Tuesday, November 11, 2008

DI TẢN (Phần 3)

Di tản
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 19.10.08
http://danchimviet.com/articles/531/1/Di-tn-1/TrangPage1.html

(Phần 3)

Sau khi người chủ nhà ra đi, Tín và gia đình sắp xếp mọi chuyện cho những ngày sắp tới. Tất cả đều ngăn nắp, sạch sẽ. Mấy đứa nhỏ: em gái út của Tín, hai cô con gái nhỏ của cô út anh, rất vui vì được ở cùng nhau trong căn nhà mới. Tín và ba anh đi xem xét một lượt trong căn nhà, bắt đầu từ nhà bếp. Nhà bếp rộng và thoáng, gồm có bếp và kho chứa củi. Cả nhà anh 18 người, có thể dùng trong 6 tháng. Còn ở một góc nhà bếp khác, anh thấy có rất nhiều chum vại. Ba anh bảo chị Thi mở ra xem có gì trong đó. Có hai chum mắm nục và mắm cơm, một chum cá ngừ thính, một chum nhỏ hơn là mắm ruốt, một chum cà pháo muối, chị Thi rất mừng. Như vậy là có cái ăn rồi, chỉ còn thiếu gạo. Tín và ba anh đi qua phòng ăn. Phòng ăn cũng rộng, một dãy bàn dài và sạch sẽ, tủ đựng chén, đối diện với tủ đựng chén là một tủ lạnh to tuớng. Tín mở tủ, hơi lạnh thoát ra, không có gì, chỉ có mấy chai nước lọc. Một chiếc xe Honda 50 còn mới ở một góc phòng. Một chiếc TV 14 in đặt trên một chiếc tủ khác gần đó.

Tín và ba quyết định đi thăm xã giao mấy nhà hàng xóm ở căn nhà đối diện. Anh và ba vào căn nhà đầu tiên, một người đàn ông đứng tuổi đang đọc báo trên ghế xếp. Người đàn ông hói đầu, lưng hơi cong, người hơi gầy nhưng khoẻ mạnh và linh hoạt. Ông mau mắn đón hai người vào nhà, chỉ bộ ghế salon kê giữa nhà:
- Mời anh và cháu ngồi.

Ba Tín kính cẩn và nhỏ nhẹ:
- Cảm ơn ông.

Ông ta ngồi xuống và nói với xuống nhà dưới:
- Bà ơi, có khách, mang cho tôi một ấm trà .

Một người đàn bà khoảng 60 tuổi, mập và cao lớn, có vẻ nặng nề, nhưng khuôn mặt và nụ cười hiền từ mang trà lên và cùng ngồi. Bà hỏi giọng ân cần và nhỏ nhẹ:
- Ông và cậu từ Tam Kỳ ra?
- Dạ!

Bà nói tiếp:
- Tôi vẫn hay vô đó buôn bán, nghe giọng nói là tôi nhận ra.

Bà quay sang Tín:
- Cháu bao nhiêu tuổi?
- Dạ, 18 tuổi.

Bà cười và nhìn anh âu yếm:
- Đẹp trai thật!

Anh cười không biết trả lời sao. Ông chủ nhà mời họ uống trà.

- Thôi trước lạ sau quen. Chúng ta đã là hàng xóm rồi, có cần gì ông cứ hỏi. Giúp được, tôi sẽ cố gắng.

Ba anh trả lời xã giao:
- Chắc là phải nhờ cậy ông bà nhiều.

Ông ta vuốt mái đầu hói :
- Tôi nói thì không phải chứ ông đưa gia đình ra đây để làm gì, vất vả, tốn kém, còn nhà cửa tài sản nữa, không chừng kẻ gian lấy hết.

Ba anh trả lời :
- Ông nói cũng phải. Nhưng thấy người ta di tản nhiều quá, mình cũng sợ.

Ông ta đặt chén trà đã cạn xuống và rót thêm vào, thêm cả cho khách, lại vuốt mái tóc hói.
- Ông sợ cái gì mới được chứ?
-Tôi cũng không biết, sợ bom đạn, sợ những người phía bên kia cũng có.

Ông ta nói một cách sôi nổi và gãy gọn giống như đã chuẩn bị từ trước:
- Phía bên kia là ai? Họ cũng là người Việt Nam cả. Có thằng Mỹ, thằng Tây nào đâu. Mình là người Việt, đây là đất nước của mình, chẳng phải đi đâu cả.

Ba anh phân trần:
- Cũng biết thế, nhưng vẫn sợ.
- Như vậy là ông bị cái luận điệu tuyên truyền hù doạ rồi. Tôi cược với ông là mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Rồi ông sẽ ân hận vì chuyến đi này…- ông nói giọng kéo dài - cộng sản cũng là người Việt Nam, tại sao phải sợ chứ?

Ba anh khen ngợi xã giao:
- Ông có vẻ am hiểu tình hình.

Tín hiểu tính của ba anh. Khi ông nói như vậy có nghĩa là ông không tin gì vào những gì người đối thoại đã nói. Trong chiến tranh, người Việt Nam đã bị phân hoá, một ranh giới vô hình nhưng lạnh lùng và nghiệt ngã chia cắt họ. Khi dân tộc bị chia cắt bởi những tư tưởng, những chủ thuyết thì dân tộc đó sẽ suy yếu. Một dân tộc văn minh thì có nhiều tư tưởng nhiều quan niệm, nhưng nó không tạo nên mâu thuẫn và chia cắt. Anh nhìn thấy điều đó. Cũng như giữa ba anh và người đàn ông này - họ ngồi đối diện nhau qua một cái bàn nhỏ, nhưng suy nghĩ của họ thì xa nhau muôn trùng.

Ba anh chuyển đề tài:
- Ông bà được mấy cháu?

Bà chủ nhà cởi mở:
- Chúng tôi được hai cháu gái. Chúng nó có chồng hết rồi, chỉ còn hai vợ chồng già buồn lắm.

Họ cáo từ và đi thăm người hàng xóm kế bên. Một người đàn ông có dáng vẻ của một công chức, trong bộ pijama trắng sạch sẽ, đôi kính cận dày cộm. Khuôn mặt đầy đặn, cử chỉ mực thước. Ông nói ít, thỉnh thoảng lại đẩy đôi kính nặng trể xuống. Ông chỉ hỏi thăm sức khỏe gia đình, việc học hành của Tín và tình hình trong Tam Kỳ.

Tín và ba anh cáo từ ra về. Ông chủ nhà niềm nở nói với Tín:
- Thỉnh thoảng qua đây chơi.

Chiều hôm ấy cả nhà ăn cá ngừ thính, rau sống, mắm tôm của ông chủ nhà để lại. Chị Thi nhìn Tín:
- Thịt và cá tươi đắt như vàng, rau muống cũng đắt, ráng chịu khổ một chút, khi nào tình hình lắng dịu, tha hồ mà ăn.

Anh trả lời chị Thi bằng một câu hỏi, nhưng không phải là để hỏi chị mà hỏi bâng quơ:
- Biết bao giờ mới lắng dịu đây?

Tối hôm ấy, anh trải chiếu ngoài bao lơn, nằm nhìn lên trời. Trời thăm thẳm và đầy sao. Bây giờ, chỉ có một mình, tối hôm qua, còn ở bên Thương, bây giờ đã ở một nơi khác, xa lạ, không phải là nhà mình mà cũng chẳng biết phải ở đây đến bao giờ. Anh nhắm mắt và hình dung Thương ở bên cạnh, bàn tay thon nhỏ, mùi nước hoa dìu dịu toả từ tóc, từ cổ Thương; những sợi tóc loà xoà sau gáy…. Anh đã từng là người hạnh phúc. Hạnh phúc mong manh trong tay anh, giống như anh cầm một cục nước đá trong vắt, nhìn thấy nó tan dần trong tay mà chẳng làm gì được.

Bờ ao thưa thớt cỏ. Những cây cúc dại lơ thơ, đó đây là mấy cây ổi dại nở hoa trắng. Có một cô bé và một cậu bé, trong bộ đồ truyền thống, áo dài khăn xếp. Cô bé áo lụa vàng khăn đỏ, lộng lẫy như cô dâu, à như một thiên thần thì đúng hơn dắt tay nhau nhảy lò cò trên bờ ao thưa thớt cỏ. Hai cô cậu đuổi theo mấy con bướm bé xíu màu trắng. Con bướm nhỏ bằng móng tay út, chập chờn trên những bông hoa cúc nhỏ li ti, phải chăm chú mới nhìn thấy được. Có cả chim, những con chim nhỏ đến kỳ lạ những con chim đủ màu sặc sỡ và không có tên gọi, không có thực trong loài chim, nó chỉ có trong giấc mơ. Có cả pháo ngày Tết, pháo nổ chỉ có khói và ánh sáng của lửa và không có tiếng nổ. Tất cả giống như trong một bộ phim câm.

Tín đang mơ một giấc mơ đẹp thời thơ ấu. Giấc mơ bỗng vỡ tan như những mảnh thuỷ tinh mong manh. Anh giật mình vì nghe ai đó gọi tên anh:
- Ba ơi, anh hai ơi, mẹ chết rồi….. Ba ơi, anh hai ơi, mẹ chết rồi….

Tiếng kêu đó là của em gái út của anh. Tín nhận ra trong sự ngái ngủ, anh phóng như bay xuống cầu thang vào phòng mẹ. Cha anh đang ở đó. Cô em gái anh ngủ với mẹ, cô ôm mẹ khóc và kêu gào rất thảm. Tín thấy mẹ đang nằm trong tư thế co quắp, miệng cứng đờ, tay nắm chặt. Anh như bị rớt xuống từ một khoảng không rất xa, rất cao, mất trọng lượng và mất định hướng. Mọi người trong nhà đều có mặt.

Hai ông hàng xóm cũng có mặt. Ba anh hỏi ông hàng xóm mang kính cận:
- Ở gần đây có bác sĩ không ông?

Ông ta chỉ lắc đầu. Ông đầu hói nói:
- Tụi bác sĩ nó biến mất rồi.

Anh hỏi như người mê sảng:
- Làm sao bây giờ ?

Ông khách mang kính cận tiến đến bên giường của mẹ anh
- Để tôi thử xem.

Ông bắt mạch một chút rồi lắc đầu nói với ba anh:
- Tình hình của bà nhà nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp sẽ tử vong trong vài phút nữa.

Ông chạy về nhà và mang qua một túi xách, ông nói với vợ điều gì đó. Ông áp ống nghe lên ngực mẹ Tín, sau đó ông nói với ba anh, tay cầm ống tiêm và đón ống thuốc nhỏ của bà vợ vừa đem qua:
- Đây là ống Coramin. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ tiêm cho bà nhà, cứu được hay không tôi không dám chắc.

Ba anh đặt tay lên ngực mẹ. Ông quyết định ngay:
- Nhờ ông cứu vợ tôi, mọi chuyện tôi chịu trách nhiệm.
- Tốt .

Ông hàng xóm trả lời, tay bóc ống tiêm và bẻ ống thuốc, động tác thành thục và dứt khoát. Ông tiêm thẳng vào ngực, bắt mạch và chờ đợi. Không biết là bao lâu, thời gian như đông cứng lại, không khí ngột ngạt. Ông gật đầu nhè nhẹ.
- Tốt rồi, lạy chúa.

Một lát sau mẹ thở đều và mở mắt, cả nhà thở phào nhẹ nhỏm. Ông bảo mọi người ra ngoài và mở các cửa lớn cửa nhỏ, ông dặn:
- Bà nhà cần nghỉ ngơi, cần thoáng, mát mẻ, yên tĩnh.

Tín hỏi :
- Mẹ con bị bệnh tim hả chú?

Ông trả lời dứt khoát:
- Không, mẹ cháu bị suy nhược thần kinh, bà hay nằm mơ thấy ác mộng, kêu nói lảm nhảm và rất mệt, rồi co giật, tim ngừng đập.

Cả nhà Tín cảm ơn ông rối rít. Ba anh không cảm ơn, chỉ nói:
- Trời còn thương, nếu không lũ trẻ nhà tôi mất mẹ rồi.

Ông hàng xóm làm như không nghe thấy những gì ba anh nói, chỉ bảo:
- Ngày mai tôi sẽ viết thư cho một người bạn, ông cho cháu mang đi hoặc mời ông ta đến, hoặc lấy thuốc.

- Trăm sự nhờ ông - ba anh nói giọng thành khẩn.

Hai ông hàng xóm ra về, mấy đứa nhỏ thì đi ngủ tiếp, người lớn qua phòng khách để chờ trời sáng và chăm sóc mẹ anh. Tín nhìn đồng hồ - 4h, mẹ anh ngủ được một chút. Anh ngồi nói chuyện với ba cho đến sáng. Chị Thi mang vào cho Tín một tô bún giò. Ăn xong, anh đi tắm, rồi vào uống một chén trà.

Bảy giờ sáng, anh và ba qua nhà ông hàng xóm. Ông đợi ở phòng khách, phong thư đã viết xong, cây bút đặt lên trên. Ông ngồi uống trà với một cô gái khoảng 16-17 tuổi - con gái của ông. Anh chào ông theo kiểu của trẻ con: vòng tay trước ngực cúi đầu. Ông nhìn anh bằng nụ cười và ánh mắt hài lòng:
- Cháu ngồi xuống đây uống chén trà.

Rồi ông đứng lên mời ba:
- Mời ông uống chén trà.

Ba anh ngồi xuống hướng về cô con gái. Cô gái đứng lên theo và cũng vòng tay chào ông.
- Cháu chào bác.

Ông hàng xóm đi thẳng vào vấn đề. Ông nói với Tín:
- Cháu mang thư này đi sớm, về sớm.

Ba anh nhìn ông như muốn nói một điều gì đó. Ông hiểu ý:
- Con gái tôi đi cùng, nó biết nhà.

Ba anh hỏi:
- Cháu nó đi tình hình này có an toàn không?

- Hiện nay tình hình vẫn còn kiểm soát được.
Ông nói một cách tự tin, dứt khoát. Tín đứng dậy phân vân nhìn cô gái.

- Con đi với anh, đi cẩn thận - ông nói với cô. Cô bé nhanh nhẩu đứng dậy chào hai ông già. Cô đi thẳng ra ngoài.

Đêm qua, anh đã kiểm tra chiếc xe Honda 50 - ông chủ nhà để lại, tất cả đều tốt, chìa khoá có sẵn trong ổ, xăng đầy ắp (anh cảm thấy hơi khó hiểu về ông chủ nhà này). Anh nổ máy và nói:
- Mời em.

Cô gái nghiêm nghị và đoan trang, cô thận trọng ngồi sau. Cô nói:
- Anh cứ chạy, tôi chỉ đường.

Anh chạy xe giữa dòng người đông đúc. Trên đường đầy những xe cơ giới của quân đội, xe ôtô của dân, xe Honda chạy như mắc cửi và dòng người di tản ồ ạt đổ về Đà Nẵng. Có những đoạn đường không đi được, phải nhích lên từng tí một. Cô bé bảo anh rẽ qua đường khác để tránh kẹt xe. Anh cho xe chạy theo sự chỉ dẫn của cô, anh không hiểu mình đi đâu. Đà Nẵng với anh còn xa lạ, không có cô gái anh chẳng làm gì được. Cuối cùng anh cũng ra được quốc lộ 1.

- Mình đi đâu đây, Nga?
Tín tăng ga và lượn lách. Cô gái hỏi:
- Ở nhà anh có hay đua xe không?
- Thỉnh thoảng có một chút.
- Tôi hiểu tâm trạng của anh, nhưng chạy xe kiểu này có khi lại không tới nơi.

Anh nói cho cô an tâm:
- Cô cứ tin ở tôi.

Anh tăng tốc và lạng lách, xe chạy lướt ào ào qua những chiếc GMC đổ bên đường. Xe chạy qua Phước Tường. Máy bay gầm rú trên đầu.
- Người Mỹ đang di tản - anh nói với cô gái và lạng lách để đi thật nhanh. Một chiếc xe tải ngược chiều ầm ầm chạy tới, anh giảm ga đột ngột vòng vô phía trong. Cô gái la lên:
- Không khéo anh vất tôi xuống đường mất.

Anh nói thản nhiên không ẩn ý:
- Em ôm tôi chặc vào.

Cô gái nói vào tai anh:
- Đừng hòng, không có chuyện đó đâu.

Anh cười, cảm thấy vui vì một chút hiểu lầm này. Anh tiếp tục cho xe chạy vù vù. Đoạn đường xấu, xe nhảy chồm lên, cô gái bám vào vai anh và hét:
- Anh có điên không đó? Ba má tôi chỉ có mình tôi là con gái

Anh đùa:
- Ba mẹ tôi cũng có mình tôi là con trai.
- Mặc xác anh, tôi không muốn chết. Anh dừng lại đi.

Tín cho xe dừng lại và nói với cô:
- Hay là cô ngồi kiểu con trai đi.

Cô ta trợn mắt lên:
- Không bao giờ, anh để tôi chạy xe cho.

Tín cười và thách thức cô:
- Ok.
Anh ngồi lui ra sau, đôi chân dài xoải ra.

Anh nói:
- Con gái chở con trai, không ngượng à!

Cô ta hơi mím môi và nói:
- Thà ngượng một chút còn hơn là sẽ không bao giờ được ngượng nữa.

Cô gái cầm tay lái, quay đầu lại nói với anh:
- Anh nghe đây, anh phải ngồi xa tôi một chút, không được đụng tay vào người tôi. Bàn tay để vào đây - cô chỉ phần dưới yên xe - anh mà đụng vào tôi, tôi sẽ giết anh.

Cô ta nói với anh một cách nghiêm khắc nhưng đôi mắt cô ánh lên một nét cười. Cô chạy một đoạn khá xa, đến cầu đỏ, anh đùa một chút cho vui:
- Cô chạy xe cũng khá nhưng đừng có đâm đầu vào xe lớn đó nghe. Ba mẹ tôi chỉ có tôi là con trai.
- Anh yên tâm, tôi là con gái thành phố.
- Còn tôi là dân tỉnh lẻ - anh nói và cười phá lên.

Cô gái đính chính:
- Ý tôi không phải vậy.

Xe chạy vào một con đường nhỏ với những vườn cây hai bên, những cây nhãn gốc to bằng hai người ôm, những cây loại này rất hiếm, toả bóng mát và tạo một cảm giác êm dịu, mát mẻ khác với khoảng trời ngoài kia - chang chang nắng. Cô gái dừng xe trước một căn nhà sang trọng, phía trước là một khoảng sân rộng, một hồ nước xây hình bán nguyệt với hòn non bộ lởm chởm đá, rêu phủ xanh. Có lẽ hồ nước này được đặt ở đây để án ngữ con đường đâm thẳng vào nhà theo thuyết phong thuỷ. Một người đàn ông cao gầy, phong thái đạo mạo đứng trên thềm nheo mắt nhìn, ông nhận ra cô gái. Tiếng ông gọi vọng xuống dưới nhà:
- Bà ơi xem ai đến này!

Người phụ nữ đi từ dưới nhà lên tay cầm khăn, (chắc bà đang làm gì đó), mắt bà sáng lên, khuôn mặt rạng rỡ, bà vắt khăn lên vai cầm tay cô gái âu yếm nhìn.
- Bé Nga lớn thế này rồi và rất đẹp phải không ông?

Ông chủ nhà gật gù:
- Ừ, nó càng lớn càng đẹp. Ba mẹ khoẻ chứ con?
- Dạ ba mẹ con khoẻ.

Người phụ nữ nhìn anh ngập ngừng, chắc bà nghĩ anh là người yêu của Nga. Nga hiểu ý bà:
- Dạ không. Nga giới thiệu sơ sơ về anh và đưa thư của ba cho hai vợ chồng ông chủ nhà. Họ mời khách vào trong phòng, bà rót nước khi ông chồng đọc lá thư - vẻ trầm ngâm, trán ông xuất hiện những nếp nhăn:

Ông hỏi Tín về một số việc liên quan đến đến bệnh tình của mẹ anh. Rồi ông nói:
- Đó là dấu hiệu suy nhược thần kinh. Lấy thuốc về uống, có gì đến đây đích thân tôi sẽ thăm bệnh. Điều quan trọng là phải để bệnh nhân nghỉ ngơi, thư giãn trong một môi trường an tĩnh và thoáng mát, tránh những xúc động mạnh, buồn phiền, sợ hãi lo lắng.

Ông quay sang bà:
- Bà làm cái gì đó cho chúng nó ăn, tôi đi làm thuốc.

Ông sang phòng bên cạnh mở cửa, mùi thuốc Bắc thoang thoảng, dễ chịu vô cùng. Từ bé, Tín vẫn mê cái mùi nầy. Có lúc anh muốn sau này trở thành một bác sĩ đông y. Anh đã đọc về Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh - họ là những con người kỳ tài và đẹp như huyền thoại.

Bà chủ nhà ân cần nói với Nga:
- Các con ở đây chơi chiều về, trưa nay cô nấu món gà hầm hạt sen - táo tàu cho con - món mà con vẫn thích đó.

Tín hơi sững sờ. Một điều nhắc nhớ đến Thương làm anh nhói đau. Thương cũng thích món gà hầm táo tàu hạt sen. Không biết bây giờ Thương thế nào, chắc là cô đơn và buồn. Khu vườn nhà Thương trưa nay thế nào, đầy nắng hay u ám? Chắc có lẽ bây giờ Thương ngồi ở phòng khách nhìn ra khu vườn quá yên tĩnh, yên tĩnh đến lạnh giá. Nếu biết tình thế như hôm nay, thì ở lại Tam Kỳ được sống bên Thương. Bây giờ đi không được, lại phải xa Thương. Cuộc sống sao mà oái oăm, oan nghiệt, cứ trêu ngươi người ta, dồn người ta vào thế tiến thoái lưỡng nan. Mười tám tuổi, mới đặt bước chân đầu tiên vào cuộc đời thì bị một cú knock-out khó lòng vượt qua.

Cô gái hích chỏ vào anh:
- Anh sao vậy?
Tín như bừng tỉnh khỏi một giấc mơ, thở dài mỏi mệt. Bà chủ nhà hiểu cái thở dài đó theo cách của bà:
- Thôi con cứ mang thuốc về cho mẹ uống, hẹn lần sau, hai đứa lại đến đây nhưng phải có tin vui đấy.

Cô gái chối đây đẩy:
- Lần sau thì có nhưng không có tin vui gì đâu.

Bà làm hai ly nước chanh - thứ chanh trồng ở vườn nhà, vỏ dày, nhiều nước và thơm tuyệt vời. Một lát sau, ông thầy thuốc (bây giờ thì anh gọi ông như vậy) bước vào, trên tay là một chồng những thang thuốc gói giấy vàng sẫm.
- Lấy 15 thang. Mỗi ngày một thang, sắc theo chỉ dẫn ghi trong thang thuốc.

Ông chủ nhà lấy một số tiền, mà anh biết chỉ đủ để mua lại thuốc, Tín hơi áy náy, nhưng không dám nói gì…chỉ thầm biết ơn.

Anh cho xe chạy theo đường đi qua Ngũ Hành Sơn. Con đường này tương đối yên tĩnh và dễ đi, qua cầu Trịnh Minh Thế thì bị kẹt, chạy vòng vòng đâu đó anh cũng không biết.

Về đến nhà đúng trưa, cả nhà đã ăn cơm, vào nhà bếp vừa ăn vừa sắc thuốc. Anh muốn tự tay mình làm cho mẹ. Uống thuốc xong một chút thì mẹ ngủ. Anh thấy nhẹ nhỏm trong lòng.

Buổi chiều, Tín leo lên sân thượng để nhìn cho đỡ buồn. Lại nhớ Thương da diết, nhớ quá đi mất. Nếu Thượng Đế sinh con người có thêm đôi cánh thì hạnh phúc biết bao - anh chợt nghĩ như vậy. Nếu có đôi cánh anh sẽ bay về với Thương. Anh sẽ bay ra biển, bay ban đêm. Biển mênh mông lấp lánh. Trời đầy sao, ánh trăng vằng vặc và gió - rất nhiều gió để đôi cánh thêm bồng bềnh phiêu lãng. Anh đứng như vậy không biết bao lâu, chỉ biết đèn đường đã bật lên. Anh vào phòng, lần đầu tiên anh chú ý căn phòng này: đầy nữ tính. Chiếc giường đệm trắng muốt, chiếc gối màu hồng, bàn trang điểm. Anh chợt nhớ đến cô gái có đôi mắt kiêu kỳ với dáng đi nhún nhảy. Còn có một chiếc tủ đứng kê sát tường ngăn cách giường ngủ và bàn trang điểm. Chiếc tủ khép hờ. Anh mở tủ, rất nhiều quần áo và ba chiếc áo dài nữ sinh. Nỗi nhớ Thương xót xa trong lòng bừng dậy. Anh nhớ mới ngày hôm qua, anh còn đón Thương trên đường đi học về mỗi chiều. Tà áo trắng thướt tha, mái tóc đen nhánh, gót chân tròn nhỏ, nụ cười nghiêng thành, ánh mắt âu yếm nhìn anh, vẻ phớt tĩnh của Thương khi bạn bè trêu chọc. Tín đóng cửa tủ thật chặc, hi vọng một ngày nào đó cô bé kia trở về và mặc những chiếc áo ấy. Nhưng anh cảm thấy đắng cay, vì thực ra trong lòng, anh linh cảm ngày đó sẽ không còn. Cô bé ấy với ánh mắt kiêu kỳ và nụ cười khiêu khích, không biết bây giờ ra sao: đang lênh đênh trên biển hay là đã đến nơi, hay đã….

Anh không muốn nghĩ đến, không dám nghĩ đến, cầu xin Thượng Đế che chở cho cô ấy. Anh ngồi vào bàn trang điểm, nhìn mình trong gương: hơi đen và gầy một chút. Anh nhìn những lọ nước hoa, anh chưa bao giờ để ý đến chúng, anh chỉ biết đến nó khi ở gần Thương. Lấy lên một lọ, mở nắp cho một ít vào tay xoa nhè nhẹ. Tín giật mình, sao lại thế cũng mùi nước hoa này, cái mùi hương quen thuộc quá, anh tưởng chừng như Thương đang ở đâu đây - rất gần - sau lưng anh. Nhìn vào gương, không có ai hết, chỉ có mùi hương nồng nàn gợi nhớ. Anh thấy chới với, cô đơn - tột cùng cô đơn.

Anh đứng dậy lấy chăn mùng đi ngủ. Chiếc giường đệm mời mọc anh bằng cái vẻ trắng muốt và sự êm đềm của nó. Anh thử đặt lưng xuống…, mùi con gái thoang thoảng. Tín chồm dậy, ôm chăn màn ra ngoài balcony. Anh sợ cái mùi con gái sẽ làm anh mất ngủ cả đêm. Nằm dài hít thở nhè nhẹ, sâu và chậm như một bài khí công anh đọc được trong quyển sách của ba anh. Tín chìm vào giấc ngủ đầy mộng mị và mỏi mệt.

Trời đã sáng, Tín giật mình nhìn đồng hồ: đã 7h30. Anh xuống nhà đi tắm và qua uống trà với ba như mọi ngày. Ba gầy và già đi, trầm tư và buồn bã.

Chị Thi vào:
- Mày ăn cơm rồi chở chị đi chợ nghe.

Chợ Cồn những ngày cuối tháng 3/1975 thật là lạ - lạ đến mức kỳ quái. Những thứ cần mua thì hiếm, dầu ăn, đường, bột ngọt giá cắt cổ. Có rất nhiều người bày bán những thứ không ai mua: vải vóc, áo quần và chén đĩa - tất cả đều là hàng ngoại Mỹ, Nhật, Đài Loan. Họ bán rẻ như cho. Anh nhìn thấy một người nông dân khệ nệ ôm một chồng chén dĩa Nhật mới toanh và rất đẹp. Ông ta mua với giá chỉ bằng một tô phở bò. Tín thấy chán nản quá! Anh mua 10 lon Coca - Cola vì mấy hôm nay anh chưa hề được uống.

Chị Thi rủa anh:
- Thằng quỉ, mày mua cái đó làm chi?

Anh trả lời tỉnh bơ:
- Em uống chứ làm gì.

Chị nhìn lắc đầu với một nụ cười:
- Tình thế này mà mày vẫn còn phong lưu.

Trên đường về, Tín thấy sự hỗn loạn đã lên tới mức không còn kiểm soát được nữa. Máy bay gầm rú trên đầu, tiếp tục di tản. Trên đường những chiếc xe quân đội bị bỏ lại la liệt, án ngữ những lối đi vốn đã chật hẹp. Có những người lính đào ngũ đi lang thang, quấy nhiễu, họ uống rượu say rồi đánh nhau. Có lẽ vì buồn chán và tuyệt vọng. Họ từ những mặt trận khác đổ về đây, không còn quân kỉ, không còn chỉ huy, họ tự do trong sự tuyệt vọng. Anh dừng lại lắng nghe hai sĩ quan đang tranh luận với nhau để biết họ nghĩ gì và tình hình xấu đến mức độ nào.

Một sĩ quan có vẻ kiên nghị, bừng bừng nhiệt huyết :
- Phải đánh một trận chứ, để coi “mèo nào thắng mỉu nào”.

Người kia có vẻ buồn rầu, ủ rũ hơn:
- Cũng chẳng giải quyết được điều gì. Mỹ đã bỏ rơi chúng ta, đánh nhau chỉ dẫn đến chết chóc và tàn phá. Chúng ta không thể thắng khi chúng ta không còn đồng minh và đối phương thì thế lực hơn hẳn chúng ta.

Dù thế nào, anh cũng mến phục hai con người đó.

Về đến nhà, anh thấy một gia đình, họ có vẻ là những nông dân, đang tá túc trước hiên. Anh không ngạc nhiên: chiến tranh mà. Họ có năm người: người chồng to lớn lực lưỡng, người vợ bệnh hoạn nằm trên chiếc chiếu còn rất mới nhưng bị rách toạc, ba người con: người con trai khoảng 20 tuổi và hai cô gái. Anh chào họ một cách lễ độ như người đã quen, anh không muốn làm họ sợ và áy náy vì thân phận của mình. Người đàn ông đáp lời:
- Chào cô cậu.

Qua giọng nói anh nhận ra họ là người Huế. Tín nhớ đến ba Thương. Anh hỏi với hi vọng mong manh:
- Chú có biết bác sĩ Hoàng, ở khoa ngoại bệnh viện Huế không, khoảng 50 tuổi.

Ông ta lắc đầu:- Chúng tôi là nông dân làm sao biết mấy ổng được. Tôi ở Mỹ Chánh chạy vào đây.

Tín hỏi ông:
- Tình hình Huế thế nào?

Ông ngồi tựa lưng vào tường, tay vòng ôm gối:
- Mất tới nơi rồi.

Tín chào ông ta và nói thêm:
- Mọi người cần gì thì nói, nếu được cháu sẽ cố giúp.

Đến trưa, hai cha con ông mang về hai bao gạo 50 kg và một bao bia BGI… Ông vào gặp Tín vẻ ngại ngùng:
- Cháu mua giúp chú hai bao gạo - và ông chỉ bao bia (những chai bia BGI đựng trong bao sọc xanh) - tôi cần tiền mua thuốc cho ba nhà tôi. Bệnh viện không có ai, gần như đóng cửa.

Anh nhớ lại lời hứa của mình khi sáng. Anh đồng ý và hỏi ông:
- Chú muốn bán bao nhiêu. Ông ta mừng rỡ nói:
- Thế thì tốt quá. Cháu cho hai bao gạo một ngàn đồng còn bia thì tuỳ đưa bao nhiêu thì đưa. Anh tưởng mình nghe nhầm. Mới hôm qua chị Thi mua 300đ/1ang gạo. Anh hỏi lại và được ông giải thích:
- Gạo này tôi lấy ở kho dự trữ - kho an toàn đó.

Ông nói và cười một cách xấu hổ. Tín à lên một tiếng và trả tiền. Tất cả 1500 đồng. Anh mang gạo và bia vào nhà với sự giúp đỡ của hai cha con người nông dân. Khi họ đã ra ngoài, cô hai, anh ba la Tín om sòm:

- Mi mua bia làm chi, thằng phá nhà. Trên bom dưới đạn sung sướng lắm hả. Anh chỉ cười tháo bia ra, mang hai mươi chai vào tủ lạnh.

Buổi trưa cả nhà ăn cơm. Đó là buổi trưa ngày 24/3/1975. Anh Nhân và anh Khanh (anh Khanh là rể của cô hai - chồng chị Thi, còn anh Nhân là rể của cô bốn tuy lớn hơn Tín mười tuổi nhưng trong gia đình vẫn là vai em) từ Tam Kỳ ra. Anh Khanh là giáo viên, anh Nhân là sĩ quan cảnh sát dã chiến. Anh Khanh rất vui khi gặp vợ con,anh nói rất nhiều, có cả những điều không cần thiết. Anh Nhân thì buồn rầu vì lo lắng vợ con còn ở lại Tam Kỳ không di tản được. Anh lặng lẽ ngồi xuống ăn cơm. Tín chạy vào lấy hết số bia trong tủ lạnh, cho thêm vào đó hai mươi chai. Anh Nhân vẫn lặng lẽ uống bia, từ khi bước chân vào nhà anh chỉ nói mỗi một câu: ”Tam Kỳ thất thủ rồi”. Còn anh Khanh thì nói liên miên hết chuyện này sang chuyện khác, toàn những chuyện rùng rợn. Trong những chuyện kinh hoàng đó, chuyện nào anh cũng là trung tâm hoặc đóng một vai trò quan trọng. Từ trước đến nay anh vẫn vậy, cho nên khó xác định được sự khả tín trong những câu chuyện của anh. Sợ anh đi quá trớn trong một hoàn cảnh mà ai cũng không vui này chị Thi vợ anh ngăn lại:
- Thôi! Anh bớt ba hoa đi cho và cũng uống ít thôi.

Anh cụt hứng quay sang Tín:
- Bia ở đâu đây?- Em mua!

Anh khanh vỗ vai Tín:
- Anh thích cái tính hào hoa của cậu, ở đâu hoàn cảnh nào cũng vậy. Hằng gì các cô gái mê cậu là đúng.

Tín cười, không phải vì lời khen của anh mà vì thái độ bình thản của anh. Anh vui vẻ như một cậu bé, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu có ai chỉ trích, anh vẫn thản nhiên và quên ngay.
- Còn nhiều lắm, anh uống đi.

Anh Nhân ngăn lại:
- Thôi đừng uống nữa, có rất nhiều người di tản ra từ Tam Kỳ, mình chia nhau đi dạo coi thử có ai quen để hỏi thăm tin tức của gia đình.

Tín đồng ý, anh cũng có chút hi vọng mong manh, biết đâu Thương và gia đình ra đây thì sao. Anh thầm cầu xin Thượng đế thương xót cho những người bất hạnh. Anh chạy xe vòng vòng, hết đường này qua đường khác, chậm rãi để quan sát từng người trên đường. Rất dễ phân biệt người di tản và dân địa phương: người di tản thì bơ phờ, áo quần xộc xệch dơ bẩn (vì lo lắng và sợ hãi). Anh dừng lại khi thấy những người tị nạn nghỉ tạm dưới những hàng cây ven đường hay bất cứ chỗ nào có thể: đó là hiên của một gia đình đã ra đi, là khoảng sân rộng của nhà ai đó, và nhiều nhất là ở những bến xe, ở trại tiếp cư.

Tại trại tiếp cư, anh thấy rất nhiều người, có người thì nằm trên chiếu trải trên đất, đa số ngồi bó gối, trông họ thiểu não, buồn chán, không còn sinh khí. Các cô gái nằm ngủ vì mỏi mệt, họ không buồn quan tâm đến có đôi mắt xoi mói nào nhìn trộm không. Tín đi lẫn vào trong đám người lố nhố. Anh nhìn xung quanh, rồi nhìn xa nhìn gần, nhìn trước nhìn sau. Có rất nhiều người như anh - họ bị lạc mất người thân, họ cũng đang dáo dát tìm, có người lạc mẹ, có người lạc con. Tiếng khóc, tiếng rên rĩ xé lòng. Anh không dám nhìn cái cảnh đau buồn đó, nó quá tàn nhẫn, quá phi lý. Đôi lúc tim anh rộn lên niềm vui sướng. Anh cuống cuồng chạy đến vì một mái tóc, một dáng đi giống quá, nhưng rồi lại thất vọng khi đứng trước một cô gái xa lạ. Cô gái và bà mẹ nhìn anh thông cảm. Anh lại đi từ nơi này sang nơi khác, buồn rầu, vô vọng.

Trở về khi chiều đã muộn, mệt nhoài vì cả buổi chiều lăng xăng và căng thẳng. Tín đi tắm và ăn cơm, anh ăn một mình. Anh Nhân vẫn chưa về. Mẹ Tín ngồi một bên, mẹ đã đỡ nhiều, ngủ được và ăn ngon. Mẹ an ủi:
- Con đừng buồn, chuyện gì cũng là ý trời cả, ăn nhiều vô, ngủ một giấc, mai lại đi, biết đâu lại gặp may.

Anh cảm thấy mình không phải khi để mẹ lo lắng trong tình trạng sức khoẻ như vậy.
Anh nói với tâm trạng của người có lỗi:
- Mẹ cứ yên tâm dưỡng bệnh. Con lớn rồi, chuyện của con, con tự lo. Ai lớn lên cũng phải đối diện với những vấn đề của riêng mình có phải không mẹ?

Mẹ anh cười:
- Thằng này nó lớn thật rồi.

Tín đi ra ngoài, gặp Nga đi đâu đó mới về. Anh mời cô lên phòng anh. Anh mang theo hai lon Coca. Họ đứng ở balcony nhìn xuống khoảng sân hẹp. Trước mắt là nhà của Nga. Ông bố đang nghe radio.
Anh nói với Nga:
- Cám ơn em vì chuyến đi vừa rồi. Không có gia đình em, không biết sẽ ra sao. Tôi sẽ không quên sự giúp đỡ chí tình này.

Nga cầm lon Coca từ trong tay anh đưa cho:
- Thôi đi, anh đừng dùng cái thứ ngôn ngữ “ngoại giao” đó, nó không hợp với sự ngốc nghếch của anh và cũng không hợp với sự chân thành của tôi.

Anh cười phá lên, cô gái cũng mỉm cười. Anh quay sang nhận xét về căn nhà đang ở.
- Căn nhà này tiện nghi nhưng đơn điệu quá, không có hoa, không có cây xanh. Không biết ông chủ làm nghề gì? Ông là người có tình, nhưng ngôi nhà này tẻ nhạt quá.

- Anh nghĩ ngôi nhà và người chủ nhất định phù hợp với nhau sao?! Cô gái nhìn anh hơi ngạc nhiên.
- Thường thì như vậy, ngôi nhà vật dụng, nó thể hiện cá tính của chủ nhân.
- Nếu vậy thì đúng rồi. Ông ta đơn giản nhưng tốt bụng, không màu mè, không khoa trương nhưng nếu cần ông ta sẵn sàng giúp.
- …..cũng như ba em.
- Ba em khác, tốt bụng nhưng nguyên tắc - cô gái nói về ba cô vẻ tự hào.
- Ba em làm gì?
- Ba em là sĩ quan quân y, bị thương giải ngũ khá lâu rồi.

Cô lại nhìn anh:
- Chắc nhà anh đẹp lắm.
- Không, bình thường thôi. Nhưng nhà bạn tôi thì rất đẹp, rất thơ mộng.
- Bạn gái hả?

Anh gật đầu nhè nhẹ.
- Chắc cô ấy đẹp lắm?
- Đẹp tuyệt vời.

Cô gái có vẻ buồn. Anh cảm nhận được một điều: không có cô gái nào vui khi có một người nào đó khen một cô gái khác trước mặt họ. Anh nhìn cô gái đôi mắt long lanh, khuôn mặt nở nang rạng rỡ, cái nét đẹp của một mệnh phụ trong tương lai. Anh khen cô một cách chân tình:
- Em cũng rất đẹp.
- Không cần anh nịnh đầm, tôi tự biết mình. Cô gái nói có vẻ bất cần nhưng anh thấy cô vui và rất mãn nguyện.

Hai ngày trôi qua, sự tìm kiếm vô vọng. Đà Nẵng hai ngày mưa, mưa không lớn nhưng dai dẳng và não nùng. Bầu trời xám xịt, đường phố trở nên u ám, ẩm ướt và lép nhép bùn, nhất là quãng đường Ông Ích Khiêm-chợ Cồn.

Tín lang thang qua mọi ngõ ngách, anh đã chứng kiến một Đà Nẵng hỗn loạn. Quân đội hình như đã tan vỡ một cách lạ lùng và khó hiểu, đường phố không còn người quét rác, rác vương vãi và ngập đường, ruồi nhặng khủng khiếp. Cảnh sát cũng không còn, luật pháp coi như chấm hết. Người ta sống với lương tâm của chính mình, trật tự xã hội được điều hành bởi ý thức công dân. Một ý thức công dân được hình thành với một Nhà nước pháp quyền tồn tại ngắn ngủi.

Anh trở về mỏi mệt và buồn chán. Lên lầu, lấy một chai bia mang theo, gặp anh Nhân - trông anh gầy rộc, mặt hốc hác thảm hại. Tín hiểu tâm trạng của anh: vợ và hai con nhỏ bị kẹt ở Tam Kỳ, anh như người ngồi trên đống lửa.
Tín hỏi:
- Anh uống một ly bia chứ?

Anh gật đầu và cười, nụ cười méo mó và thiểu não. Tín chạy lại lấy thêm hai chai nữa, hai người ngồi ngoài balcony lặng lẽ uống, thỉnh thoảng họ trao đổi một vài câu đơn điệu.
Tín hỏi anh ta:
- Theo anh thì tình hình có cứu vãn được không? Người ta đang nói đến một” giải pháp chính trị”.

Anh ta lắc đầu, đôi mắt buồn thăm thẳm:
- Làm gì có giải pháp chính trị, chiến xa và pháo binh Việt cộng đã áp sát thành phố, họ sẽ tiến vào trong nay mai thôi. Giải pháp chính trị chỉ là ảo tưởng của một số người ngây thơ, hảo huyền.
- Anh tính thế nào?
- Còn thế nào nữa, đi thôi, nhưng kẹt vợ con, thật điên cái đầu.

Tín thấy mình không phải là người duy nhất đau khổ, anh uống hết chai bia và đi ngủ.

Buổi sáng ngày 29/3/1975, chị Thi từ ngoài phố chạy về, vẻ mặt hốt hoảng, chị nói lắp bắp:
- Nghe người ta nói Việt cộng về tới ngã ba Huế rồi.

Anh Khanh và anh Nhân lên xe Honda, đi xem xét tình hình. Một giờ sau, họ về, anh Nhân cởi vội bộ quân phục, vứt ra đường mặc bộ civil vào, anh sửa soạn một túi xách tay nhỏ. Anh Khanh cũng sửa soạn ra đi, anh nói với chị Thi:
- Em ở nhà chăm sóc con, anh phải đi thôi, giờ này không thể mang em và con theo được.

Chị Thi khóc, chị đưa thằng cu cho anh ôm một chút để từ biệt. Anh Khanh ôm hôn con, hôn khắp người, từ bàn tay bàn chân, nước mắt anh chảy dài trên má… thật cảm động.
Anh Nhân hối thúc:
- Thôi, nhanh lên không còn kịp nữa, tàu nhổ neo bây giờ.

Anh hỏi Tín:
- Cậu có đi không?

Tín lắc đầu.

- Cậu ở lại bảo trọng, chăm sóc mợ chu đáo, bệnh của mợ không đơn giản đâu - anh ta ôm Tín thật chặt - hẹn gặp lại.

Họ lên xe, rú hết ga ra bến tàu.

Những chiếc chiến xa T54 tràn vào Đà Nẵng. Tín nhìn thấy lá cờ của “Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam” đi qua đường Nguyễn Hoàng, anh đang chứng kiến giờ phút thay đổi của Đà Nẵng, lúc đó anh nhìn đồng hồ 3h chiều, thành phố quan trọng bậc nhất miền Trung. Mọi người trong nhà chờ đợi, không ai nói một lời.

Thành phố yên tĩnh, hai ngày trôi qua, nhiều người đã ra đường, một cách thận trọng. Người ta bắt đầu mua bán những thứ đơn giản. Bà hàng bún trước nhà mở cửa trở lại. Đồng tiền mất giá kinh khủng, vì không biết bây giờ người ta có dùng nữa không. Các bà các cô thì tháo hết vàng bạc nữ trang giấu kỹ, họ lặng lẽ và bí mật giấu hết, quỉ không hay - thần không biết. Tín nói với ba mẹ, anh muốn về Tam Kỳ, nhưng ba mẹ không đồng ý.
- Con cố chờ thêm vài hôm nữa cho tình hình yên tĩnh đã. Hôm nay còn nguy hiểm lắm. Cầu Câu Lâu sụp rồi, xe không qua được.

Trong bữa cơm, chị Thi nói:
- Ngoài biển người ta nói rất nhiều người chết tấp vô. Hôm qua con nằm mơ thấy thấy anh Khanh về, anh ấy nói bị đói và rất lạnh, con sợ ảnh… Chị không nói nữa, nước mắt lã chả.

Cô hai của Tín nói với ba anh :
- Hay là mình đi xem thầy, coi thử thế nào, coi nó còn sống không? Ba anh không tin chuyện bói toán nhưng bác bỏ cũng không tiện, đành nói:
- Tuỳ chị, nhưng theo tôi “tử sinh hữu mệnh”.

Vậy là Tín phải đưa chị Thi đi xem bói. Đến một xóm nhỏ, nhà cửa chật hẹp và nghèo nàn. Vào một căn nhà khói hương nghi ngút, ngột ngạt vô cùng, Tín thấy buồn nôn khi nhìn người đàn ông thấp, da ngăm mặc bộ pijama nâu, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Trông ông ta quái dị, nửa đàn ông, nửa đàn bà nói chuyện với chị Thi.
- Được. Chị cúng bà 2000 đồng. Tôi sẽ hỏi cho chị.

Sau đó ông ngồi lên bàn, trùm khăn đỏ, bắt đầu lắc lư, rồi một giọng nói the thé quái gở như từ một thế giới khác. Anh không tin nhưng cũng thấy rùng mình.
- Tuổi này, năm nay gặp nạn chắc khó qua khỏi, nhưng khi sinh thời có tu nhân tích đức nên ở thế giới bên kia cũng được sung sướng.

Chị Thi vẫn không an tâm hỏi:
- Nhưng sao con chiêm bao thấy chồng con đói và lạnh.
- À, chắc là rơi xuống biển nên hồn về báo như thế, bây giờ thì siêu thoát rồi.

Trên đường về, chị Thi bảo ngày mai đưa chị sang quận 3 đi tìm xác anh Khanh. Tín không tranh luận với chị Thi vì anh nghĩ chỉ vô ích thôi, hơn nữa cũng phải đi để chị an tâm, vì điều gì cũng có thể.Tín và chị Thi đi dọc theo bờ biển mà mấy tuần trước đây là bãi biển thơ mộng và trữ tình với những người phụ nữ thướt tha, yểu điệu và hấp dẫn trong bộ đồ tắm, đi thang lang dọc bờ biển. Bây giờ, đây là một bãi biển kinh hoàng, những thây người vô thừa nhận nằm rãi rác. Những người tốt bụng quanh vùng mang những cái thây người sình to đặt trên mấy chiếc chiếu vàng ố. Mùi hôi thối bốc lên kinh khủng, dù cho gió biển đã làm cho cái mùi đó bớt đi. Tín và chị Thi - mỗi người một khẩu trang, cùng với rất nhiều người đi tìm người thân. Họ nhìn áo quần của những người xấu số,để sơ bộ xác định nhân thân. Tín thấy có nhiều xác chết đã biến dạng hoàn toàn: tay chân, mặt mũi đã bị cá rỉa làm cho không thể nào nhận diện được, rồi cái nắng nóng làm cho làm cho những thi thể nhanh chóng hư hoại và sình to lên một cách đáng sợ. Anh không thấy sợ hãi như trước đây khi nhìn người chết, đặc biệt là những tình huống ghê tởm như thế này.

Bây giờ, anh chỉ thấy đau lòng và thương cảm, anh nhìn thấy cái thân phận bi đát của con người, cái thân phận mong manh, bé nhỏ và phù du của con người. Hình dung những người phụ nữ, những người đàn ông và có cả trẻ con đang nằm kia, nắng và gió biển làm cho thân thể họ tím bầm, nhợt nhạt. Ruồi nhặng bâu đầy trên những mảnh thịt đỏ bị loắt ra. Trước đây, họ đã là những người phụ nữ duyên dáng, quyến rũ và những người đàn ông lịch lãm, hào hoa, những cô bé cậu bé xinh xắn như thiên thần. Bây giờ họ nằm đó, biến dạng và khủng khiếp. Anh thấy có một cái gì đó đang đổ vỡ trong anh. Chỉ qua một thời gian ngắn, những biến cố trong cuộc đời đã làm anh trở nên tỉnh táo, vô tình và lý trí đến cứng nhắc, không còn đa cảm và dễ xúc động nữa. Chỉ có nỗi niềm của anh với Thương là vẫn còn nguyên vẹn, nó nằm ở một nơi rất riêng trong trái tim anh.

Sau khi đã lang thang suốt một buổi mai, và đã xem xét rất nhiều người chết, chị Thi bảo Tín đưa về vì thấy buồn nôn và nhức đầu. Về đến nhà, Tín vồi vàng thay quần áo và tắm. Ăn cơm xong, anh lên phòng, trải tấm nệm dưới nền gạch hoa. Sau khi đã xịt khắp phòng một ít nước hoa, anh nhắm mắt mường tượng Thương đang đâu đó trong phòng. Thương đang hiện diện đầy ắp trong phòng này.Ba giờ chiều thức dậy, Tín đi tắm cho người tỉnh táo. Anh qua nhà Nga để chào tạm biệt ba của Nga. Người đàn ông ít nói, hơi lặng lẽ, niềm nở tiếp anh ở phòng khách. Phòng khách nhỏ nhưng bày trí rất hài hoà, và rất có hồn. Anh thấy tất cả mọi thứ ở đây đều nằm đúng vị trí của nó. Bộ salon, mấy chậu hoa, hồ cá, mấy bức tranh trên tường - phiên bản của Picaso, của Leonardo De Vinci. Ông mời anh một chén trà, mùi thơm của trà gợi anh nhớ lại cái không khí êm đềm và hạnh phúc ở nhà Thương. Anh tưởng như có tiếng mẹ Thương vọng lên từ nhà dưới.
Ông hỏi anh:
- Con có tâm sự à?
- Dạ,con sang đây để chào tạm biệt chú và Nga, và cũng để cảm ơn chú và Nga về những sự giúp đỡ trong thời gian qua. Có dịp con mời chú và Nga vào Tam Kỳ, đến nhà con chơi.

Nga nheo nheo mắt nhìn anh :
- Lại những lời lẽ ngoại giao vụng về.

Họ cười rất vui vẻ, anh nâng chén trà để lên mũi hít nhè nhẹ để cho cái mùi hương dìu dịu ngập tràn từng khoang phổi, để nỗi nhớ Thương thấm sâu vào máu huyết.

- Trà Ô Long này thật tuyệt vời. Với con, nó có nhiều kỉ niệm. Không biết rồi đây con có được uống nữa không!
- Chắc là không, trà này nhập từ Đài Loan, Hồng Kông, giá rất đắt - loại xa xỉ phẩm. ghe nói đâu chế độ mới họ sinh hoạt rất tiết kiệm.

Anh nghe trong cách nói của ông, ông dùng từ rất thận trọng.
- Còn nước hoa thì sao hả ba.

Nga hỏi vẻ sốt ruột vì Nga cũng dùng nước hoa, với cô đó là một điều rất quan trọng.
Ông cười phá lên:
- Nước hoa à… Ba chỉ có một mình con, nhưng rồi đây con cũng không còn là công chúa nữa. Con phải làm một việc gì đó để kiếm sống. Mọi người phải lao động.
- Lao động thì lao động. Con chẳng sợ.

Ông không nói gì, nét mặt buồn mênh mông.
Buổi sáng, lúc ăn mai, anh trình bày ý định về Tam Kỳ với ba mẹ.
Mẹ anh chỉ hỏi:
- Có sớm quá không con?

Ba anh có vẻ dửng dưng. Trước đây, ông rất lo lắng; bây giờ ông ít nói, ít ra ngoài, và vẻ mặt của ông có vẻ an phận, có vẻ lãnh đạm.
- Về cũng được, con bảo trọng. Tuần sau cả nhà cùng về.

Tín chuẩn bị hành lý, chỉ vài bộ quần áo, và một ít tiền, chiếc xe đạp của ông chủ nhà để lại còn rất tốt. Loại xe dura của Pháp, vừa nhẹ vừa lướt nhanh. Anh cảm thấy nhẹ nhàng và ít ra anh cũng thực hiện được dự định của mình, và điều quan trọng hơn là anh háo hức được gặp lại Thương. Nghĩ đến điều đó là anh cảm thấy được khích lệ…, cảm xúc bay bổng tràn ngập trong lòng. Anh sẽ ngắm Thương thật lâu, từ mái tóc mượt mà như mây, chiếc cổ tròn ba ngấn, ánh mắt dịu dàng đằm thắm nhưng rừng rực một tình cảm đam mê dấu kín. Bàn tay nuột nà, những ngón tay thon dài. Những ngón tay ấy, từ ngàn năm trước đã làm não lòng người dũng sĩ một đi không trở lại - Kinh Kha. Anh chợt mỉm cười, ngàn năm sau, ngàn năm sau nữa, và mãi mãi, bàn tay nuột nà của mĩ nhân sẽ là nỗi đam mê cháy bỏng trong lòng các đấng mày râu.

Xe đã đến cầu Câu Lâu. Cây cầu đồ sộ đã bị giật sập, nó quị xuống như người bị thương. Anh nhìn xuống bến sông, tấp nập những chiếc xuồng, những chiếc ghe nhỏ chờ người qua sông. Những người dân quanh vùng đưa khách qua sông với một ít tiền lộ phí. Một vài quán mì Quảng mọc lên để phục vụ khách qua đường. Những tô mì nấu rất vụng về, giúp khách lót lòng. Anh vào gọi một tô mì rồi qua sông. Dòng sông không quen cũng không lạ đối với anh. Anh không là bạn cũng không là khách. Anh nhớ đến dòng sông quê anh, nhớ đến những người bạn mà bây giờ không biết ra sao. Anh thấy cuộc sống của anh đang thay đổi, có điều không biết nó sẽ thay đổi đến mức nào.

Về tới Tam Kỳ trời đã xế bóng, phố xá hoang vắng buồn thảm, thỉnh thoảng mới gặp vài người, cũng với nét mặt an phận lãnh đạm, không buồn chào nhau, họ như những người vừa trải qua một cơn đau, miệng còn đắng chát nên dửng dưng với mọi việc, với tất cả. Anh rẽ vào một góc phố nhỏ, nhà Thương đây rồi, nhưng trước anh là một cảnh tượng mà anh không hề được chuẩn bị trước. Anh choáng váng. Chiếc cổng sắt bị tháo mất một cánh. Trong nhà đồ đạc không còn. Những căn phòng rỗng tuếch, chỉ còn những thứ không mấy giá trị, bọn trộm vứt ngổn ngang trên sàn nhà, ngoài vườn, ngoài vườn. Cửa kính bị tháo hết, căn nhà không còn cửa trở nên hoang tàn không nhận ra nữa. Anh đi quanh vườn, bọn trộm thật nhẫn tâm, những chậu cây kiễng lớn không mang đi được cũng đập vỡ nát. Cái xấu cái ác đã có một cơ hội tuyệt vời để hoành hành.

Tín trở về nhà. Gia đình cô gái tá túc không còn ở đó nữa. Chắc họ đã về Tiên Phước. Cánh cửa nhà anh bị tháo khoá, vòng khoá vất ở một góc nhà, đồ đạc bị lấy đi rất nhiều. Những thứ nặng nề như tủ giường bàn ghế thì còn. Kẻ trộm lấy đi những gì có thể lấy, những gì không lấy được thì còn nguyên vẹn. Anh thấy những kẻ trộm này còn có chút lương tri, anh thoáng nghĩ, thôi cũng được, họ cần thì họ lấy, điều quan trọng là họ không đập phá những gì không lấy được, khác với nhà Thương, những gì không lấy được đều bị đập phá một cách tàn nhẫn.

Anh trải một tấm vải bạt xuống sàn nhà đầy bụi, không màn, không điện, anh nằm trong bóng tối và nghĩ đến ngày mai anh sẽ được gặp Thương. Nhà vắng người, lũ chuột cũng bị đói, chúng chạy xao xác tìm mồi, rượt đuổi nhau va cả vào người anh.

Buổi sáng thức dậy, anh thấy cô đơn vô cùng, trong ngôi nhà lạnh lẽo. Không có người thân ngôi nhà trở nên xa lạ, hoang vắng. Tín đi tắm, chẳng có dầu gội, cũng không xà phòng, lần đầu tiên anh tắm như vậy. Tắm xong rồi mà tưởng như mình chưa tắm.

Anh ra phố tìm một chút gì để ăn. Chẳng có thứ gì, người ta chưa quay về với cuộc sống bình thường. Anh nhịn đói đạp xe đi Chu Lai. Con đường Tam Kỳ - Chu Lai vắng teo. Cảnh sắc hai bên đường vẫn thế, những ruộng lúa, những dải cát dài nối tiếp nhau, rừng dương liễu nối tiếp với núi đồi. Thỉnh thoảng cũng có người đi qua lại. Anh nhìn phía trước, phía sau, anh chỉ có một mình trên quãng đường heo hút. Đi qua chợ - anh không biết chợ gì, cách Chu Lai về phía bắc khoảng 8km, anh ghé vào chợ mua một nải chuối nhỏ và ba trái mãng cầu của một bà lão. Bà bán rẻ quá, rẻ đến nỗi làm anh áy náy. Tín khẩn khoản muốn trả thêm tiền nhưng bà dứt khoát từ chối. Anh vào một cửa hàng gạo, gạo trong cửa hàng đã hết, chỉ còn tấm biển xiêu vẹo. Bụng đói cồn cào, anh ăn thật nhanh, thật ngon, loáng một cái đã hết sạch. Bà hàng gạo mang cho anh một bát nước chè đen đậm và nóng hổi. Anh uống xong, cám ơn rồi lên đường.

Anh nghe bà chủ bán gạo nói với bà lão bán trái cây:
- Thằng bé không phải người vùng này, con nhà ai mà dễ thương quá.

Tín đến nhà cậu của Thương. Anh đã đến đây một lần vào mùa hè năm 1973 cùng với ba mẹ Thương, đi tắm biển Rạng. Họ đi trên một chiếc xe Jeph mui trần, màu trắng. Anh và Thương ngồi sau, ba Thương cầm lái. Đến đâu ông cũng được chào đón một cách trang trọng. Ông có mối quan hệ rộng rãi và khá nổi tiếng. Lúc đó anh thấy mẹ Thương trẻ và đẹp. Thương giống mẹ như một phiên bản, cộng với một chút quí phái của cha. Anh tưởng chừng như mới hôm qua.

Tín vào nhà, không có ai, đồ đạt vứt lung tung, cái cảnh tượng chẳng khác nhà anh là mấy. Tim anh như ngừng đập. Như vậy là Thương đã đi rồi. Anh leo lên tầng trên, cũng không có ai, nhìn qua bên kia đường: mấy người hàng xóm đang nhìn anh, họ nói với nhau một điều gì đó. nh quyết định đến hỏi thăm để biết một chút tin tức về Thương. Mấy người phụ nữ tuổi mẹ anh và một cô gái chào anh.
- Cháu tìm anh Thao phải không?
- Dạ. Cháu tìm người nhà của Thương. Ông Thao là cậu của Thương - anh trả lời.

Bà hàng xóm mập quá khổ nhưng có vẻ mặt hiền từ, bà nói với bà kia:
- Thương là cái cô bé đẹp như diễn viên đó, cháu ổng.

Bà kia nhìn anh :
- À, cháu là…

Tín tiếp lời :
- Cháu là bạn của Thương. Cháu muốn hỏi Thương và gia đình đi đâu rồi ạ?Bà hàng xóm nhìn anh có vẻ ái ngại không muốn nói với anh một điều gì đó. Cô gái nhanh nhẩu cho anh biết:
- Nhà này đi rồi nhưng… - cô bé lại nhìn bà hàng xóm như muốn hỏi có nên nói ra điều này không. Anh linh cảm một việc gì đó không may xảy ra, tim anh thắt lại, anh nói như van xin họ:
- Cháu rất muốn biết tin tức của Thương và gia đình, mong các bác nói cho cháu biết.

Bà hàng xóm gật đầu với cô gái. Cô bé có vẻ thạo tin và thích nói chuyện.
- Gia đình này có một chiếc tàu, họ đã lên tàu chuẩn bị di tản, nhưng tàu bị trục trặc gì đó, ông chủ tàu tìm thợ ra sửa máy. Tàu đang sửa máy, đậu khá xa bờ, lúc đó quân giải phóng tiến vào Chu Lai. Dòng người hoản loạn đổ xô ra biển, họ dùng xuồng nhỏ, liều mạng chèo ra những tàu lớn. Họ tràn lên tàu, nhiều người quá nên tàu chìm. Gia đình này bị kẹt trên đó, chắc là chết hết rồi.

Tín thấy đau buốt trong ngực, choáng váng như bị sét đánh. Anh gục xuống khóc như mưa như gió, không để ý đến mọi người nhìn anh. Họ để cho anh khóc rất lâu. Cô gái mang cho anh một ly nước chanh. Bà hàng xóm ép anh uống hết cốc nước chanh đầy. Bà ngồi bên cạnh anh, vuốt tóc như con của mình.

Anh hỏi:
- Có thể có sự nhầm lẫn nào đó không hở bác?

Bà buồn rầu khẽ lắc đầu.

Chẳng biết đi đâu bây giờ, anh chẳng biết làm gì bây giờ, anh như một người bị thương. Anh chào mọi người.
Bà hàng xóm hỏi:
- Con về có được không. Bác cho người chở con về.

Anh cảm ơn bà:
- Con về được, con phải về.

Trên đường về, Tín vẫn khóc, nước mắt chảy dài trên má. Anh tưởng chừng như Thương vẫn còn đó, bên cạnh anh trên đường đi học - tà áo dài tha thướt, mái tóc tung bay trong gió. Thương mỉm cười với anh.

Về Tam Kỳ, 5 giờ chiều, một buổi chiều đầy mây, trời trở gió, những trận gió cuốn phăng những chiếc lá rụng ven đường, dồn chúng lại, hất tung lên rồi bỏ mặc cho chúng rơi lả tả. Trước đây, khi còn bé anh và Thương vẫn hay đuổi theo những chiếc lá bị gió cuốn tung lên trời, chới với chạy theo đón bắt trước khi chúng rơi xuống đất. Mãi nhìn theo những chiếc lá chơi vơi trên cao, màu trời pha những vết loang tím sẫm. Anh va phải Thương làm Thương đau điếng, ngã lăn ra đất. Tín vội vàng vứt hết những chiếc lá trên tay, đỡ Thương dậy, xuýt xoa xin lỗi.
Thương cười:
- Anh mất hết tiền rồi - họ gọi những chiếc lá là tiền.
Tín nhìn Thương:
- Anh không cần nó. Em có đau không?
- Không, em cho anh này.
Thương chia một nữa cho anh.
Anh lại khóc.

Bây giờ, Tín chỉ có một mình trong buổi chiều quạnh quẽ, hiu hắt. Anh về nhà lấy mùng mền, anh quyết định ngủ đêm tại nhà Thương. Anh tin rằng Thương sẽ về, ít nhất là trong giấc mơ. Anh muốn gặp lại Thương bằng mọi giá, bằng mọi cách.

Vứt đống chăn màn qua một góc phòng, anh đi qua phòng Thương.

Anh tìm trên tường, trên bệ cửa sổ, một dấu vân tay của Thương. Anh qua bàn trang điểm, ở đây không còn gì, kẻ trộm đã lấy đi hết. Anh căm thù kẻ trộm, thật nhẫn tâm, không để lại cho anh một chút gì - kỉ niệm của Thương.

Tín đi ra vườn, bước chân xiu vẹo. Anh tìm dấu chân Thương vẫn hay lang thang trong vườn - ới anh hoặc một mình. Biết đâu còn một dấu vết nào đó tình cờ in trên một khoảnh cát nào đó. Anh đến từng gốc cây, lần mò tìm kiếm, hi vọng Thương khắc tên mình trên đó để lại cho anh. Không có gì hết, anh tìm đến cây mai trồng ở giữa vườn. Cây mai này mỗi dịp xuân về anh và Thương tìm đếm những nụ hoa nhú lên mỗi ngày…và những bông mai vàng rực, mùi thơm dìu dịu đầy cành. Họ nhìn mai rồi nhìn nhau, niềm vui bỡ ngỡ: họ lớn lên một chút, Thương đẹp lên bội phần.

Tín nhìn thấy lủng lẳng trên cành mai một túi vải màu hồng. Anh thận trọng lấy chiếc túi xuống, mở dây buộc, lấy ra một lá thư và hai mảnh giấy xếp vuông vắn. Tín nhận ra hai mảnh giấy mà Thương dùng để bói vào cái đêm cuối cùng họ bên nhau. Tay anh run run khi nhìn thấy nét chữ của Thương - nét chữ tròn mềm mại:
“Anh thương nhớ,Ba em vẫn biệt vô âm tín. Mẹ quyết định đưa em về trú ngụ nhà cậu út ở Chu Lai. Anh nhớ tìm em khi về nghe. Em sẽ đợi anh dù bất cứ nơi đâu, có thể em sẽ ra đi. Mãi mãi nhớ anh.Em hôn anh thật nhiều.”

Tín ôm lá thư vào lòng, khóc nức nở. Anh chạy vào nhà, nằm vật ra trên đống chăn màn. Anh nằm như vậy rất lâu. Đêm xuống tự bao giờ - đêm dày đặc và ngột ngạt. Anh ra vườn men theo lối đi quen thuộc. Anh như Adam cô đơn trong vườn Địa Đàng tan nát.

© 2008
www.danchimviet.com

No comments: