Thursday, November 13, 2008

NỮ THẦN CÔNG LÝ (Phần 3)

Nữ thần Công Lý (3)
Huỳnh Ngọc Tuấn
30-9-2008
http://danchimviet.com/articles/464/1/N-thn-Cong-Ly-1/TrangPage1.html

Mấy ngày Tết là những ngày tôi nghĩ ngơi và giúp ba.
Những ngày Tết rồi cũng đi qua. Quay về với cuộc sống thường nhật, việc buôn bán cũng chững lại. Buổi sáng, tôi có thể ngủ thêm một chút, buổi trưa về nấu cơm cho ba ăn, giặc quần áo cho ba và cu tí. Ngủ một giấc đến hai giờ, lại ra chợ giúp ngoại. Vì thu nhập hạn chế, nên mọi người phải tự điều chỉnh nhu cầu. Buổi sáng, tôi chỉ uống một cốc sữa đậu nành 1000 đồng, tiền đi chợ cũng phải hạn hẹp. Chúng tôi cố gắng để khỏi ảnh hưởng đến nhu cầu của ba về ăn uống, thuốc men, không ai nói với ba nhưng ba vẫn biết. Có lần ba hỏi khi nhìn mâm cơm đạm bạc:
- Nhà mình khó khăn quá hả con?

Tôi vờ như không có gì:
- Bình thường thôi ba ạ. Mấy hôm nay, chợ không có cá, rồi cúm gà, còn heo thì long mồm lở móng, tất cả nhu yếu phẩm đều lên giá. Nhưng rồi sẽ ổn định thôi ba ạ.

Đó là sự thật, cuộc sống hiện nay rất khó khăn. Thức ăn khan hiếm nên đắt như vàng, chỉ có những gia đình có thu nhập cao mới chịu nổi, còn cả nhà tôi thì chỉ trông chờ vào gian hàng trái cây bé tí thì làm sao tránh được túng thiếu. Tiền thuốc của ba và tiền thăm nuôi má, và chi phí cho cả gia đình, tôi không biết sẽ giấu ba được bao lâu, nhưng giấu được đến đâu hay đến đó vậy.

Mùa hè lại đến, cũng đã tròn một năm ngày má bị bắt, tròn một năm cái biến cố đau thương. Khu vườn của gia đình tôi bây giờ đã đổi chủ. Nó được bao bọc bởi một bức tường kiên cố; hòn non bộ và hồ nước được mở rộng và đào sâu; những cây cổ thụ vẫn còn giữ được, cây ngọc lan vẫn còn, gốc nhãn lồng to lớn sum sê vẫn phủ bóng mát êm đềm và viên mãn. Cây si với những chùm rễ mềm đong đưa trong gió vẫn vô tư lự trước đau thương, vẫn với cái vẻ trầm tư, u uẩn. Mỗi lần đi qua, tim tôi như bị thắt lại. Thà rằng người ta phá hết, không để lại một dấu tích nào sẽ đỡ đau lòng hơn, vì không còn một nhắc nhớ nào hết, không còn một kỉ niệm nào, để khỏi gợi sự đau buồn. Tôi không hiểu sao những người lớn mà vô tâm đến thế. Họ không hề quan tâm đến nỗi đau của người khác. Nếu họ xoá bỏ hết đi thì sẽ đỡ tổn thương hơn cho người bị hại.

Trên ngôi nhà của tôi, họ xây lên đó căn nhà, mái cao vút theo kiến trúc Thái Lan. Phía trước khu vườn trước đây là hàng rào dâm bụt, bây giờ là bức tường rào: phần dưới là đá, phần trên là những khung sắt ghép lại rất đẹp vối những hoa văn rất cầu kỳ. Bên ngoài có thể nhìn vào. Bên trên giăng ngang một bản hiệu rất sang trọng và hào nhoáng: Mây Tần garden coffee, thấp thoáng mấy cô gái phục vụ, váy ngắn, rất ngắn. Những người còn chút tự trọng chắc không ai dám nhìn vào, những cái đùi gợi cảm nảy lửa đó, khách đến đây cũng là những tay giàu có, họ đến để hưởng sự yên tĩnh của khu vườn, họ thì thầm trong tiếng nhạc du dương. Có những đêm tôi có việc phải đi ngang qua đó, nhất là những đêm trăng, tôi không dám nhìn vào, tôi phải bước thật nhanh, tôi không muốn thấy cái thiên đường tuổi thơ của tôi bây giờ thuộc về ai đó.

Lại mấy tháng nữa trôi qua. Trong những khó khăn chật vật, mọi nhà đang chuẩn bị đón Tết Đoan Ngọ. Trời nóng kinh khủng, người ta đi tắm biển. Tắm biển bây giờ là một cái “mốt”, trước đây chỉ những người giàu có mới đi tắm biển, còn bây giờ ai cũng đi tắm biển. Họ lũ lượt kéo nhau xuống biển. Con đường tráng nhựa cẩu thả vì người ta rút ruột hết rồi - nó thảm hại như một bà già bệnh hoạn - con đường nhỏ hẹp đầy ổ gà, ổ trâu, có cả một đoạn dài sạt lỡ, long ra những miếng đá lởm chởm. Người ta phủ lên đó mấy xe đất đỏ. Mùa đông thì lầy lội, mùa hè thì bụi mù mịt. Dòng người lũ lượt về phía biển, người ta mang theo nước ngọt và trái cây. Họ là những người lao động lam lũ, nghèo nàn. Không phải họ đi tắm biển để tìm một chút nắng mặt trời (vì ánh nắng đã đốt đôi cánh tay và mặt họ đen sạm đi trong những công việc nặng nhọc). Họ đi tắm vì người hàng xóm của họ đi tắm, người hàng xóm của họ đi tắm vì người bạn của họ đi tắm, người bạn của họ đi tắm vì sếp y đi tắm. Tôi thấy có một điều gì đó ngớ ngẩn. Tắm biển là một nhu cầu - một cách để thư giản chứ không phải bắt chước, để đựơc giống với người ta. Người ta tắm biển mà mình không đi tắm thì “quê quá” vậy là rủ nhau đi ào ào. Con đường quá tải vì xe cộ và cũng vì mấy người say rượu (đi tắm biển để giữ gìn sức khoẻ, nhưng lại đi uống rượu như hủ chìm. Thật là mâu thuẫn!), tai nạn xảy ra liên miên, có nhiều chuyện rất đau lòng.

Xe cộ nhiều quá làm tôi lo lắng cho ba, vì chiều nào ba cũng tập tễnh ven con đường đó. Ba rất cố gắng tập luyện nhưng không thấy tiến bộ, tay chân ba vẫn bất động. Bây giờ, ông đi được khoảng đường khá xa. Những chiều ít khách tôi về sớm, đưa ba đi chơi, và nói chuyện cho ba vui. Cách nhà tôi 300m là một cây cầu bắt qua một dòng sông nhỏ. Cây cầu xây từ năm 1970, thời Việt Nam Cộng Hoà. Theo như lời ba kể: dòng sông này trước đây rất đẹp, nước trong vắt, và rất sâu. Tàu hải quân có thể vào được. Ngày ấy, cá tôm rất nhiều, đứng trên cầu nhìn xuống, từng bầy cá tràng, cá nâu, cá hồng nhởn nhơ. Cá vào sát bờ nước để kiếm mồi, rất tự nhiên, không sợ hãi. Bờ sông cát vàng, cá lấp lánh đùa giỡn. Nghe ba kể tôi tưởng tượng chuyện ở đâu đó, chứ không phải là chuyện của dòng sông này. Dòng sông giờ đây ngập trong rác bẩn và sình lầy, màu nước xanh vì bị ô nhiễm nặng, không thấy một con cá nào lấp ló, chỉ toàn là lục bình. Cả một khúc sông hàng kilomet cơ man nào là bèo. Hoa lục bình màu tím nhạt, nhu mì giản dị như một cô gái quê. Cả khúc sông là một màu tím. Nó đẹp nhưng nó gây chướng ngại cho những ghe thuyền đi lại, làm họ bực mình.

Trên cầu rất nhiều người câu cá, tôi không hiểu tại sao có nhiều người câu cá như vậy. Ngày nào cũng như ngày nào, chẳng lẽ họ không có việc gì để làm. Đúng là như vậy khi tôi hỏi ba: họ không biết làm gì cho hết một ngày, ra bờ sông hay lên cầu ngồi tán gẫu, và buông câu, may mắn thì gặp chú cá hồng, cá úc nào đó, may mắn hơn thì họ được lươn, cá chình. Một kilogram cá chình bán cho nhà hàng cũng được 200 ngàn. Người ta cầu may trên dòng sông bẩn thỉu này.

Bây giờ có quá nhiều người cầu may, họ không chờ đợi hi vọng gì ở tương lai, chỉ mong trúng được một hoặc hai “vé” số để đổi đời. Kề nhà ngoại có một phụ nữ khoảng 60 tuổi, ngày nào cũng nhịn ăn hay mua sắm quần áo để tìm vận may ở hai tấm vé số. Thời này có rất nhiều người mua vé số và cũng có quá nhiều người bán vé số. Bạn cứ thử ngồi ven đường để uống một ly nước đi, trong một giờ bạn sẽ thấy biết bao nhiêu cụ già, bao nhiêu trẻ em đến mời mua vé số. Rồi những người mua vỏ chai, giấy vụn với một chiếc xe cà tàn, hoặc với đôi quang gánh bằng sắt, họ đi từng nhà, hỏi từng người. Chỉ một buổi sáng có đến năm người đến hỏi mua phế liệu. Có gì mà bán, tôi thấy buồn kinh khủng.

Mùa Trung thu lại về với những cụm mây mùa thu màu xám bạc nhẹ nhàng trôi. Nếu ai đó hững hờ sẽ không thấy nó thay đổi. Chân trời từng từng lớp lớp mây, tạo nên một thế giới kỳ ảo. Tuy bận rộn với việc buôn bán nhưng tôi vẫn (thỉnh thoảng thôi) thẫn thờ nhìn những áng mây thơ mộng và cũng chạnh lòng buồn bã thấy những cô gái cùng tuổi mình thướt tha tà áo trắng trong buổi chiều đìu hiu. Bao nhiêu nỗi niềm đè nặng lên một cô gái như tôi vừa hồn nhiên đa cảm vừa chua xót với những ký ức đau buồn.

Trời đã nhá nhem tối, tôi đi dọc theo con phố để về nhà, đèn sáng trưng trong những cửa tiệm bán quà Trung thu. Những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc lấp lánh, nó vẫn còn hấp dẫn với tôi. Tôi ghé vào mua cho cu tí một chiếc, tôi choáng ngợp trước sự đa dạng, phong phú của lồng đèn. Có những chiếc được nhập từ Trung Quốc rất đẹp, có nhạc Trung thu phát ra khi bật đèn sáng - tiếng hát của trẻ con méo mó nghe rất kỳ. Tôi chọn một chiếc lồng đèn ông sao đủ màu cổ truyền, những chiếc kia tuy đắt tiền cầu kỳ nhưng đỏm dáng quá, loè loặt quá.

Cu tí rất vui khi thấy tôi thấp thoáng từ xa với chiếc lồng đèn trong tay. Nó chạy ra đón và tung tăng như con chim sáo, chạy vào nhà khoe với ba. Những năm trước, mùa Trung thu, ba thường làm lồng đèn cho chúng tôi. Ba rất khéo tay, những chiếc lồng đèn làm cho chúng tôi là những chiếc đẹp nhất trong đêm rước đèn. Bây giờ thì ba không làm được nữa, đây là sự mất mát cho chúng tôi và cũng là của chính ba.

Vừa đặt chiếc xách lên bàn, tôi nghe ngoài cửa có người gọi. Tôi chạy ra. Ông tổ trưởng dân phố cùng đi với hai người nữa. Tôi chào họ và biết ngay họ đến để làm gì. Hàng năm, cứ vào Tết Trung thu, chính quyền và đoàn thể đến từng nhà để thu tiền mua quà cho các em nhỏ, để chứng tỏ sự “quan tâm của Nhà nước, Đảng” đối với thiếu niên nhi đồng. Ông ta nói:
- Nhà này hai suất, mỗi suất ba ngàn đồng, vị chi là sáu ngàn đồng.

Tôi nói với ông ta:
- Năm nay chúng cháu không ăn Tết Trung thu. Nhà cháu khó khăn.

Ông ta gằn giọng:
- Đây là chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đối với thiếu niên - nhi đồng, nên phải tham gia đóng góp.

Tôi nổi cáu khi nghe cái luận điệu tuyên truyền lố bịch và ngớ ngẩn đó.
- Nếu Đảng và Nhà nước quan tâm đến thiếu niên - nhi đồng thì Đảng và Nhà nước chi tiền ra mua quà, chứ tại sao lại bắt dân phải đóng góp để mua quà.

Một người đi với ông ta quát tôi:
- Đừng có nói bậy, không ai bắt buộc cả, tự nguyện đóng góp, ai đóng góp thì có quà, không đóng góp thì nhịn, thế thôi.

Tôi không thể yên lặng, trả miếng:
- Để tiền ấy ra mua ở chợ còn rẻ hơn giao cho các ông.

Ông tổ trưởng hăm doạ tôi:
- Con này láo, mày liệu hồn đấy.

Và họ lục tục kéo nhau đi, có ai đó trong họ nói:
- Con này nó giống con gái mẹ nó, cứng đầu cứng cổ.

Tôi vào nhà, không thèm chấp câu nói ti tiện đó.

Trong những ngày tháng này, tôi luôn luôn sống trong tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Hằng ngày, ba vẫn tập tễnh đi dạo, mỗi ngày đi xa hơn một tí. Tôi sợ một ngày nào đó ba đi qua khu vườn cũ thì ba sẽ bị sốc. Nỗi lo canh cánh đó rồi cuối cùng cũng đến. Từ trong nhìn ra, tôi thấy ba loạng choạng trên đuờng. Tôi vội chạy đến giúp ba vào nhà. Tôi thấy áo quần ba lấm lem, tay chân rướm máu. Tôi biết là ba bị ngã, mặt ba tái xanh, môi mím chặt tím bầm, đôi mắt giận dữ. Ba nằm trên giường có đệm dày, mùa này hơi nóng, nhưng như vậy ba đỡ đau hơn. Tôi lau cho ba bằng khăn ướp lạnh và nhẹ nhàng khuyên ba:
- Ba đi gần thôi, đừng đi xa quá sẽ mệt đó ba ạ. Xe cộ bây giờ cũng nguy hiểm lắm.

Rất lâu, ba mới nói được, giọng nói đứt quãng:
- Quân… khốn… nạn.

Tôi linh cảm điều đã xảy ra, nhưng vẫn hỏi ba, hi vọng là không phải điều tôi lo lắng:
- Ba đi chơi ở đâu về hả ba?
- Vườn… nhà… mình, đồ …..ăn…. cướp.

Như vậy là tôi đã rõ. Tôi chỉ biết nói như cái máy:
- Thôi bỏ đi ba, mọi việc trên đời này đều có nhân quả cả, trong phúc có họa, trong hoạ có phúc, mình mất khu vườn đó chưa hẳn là hoạ đâu, mà cái người cướp đất của mình chưa hẳn là được phúc đâu, để rồi ba xem.

Giọng ba đau đớn tột cùng, tuyệt vọng tột cùng:
- Nhưng …đó …là ….di sản …của… ông bà…Nếu…họ..lấy làm….đường, bệnh viện,….trường học ……..thì …….ba….còn …….mãn..…nguyện……..Đằng này, họ….. bán ……cafe ôm,….một …..dạng………thanh lâu…….. trá……. hình……Thật….. đau….. xót….. quá….. con ….ạ.

Nghe ba nói xong, tôi chỉ còn biết ôm ba mà khóc, ba con tôi khóc đến khi ngoại về. Ngoại hiểu hết mọi sự và nói một cách dứt khoát:
- Mẹ sẽ lấy lại khu vườn đó, có thể là lâu nhưng mẹ sẽ lấy lại cho con. Khóc lóc, thù hận thì có ích gì hả con, nó chỉ làm chướng ngại cho mình thôi, phải biết xả bỏ và bao dung nữa con ạ.

Đêm hôm đó cu tí không đi rước đèn với chúng bạn, nó quấn quít bên ba. Tuy rất nhiều lần ba bảo nó cùng với tôi đi rước đèn đi, một năm mới có một lần, nhưng nó không đi. Nó treo cái lồng đèn ở cửa ra vào. Màu đỏ màu xanh từ lồng đèn hắt vào làm cho căn phòng có một thứ ánh sáng hư ảo. Nó đem truyện tranh ra đọc cho ba nghe, thỉnh thoảng nâng bàn tay bất động của ba lên hôn thật nhiều, rồi áp vào má trông rất dễ thương và đầy tình cảm. Cu tí có vẻ giống ba về mọi mặt, từ ngoại hình, dáng đi, màu da, ánh mắt và cả tính tình; nó đa cảm và yếu đuối, nó không thích tranh chấp với ai, luôn nhường nhịn, chịu thiệt thòi. Bà ngoại nói:
- Đó là căn cơ tốt. Không tranh chấp thì không tạo nghiệp.

Tôi thì ngược lại, thích sự công bằng, không bắt nạt ai nhưng cũng không để cho ai bắt nạt mình. Tôi sẵn sàng nhường nhịn nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh bằng mọi giá để bảo vệ phẩm hạnh và quyền lợi của mình. Tôi không giống một vài cô gái, khi bị bọn con trai trêu chọc thì chỉ biết làm thinh hoặc chỉ khóc. Nếu một ai đó chỉ cần nhìn tôi, một cách sỗ sàng hoặc thiếu tự trọng tôi trợn ngược mắt với họ ngay. Tôi giống má từ mọi cách, mái tóc, dáng đi, màu da, ánh mắt, gần như là một phiên bản của má.

Gia đình lại nhận được thư của má, trong thư má bảo là má bị ốm. Tôi hiểu má, má không phải là người hay than vãn, má chịu đựng rất giỏi, khi báo cho gia đình biết má bị bệnh, tôi biết chắc bệnh má không nhẹ. Má bảo là gan của má có vấn đề, và kể rõ triệu chứng của bệnh để chúng tôi đến tham khảo ý kiến bác sĩ, và gởi thuốc cho má. Cách trị bệnh “từ xa” thế này vừa không có kết quả, vừa nguy hiểm nhưng chẳng biết làm thế nào bây giờ. Ba muốn đọc thư má, tôi không muốn ba biết sự thật vì như vậy sẽ làm cho tình trạng bệnh của ba xấu hơn thôi. Tôi phải dùng kế hoãn binh để nghĩ cách. Tôi và ngoại đi hỏi bác sĩ, và ngoại phải bán một ít nữ trang của ngoại để mua thuốc. Lần thăm nuôi má vừa rồi, tôi thấy má gầy và đen kinh khủng, tôi không nhận ra má từ xa, tôi chỉ biết ôm má khóc. Má bảo tôi đừng sợ và đừng lo lắng cho má. Nghe má kể chuyện trong tù mà tôi không dám tin vào tai mình nữa. Nhà tù chật chội, hôi hám, mỗi người chỉ được 50cm, người tù phải ngủ dưới “phi đạo” tức là lối đi trong phòng. Không có nước, phòng giam 50 người chỉ có 100 lít mỗi ngày để dội cầu, mùi hôi xông lên cả phòng. Công việc thì sức người không chịu nổi, người ta đặt ra cái ”chỉ tiêu” quái ác, người tù phải làm số công việc gấp 3 lần nông dân bình thường. Đến mùa gặt mùa cấy thì càng khốn nạn hơn, phải ở ngoài đồng cả ngày, mùa nắng thì cháy da, không đủ nước uống, phải uống cả nước sông, nước ruộng. Mùa mưa thì ướt và lạnh cóng người. Những ai không làm nổi thì bị cho là “chai lười” lao động, hay nặng hơn thì bị chụp mũ cho là chống đối, rồi Ban giám thị trại giam lại phát động phong trào thi đua giữa đội này và đội khác. Những tay đội trưởng, đội phó ra sức đốc thúc, chèn ép và sử dụng cả roi mây, dùi cui để bắt mọi người phải làm việc. Cuộc chạy đua giữa các đội làm mọi người kiệt sức, và cái đích mỗi ngày một cao một xa hơn. Kỷ lục mới được xác lập bằng những trận đòn chí tử dành cho những ai yếu đuối. Thành tích của cuộc chạy đua đó các đội trưởng tổ trưởng hưởng, họ được ghi công và giảm án. Đây là một toan tính vô cùng tàn độc, dùng người tù để trị người tù kết quả là họ kiệt sức, ai không hoàn thành chỉ tiêu, đều bị đánh đập không thương tiếc. Đội trưởng đánh, thi đua đánh, cán bộ quản giáo đánh vì họ làm cản trở thành tích chung của cả đội. Tối về họp đội, họ bị đem ra làm đòn kê tấm thớt, bị “đấu tố”. Đội nào có nhiều người kém như vậy sẽ “sinh hoạt” suốt đêm để “kiểm điểm”. Mọi người sau một ngày làm việc vất vả, ai cũng rã rời, kiệt sức, chỉ muốn ngã lưng ra ngủ, vậy mà phải ngồi để “kiểm điểm”, “đấu tố”. Những “phần tử xấu” làm cho một số người khác nổi khùng, điên tiết lên (vì họ ngây thơ quá, cùng quẫn quá, không biết nên thương hay nên trách họ đây). Vậy là những người yếu đuối kia trở thành cái gai trong mắt của những người khác. Họ trở thành nạn nhân của một thủ đoạn tàn độc, quỷ quyệt. Những nạn nhân đó bị đánh đập ,“ngồi nội qui” (ngồi nội qui có nghĩa là khi mọi người đi ngủ, nạn nhân phải ngồi nhìn lên bản nội qui treo trên tường đọc đi đọc lại bản nội qui, đây là một cách tra tấn dã man), cắt thư từ, không cho thăm nuôi, nhận quà, bị cách ly (có nghĩa là không được nói chuyện hay trao đổi với ai). Cái không khí khủng bố bao trùm lên mọi người, công việc quá sức người chịu đựng, sinh hoạt nghiệt ngã làm cho mọi người khô kiệt và sợ hãi.

Nghe má kể, tôi tưởng, mình đang nghe một câu chuyện nào đó từ địa ngục mà người lớn kể để doạ trẻ con, nhưng bất hạnh thay đó là sự thật, sự thật mà má đang chịu đựng. Bây giờ má đang bị bệnh. Bà ngoại là người từ trước đến nay vẫn điềm tĩnh cũng phải hoang mang, khủng hoảng. Còn ba như linh cảm được điều gì đó, ba cứ nằng nặc đòi xem thư của má. Tôi không thể tránh né được đành phải để ba xem. Đọc thư xong, ba đờ đẫn cả người, lát sau thì ba khóc, tiếng khóc uất nghẹn đau đớn, thê thảm, khôn cùng. Tôi không chịu nổi chạy về phòng mình và khóc - khóc rất lâu. Tôi chợt nghĩ, khóc thì ích gì, phải tìm cách cứu má, hoặc ít ra giúp má vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, phải đấu tranh với cuộc sống để tồn tại, đầu hàng là chết. Tôi còn có ba để chăm sóc, còn có cu tí để lo lắng và má nữa, má đang cần tôi. Tôi vùng dậy và tự bảo mình: chấp nhận hết và chiến đấu.

Kể từ hôm đó, ba ít nói, ít đi lại, ba chỉ luẩn quẩn trong phòng, và ăn cũng ít. Ba sa sút thấy rõ, xanh xao và gầy hẳn. Tôi cố động viên tinh thần của ba, an ủi ba, nhưng những lời lẽ yêu thương của tôi cũng không làm ba yên lòng được, không làm ba nguôi ngoai được. Cuộc đời phủ lên gia đình tôi những cơn sóng dữ, cuốn phăng đi tất cả. Tôi thấy mình là người lương thiện bị đẩy vào địa ngục. Tôi tin đây là sự nhầm lẫn, và sự nhầm lẫn này phải thay đổi, công lý phải đuợc thực thi, tôi có một niềm tin mãnh liệt như thế.

Để tăng thêm thu nhập, ngoại vẫn bán ở chỗ cũ như mọi ngày, tôi đẩy một chiếc xe đi khắp phố, để bán dạo. Lúc đầu cũng cảm thấy buồn và ngượng một chút khi gặp người quen hay bạn bè cùng lớp, nhưng cái tâm trạng đó qua đi nhanh chóng. Tôi phải làm công việc của mình, đạt được mục đích của mình. Ngoại sợ tôi buồn nên hay an ủi tôi: ”mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Và ngoại cũng hay nói về “nghiệp”. Tôi không biết có nghiệp hay không, dù có hay không tôi vẫn sống với giá trị của gia đình tôi đó là sự lương thiện. Bất chấp cuộc đời với những bất công và tàn bạo, tôi vẫn là tôi, là con của một người cha nhân ái, là con của một người mẹ bao dung, là cháu của một người bà có tấm lòng hỷ xả.

Nhưng cuộc đời cay nghiệt lại không muốn buông tha tôi, nó muốn vùi dập cho tới cùng. Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm đó, cũng như những buổi chiều khác, tôi đẩy xe chở đầy trái cây dạo qua các phố. Thỉnh thoảng, tôi dừng lại dưới hàng cây ven đường hay trước cổng trường học để bán cho khách với nụ cười luôn nở trên môi và lời mời đon đả.

Buổi chiều hôm đó có người hàng xóm đến báo cho tôi biết, ba tôi bị ngã xuống sông. Tôi như người điên, bỏ hết tất cả, tôi chạy đâm sầm vào mấy người đi ngược chiều, tim tôi thắt lại, đầu óc trống rỗng, không còn cảm nhận được điều gì, đất như sụp dưới chân, tôi vấp ngã nhiều lần, áo quần rách bươm, khuỷu tay bàn tay bê bết máu. Mặc kệ, tôi chạy ra sông nơi cây cầu mà ba tôi vẫn hay ra đó ngồi hóng mát và xem người ta câu cá. Mọi người xôn xao. Tôi hỏi một người đàn ông đứng tuổi. Ông ta nhìn tôi đầy thương cảm:
- Đem về nhà rồi con ạ.

Tôi không kịp cám ơn ông ta được một lời, vùng chạy về nhà. Có ai đó nói:
- Thật tội nghiệp.

Tôi tự hỏi trên đường chạy về nhà, bao lơn cao như thế làm sao ba ngã xuống sông được, hay là..…Tôi khóc to thành tiếng.
- Ba ơi, sao lại thế hả ba?

Tôi thấy người ta đặt ba trên giường. Quần áo ba vẫn còn ướt, mắt ba mở thao láo, nhìn trừng trừng. Tôi ôm chầm lấy ba, người ba hơi lạnh và tôi không còn biết gì nữa.

Khi tỉnh dậy tôi thấy nhà đầy người. Chú Hùng, chú Năm, cô út, bà ngoại, cu tí và những người hàng xóm. Chú Hùng khóc rống lên như một con sư tử bị thương. Tiếng khóc của chú đầy căm phẫn.Tôi đứng dậy để vào chỗ ba, cô út và mấy người hàng xóm giữ tay tôi lại. Tôi nói như van xin họ:
- Để con vào gặp ba con một lần nữa.

Họ không giữ tôi nữa. Tôi ôm ba và hôn ông thật nhiều, vì tôi biết đây là lần cuối tôi được gặp ba. Tôi vuốt mắt ba nhưng vẫn không sao làm ông nhắm mắt được. Tôi lại ôm ba và khóc. Bà ngoại vào đỡ tôi ra, tôi ôm ngoại.
- Ngoại ơi, con căm thù họ, con căm thù họ.

Bà ngoại ôm tôi thật chặt và hôn lên mắt, lên trán tôi an ủi:
- Không cần phải căm thù đâu cháu ạ. Người ta căm thù vì sợ hãi. Khi nào con không sợ hãi thì lúc đó lòng hận thù sẽ chấm dứt, như lời đức Joan-Polo II và hoà thượng thích Quảng Độ, chúng ta đừng sợ hãi.

Chú Hùng vào hôn lên trán ba, chú nói nhỏ nhưng rành rọt từng tiếng.
- Ông cứ thanh thản ra đi, đừng quyến luyến trần gian đau khổ này. Tôi thề sẽ mang lại công bình cho ông.

Chú vuốt nhẹ lên mắt ba, mầu nhiệm thay, mắt ba từ từ khép lại. Bây giờ trông ba như một người đang ngủ say.

Giữa nhà, ngoại đặt bàn thờ đức Phật trang nghiêm với sự trợ giúp của rất nhiều người bạn của bà - những người tôi chưa từng biết, tôi chưa từng gặp, các ông cụ bà cụ vẻ trịnh trọng nhưng sắc mặt họ hoàn toàn bình yên, không một chút sợ hãi. Cả cuộc đời họ chứng kiến nhiều cái chết, nhiều sự ra đi của bạn bè và người thân, và có lẽ họ đã thấu hiểu cái mong manh vô thường của đời người. Hình như với họ, chết không phải là chấm dứt, nó là một biến cố trong vô vàn biến cố của kiếp nhân sinh phù du. Họ đón nhận nó bởi vì họ hiểu đó là sự tất yếu. Nhưng với sự tất yếu này - oan nghiệt và xa lạ, tôi không sao chịu đựng nổi. Sự mất mát, sự thiếu vắng ba trong cuộc đời chúng tôi là một nghịch lý đau đớn. Ước gì có phép lạ nào đó, để thay đổi tất cả, để ba quay về với chúng tôi. Tôi biết ai rồi cũng chết. Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn xe cộ, gần đây thôi, làm chết những người rất trẻ, khoảng tuổi tôi và hơn tôi một chút. Tôi không hề nghĩ là điều đó xảy ra với gia đình tôi. Tôi không thể tin được người ra đi lại là ba tôi. Tôi và cu tí ngồi ở một góc phòng, ở đây chúng tôi có thể nhìn rõ ba nhất và khóc. Tôi cảm thấy chua xót vô cùng. Tôi ước chúng tôi được chết cùng với ba để khỏi xa nhau.

Bà cụ bạn của ngoại trở lại với mấy vị sư già. Những vị sư này phong thái đạo mạo, uy nghi, nét nhìn từ ái; trên khuôn mặt xanh xao, gầy guộc của họ toả ra một thứ ánh sáng bình an, thanh thoát; cử chỉ của họ từ tốn; lời nói ấm áp, khoan hoà. Họ ở đâu mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy? Hàng ngày dạo qua các phố bán hàng, tôi chỉ thấy những vị sư phóng xe vun vút - những loại xe sang trọng, điện thoại di động đời mới, đồng hồ đắt tiền. Có vị chiều chiều phóng xe xuống biển tắm, hoà cùng dòng người đông đảo, với những cô gái ăn mặc thoải mái, phô trương vẻ đẹp trời cho.

Vị hoà thượng và hai đại đức phụ tá làm lễ và khai kinh. Tôi đã nghe nhiều lần và thuộc một phần bài kinh này. Mười lăm phút sau, trong tiếng kinh cầu siêu đầy sự giải thoát và thánh vị, tôi nghe thấy tiếng ai đó quát tháo, chửi rủa ồn ào ngoài sân. Chạy ra ngoài xem sao, tôi không hiểu gì hết, tại sao lại có người đến nhà mình để chửi rủa, mà chửi rủa ai mới được chứ ?!

Trước sân khoảng 7-8 người phụ nữ và nam giới tuổi từ 30-60 tuổi. Họ chỉ tay xỉa xói vào nhà, và chửi rủa. Tôi lắng nghe xem họ chửi ai. Tôi không tin vào tai mình nữa: họ chửi các vị sư, nào là tay chân của các thế lực thù địch, làm mất đoàn kết dân tộc, phá hoại Phật giáo, làm chính trị, âm mưu lật đổ chính quyền và vô vàn những câu xúc xiển, thô lỗ và ngu xuẩn khác nữa. Tôi không dám nghe, bịt tai lại chạy vào nhà, chỉ mang máng hiểu mơ hồ: chắc các vị sư này ở trong giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đây.

Trong nhà, tiếng cầu kinh vẫn an hoà, ấm áp, mặc cho sự bẩn thỉu, thô lậu mà người ta tung ra ở ngoài kia với tất cả sự thù hận. Tôi bất giác nhận ra một điều: sự hận thù và bạo ngược trông xấu xí làm sao! Tôi sẽ không bao giờ là người mang trong lòng sự thù hận.

Có tiếng xe đỗ ngoài kia, tôi nhìn ra, đó là xe công an. Có nhiều người bước xuống, trong số họ, tôi nhận ra một số người, công an mặc sắc phục và rất nhiều người mặc thường phục lố nhố đầy sân. Họ xông vào lôi các vị sư đứng lên, buổi cầu kinh buộc lòng phải bỏ dở. Các vị sư già vẫn thản nhiên và ôn tồn nói với họ:
- Nghĩa tử là nghĩa tận, các ông để cho chúng tôi tụng hết thời kinh để người chết được siêu thoát, sau đó các ông có bắt, chúng tôi cũng vui lòng.

Một nhân viên mặc thường phục áo quần bảnh bao, sang trọng, chắc có lẽ là chỉ huy, giọng nói lịch sự nhưng đểu cáng:
- Hoà thượng quá lời rồi. Chúng tôi đến đây để bảo vệ quí thầy vì chúng tôi được thông báo có nhiều người chờ ngoài kia để hành hung các thầy.

Vị sư già vẫn điềm tĩnh và uy nghi, tay lần chuỗi hạt, mắt hơi khép:
- Chúng tôi có làm gì sai trái mà bị họ đe doạ, họ là người của các ông đó thôi.

Ngoại không chịu được, nắm lấy ống tay áo người chỉ huy kéo mạnh ra xa ngài Hoà thượng. Ngoại nghiêm khắc nói với họ:
- Các ông làm thế này là vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, đàn áp tôn giáo. Chúng tôi phản đối.

Ông ta gỡ tay ngoại ra, giọng mỉa mai:
- Quyền tự do tôn giáo được Hiến pháp qui định, ai dám vi phạm. Chúng tôi đến đây để bảo vệ các thầy. Bà để chúng tôi làm công việc của mình, không được cản trở. Chúng tôi có thể bắt bà vì tội chống người thi hành công vụ.

Ngài Hoà thượng vẫn uy nghi, trông ngài bình tĩnh và đường bệ vô cùng. Ngài ôn tồn nói:
- Thôi, cứ để họ muốn làm gì thì làm.


Không nói một lời, rất nhiều người áp lực các thầy ra xe, xe chạy mất hút trước sự ngỡ ngàng và hoảng hốt của mọi người. Cái đám chửi thuê kia cũng giải tán một cách mau lẹ. Tôi thật sự bàng hoàng trước một vở kịch chu đáo đến thế.

Đám tang của ba được tổ chức đơn giản nhưng số người đến viếng đông đến bất ngờ: họ hàng thân thích, hàng xóm láng giềng, những bạn hàng của ba, bạn bè và người quen biết, cảm động nhất là những người bạn trong nhóm hoạ sĩ. Chắc có lẽ do tính tình nhân hậu, sự cởi mở và quan tâm đến người khác làm mọi người yêu quí ba. Tôi học được nơi ba một điều là: ba không bao giờ muốn tranh chấp, luôn nhường nhịn mọi người, rất hiếm khi thấy ba làm người khác buồn. Tôi nghĩ đây là phẩm hạnh cao quí nhất của ba. Chú Hùng thuê hai chiếc xe to tướng để chở những người đưa tiễn ba đến nơi an nghỉ. Còn rất nhiều xe, 4 chỗ, 6 chỗ ngồi, và không đếm đuợc số người đi xe máy, cứ hai người một xe. Đoàn xe đưa tiễn thật đông, chầm chậm qua dãy phố quen thuộc, những người già cả, thanh niên, trẻ con, ra đứng hai bên đường, trên hè phố, tiễn đưa ba. Tôi không ngờ ba được nhiều người yêu quí như thế.

Đoàn xe tang ra ngoại ô, hai bên là cánh đồng đã gặt xong. Trời mùa đông không mưa nhưng hiu quạnh, từng cơn gió lạnh vút qua, táp vào mặt người đi đường. Chưa bao giờ tôi thấy một ngày mùa đông buồn bã đến như vậy. Chắc cho đến những ngày tháng sau này, đó vẫn sẽ là ngày mùa đông buồn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi nhớ một câu thơ trong truyện Kiều: ”Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Mùa đông vốn đã buồn, tâm trạng của tôi bây giờ ngàn lần buồn hơn. Đất trời thê lương và tang tóc, con người thì ủ rũ, đau buồn. Trong mắt tôi bây giờ, thế gian là bể khổ. ”Hay là mình sẽ đi tu”! Trong tôi chợt loé lên một suy nghĩ như vậy. Tôi thấy các ni cô sống đạm bạc, đơn giản, có khi còn rất vất vả, họ hay đến mời ngoại mua hương để làm công đức cho chùa. Nhưng tôi lại thôi không nghĩ đến điều đó vì tôi nghĩ đến ba, những người như ba và tôi, thân cô thế cô ai sẽ giúp họ?.

Đoàn xe rẽ trái, tiếng chuông trống vang lên đều đều ai oán, những đồng tiền lẽ và vàng mã được tung rãi, bị gió cuốn phăng đi. Không giống như những đám tang khác, thời nay người ta không dùng vàng mã truyền thống mà người ta dùng “dollar âm phủ” để lễ cúng. Cái tâm lý sùng bái đã trở thành cái bệnh thời thượng - sùng bái đồng tiền, bất cứ là tiền gì, dollar Mỹ thì càng tốt và cõi âm cũng bị dollar hoá luôn, ngoại bảo người ta dùng vàng mã truyền thống.

Đoàn xe bắt đầu leo lên núi, chập chùng những ngọn núi trơ trọi, chỉ có những bụi cây thấp và còi cọc. Đất núi ở đây toàn là sỏi, nhỏ như hạt tiêu, đất bạc màu nên không có cây cối nào chịu nổi sự khắc nghiệt của nó. Người ta dùng mảnh đất vô dụng này để làm nghĩa địa, cách thị xã 15 km. Ở đây là vùng quê nghèo xơ xác, đoàn xe vào khá xa trong núi, bỏ lại đằng sau nó chập chùng những mồ mả. Đất nghĩa địa bây giờ cũng hiếm nên giá cả đắt đỏ. Một mảnh đất khoảng 6 m vuông, giá từ năm trăm ngàn đến năm triệu - tuỳ vị trí, gần đường lộ, hoặc nằm trên trục đường vào nghĩa địa thì giá cả cao vì ở “mặt tiền”; vào sâu thì rẻ hơn.

Chú Hùng chọn cho ba chỗ yên tĩnh và sạch sẽ. Trong số những người bạn của chú Hùng có người am hiểu thuật phong thuỷ, chú Hùng không tin điều này nhưng cũng chiều ý ông bạn. Khi đoàn xe chạy đến nơi, chúng tôi thấy huyệt mộ đã đào sẵn. Ông bạn đó chỉ tay giải thích với chú Hùng, cái gì “Thanh Long - Bạch Hổ” …..rồi ông ta chỉ một ngọn núi rất xa, cao vút và nói gì đó.

Trong đoàn người đưa tiễn, tôi nhận ra một vài người là công an. Có một người đàn ông ăn mặc sang trọng với đôi mắt trắng dã và khuôn mặt lạnh lùng, ông ta nói với chú Hùng là Thiếu tá an ninh của tỉnh. Mỗi khi có sự hiện diện của ông ta là sẽ có một điều gì đó. Tôi mong sao hôm nay không có điều gì xấu xảy ra, nhưng mà vấn đề gì mới được chứ! Đây là đám tang, không biết họ theo chúng tôi đến đây, tại cái nghĩa địa xa xôi và hoang vắng này để làm gì ?!

Quan tài của ba hạ xuống huyệt, chú Hùng với micro trên tay, tôi, cu tí, bà ngoại, chú Năm, cô út đứng thành một hàng phía sau chú. Chú Hùng tay trái cầm tờ giấy nhỏ, chú chuẩn bị đọc điếu văn để tiễn biệt ba. Tôi thấy ông công an đó tiến về phía chúng tôi, đến bên chú Hùng. Ông ta nói:
- Xin lỗi ông, cho chúng tôi xem qua bài điếu văn.

Chú Hùng hai mắt long lên sòng sọc vì tức giận trước đòi hỏi phi lý và quá đáng:
- Các ông muốn kiểm duyệt cả điếu văn cho người quá cố sao? Cái xã hội này có còn luật pháp nữa không đây? Chúng tôi coi đây là một sự sách nhiễu, vi phạm quyền tự do của công dân.

Có rất nhiều tiếng xì xầm phản đối. Tay an ninh nhìn chung quanh, có mấy trăm người dự tang lễ, đột nhiên ông ta đổi giọng:
- Không, không. Nếu anh không đồng ý thì thôi, có gì đâu.

Rồi ông ta xuề xoà:
- Mời các bác cứ tiến hành.

Chú Hùng đọc điếu văn, giọng chú bình tĩnh, trầm ấm và mạnh mẽ. Tôi không nhớ hết, chỉ nhớ mang máng:
“Anh ra đi để lại cho chúng tôi lòng tiếc thương vô hạn… Anh ra đi để lại người vợ hương trời sắc nước, hiền thục, đảm đang, để lại hai con thơ - hai thiên thần bé bỏng…. Anh ra đi trong khi tài năng đang độ chín mùi, sung mãn, khi anh mới đặt chân lên đỉnh cao của nghệ thuật… Anh ra đi để lại những công trình dang dở và những hoài bão lớn lao. Mất anh, chúng tôi mất đi một người bạn quí; gia đình mất đi một người cha hiền từ, bao dung; người vợ mất đi một người chồng thuỷ chung, son sắc…..Anh là một tài năng bạc mệnh, bị cuộc đời vùi dập, chà đạp. Chúng ta vô cùng thương tiếc tiễn đưa anh. Anh còn nợ cuộc đời này rất nhiều và cuộc đời còn nợ anh rất nhiều. Mong anh được thênh thang trong cõi vĩnh hằng.”Bài điếu văn kết thúc trong nước mắt. Thật nhiều hoa được ném lên quan tài của ba. Khi người ta phủ đất lên quan tài, cu tí khóc và kêu lên làm mọi người như đứt cả ruột gan:
- Đừng chôn ba, đừng chôn ba.

Những nghi thức cuối cùng đã xong. Trời cũng đã nhá nhem tối. Một mùa đông ảm đạm hắc hiu mà tôi chưa từng trải qua. Chúng tôi rời khu nghĩa địa. Cu tí khóc khản cả giọng, nó không chịu về, cứ ngồi bên mộ ba vừa mới đắp, nó gọi: “Ba ơi …ba ơi “, nghe não cả ruột. Chú Năm phải bế nó lên xe, nó vùng vẫy yếu ớt, còn tôi thấy mình như kiệt sức không đứng lên nổi. Ba nằm đó, rất gần, chỉ một với tay thôi, nhưng sao mà xa xôi quá, xa xôi đến tuyệt vọng. Bà nội và cô út dìu tôi lên xe. Cu tí quá mệt, nó thiếp đi trong lòng chú Năm, trông nó thật yếu đuối, cô đơn đến thảm thiết.

Về đến nhà, đèn đường đã lên. Giờ này, mọi nhà đã cơm nước xong. Tôi nhớ lại những tối mùa đông, gia đình tôi thật đầm ấm. Má từ chợ về, lúc nào cũng có quà cho chúng tôi, còn ba sau một ngày vất vả nhưng đầy phấn chấn, ba thường kể một câu chuyện khôi hài nào đó, ba kể chuyện khôi hài rất có duyên. Chắc có lẽ rất nhiều cô gái mê ba, một phần vì điều này. Thỉnh thoảng, ngoại đến ăn tối với chúng tôi. Lúc ấy ngoại rất nhàn tản, công việc ở chợ ngoại đã giao hẳn cho má. Ngoại thường đi đây đi đó, ung dung tự tại hưởng tuổi trời….Vậy mà thoáng một cái, cuộc sống của tôi đảo lộn hết. Giờ đây, đối mặt với những mất mát đau thương này, không biết tôi có chịu đựng nổi không. Làm sao tôi có thể thích nghi được khi thiếu vắng cả cha lẫn mẹ. Cuộc sống trước mắt đau khổ và trống vắng quá.

Chú Hùng bắt tôi phải ăn một tô cháo thịt bò và bắt tôi phải uống một viên thuốc an thần. Còn cu Tí thì lắc đầu quầy quậy, không chịu uống sữa. Nó chỉ chịu uống khi chú Hùng bế nó lên đùi, vuốt ve mớ tóc rối bời của nó.

Tôi lên giường, lát sau thấy mình chới với, nhẹ tênh… Trong giấc mơ, tôi mơ thấy ba về đi lòng vòng ngoài kia, trong khu nhà cũ. Ba nhìn từng cội mai già, ba cúi xuống rửa tay trong bồn nước. Dáng ba ung dung, thư thái như mọi ngày. Tôi vô cùng sung sướng chạy ra ôm ba. Tôi ôm ba thật chặt, tôi sợ ba sẽ đi mất. Niềm vui khôn tả xiết làm tôi giật mình. Tôi biết đó là giấc mơ. Tôi thấy lạnh, bây giờ là mùa đông, gió ngoài kia thổi từng cơn, gió đưa đôi tay buốt lạnh quờ quạng trong bóng đêm bất tận. Tôi nghĩ đến ba, bây giờ nằm nơi đất lạnh. Không một người thân bên cạnh, lòng tôi đau như xé. Đời người sao mà cay đắng thế, sao mà đau thương thế? Tôi khóc và nằm chờ trời sáng… Đồng hồ điểm năm giờ. Những người họ hàng, những bạn bè tiếp tục đến viếng ba, nhà rất đông người. Chú Hùng, chú Năm và mấy người đàn ông ra đi đến tối mịt mới trở về. Ở nhà, bà ngoại và cô út tiếp khách. Tôi chẳng biết làm gì. Chị em tôi ngồi nhìn ảnh ba trên bàn thờ khói hương nghi ngút.

Ngày mở cửa mả của ba, chú Hùng thuê một chiếc xe taxi cho phụ nữ. Còn chú và những người đàn ông đi xe máy đến nghĩa địa. Tôi thấy đám tang của một người phụ nữ còn khá trẻ và rất xinh đẹp. Tôi lại chứng kiến cái cảnh người thân khóc lóc vật vả, thảm thiết. Hai đứa con nhỏ của bà ta thì thất thần, ngơ ngác. Chúng còn quá bé, chẳng hiểu gì, thấy người lớn khóc chúng cũng khóc theo. Tôi thấy sao mà đau lòng quá và nhận ra cái lẽ vô thường không loại trừ ai. Nhìn ra xung quanh tôi thấy toàn là mồ mả san sát nhau. Bao nhiêu cái mả là bấy nhiêu đau khổ. Tôi bình tâm lại một chút.

Mộ của ba tôi đã xây xong. Bia mộ là một tấm đá cẩm thạch trắng vân xanh. Vôi vữa và gạch còn sót lại gần đó. Tôi nhận ra những viên gạch đó được lấy từ ngôi nhà cũ bị phá của tôi.

Chú Hùng và chú Năm đã dùng nó để xây dựng cho ba một ngôi mộ khang trang. Ở đây có rất nhiều ngôi mộ được xây dựng công phu và hoành tráng, đó là những ngôi mộ của những quan chức hay thân nhân của họ, hoặc mộ của những gia đình giàu có. Họ mua cả một nền đất rộng, mộ xây rất đẹp, tô rồng điểm phượng, có cái uy nghi hoành tráng, có cái diêm dúa phô trương. Bên cạnh những ngôi mộ giàu sang phù phiếm là những ngôi mộ trông cô quạnh và lạnh lẽo đến tội nghiệp. Nó chỉ bằng một đống đất, đường kính chưa đến một mét, thấp lè tè, khói hương lạnh giá. Mộ của ba giản dị khiêm tốn nhưng ấm cúng và trang nghiêm. Tôi rất vừa ý và yên tâm. Tôi thấy lòng ấm áp vì bên cạnh tôi là những người thân tốt bụng. Tôi được bảo vệ và chăm sóc. Tất cả mọi việc đều có người lớn đảm đương. Tôi thật may mắn vì được sống giữa những người như vậy.

Trên đường trở về, tôi và ngoại ghé lại chợ để mua sắm và chuẩn bị những gì cần thiết cho những nghi lễ cuối cùng của đám tang.

Ba ngày sau đó, khi ở chợ về, buổi trưa, cu Tí đã ngủ say, tôi không thể ngủ được vì nhớ ba, tưởng như ba đang ở đâu đó, vào ra trong nhà này. Tôi trở dậy, ra bàn thờ thắp một cây hương và nhìn ảnh ba. Tôi nghĩ ba chắc phải để lại một cái gì đó chứ. Tôi đi lục từng ngăn kéo và trong ngăn kéo của tôi, ba để lại ba bức thư. Mới nhìn nét chữ lạ quá: nguệch ngoạc và xấu, không phải chữ viết của ba, nhưng tôi sực nhớ, tay phải của ba bị liệt nên ba viết bằng tay trái. Tôi đọc nội dung từng bức thư. Thư viết ngắn chỉ có mấy dòng:

“Em yêu quí!Xin hãy tha thứ cho anh. Anh không thể để em chịu thiệt thòi. Em còn trẻ đẹp, hãy tìm hạnh phúc cho mình, em nhé! Được vậy, anh rất mãn nguyện, chỉ xin em chăm sóc các con cho tốt. Anh không muốn em trói chặt cuộc đời mình vào bất hạnh của anh. Mãi mãi yêu em. Hẹn em kiếp sau”.
“Các thiên thần của ba!Xin các con đừng giận ba. Hãy tha thứ cho ba. Các con nên nhớ rằng ba mãi mãi yêu thương các con. Nhưng cuộc sống của ba giờ đây, chính ba không gánh vác nổi. Ba biết như vậy là bất công với các con, nhưng còn má con, má con còn trẻ và đẹp, ba muốn giữ mãi những ngày tháng tốt đẹp đã qua. Kiếp sau chúng ta cũng vẫn là cha con, các con nhé. Hôn các con, mãi mãi yêu quí các con. Hãy xin ngoại tha thứ cho ba!”
“Đỗ Hùng thân quí!
Xin ông tha thứ cho tôi, vì đã không cùng ông chia sẻ sự đam mê nghệ thuật. Xin cám ơn Trời Phật đã cho chúng ta là bạn của nhau. Hẹn kiếp sau. Chúng ta mãi mãi là bạn quí. Những tác phẩm dang dở, ông giúp tôi hoàn thành nốt. Tất cả xin biếu tặng ông vì chỉ có ông mới xứng đáng giữ nó.Mãi mãi nhớ ông.”

Tôi không thể nào hiểu được tâm trạng của ba. Tại sao như vậy chứ, tôi chỉ cần có ba hiện diện trong cuộc đời này để sáng sáng chiều chiều được nghe ba khẽ hát bài Đồi Tím Hoa Sim mà ba yêu thích, để được thấy ba vào ra đâu đó, vậy là đủ rồi, tôi không cần gì nữa. Tại sao như vậy hả ba? Con không đồng ý… Ba ơi, con không đồng ý.

Chiều tối khi ngoại về, tôi gọi điện báo cho chú Hùng đến. Ngoại đọc thư xong lắc đầu, vẻ mặt đau đớn đầy thương cảm. Ngoại nhìn ảnh ba và chỉ nói:
- Con thật bất hiếu.

Chú Hùng đến, chú vội vàng ngồi xuống ghế, giật mạnh tờ giấy trên tay tôi. Đọc xong, chú cúi đầu, nước mắt chú rơi xuống nền nhà. Chú ôm đầu khóc, tiếng khóc khe khẽ, nghẹn ngào.

Chúng tôi lại đi thăm má. Đã hơn một tháng rồi, một tháng không phải là thời gian dài nhưng đã làm cuộc đời của chúng tôi thay đổi tất cả. Tôi đã trở thành cô bé mồ côi. Trước đây, tôi không hề biết cái cảm giác cô đơn hụt hẫng khi mất cha nó như thế nào? Trong lớp học của tôi cũng có vài bạn như tôi bây giờ. Lúc đó, tôi không thể hiểu hết nỗi đau của họ. Sự bất hạnh làm cho con người trưởng thành hơn và bao dung hơn.

Thủ tục thăm nuôi rất rườm rà. Tôi nhận thấy có vẻ họ cố tình làm như thế. Để làm gì, tôi tự hỏi. Tại sao phải hành hạ nhau như thế? Đường thì xa, thời gian gặp ngắn ngủi. Tôi thấy nhiều người khúm núm, sợ sệt hai tay trân trọng nâng lá đơn đưa cho người cán bộ phụ tách công việc này. Tôi chợt hiểu ra: người ta làm như vậy để cho người khác sợ. Phải phụ thuộc vào người khác mà không có cách gì để tự vệ làm cho con người trở nên hèn hạ, nhu nhược, lâu dần nó trở thành quán tính và cái quán tính quay lại trói buộc nạn nhân.

Riêng ngoại thì khác, ngoại đến trình giấy tờ cá nhân và đến xin thăm nuôi, thái độ bình thản, ung dung. Khi đối đáp với cán bộ, ngoại cũng giữ cái phong thái đỉnh đạc như vậy làm mọi người ở đây cảm thấy lạ. Họ nhìn ngoại vừa thán phục, vừa ái ngại. Tay cán bộ có cái nhìn ác cảm với chúng tôi, nhưng ông ta cũng chỉ gây những khó khăn vặt vãnh để thoả mãn sự kiêu ngạo tầm thường.Chúng tôi ngồi ở phòng chờ khá lâu. Cu tí đã ngáp ngắn ngáp dài sau một ngày đường vất vả. Ngoại bảo nó ngủ một chút nhưng nó sợ sẽ không được gặp má nên không chịu ngủ. Trông nó mỏi mệt và ủ dột quá!

Má xuất hiện trước cửa phòng thăm nuôi cùng mấy người khác mặc áo tù nhân. Má nhận ra chúng tôi trong đám người đến thăm người thân. Má thất thần lao về phía chúng tôi. Má nhận ra vành khăn trắng trên đầu chúng tôi, hình như má hiểu ra điều gì đó. Chúng tôi ôm má và khóc, cu tí khóc nhiều nhất… Nó nói trong nước mắt:
- Ba chết rồi, má ơi.

Má ôm cu tí vào lòng. Má khóc - lần đầu tôi thấy má khóc thảm thiết như vậy. Mười lăm phút trôi qua, má hơi bình tĩnh lại, má nhìn chúng tôi đôi mắt đỏ hoe. Má hỏi những gì đã xảy ra. Tôi không thể nói được gì. Ngoại chậm rải thông báo cho má những biến cố trong gia đình chúng tôi. Nghe xong má lại khóc, đôi bàn tay nhỏ nhắn nắm chặt, đầu cúi gục xuống bàn, đôi vai má run lên theo từng cơn nấc.

Thêm mười phút nữa, thời gian gặp mặt không còn nhiều, má ngẩn đầu lên tóc rối bời. Ngoại dịu dàng vuốt lại mái tóc đen dài và mượt mà của má. Má nói về sức khoẻ của mình sau khi uống thuốc.
- Nhờ ơn Trời Phật, bệnh của con đã đỡ nhiều rồi má ạ, vẫn còn thuốc uống một tháng nữa. Má đừng lo lắng quá cho con, má phải giữ gìn sức khoẻ, trăm sự con nhờ ở má.

Ngoại nói với nụ cười tự tin:
-Con đừng lo cho má. Mệnh của má vững như Thái Sơn.

Tôi thấy má khỏe hơn nhiều so với lần gặp trước. Khuôn mặt má tươi tắn, hồng hào. Tôi thấy được an ủi rất nhiều. Bà ngoại bàn luận với má về việc thông báo cho công luận quốc tế việc này, để họ can thiệp giúp đỡ. Nếu giữ yên lặng mãi thì cũng đồng nghĩa với việc tự sát. Ngoại nói:
- Má đã tính kỹ với chú Hùng rồi. Chú Hùng có thực lực, lại hiểu biết và có bản lĩnh, khó có ai tốt như chú Hùng.

Má vui mừng trước quyết định và sự sáng suốt của ngoại.
- Con cũng đã nghĩ đến điều này từ lâu rồi má ạ. Chúng ta phải đấu tranh chứ không trông chờ ai ban cho. Chúng ta phải đòi cái chúng ta có quyền có, chứ không xin ai cả.

Câu chuyện đang còn dở dang và quyến luyến thì người cán bộ bảo:
- Đã hết giờ gặp, chuẩn bị vào thôi.

Ngoại dặn dò má những việc cần thiết. Ngoại cầm tay má, vẻ mặt ân cần:
- Con phải giữ gìn sức khoẻ, đừng để sự đau buồn làm con kiệt sức.

Má ôm ngoại và nói:
- Má đừng lo, con phải sống để đòi công lý cho chồng con và những người bất hạnh khác.

Chúng tôi hôn má, tôi giành một bên, cu tí giành một bên, và chỉ thả má ra khi người cán bộ giục:
- Nhanh lên.

Trên đường về nhà, tôi và cu tí tranh nhau nhòm ra cửa. Cảnh sắc bên đường rộn ràng sau một cơn mưa kéo dài lê thê mấy ngày trời. Đêm hôm đó là đêm đầu tiên sau những biến cố đau thương mất mát tôi thấy lòng dìu lại, tuy nỗi nhớ thương ba vẫn day dứt khôn nguôi. Tôi lên giường, nhắm mắt để tưởng tượng lại hình ảnh của ba và má rồi chìm vào giấc ngủ sau một chuyến đi dài mỏi mệt.

Hôm sau, trên đường đi chợ trở về, trời trở gió to, những chiếc lá bàng rơi vãi xơ xác trên đường. Con đường nhỏ ngập trong lá, rất nhiều lá xanh. Cơn bão mùa đông từ đâu đó sắp về, mọi nhà xôn xao chuẩn bị đối phó. Tôi nhớ những ngày trước đây, khi có tin báo bão là cả nhà chuẩn bị rất kỹ, che chắn cho những cây bông sứ, đưa tất cả những chậu phong lan vào phòng kín cho an toàn, không khí nhà tôi rộn ràng những lo toan. Còn bây giờ chẳng có gì để lo, nhà ngoại tuy thấp bé nhưng kiên cố.

Ngoại ghé vào bưu điện để “voice-mail” cho RFA và Chân Trời Mới, để lại lời nhắn theo lời của chú Hùng. Chúng tôi về nhà, cu tí bắt ghế ngồi chờ ngoài cửa. Sau khi đóng chặt cửa, đề phòng gió lớn. Rồi chúng tôi ăn cơm. Bữa cơm chỉ có ba bà cháu, không thể không buồn được. Ăn cơm xong, ngoại chuẩn bị đèn pin đề phòng điện cắt. Ngoại bảo mở đĩa Tây Du ký xem. Cu tí thì thích nhất phim này, nó thuộc lòng từng chi tiết. Trước đây ít khi tôi xem những loại phim này, bây giờ xem cho đỡ buồn, đỡ suy nghĩ mông lung, xem hoài cũng thấy thích, nhất là những bộ phim được chuyển thể từ truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Đêm hôm đó bình yên, gió cũng không lớn lắm vì bão đã chuyển hướng ra biển. Ngoại thắp một nén nhang trên bàn thờ Phật để dâng lời cảm tạ đến Thập Phương Chư Phật.

Cu Tí uống sữa rồi chuẩn bị đến trường. Tôi và ngoại đến chợ, ghé lại quán bún ven đường quen thuộc, mỗi người một tô bún giò, ấm nóng tuyệt vời trong một sáng mùa đông giá lạnh. Cả tháng nay, từ ngày ba mất, chi phí của gia đình cũng không lớn lắm. Tôi và ngoại cũng bồi dưỡng một chút cho lại sức. Ngoại nhìn tôi ăn một cách ngon lành, thoáng một cái là hết sạch tô bún. Tôi đặt bát xuống chiếc bàn con, uống một ly trà nóng, nói với chị bán bún:
- Ngon quá, em muốn ăn một tô nữa kia.

Chị bán bún nhìn tôi mỉm cười thân mật, trông chị có duyên nhưng hơi đẫy đà:
- Coi chừng phì ra đấy cô ạ, nhìn mông với đùi kia kìa, phát khiếp ra đấy.

Tôi giật mình như giẫm phải tàn lửa, tôi lớn rất nhanh so với các bạn cùng lớp và cao nữa.Tôi sợ béo lắm,pnếu mà phì lên thì chết,pnhưng mà tôi thèm ăn quá.pTôi ngồi tính lại tuổi mình,pđã mười tám rồi.pTôi quay lại phía ngoại:
- Con mười tám tuổi rồi ngoại ạ.

Ngoại cười âu yếm:
- Còn mấy tháng nữa là Tết, sắp mười chín tuổi âm lịch rồi đấy cô ạ.

Tôi đứng lên, giang rộng hai tay ra trước .Ngoại hỏi:
- Con có béo quá không ngoại?

Ngoại cười, tay xách mấy cái túi đứng lên, hơi khó khăn một chút, ngoại đã già rồi, gần đây tôi mới nhận ra và thương ngoại vô cùng.
- Chừng đó là vừa đẹp, chứ gầy như mấy cô người mẫu thì không giống ai. Thời của bà mà gầy như thế thì ế chồng. Thời này, các cô thích nhiều thứ kỳ quái. Mái tóc đen tuyền xanh mượt không thích lại thích cắt ngắn nhuộm vàng. Quần thì trễ quá rốn khêu gợi đàn ông, chớ có trách họ làm bậy.

Rồi bà trích một câu toàn chữ Hán, tôi không nhớ được. Tôi sẽ không làm ngoại buồn, tôi hứa với mình như vậy. Công việc buôn bán vẫn bình thường. Tôi đã thành thạo và vui với công việc của mình. Không còn xấu hổ như những ngày đầu, gặp bạn bè thân đến mua hoặc gặp nhau trên đường, tôi cảm thấy tự nhiên, không ngượng nữa. Bà cụ bạn ngoại thường xuyên đến đây. Những câu chuyện hai cụ trao đổi thật bổ ích cho tôi, tôi nghĩ không có một trường học nào dạy về những điều này. Nó là một kho tàng kinh nghiệm với những cách đối nhân xử thế. Hai cụ thường nhắc nhở tôi: trước tiên phải học cách làm người.

Hôm nay, ngoại có vẻ trầm tư hơn mọi ngày. Ngoại ít nói, hình như có một điều gì đó làm ngoại quan tâm. Mùa đông, trời tối rất nhanh, mới năm giờ rưỡi mà đã sập tối. Trên đường về, ngoại nói với tôi sự ưu tư của mình, rằng ngoại sắp trả lời phỏng vấn của một đài phát thanh nước ngoài. Ngoại đã hẹn họ tám giờ tối nay. Tôi hiểu, đây là một quyết định khó khăn và nguy hiểm nên một người bản lĩnh như ngoại cũng phải căng thẳng.

Bữa cơm tối ngoại ăn rất ít. Sau đó, ngoại chuẩn bị những gì cần phải nói ra một tờ giấy. Nhìn ngoại trầm ngâm suy nghĩ tôi nhận ra ngoại già đi rất nhiều. Hơn tám giờ, chuông điện thoại reo, ngoại đứng lên có hơi vội vàng một chút, ngoại đang nói với ai đó. Khoảng mười lăm phút, tôi nghe ngoại trình bày ngắn gọn nhưng đầy đủ tất cả những chuyển biến xảy ra với gia đình chúng tôi. Giọng nói điềm tĩnh nhưng kiên quyết, không một chút sợ sệt. Càng về cuối câu chuyện, tôi thấy phong thái và giọng nói của ngoại lại ung dung, đỉnh đạc - như mọi ngày. Cuộc nói chuyện vừa kết thúc, ngoại đến ngồi bên tôi thở ra một hơi dài.
- Ở những nước văn minh, dân chủ có khác, người ta ăn nói lễ độ chứ có đâu như…. Ngoại bỏ lững câu nói nhưng tôi biết ngoại muốn nói gì, ở Việt Nam người ta vẫn hay nói như thế.

Trưa hôm sau, chú Hùng lại đến kiôt của chúng tôi, chú đưa cho tôi một chiếc radio nhỏ rất xinh, chú hướng dẫn cho tôi những tần số cần tìm và dặn:
- Nhớ là đúng chín giờ tối nhé!

Tối hôm đó, chúng tôi hồi hộp chờ đến 8 giờ 30. Sao mà lâu thế không biết. Ngoại vẫn ngồi trầm tư trên tràng kỹ. Tôi cứ ra ra vào vào…. sốt ruột quá! Tôi ra sân, nhìn lên trời… bầu trời đêm đông tối đen không một vì sao. Tôi đi mấy vòng rồi trở vô. Ngoại vẫn ngồi đó và chờ đợi. Tôi nhìn kim đồng hồ đã đúng chín giờ. Tôi mở đài đúng những tần số chú Hùng chỉ dẫn nhưng không nghe thấy gì hết, chỉ nghe tiếng hú từng đợt rất khó chịu. Tôi kiên nhẫn làm theo lời chú Hùng, tìm hết các band và những tần số. Phải mất gần mười phút tôi mới bắt được đài, âm thanh rất khó nghe, tôi điều chỉnh, ngoại nói:
- Được rồi đó con. Đài này là đài cấm, bị người ta phá sóng nên khó nghe, như vậy là tốt rồi.

Tôi không hiểu phá sóng là gì, có lẽ là nhiễu âm. Sau phần tin tức, đến phần thời sự, người đàn ông có giọng nói ấm áp và nhân hậu giới thiệu bài phỏng vấn. Sau đó, tôi nghe giọng nói của ngoại, hơi lạ và khó nghe một chút nhưng nội dung câu chuyện giúp tôi nhận ra đó là ngoại. Còn người phỏng vấn thì rất lễ độ, một tiếng “thưa cụ” …hai tiếng “thưa cụ”, hèn gì ngoại khen họ hết lời. Chúng tôi cố gắng nghe hết buổi phát thanh, nghe xong tai tôi như có ve ve trong đó… Lúc đầu tôi lấy làm lạ, mùa này làm gì có ve ve. Tôi chợt hiểu ra đó là dư âm. Ngoại có vẻ hài lòng, và ánh mắt ngoại sáng lên, cử chỉ hoạt bát, nụ cười rạng rỡ. Tôi hỏi ngoại:
- Sau việc này người ta có làm khó cho mình không ngoại?

Ngoại gật gù:
- Tất nhiên rồi, họ không để mình yên đâu. Sẽ nổi sóng nổi gió đây, nhưng con đừng lo, để ngoại và chú Hùng đối phó với họ.

Trưa hôm sau, khi chúng tôi đang ở chợ. Có một nhân viên công an cùng đi với một công an phường đến gặp ngoại, họ đưa cho ngoại một giấy triệu tập lúc hai giờ chiều. Tôi thấy lo lắng quá, có một chút sợ hãi nữa. Nếu họ bắt luôn ngoại thì chúng tôi sẽ ra sao. Đối với họ bắt người là chuyện rất đơn giản. Tôi hỏi ngoại:
- Con sợ họ bắt ngoại quá?

Ngoại cười như không có chuyện gì:
- Chẳng dễ như vậy đâu. Bắt phải có lý do… ngoại không phạm tội làm sao bắt được, đây chỉ là đòn khủng bố tinh thần thôi.

Sau hai giờ chiều một chút, khi ngoại đã ở trụ sở công an phường, có hai người thanh niên khoảng hăm bảy, hăm tám tuổi, họ nói là an ninh tỉnh, ghé lại chỗ tôi bán hàng. Họ hỏi đủ thứ, tôi làm theo lời ngoại dặn: cái gì cũng không biết. Không hỏi được gì họ bỏ đi. Khoảng năm giờ, khi tôi chuẩn bị dọn hàng về nhà, lòng nóng như lửa đốt, lại có hai người khác, một thường phục một sắc phục lại đến, vẫn những câu hỏi đó. Tôi chỉ lắc đầu không biết.

Về đến nhà, vẫn không thấy ngoại, đã gần sáu giờ rồi, trời ngoài kia đã tối. Cu tí sợ quá ngồi thu người vào một góc nhà. Tôi vừa làm cơm tối vừa chạy ra chạy vào để trông ngóng. Gần bảy giờ ngoại về, vẻ mặt ngoại căng thẳng nhưng không một chút sợ hãi. Ngoại ngồi xuống, cu tí rót một chén trà cho ngoại, ngoại uống luôn mấy chén liền… ngoại khát nước, chắc là do nói nhiều. Rồi ngoại thong thả kể lại mọi sự.

- Lúc đầu họ làm dữ lắm, chụp mũ, hù doạ: nào là làm gián điệp, tiết lộ thông tin cho nước ngoài v.v…, cái trò trẻ con này hù doạ được ai. Nhưng cuối cùng họ dịu giọng và yêu cầu ngoại sáng mai tám giờ làm việc tiếp.

Tôi lại hỏi ngoại:
- Ngoại có đi không, nếu họ cứ triệu tập hoài như vậy thì làm sao?
- Làm gì có chuyện đó. Ngoại chỉ gặp họ một buổi sáng nữa thôi. Nếu họ không đưa ra chứng cứ buộc tội thì sẽ không có cuộc gặp nào nữa… cháu đừng lo.

Tôi ra chợ bán nhưng lòng cứ lo thấp thỏm. Mãi đến mười hai giờ ngoại mới ra chợ, trông ngoại có vẻ mệt mỏi nhưng đầy tự tin. Bắt đầu từ đó gia đình tôi luôn luôn sống trong lo lắng và sợ hãi: lo bị cắt điện thoại, cắt điện, cắt nước. Họ dùng mọi thủ đoạn để gây khó khăn, sách nhiễu gia đình tôi. Ban đêm, hai giờ họ đến kiểm tra hộ khẩu. Họ yêu cầu tôi phải có giấy tạm trú tạm vắng mới được ở nhà ngoại. Có lần ban đêm, họ xộc vào nhà ngoại khám xét với một lý do ngớ ngẩn là nhà tôi buôn lậu hàng quốc cấm. Ngoại yêu cầu họ cho đối chất với người tố cáo thì họ lờ đi nói vòng vèo. Ngoại phải gọi điện cho Chân Trời Mới và RFA để yêu cầu sự can thiệp, giúp đỡ của những tổ chức bảo vệ nhân quyền và sự can thiệp của các chính phủ dân chủ như Hoa Kỳ, liên hiệp Âu Châu. Nhiều lần đang nói chuyện với phóng viên nước ngoài thì điện thoại bị cắt. Nhưng câu chuyện oan khuất của nhà tôi đã được mọi người biết tới, đã được công luận quốc tế để ý tới, làm chính quyền khó xử và cay cú.

Những ngày sắp Tết, chúng tôi làm đơn xin thăm nuôi má. Người ta tìm cách tránh né: người này đi họp người kia nghỉ phép, cứ vòng vo như thế làm ngoại và tôi mất mấy ngày… Chú Hùng phải nhập cuộc. Tôi và chú Hùng phải đến công an phường cả ngày để buộc họ phải giải quyết. Cuối cùng, không né tránh được, họ từ chối kí đơn lý do gia đình tôi không chấp hành những nghĩa vụ địa phương và có hành vi xấu.

Chú Hùng cùng với một ông bạn luật sư đến tận công an phường để đấu tranh viện dẫn những điều luật gì đó. Đuối lý, họ phải chứng xác nhận vào đơn.

Bình thường, chúng tôi chỉ cần chờ đợi một buổi là có thể gặp má, lần này họ bắt chúng tôi chờ hai ngày với những lý do ngớ ngẩn. Ngoại phải nhiều lần to tiếng với họ. Trong khi ngoại đấu tranh với họ thì hai chị em chúng tôi đi vòng vèo ra phía ngoài để thư giãn. Đây là vùng đồi núi tuyệt đẹp, một bên là núi cao hiểm trở, một bên là đồng ruộng và xa nữa là đầm lầy. Khu trại giam người tù nằm dưới kia, sát chân núi tiếp giáp với đầm lầy. Còn ở đây, nơi những dãy nhà của cán bộ, được xây cất kiên cố và tiện nghi.Nhà và văn phòng của các cán bộ lãnh đạo sang trọng như những biệt thự và văn phòng các công ty. Tôi thấy ở đây thật là đẹp, núi non chập chùng, giá như không có cái nhà tù kia thì nơi đây sẽ là một nơi nghỉ mát tuyệt vời. Tôi ao ước thế giới này sẽ không còn nhà tù nữa, và tôi - một người từ phương xa đến đây sẽ được tiếp đón ân cần và nồng hậu.

Bốn giờ chiều, người ta cho chúng tôi gặp má. Má cho biết, bệnh của má đã khỏi, má ăn được ngủ được. Còn về phía trại giam thì họ gây áp lực với má rất nhiều, từ hăm doạ gây khó khăn cho đến dụ dỗ. Họ bảo má thuyết phục ngoại thôi không trả lời với bên ngoài, họ hứa hẹn sẽ giảm án hoặc ân xá cho má, nhưng má kiên quyết bảo vệ lập trường của mình. Má nói với họ là má không có tội thì tại sao phải ân xá. Vậy là họ nâng chỉ tiêu lao động của má lên, cắt thư từ. Đã bốn tháng nay, chúng tôi không nhận được một lá thư nào của má, má cũng không nhận được một lá thư nào của chúng tôi. Thời gian gặp má cũng bị họ cắt ngắn. Trước những áp lực như vậy, tôi thấy lo sợ và buồn vô cùng. Tôi tự hỏi: giữa con người với nhau, tại sao phải đối xử với nhau tệ như vậy, chúng tôi đâu có làm gì nên tội. Tôi luôn tự nhắc nhở mình là chúng tôi đang sống trong một đất nước có những nguyên tắc và những giá trị khác với những giá trị phổ quát của nhân loại văn minh.

Má hôn chúng tôi và dặn dò :
- Hãy can đảm để tự cứu mình.

Tôi “ạ” thật rõ nhưng lòng vẫn lo lắng bồn chồn. Chúng tôi quay về trên một chuyến tàu đêm, vào những ngày sắp Tết, đêm thật lạnh. Cu tí ngủ vùi trong lòng ngoại. Tôi không sao ngủ được, ngồi nhìn ra bên ngoài, màn đêm sâu thẳm mênh mông, thỉnh thoảng có ánh sáng hửng lên ở một góc trời xa, tôi đoán chắc đó là phố xá hoặc khu dân cư. Trong cái quạnh hiu này, ánh sáng từ nơi xa kia làm ấm lòng người.

Những ngày sắp Tết, chúng tôi rất bận rộn, nhưng vẫn không được yên ổn. Có những người đàn ông ăn mặc bảnh bao, vẻ mặt lạnh lùng đến để thăm dò, hoặc hỏi những câu vớ vẩn, họ úp úp mở mở rất khó hiểu…Ngoại bảo:
- Họ là an ninh đấy.

Tôi hỏi ngoại:
- Nếu an ninh theo dõi mình thì họ phải kín đáo chứ ?

Ngoại cười - nụ cười khinh bạc:
- Đó là cách làm việc của họ. Có gì đâu mà theo dõi, họ biết như vậy. Đây chỉ là đòn mèo vờn chuột. Họ muốn nhắc nhở và răn đe mình là họ luôn theo dõi và kiểm soát tình hình. Họ muốn chứng minh rằng ở đây họ là người có quyền lực, thế thôi. Làm cho đối phương hoang mang, sợ hãi là mục đích chính.

Một hôm, đang loay hoay với khách hàng tôi chợt nghe có ai đó nói:
- Mình đi sắm Tết chứ tiểu thư.

Tôi giật mình nhìn lên, chú Hùng và cu Tí đang ở đó. Chúng tôi đi sắm Tết. Đường phố đông đúc người và xe, hàng hóa bày ra cả lề đường. Không khí tết rộn ràng, vui vẻ. Trong không khí còn vẩn một chút gió bấc của mùa đông, chú Hùng dừng xe trước một shop quần áo. Ở đây, thật nhiều quần áo và giầy dép đẹp, hàng ngoại và hàng nội cao cấp, trưng bày thật hấp dẫn. Nếu có tiền tôi sẽ mua hết chỗ này cho đã. Cô chủ hàng đon đả cười tươi như hoa.
- Bố con đi sắm tết đó hả?

Chúng tôi chỉ cười. Sau khi đã chọn hàng xong, chú Hùng trả tiền, tôi phát hoảng:
- Đắt quá chú Hùng ơi.

Chú Hùng chỉ cười.
- Kệ, mỗi năm một lần mà.

Khi nghe tôi gọi chú Hùng bằng “chú”, cô gái ở đằng kia nhìn tôi,cái nhìn là lạ, nghi ngờ và nụ cươì hơi diểu cợt. Tôi hiểu cô ta nghĩ gì và phát cáu lên. Ngồi sau xe chú Hùng về nhà, tôi nghĩ miên man: cũng không trách cô ta được. Thời bây giờ các quan chức, những người giàu có, đều có bồ nhí, nào là “anh em kết nghĩa”, “cháu hờ”, “con nuôi”. Chung quanh tôi nhan nhản ra đấy thôi: những cô gái con nhà nghèo ở nông thôn ra phố học, để ấm thân, đỡ gánh nặng cho gia đình, những cô gái xinh đẹp, hấp dẫn được các quan chức nhận làm “con nuôi” để che mắt thiên hạ. Nhưng người đời họ đâu có mù, nên có thơ rằng:

“Trông xa thì tưởng là già
Đến gần mới thấy chỉ là chú thôi
Cầm tay thì gọi bằng anh
Đè nhau xuống chiếu thì ta với mình.”

Về đến chợ, chúng tôi khệ nệ mang quà về chỗ ngoại. Khi chú Hùng đã đi rồi, một chị gần đó nói với tôi:
- Bé Thảo sướng thật đấy.

Tôi quay nhìn cô ta, ánh mắt toé lửa làm cô ta cụt hứng. Chắc chị ta nói bóng gió gì đây không biết, bực mình quá! Vừa ngồi xuống bên ngoại trong lòng còn nặng nề, cô Bảy - người bán hàng bên cạnh còn nói với tôi:
- Bố dượng của bé Thảo đấy.

Tôi nổi khùng lên, không kiềm chế được nữa, tôi nổ tung như một quả lựu đạn.
- Cô nói gì thế?

Ngoại lườm tôi nghiêm khắc. Biết mình quá lời, tôi xấu hổ lặng yên và thầm nghĩ: ngày hôm nay làm sao ấy!

Trên đường về, ngoại nói:
- Chiều hôm nay con xử sự thật vô phép. Ngày mai con phải xin lỗi mọi người.

Tôi bối rối biết mình có lỗi và kể cho ngoại nghe đôi mắt của cô gái ở shop. Vẫn chưa hết bực tức, tôi nói:
- Nếu biết cô ta ám chỉ con, con sẽ cho cô ta một trận.

Ngoại cười:
- Đừng có vớ vẩn, ngày mai nhớ phải xin lỗi người ta.

Tôi lay tay ngoại nũng nịu:
- Nhưng con không biết phải xin lỗi như thế nào.

Ngoại từ tốn giải thích:
- Có nhiều cách xin lỗi: một lời nói, một cử chỉ, một món quà, một nụ cười, miễn sao phải chân tình, con tự chọn lấy.

Tôi vui sướng và biết ơn sự gợi ý của ngoại vô cùng.

Tết đến, một cái Tết đau buồn và trống trải. Đối với tôi, không có ba má là không có tết. Tôi và cu tí chẳng đoái hoài gì đến quần áo mới. Chúng tôi ngồi nhìn ảnh ba. Tôi mường tượng ba ở trước mặt, nụ cười hiền lành nhân hậu. Buổi chiều chú Hùng, chú Năm, cô út đến mừng tuổi. Chúng tôi đi viếng ba. Đã biết trước, nên tôi chuẩn bị thật nhiều tiền lẻ. Cu tí không chịu tiền một ngàn, nó chỉ đổi ra tiền năm ngàn đồng thôi.

Đến nghĩa địa, một không khí nhộn nhịp bày ra trước mắt làm tôi hơi ngạc nhiên. Người ta đi viếng mộ rất đông, ngôi mộ nào cũng khói hương nghi ngút. Người đi viếng, toàn là quần áo đẹp, nước hoa thơm lừng, những người nghèo cũng cố ăn mặc tươm tất vì lẽ ngày Tết mà. Những người ăn xin cũng tập trung ở đây rất đông - mấy chục người, chắc có lẽ họ cũng đoán biết chẳng ai lại bủn xỉn trong ngày đầu năm thiêng liêng này. Vì đã chuẩn bị tiền lẻ nên ai xin tôi cũng cho, vài chục người thì mất vài chục ngàn thôi. Còn cu tí nó hào phóng quá, toàn tiền năm ngàn, ai xin cũng không từ chối, vậy là số tiền lì xì của chú Hùng, chú Năm, cô út hết nhẵn không còn một đồng. Trông nó đăm chiêu và buồn bã, nó chẳng thiết gì hết. Đến lúc ra về nó cứ bịn rịn, nấn ná. Trời đã về chiều,cô út ẵm nó lên xe. Đến nhà, nó ngồi ở một góc, khóc tỉ tê mãi. Tôi hỏi:
- Chắc là hết tiền rồi khóc chứ gì.

Nó ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt như đôi mắt nai con mất mẹ, tôi hoảng hồn biết mình trách lầm em. Nó nói trong nước mắt:
- Không phải, em nhớ ba.

Tôi sững sờ, chúng tôi chỉ còn biết ôm nhau khóc.

Sau Tết, ngoại vẫn tiếp tục viết thư kêu gọi đến các nước dân chủ như Hoa Kỳ, liên hiệp Âu Châu, Úc Châu, các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, các cơ quan thông tấn, các đài phát thanh quốc tế và đã nhận được cảm tình và sự ủng hộ của họ. Rồi một ngày cuối tháng Năm, cũng cái ngày cách đó hai năm, má bị bắt, tôi thức dậy muộn, cu tí vẫn còn ngủ say. Ngoại đã ra chợ từ sớm. Tôi đi tắm và ăn điểm tâm để ra chợ. Có tiếng chuông điện thoại, tôi ngơ ngác và hơi lo sợ một chút. (Lúc nào tôi cũng ở trong tâm trạng lo sợ, đây cũng là cái bệnh phổ biến của đa số người dân Việt Nam, vì lúc nào tai hoạ cũng có thể ập đến, chúng tôi đang sống trong một cái bẫy mà cái bẫy đó sẵn sàng sập xuống bất kỳ lúc nào). Người bên kia đầu dây là má, má báo cho tôi biết là má đang trên đường về, khoảng tám giờ đón má ở trụ sở công an phường. Tôi không tin vào tai mình nữa, tôi có nằm mơ không? Chạy lại trước gương tôi kéo tai, nhéo mũi của mình… không phải mơ, đây là sự thật, nhưng tôi không hiểu, má còn một năm nữa mới hết án. Chẳng lẽ có ai đó đùa ác với tôi. Nhưng rõ ràng là tiếng của má mà, không thể nhầm được. Tôi chạy ra chợ nói cho ngoại biết. Phản ứng của ngoại rất lạ, ngoại vui mừng nhưng không ngạc nhiên. Ngoại chỉ gật gù tỏ vẻ hài lòng.

Tôi gọi cho chú Hùng, chú Năm và cô út. Tôi chạy về nhà lấy hộ khẩu và một số giấy tờ, kéo cu tí dậy, nó cứ ầm ừ không chịu dậy. Tôi kề vào tai nó gắt:
- Dậy đi đón má, má về rồi.

Nó bung dậy như một chiếc lò xo, tay dụi mắt, tay kéo lại chiếc quần đã tụt qua rốn.
- Thật không chị hai?

Tôi kéo tai nó:
- Thật, nhanh lên.

Tám giờ ba mươi phút… đến tám giờ bốn lăm phút. Sao mà lâu thế, không biết có sự nhầm lẫn nào không, không biết có trở ngại hay tai nạn nào đó không?! Tôi hồi hộp và lo lắng, chạy ra đường nhìn tới nhìn lui, nhìn thật xa. Xe cộ cứ qua lại, dòng người bình thản đi qua. Tôi quay lại ngồi dưới gốc cây bàng. Ở đây có thể nhìn ra ngoài mà không bị che khuất.

Chín giờ, một chiếc xe quân đội dừng lại, mấy người công an trên xe bước xuống sau đó là má tôi với một cái túi xách nhỏ trên tay. Chúng tôi chạy ra đón má. Cu tí ôm chặt cổ má và hôn trên trán trên tóc má, rất cảm động. Mấy người công an này tôi đã gặp mấy lần ở trại giam. Họ làm thủ tục bàn giao má cho công an phường rồi họ lịch sự chào chúng tôi. Ngoại cám ơn họ đáp lễ.

Mười giờ ba mươi phút, chúng tôi về đến nhà. Má nhìn ảnh ba, tay run run cắm ba cây hương lên bàn thờ. Má khóc. Mọi người hỏi chuyện má sao về đột ngột vậy.

- Một tuần trước người ta kêu lên làm việc, bảo con nhận tội thì sẽ được tha, con không chịu, con bảo họ: tôi chẳng có tội gì cả, tha hay không là quyền các ông. Một tuần như vậy, họ cứ gọi lên để thuyết phục. Cuối cùng, đến năm giờ chiều hôm qua, người ta mới đọc lệnh ân xá với lý do rất “thuyết phục” nào là “cải tạo” tốt, có thành tích đóng góp cho trại, bị bệnh nặng và gia đình neo đơn nên Nhà nước “mở lượng khoan hồng” cho về đoàn tụ gia đình… Nghe thật cảm động.

Má cười mỉa mai.

Cả nhà ai cũng vui, chú Hùng xin phép ra về để gọi điện cho RFA biết. Mọi người bảo má tắm rửa, đi ngủ sau một đêm thức suốt… Nhưng má bảo:
- Không sao đâu, má đi tắm, rồi sang nhà chú Năm để thắp hương bàn thờ gia tiên.

Buổi trưa má nằm nghỉ một chút và điện cho chú Hùng, vì má muốn đi viếng ba trong chiều nay nên mời chú Hùng cùng đi. Hai giờ chiều, chúng tôi lên đường, chú cũng thuê một chiếc taxi cho cánh phụ nữ. Cũng con đường này nhưng hôm nay tôi thấy đường phố rộn ràng vui vẻ.

Khi xe ra ngoại ô, cánh đồng trải dài trước mắt lúa chín vàng như một tấm thảm, thật là đẹp. Trời xanh lồng lộng, xa xa những cây phượng đỏ hồng rực rỡ. Tất cả mọi vật đều mới mẻ, mọi người ai cũng dễ thương quá.

Đến nghĩa địa, chúng tôi đi men theo con đường đá sỏi nhấp nhô. Má quì xuống trước tấm bia mộ có hình của ba và khóc thảm thiết. Chúng tôi - ai cũng khóc, cả chú Hùng và bà ngoại là những người cứng rắn nhất cũng không cầm được nước mắt. Chúng tôi muốn dành thật nhiều nước mắt để thương tiếc ba tôi và cũng để tiễn quãng ngày u ám nhất của cuộc đời đi thật xa, thật xa.

Trên đường về, má lặng thinh không nói một lời, má như một pho tượng. Khuôn mặt thanh tú, mái tóc gợn sóng loà xoà trước trán, trên vai trông má thật đẹp.

Chúng tôi đi chợ để chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ cho gia đình. Trong buổi tiệc, má kể chuyện ở tròng tù. Chú Hùng thì điểm lại những việc đã làm để vận động cho má, chú cũng nói về tình hình của đất nước hiện nay, với Đại hội Đảng Cộng Sản lần thứ mười và phong trào dân chủ Việt Nam mới ra đời. Có rất nhiều cái tên được nhắc đến, chú Hùng có vẻ thiên vị khi nói về hai con người nào đó, với tôi là lần đầu: Đỗ Nam Hải và Nguyễn Văn Đài. Chú Hùng ca ngợi họ hết lời và chú cũng đề cập đến nhiều nhân vật khác nữa. Tiệc kéo dài đến bảy giờ tối, chú Hùng và các bạn chú phải về. Má tiễn họ ra sân, chúng tôi dọn dẹp và rửa bát đĩa. Điện thoại lại reo, tôi nhanh chóng đến nghe. Người bên kia đầu dây có giọng nói ấm áp thân mật và quen thuộc, tôi biết tên của chú, nhưng chú vẫn lễ độ giới thiệu:
“Dạ, chúng tôi là Nguyễn Hùng của đài Chân Trời Mới xin được nói chuyện với bà Đặng Thị Thanh”

Tôi chuyển máy cho má. Má ngồi trên tràng kỹ, tôi ngồi một bên ôm má và áp tai vào ống nghe… Má nói chuyện với chú Nguyễn Hùng rất lâu, má cám ơn họ rất nhiều, giọng má cảm động:
“Gia đình chúng tôi xin gởi đến quí đài lòng biết ơn và qua quí đài gởi đến những tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, đến Chính phủ và Quốc Hội các nước Mỹ, Âu Châu, các cá nhân và tổ chức đã giúp đỡ, can thiệp cho chúng tôi.”

Sau đó, má nói về sức khỏe của mình và cuộc sống trong tù..v.v…v.v...
Cuối cùng, chú Nguyễn Hùng hỏi:
“Bà định sẽ làm gì những ngày sắp tới?”

“Trước hết, tôi phải lo kiếm sống, cho các con đi học lại. Sau đó, tôi sẽ dành cả cuộc đời mình để đấu tranh ôn hoà và bất bạo động, đòi công lý cho chồng tôi, cho gia đình tôi và cho những người dân thấp cổ bé miệng, trước sự đàn áp của cường quyền. Theo ý tôi, muốn có công lý trước hết phải có tự do và dân chủ, cho nên đấu tranh đòi công lý nghĩa là đấu tranh đòi tự do dân chủ. Công việc trước mắt là tôi sẽ đấu tranh đòi lại nhà cửa, đất đai của mình và quan trọng nhất là tôi phải đòi lại bức tranh “nữ thần công lý” của chồng tôi. Đây là một tác phẩm nghệ thuật, là di vật của chồng tôi, và là tài sản của gia đình tôi, họ phải trả lại vô điều kiện.”

Tối hôm đó, chúng tôi được ngủ bên má, cu tí một bên, tôi một bên. Một lát sau, cu tí đã ngủ say. Tôi kể cho má nghe chuyện nhà sau khi má đi tù, kể chi tiết về bức tranh “Nữ Thần Công Lý” và chuyện về chú Hùng… Tôi nói hai tay ôm mặt má:
- Má là hiện thân của nữ thần công lý đó má.

Má cười buồn, giọt nước mắt nóng hổi chảy qua bàn tay tôi.(Kết)

© 2008 www.danchimviet.com

No comments: