Thursday, November 13, 2008

NỮ THẦN CÔNG LÝ (Phần 1)

Nữ thần Công Lý (1)
Huỳnh Ngọc Tuấn
30-9-2008
http://danchimviet.com/articles/464/1/N-thn-Cong-Ly-1/TrangPage1.html
Tôi 16 tuổi - cái tuổi dậy thì đẹp tuyệt vời. Đâu đó, tôi bắt gặp những cái nhìn đắm đuối của mấy chàng trai. Tôi biết mình làm họ mất hồn. Tôi vui sướng một cách tinh nghịch.
Vào lớp 10, lần đầu tiên mặc chiếc áo dài nữ sinh, tôi nhìn mình lộng lẫy trong gương. Ba tôi chỉ từ ái mỉm cười. Ông không nói gì, nhưng nhìn ánh mắt mãn nguyện của ba, tôi biết ông rất vui. Má thì trầm trồ khen:
- Con đã là một thiếu nữ xinh đẹp rồi, con gái ạ.

Tôi cứ thế chạy tung tăng quanh phòng. Em tôi cũng hò hét theo sau, cả căn phòng náo loạn, má phải stop lại:
- Thôi nào, đừng làm ầm ĩ để ba nghỉ ngơi.

Mười sáu tuổi, tôi ngây thơ và trẻ con, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy khó hiểu trước sự phân hoá của xã hội Việt Nam, hố ngăn cách giàu nghèo thật là kinh khủng: cùng chung chia mảnh đất quê hương, nhưng hai thân phận chủ-tớ cách biệt rõ ràng và bi thảm. Bên cạnh những ngôi biệt thự hoành tráng, lộng lẫy là những khu nhà ổ chuột tồi tàn, ngập ngụa trong nước bẩn và rác rưởi. Bên cạnh những người đàn bà sang trọng, sực nức mùi nước hoa là những người phụ nữ nghèo lem luốc cạnh những bãi rác trên bến xe. Bên cạnh người đàn ông to lớn, đỏ như một cây nến là những người đàn ông vẻ mặt hốc hác, râu ria không cạo, áo quần bẩn thỉu. Bên cạnh những cậu bé mập quá khổ là những cậu bé trơ xương, tay cầm xấp vé số và mấy tờ báo lê bước từ góc phố này đến góc phố khác. Bên cạnh các tiểu thư cành vàng lá ngọc là những cô cave trong những quán ba, quán bia ôm, cafe ôm. Tôi không hiểu tại sao như vậy? Một bên là những ông chủ sang trọng và hách dịch, một bên là những osin-lao nô hèn mọn; một bên đầy quyền lực nhưng bị căm thù, một bên hèn mọn và bị khinh miệt. Tôi thấy mình may mắn vì không nằm trong hai loại người ấy.

Tôi hài lòng với hạnh phúc nhỏ nhoi, tầm thường mà tôi có. Có ai ganh tị với cái hạnh phúc đơn sơ ấy?! Nhưng tôi không hề biết rằng cái hạnh phúc đơn sơ, tầm thường ấy rất mong manh, mong manh như giọt sương trên lá.

Mấy hôm nay, người ta bàn tán nhiều về việc di dời khu dân cư, nơi tôi đang ở. Có quá nhiều những tin đồn-quá nhiều đến nỗi người ta không còn phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Có người nói sẽ mở con đường lớn khoảng 40m đến 50m. Có người nói sẽ xây nhà máy chế tạo linh kiện điện tử của Đài Loan. Có người nói xây dựng khu đô thị mới. Ai cũng chứng tỏ mình thạo tin, có bạn bè người thân là quan chức lớn. Nhưng là để làm gì đi nữa, thì gia đình tôi ai cũng buồn rầu, nhất là ba tôi.

Đây là khu vườn trồng hoa nhiều đời của gia tộc tôi truyền lại. Khu đất không lớn chỉ hơn một ngàn mét vuông. Nhưng nó là sinh cơ của mấy đời gia đình tôi. Khu vườn thật đẹp: hoa xen với cây ăn trái. Những khóm hoa lan, hoa huệ, hoa hồng, những cây cảnh được nâng niu chăm sóc, những chậu mai già được uốn nắn và rất nhiều loại cây thời thượng mà những khách sạn nhà hàng, cũng như mấy ông quan lớn đặt ba tôi làm.

Tôi thấy ba như người mất hồn. Ông ra ra vào vào mà chẳng làm được việc gì. Có lúc ông lặng người nhìn chằm chằm vào cội mai già có từ thời ông cố nội tôi. Ông như muốn tìm một điều gì đó-một câu trả lời chẳng hạn. Cái chứng tích của thời gian và lịch sử ấy vẫn lặng yên trầm tư như một minh triết: sự yên lặng ấy như muốn nói với ông rằng tất cả đều vô thường. Tôi hiểu ít nhiều Phật giáo với triết lý: “vô thường”, “khổ”, “không”. Con người thời nào và ở đâu cũng khổ. Nhưng cái khổ cũng có trăm tướng khác nhau. Ở các nước văn minh, cái khổ nó khác: người ta khổ vì công danh sự nghiệp hay vì tình yêu và danh vọng. Còn ở đây, ở cái đất nước này, người ta khổ vì miếng cơm manh áo, vì sự sỉ nhục, khổ vì không được sống như một con người, như mọi người. Người ta phải bán những gì họ có thể bán để tồn tại. Sức lao động, danh dự và nhân phẩm, trinh tiết một cách rẻ mạt. Rồi cũng đâu có được yên thân với sự hèn mọn. Một xã hội đầy rẫy những quan lại, đủ thứ quan, từ anh bảo vệ đến ông thôn trưởng, từ ông bác sĩ đến người quản lí điện, ai muốn hành hạ, sách nhiễu cũng được. Người dân thấp cổ bé miệng chỉ còn biết chịu đựng, hoặc mua đường vắn. Chẳng biết từ bao giờ họ biến mình thành con giun con dế, một thứ tôi đòi không chính thức, lại còn bị mỉa mai trên diễn đàn quốc tế, trên tivi báo chí là “người chủ đất nước”, thật sự là một sự mỉa mai cay độc mà có lẽ dân tộc này chưa bao giờ trải qua trong lịch sử mấy ngàn năm của mình. Đất nước này sống trong một nghịch lý, có những con người phải nhặt rác để sống, có người lại đánh bạc hàng triệu dollar tiền của dân. Có người có quá nhiều tiền muốn làm gì cũng được, luật pháp chính là họ, họ là luật pháp; có người mà một chút quyền căn bản cũng không có-quyền đi lại, quyền cư trú, quyền học hành, quyền kết hôn. Chỉ có một nhóm người tự đồng hoá mình là dân tộc, là đất nước, trong khi đó, 80 triệu người còn lại thì không được chính danh. Họ không là gì cả, họ cũng chẳng biết họ là ai ?

Một buổi chiều ông tổ trưởng dân phố đến, giọng hách dịch, gọi réo từ xa :
- Tối đi họp để nghe thông báo về việc di dời nhé, không đi thì mất quyền lợi đấy.

Tôi cảm thấy xót xa, lại một nghịch lý nữa: có bao giờ người ta ban phát cho một chút quyền lợi đâu. Nếu thật sự là quyền lợi thì chẳng bao giờ chúng tôi được nghe chứ chưa nói là được hưởng. Chúng tôi cũng chẳng thiết quyền lợi của ai cho, miễn sao quyền lợi chính đáng của mình được tôn trọng là may lắm rồi.

Chiều hôm đó, ba tôi không nuốt nổi một chén cơm. Ông vẫn gắp thức ăn vào chén cho má con tôi như mọi ngày, vẫn thăm hỏi chúng tôi ân cần. Nhìn đôi đũa trên tay ba run run làm rơi miếng cá trắng phau xuống mâm cơm, má ái ngại :
- Anh đừng lo lắng quá. Em và anh còn khoẻ thì còn nuôi con được. Chứ anh có mệnh hệ gì mình em nuôi con sao nổi.

Nước mắt tôi bất giác lăn dài trên má, chảy xuống chén cơm. Tôi vẫn ăn như một cái máy, ăn luôn những giọt nước mắt của mình. Bữa cơm yên lặng, cái yên lặng chưa hề có trong gia đình tôi. Tôi tự hỏi: những ngày vui, những bữa cơm đầy ắp tiếng cười có còn quay lại với gia đình tôi không? Tôi cảm thấy lo sợ, linh tính báo cho tôi một điều gì đó không lành.

***

Tối hôm ấy, ba tôi đi họp về, trông ông thất thần và thảm hại. Khuôn mặt ông tái xanh, ông ngồi xuống ghế như một chiếc lá rơi, không một chút sức lực, giọng ông lạc hẳn:
- Mất hết rồi em ơi.

Má tôi lấy khăn ướt lau mặt cho ông, bà nói để giữ tinh thần:
- Mất thì mất, ai mà chẳng mất, đâu có riêng chi mình. Anh cứ bình tĩnh, mình còn quầy bán trái cây. Anh đi xe ôm vẫn sống được.

Ba nói như rên rỉ, trông ông yếu đuối quá. Tôi chưa bao giờ thấy ông yếu đuối như vậy. Tôi nghĩ: không yếu đuối sao được, quyền sinh sát trong tay họ, họ bảo mình sống thì mình sống, họ bảo mình chết thì mình chết.
- Đây là mảnh đất tổ tiên mấy đời để lại, hơn nữa họ bồi thường rẻ mạt, gần như cướp trắng: 20 ngàn đồng/1m vuông .

Ông nhắc lại:
- Hai mươi ngàn đồng y, em nghe rõ chưa.

Má tôi sững sờ, nhìn chúng tôi, bà đứng phắt dậy:
- Như thế là ăn cướp. Bọn cướp, một lũ cướp ngày.

Mắt má long lên, tôi nhìn thấy cả một ngọn núi lửa hừng hực. Ba tôi khua tay:
- Em đừng nói nữa. Quyền lực trong tay họ, không khéo lại đi tù đấy, nhiều người đi tù rồi thấy chưa, tan cửa nát nhà hết.

Má cương quyết:
- Đằng nào thì cũng tan cửa nát nhà rồi. Mình cứ cúi đầu mãi, chúng nó lấn tới.

Tôi không ngờ bình thường má dịu dàng thế, nhu mì thế mà hôm nay má lại thể hiện một cá tính như vậy. Trong lòng tôi nể phục nhưng cũng vô cùng lo sợ.

Một thời gian sau, người ta đưa giấy mời lên Uỷ ban phường để ký vào biên bản di dời và nhận tiền bồi thường. Ba tôi mệt, tôi theo má lên phường. Đứng ngấp nghé bên ngoài, tôi theo dõi diễn tiến của buổi nói chuyện. Trong phòng có cả ông cán bộ địa chính thị xã, ông chủ tịch phường và ông trưởng ban địa chính phường. Sau khi nghe họ trình bày lý do, và những “ích lợi cho đất nước và nhân dân” của việc di dời khu dân cư này. Họ cũng hạ một câu để răn đe:
- Đây là kế hoạch mà trên đã phê duyệt, các bên liên quan phải thực hiện nghiêm túc không đựơc chậm trễ. Mọi biểu hiện tiêu cực đều phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Má tôi nói với một giọng bình tĩnh nhưng cương quyết:
- Chúng tôi là dân, chúng tôi sẵn sàng chấp hành mọi chủ trương chính sách của nhà nước, nhưng trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của chúng tôi. Mức bồi thường mà nhà nước đưa ra là không thoả đáng.

Ông chủ tịch phường gằn giọng
- Như vậy mà không thoả đáng hả? Vậy theo chị thế nào là thoả đáng?

Má rào đón chặt chẽ:
- Đất nước chúng ta trong thời kỳ đổi mới theo cơ chế thị trường, thì phải định giá theo thị trường là thoả đáng. Chắc các ông cũng biết giá đất hiện nay ở thị xã với diện tích 1000m vuông đất như của gia đình tôi thì giá thị trường hiện nay là trên 1 tỉ đồng. Các ông bồi thường cho chúng tôi cả gói, đất và nhà chưa được 100 triệu là không thoả đáng, mới có 1/10 giá trị thực của nó. Nếu các ông không đồng ý thì phải có một giải pháp thoả hiệp. Các ông mở đường đến đâu, bồi thường đến đó, phần còn lại để nguyên cho chúng tôi.

Ông địa chính thị xã lớn tiếng, đứng phắt dậy chiếc ghế đổ nhào sau lưng:
- Một mình chị một trời chắc. Chính sách là thế, chị phải di dời, phần còn lại là quĩ đất. Chúng tôi sẽ bán lại cho chị nếu chị muốn mua.

Má tôi đồng ý:
- Được, chúng tôi sẽ mua lại. Các ông định giá bao nhiêu?

Ông trưởng ban địa chính nói giọng mỉa mai:
- Chị có đủ tiền mua không? 1 triệu rưỡi /1m vuông.

Má xanh mặt, những sợi tóc đổ lộn xộn trên trán lấm tấm mồ hôi.
- Các ông ép chúng tôi thái quá. Các ông mua của chúng tôi 20ngàn/1m vuông mà bán lại 1 triệu rưỡi /1m vuông. Thế là thế nào? Đây có còn là chuyện mua bán nữa không?

Ông địa chính thị xã với giọng thách thức và đe dọa:
- Chị hiểu như thế nào cũng được. Đến ngày di dời mà chị không di dời thì chúng tôi cưỡng chế. Đến lúc ấy một xu cũng không có đâu.

Má cương quyết, nhưng chỉ là cái thế của người yếu:
- Các ông không biết đó thôi, tổ phụ của chúng tôi từ Thanh Hoá vào đây đã hơn 200 năm rồi. Đất đai này là của tổ phụ chúng tôi khai phá.

Ông chủ tịch phường lại mỉa mai giải thích:
- Đất gì là của tổ phụ chị. Đất là của nhà nước cả, cho chị mượn ở tạm thôi, khi cần sẽ thu hồi.

Má tôi nổi khùng:
- Đất gì là của nhà nước. Tổ phụ của chúng tôi khai phá mảnh đất này và đã giữ gìn nó hơn 200 năm, có khi còn có trước chủ nghĩa Marx của các ông chứ đừng nói đến chính quyền. Chính quyền của các ông chỉ mới được 30 năm thôi.

Họ đồng loạt đập bàn và xô ghế đứng dậy, mấy chiếc ghế ngã lăn trên sàn làm mọi người ở những phòng khác chạy qua:
- Con mẹ này lếu láo, đuổi nó ra ngoài .

Má bị lôi ra ngoài. Mặt mày bà tái nhợt vì tức giận.
Ba tôi đứng chờ trước cửa vẻ lo lắng bồn chồn, trông ông xanh xao và gầy hẳn. Má bước vào nhà, bà vứt chiếc nón lên đi-văng và ngồi xuống sửa mái tóc cho gọn gàng. Bà dùng dây buộc lại mái tóc dài và đen óng lên cao để lộ chiếc cổ ba ngấn nõn nà. Khi cởi chiếc áo khoát ngoài ra, má thở một hơi thật dài như để lấy lại sức và sự bình tĩnh:
- Quân ăn cướp.

Ba tôi vội vàng can ngăn:
- Thôi bỏ đi, chúng ta là dân đen, phận con tôm cái tép, họ nắm quyền sinh sát trong tay, trái ý họ chỉ thiệt cho mình thôi.

Má nhìn ra ngoài vườn. Trời nắng gắt biểu hiện một buổi trưa oi nồng. Cây khế trước sân rũ những chiếc lá mềm và mỏng. Con chim vành khuyên đang tìm mồi và gọi bạn, tiếng kêu thật trong trẻo, bình yên. Nó nhảy liếng thoắng và vô tư. Tôi chưa bao giờ thấy khu vườn đẹp như thế. Chắc có lẽ do cái cảm giác xót xa trước một sự mất mát phũ phàng cái mà mình yêu quí. Mấy cây xoài lủng lẳng những chùm trái xanh bằng nắm tay người lớn. Năm nay được mùa, những cây mận to lớn, tán lá xanh và tối như muốn che giữ những kỉ niệm êm đềm một thời thơ ấu của tôi. Tôi nhớ những mùa mận chín trước đây, lũ bạn tôi không ngày nào không tề tựu ở nhà tôi để được má khao món mận chấm muối ớt cay đậm đà theo cách chế biến riêng của má. Những trái mận xanh, mận đỏ, mận trắng bóng nhảy mọng nước, ngọt và mát được nhai rau ráu ngon lành và xuýt xoa, chảy cả nước mắt. Khu vườn tràn ngập tiếng nói cười, tiếng gọi nhau tinh nghịch. Mùi hoa ngọc lan thơm nồng, quyến rũ bọn con gái chúng tôi. Cây hoa ngọc lan già như một người bạn già tốt bụng, ban cho tuổi trẻ chúng tôi những bông hoa trắng muốt và thơm ngát. Những trưa gắt nắng, nằm trên chiếc ghế mây đan bằng những sợi nhỏ và mịn êm thật là êm, chân duỗi dài nhìn lên tán lá, dõi theo bóng dáng tí xíu nhanh nhảu của con chim vành khuyên, rồi ngủ lúc nào không hay. Mùi ngọc lan phảng phất vào giấc ngủ thần tiên không mộng mị. Tỉnh thức, nắng vàng rực khắp khu vườn, trời trong veo không một gợn mây, chạy tung tăng vào nhà, tắm một cái mát ơi là mát, quên không mang ghế vào. Buổi chiều trời mưa, ghế bị ướt, má mắng hoài vẫn không nhớ và chỉ nhớ những gì người lớn không thể nhớ được. Tôi vẫn là bộ nhớ của ba, nhưng má hay gọi tôi là đồ đãng trí. Tôi vẫn thích những giấc ngủ trưa dưới bóng cây ngọc lan già, tôi cảm thấy như mình được chở che, cứ nằm thoả mái, có hơi hớ hênh một chút vì ăn mặt nhẹ nhàng. Khu vườn kín đáo có ai nhìn đâu mà sợ, đó là những ngày tháng thần tiên. Và thế là chấm hết! Tôi giật mình vì má gọi:
- Thảo, dọn cơm ăn trưa thôi, con ngẩn ngơ gì thế?

Tôi “dạ” và lao vào bếp. Má đã chuẩn bị sẵn. Bữa cơm đơn giản, rau sống, cá kho-những khúc cá nục tròn lẳng béo ngậy, một rổ rau tươi: diếp cá, tía tô, đinh lăng, húng, ngò…Má nói cho không khí bớt căng thẳng:
- Ăn lá đinh lăng non và tía tô chữa được cảm cúm, còn lá mơ và diếp cá rất tốt cho đường ruột.

Bữa cơm lặng lẽ, tôi và ba không nuốt nổi, cu Tý vẫn ăn ngon lành như mọi ngày, nó còn ngây thơ quá, không biết gì. Hơn nữa chạy nhảy suốt buổi sáng, giờ cu cậu đói bụng ăn liền ba chén to tướng. Má cũng ăn uống bình thường như mọi ngày. Tôi phục má vô cùng. Đứng trước những khó khăn, má vẫn vững vàng kiên nghị làm chỗ dựa cho cả gia đình. Ba tôi là đàn ông nhưng quá hiền lành và yếu đuối. Trước một khó khăn lớn mà ba biết là không thể vượt qua làm ba suy sụp. Tôi nhớ câu chuyện ngụ ngôn đọc từ lúc nhỏ: ”Gà mẹ dũng cảm bảo vệ đàn con trước diều hâu hung dữ và đánh bại diều hâu. Gà mẹ tả xung hữu đột, vừa che chắn cho con dưới đôi cánh xoè rộng, vừa tấn công kẻ thù có sức lực và móng vuốt hơn mình”. Tôi cảm thấy bất an và tuyệt vọng vì gà mẹ thì chỉ chiến đấu với một con diều hâu thôi; đằng này có cả bầy, vừa diều hâu, vừa lang sói, với súng đạn, dùi cui, roi điện, lựu đạn cay, thuốc mê, làm sao mà đối phó đây? Tôi ao ước có được quyền năng siêu việt để giúp đỡ mẹ, bảo vệ gia đình, bảo vệ những người yếu đuối trước cường quyền, bạo ngược, nhưng làm gì có phép màu! Thật bất công!.

Buổi chiều nặng nề rồi cũng trôi qua. Tôi và ba má coi TV. Trong chương trình thời sự, người ta cũng nói đến chuyện di dời, nhưng những gì họ đưa lên TV đều hoàn toàn không đúng với sự thật: nào đền bù thoả đáng, thậm chí, người dân được lợi rất nhiều, nào chuẩn bị khu tái định cư cho dân, ai cũng mãn nguyện, hồ hởi. Họ cho một vài người cò mồi lên nói huyên thuyên về sự quan tâm của Đảng, “chính sách nhân đạo” chí tình hợp lý. Họ nói toàn chuyện trên trời. Họ không hề đề cập đến những hộ gia đình như chúng tôi và những người hàng xóm. Đang ngồi coi TV thì một người hàng xóm sát vườn nhà tôi đến. Vườn của bà chỉ có 400m vuông, cũng trồng hoa như gia đình chúng tôi. Tôi và má đứng dậy chào, ba thì mời bà ngồi và tắt TV.
- Mời chị Bách ngồi.

Chưa ngồi xuống ghế, bà đã nói ngay:
- Bọn này là bọn cướp ngày rồi. Ý cô chú thế nào? Bọn mình phải liên thủ để đối phó.

Tôi đang buồn thối ruột , nghe bà dùng từ “liên thủ” thì biết ngay bà này là dân ghiền phim kiếm hiệp rồi. Không nhịn được cười, tôi bước ra ngoài để dấu nụ cười không đúng lúc, rồi trở vào ngồi cạnh mẹ.
- Còn tính gì nữa chị. Họ đã dồn mình vào chân tường rồi. Chết thì chết, phải đấu tới cùng. Thà để họ cưỡng chế, lấy không đi, sau này còn có thể kiện được. Nếu ngửa tay nhận mấy đồng bố thí là đem dâng không cho chúng.

Được lời như cởi tấm lòng, mặt bà sáng lên, đôi mắt long sòng sọc, bà đập tay xuống bàn:
- Dù “tan xương nát thịt” cũng phải bảo vệ di sản của cha ông. Nhưng phải ”mưu trí”, phải biết dùng những “chiêu thức” phù hợp.

Má mỉm cười, nụ cười của má đẹp tuyệt vời, hàm răng trắng đều sáng như ngọc, cả tháng nay, hôm nay mới thấy má cười.
- Chị định dùng “chiêu thức” gì?.

Bà trả lời ngay:
- “Khổ nhục kế”.

Lần này, má và tôi không sao giữ được nữa. Lại là phim Tàu, cái xã hội Việt Nam ngày nay đã bị Tàu hoá từ lúc nào. Cái văn hoá “Đại Hán” được các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam tuyên truyền quảng bá rộng khắp từ hang cùng ngỏ hẻm. Nó thâm nhập vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là dân nghèo thành thị. Tôi mơ hồ cảm thấy xã hội Việt Nam như được điều khiển bởi một chiếc đũa thần nào đó. Rồi bà trình bày “khổ nhục kế” của mình. Má nghe xong chỉ cười, nụ cười hơi khinh bạc:
- Em chịu, không thể làm như thế.

Đêm nay trăng thật đẹp. Cả khu vườn được phủ bởi một thứ ánh sáng dịu nhẹ, mịn màng, chỉ một vài thoáng gió từ biển xa thổi về, làm đong đưa những chùm hoa lan rũ xuống, thoang thoảng những mùi hương của lan, của huệ, dạ lý, mùi của mấy cây mít đầy khóm. Những con đom đóm chập chờn khắp vườn trong từng khóm cây. Nó đi tìm bạn, hồn nhiên, vô tư lự. Nó sướng thật, chẳng lo lắng về tương lai học hành, sự nghiệp, cũng chẳng bị ai bắt nạt, chèn ép. Ngồi ở giữa ba và má trên ghế đá, tôi ngả đầu vào vai má. Mùi hương từ tóc má dịu dàng. Giá như được tựa vào vai mẹ ngủ một giấc như mọi lần thì tuyệt quá. Nhưng bây giờ thì làm sao ngủ được. Cái vườn này sắp bị người ta phá đi. Cả cái thị xã này, theo đà phát triển của kinh tế thị trường, một kiểu kinh tế thị trường man rợ, chụp giật, chèn ép, gian xảo mọc lên toàn nhà là nhà. Bên cạnh biệt thự là những ngôi nhà ổ chuột-nhà cấp 4, nhà xây theo đủ loại mô hình kiến trúc, mọi thứ đều bác nháo. Có những ngôi biệt thự của các quan chức và cả những kẻ mới giàu lên nhờ phe cánh được kiến trúc một cách quái gở: phần trên là kiến trúc Hồi giáo, phần giữa là Nhật Bản, ở dưới là phương Tây. Nó biểu hiện cái não trạng lai căn, và khả năng thẩm mỹ của chủ nhân. Giữa những hỗn loạn ấy, khu vườn này là một ốc đảo xanh tươi bốn mùa. Nó được bố trí đơn sơ theo kiểu Việt Nam từ mấy đời nay. Vậy mà người ta lại phá nó đi và không biết thay vào đó là thứ quái thai gì?…Tôi hình dung những cội mai già, những cây ngọc lan mà tôi đặt biệt yêu dấu, những cây mận, cây xoài, cây mít, những khóm hoa lan, hoa huệ, những cội sứ năm sáu mươi năm….tất cả sẽ bị mấy chiếc máy ủi, máy xúc nghiền nát. Thật kinh khủng, thật đau lòng. Làm sao để giữ lại những kỉ niệm này. Bất chợt tôi lại nghĩ: hay chụp hình lưu niệm?. Nếu không giữ được nó trong hiện thực thì cũng giữ được nó trong kí ức.

Tôi đề nghị ba má:
- Con định chụp mấy tấm hình lưu niệm về khu vườn này. Ba má thấy thế nào?

Ba tôi khẽ gật đầu. Bình thường, ông vẫn là người hiền lành lặng lẽ; giờ đây, ông càng lặng lẽ hơn-như một cái bóng của chính mình. Trong xã hội Việt Nam ngày nay, đây là một hiện tượng phổ biến: người ta quên mất mình, đánh mất cá tính, lãng quên bản thể của mình. Họ hoá thân vào cái bóng của mình, co rúm trong cái lồng của chính mình. Như vậy, họ mới cảm thấy an toàn hơn. Má tôi ủng hộ nhiệt tình ý kiến ấy:
- Ừ! Đường nào mình cũng mất khu vườn này rồi, giữ lại một vài kỷ niệm cũng hay.

Má quay về phía ba, bà mỉm cười thật tươi. Trong ánh trăng, với một chiếc áo lụa mỏng, trông bà thật đẹp-một vẻ đẹp kiêu sa, với nụ cười thật quyến rũ. Tôi chợt nghĩ: ba tôi là một người đàn ông may mắn.
- Anh đừng có ủ rũ như đưa đám thế, còn người là còn của. Em vào pha một ấm trà, uống để thưởng trăng. Đêm nay, trăng rất đẹp, với lại mình chẳng còn nhiều thời gian cho mảnh vườn này.

Tôi giúp má bày biện ấm chén.
Trà này tự tay ba má chế biến, toàn là cây nhà lá vườn. Những búp chè non được ba tuyển chọn kỹ từ những cây chè mọc xen đâu đó trong vườn, hoa hoè, hoa ngâu cũng sẵn. Chén trà thơm ngát đêm nay sẽ đi vào kỷ niệm tuổi thơ của tôi. Tôi nâng chén trà mời ba má, lòng không khỏi bùi ngùi, bất giác ba ngâm mấy mấy câu thơ giọng thật u hoài:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn san tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. (Phương kiều dạ bạc-Trương Kế)(*)


(*) Chú thích của tòa soạn:
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bẫy sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn
(Đêm đậu bến phong Kiều-Tản đà dịch)

Lại một giấy mời nữa được đưa đến nhà, má phải bỏ một buổi chợ để lên phường làm việc. Tôi lại theo má. Vừa đi đến ngõ bà hàng xóm, đã thấy bà tất tả chạy theo. Bà chạm nhẹ vào tay má:
- Cứ giữ lập trường nhé. Không thắng không về.

Má cười:
- Mình thắng họ sao được, việc đúng thì phải làm.

Vừa đến trước sân uỷ ban phường, đã thấy bóng dáng của một vài nhân viên công an mặc sắc phục và thường phục, một đội dân phòng tay cầm dùi cui đi qua đi lại. Bà Bách nói nhỏ:
- Chúng nó thị uy đó.

Cũng là ba người hôm trước: ông trưởng phòng địa chính thị xã, ông chủ tịch phường, và ông trưởng ban địa chính phường. Mặt họ hằm hằm, đầy sát khí. Họ mời má ngồi, giọng hách dịch:
- Mời hai chị ngồi.

Và phủ đầu bằng một câu đe doạ:
- Hôm nay là buổi cuối cùng làm việc với hai chị. Thời gian gấp lắm, chúng tôi không có thời gian để vòng vo. Đây là cơ hội cuối cùng cho các chị, nên suy nghĩ cẩn thận để không ân hận. Chống lại chủ trương chính sách của nhà nước thì hậu quả thế nào các chị cũng biết rồi phải không?

Hắn gật gật đầu có vẻ tự mãn, hướng về phía má. Má bình thản nhìn tất cả bọn họ:
- Tôi xin minh định lại một lần nữa. Chúng tôi không chống chính sách của nhà nước. Chúng tôi chỉ yêu cầu bồi thường thoả đáng.

Trưởng ban điạ chính gõ gõ cây bút xuống bàn:
- Bồi thường như vậy là thoả đáng rồi. Cả cái xóm này, trên 100 nóc nhà, ai cũng đồng ý, chỉ có hai chị là chống đối.

Bà hai Bách vào cuộc:
- Bác Hồ nói: độc lập mà không tự do, hạnh phúc cho nhân dân thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì! Chúng tôi đang sống an lành, các ông đập vỡ nồi cơm, cướp đi sinh kế của chúng tôi. Chúng tôi sống bằng cái gì? Các ông thử nghĩ, nếu còn Bác Hồ thì Bác có làm như thế không?

Bà Bách dừng lại để thăm dò biểu hiện trên nét mặt của các vị quan phụ mẫu. Ông chủ tịch trả lời ngay:
- Vẫn làm như thế. Bà quên là trước đây Bác Hồ đã từng chỉ đạo Cải Cách ruộng đất.

Ông ta đột ngột dừng lại như vấp một tảng đá. Tay trưởng phòng địa chính nói cộc lốc để lấn át tất cả:
- Chúng tôi mời hai chị đến đây không phải là để tranh luận mà yêu cầu hai chị ký vào văn bản di dời, có thế thôi. Ký hay không là tùy, chúng tôi sẽ cưỡng chế.

Chúng tôi ra về khi cuộc tranh luận bế tắc vì không thể dung hoà. Một bên là quyền lực tuyệt đối, một bên là sự kiên quyết bảo vệ công lý, một bên quá mạnh, một bên quá yếu. Thế và lực không cân bằng thì không thể thoả hiệp. Chân lý này đúng ở bất cứ nơi đâu (kẻ thống trị và người bị trị không bao giờ bình đẳng). Trên đường về, má hỏi bà hàng xóm:
- Chị có tin vào Hồ Chí Minh như những gì chị nói không?

Bà ta không nhìn vào má mà nhìn vào một điểm nào đó trên con đường dài hun hút:
- Tôi cũng không biết, chỉ nghe người ta nói thế.
- Đừng nghe những gì người ta nói: mà phải suy luận tìm hiểu, muốn biết ông thầy như thế nào thì nhìn vào cái đám học trò.

Bà ta lắc đầu ngao ngán, rồi chúng tôi chia tay.

***

Cái ngày hãi hùng đó đến sớm hơn tôi và ba má dự kiến. Từ xa nghe tiếng còi của cảnh sát 113 - cảnh sát chống bạo động, còi xe cứu thương và xe cứu hoả. Tiếng còi làm người ta sợ hãi, tim như bị thắt lại. Nhanh như cắt, một kịch bản được thực hiện hoàn hảo, cảnh sát 113 cô lập mọi ngã đường. Công an mặc sắc phục, thường phục đã bố trí khắp nơi, từ nhà ra vườn. Lực lượng dân phòng cầm dùi cui, sát khí đằng đằng. Chính quyền địa phương đã có mặt đông đủ: tổ dân phố, khối dân phố, phường, thị xã…, lực lượng có hơn 100 người.

Từ mấy ngày trước má bàn bạc với ba, chuyển bàn thờ gia tiên về tạm nhà chú Năm, còn đồ đạt đáng giá đã chuyển về nhà ngoại. Ngày hôm đó, ba vừa khóc vừa đốt nhan khấn nguyện ông bà, nước mắt ràng rụa. Cái hộp đựng gia phả sơn đỏ, ba nâng niu, hai bàn tay quá trán, kính cẩn đưa xuống khỏi bàn thờ, trao cho chú Năm chuyển ra. Cái khám thờ to và nặng chạm trổ tứ linh, rất tinh xảo cũng được đưa xuống. Rồi hoành phi, câu đối, tất cả được đưa ra một chiếc taxi lớn có cắm 4 cờ đuôi nheo. Ba ngồi phía trước ôm gia phả, chú Năm cùng ba người nữa cẩn thận đưa khóm thờ lên xe. Có thêm 7-8 người nữa trong gia tộc cùng lên xe đưa về nhà chú Năm.

Bây giờ, căn nhà giữa trống trơn, má kê một chiếc giường giữa nhà. Sát bức vách đối diện với sân nhà, má kê một chiếc tủ đứng. Tôi không hiểu má định làm gì, bà đi ra phía sau đem ra 7-8 túi nilon. Nghe mùi tôi biết đó là những túi phân người, bà để dưới sàn nhà. Khi công an ập vào, bà cởi áo vứt xuống sàn chỉ còn lại áo nịt ngực, bà cởi cả quần, chỉ còn có quần lót. Mấy tay công an sờ sững, bối rối không biết phải làm gì?! Họ như những robot hết bin, luống cuống ngẩn ngơ. Trong số họ, có người nhìn chằm chằm vào má, chân như dính chặt xuống sàn nhà. Trước mặt tôi và họ là cả một toà thiên nhiên lộng lẫy, đẹp mê hồn với những nét nẩy nở tuyệt vời. Màu da hồng như phấn, mịn như lụa. Trong khoảnh khắc hãi hùng đó, tôi nhận ra má đẹp như một thiên thần và vô cùng tức giận, vô cùng hối tiếc vì cái sắc đẹp trời cho như vậy phơi bày trước mặt một lũ người thô lỗ, kệt kỡm kia. Tôi chỉ còn biết ôm mặt khóc nứt nở. Khi nhận ra những con mắt thèm thuồng dán chặt vào má, bà vớ một bịch phân ném mạnh xuống sàn. Cái chất nhày nhụa ấy văng tứ tung vào người, văng cả ra ngoài rất xa. Bọn họ hốt hoảng chạy tản ra xa. Một tay công an mặc sắc phục bị dính một tí trên má, hắn đưa tay chùi nhẹ và ngửi, hắn nhăn mặt. Cái khuôn mặt nung núc thịt và đỏ au của một người ăn uống sung túc.
- Ôi! Con mẹ này nó chơi “bom bẩn”.

Má bình tĩnh lên giường nằm, sau khi cởi luôn những gì còn lại trên người, trước mặt đám người nhốn nháo ngoài kia. Còi cảnh sát 113 và xe cứu thương, xe chữa cháy lại rú lên từng hồi buốt tận óc, tôi phải bịt tai lại. Má quay lưng lại, tấm lưng trắng hồng nẫy nở và vô cùng quyến rũ hướng ra sân. Nằm như vậy, bà có thể quan sát những diễn biến ngoài kia. Tay công an mặc thường phục trạc 50 tuổi, người cao lớn đẩy đà giọng người Thái Bình quát lũ đàn em đang đứng sững sờ ngấp nghé nhìn vào:
- Chúng mày xông vào còng tay con mụ đó lại cho tao, lôi ra đây.

Một vài người tình nguyện xông vào, má vùng dậy, vớ tay lấy mấy bịch phân ném xuống sàn. Một túi ném ra tí nữa là trúng vào mặt tên công an chỉ huy. Hắn bỏ chạy khá xa. Hắn ăn mặc bảnh bao, quần áo loại hàng hiệu, giầy bóng loáng hiệu Itali. Hắn đâu dám liều với mấy thứ “bom bẩn” ấy của má. Tất cả vừa chạy dạt ra, vừa la ó. Tôi bàng hoàng lo lắng cho má và sợ hãi vô cùng. Lại thêm một vài lần xông vào và lui ra. Mấy túi phân cũng ném hết, má coi như không đường tự vệ. Họ cho người thăm dò quan sát. Nhiều người thập thò kín đáo nhìn qua cửa sổ, cửa chính. Có mấy cái ống nhòm từ xa quan sát mọi góc cạnh trong nhà. Mười lăm phút sau, một toán nữ công an mặc sắc phục, với còng số 8, một đoạn dây nilon, một túi nhựa màu đen xuất hiện. Một chiếc xe cứu hoả nhích dần vào sân, vòi rồng kéo tận hiên nhà. Một làn nước mạnh xịt tung toé, tôi chỉ kịp chạy ra phía sau ẩn nấp. Má chồm dậy, vòi nước mạnh trúng người làm má chao đảo rồi ngã quỵ xuống sàn. Những tia nước vẫn tiếp tục tấn công má xối xả. Căn phòng giờ đây lênh láng nước. Nhanh chóng và chính xác, mấy người nữ công an còng tay má ra phía sau, trùm lên người má túi nilon màu đen từ đầu xuống chân, túi được khoắt một lỗ nhỏ để má thở. Tôi chỉ còn nhìn thấy đôi mắt to đen của má trong cái túi bùng nhùng ấy. Họ dùng dây trói má lại như đòn bánh tét, rồi khiêng ra xe. Tôi và ba xông vào để cứu má. Tôi giằng tay mấy nữ công an, họ tát mạnh vào mặt tôi mấy cái, rồi đẩy tôi ngã lăn trên nền đất. Tôi không cảm thấy đau, tôi vùng dậy chạy theo, nhưng không kịp nữa, xe đã chuyển bánh. Tôi cứ chạy theo như vậy rất xa, miệng kêu gào thảm thiết. Mấy bà hàng xóm ái ngại nhìn tôi, nhiều người cũng khóc theo. Móng chân tôi bật máu, bà Hai Bách băng bó chân cho tôi. Họ chưa động đến nhà bà. Tôi khập khiễng trở về nhà, thấy ba tôi bị họ còng tay vào một gốc cây. Tôi như một người điên xông vào túm áo tay công an chỉ huy. Ông ta né người, tôi lại ngã, miệng kêu thất thanh:
- Thả ba tôi ra-thả ba tôi ra.

Tôi chồm dậy định xông vào tiếp, có người giữ tôi lại. Tôi nhìn cái mặt nung núc thịt của ông ta. Tôi thấy kinh kinh hất vội tay ông ta ra. Tay sếp công an ra lệnh thả ba tôi ra. Còi lại hú đinh tai nhức óc. Mọi người tản ra, chiếc xe xúc nặng nề nghiến xích sắt xuống vườn. Những luống hoa bị nghiền nát, cây kiểng, chậu bonsai chỉ còn lại một đống gạch vụn bầy nhầy. Chiếc xe tiến sát căn nhà chính. Tiếng máy nổ ầm ầm, cánh tay sắt khổng lồ vươn lên và từ từ hạ xuống. Mái ngói của căn nhà với kiến trúc hơn 100 năm: ngói vẩy cá nặng và dầy gãy làm đôi đổ ập xuống. Những viên ngói đổ vỡ phát ra tiếng kêu thanh nhẹ vô cùng. Giữa cái hỗn loạn của máy móc, tiếng kêu thanh tịnh đó như một tiếng hạc bay vút lên trời, có lẽ đó là linh hồn của căn nhà có hơn một thế kỉ. Căn nhà bị san phẳng hoàn toàn sau mười lăm phút. Những cây cột mít một vòng ôm đổ ngổn ngang, những rui mè, đòn tay đều bị gãy nát. Một lát sau, họ rút lui.

Trong cái đống hoang tàn đổ nát đó, chúng tôi nhặt vội những gì có thể. Ba và chú Năm vừa khóc vừa dọn dẹp. Những cây cột cây tránh còn tốt được đưa lên xe. Những viên gạch to nặng cũng được thu hồi. Tôi sững sờ nhìn căn nhà mình biến mất trong phút chốc, căn nhà đẹp và ấm cúng mà 16 năm qua đã che chở mưa nắng cho tôi, căn nhà đầy ắp kỷ niệm vui buồn.

Vậy là chúng tôi phải sang tá túc nhà bà ngoại. Ba đỡ tôi khập khiễng bước vào nhà. Ngoại và cu Tý xúm xít quanh tôi, nhìn khuỷu tay tím bầm của tôi, bà hỏi:
- Người ta đánh cháu à?

Tôi khóc tức tưởi:
- Người ta xô cháu khi cháu vào bảo vệ má.

Bà ngoại nghiến răng:
- Đồ khốn nạn, quân ăn cướp.

Bà quay lại phía tôi đột ngột, chỉ vào chân:
- Còn cái này?
- Cháu chạy theo má bị va phải đá.

Cu tí xoa xoa vào cánh tay rồi đến bàn chân, vỗ về an ủi tôi:
- Đau lắm hả chị Hai?

Tôi khẽ gật đầu và cười nhẹ, vuốt ve chiếc má bầu bỉnh của nó, tôi thấy đỡ đau nhiều. Nó lại hỏi:
- Má ở đâu rồi, chị Hai?

Tôi không biết nên trả lời thế nào? Phân vân một chút, nó lại hỏi tiếp. Tôi biết không thể dấu được, tốt nhất là nên nói thật. Tôi ôm cu tí vào lòng, lồng tay vào mái tóc mềm như tơ của nó:
- Má bị người ta bắt đi rồi.

Nó vùng ra khỏi tay tôi, chạy ra sân, chắc là nó định chạy về nhà. Bà ngoại chạy theo, ôm nó vào lòng, nó vùng vẫy khá dữ. Bà ngoại phải nói dối với nó:
- Vài hôm nữa má sẽ về. Má cháu là người tốt, không ai làm gì được má đâu. Cháu ngoan để má khỏi buồn.

Ngoại ôm nó đặt lên giường. Nó vẫn khóc, nó khóc ấm ức. Tôi cũng vào an ủi nó. Ngoại bảo:
- Để ngoại, cháu đi tắm đi, cứ để em khóc, tí nữa nó sẽ nguôi ngoai.

Buổi tối, ngoại dọn cơm. Cu tí không chịu ăn, nó khóc tỉ tê, tiếng khóc có dịu đi. Tôi ăn một chút, món canh chua của ngoại ngon tuyệt như mọi ngày nhưng hôm nay tôi thấy nó nhạt nhẽo, tôi hiểu với tâm trạng này làm sao ăn nổi. Thỉnh thoảng, tôi cũng về ngoại để thưởng thức món canh chua này. Ngoại nấu canh chua kiểu Nam bộ, rất cay và ngọt. Tôi nhìn ba ủ rũ, ông không nuốt được, cổ họng ông như bị tắt vì uất ức. Ngoại nói với ba dịu dàng nhưng kiên quyết:
- Nếu là tôi thì tôi cũng làm như thế. Không thể để cho chúng cướp một cách hợp pháp được. Cứ như vậy, sau này còn kiện được. Đừng bạc nhược thế, con phải cứng cỏi lên.

Bà nhìn ba tôi, nét nhìn trở nên nghiêm túc. Tính của bà ngoại tôi y hệt má, không biết sợ ai, nhân hậu nhưng kiên định. Bà lấy cơm vào chén cho ba tôi, chan canh và bỏ một khúc cá úc vàng lườm thật ngon.
- Năm 1954, tôi theo gia đình bỏ đất Bắc vào Nam, tưởng là thoát thân nhưng cũng không được.

Tôi hỏi ngoại một câu vu vơ:
- Lên trời chắc sướng hả ngoại?
- Ở trên trời, làm thiên thần tất nhiên là sướng rồi, nhưng phải tu tập, tích tụ nhiều công đức thì mới lên trời được.

Ngoại là người Hà Nội, giọng nói trong trẻo và ngọt ngào. Nếu nhắm mắt lại nghe ngoại nói thì tưởng là má, có điều má khác một chút - má nói một vài âm miền Nam.

Đêm ấy, tôi không sao ngủ được, không phải vì lạ chỗ. Thỉnh thoảng tôi vẫn về nhà ngoại ở vài hôm. Ngoại cũng không ngủ được, tôi thấy ngoại liên tục trở mình. Tiếng thạch sùng chắt lưỡi trong đêm nghe thật rõ. Tiếng chim ăn đêm kêu từng hồi dài buồn bã. Đồng hồ điểm một giờ, hai giờ, ba giờ. Tôi vẫn không ngủ được. Rồi tiếng gà gáy xa xa. Không ngủ đựơc, tôi mơ cả gia đình lên trời. Ở đó, sống bình yên và hạnh phúc. Không biết trên trời người ta có đi học không? Nếu không đi học thì buồn lắm. Nhưng tôi không biết có còn được đi học nữa không? Má tôi bị bắt có về được không?

Hàng trăm câu hỏi không được trả lời, và câu hỏi lớn nhất, khó nhất cứ lởn vởn trong đầu tôi: Tại sao gia đình tôi lại chịu cảnh oan nghiệt này, tại sao chúng tôi lại không được sống bình an và hạnh phúc?

Cu tí ngủ như những đứa trẻ khác, trong giấc mơ, nó vẫn ấm ức. Không biết bây giờ má ở đâu? Người ta đối xử với má thế nào, họ có đánh đập má không? Má đẹp như thế, tôi lo sợ vu vơ. Chắc là má cũng không ngủ được. Sáng mai, đi thăm má có được gặp má không? Bao giờ thì má về? Sự việc sẽ ra sao nữa đây?

Buổi sáng, chúng tôi ăn qua quýt một chút gì đó. Bà ngoại phân công cho từng người, không có má, tôi tin tưởng hoàn toàn vào bà ngoại, vì ba đã suy sụp quá rồi. Đối với ba, những chuyện vừa xảy ra quá sức chịu đựng. Bây giờ ba như người mất hồn, trông thật tội nghiệp. Ngoại nói với tôi:
- Cháu cứ ở nhà nghỉ ngơi cho khoẻ, ngoại đưa cu tí đi học, rồi ghé lại trường xin phép cho cháu. Sau đó ngoại sẽ đến công an phường.

Bà quay sang ba tôi:
- Anh đến công an phường, chờ mẹ ở đó, nhớ mang áo quần và một ít thức ăn cho vợ anh.
- Dạ vâng ạ! Ba ngoan như một cậu bé.

Khi mọi người đã đi hết, tôi lò cò cái chân đau trở về nhà. Đến nhà, tôi không nhìn ra nữa: cái cảnh tượng tan hoang trước mắt tôi làm tôi đau đến tận tim. Chú Năm và cô út ở đó. Họ nhặt nhạnh những gì có thể, cho lên chiếc xe công nông. Bà hai Bách cũng qua giúp một tay. Tôi hỏi bà:
- Chắc là họ không đụng đến nhà bác phải không?

Bà dừng tay, nhìn tôi:
- Không đâu, bác đã chuẩn bị sẵn sàng rồi. Hôm nay hoặc ngày mai họ sẽ cưỡng chế. Người ta đang thực hiện kế hoạch “bẻ đũa”.
Tôi không biết gì hết, hỏi bà:
- “Bẻ đũa”nghĩa là sao?

Bà cười nhưng trong nụ cười đó chất chứa những nỗi lo lắng và bất an:
- Nghĩa là khi bẻ đũa thì bẻ từng chiếc dễ hơn bẻ nhiều chiếc cùng một lúc.

Tôi “à” một tiếng nhẹ và hiểu ra. Tôi thán phục sự thông minh của bà.

Từ xa vọng lại tiếng còi 113, xen lẫn tiếng còi xe cứu thương. Cái âm thanh đó nghe rờn rợn, trấn áp tinh thần người ta, phủ chụp mọi người bằng một thứ sợ hãi, cái thứ sợ hãi có sẵn tự bao giờ, nó ẩn trú đâu đó. Tiếng còi như một thứ tín hiệu của phù thủy làm cho con ma sợ hãi ẩn trú một nơi nào đó thoát ra, chế ngự mọi người. Hàng đêm, mỗi khi nghe tiếng còi 113 là tôi không tài nào ngủ được. Chúng tôi chạy theo bà Bách, sang nhà của bà. Tiếng còi như đuổi theo chân chúng tôi rất gần. Tôi tìm một chỗ thuận tiện để quan sát. Cái kịch bản ngày hôm qua diễn lại một cách hoàn hảo: lực lượng công an sắc phục và thường phục, cộng với lực lượng dân phòng tay cầm dùi cui điện bố trí khắp nơi trong vườn.

Căn nhà của bà Hai Bách khá bề thế, mái ngói đã rêu phong,nhưng thẳng tắp, nó được nâng đỡ bởi những bức tường dày đến 30cm và một sườn gỗ mít vững chãi. Căn phòng chính của căn nhà đã đựơc dọn trống trơn, bày biện một bàn thờ có hương khói và hoa như bàn thờ của người chết. Tôi chợt nhận ra cái chân dung to tướng của ông Hồ Chí Minh. Bà Bách gọi thân mật là Bác Hồ. Bà quỳ dưới đất, mặt nhìn vào chân dung. Chính quyền địa phương và công an bước vào, đọc lệnh cưỡng chế, và khuyên nên ký vào bản cam kết chấp nhận di dời.

Bà từ chối, nước mắt ràng rụa, bà kêu to:
- Bác Hồ ơi, họ cướp nhà, cướp đất của con mất, Bác Hồ ơi.

Bà chắp tay như cầu xin sự giúp đỡ của ông ta, hoặc trông chờ một phép màu nào đó. Nhưng không có một phép màu nào xảy ra. Còn Bác Hồ của bà thì vẫn mỉm cười - trong cái hoàn cảnh bi đát của bà. Tôi thấy nụ cười ấy thật là vô tình, gần như nhạo báng bà. Bà đã quá ngây thơ. Hai nhân viên công an mặc sắc phục nắm khuỷu tay, kéo bà đứng lên. Bà vùng thật mạnh làm hai người công an dạt ra, bà vồ lấy tấm chân dung Hồ Chí Minh ôm vào lòng, chân dung hướng về phía trước.

Bà lại quì xuống, vừa khóc vừa kêu:
- Bác Hồ ơi, cứu con.

Hai người công an lúc nãy áp sát người bà và điệu bà ra ngoài. Bà chỉ giằng co một chút, không một phản kháng nào diễn ra. Ra đến sân bà lại la to hơn :
- Bác Hồ, ông dậy mà coi cái bọn cướp này, cướp nhà cướp đất của tôi.

Nhanh như cắt, một nhân viên công an giằng lấy tấm ảnh từ tay bà. Bây giờ bà đã yếu đi nhiều. Một nhân viên khác tát cho bà mấy cái vào mặt, làm bà choáng váng.

Bà tiếp tục chửi:
- Quân ăn cướp, rồi chúng mày sẽ bị trời đánh, sẽ vào địa ngục với Bác của chúng mày.

Thế là họ tát bà túi bụi. Cái thân hình khá nặng nề của bà ngã khuỵu xuống. Có mấy người nữa, tay mang băng đỏ áp vào, họ khiêng bà ra xe, quăng lên xe như quăng một cái túi. Họ còng tay bà vào ghế xe, rồi đóng sầm cửa lại, chở đi mất. Hai người con trai và ông chồng ốm tong teo của bà đứng như trời trồng, mặt há hốc xanh như đít nhái. Sợ khiếp vía, họ không còn phản ứng gì. Trông họ vừa bất lực, vừa đau khổ tột cùng.

Chiếc xe xúc đất ngày hôm qua lại thực thi cái công việc của nó. Cái bàn tay khổng lồ có răng tua tủa như quái vật, từ từ hạ xuống móc vào mái ngói. Trong hỗn tạp của tiếng máy, có tiếng kêu răng rắc của gỗ. Chiếc máy xúc như con khủng long kỷ Ura với những trò chơi ác độc. Chỉ một lát sau, căn nhà chỉ còn có vôi vữa ngỗn ngang. Căn nhà xây dựng trước năm 1975 không có một viên gạch nào, chỉ toàn là táp-lô-vật liệu phổ biến của lúc ấy. Một bức tường đổ sụp, một mảng tường lớn còn khá nguyên vẹn nằm chênh vênh gối đầu vào một trụ bêtông. Những đường nứt chân chim ngoằn nghèo như chỉ tay, làm bong ra một lớp vôi dày cộm quét bên ngoài. Tôi nhận thấy một phần của lá cờ vàng ba sọc đỏ-cờ của chế độ cũ. Mẹ tôi có lần cho tôi xem chiếc áo dài nữ sinh trung học của mẹ, được xếp cẩn thận, trên ngực chiếc áo đó có đeo lủng lẳng một lá cờ nhỏ khoảng 2 ngón tay, dài 3 phân bằng kim loại, màu vàng, màu đỏ còn rực rỡ và sáng choang. Đó là kỉ niệm ngày còn đi học. Mẹ rất quí nó. Trong những năm tháng trước đây, việc giữ lá cờ này có thể mất mạng, còn bây giờ có thể đi tù nhưng mẹ vẫn không sợ.

Đến trưa, khi nắng đã gắt, tôi nhìn lên những tán xoài còn lại, đong đưa những chùm trái xanh, lòng buồn vô kể, nước mắt chảy ra không sao kìm nỗi. Chú Năm vuốt tóc tôi an ủi:
- Mọi sự đều vô thường con ạ, có đó rồi mất đó.

Chú Năm chở tôi về bằng chiếc xe đạp cũ kĩ, sau khi dặn người tài xế công nông chở những vật gom góp được về nhà chú. Ba và ngoại đã về. Ngoại thuật lại mọi chuyện cho chú Năm và tôi nghe bằng cái giọng kiên nghị và thái độ khinh bạc:
- Họ quyết định tạm giam bốn tháng và khởi tố con Thanh theo điều 83 của Bộ luật hình sự, với tội danh chống người thi hành công vụ. Tôi có gởi một chút thức ăn và áo quần cho nó - bà mỉa mai - họ đã nhận để “chuyển giùm làm phước”.

Tôi chỉ còn biết khóc, cứ nghĩ vài hôm thì má sẽ về, ai ngờ họ lại tàn ác thế. Má chỉ tự vệ theo cách của kẻ yếu, kẻ thế cô, có gì nghiêm trọng đâu, có gây ra hậu quả gì đâu! Tôi nghe đôi mắt nóng bừng, chỉ có 24 giờ đồng hồ trôi qua, mà nước mắt của tôi chảy xuống không biết bao nhiêu lần làm ướt cả vạt áo trước ngực.

Mười sáu tuổi, cái tuổi thần tiên. Tôi coi nhiều phim ảnh của các nước phương Tây, của Hàn Quốc. Tuổi trẻ của họ thật hạnh phúc, thật bình an. Họ khóc vì những thành công sớm, những món quà của người thân, những cơ hội đựơc đi đây đi đó. Nước mắt của họ là nước mắt của hạnh phúc và thành đạt. Chứ đâu có như chúng tôi: khóc vì đau khổ, bất hạnh, vì bị chà đạp phũ phàng, vì bị tước cả tương lai, bị đẩy vào cuộc sống vô định, bất trắc, khóc vì tuổi nhục và bị tổn thương. Cái quyết định vô cùng đơn giản và dễ dàng của họ đã đẩy gia đình tôi vào thế đường cùng, làm đảo lộn tất cả cuộc đời chúng tôi. Tôi không biết ở đâu trên thế giới này mà nhà cầm quyền lại quyết định số phận của công dân mình dễ dàng và vô trách nhiệm như thế. Như vậy là cuộc đời tôi đành phải hoạch định lại. Buổi tối sau một bữa cơm nặng nề và nhạt nhẽo, tôi thấy thức ăn chẳng có mùi vị gì, tôi cố nuốt như một cái máy.

Tôi bê mâm trà lên bàn như mọi lần, mời ba và ngoại. Vẫn là trà như mọi ngày, sao tôi lại không cảm nhận được những hương thơm quyến rũ của nó. Mũi tôi bị trơ rồi sao? Sau bao nhiêu biến cố dồn dập trong thời gian quá ngắn, những đổ vỡ đó như những vết thương còn quá mới mẻ. Nỗi đau đột ngột phủ chụp lên cuộc đời non nớt làm choáng váng, sự mất quân bình là điều tất nhiên, làm sao tránh được. Bà ngoại hỏi ba, nhưng trong cái nhìn của bà tôi hiểu bà đã có sẵn một kế hoạch cho tương lai:
- Con định như thế nào?.

Ba nói vẻ mặt còn ngơ ngác:
- Dạ! Con định đi xe ôm để cha con sống qua ngày chứ biết làm sao.

Bà uống một ngụm, rồi đặt tách trà xuống bàn, chiếc cốc khẽ chạm vào mặt kiếng. Cử chỉ của ngoại điềm đạm và quí phái. Mẹ kế thừa được sự quí phái đó. Có lần nghe mẹ kể chuyện, ông thân sinh của bà ngoại là một tiến sĩ. Bà cũng là con nhà trâm anh. Ông mất khi bà mới lọt lòng, mẹ bà một thân nuôi đàn con dại sáu đứa, bà ngoại là con út. Tuy bà không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng cái tư chất thông minh, lịch lãm của bà khó ai sánh kịp.
- Anh mà đi xe ôm thì hỏng. Hiền lành như anh làm sao có thể làm cái việc nhiều sự va chạm như thế được. Thôi thì “ngộ biến tòng quyền”, tôi đau lòng nhưng chẳng biết làm sao. Anh cứ nghĩ ngơi cho bình tĩnh trở lại, trông anh sắp quỵ đến nơi. Trước mắt, con Thảo theo tôi ra bán hàng ngoài chợ.

Ba hoảng hốt ngắt lời bà:
- Còn việc học của cháu?

Bà lại nâng chén trà lên với cái vẻ điềm đạm, quí phái:
- Tôi hiểu, việc học của cháu, cứ chờ má nó về sẽ học tiếp. Chuyện hệ trọng bây giờ là làm sao mình phải giữ được quầy bán trái cây ngoài chợ, mình không bán, người ta sẽ thu hồi cho người khác thuê. Ba cha con sống bằng cái gì đây, tiền trường của cu tí, còn phải nuôi con Thanh trong tù nữa. Khi nào nó về còn có chỗ để sinh nhai, không thể bỏ quầy trái cây đó được. Bỏ là đói tất.

Tuy không muốn nghỉ học tí nào nhưng tôi tán thành ý kiến của bà. Tôi rất hiểu bà. Công việc bán trái cây này là của bà truyền lại, nó mang cả tâm huyết của bà trong đó. Thời buổi này, dễ gì có được một cơ sở như vậy. Công việc hơi vất vả nhưng thu nhập rất khá, có thể bảo đảm cuộc sống cho ba cha con tôi, còn việc phải nuôi má trong tù. Tôi nghe người ta nói, vật giá trong tù đắt gấp hai, ba lần ở ngoài, chi phí cho một người trong tù bằng hai người ở ngoài. Hơn nữa, tôi không muốn ba tôi đi xe ôm, ông hiền lành quá, trời sinh ra ông là để trồng cây cảnh. Ba rất khéo tay, tỉ mẩn và đầy sáng tạo. Trong giới trồng hoa và kinh doanh cây cảnh,họ gọi ba là “đại ca”, ông là một nghệ nhân thực sự. Mất mảnh vườn, ông mất đi cái phương tiện thể hiện tài năng của mình. Ông như bị què quặt, mất cả sinh khí, như bị quẳng qua một thế giới khác, bị tách khỏi môi trường của mình, ông trở thành vô dụng.

Hằng ngày tôi thấy những người đi xe ôm, tụ tập ở những ngã ba ngã tư, họ chờ khách từ những xe khách Bắc Nam. Mỗi lần có một xe khách dừng lại, họ đổ nhào đến bất kể nguy hiểm. Họ lôi kéo, chụp giật hành khách. Người nào cũng hốc hác và đen cháy vì nắng. Tôi thấy công việc này vừa vất vả, tạm bợ vừa không vẻ vang gì. Nhưng ở cái thành phố nhỏ này nhan nhản những người chạy xe ôm, người ăn xin, người bán vé số. Bà ngoại thường nói với má: “Cái xã hội bây giờ, đầy rẫy những kẻ lưu manh, bọn cò mồi gái điếm, người làm nghề xe ôm, bán vé số và ăn xin. Tôi đã sống qua hai chế độ, chưa thấy như vậy bao giờ”. Còn một lí do nữa, là tôi rất sợ, nếu ba làm nghề xe ôm rong ruổi trên đường, vừa nguy hiểm vừa vất vả. Tôi thấy mấy người làm nghề xe ôm, họ có những thói xấu như cờ bạc và uống rượu. Khi vắng khách, họ xúm tụm đánh bạc ngay trên vỉa hè. ”Con người thời nay không có được những quyền cơ bản như thông tin ngôn luận, lập hội và tôn giáo, nhưng họ được tự do uống rượu và đánh bạc”. Bà ngoại nói với tôi như vậy mỗi lần bà cháu tôi đi dạo quanh thành phố. Ở đâu, cũng thấy nhà hàng quán rượu đủ loại từ sang trọng đến bình dân. Trong những quán rượu sang trọng, các cô gái tiếp viên mặc những chiếc quần short ngắn củn cỡn, te tua, bó sát người, trễ xuống quá rốn. Con đường ven sông (dòng sông đục ngầu, bẩn thỉu lềnh bềnh rác và xác súc vật ) có rất nhiều người đi câu cá cũng rất nhiều người uống rựơu đánh bạc và cả đá gà. “Những hạng người này thật bạc nhược và hèn hạ, không dám đối diện với sự bất công, họ đi tìm những thú vui tầm thường. Họ đi tìm sự bình an cho chính mình - cái cảm giác bình an của người thua cuộc và chạy trốn. Hào khí nam nhi đất Việt đã mất rồi….”. Ngoại vẫn thường ta thán như thế.

Trong những quán cafe vườn sang trọng và tao nhã, vào những buổi chiều mùa hạ thật đẹp, khu vườn với những lùm cây si đong đưa những chùm rễ, hồ cá rộng và giả sơn thâm u, những người dáng vẻ trí thức bảnh bao, mày râu nhẵn nhụi, trầm tư bên tách càfê hoặc những ấm nước trà. Ở đây, người ta bán trà Ô Long, được phục vụ theo phong cách Tàu. Bà hỏi tôi:
- Cháu có biết họ đang nói chuyện gì với nhau không?

Tôi hơi ngạc nhiên, tại sao bà lại hỏi mình một câu như vậy.
- Dạ không.

Bà mỉm cười mỉa mai, giọng chua chát:
- Bọn trí thức ”dỏm” này đang bàn đến chuyện áp phe làm ăn, bao giờ thì lên chức, lên lương. Làm sao để đưa con đi học nước ngoài, làm sao để mua đất ở trung tâm thành phố, làm sao để kiếm một ghế trong kỳ bầu cử sắp tới, cần phải tìm đến ai có thế lực đây, gõ cửa sếp nào đây?. Đại loại như vậy - những chuyện bẩn thỉu. Ai cũng nghĩ đến chiếc ghế và cái ngân khoản của mình ở ngân hàng. Chẳng ai nghĩ đến đất nước, dân tộc, đến tương lai thế hệ trẻ. Ai cũng lo hưởng thụ và thủ đắt. Trí thức thời nào cũng là nguyên khí quốc gia. Trí thức mà tầm thường, bạc nhược như vậy thì nguyên khí quốc gia suy sụp.

Tôi nghĩ ở các nước văn minh, suốt một tuần làm việc cật lực, người ta đi câu cá để thư giản, tìm sự tỉnh lặng cho đầu óc bớt căn thẳng. Nó là một thú vui tao nhã. Còn ở đây, những con người này, họ tìm gì nơi sự tĩnh lặng của dòng sông. Họ câu được gì nơi lềnh bềnh xác súc vật, rác và phân người. Dòng sông ô nhiễm, có đựơc mấy con cá sống nổi ở đó. Họ là những người thất nghiệp,cuộc sống nghèo đói về vật chất, và bế tắc về tinh thần, cuộc sống không tương lai, không sinh khí. Còn những người say rượu, ở Việt Nam cái gì cũng đắt, chỉ có rượu là rẻ, 4 ngàn đồng /1lít, chưa bao giờ và không ở đâu mà rượu rẻ đến như vậy. Hai người, một lít rượu, 1 gói thuuốc lá (thuốc lá cũng rất rẻ), một dĩa mồi, tổng cộng mười ngàn đồng. Chiều nào, tối nào những quán nhậu bình dân cũng chật ních người, xe máy xe đạp để lung tung, lấn cả con đường giao thông vốn đã quá nhỏ và quá tồi tàn. Họ trở về, “chân nam đá chân chiêu”, mồm nồng nặc rượu và thuốc lá. Có người phóng xe bạt mạng chẳng còn biết trời đất là gì. Họ mang lại tai hoạ đến cho chính mình và người khác. Họ say để khỏi đối diện với cuộc sống nghiệt ngã, say để quên đi thân phận thấp kém nghèo hèn của mình, say để chấm dứt tất cả kể cả tương lai. Chưa bao giờ tôi thấy người say nhiều đến thế. Việt Nam bây giờ là một dân tộc bạc nhược và sợ hãi, một dân tộc ích kỉ và hèn nhát, tham lam và bất lực. Ở nông thôn và ở cả những khu nhà ổ chuột, người ta tìm mọi thủ đoạn để lấn chiếm, tranh giành một rẻo đất của người hàng xóm, của anh em ruột thịt làm cho hàng xóm ghen ghét nhau, gia đạo bất hoà, anh em li tán. Nhiều trường hợp đánh cãi nhau dẫn đến án mạng. Nhưng họ lại cúi đầu để cho chính quyền lấy đi cơ ngơi cả đời họ nỗ lực mới có, mà không một phản ứng bảo vệ, chỉ biết lặng thinh, nhẫn nhục, nhận mấy đồng xu bố thí, gọi là:”bồi thường” thoả đáng. Thật là một bi kịch hãi hùng và tủi nhục!

Như vậy là cuộc đời của tôi đã được quyết định theo một chiều hướng khác. Kể từ bây giờ là từ giã tuổi học trò mơ mộng. Đã hết những buổi chiều rong chơi đây đó cùng bọn con gái tinh nghịch về miền quê yên tĩnh với những lũy tre xanh, những vườn chuối, quán nước ven đường quê, con kênh nước đục, bờ cỏ xanh, cây cầu chênh vênh, con đường uốn quanh, khúc khuỷu; đã hết những đêm đạp xe qua phố vắng đèn đỏ đèn vàng nhấp nháy, những đêm đông rủ nhau ăn bánh xèo, bò bía. Cũng không còn những buổi liên hoan khi đã thi xong học kỳ, được trổ tài đi chợ nấu nướng - cái thú được sai mấy đứa con trai làm theo lệnh của mình khi nấu món cari theo kiểu Ấn độ thật là đã.

Khi mọi người đã yên giấc, tôi trở dậy mặc chiếc áo nữ sinh, và ngắm mình trong gương, tự nhủ: ”Không ngờ mình đẹp như vậy. Vắng mình, mấy thằng con trai lớp lớn mất cơ hội ngắm nhìn. Mấy đứa con gái cũng hết ghen tị vì bàn tay nuột nà - mái tóc mây bồng bềnh gợn sóng như mây mùa thu”. Nước mắt tôi đột nhiên tuôn chảy không sao dừng lại được. Bất chợt bóng ngoại xuất hiện phía sau, tôi quay người ôm chầm lấy ngoại và khóc, khóc thật to để cho cái u uất theo dòng nước mắt trôi đi. Ngoại ôm tôi vào lòng, vuốt ve mái tóc mềm bóng, tấm lưng thon nhỏ.

Ngoại thì thầm vào tai:
- Cuộc đời là bể khổ. Rốt cuộc chỉ là số không. Con cứ khóc và con sẽ khóc. Những lúc đau khổ, chúng ta gần với Đức Phật hơn. Đau khổ nó cũng có cái lợi của nó và hạnh phúc nó cũng có cái giá bất an của nó.

Đêm đó tôi ngủ với ngoại, thỉnh thoảng khi thức giấc tưởng nhầm là má, và tưởng như đang ở nhà mình. Sáng mai thức giấc, theo ngoại đến chợ để bắt đầu công việc mới. Công việc này cũng không lạ lẫm gì. Những ngày gần Tết Nguyên đán hoặc tết Đoan Ngọ tôi vẫn giúp má bán hàng.

Chợ bé tí gần khu dân cư mới. Con đường trước mặt khá rộng và cũng thưa người đi, chỉ có học sinh là nhiều. Ngồi bán hàng với ngoại nhìn chúng nó hai buổi đi về thật vui, thật hạnh phúc. Thỉnh thoảng cố giấu dòng nước mắt cho nó chảy vào trong. Một hôm, đang cân trái cây cho khách, có một ai đó ôm chầm từ phía sau, vòng ôm êm đềm và thân thuộc với bàn tay con gái nhỏ nhắn xinh đẹp búp măng. Tôi quay lại, mang máng biết đó là Tú, cô bạn thân. Chưa kịp nói câu nào, Tú khóc như mưa như gió, thế là cả hai cùng ôm nhau khóc. Tôi ngồi nghe Tú kể chuyện về trường về lớp về mấy đứa bạn thân. Tú nói nhỏ vào tai:
- Con Thuỷ nó có bồ rồi mày ạ.

Tôi giật nảy mình, đôi má nóng bừng bừng:
- Thôi đi mới tí tuổi đã bồ bịch.
- Thật mà, tao bịa làm gì! Tú phân minh.

Ở trường, Thuỷ rất nổi tiếng. Ba mẹ Thuỷ là cán bộ lãnh đạo, nhà giàu có biệt thự ở Nha Trang, Đà Lạt. Thuỷ học hành chểnh mảng nhưng thầy cô giáo ở trường, kể cả ông hiệu trưởng cũng không dám nói nặng một câu. Ai cũng vuốt ve và chiều ý Thuỷ. Nhà Thuỷ ở là một ngôi biệt thự sang trọng bật nhất. Ba má Thuỷ rất ít khi ở nhà. Có lần Thuỷ mời bạn bè đến xem phim. Khi xem mới biết là phim sex, không đứa nào dám xem. Thuỷ cứ xem tỉnh bơ.

Có bạn nói nhỏ với nó:
- Xem phim này công an bắt đấy.

Thuỷ cười, nụ cười thật đẹp và lạnh lùng:
- Công an nào dám bắt tao.

Cả buổi hôm đó nói chuyện với Tú, bà ngoại rất vui vì thấy tôi vui vẻ trở lại. Ngoại cám ơn Tú với một túi trái cây thật ngon.

Thoáng chốc mà đã một tháng cùng ngoại bán hàng. Những hôm vắng khách, ngoại thường kể chuyện về má và những lời khuyên, đa phần là từ cuộc đời ngoại và từ kinh Phật. Ngoại bảo:
- Cân thì phải cân già một tí, tuyệt đối không được cân non. Khi hàng khan hiếm không được lợi dụng để tăng giá. Trái cây người ta mua cũng có nhiều mục đích: để ăn hàng ngày, để làm quà, để cúng tổ tiên, cúng Phật - lễ chùa, cho nên phải thận trọng rửa tay sạch sẽ. Làm người rất khó, gặp người tốt phải giữ gìn mối quan hệ tốt với họ, gặp người xấu phải cẩn trọng, hơn nữa khỏi va chạm mất lòng.

Có lần một người khách, khi cân hàng xong bà ta lấy thêm một trái nữa bỏ vào, tôi nhìn ngoại không biết ứng xử ra sao Ngoại vẫn điềm nhiên tươi cười, ngoại thêm vào hai trái nữa với lời mời ngọt ngào:
- Hồng này tươi và ngon, bà lấy thêm cho đủ 1kg rưỡi nhé.

Rồi bà cân lại hàng và tính tiền 1kg rưỡi. Tôi phục quá vì bà giải quyết một tình thế khó khăn một cách hợp lí hợp tình như vậy. Một lần khác, có một thanh niên đăm đăm hung dữ, anh ta mua một túi vải, trả tiền xong, khi đi anh ta thuận tay cầm thêm một chùm chôm chôm. Ngoại từ từ theo sau, nhẹ nhàng nói với anh ta:
- Cậu để tôi cho chôm chôm vào túi để khỏi rơi vãi ra ngoài.

Ngoại cho vào túi bỏ lên bàn cân và tính tiền. Anh thanh niên ngoan ngoãn trả tiền. Tôi thấy nét mặt anh ta dịu lại trông dễ coi hơn. Tôi thở phào nhẹ nhỏm khi ngoại nói với theo:
- Lần sau mời cậu mua giùm cho nhé.

No comments: