoạch kích thích kinh tế. Ông Barack Obama đã nêu lên con số 500 tỷ Mỹ kim mà chính phủ tương lai sẽ chi tiêu để kích thích kinh tế. Khi số người thất nghiệp tăng lên, dân tiêu thụ nghèo hơn, các ngân hàng thắt chặt trong việc cho vay, số tiêu thụ trong nước Mỹ sẽ giảm. Tiền tiêu thụ đóng góp hai phần ba vào Tổng Sản Lượng Nội Ðịa của nước Mỹ, dân bớt tiêu thụ thì sản lượng trong nền kinh tế sẽ giảm thêm. Trong tình trạng đó, chính phủ phải đóng vai chi tiêu để gia tăng số cầu bù lại với sự giảm sút trong số tiền người dân chi tiêu. Ðó là một chính sách kinh tế đã được đưa ra từ thập niên 30 trong thế kỷ trước, sau cuộc đại khủng hoảng.

Nhưng ngay cả những kế hoạch cho chính phủ chi tiêu để kích thích kinh tế cũng lo không đủ để nâng số sản xuất và tiêu thụ lên. Một kinh nghiệm mới nhất là vào Tháng Ba năm 2008 Quốc Hội và chính phủ Bush đã trả lại cho dân đóng thuế ở Mỹ gần 160 tỷ đô la. Những ngân phiếu được gửi đến cho từng gia đình trong Mùa Hè, nhưng hậu quả gần như là không kích thích được số tiêu thụ một chút nào, để cho nền kinh tế vẫn tiếp tục sa sút. Cho nên, kế hoạch mới nhất của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ tiếp tay thêm cho những chương trình kích thích chi tiêu của nhà nước bằng cách bơm vào nền kinh tế số tiền khổng lồ 800 tỷ đô la.

Trong món quà 800 tỷ đô la đó Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang tức Ngân Hàng Trung Ương sẽ dùng 600 tỷ nhắm vào việc tài trợ địa ốc, với hậu quả tức thời là làm giảm lãi suất cho những người vay mua nhà hoặc đang cần tái tài trợ các món nợ mua nhà. Với số tiền này tiếp máu cho thị trường nhà cửa, hy vọng rằng cơn khủng hoảng tín dụng bắt nguồn từ các món nợ mua nhà không trả được sẽ nguôi bớt đi.

Số tiền 200 tỷ khác sẽ nhắm giúp những người tiêu thụ khác, như sinh viên vay tiền đi học, người mua xe, các tiểu thương vay tiền kinh doanh, thứ nhất là được các ngân hàng cho vay, thứ hai là được hưởng lãi suất thấp hơn.

Còn phía Bộ Tài Chánh trong chính phủ sẽ dành ra 20 tỷ để bảo đảm cho những món nợ thuộc số 200 tỷ nói trên, số tiền này lấy trong ngân khoản 700 tỷ mà hồi Tháng Chín Quốc Hội đã biểu quyết cho chính phủ dùng để giải cứu thị trường tín dụng.

Ðiều đáng chú ý là nếu Bộ Tài Chánh và chính phủ Mỹ muốn chi thêm một đô la để kích thích nền kinh tế thì họ cũng phải chờ được Quốc Hội cho phép. Vì theo hiến pháp Mỹ Quốc Hội là cơ quan nắm quyền chuẩn chi, muốn chi thêm phải chờ hàng tháng hoặc lâu hơn cho các đại biểu Quốc Hội bàn luận. Ngay số tiền 700 tỷ được chuẩn chi trước đây, sau khi sủ dụng 350 tỷ thì bộ trưởng tài chánh sẽ phải ra trước Quốc Hội báo cáo để xin giải ngân số 350 tỷ còn lại. Nhưng nếu Ngân Hàng Trung Ương đem 800 tỷ đô la ra cho vay để giảm lãi suất thì họ không phải xin phép ai cả, đỡ mất thời giờ rất nhiều.
Câu hỏi đầu tiên của người dân Mỹ đóng thuế là làm cách nào Ngân Hàng Trung Ương có 800 tỷ đô la để đem ra giúp những người đã, đang hoặc sắp đi vay được hưởng lãi suất thấp? Liệu chúng tôi có phải gánh nợ hay không?
Câu trả lời là Ngân Hàng Trung Ương Mỹ có quyền in tiền để dùng! Và ở đây họ dùng để cho vay, sẽ được trả lại, chứ không ai cho không!

Trách nhiệm của Ngân Hàng Trung Ương là ngăn ngừa lạm phát và hỗ trợ cho kinh tế phát triển. Ngân Hàng Trung Ương có thể tăng hoặc giảm số lượng tiền lưu hành trong nước. Thí dụ khi họ cắt bớt lãi suất thì nhiều người vay nợ được dễ dàng hơn, tổng số tiền lưu hành trong xã hội sẽ lên cao. Hoặc khi Ngân Hàng Trung Ương tăng lãi suất thì việc vay nợ khó khăn hơn, tổng số tiền chạy trong nền kinh tế sẽ giảm.
Nhưng các ngân hàng trung ương vẫn bị bó tay một phần, vì họ có thể tăng tổng số tiền lưu hành trong nước nhưng họ không thể cưỡng ép những đồng tiền đó phải lưu hành được. Thí dụ, trong tình trạng hiện nay các ngân hàng và giới đầu tư đều dè dặt không muốn bỏ tiền ra cho vay. Số trái khoán khổng lồ hàng ngàn tỷ Mỹ kim bị kẹt cứng, không ai muốn mua và không ai có thể bán, vì dính vào các món nợ địa ốc. Tổng số tiền lưu hành vẫn như cũ nhưng hàng ngàn tỷ đồng bị kẹt nằm yên một chỗ không chạy qua chạy lại nữa. Những biện pháp mới nhất của Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang là để tháo gỡ cảnh kẹt xe trên xa lộ này.

Số tiền 600 tỷ đô la đầu tiên sẽ được dùng ngay tuần sau, đem mua những trái khoán liên hệ tới các món nợ mua nhà, do chính phủ cho vay hoặc các ngân hàng được chính phủ bảo trợ cho vay. Với triển vọng đó, các ngân hàng thấy ngay họ sắp bán được trái phiếu và sẽ có tiền cho vay tiếp. Một chỗ kẹt, đọng của dòng tiền tệ được khai thông. Riêng quyết định này đã có hậu quả ngay lập tức là khiến cho lãi suất các món nợ mua nhà thời hạn 30 năm đã giảm ngay nửa phần trăm, xuống khoảng 5.5% trong hai ngày qua. Những người sắp mua nhà sẽ được hưởng lãi suất mới này, những người muốn dùng nhà thế chấp để vay cũng vậy. Do đó, nhiều người sẽ vay để lấy tiền tiêu thụ hoặc đầu tư. Trong hai ngày qua nhiều người đã vay tiền ngay để hưởng lãi suất mới. Tuy nhiên, chỉ những người được coi là có khả năng trả nợ và số tiền nợ trên ngôi nhà không quá lớn so với giá trị ngôi nhà thì mới được hưởng lãi suất thấp mới. Hiện có khoảng 12 triệu chủ nhà ở Mỹ bị kẹt vì giá trị ngôi nhà của họ thấp hơn số tiền vay nợ; những người đó sẽ phải chịu thua.

Ngoài thị trường địa ốc, những thị trường tín dụng khác cũng được khai thông với 200 tỷ khác của Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang. Cơ cấu lưu chuyển cho số tiền này khá phức tạp. Nói tổng quát, Ngân Hàng Trung Ương sẽ cho một số ngân hàng vay tiền để họ tài trợ các món nợ của người tiêu thụ, như các sinh viên, người mua xe trả góp, và các tiểu thương. Việc vay và cho vay này không trực tiếp theo đường thẳng mà đi qua những chứng khoán bảo đảm bằng các món nợ tiêu thụ trên. Một điều lo ngại là những người tiêu thụ đến vay sau cùng không trả được nợ. Vì lý do đó, Bộ Tài Chánh đã đứng ra bảo đảm bù lỗ tới mức 20 tỷ đô la, tức là giả thiết có 10% các con nợ không trả được.

Vì tất cả số tiền 800 tỷ đều dưới hình thức cho vay, cho nên sau cùng Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ đòi lại được, trừ những người vay không trả được nợ. Con số 20 tỷ đô la mà Bộ Tài Chánh đứng ra bảo lãnh nằm trong con số dự trù có thể mất; mà số tiền 20 tỷ đó thí chính phủ đã được Quốc Hội cấp trong đạo luật Tháng Chín.

Liệu các những kế hoạch kích thích lên trên 3 ngàn tỷ đô la lại được tăng cường với 800 tỷ đô la mới có tăng số tiền lưu hành lên nhiều quá và do đó sẽ tăng áp lực lạm phát hay không?

Các người đang có trách nhiệm đối với kinh tế Mỹ như ông Bộ Trưởng Tài Chánh Henry Paulson và ông Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Ben Bernanke cũng đồng ý với ông Lawrence Summers, cố vấn kinh tế của tổng thống tân cử Obama, trong việc lựa chọn kế hoạch cứu nguy kinh tế. Ðây là việc lựa chọn giữa hai thứ rủi ro ngược chiều nhau, là có thể hoặc thái quá hoặc bất cập, mặc dù người quyết định vẫn muốn tìm đúng mức trung dung.

Thứ nhất là thận trọng rụt rè, kế hoạch cứu nguy quá yếu ớt sẽ trở nên vô hiệu quả. Thứ hai là cho liều thuốc mạnh quá, chi nhiều quá mức cần thiết, gây ra nhiều hậu quả xấu ngoài mối lo lạm phát.

Giữa hai thứ rủi ro đó, các người lãnh đạo kinh tế Mỹ nghĩ thà rằng chịu thứ rủi ro thứ nhì còn hơn là để cho thứ rủi ro thứ nhất xẩy ra. Vì nếu các kế hoạch giải cứu hệ thống tài chánh và nền kinh tế mà quá yếu, bất cập, thì chính phủ sẽ phải tiếp tục cứu nữa, mỗi bước cứu chữa đều quá nhỏ và quá trễ, sẽ kéo dài tình trạng kinh tế suy thoái lâu hơn. Ngược lại, nếu số tiền đem đổ vào nền kinh tế có thể tăng áp lực lạm phát thì Ngân Hàng Trung Ương và chính phủ sẽ có những biện pháp để ngăn chặn dần dần sau.

Giới lãnh đạo kinh tế tài chánh Mỹ đã can đảm dùng liều thuốc mạnh. Nhiều người Mỹ sẽ được hưởng nhờ kế hoạch mới này, từ các người chủ nhà đang lo bị sai áp tới các sinh viên lo không đủ tiền đóng học phí. Trong mùa Lễ Tạ Ơn này nhiều người sẽ cầu nguyện cho kế hoạch cứu nguy kinh tế của Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang thành công!


No comments: