Wednesday, November 12, 2008

CHIẾN HẠM TRUNG QUỐC GHÉ ĐÀ NẴNG

Hà Nội chỉ thị “không ồn ào” khi tàu chiến Trung Quốc tới Ðà Nẵng
Tuesday, November 11, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=86721&z=157
HÀ NỘI (NV) - Ngày 18 Tháng Mười Một 2008 một chiến hạm của Trung Quốc sẽ bắt đầu chuyến thăm viếng cảng Ðà Nẵng kéo dài 4 ngày. Tuy nhiên hệ thống truyền thông CSVN nhận được lệnh từ Ban Tuyên Giáo Trung Ương là "tuyên truyền chừng mực, không ồn ào".

Ðiểm "nhạy cảm" của vấn đề này là chiến hạm mang tên Trịnh Hòa, một thủy sư đô đốc triều Minh.

Trong cuộc tranh cãi chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước, Trung Quốc dùng một số sử liệu kèm bản đồ hải hành nói rằng, khi mở cuộc thám hiểm viễn dương qua nhiều nước Á Châu và sang tới tận Phi Châu, đoàn tàu của Trịnh Hòa đã khám phá ra các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những chi tiết này được Bắc Kinh sử dụng làm luận cứ để gạt bỏ các tài liệu và lập luận của phía Việt Nam.

Vì dính tới tên Trịnh Hòa, Ban Tuyên Giáo Trung Ương của đảng CSVN chỉ thị cho hệ thống truyền thông trong nước là "không được dùng hai chữ 'Trịnh Hòa' để nói về chiến hạm nói trên mà phải dùng từ phiên âm hán-anh là Zheng He".

Từ trước tới nay, hệ thống truyền thông CSVN, kể cả Thông Tấn Xã Việt Nam khi đề cập tới tất cả nhân danh, địa danh Trung Quốc đều phiên âm thành từ Hán-Việt. Nay chỉ thị này yêu cầu tránh né một cái tên có thể tạo sự phẫn nộ nơi những người yêu nước, muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia, khi có chuyến thăm viếng của chiếc chiến hạm mang tên người không biết có thực sự "phát hiện" ra các quần đảo nói trên hay chỉ là điều mà Bắc Kinh sáng tác ra sau này.

Hồi cuối năm ngoái sang đầu năm nay, thanh niên, sinh viên Việt Nam ở Sài Gòn và Hà Nội đã biểu tình nhiều lần phản đối bá quyền Bắc Kinh khi họ cho thành lập thành phố biển cấp huyện lấy tên Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam. Cái oái oăm là thành phố Tam Sa lại gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam xác nhận chủ quyền với các bằng chứng lịch sử "không thể tranh cãi".

Chỉ có cuộc biểu tình đầu tiên là được công an CSVN làm lơ cho 2 tiếng đồng hồ. Các cuộc biểu tình sau đều bị đàn áp hoặc giải tán nhanh chóng khi có những người tự tập đầu tiên gần Tòa Ðại Sứ Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Sài Gòn.

Một số người căng biểu ngữ "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" trên thềm nhà hát thành phố Sài Gòn hồi Tháng Giêng đã bị bắt giữ, thẩm vấn và phạt tiền vì "gây rối trật tự công cộng". Nhà báo mạng cá nhân (blogger) Ðiếu Cày tức ký giả tự do Hoàng Hải, một trong những người tích cực nhất trong nhóm người căng biểu ngữ, hiện đang bị án tù 30 tháng với cái vỏ bọc bề ngoài "trốn thuế".

(Zhenghewarship): Tuần dương hạm Trịnh Hòa (Zheng He) đậu tại cảng Bangkok ngày 10 Tháng Mười Một 2008 bắt đầu chuyến viếng thăm 4 ngày sau khi đã tới cảng Sihanoukville của Cam Bốt. Tin cho hay chiến hạm này sẽ đến cảng Ðà Nẵng trong chuyến viếng thăm cũng dự trù 4 ngày từ 18 đến 22 Tháng Mười Một 2008.(Hình: Xinhua)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/86721-medium_Zhenghe_warship(Xinhua).jpg

Tuần dương hạm Trịnh Hòa là một chiếc tàu huấn luyện, có thủy thủ đoàn gồm 411 người. Hiện nó đang cập cảng Bangkok của Thái Lan trong chuyến viếng thăm kéo dài từ ngày 10 đến 14 Tháng Mười Một 2008. Trước đó, nó đã đến cảng Sihanoukville của Cam Bốt và cũng đã ở đây 5 ngày.

Trịnh Hòa (1371-1433), một thủy sư đô đốc người Hồi Giáo được Bắc Kinh đánh bóng rất rầm rộ trong và ngoài nước hồi năm 2005 nhân kỷ niệm 600 năm về 7 chuyến hải hành khám phá thế giới. Bắc Kinh nêu tài liệu nói ông này đã tới hơn 30 nước trong các chuyến hành trình vừa nói, từ 1405 đến 1433, mang đồ gốm sứ, tơ lụa sang tới tận Phi Châu.

Tuần dương hạm Trịnh Hòa bắt đầu hoạt động từ năm 1987, hai năm sau thì Bắc Kinh cho đi thăm viếng Trân Châu Cảng (Pearl harbor) ở Hawaii. Chiến hạm này từng đến thăm viếng nhiều quốc gia Tây phương và đây là lần đầu tiên nó đến Việt Nam.

Liệu thanh niên, sinh viên Việt Nam có biểu tình chống chiến hạm Trịnh Hòa cập cảng Ðà Nẵng hay không? Chưa thấy các người viết báo mạng lên tiếng vì có thể họ chưa được báo động.

Nhưng về phía nhà cầm quyền Hà Nội, ngày 29 Tháng Mười 2008, Thông Tấn Xã Việt Nam khi đưa ra bản tin "Tăng cường hợp tác giữa hai đảng Cộng Sản Việt-Trung" thuật lại lời nói của Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư đảng CSVN, với Chu Vĩnh Khang, ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc, khi đến Việt Nam, như thế này: "Ðảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một, luôn hết sức coi trọng, chân thành mong muốn và làm hết sức mình để phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị truyền thống với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt". (T.N.)


Tàu hải quân Trung Quốc thăm Việt Nam
12 Tháng 11 2008 - Cập nhật 09h55 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/11/081112_zhenghe_shipcall.shtml
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội cho hay tàu hải quân mang tên Đô đốc Trịnh Hòa sẽ có chuyến thăm 'hữu nghị' tới Việt Nam vào tuần tới.
Bộ phận quân sự của tòa đại sứ nói với BBC rằng tuần dương hạm Trịnh Hòa sẽ cập cảng Đà Nẵng trong bốn ngày từ 18-22/11.
Thông tin này chưa được đăng tải trên báo chí trong nước.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của tuần dương hạm Trung Quốc tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991.
Trước hải quân Trung Quốc, hải quân các nước như Hoa Kỳ, Anh quốc và Australia đã nhiều lần thăm viếng Việt Nam trong các chuyến đi được loan báo rộng rãi.
Nguồn tin Đại sứ quán Trung Quốc nói thêm rằng đây là 'chuyến thăm hữu nghị', nhằm tăng cường quan hệ giữa hai bên.
Chuyến thăm của tàu Trịnh Hòa lần này sẽ bao gồm các hoạt động: chào xã giao lãnh đạo địa phương, tiếp xúc với hải quân và quân khu 5, đồng thời tham gia thi đấu giao hữu bóng đá.
Trước Việt Nam, tàu Trịnh Hòa đã tới Campuchia và Thái Lan trong khuôn khổ chuyến công du hữu nghị. Đây cũng là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc tới Campuchia.

Chinh phục thế giới
Tuần dương hạm Trịnh Hòa là tàu huấn luyện, được đưa vào hoạt động năm 1987 với thủy thủ đoàn 411 người.
Thủy sư Đô đốc Trịnh Hòa (1371-1433) là nhà thám hiểm hàng hải lỗi lạc của Trung Quốc đời nhà Minh. Ông là người theo đạo Hồi.
Cái tên Đô đốc Trịnh Hòa, người mà Trung Quốc cho rằng đã tìm ra châu Mỹ trước cả Christopher Columbus, được coi như biểu tượng của sức mạnh hải quân Trung Quốc.

Tàu Đô đốc Trịnh Hòa đã tới Campuchia và Thái Lan
http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/2008/11/20081112085535zhenghe203.jpg

Năm 2005 Bắc Kinh đã tổ chức các hoạt động long trọng để đánh dấu 600 năm cuộc thám hiểm của hạm đội Minh Triều do Trịnh Hòa lãnh đạo.
Thời kỳ có các chuyến viễn dương của Trịnh Hòa cũng là lúc triều nhà Minh đưa quân vào xâm lăng Đại Việt, dẫn tới cuộc nổi dậy của Lê Lợi.
Chuyến thăm của tàu mang tên Đô đốc Trịnh Hòa tới Đà Nẵng xảy ra một tháng sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm Trung Quốc.
Thời gian gần đây, lãnh đạo Việt - Trung nhiều lần khẳng định cam kết tăng cường quan hệ hợp tác láng giềng.
Thông cáo chung hai bên đưa ra trong chuyến thăm của ông Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra giải pháp 'cơ bản và lâu dài' cho các tranh cãi giữa Hà Nội và Bắc Kinh về vấn đề lãnh hải.
Trong năm nay, đã có nhiều vụ căng thẳng xảy ra trong khu vực thềm lục địa biển Đông mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.


TIN LIÊN QUAN


Tàu chiến “Trịnh Hòa” của Trung Quốc đến Cambodia
Nguyễn Bình, phóng viên đài RFA
2008-11-09
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Chinese-zhenghe-navy-ship-arrived-at-cambodia-nbinh-11092008135750.html

Thưa quí thính giả, tiếp theo sau các hạm đội Hoa Kỳ, một tàu chiến Trung Quốc cũng vừa cập bến cảng Campuchia được cho là để tăng cường tình hữu nghị giữa thủy quân 2 nước.

Mộ của Thủy Sư Đô Đốc Trịnh Hòa ở Nam Kinh, Trung Quốc. Photo courtesy of Wikipedia
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Chinese-zhenghe-navy-ship-arrived-at-cambodia-nbinh-11092008135750.html/zheng-he-305.jpg

Từ Campuchia, phóng viên Nguyễn Bình có bài tường trình như sau:

Một tàu chiến mang tên Trịnh Hòa của Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên cập bến cảng Campuchia vào ngày 5 tháng 11 vừa qua, và sẽ ở lại nước này 5 ngày để đá bóng giao hữu với lực lượng Hải quân Campuchia, đồng thời tham quan thành phố cảng Sihanouk.
Tàu chiến này mang tên một vị quan người Hồi giáo của triều Minh Trung Quốc, đồng thời là nhà hàng hải và thám hiểm đại dương nổi tiếng trong thế kỷ 15. Theo báo địa phương, tàu chiến này chứa khoảng 400 thủy quân Trung Quốc, cập bến cảng Campuchia tiếp theo sau tàu chiến USS Mustin của Hoa Kỳ.

Thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước

Một nhân viên Tòa đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh nói rằng sự hiện diện của tàu chiến Trịnh Hòa tại bờ biển Campuchia nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa hải quân 2 nước, và không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Campuchia và Hoa Kỳ.
Từ đầu năm 2007 cho đến nay, Campuchia từng tiếp 3 chiến hạm của Hoa Kỳ, 1 chiến hạm của Pháp và 1 chiến hạm của Ấn Độ, và nay tiếp thêm 1 chiến hạm của Trung Quốc, nên giới quan sát cho rằng Campuchia đang ở trong tầm ngắm của các cường quốc trên thế giới.
Tuy nhiên giới chức quân sự Campuchia không bình luận về việc tàu chiến Trung Quốc đến nước này. Trước đây họ từng tuyên bố rằng các tàu chiến Mỹ đến đây để làm từ thiện và thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước.
Ông Ut Seyha, một sĩ quan hải quân Campuchia có mặt trong buổi tiếp đoàn tàu Trịnh Hòa nói với đài phát thanh địa phương rằng ông không rõ ý nghĩa của chuyến thăm này.
Được biết trong vài năm gần đây, Trung Quốc viện trợ cho Campuchia mỗi năm khoảng 600 triệu đôla, tương đương với khoảng tiền mà Campuchia nhận được từ cộng đồng quốc tế. Đồng thời trong 3 năm gần đây, Trung Quốc đầu tư gần 3 tỉ đôla cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy thủy điện và khu chế xuất tại Campuchia.
Sau chuyến thăm Trung Quốc của thủ tướng Hun Sen của Campuchia vào cuối tháng 10 vừa qua, Campuchia nhận được thêm khoảng 200 triệu đôla tiền vay không lãi xuất từ Trung Quốc và lời hứa hẹn sẽ giúp Campuchia thiết lập cổng internet riêng kết nối với thế giới bên ngoài.
Hồi năm ngoái, thủ tướng Hun Sen từng phát biểu trong lễ khởi công xây dựng khu chế xuất tại thành phổ cảng Sihanouk rằng tiền viện trợ của Trung Quốc đã giúp nền kinh tế Campuchia tăng trưởng đáng kể trong vài năm gần đây.

No comments: