Sunday, November 9, 2008

MOSCOW THĂM DÒ BẢN LĨNH CỦA OBAMA

Matxcơva thăm dò bản lĩnh của Obama
Tú Anh
Bài đăng ngày 08/11/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 08/11/2008 13:15 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/107/article_1516.asp
Theo nhận định của AFP, chiến thuật gây sức ép với chính quyền tương lai tại Hoa Kỳ của Nga có thể phản tác dụng, khiến tổng thống Mỹ tương lai trở nên cứng rắn hơn.

Ngày 05/11/2008 vào lúc toàn thế giới từ chính phủ đến công luận hoan hỉ chúc mừng ông Barack Obama đắc cử tổng thống Mỹ một cách ve vang, thì Matxcơva là chính quyền duy nhất dùng lời lẽ răn đe.
Theo tuyên bố của tổng thống Medvedev, Nga sẽ « vô hiệu hóa » hệ thống lá chắn chống tên lửa của Hoa Kỳ. Một là đưa tên lửa Iskander cải tiến, với tầm bắn 500 km, gấp đôi tên lửa cũ, sang Kaliningrad. Đây là một vùng đất của Nga nằm giữa lãnh thổ Ba Ln và Litva, hai thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Hai là « phá sóng ra đa » hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ đặt tại Đông Âu.

Theo nhận định của AFP, tuyên bố bốc lửa của tổng thống Nga thực ra là một chiến thuật gây sức ép với chính quyền tương lai tại Hoa-Kỳ. Nhưng toan tính này có khả năng gây tác dụng ngược làm cho Tây phương và trước tiên hết là tổng thống tương lai của Mỹ trở nên cứng rắn hơn.

Chuyên gia Pháp François Heisbourg thuộc Viện nghiên cứu an ninh Paris FRS, bình luận rằng : « nếu Matxcơva nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ sợ đe dọa mà từ bỏ kế hoạch lá chắn thì đúng là họ lầm to ». Tuy phe Dân chủ tại Mỹ không hăng hái như phe Cộng hoà trong dự án « lá chắn » vì quá tốn kém, nhưng « Obama rất kỵ những gì có thể tạo ra hình ảnh ông là một người dễ bị hù dọa ». Do vậy « ngay trong trong những ngày đầu nhiệm kỳ, Barack Obama sẽ không để cho dư luận có cảm tưởng là ông để cho kẻ khác xô lấn ».

Cũng cùng nhận định này, hôm qua ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier, một người chu trương ôn hoà với Nga đã phải lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ thái độ của ông Medvedev. Ngoại trưởng Đức gọi đây là một « tín hiệu vừa xấu vừa không đúng lúc ». Frank Walter Steinmeier cảnh báo « giới lãnh đạo Nga phải ý thức rằng cơ may cải thiện quan hệ Nga-Mỹ tùy thuộc vào vị tổng thống tương lai đang tìm cách phát huy một hình thức hợp tác mới », do vậy « Matxcơva không nên tạo ra những hiểu lầm mới ».

Cũng trong ngày hôm qua 07/11/2008 nhân danh Liên Hiệp Châu Âu, Pháp đã ra một thông cáo chỉ trích Nga có lời tuyên bố « không góp phần vào việc tạo sự tin cậy lẫn nhau và cải thiện an ninh tại châu Âu vào lúc Liên Hiệp muốn đối thoại với Nga về vấn đề an ninh của châu lục và Nga cũng đã có đề nghị ».

Về phần ông Obama, đối tượng chính bị Nga gây sức ép, ông không chờ đến 20/01/2009, ngày nhậm chức, mới tỏ rõ thái độ. Chiều hôm qua trong cuộc điện đàm với tổng thống Ba Lan, Lech Kaczynski, tổng thống Mỹ vừa đắc cử nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong mối hợp tác quân sự song phương và đặc biệt là sẽ tiếp tục tiến hành kế hoạch lá chắn chống tên lửa. Hoa Kỳ đã ký với Praha và Varsava những hiệp định về hệ thống này gồm một giàn ra đa đặt tại Tiệp, phối hợp với 10 giàn phi đạn chận tên lửa đặt tại Ba Lan bất chấp sự phản đối của Nga

Thật ra, theo giới quan sát : nếu xét về mặt kỹ thuật, những lời đe dọa của Nga « vô hiệu hóa » hệ thống lá chắn của Mỹ là không thể thực hiện được. Theo ông Doug Richardson, chủ nhiệm tạp chí quốc phòng Jane’s, lý do đơn giản là định luật vật lý không cho phép. Nếu Nga đặt hệ thống phá sóng tại Kaliningrad, thì khoảng cách đến giàn ra đa tại Tiệp xa đến 740 cây số, tức là nằm ngoài tầm. Còn phá sóng qua vệ tinh thì cũng vậy. Vệ tinh định vị thì ở cách mặt đất đến 36 ngàn cây số còn vệ tinh bay thấp hơn thì không thể trụ lại tại một chỗ.

Vậy thì mục tiêu không nói ra của Nga là gì ? Theo phân tích của Andrews Cuchins chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Washington, đặc trách về Nga và Trung Á thì dù cho Kremli có tính toán sai lầm về bản lĩnh của Barack Obama đi nữa, điều đó không ngăn cản chính quyền mới thay đổi cách tiếp cận với Nga. Theo ông, thì Hoa Kỳ cần phải nỗ lực thêm, mở ngõ cho Nga tham gia vào chiến lược phòng thủ chung chống tên lửa đang diễn tiến tại châu Âu.

Là nước sẽ bị tên lửa Iskander đe dọa trực tiếp, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng cho rằng những đe dọa của Medvedev là « hành động chính trị hơn là quân sự ».

No comments: