Sunday, November 9, 2008

CUỘC CÁCH MẠNG TẠI HOA KỲ

Cuộc cách mạng tại Hoa Kỳ
Trần Bình Nam

Đăng ngày 09/11/2008 lúc 03:32:29 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3251
Hôm Thứ Ba 4/11/2008 Thượng nghị sĩ Barack Obama đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, đánh dấu một cuộc cách mạng tại Hoa Kỳ, và là một biến cố chính trị có tầm vóc thế giới.

Thượng nghị sĩ Obama thắng lớn với 52.5% phiếu cử tri đi bầu (46.2% cho Thượng nghị sĩ John McCain, và 1.1% cho các ứng cử viên khác). Nếu tính theo phiếu cử tri đoàn Thượng nghị sĩ Obama giành được 364 phiếu, trong khi chỉ cần 270 phiếu để thắng. Thượng nghị sĩ McCain được 162 phiếu. (1)

Những cử tri bỏ phiếu cho Thượng nghị sĩ McCain có thể đã đánh giá tài năng và kinh nghiệm của Thượng nghị sĩ John McCain cao hơn Thượng nghị sĩ Obama, hoặc cho rằng Thượng nghị sĩ John McCain cần cho đất nước này hơn trong thời điểm khó khăn này. Nhưng trong số đó cũng có một số người nghĩ rằng Hoa Kỳ chưa sẵn sàng cho một tổng thống người da đen.

Số cử tri cho rằng Hoa Kỳ chưa sẵn sàng cho một tổng thống người thiểu số da đen (2) đã không đánh giá đúng mức sự sôi sục của dân chúng trước một tình trạng đi xuống quá thê thảm của đất nước về quốc phòng, kinh tế và uy tín quốc gia.
Kết quả cuộc bầu cử cho thấy người Mỹ, nhất là giới trẻ, đã can đảm đứng lên làm một cuộc cách mạng dân chủ bầu Thượng nghị sĩ Obama làm tổng thống cho nhiệm kỳ 2009-2012 tới. Câu châm ngôn của Đặng Tiểu Bình khai sinh tại Trung quốc trong thập niên 1970s “Mèo trắng mèo đen, miễn mèo nào bắt được chuột” khi ông Đặng Tiểu Bình dứt khoát từ bỏ nền kinh tế Mác-Xít để chuyển dần Trung quốc sang kinh tế thị trường đã được áp dụng trọn vẹn vào quyết định của cử tri Mỹ trong ngày bầu tổng thống 4/11/08.

Có nhiều yếu tố đưa đến sự thành công của Thượng nghị sĩ Obama.

Trước hết là sự lãnh đạo yếu kém của tổng thống George W. Bush đã đưa đến sự suy thoái quốc gia. Không kể cuộc chiến tranh có thể biện minh đánh Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, cuộc chiến khó biện minh trước thế giới tại Iraq kéo dài quá lâu không lối ra đang làm rỉ máu Hoa Kỳ. Thượng nghị sĩ John McCain, ứng cử viên của đảng Cộng hoà, dù từng chứng tỏ là một con người độc lập cũng không thể nào gỡ bỏ cái cảm giác của cử tri nếu ông đắc cử thì dù muốn dù không Hoa Kỳ vẫn còn chạy trên con đường mòn của Bush trong một thời gian (điều mà dân Mỹ đã quá chán ngán) trước khi có những thay đổi cần thiết.

Cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra vào đầu tháng 9/2008, tuy trên lý thuyết được giải thích là sự tuần hoàn kinh tế, cũng không thể giải toả được trách nhiệm của đảng cầm quyền và là giọt nước làm đầy li nước. Chính quyền Bush đã để cho Wall Street, tức lực lượng tư bản thao túng, thiếu sự kiểm soát, tạo ra sự phồn vinh nhà cửa giả tạo để đi đến sự sụp đổ. Sự tin tưởng của quần chúng nơi Thượng nghị sĩ McCain còn chút gì vào lúc đại hội đảng Cộng Hoà họp tại Minnesota chính thức đề cử ông đã tan biến nhanh chóng sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ. Và sau đó liên danh McCain-Palin xuống dài như một con tàu trượt dốc.

Sự đắc cử của Thượng nghị sĩ Obama là một cuộc cách mạng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập quốc 232 năm, một người da den đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Sự đắc cử của ông Obama nói lên rằng nước Mỹ thật sự có dân chủ và những lời tuyên bố của các lãnh tụ chính trị Hoa Kỳ hứa xây dựng dân chủ bất cứ nơi nào trên thế giới là những lời tuyên bố có thực chất. Những quá đáng tại nhà tù Abu Ghraib, vụ giam giữ tù nhân trái luật quốc tế tại Guantanamo, vụ cơ quan tình báo CIA bắt lén người nước ngoài, vụ bóc thư và nghe lén điện thoại của dân chúng không có phép của toà án chỉ là những quá đáng do hoàn cảnh chiến tranh và do đó chúng không làm lu mờ ngọn hải đăng dân chủ và nhân quyền Hoa Kỳ vẫn nêu cao từ hồi lập quốc.

Quan trọng hơn cả là sự đắc cử của Thượng nghị sĩ Barack Obama chứng tỏ bức tường chủng tộc đen trắng nặng nề trong lịch sử Hoa Kỳ đã được chọc thủng (mặc dù chưa một sớm một chiều được hoàn toàn xoá sạch). Bằng sự đắc cử Thượng nghị sĩ Obma đã vãn hồi được sự kính nể của thế giới đối với Hoa Kỳ, và điều này sẽ là một tích sản quý báu để Hoa Kỳ có thể có một đóng góp tích cực trong sự phục hồi ổn định và hoà bình thế giới.

Truyền thống dân chủ của Hoa Kỳ đã được thể hiện một cách tốt đẹp trong ngày bầu cử. Chỉ một giờ sau khi biết Thượng nghị sĩ Obama đắc cử, tổng thống Bush đã gọi điện thoại chúc mừng. Và sau đó Thượng nghị sĩ John McCain gọi, nhìn nhận mình đã thua, và chính thức hứa hẹn trước quốc dân sẽ cùng hợp tác làm việc với vị tổng thống tương lai giải quyết các vấn đề quốc gia. Đáp lại, Thượng nghị sĩ Obama, vị tổng thống vừa đắc cử, trong buổi ra mắt đầu tiên tại Chicago cũng đã cám ơn tổng thống Bush và Thượng nghị sĩ McCain. Những căng thẳng trong thời gian tranh cử bỗng chốc tan biến để chỉ còn lại một không khí hoà giải và phấn khởi.

Qua cuộc bầu cử (4/11/08) bầu lại toàn thể 435 ghế hạ nghị viện và 33 ghế thượng nghị sĩ (trên 100 ghế) hết nhiệm kỳ, đảng Dân Chủ đã củng cố thêm đa số sẵn có của mình. Đảng Dân Chủ sẽ kiểm soát cả hành pháp và lập pháp trong thời gian (ít nhất là 2 năm) tới. Nhưng điều này không có nghĩa Hoa Kỳ sẽ giải quyết các vấn đề quốc gia một cách dễ dàng. Giữ gìn an ninh nội bộ, giải quyết chiến tranh, vượt qua khó khăn kinh tế, ổn định ngân sách là những vấn nạn nổi cộm mà vị tổng thống đắc cử sẽ phải giải quyết, trong đó quan trọng hàng đầu là kinh tế.

Tổng thống đắc cử Barack Obama ghi nhận những khó khăn trước mắt và trong buổi ra mắt đầu tiên đêm Thứ Ba 4/11/08 ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ giải quyết được các khó khăn này nếu không phải trong nhiệm kỳ này thì sẽ tiếp trong nhiệm kỳ tới, nhưng ông quả quyết một cách đầy tự tin rằng “chúng ta sẽ đi tới đích” vì ông tin rằng đất nước Hoa Kỳ có một sức bật tiềm tàng.

Phần ông, ông bắt tay ngay vào việc. Sau khi bổ nhiệm Dân biểu Rahm Emanuel (Dân Chủ, Illinois), một cố vấn thân tín làm Tham mưu trưởng Bạch Cung để sắp xếp bộ máy chuyển quyền, và nghe đại diện chính quyền đương nhiệm báo cáo về an ninh quốc gia, ngày Thứ Sáu 7/11/08 tại Chicago ông đã gặp 17 chuyên viên kinh tế (gồm kinh tế gia, giáo sư đại học, giám đốc công ty và thành phần trong chính quyền) để bàn về các giải pháp chấn chỉnh cơn rối loạn tài chánh đang càng lúc càng trầm trọng hơn, và ngay sau đó với sự có mặt của đoàn chuyên viên kinh tế này ông Obama đã thực hiện cuộc họp báo đầu tiên.

Trong buổi họp báo tổng thống đắc cử Barack Obama nhiều lần nhấn mạnh ở một thời điểm chỉ có một chính quyền có trách nhiệm và chính quyền hiện nay là chính quyền Bush. Nhưng cuộc họp báo của ông cho dân chúng thấy ưu tiên của ông là kinh tế. Và điều này đáp ứng sự mong chờ của quần chúng.

Như đã nói, sự đắc cử của Thượng nghị sĩ Barach Obama là một cuộc cách mạng. Và cuộc cách mạng nào cũng mang lại sự phấn khởi ban đầu. Tuy nhiên thành quả thật sự của cách mạng là xây dựng thì chúng ta cần kiên nhẫn chờ đáp số của thời gian.

Đối với cuộc cách mạng Obama, người Mỹ còn phải chờ ít nhất là vào mùa tranh cử tới trong năm 2012 mới thấy được phần nào câu trả lời.

Trần Bình Nam
08/11/2008
-----------------------------------
(1) Kết quả ghi nhận cho đến ngày 7/11/08. Còn một bang nhỏ (Missouri) chưa có kết quả.
(2) Trong số đó có người viết bài này.

No comments: