Thursday, November 13, 2008

NỮ THẦN CÔNG LÝ (Phần 2)

Nữ thần Công Lý (2)
Huỳnh Ngọc Tuấn
30-9-2008
http://danchimviet.com/articles/464/1/N-thn-Cong-Ly-1/TrangPage1.html

Chỉ hơn một tháng trôi qua mà tôi đã học được rất nhiều. Tôi cảm thấy trường đời cũng quí giá. Nhiều lần ngoại nhắc nhở: ”Sống phải vì người khác - phải biết quan tâm và hi sinh vì người khác, trước hết là người thân trong gia đình, rồi đến bạn bè đồng nghiệp và những người chung quanh. Cái tôi là nguyên nhân của mọi bất hạnh và bi kịch. Khi cái tôi bớt tạo tác thì con người sẽ hạnh phúc hơn. Trong quan hệ giữa người và người, ngoài lòng nhân ái, chữ tín là quan trọng nhất, “bất tín bất thành lập”. Có lần ngoại nhận mang trái cây đến cho một nhà hàng, khi ngoại nhận lời thì giá thấp, buổi chiều giá tăng vọt. Ngoại bảo tôi giao hàng đúng hẹn và giữ giá như đã hứa. Tôi hơi xót xa vì bán cả ngày chưa chắc bù lỗ nổi. Bây giờ cuộc sống khó khăn: những gian hàng bên cạnh, trước mặt ế ẩm, nhưng hàng của ngoại vẫn có khách.

Có một cụ bà vẫn thường ghé lại và trò chuyện rất lâu. Bà cụ cũng là người Bắc di cư. Khi nghe hai cụ nói chuyện, tôi cảm nhận như nghe mấy cụ người Hà Nội nói chuyện trên TV. Tôi rất thích cái giọng Bắc Kỳ đó. Cách ứng xử của các cụ lịch lãm tế nhị, thân mật nhưng không suồng sã. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp bà cụ, tôi cúi đầu chào. Bà cụ nhìn, đôi mắt long lanh hiền từ, nụ cười rộng mở. Bà vuốt nhẹ tóc tôi:
- Con bé này là con cái Thanh phải không?

Ngoại trả lời:
- Vâng ạ! Cháu tên Thảo. Ngoại quay sang tôi, tôi hiểu ý, vòng tay cúi đầu chào cụ một lần nữa. Bà cụ tỏ ý hài lòng. Khi ngoạïi cắt trái hồng ngon nhất mời bà, bà nhận miếng hồng từ tay ngoại và nhỏ nhẹ:
- Bà cho tôi xin.

Tôi thấy họ khách sáo nhưng phải công nhận họ rất trang trọng. Các cụ đối với nhau rất thân tình nhưng cũng tương kính. Lâu rồi, tôi thấy thích cái cách ứng xử như vậy. Lúc trước, có lần tôi hỏi má sao không nói giọng Bắc Kỳ như ngoại. Nó rất hay vừa chuẩn vừa đầy biểu cảm. Má chỉ cười:

- Má sinh ra ở đất Nam Trung bộ, uống nước và hít thở không khí Nam Trung bộ đã quen rồi. Mỗi miền đất có cái hồn, cái tinh anh của nó. Rồi má kể những câu chuyện vừa vui vừa cay đắng. Đó là thời điểm sau năm 1975, Việt Nam Cộng Hoà đã thất thủ, những người lính miền Bắc tràn vào. Ở đâu, chổ nào cũng thấy người miền Bắc, họ mang dép râu, đội nón cối, đeo xách vải. Tâm trạng của người miền Nam lúc đó là tâm trạng của người thất bại. Cuộc sống của họ từ chỗ tự do sang đời sống vừa cơ cực vừa bị khống chế, đi đâu, ở đâu phải xin phép báo cáo, hộ khẩu lúc nào cũng là một nỗi ám ảnh; cái tâm trạng của người bị mất nước, mất chủ quyền. Cuộc sống tự do nhường chỗ cho một cuộc sống bị kiểm soát nghiêm ngặt mọi lĩnh vực. Rồi tiếp theo là sự thiếu đói. Người ta bán hết những gì có được từ thời Việt Nam Cộng Hoà: từ chiếc máy quạt, cái tủ lạnh, TV, xe máy rồi đến giường, tủ, bát đĩa, quần áo. Nhưng vàng thì người ta giữ lại để trả cho những chuyến vượt biển đầy gian nan và nguy hiểm, để thoát khỏi cuộc sống bị kiểm soát từ mọi ngả, thoát khỏi cường quyền hung bạo, họ bất chấp để ra đi tìm tự do dù phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Kể từ đó người miền Bắc đối với họ như một hung thần. Thời gian đó là những năm 1980, người ta đi buôn trầm và quế từ Quảng Nam-Quảng Ngãi vào Sài Gòn. Ngoại cũng thử thời vận của mình vì chẳng biết làm gì. Ngoại mon men ra Quảng Nam ở nhờ nhà một người quen. Buổi chiều, ngoại lần ra khắp xóm nhỏ của cái thị xã Tam Kỳ nào đó để tìm mối lấy hàng. Đi đến đâu, khi nghe ngoại nói giọng Bắc Kỳ thái độ của họ trở nên lạnh lùng, khắc nghiệt, một số hơi sợ hãi, một số khác đối xử với ngoại thô lỗ, thù địch. Ngoại đến nhà hỏi mua hàng, họ trả lời không có, nước họ không mời, thậm chí không mời ngồi, ai cũng nói cộc lốc thậm chí như muốn đuổi cụ đi. Cụ vô cùng thất vọng, thui thủi về nhà kể hết mọi chuyện cho người chủ nhà nghe.

Anh ta ”à“ lên một tiếng:
- Hiểu rồi! Hiểu rồi, họ tưởng chị là Việt Cộng. Được rồi, để tôi đi và nói cho họ biết. Tối hôm đó ông chủ nhà và ngoại cùng đi. Đến nhà người đàn ông đầu xóm, người có thái độ kỳ thị nhất, mà hình như ông ta có uy tín nhất xóm, được mọi người kính trọng. Khi ông chủ nhà nói:
- Bà này là Bắc Kỳ 54, chứ không phải là Bắc Kỳ 75 mô, không phải là Việt Cộng mô.

Mặt ông ta giãn ra, từ chỗ khó đăm đăm và hằn học, ông ta cười thật tươi, giọng ông ta trầm xuống vừa đủ nghe:
- Trời ơi, răng bà chị không “núa”, tôi tưởng tụi Bắc Kỳ 75.

Ông ta sai người nhà bắt gà làm thịt đãi cụ. Việc mua bán trở nên dễ dàng thuận lợi. Những lần sau, người nào ở đó cũng niềm nở với cụ, họ giành nhau mời cụ đến ăn cơm và ở lại nhà họ.

Má cười, nói thêm:
- Thời điểm đó má cũng ghét ai nói giọng miền Bắc, trừ ngoại con ra.

Thêm một tháng nữa trôi qua, một tháng với những buổi chiều xót xa, nhìn những tà áo nữ sinh đi qua, lòng vẫn vương vấn, bịn rịn, nhớ nhung trường lớp. Những khuôn mặt thân quen, lớp học rộn ràng tiếng cười, những trò tinh nghịch, sân trường rộng, mấy cây xà cừ cao vút sần sùi, tán lá xoà rộng, cả một thế giới mênh mông của mấy chú chim sâu, chim sẻ. Chiều nay, cũng vậy, sao mà nhiều gió thế; gió uốn cong những cánh phượng ven đường, gió trút từng đám lá vàng hất tung lên trời rồi thả chùng xuống ở những thửa ruộng vừa gặt xong; gió cuốn từng đám bụi hắt vào người đi đường làm họ cuống quýt né tránh; gió hất tung những tà áo trắng thướt tha để lộ những đường cong duyên dáng, làm mấy cô gái thẹn thùng, bối rối và cũng làm mấy chàng trai ngẩn ngơ. Lòng tôi lại thấy buồn mênh mông.

Chiều nay, bà cụ ấy lại đến. Ngoại giao cho tôi bán hàng, tôi đã thành thạo với công việc rồi. Như thường lệ cụ vẫn nhìn tôi và khen:
- Con bé đẹp quá!

Hai cụ say sưa nói chuyện như mọi lần. Nhưng hôm nay họ ngồi gần nhau hơn, nói nhỏ hơn và thỉnh thoảng bà cụ lại nhìn xung quanh như dò xét ai đó. Khi vắng khách, tôi ngồi ghé bên ngoại để nghe.
- Đức Đệ Tứ Tăng Thống và hoà thượng viện trưởng viện Hoá Đạo - Thích Quảng Độ quyết định cho thành lập 8 ban đại diện của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở 8 tỉnh.

Tôi chưa hiểu gì. Đối với một cô bé như tôi, tôi chưa bao giờ nghe nói những điều này. Các cụ nói về sự đấu tranh của ai đó về quyền phục hoạt giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và sự quản chế nghiêm ngặt với hai vị hoà thượng Huyền Quang và Quảng Độ. Với vẻ mặt rạng rỡ và thành kính, bà cụ hỏi ngoại:
- Bà thấy ngài Quảng Độ chưa?
- Chưa!
- Với chòm râu trắng phau, đôi mắt hiền từ nhưng quắt thướt, vầng trán rộng, dáng người cao lớn, ngài trông như một tiên ông ấy, uy nghiêm lắm bà ạ. Theo tôi, chỉ có những người đại căn cơ và nghiêm giữ giới luật mới có được cái phong thái uy nghi ấy. Hôm nào bà đến nhà, tôi cho bà xem ảnh của ngài nhé.

Ngoại có vẻ sốt ruột sau những gì mới được biết :
- Được, tối nay tôi sẽ đến chỗ bà.

Rồi họ nói về tình hình giáo hội hiện nay, tức giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tôi nghe loáng thoáng gì là: giáo hội quốc doanh. Bà nói với vẻ chán ngán pha một chút phẫn nộ và khinh bỉ:
- Đã lâu rồi, tôi không đi chùa lễ Phật. Mỗi lần đến chùa, thấy sinh hoạt của các tăng sư là tôi buồn kinh khủng. Thất vọng quá bà ạ.

Còn những gì tôi nghe bà ta nói thì khủng khiếp hơn nhiều: tăng sư uống rượu, ăn thịt, hát karaoke, đeo đồng hồ đắt tiền, đi xe máy vùn vụt ngoài đường như những người phàm tục, còn kiêu ngạo vênh váo tưởng đâu như Phật tử phải tất yếu tôn kính họ, bất chấp họ như thế nào, có xứng đáng hay không!

Từ ngày nhà và khu vườn bị cưỡng chiếm, đến nay đã hơn hai tháng. Ba đã có một công việc mới. Không còn có cơ hội để chăm sóc những vườn cây, tạo hình những bonsai thật đẹp, ba quyết định đến làm công cho một gallery, thời gian rỗi, ba vẽ ở nhà. Một bức tranh đang vẽ dở dang, ba đang tái hiện lại khu vườn và ngôi nhà đã mất. Những nét phát thảo căn bản đã hoàn thành: ngôi nhà, khu vườn, những hàng cây, từng vạt cỏ, non bộ, tất cả như được sống lại trong bức vẽ hoành tráng. Bức tranh rộng 2m, dài 3m chiếm cả một phần bức tường của ngoại. Gian nhà trước của ngoại bày biện ngổn ngang những khung vải, hộp màu, sơn, giá vẽ đủ kích cỡ. Cái bề bộn và hơi lộn xộn thể hiện một phần tính cách của ba. Ba làm việc có vẻ cẩu thả, không theo một nguyên tắc hay trình tự nào, tất cả đều là cảm hứng. Ba không phải là một nghệ sĩ lớn, một tài năng lớn, nhưng ba là một con người đa cảm và đầy sáng tạo. Với những gì ba có, cũng đủ tạo cho ba và gia đình cuộc sống an ổn. Nhưng không phải lúc nào cuộc đời cũng công bằng với bất cứ ai. Với ba những gì xảy ra thật bất công và nghiệt ngã. Ba đang cố tạo dựng lại sự quân bình cho mình. Đến hôm nay, tôi mới an tâm một chút vì mọi việc đang đi vào ổn định. Ba là một người yếu đuối, không như má, một người phụ nữ với cá tính mạnh mẽ - cương quyết và đầy bản lĩnh. Trong gia đình này, má là người lãnh đạo. Thấy ba bớt rầu rĩ, làm việc đều đặn và cũng đã cười trở lại, tuy rất hiếm hoi. Rất nhiều lần ba đứng trước chân dung của má được căng trên giá vẽ, dáng ngẫn ngơ. Ba lúc nào cũng vẽ về má. Có đến hàng chục bức vẽ : má bán hàng, má giặc quần áo, má và mùa xuân, má trong trang phục cổ truyền. Tất cả, dù đang dang dở, hay đã hoàn thành đều rất tuyệt. Có một bức tranh ba vẽ về má trong một tư thế ngồi duỗi dài chân trên cát biển mênh mông, trông má như thần Vệ Nữ trong bộ bikini. Tôi thích bức tranh này nhất, nó sống động lạ kỳ.

Nhưng trong số đó có một bức tranh lớn khổ 1x1m4 bằng đá ghép. Hàng ngàn viên đá đủ màu được ghép lại bằng một kỷ thuật tinh vi, ảo diệu. Trong tranh má được ba thể hiện như một vị nữ thần, tay cầm bảo kiếm giơ cao, thanh kiếm rực sáng, nó như được nung kết bằng hào quang, một tay chỉ về phía trước vị nữ thần ấy choàng tấm voan màu đỏ nhạt, lồ lộ một thân hình tuyệt mỹ.Tôi nhận ra má vì mái tóc gợn sóng, đôi mắt to, cái cổ cao ba ngấn, lông mày vòng nguyệt, miệng trái tim gợi cảm. Tất cả là má, hoá thân trong vị nữ thần, đôi mắt ấy rực lửa giận dữ, tay chỉ về phía trước, một lũ người đầu trâu mặt ngựa hoảng hốt trước sự uy nghi của vẻ đẹp và sự can đảm. Tuy chỉ là một cô bé nhưng tôi vẫn hiểu ba muốn nói gì qua bức tranh đó, có điều tôi hơi ngạc nhiên bởi cái ý tưởng và tài năng của ba. Thoáng nhìn người ta tưởng đó là tranh của thời kỳ Phục Hưng hay là tranh của Thổ nhĩ kỳ thời cổ đại (không phải nhầm vì bức tranh được tạo bởi những chất liệu đặc trưng, mà vì nội dung của bức tranh đó, vì sự trang trọng quí phái của cách thể hiện, vì hình ảnh như được lấy ra từ những câu chuyện thần thoại Hy Lạp). Nhưng chỉ khác là nó được tạo dựng từ cái tinh hoa và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Trông ba bây giờ bận rộn và hài lòng giữa không gian bề bộn những tranh, những biển hiệu, chân dung của khách. Sự ủ dột đã vơi đi khá nhiều. Chỉ có những ai tinh ý mới nhận ra được sự u hoài được dấu kín đâu đó trong đôi mắt của ba tôi.

Tôi hỏi ba :
- Tại sao từ trước đến giờ ba không vẽ, nếu ba vẽ, bây giờ ba đã là một hoạ sĩ nổi tiếng rồi.

Ba mỉm cười lau tay vào một miếng vải vụn (những miếng vãi vụn rơi đầy trong phòng):
- Trước đây, khi còn trẻ ba cũng có vẽ một chút, nhưng thất bại, với lại thời ấy phải kiếm sống, ít có người sống bằng nghề này được.

Ba vuốt nhẹ tóc tôi:
- Bây giờ thì ba vẽ rồi đây, con thấy thế nào?
- Tuyệt lắm ba ạ. Tôi chỉ bức tranh “nữ thần”.

Ba gật gù :
- Ba cũng thích nhất bức đó. Tâm huyết của ba một đời thể hiện ở đó, và ba rất hài lòng. Người xưa nói: “cùng tất biến, biến tất thông”, đúng như vậy, cái gì đến nó sẽ đến.

Tối hôm đó, tôi đưa ngoại đến nhà cụ bạn. Căn nhà sang trọng, bày trí những đồ dùng đắt tiền, gia đình cụ hầu hết ở Mỹ, chỉ có người con trai út ở nhà. Theo lời bà cụ kể, 1980 khi thấy không thể sống nổi với cái xã hội nghiệt ngã này, cụ quyết định cho các con vượt biển. Hai con trai lớn cùng cô con gái xuống tàu. Thời đó, ra đi nhưng hi vọng đến bến bờ tự do là rất mong manh. Biết bao gia đình vĩnh viễn nằm ở biển khơi, bao nhiêu gia đình tan nát khi bị bắt, lúc đó phải quyết định giữa sự sống và cái chết. Cụ tính nếu có mệnh hệ gì thì cậu con út sẽ là người nối dõi. Dù sao cũng phải giữ gìn cái nguồn mạch của tổ phụ. Gia đình cụ trong nửa thế kỉ đã trải qua hai cuộc di tản, nhưng lần ra đi thứ hai này khủng khiếp hơn nhiều, gia đình cụ là những người may mắn.

Cuộc sống của cụ bây giờ sung túc, đã một vài lần cụ sang Mỹ thăm con cháu. Cụ kể về nước Mỹ và cuộc sống của gia đình cụ bên đó trong những lần đến thăm ngoại: hai người cháu lớn đã có bằng tiến sĩ, còn mấy người kia còn đang học đại học. Tôi thấy cụ thật là hạnh phúc, nhưng tôi biết cái giá của tự do, hạnh phúc cũng ghê gớm lắm.

Tôi vòng tay chào chú. Chú út còn trẻ, khoảng ba mươi tuổi, đẹp trai, đã có vợ và một cháu bé lên hai. Tôi nhận thấy một chút sững sờ nơi đôi mắt chú. Tôi cảm thấy vui thích vì đã làm cho ông chú bị choáng ngợp nhưng cũng tự nhắc nhở mình:”Đừng có vớ vẩn”.

Bà cụ mời chúng tôi vào phòng khách, rót nước trà, và nói dăm ba câu giới thiệu xã giao. Bà ngoại đưa mắt nhìn bà cụ nôn nóng. Bà cụ hiểu ý bảo cậu con trai mở computer, vào trang web của RFA cho bà xem hình thầy Quảng Độ. Tôi cũng biết sử dụng một chút, nhiều lần theo mấy nhỏ bạn vào dịch vụ internet để “chat “.

Hai tiếng đồng hồ trôi qua, bà ngoại xem hình và nghe được tin, ngoại như bị thôi miên trước máy móc kỳ lạ này. Trên đường về, ngoại quyết định mua máy computer, tôi cũng có ý định đó từ lâu, nhưng chưa thực hiện vì bao nhiêu sự biến xảy ra phá tung mọi thứ.

Tôi lên giường, nằm duỗi dài, hai tay dang rộng và cho phép mình mơ mộng một chút. Tôi nhớ lại nụ cười và cử chỉ vụng về của ông chú khi nhìn thấy tôi. Tôi thấy vui vui khi mình được ngưỡng mộ. Việc hớp hồn ông chú tối nay lại được thêm vào chiến tích của tôi. Số chiến tích không nhỏ khi bước qua tuổi 16.

Đã hơn bốn tháng rồi, hôm nay người ta mới cho phép gia đình tôi gặp má. Cả đêm cứ trằn trọc mong đến sáng. Bà ngoại chuẩn bị rất nhiều thức ăn cho má, tuy ngoại biết những đồ này không thể dùng hết. Mãi đến gần sáng, tôi mới thiếp đi. Trong giấc mơ, thấy má đi chợ về, vẫn ngôi nhà, vẫn khu vườn cũ, với tán cây xanh um và con đường nhỏ dẫn vào nhà hai bên xanh mượt những hoa và cỏ. Má thật đẹp trong bộ cánh rất hợp thời trang, những lộn tóc bỏ rơi xuống lưng, môi son màu cánh sen kiêu hãnh.

Sáng ra thấy lo sợ vẩn vơ. Người ta nói gặp người thân đang ở xa trong giấc mơ là không tốt, chắc chắn họ đang gặp chuyện chẳng lành, liền hỏi ngoại, ngoại cười:
- Vớ vẩn.Đó là mê tín dị đoan. Người Phật tử tin vào nghiệp. Giấc mơ chỉ là mộng ảo, nó không thật, mình nghĩ gì thì sẽ mơ thấy.

Ngoại đến trình giấy tờ thăm nuôi cho cán bộ, và cả nhà đến phòng dành cho khách. Bàn tiếp khách là một tấm bêtông dài, bẩn thỉu vì không có ai lau chùi, quét dọn. Ghế cũng bẩn thỉu, đen xỉn vì mồ hôi của biết bao nhiêu người đã ngồi, không biết những thứ chết tiệt này có ở đây từ bao giờ, chắc là lâu lắm. Tôi cảm thấy bất an khi ngồi lên đó, nhưng không sao, cứ liều một phen rồi về nhà tắm rửa. Hơn một tiếng đồng hồ người ta mới dẫn má ra, một cán bộ nữ công an đi với nhiều phụ nữ. Từ xa tôi đã nhận ra má, tôi đứng lên định chạy ra đón má. Người cán bộ ở chiếc bàn kê gần đó cảnh cáo tôi:
- Ngồi ở đó và giữ trật tự, ai vi phạm sẽ bị đuổi ra ngay.

Nhìn khổ người to lùn, đen đủi của ông ta, và khuôn mặt hơi bị phù như nặn bằng sáp, nó lạnh lùng và nghiệt ngã, tôi hơi ớn; biết là ông ta không nói chơi, nên ngồi im thin thít. Cu tí có vẻ sợ hãi, nó ngồi sát vào ba như để được che chở. Ba thì bồn chồn và hơi buồn, chỉ có ngoại là bình thản. Bà nhìn quanh phòng, có rất nhiều người đang chờ gặp mặt người thân, đa phần họ buồn rầu thấp thỏm; có người mắt đỏ hoe vì khóc. Những đứa bé con thì rụt rè sợ hãi, chúng nó nép vào người lớn, không dám nói một lời. Cái không khí ở đây, nó không giống bất cứ một nơi nào, nó thuộc về một thế giới khác, một thế giới mà con người hoàn toàn bất lực và đau khổ, có cái gì đó như đe doạ làm người ta khiếp sợ. Má bước vào, chúng tôi ôm chầm lấy má. Cu tí khóc không ra tiếng - cái ấm ức từ trong lồng ngực nó bật lên thành từng tiếng u uất và đứt khoảng, thỉnh thoảng nó lại kêu: ”Má, má ơi”. Tôi hiểu nó muốn gì, nó muốn má về với nó nhưng nó biết đây là điều không thể nên cứ ấm ức như vậy. Cử chỉ nó cuống quít, má hôn nó thật nhiều, ôm nó thật chặt, một tay má quàng vào người tôi. Tôi hôn má thật nhanh, thật nhiều vì tôi biết thời gian không có nhiều cho chúng tôi.

Người cán bộ lạnh lùng ra lệnh:
- Thôi, chị kia về chỗ ngồi.

Má từ từ thả chúng tôi ra và từ từ về phía bên kia, ngồi đối diện. Nhìn chung quanh, tôi thấy nhiều cảnh tượng như vậy. Mọi người miễn cưỡng ngồi vào chỗ qui định. Tiếng khóc rấm rức, tức tưởi, uất nghẹn. Căn phòng này đầy nước mắt, và thật kinh hoàng. Chúng tôi hỏi thăm sức khoẻ của nhau và dặn dò đủ thứ. Tôi nhìn nước da má xanh xao và đầy những vết ghẻ. Bàn tay búp măng xinh đẹp của má cũng còn những vết lở chưa lành. Tôi nghe người ta nói nhiều về nhà tù, nhưng tôi vẫn hỏi má:
- Trong đó thế nào hả má?

Má nhăn mặt:
- Khủng khiếp, chật chội, nóng và bẩn thỉu, một ổ vi trùng, thiếu không khí và ánh sáng, thiếu nước, không có gì cả, chật như nêm không có chỗ cựa. Mỗi người chỉ có 2 lít nước uống mỗi ngày, 3 ngày mới được tắm một lần, áo quần lâu lắm mới được giặt. Còn nước thì kinh khủng, hình như người ta bơm lên từ một cái ao nào đó, đục ngầu bùn, có khi nước xanh và hôi thối.

Ba bàn bạc với má về chuyện thuê luật sư, má cương quyết gạt đi.
- Em sẽ tự bào chữa cho mình, thuê luật sư chỉ tốn tiền vô ích. Họ chẳng có chút quyền nào, chẳng có tư cách và bản lĩnh, chỉ là một bọn nói vuốt đuôi. Anh còn lạ gì cái chính quyền này, tất cả mọi bản án đều đuợc quyết định trước khi ra toà; xét xử trước toà chỉ là một trò hề công lý. Bà ngoại gật gù với vẻ đồng tình với má.

Ba mươi phút trôi qua thật nhanh, người cán bộ đứng lên ra lệnh:
- Đã hết giờ gặp mặt.

Tôi giật mình nhìn đồng hồ, tự hỏi: cái gì thế này, bốn tháng trời mà chỉ được gặp một tí hay sao? Không thể chấp nhận được, thật tàn ác quá. Má ôm tôi và cu tí vào lòng hôn lấy hôn để như không bao giờ được hôn chúng tôi nữa.

Chúng tôi lại khóc, bà ngoại dặn dò má:
- Con nhớ giữ gìn sức khoẻ, việc ở nhà đã có mẹ, con mang cái này vào dùng và chia cho những người thiếu may mắn.

Má rất vững vàng nhưng khi biết tôi nghỉ học, má khóc, và hôn tôi thật dài.

Chúng tôi nhìn theo khi má đi khuất thật xa, cu tí chạy theo một đoạn khi không còn nhìn thấy má nữa, nó đứng sững người. Bà ngoại bế nó vào lòng. Nó khóc thật lớn, tiếng khóc não lòng khiến tôi không chịu được.

Ngày mở phiên toà xử má và bà Bách cũng đã đến. Cả tuần trước phiên toà, trên những phương tiện thông tin đại chúng như: TV, đài phát thanh, cái loa của phường, người ta nói nhiều về vụ này. Chính quyền họ coi đây là phiên xử điển hình, họ muốn dùng phiên toà này để răn đe những ai có ý định hoặc dám đấu tranh để bảo vệ tài sản, quyền lợi của mình. Họ dùng luật pháp như một phương tiện, đánh phủ đầu, dập tắt ngay từ trứng nước ý chí của người dân, để không còn ai dám lên tiếng.

Phiên toà chật ních những người, chỉ có hai chiếc ghế dành cho người thân của bị cáo. Ba và bà ngoại ngồi ở đó. Tôi và cu tí cùng các cô chú, ngồi xen lẫn trong đám đông dân chúng đến dự khán phiên toà. Tôi nhận ra rất nhiều người quen và bạn bè của má, cả bà cụ Cẩn (bạn của ngoại) nữa. Phiên toà đi qua những thủ tục như các phiên toà khác: Viện kiểm sát đọc cáo trạng sau đó là phần thẩm vấn. Má kiên quyết bác bỏ những câu hỏi với ý đồ dẫn dắt và chứng minh của hội đồng xét xử rằng má chống người thi hành công vụ.

Má bình thản và cương quyết nói:
- Một lần nữa tôi xin minh định trước toà và công luận rằng: tôi chỉ bảo vệ tài sản và quyền lợi chính đáng của mình. Việc chính quyền cưỡng chế, thu đất, phá nhà của tôi là vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền sở hữu tài sản và quyền an cư lạc nghiệp. Còn việc dùng phiên toà này để trấn áp dân là vi phạm nhân quyền, vi phạm hiến pháp.
Mọi người dự khám phiên toà ồ lên tán thưởng. Tôi nghe đâu đó chung quanh chỗ tôi ngồi nhiều người nói:
- Đúng rồi, hay lắm, bản lĩnh thật.

Còn hội đồng xét xử thì ngẩn người ra, vì họ không ngờ một người phụ nữ cô thế lại dám tố cáo họ vi phạm nhân quyền. Đây là điều tối kỵ với họ. Người chủ toạ phiên toà mặt tái mét vì giận dữ,ông ta đập tay xuống bàn:
- Câm ngay, đây là luận điệu của kẻ thù địch, tuyên truyền diễn biến hoà bình ở phiên toà này hả? Luật pháp nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ nghiêm trị những ai chống lại chính sách của Đảng và Nhà nước. Riêng đối tượng này, Nguyễn Thị Thanh - ông ta chỉ tay về phía má giận dữ - toà sẽ nghiêm trị. Thứ nhất: chống chính sách của Đảng và nhà nước. Thứ hai: chống người thi hành công vụ. Thứ ba: có luận điệu thù địch và âm mưu diễn biến hoà bình. Hành vi của Nguyễn Thị Thanh là côn đồ, hung hãn; thái độ ngoan cố và âm mưu thâm độc.

Phiên toà tạm dừng để nghị án. Tất cả mọi việc đều diễn ra vội vàng, cẩu thả. Mọi người tuy sợ hãi về những lời đe doạ hung hăng của tên chánh án và số lượng công an mặc thường phục, sắc phục đông hơn số người dự khán, vẫn còn ai đó lên tiếng giữa đám đông:
- Còn gì là công lý.Người ta đưa má vào một căn phòng bên cạnh không cho chúng tôi gặp má, cho dù ngoại cương quyết đòi hỏi họ vẫn từ chối. Mười phút sau, hội đồng xét xử lại lục tục kéo ra, họ có vẻ bối rối và bất ngờ. Công an đưa má ra đứng trước vành móng ngựa. Ông chánh án đọc vội vàng một bản văn viết sẵn với những lời lẽ kết tội hằn học và cay cú. Sau đó, ông ta tuyên bố:
- Nhân danh nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, toà tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh tội chống người thi hành công vụ 3 năm tù giam.

Tôi choáng váng tự hỏi: sao lại 3 năm, chưa kịp định thần, tôi thấy công an đến còng tay má đưa ra xe. Chúng tôi chạy theo, cu tí khóc rất to. Họ ngăn chúng tôi lại không cho đến gần má. Tôi thấy chung quanh toàn là công an với dùi cui điện trên tay; bên ngoài, xe cứu thương, xe chữa lửa, xe cảnh sát 113 trong tư thế sẵn sàng hành động. Tôi thấy vô cùng sợ hãi. Để ứng phó với một người phụ nữ và một nhóm nhỏ đồng bào mà họ huy động cả một lực lượng hùng hậu trang bị tận ”răng”. Tài nguyên quốc gia và tiền thuế của dân được dùng như vậy sao? Khi chiếc xe bịt bùng chở má đi khuất, tôi bế cu tí vì nó khóc nhiều quá nên kiệt sức, và có lẽ nó hi vọng được gặp má lần này nhưng không toại nguyện, nó lả đi trong tay tôi… Còn ba như người mất hồn. Cô út và chú Năm dìu ba ra xe đưa về.

Đến nhà, cu tí đã ngủ vì quá mệt, ba cũng bình tĩnh trở lại, tôi chưa bao giờ thấy thần sắc của ông như vậy. Mặt ông tái nhợt nhưng đôi mắt thì căm phẫn:
- Một trò hề. Luật pháp gì quái lạ thế. Bọn này mất hết tính người rồi.

Bà ngoại bình thản:
- Tôi đã biết trước khả năng này rồi. Họ sẽ phải trả giá cho việc làm này.

Một tuần sau, tôi được gặp má. Chúng tôi ngồi đối diện với má. Cu tí, vì nó khóc ri rỉ, nên nó được ngồi trong lòng má. Bây giờ thì nó hài lòng. Đôi tay bé tí và đầy đặn của nó vuốt lên tóc má, trên mặt, trên cổ, trên tay, và cả đôi tay lấm tấm những vết ghẻ mới lành của má. Nó hôn lên tất cả những chỗ đó với những nụ hôn trìu mến yêu thương.

- Có làm đơn kháng cáo không em? Ba tôi nói.

Má cầm tay ba vuốt nhè nhẹ. Nụ cười và ánh mắt trìu mến:
- Anh thật ngây thơ. Kháng cáo cái toà án kanguru này ư ? Em có cách khác.

Má quay sang phía ngoại, giọng nói thì thầm, và nhìn quanh - nhìn phía người cán bộ đang hút thuốc và quan sát những người trong phòng.
- Má nên liên hệ những đài phát thanh ở nước ngoài, xin được trợ giúp. RFA chẳng hạng, má hiểu không?

Ngoại cười, nụ cười tâm đắt và trách yêu má:
- Cái chị này, đừng có mà trứng khôn hơn vịt. Tôi đã tính trước chị rồi.

Tôi chỉ hiểu mơ hồ, còn ba thì không hiểu gì hết, quay sang hỏi ngoại:
- Như vậy thì vợ con phải ở ba năm tù oan ức sao mẹ?

Ngoại nhìn ba ái ngại:
- Tôi đã có dự kiến. Chúng ta có thể hi vọng, nhưng anh thử hỏi mình có thể “con kiến kiện củ khoai” được không? Phải chấp nhận gian khổ, đấu tranh buộc họ phải huỷ bỏ bản án phi lí này.

Rồi má kể những chuyện trong tù, có nhiều chuyện tôi không thể tin và tưởng tượng nổi. Theo lời má kể: đêm qua có một người phụ nữ cùng phòng với má, cô ấy tên Khánh, bị bắt vì một tội vớ vẩn nào đó. Nghe đâu cô ấy bắt trộm mấy con vịt. Nửa đêm, chị ta kêu đau bụng. Chị em trong phòng gọi cấp cứu, gọi hoài chẳng thấy. Chị Phụng - người to như hộ pháp, dùng đầu gối to tướng của mình thúc vào cánh cửa sắt; tiếng cửa sắt bị thúc dội lại trong phòng kín nghe đinh tai nhứt óc; và tiếng kêu cứu liên tục không ngớt. Có một anh cán bộ vác súng dài đến, giọng hách dịch:
- Gì mà loạn lên thế!

Chị buồng trưởng báo cho anh ta biết có người ốm nặng, yêu cầu cấp cứu. Anh ta lạnh lùng:
- Đợi đấy.

Cả phòng chờ đợi. Mười lăm phút trôi qua. Rồi một giờ trôi qua. Người bệnh rên rỉ, hy vọng mong manh dần. Tiếng gà gáy báo trời gần sáng, rồi bốn giờ năm giờ trôi qua, chẳng có một ai đến. Sáng ra, cán bộ mở cửa thì chị ấy đã chết cứng trong tư thế co quắp rồi. Như vậy là phải họp cả phòng lại để làm biên bản. Một đoàn cán bộ của trại và đại diện phạm nhân, có một vài người được gọi ra để gặp cán bộ trước khi phiên họp xảy ra. Trong phiên họp, những người đó xác nhận là không bị ai đánh đập hoặc tra tấn, chị đựơc cán bộ cấp cứu kịp thời và tận tình chăm sóc, nhưng bệnh quá nặng và khẩn cấp nên chị qua đời. Nghe hết câu chuyện, tôi đâm hoảng nhìn má. Tôi nói giọng đầy nước mắt:
- Phải cẩn thận nghe má, con sợ lắm.

Bà ngoại nói:
- Tử sinh hữu mệnh. Có gì phải sợ, càng sợ tình hình càng tồi tệ.

Tranh của ba bán được bức đầu tiên. Chú Hùng bạn thân của ba là hoạ sĩ, là chủ phòng tranh, nơi ba gửi tranh để bán, đến tìm ba với vẻ hớn hở. Lúc ấy tôi vừa đi chợ về. Chú Hùng người thấp và đậm, nước da hơi đen, râu quai nón biếng cạo đã xanh rậm, chiếc cằm đầy đặn, đôi mắt ốc nhồi, trông chú hơi dữ nhưng khá đẹp trai.
- Ông biết tôi bán bức “nguyện cầu” của ông được bao nhiêu không?

Ba cười lắc đầu, ông đưa cho chú Hùng chiếc ghế mây.
- Năm triệu đồng.

Ba chỉ cười, nhưng trong đôi mắt ba ánh lên niềm vui, chắc không phải vì tiền nhưng có lẽ ba thấy mình còn hữu ích. Từ nay, ba đã tìm thấy lại niềm vui và có thể giúp ích được gia đình một phần. Hôm đó không nấu cơm, cả nhà cùng chú Hùng đi ăn nhà hàng. Ba ăn ít, chỉ gắp thức ăn cho hai chị em chúng tôi, thỉnh thoảng cho bà ngoại và chú Hùng. Chú Hùng uống nhiều bia, hết chai này sang chai khác. Chú Hùng rất sành ăn, chú chê món lẩu dê nấu chưa đúng cách, dê nướng thì khô vì quá chín. Một buổi tối vui thật là vui, đã 6 tháng rồi, hôm nay mới được thoải mái một chút.

Mấy tối liền chú đều đến để coi ba vẽ. Trong phòng có mấy bức tranh còn dang dở. Chú thông báo cho ba biết:
- Có một ông tây già trả bức “nữ thần công lý” của ông 2000 USD.

Tôi la lên, chạy đến ngồi sát bên ba ôm vòng qua người ba - vốn đã gầy, từ ngày má ở tù, ba càng gầy hơn. Tôi thấy thương ba vô cùng.
- Tuyệt quá ba, 2000 USD, hơn 3 mươi triệu đồng Việt Nam đó ba.

Ba quàng tay qua vai tôi nhẹ nhàng:
- Để ba và chú Hùng bàn bạc thêm.

Rồi ba quay sang chú Hùng. Hôm nay, chú rất diện, quần jean, áo trắng ngắn tay, giầy Itali, đồng hồ Rado có đính kim cương.
- Tôi rất quí bức tranh này, nó là đỉnh cao của tôi. Nhưng tôi cần tiền, tôi thấy cũng được.

Chú Hùng khoát tay, miệng cười rất tươi. Hôm nay chú cạo râu sạch sẽ, bảnh bao; nhìn kỹ chiếc cằm đầy đặn và phơn phớt màu xanh rất đẹp.
- Để tôi lo cho, khó khăn thì lấy tiền tôi mà xài rồi trả lại sau. Ông tây già này là tay sành điệu, giá ban đầu là 2000 đô, ông ta sẽ trở lại. Tôi thấy ông ta cứ nấn ná trước bức tranh. Tôi rất cảm tình với ông ta, nhưng ít nhất phải 3000 đô.
- Tuỳ ý ông vậy.

Ba nói với chú Hùng khi tiễn ra sân. Mấy hôm sau, chú Hùng lại đến, vẫn nói về bức tranh, nhưng hôm nay là tin không lành: công an bảo vệ chính trị triệu tập chú và nói là bức tranh “nữ thần công lý” có nội dung xấu, phải huỷ bỏ. Chú đã phản đối kịch liệt, và tranh luận với họ về nghệ thuật.

Chú lắc đầu nói:
- Họ có hiểu gì đâu, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, cái gì cũng “mặt trận tư tưởng”. Tất cả đều áp đặt, khống chế người ta; lúc nào họ cũng độc quyền chân lý.

Ba nói nhỏ nhẹ với chú:
- Hay là mình giấu bức tranh đó đi.

Chú Hùng không nhìn ba, chú lắc đầu:
- Tuỳ ông thôi. Nhưng tôi thấy như vậy thì hèn lắm ông ạ.

Họ ngồi như vậy rất lâu, không ai nói điều gì. Chú Hùng ra về, ra đến sân chú nói:
- Chắc nay mai họ sẽ triệu tập ông đấy.

Vậy là mấy ngày sau đó ba bị công an triệu tập lên phường để làm việc. Họ có rất nhiều người, thay nhau hỏi ba, từ sáng đến trưa, rồi từ hai giờ chiều đến tối. Cứ như thế, họ làm ba phải căng thẳng và kiệt sức. Cuối cùng, ba phải mang tranh đi giấu vì sợ họ tịch thu. Tôi bị sốc. Niềm vui chưa được hưởng thì rắc rối lại xảy ra. Sao bất công quá vậy?

Một hôm, khi cùng ngoại bán hàng, có người đến báo, công an phường xét nhà ngoại. Tôi giao lại hàng cho ngoại, chạy về. Cả người tôi như không có trọng lượng, cứ nhẹ tênh, cái cảm giác xơ cứng - người như bị đóng băng. Về đến nhà ngoại tôi thấy toàn là công an: sắc phục, thường phục, người ta lục tung hết, đồ đạt vứt bừa bãi, giá vẽ bị xô đẩy gãy nát, sơn bột sơn nước vung vãi trên nền, ngoài sân. Ba đang bị một người mặc thường phục chất vấn. Có một đoạn ông ta nói:
- Anh đừng nghĩ chúng tôi là lũ ngốc. Anh muốn nói gì qua bức tranh đó chúng tôi hiểu. Anh ví chúng tôi là lũ đầu trâu mặt ngựa, còn vợ anh là nữ thần công lý.

Ba chỉ nói ngắn gọn:
- Đó là ngôn ngữ nghệ thuật, là hư cấu. Tôi phản đối việc khám xét nhà và thu tranh của tôi, các ông phải chịu trách nhiệm về tất cả việc này.

Ông ta trả lời có vẻ thách thức.
- Tất nhiên rồi, anh cứ kiện.

Tôi đứng sững nhìn cái cảnh ngổn ngang và hãi hùng đó. Lát sau, người ta tìm thấy bức tranh, ba đứng lên lao về phía họ để giành lấy bức tranh, mặt ba tím tái như người sắp chết, phẫn nộ la lớn:
- Đồ ăn cướp.

Một người trong bọn họ kéo ba thật mạnh và đẩy ba về phía bức tường; ba quá yếu nên va đầu vào đó, ngã quỵ. Tôi chỉ kịp nghe tiếng va của đầu ba vào bức tường. Tiếng của thịt xương con người bị va chạm nghe rùng rợn. Tôi chạy về phía ba, đỡ ba lên. Trán ba sưng lên, có một chút máu rỉ ra, nhưng cả người ba mềm nhũn và lạnh ngắt. Bọn họ giải tán rất nhanh cùng với bức tranh, chỉ còn ba con tôi trên nền nhà ngổn ngang. Tôi kêu gào như điên như dại. Những người hàng xóm chạy đến giúp tôi đặt ba lên giường rồi gọi cấp cứu.

Đến phòng cấp cứu, người ta đưa ba vào, mấy người y tá và bác sĩ đến khám cho ba. Họ không nói gì. Người bác sĩ có gương mặt cau có, hỏi:
- Ai là người nhà của bệnh nhân.
- Dạ, cháu…

Tôi chạy đến đứng trước mặt ông ta.
Ông ta mím môi, không biết để làm gì, có thể đây là thói quen của ông, cũng có thể có chuyện nghiêm trọng với sức khoẻ ba tôi.
- Cháu gọi người nhà đến đóng tiền viện phí. Hai triệu đồng, đây là qui định của bệnh viện.

Ông nói rồi quay đi. Tôi chạy theo rầu rĩ như muốn bật khóc.
- Cháu nhờ bác sĩ chăm sóc cho ba cháu, tốn kém bao nhiêu nhà cháu cũng thanh toán đủ.

Ông ta đến ngồi vào bàn, tập trung vào một số giấy tờ để trước mặt. Không nhìn tôi, ông nói:
- Cháu có mang tiền không?
- Cháu vội quá, nhà cháu gần đây…Ông gật đầu:
- Về lấy tiền đến đây.

Tôi biết là có nói gì cũng vô ích. Tôi đã nghe quá nhiều về những việc này. Có trường hợp bệnh nhân không có người nhà, hoặc không có tiền ứng trước thì cứ nằm chờ đó, không ai chăm sóc cả. Tôi quyết định đi gọi cho chú Hùng. Tôi vừa quay ra thì chú Hùng hộc tốc chạy vào, suýt nữa đâm phải tôi. Chú Hùng đến bên giường ba, quan sát một chút rất nhanh, chú đến gặp viên bác sĩ và nói gì đó, rồi lấy ra một xấp bạc 500.000đ. Chú ứng trước cho bệnh viện 5 triệu. Khuôn mặt của ông bác sĩ giãn ra, ông ta tươi cười. Chú Hùng vội vàng chạy đi đâu đó. Chỉ một lát sau, chú trở lại với một vị bác sĩ khác. Ông này to béo quá khổ, đôi mắt tròn xoe hiền từ, đôi bàn tay khá đẹp và mập tròn. Vị bác sĩ này đến khám cho ba rất lâu, rất thận trọng. Ông ta nói với vị bác sĩ kia điều gì đó, rồi ra lệnh cho mấy người y tá, chuyển ba lên xe đẩy đi đâu đó. Tôi định đi theo nhưng họ ngăn lại. Chú Hùng bảo:
- Cháu ở lại đây, họ đưa ba cháu đến khu phía sau bệnh viện.

Ở đó có rất nhiều cây xanh, sạch sẽ. Cái hành lang dài hun hút. Tôi nhìn theo, loay hoay tìm một chỗ để ngồi chờ, thì ngoại đến. Tôi chạy đến ôm ngoại và khóc. Ngoại đưa tôi ra vườn hoa nhỏ gần đó để ngồi chờ chú Hùng. Có chú Hùng thì mọi việc ổn thôi, chú quen rất nhiều người và rất giàu có. Bà không nói thì tôi cũng rõ rồi. Từ khi chú Hùng đến lấy ra một xấp tiền thì mọi việc trôi chảy hết. Tôi kể ngoại nghe diễn tiến sự việc.

Hai mươi phút sau, chú Hùng trở lại, đôi mắt chú Hùng đăm chiêu, vẻ mặt buồn rười rượi. Chú nói ngay:
- Chuẩn bị chụp CT, ngày mai hội chẩn, sẽ có kết quả vào trưa mai, chúng ta chỉ còn biết chờ đợi và cầu nguyện.

Chú vuốt tóc tôi:
- Cháu về với bà đi, mọi việc ở đây đã có chú rồi. Chú đi gặp một số bạn bè ở đây để nhờ họ giúp đỡ.

Chúng tôi ra về. Ngoại bảo:
- Không có chú Hùng thì khó khăn lắm. Thời buổi này, cái gì cũng tiền, người nghèo thì chỉ có chờ chết.

Buổi trưa căn phòng trống trải và vắng lặng quá. Bà ngoại đã mang cu tí theo vì nó cứ khóc ri rỉ, chỉ có ngoại mới dỗ được. Tôi trằn trọc không ngủ được. Những gì xảy ra đối với một cô bé như tôi thật kinh hoàng. Tiếng đầu ba va vào tường rõ mồn một làm tim tôi thắt lại. Nếu tôi va đầu vào tường như vậy, tôi sẽ dễ chịu hơn. Nhưng ở đây, lại là ba - người ba yếu đuối, mảnh khảnh mà tôi vô cùng yêu quí. Tôi không hiểu tại sao tai hoạ cứ ập đến gia đình chúng tôi như vậy? Má ở tù, ba đi bệnh viện. Tôi nghĩ thà đừng làm người thì tốt hơn, làm con chim trên trời bay từ núi này qua rừng nọ, từ bãi sông này cho đến hoang đảo kia, vô tư lự, không buồn chán, thật là tuyệt. ”Kiếp sau xin chớ làm người”. Tôi nhớ lại câu thơ của ai đó.

Tôi đi đến nhà chú Hùng để cùng vào thăm ba. Đã hai giờ chiều rồi, trời cuối thu không còn nắng gắt nữa, màu nắng vàng như tơ. Giá như không có chuyện buồn thì chiều nay tôi sẽ rong chơi một vòng, ghé vào một quán cafe vườn nào đó uống một cốc nước chanh. Cái ước mơ bình thường đó giờ đây cũng khó thực hiện. Sao mà vô lí thế?!…

Phòng tranh của chú Hùng là một căn nhà hai tầng khang trang, bề thế nhất khu phố này. Tôi đã vào đây với ba một vài lần. Một căn phòng rộng treo đầy tranh, mỗi bức tranh có một vị trí của nó, hài hoà trong cái không gian nghệ thuật này. Ngoài tranh của chú Hùng,của ba, còn có rất nhiều tranh của các hoạ sĩ là chỗ bạn bè của chú Hùng. Có rất nhiều tượng, bằng đồng, bằng thạch cao, bằng gỗ, bằng cẩm thạch, cái nào cũng đẹp, cũng tao nhã, nhưng có cái cũng khó hiểu và khô khan. Chị Vân - người hướng dẫn cho khách ở phòng tranh đón tôi, chị nhận ra tôi và hỏi ngay:
- Em tìm chú Hùng phải không?

Tôi “dạ“ rất nhỏ, gần như mất sức. Chị đưa tôi lên lầu vừa đi, vừa nói:
- Chú Hùng đang tiếp một ông tây già đã lâu, chắc bây giờ sắp xong, mình đứng đây chờ.

Từ đây nhìn vào phòng khách, tôi thấy chú Hùng và ông tây già. Tôi nghĩ bụng: ”chắc ông này định mua bức tranh của ba đây”. Tôi thấy buồn và tiếc vô cùng. Chúng tôi bị mất một số tiền lớn, ba bị người ta xô ngã phải nằm viện. Trời ơi là trời! Tôi bất chợt kêu lên khe khẽ. Chị Vân nghe thấy hỏi:
- Em nói gì thế.
- Không, em hơi mệt.

Chú Hùng và ông tây đã đứng lên. Chúng tôi chào họ một cách lễ phép khi họ đi ngang qua chỗ chúng tôi, chú Hùng giới thiệu tôi với ông ấy. Ông đưa tay cho tôi, tôi ruột rè nắm lấy bàn tay to tướng và mềm mại của ông. Ông nói gì đó với chú Hùng, chậm rãi và thân mật. Chú Hùng dịch cho tôi nghe:
- Ông nói ông rất tiếc về những gì đã xảy ra. Ông ta cầu chúc ba cháu mau bình phục. Sang năm, ông ta sẽ trở lại.

Ông ta khoảng 80 tuổi, tóc râu và lông mày đều bạc trắng, đôi kính lão gọng vàng, đôi mắt mờ đục hiền từ. Ông chậm rãi và hơi khập khiễng theo chú Hùng xuống thang lầu. Trông ông ta buồn rầu và thiểu não, không biết ông ta buồn vì không mua được tranh hay ông ta buồn cho ba tôi. Chắc là cả hai.

Chúng tôi đến thăm ba, người ta không cho vào. Phòng ba nằm thật là tiện nghi, sạch sẽ và sang trọng, có cả máy điều hòa nữa. Ba nằm đó, (qua khung cửa kính) đầu của ba được băng bó cẩn thận. Người ta quyết định cho ba thở oxi. Hai cô y tá thỉnh thoảng ra vào xem xét, họ làm việc thận trọng và nhiệt tình. Chú Hùng tìm một chỗ thuận tiện để hút thuốc, một lát sau chú lại đứng bên cạnh tôi để nhìn vào, tay đặt nhẹ lên vai tôi trìu mến như một người cha. Rồi chú ra hiệu cho một cô y tá, cô y tá đến gặp chú, họ trao đổi với nhau điều gì đó. Tôi mãi nhìn ba nên không nghe họ nói gì. Cô y tá đến nói với tôi bằng nụ cười ấm áp trên môi, giọng con gái Huế mượt mà:
- Em về đi học đi, ở đây cũng không làm được việc gì, đã có y tá rồi, em đừng lo.

Chúng tôi ra về. Hành lang bệnh viện dài hun hút và mát rượi. Đây là khu điều trị theo yêu cầu. Tôi nói với chú Hùng:
- Cháu thấy mấy cô y tá cũng thận trọng và tốt bụng đấy chứ. Đâu đến nỗi như người ta nói.

Chú Hùng phá lên cười trước sự ngây ngô của tôi.
- Chú đã đưa trước cho họ mười triệu đồng để lo thuốc men, tiền cho bác sĩ, tiền giường bệnh, tất cả. Kể cả mấy cô y tá tốt bụng kia cũng được trả tiền.

Đến lúc ấy, tôi mới ngớ ra. Như để chứng minh cho lời của chú, chúng tôi gặp trên hành lang một phụ nữ nhà quê, trông bà nghèo nàn và thảm hại, áo quần cũ nát bẩn thỉu. Bà đi lang thang đến khu giàu có này để xin tiền. Trông vẻ mặt đau khổ tôi biết bà không phải là người xấu. Thời buổi này có nhiều người bịa chuyện để ăn xin: nào là con bị tai nạn hay bị bệnh hiểm nghèo v.v.. Bà già đến nói với chúng tôi, con bà bị bệnh nhưng không có tiền để trả viện phí nên phải nhờ sự giúp đỡ của tất cả mọi người. Chú Hùng móc ví lấy cho bà 50.000 bằng sự kính cẩn và thông cảm.

Chú Hùng đưa tôi về, trên đường chú nói:
- Giúp đỡ người nghèo là việc tốt. Nhưng điều quan trọng là tự họ phải hiểu về sự đau khổ của ho tại sao họ đau khổ, và chính họ phải tự cứu mình. Điều đầu tiên là họ phải ý thức được về quyền của họ, và can đảm sử dụng cái quyền đó để mang lại đời sống tốt đẹp cho mình và cho mọi người.

Tôi hoàn toàn không hiểu hết những gì chú Hùng nói. Về đến nhà, tôi lao vào việc dọn dẹp nhà cửa. Tôi không thể chịu đựng nổi nếu không tìm một việc gì đó để làm, không có ai ở đây để tâm sự, để chia sẻ, thời gian chờ đợi thật kinh khủng.

Buổi tối, ba bà cháu tôi ngồi vào bàn ăn; không ai nuốt nổi, thức ăn cứ đóng lại ở cổ, miệng khô khốc, lạc lẽo. Bà ngoại bảo tôi ra sau vườn cắt mấy cành hoa hoè để đặt lên bàn thờ Phật. Chúng tôi cầu nguyện và tụng kinh. Tôi đọc bài kinh cầu an nhưng chẳng hiểu gì, đầu óc trống rỗng. Một đêm nữa lại trôi qua nặng nề.

Buổi sáng, tôi đưa cu tí đến trường rồi ra chợ. Tôi giúp ngoại dọn hàng, bán trái cây, công việc làm cho tôi bớt căng thẳng. Buổi mai cũng trôi qua. Đến trưa, tôi gọi điện cho chú Hùng, để hỏi thăm tình hình của ba. Chú hẹn hai giờ chiều gặp nhau tại bệnh viện, chú sẽ thông báo kết quả và chú xin lỗi vì rất bận. Có thể là chú bận thật nhưng tôi vẫn có cảm giác như chú muốn tránh nói với tôi điều gì đó vào lúc này. Tôi gạt bỏ ý tưởng bi quan đó và tự cảnh báo mình: Thôi, đừng có tự hù doạ mình.

Đúng hai giờ tôi có mặt tại bệnh viện. Chú Hùng đã ở đó. Ngoại hỏi chú:
- Ba mấy cháu thế nào rồi hả anh Hùng?

Chú Hùng buồn thiu, đôi mắt đăm chiêu, môi mím chặt, một lát như để cố gắng lấy lại sức.
- Ông trời thật bất công quá!

Chú yên lặng một lúc nữa, rồi nói lại những gì chú được bác sĩ thông báo. Bây giờ giọng chú trở nên bình tĩnh, cái bình tĩnh của người phải chịu đựng những việc đã rồi.
- Anh Bình bị đột quỵ. Vết thương không trực tiếp gây ảnh hưởng, không có chấn thương sọ não, kết quả CT và hội chẩn là như vậy.

Ngoại hoảng hốt:
- Đột quỵ à?. Tôi không hiểu. Bình thường, Bình đâu có dấu hiệu huyết áp cao.

Chú giải thích:
- Huyết áp cao nó chẳng có dấu hiệu và triệu chứng gì, phải khám thường xuyên mới biết. Anh Bình là hay coi thường sức khoẻ…Thật bất hạnh!

Chúng tôi chỉ còn biết khóc và chờ cho ba tỉnh lại. Tôi vào phòng thăm ba, cô y tá cho tôi một chiếc ghế gỗ thấp. Ba được chăm sóc chu đáo. Tôi ngồi ngắm nhìn ba, ông như người ngủ mê, tôi cầm bàn tay ba, bàn tay gầy và mềm mại, nhưng nó ấm, tôi hi vọng ba sẽ tỉnh lại sớm. Tôi áp tay ba vào má mình, hai dòng nước mắt chảy lăn xuống má, tôi khe khẽ gọi ba:
- Ba ơi,ba ơi.

Hai ngày nữa lại trôi qua trong sự chờ đợi nặng nề. Hai ngày mà như hai năm. Trước đây tôi không quan tâm đến thời gian, nó chỉ đựơc tính bằng học kỳ, thi cử và mùa hè. À, còn mùa Trung thu và Tết. Tôi không hề nghĩ rằng có một ngày nào đó, một ngày đi qua thật khó khăn. Buổi tối chúng tôi đang ăn cơm thì nhận được điện của chú Hùng báo rằng ba đã tỉnh. Chúng tôi vội vàng đến bệnh viện. Chú Hùng đang ở đó và nói chuyện với ba. Cu tí sà vào lòng ba như một chú bê con khát sữa. Nó hôn khắp người ba, từ mái tóc muối tiêu, đến cổ, đến lưng, trán, tay ngực của ba. Ba hỏi ngoại, giọng nói rất khó khăn:
- Mẹ… khoẻ… không?

Ngoại mỉm cười nắm chặt tay ba. Ba thông báo cho ngoại điều đau đớn của ba, giọng nói gần như sắp khóc:
- Con bị liệt tay chân bên phải rồi mẹ ạ.

Ngoại nói với ba âu yếm như với trẻ con:
- Mẹ biết rồi, có sao đâu con. Đời người sinh ra để chịu đau khổ, rồi chết, ai cũng thế, không loại trừ ai. Con nên bình tĩnh, can đảm để trả Nghiệp, không trả kiếp này thì kiếp sau phải trả. Trả đi cho nó nhẹ con à. Đừng lo lắng, buồn phiền làm gì, thế gian này đầy nước mắt.

Sự đau đớn tột cùng trên nét mặt ba làm tôi sợ hãi. Ba nói chậm, khó khăn và đầy cay đắng:
- Nhưng làm sao con vẽ được? Con còn nhiều việc phải làm, nhiều dự định chưa hoàn tất.

Từ lâu, trong lòng bà ngoại ba là con đẻ chứ không phải là con rể. Tính tình nhu hoà và điềm đạm của ba làm ai cũng thương mến, ngoại dành cho ba một tình cảm đặc biệt. Có lần ngoại kể lại, khi ba và má mới lấy nhau và sau khi tôi chào đời má ba có lúc cãi nhau, lúc nào ngoại cũng bênh vực ba. Giờ đây, với giọng nói yêu thương, từ ái, ngoại an ủi ba:

Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Tài năng là cái nợ con ạ, vứt bỏ đi cho nhẹ gánh. Con phải giữ tâm thanh tịnh, mục tiêu của cuộc đời là sự giải thoát chứ không phải là thành công. Con phải buông bỏ hết, tài năng, sự nghiệp, tiền bạc và cái tôi. Đến lúc đó, con sẽ là người tự do đích thực.

Khó khăn lắm ba mới không bật khóc:
- Nhưng bây giờ, con là người vô dụng, là gánh nặng gia đình.

Đến đây thì tôi không thể ngồi yên được tôi nói với ba:
- Ba không bao giờ là gánh nặng của gia đình. Sự hiện diện của ba trên đời là hạnh phúc của tụi con rồi. Ba không cần phải làm gì hết, con sẽ chăm sóc ba. Còn má, ngoại, chú Hùng, chú Năm, cô út và bạn bè của ba. Ba mãi mãi là niềm vui, niềm tự hào của chúng con. Ba phải hiểu như vậy và không được nghĩ khác nghe ba. Ba hứa với con đi.

Ba mỉm cười với tôi, nụ cười buồn bã và gật đầu khe khẽ. Tôi biết ba đang vô cùng tuyệt vọng vì ba đã mất hết. Nhưng với tôi, điều đó không quan trọng, chỉ cần có ba bên cạnh là đủ rồi. Cu tí mới lên bảy nó không hiểu được tâm trạng của ba lúc này nên cứ bô bô kể hết chuyện này sang chuyện khác: chuỵên ở trường, chuyện ở lớp, chuyện hàng xóm láng giềng. Sự thơ ngây của nó làm ba đỡ căng thẳng, thỉnh thoảng ba lại mỉm cười. Riêng tôi, tôi vô cùng lo ngại cho ba. Tôi biết, ba là người đa cảm và yếu đuối, không biết ba có chịu đựng nổi hoàn cảnh nghiệt ngã này không, ba có đứng dậy nổi không sau cú ngã đo ván này? Giá như có má ở đây thì tốt biết bao. Những ngày tháng sắp tới là những ngày tháng vô cùng khó khăn. Tôi biết mình phải làm gì: ở bên cạnh ba, không bao giờ để ba cảm thấy cô đơn vì hoàn cảnh đẩy ba vào cái thế thật là bi đát.

Sau 15 ngày ở bệnh viện, ba về nhà. Bác sĩ hàng ngày đến khám và tiêm thuốc cho ba. Chúng tôi chuẩn bị cho ba một căn phòng. Phòng tranh của ba dọn dẹp cho thoáng rộng. Tranh treo cao hơn một chút. Những thứ còn lại dồn lại giữa phòng, để ba có thể vịn tường lần từng bước tập đi. Chú Năm đến giúp ba những ngày đầu, rồi cô út, và tôi. Lần lần ba cũng tự đi được một quãng ngắn. Người ba lệch về một phía, thỉnh thoảng ba dừng lại bên cửa sổ, nhìn ra ngoài mệt mỏi, đôi mắt buồn bã, bất lực.

Rồi đến những ngày sắp Tết, tôi bận rộn túi bụi. Cả ngày phải ở ngoài chợ, ra đi từ rất sớm, tối mịt mới về. Ba phải ở nhà một mình. Tôi phải chấp nhận vậy thôi, vì phải buôn bán để nuôi cả nhà và má nữa. Cứ một tháng đi thăm má một lần, đường xa vất vả và tốn kém. (Người ta đã chuyển má đi xa). Những ngày này, ai cũng rất bận, cả nhà phải ăn cơm hộp. Tôi nhờ người mang cơm hộp về cho ba. Tôi biết một mình ba rất khó khăn nhưng biết làm sao. Có hôm tôi về, thấy chân tay mặt mũi của ba bị trầy sướt hết. Tôi biết ba bị ngã. Chúng tôi chỉ còn biết ôm ba mà khóc. Ba nói để dỗ dành chúng tôi:
- Không sao hết. Thế này thì nhằm gì.

Và ông cố gắng nở một nụ cười méo xệch. Tôi thương ba vô cùng và thấy cuộc đời này thật bất công. Những người gian ác thì cứ nhởn nhơ không sao cả, tha hồ làm mưa làm gió, gieo rắc tai hoạ cho người khác; càng gian ác càng leo lên những địa vị cao, càng thành đạt. Con cái họ đi du học ở Mỹ, ở Pháp. Họ sở hữu nào là biệt thự vài cái, trang trại vài cái và bao nhiêu thứ khác. Tôi không biết tại sao như vậy?!

Tết đến, tôi bận rộn đến ngày cuối cùng. Chiều ba mươi, đường phố đã vắng, tôi và ngoại cùng dâng một chút lễ mọn cho Trời Phật, thần linh và cầu xin việc làm ăn thuận lợi. Trên đường về, tôi ghé lại mua cho ba một cành mai. Đã là những giờ phút cuối cùng của năm cũ, người bán mai một ông lão nhà quê ốm tong teo vui mừng chào đón tôi và bán với giá phải chăng, bàn tay cụ run run khi nhận tiền, tôi thấy thương cụ quá.

Tôi mang cành mai về cắm vào lọ, cho nước đun thật sôi vào, cu tí mắc lên cành mai một dây kim tuyến và đèn màu rực rỡ. Nhà cửa được ngoại dọn dẹp qua loa. Ngoại đặt sẵn người ta làm bánh chưng, bánh tét, mứt. Cô út mang cho tôi và cu tí hai bộ quần áo mới. Cu tí mặt rất vừa và đẹp, còn tôi thì quá chật. Chỉ có mấy tháng mà tôi đã lên cân, cô út nhìn tôi kinh ngạc:
- Con này nó lớn như dưa ấy.

Tôi chạy lại nhìn mình trong gương, mặt bỗng đỏ lên: tôi lớn thật rồi. Tuy không có đồ Tết, nhưng tôi không bận tâm; hơn nữa, chẳng còn lòng dạ nào để nghĩ đến Tết.

Có tiếng xe chạy vô sân, rất quen thuộc, tôi biết là chú Hùng đến. Cùng đi với chú Hùng là mấy người bạn của chú và của ba. Căn phòng nhỏ đêm cuối năm thật vui. Chú Hùng mang đến rất nhiều quà. Chú ấy thật là tốt. Tôi không biết trên đời này có ai đối xử tốt với nhau đến như thế không?! Chắc là khó, nhất là thời buổi này, quan hệ với nhau bằng quyền lợi, hết quyền lợi thì cũng chấm dứt hết.

Tôi mang lên một ấm trà, ba và các chú nói chuyện rất lâu. Họ không nói về hội hoạ như những lần trước, chắc có lẽ họ sợ ba buồn, mà cũng có khi vì một nguyên nhân khác. Họ nói về ai đó rất lạ, những cái tên tôi chưa hề nghe ở nhà này như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn,giáo sư Trần Khuê… với giọng đặc biệt kính cẩn khi họ nói về Linh mục Nguyễn văn Lý... và nhiều nhất, sôi nổi nhất là về một chuyến Mỹ du của một cụ già nào đó là Hoàng Minh Chính thì phải…Chú Hùng nói:
- Bài nói chuyện của cụ Hoàng Minh Chính ở trường đại học Harvard thật tuyệt vời. ”Chủ nghĩa Marx- Lenin và Hệ luỵ”. Ông cụ nói về học thuyết tư biện của Marx là một sai lầm ngay từ nguyên uỷ của nó. Ông cụ già rồi nhưng tinh anh và hùng biện lắm.

Tôi chẳng hiểu gì hết. Gần giao thừa, chú Hùng chia tay và hẹn sẽ đến. Mồng một Tết, chúng tôi về nhà chú Năm thắp hương cho tổ tiên, rồi về nhà ngủ một giấc. Những ngày trước tết tôi thiếu ngủ nên nằm xuống là ngủ lúc nào không biết. Ngoại lo việc nhà và tiếp khách. Buổi chiều, bà cụ - bạn của ngoại cũng đến, bà mang rất nhiều quà. Hai cụ lại nói về hai vị hoà thượng Huyền Quang và Quảng Độ, nói về chuyện giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và giáo hội quốc doanh.

Mồng hai Tết, chú Hùng và mấy người bạn lại đến. Chúng tôi ra chào các chú. Vào đến nhà, chú Hùng lấy ra một phong bao màu đỏ:
- Đây là quà các chú mừng tuổi hai cháu - chú cười phá lên, đôi mắt ốc nhồi của chú bớt đi phần dữ dội - chia đều không phân biệt tuổi tác.Tôi nói bằng kiểu vùng vằng của trẻ con với chú Hùng. Đối với chú, tôi luôn thấy một sự gần gũi như tình cha con.
- Chú Hùng làm như con tranh với em không bằng.

Chú vuốt tóc tôi:
- Thế thì tốt.

Rồi họ lại nói về chính trị, về quyền tự do thông tin, báo chí và về nhân quyền. Thỉnh thoảng, chú Hùng trích dẫn ở đâu đó cả một đoạn dài bằng tiếng Anh - chú Hùng nói tiếng Anh thật tuyệt vời. Khi chú sắp ra về tôi hỏi nhỏ:
- Chú không sợ công an bắt hay sao?

Chú cười thật to, giọng khinh bạc:
- Cứ bắt thử xem.

Tôi thấy phục chú Hùng quá, như thế mới là đàn ông chứ. Có đâu toàn những bọn vai u thịt bắp, hoặc phong lưu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao mà bản lĩnh thì không bằng một người phụ nữ như Dương Thu Hương. Đàn ông bây giờ phần nhiều chỉ lo hưởng thụ, mặt mày đỏ gay, bụng béo phì, chỉ biết cúi đầu cho người ta sai khiến, nhận được chút tiền thì vênh váo, vào ra những quán bia ôm, karaoke ôm, giọng cao ngạo, ngu xuẩn.

Hàng năm, cứ mồng một Tết Nguyên Đán, ngoại, má và tôi vẫn đi chùa lễ Phật. Hôm nay đã là mồng Ba mà chẳng thấy ngoại động tĩnh gì. Tôi hỏi:
- Năm nay mình có đi lễ Phật không ngoại?

Ngoại buồn bã trả lời:
- Phật ở trong tâm, cứ gì phải đến chùa.

Ngoại nói vậy thôi, chứ cả đời ngoại đi lễ Phật. Phải có một lý do gì đó ngoại mới bỏ đi một điều mà với ngoại là thiêng liêng. Ngoại đứng lên như để giải toả, tránh né một điều gì đó đang đè nặng trong lòng. Giọng cay đắng và đầy bất mãn:
- Sư chẳng ra sư, thầy chẳng ra thầy. Cái thời đại gì mà kỳ quái, người ta lũng đoạn đến cả tôn giáo.

No comments: