Tuesday, November 11, 2008

DI TẢN (Phần 2)

Di tản
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 19.10.08
http://danchimviet.com/articles/531/1/Di-tn-1/TrangPage1.html


(Phần 2)
Chiều xuống thấp, mặt trời đã khuất, dòng sông yên tĩnh và quen thuộc biết bao. Không biết nó có cảm nhận được gì không, khi phải chia tay với một người bạn. Riêng Tín, anh thấy đôi mắt Tường thăm thẳm buồn. Tường đứng trên bờ cao nhìn dòng sông, bịn rịn.

Mười lăm ngày trôi qua. Trong mười lăm ngày ngắn ngủi ấy, Việt Nam Cộng Hoà đã mất đi rất nhiều vùng đất mà trước đây họ kiểm soát. Tình hình hỗn mang, dân chúng thì như một bầy kiến hỗn loạn chạy quanh chiếc tổ sắp bị vỡ tung. Có nhà thì xây lại hầm trú ẩn để “cố thủ”, có người chạy về nông thôn, và chẳng biết chạy đi đâu; điều kiện vật chất không có, họ chờ đợi trong buồn phiền và căng thẳng. Có gia đình thì định di tản đi Đà Nẵng. Ở đó, có thể vào Sài Gòn bằng đường biển nếu Đà Nẵng bị đe doạ hoặc thất thủ.

Tường tổ chức bữa tiệc chia tay trong hoàn cảnh như vậy. Hơn 60 giấy mời gởi đi, chỉ có gần 30 người đến dự… Đó là những người tâm giao, gần gũi với Tường hoặc Hạnh. Trong bóng mát của khu vườn quen thuộc, nhiều chiếc bàn đặt nối liền nhau phủ nỉ đỏ, dưới tán lá của những cây mận, cây nhãn sum suê; những cành lá thật gần, chỉ cần với tay là tới. Những mùa hè trước, những cành cây này rũ xuống với những chùm nhãn ngọt lịm, những trái mận đủ màu, mọng nước và đẹp mắt. Trên bàn, bày rất nhiều thức ăn ngon và lạ được những đầu bếp khéo tay nấu rất cầu kỳ. Rất nhiều nước ngọt lon và chai của những hãng nước giải khát nổi tiếng. Tường và Hạnh ngồi ở đầu bàn, vị trí của người chủ, họ ngồi gần bên nhau sang trọng và rực rỡ trong những bộ trang phục đắt tiền. Nhưng nhìn họ, Tín thấy đau lòng. Tường thì ủ rũ và gầy đi nhiều, mắt Tường sâu, chỉ có cái vẻ lịch lãm là vẫn nguyên vẹn. Còn Hạnh thì tệ hơn nhiều, vẻ đẹp quyền quí đã héo hon đi; Hạnh mệt mỏi và ủ ê. Họ ngồi như những pho tượng, nụ cười héo hắt, đôi mắt chất chứa niềm đau tuyệt vọng, vì thiên đường ước mơ của họ hoàn toàn bị sụp đổ.

Tường đứng lên, tay nâng ly Champagne, Hạnh ở bên cạnh, giọng Tường chậm rãi và buồn bã như sắp khóc:
- Hôm nay,mời các bạn đến đây để dự tiệc chia tay… Điều mà mình không bao giờ dự kiến. Tưởng rằng một ngày nào đó rất gần, cũng tại nơi đây, chúng tôi sẽ đón chào các bạn dự tiệc cưới. Nhưng cuộc chiến ác liệt này đã phá huỷ tất cả - tất cả, những ước mơ và những dự định bình thường nhất cũng tan vỡ hết. Người ta nói đó là định mệnh nhưng mình không tin ở định mệnh. Đó là sự lựa chọn sai lầm của con người, và con người, nhất là những thế hệ trẻ phải trả giá cho sự sai lầm đó. Cầu trời cho mọi việc tốt đẹp trở lại, và mình lại quay về; cầu xin ơn trên cho chúng ta không ai phải chịu bất hạnh, mất mát. Với niềm hy vọng đó, chúng tôi mời các bạn nâng cốc.

Tín và Thương chọn một chỗ hơi xa Tường và Hạnh. Tín không đủ can đảm để nhìn thấy Hạnh trong tình cảnh hiện nay. Cô ấy như người mất hồn và suy sụp. Khác với những buổi tiệc trước đây, rất ồn ào; mọi người nói với nhau rất nhỏ; thức ăn trên bàn không ai đụng tới. Họ chỉ uống nước, nhiều người uống như một cái máy, uống liên miên, để không còn thấy chết cứng ở cái bàn tiệc này. Tâm trạng họ rối bời những lo âu và hoảng sợ.

Tường với cây ghita để sẵn bên cạnh đứng lên hát: “biệt ly nhớ nhung từ đây, chiếc lá rơi theo heo mây, người về có hay...”. Tín chết lặng người đi, sao Tường lại chọn bản nhạc này vào lúc này chứ! Bản nhạc - từng từ, từng nốt, làm tan vỡ tâm hồn đang đau đớn; nó xô lên những con sóng ẩn trú nơi sâu thẳm trong tâm hồn, làm quặn đau tâm thức, làm vỡ tung lồng ngực, làm cho thân người tê dại và buốt đau…. Những cô gái gục đầu xuống bàn khóc nức nở, đôi vai run lên. Họ khóc ấm ức và đau đớn. Thương gục đầu trên bàn, mái tóc mây mượt mà phủ trên tấm nỉ đỏ. Tín đặt tay lên vai Thương vuốt nhè nhẹ an ủi. Thương tìm bàn tay Tín quờ quạng và yếu đuối, như một người chơi vơi giữa dòng nước. Tường vẫn hát giọng đầy nước mắt: “Người về u buồn ngất trời, người ra đi với ngàn nhớ thương”. Tín trách sao Tường lại chọn bản nhạc này nhưng cũng vô cùng cảm động, vô cùng cảm ơn Tường đã chọn bản nhạc này để hát hôm nay. Dường như Doãn Mẫn đã viết cho họ thì phải? Không còn kiềm chế được nữa, Hạnh nức nở, tiếng khóc bi thương như một con chim bị trúng đạn, tiếng khóc giận hờn và tuyệt vọng. Tường buông đàn, ôm Hạnh vào lòng. Bữa tiệc chìm trong nước mắt.

Tình hình ngày một khẩn trương. Theo những nguồn tin chính thức từ các báo đài cho biết thì quân Tiên Phước cách thị xã Tam Kỳ về phía tây hai mươi km đã bị quân cộng sản Bắc Việt bao vây, và có thể thất thủ. Người dân hoang mang và lo sợ đến tột độ khi từng đoàn người từ Tiên Phước đổ về Tam Kỳ. Những trạm tiếp cứu đã chật nứt người tị nạn. Chính phủ không còn đủ khả năng để tiếp nhận và giúp đỡ vì vốn dĩ khả năng đã này rất hạn chế.

Một người hàng xóm của gia đình Tín quê ở Tiên Phước, những người bà con của chú ấy đổ xô đến xin được giúp đỡ, có đến bốn gia đình cần được giúp đỡ, nhưng nhà chú chỉ có thể cưu mang một gia đình thôi. Thế là chú phải cầu viện những người hàng xóm. Mẹ anh nhận lời cho một gia đình 6 người đến tá túc. Gia đình có hai vợ chồng khoảng 45-50 tuổi, một cụ già ngoài 70 tuổi và 3 người con. Cô con đầu khoảng 20 tuổi, hai cậu bé 15 tuổi và 2 tuổi. Ba anh cho người che thêm mấy tấm tôn lạnh cho họ ở tạm . Từ trước đến nay anh vẫn nghe nói: con gái Tiên Phước rất đẹp, anh hơi tò mò, anh ra giúp ba dựng căn nhà ”dã chiến” cho họ, và cũng để nhìn cô gái một chút, trông có đẹp không. Đúng là cô ấy đẹp thật. Trong bộ quần áo giản dị, trông cô vẫn rất hấp dẫn. Cô cao lớn và nảy nở. Lúc đầu, cô nhìn anh rụt rè, nhưng chỉ một lát sau,cô đã dạn dĩ. Cô giúp Tín một số việc. Sau một giờ, căn nhà đã hoàn tất, có thể che mưa che nắng được. Xong việc anh đi tắm, nhìn khuôn mặt mình trong gương, anh nhớ đến Thương và cảm thấy xấu hổ, ân hận. ”Tại sao mình lại quan tâm đến cô ấy”, Tín tự trách mình rất nhiều.

Tín dắt xe đi dạo một chút cho đỡ căng thẳng và cũng xem xét tình hình thị xã có gì biến động không. Khi dắt xe ra cổng anh gặp cô gái đó, tay xách mấy túi thức ăn. Tín chào cô bằng cái gật đầu trang trọng và tránh nhìn vào mắt cô. Một đôi mắt quyến rũ và rực lửa. Tín thấy cô không lo lắng gì cả. Chiến tranh ác liệt, cuộc sống tha hương không để lại một chút gì nơi nụ cười vô tư và duyên dáng của cô. Hình như cô không quan tâm đến chiến tranh và những gì đang xảy ra… Đối với cô, ai thắng trong cuộc chiến này cũng thế thôi.

- Anh đi chơi à - giọng nói con gái dịu dàng nhỏ nhẹ, trái ngược với vóc người to lớn và rất phụ nữ của cô.
- Dạ vâng! Chào chị. Tín nói.

Cô ấy hơi nũng nịu:
- Anh đừng gọi em như vậy.

Tín hơi ngượng ngùng vì sự căng thẳng của cô nên đánh trống lãng:
- Ở đây thức ăn có rẻ hơn Tiên Phước không?

Cô nhìn một thoáng vào túi thức ăn, rồi nhìn anh, cái nhìn sắc như dao làm anh thấy bối rối.
- Thịt thì bình thường, rau thì đắt hơn, còn cá thì rẻ như cho.
- Vậy thì tốt, chị vào nấu ăn đi kẻo trễ.

Tín nói và đi thẳng không dám quay lại nhìn, tuy trong lòng rất muốn biết cô ta có nhìn theo mình không? Chẳng để làm gì nhưng anh chàng vẫn muốn và rất vui khi các cô gái nhìn anh. Tín lại tự nhủ mình: ”mày là thằng đa tình, mày thật không xứng với sự đoan trang của Thương” .

Tín đạp xe qua cầu, con đường rải đá này dẫn xuống biển. Nhìn qua bên trái anh giật mình: trên cồn cỏ (người ta gọi là Cồn Thị, vì cái cồn đất khá dài này nổi lên giữa hai con sông có những cây thị cao hơn 20m. Mùa hè những cây thị đầy trái, trái tròn, nhỏ bằng quả banh tennis. Khi chín vàng, nó thơm lừng, một mùi thơm dễ chịu. Trái rơi đầy gốc, chẳng làm gì cho hết), những khẩu pháo nòng dài lêu khêu, nghếch lên, hướng về phía tây. Những người lính làm việc khẩn trương, anh dừng lại để xem cho biết họ làm gì. Họ làm việc lặng lẽ và căng thẳng. Những chiếc thùng gỗ mới toanh chứa đạn, chất cao gần đó. Như vậy là chiến tranh đã hiện diện ngay ở đây rồi. Và điều này có nghĩa là vùng phụ cận thị xã không kiểm soát được nữa. Tự nhiên Tín cảm thấy cảm giác ớn lạnh bao toả khắp người. Nếu thị xã thất thủ thì sẽ ra sao đây?.Tín mường tượng một sự bất hạnh hãi hùng đang phục chờ ở đâu đó!

Tín tiếp tục đạp xe đi về phía biển, có một dãy núi chạy dài theo hướng Bắc - Nam, khoảng 10km, nhấp nhô những ngọn núi thấp, trơ trọi, chỉ toàn là cây bụi cỏ lè tè, còi cọc. Tín men theo con đường đất đỏ, ven sườn núi thoai thoải. Leo lên đồi, anh luồn lách giữa những bụi cây, (ở quê anh người ta gọi nó là cây lá chổi, nó được dùng để nấu nước uống vừa thơm, vừa trị được một số bệnh). Nhìn về phía Nam nơi ngọn đồi đổ xuống hơi vội. Trên một bải cỏ xanh mượt, trước đây người ta thả nhiều trâu, bò ở đó. Bây giờ là môt đơn vị pháo binh cùng với những nòng pháo dài ngóc lên trông ngổ ngáo và dữ tợn, hướng về phía tây với rất nhiều thùng đạn mới toanh bên cạnh.

Nhìn về phía tây nơi những dãy núi mờ xa, mấy ngày hôm nay, nếu để tâm lắng nghe, người ta có thế cảm nhận được tiếng ì ầm rất nhỏ và tiếng đất rung chuyển. Trời ở đây rất trong, đứng trên ngọn đồi này có thể nhìn thấy những chiếc máy bay đến rồi đi và những chùm bom nối nhau rơi xuống. Tín đứng nhìn khá lâu cái cảnh tượng đó, lắng nghe tiếng đất rung chuyển dưới chân. Ở đằng chân trời kia là Tiên Phước - quận lỵ miền trung du với những khu vườn yên tĩnh. Những vườn chuối chập chùng từ đồi này qua đồi khác. Những vườn chè, vườn tiêu nằm dưới bóng mát của những cây cao. Ở đó, trên những sườn đồi, người ta trồng cơ man nào là quế - một đặc sản của vùng này - nguồn thu nhập quan trọng cùng với chè và tiêu, làm nên sự trù phú của mảnh đất tươi đẹp này. Người ta cũng biết đến Tiên Phước như là nơi sản sinh ra những mỹ nhân đẹp đến say lòng người.

Tín đã được nhiều lần đến đó. Những buổi trưa hè yên ả, từ trong nhà nhìn ra ngoài sân, thỉnh thoảng chúng ta nhìn thấy mấy con chồn tròn xoe đôi mắt kì khôi, nhìn liến thoắng khắp nơi rồi biến mất rất nhanh vào những bụi rậm gần đó. Buổi chiều đi dạo trên vườn đồi, từ trên cao nhìn xuống một vùng không gian bao la, hít thở không khí trong lành pha lẫn hương thơm ngọt ngào của hoa cỏ, ta tưởng như sở hữu cả đất trời non nước. Xa xa phía chân trời, những rặng núi tím thẫm chạy dài, cong vút như nét ngài giai nhân; ánh tà dương viền những đường hào quang màu bạc quanh làn mây phơn phớt hồng. Khung cảnh như được tạo nên từ một bài thơ diễm tuyệt. Đó đây, trên những bãi đất đá hoang sơ, bạn có thể tình cờ bắt gặp mấy cô gà rừng dắt con thủng thẳng đi qua trước mặt, những chú gà con bé tí dễ thương vô cùng chạy tới chạy lui quanh những bụi dứa cắm rễ sâu trong lòng đá núi, dưới những bóng râm, cần cù và lặng lẽ dâng cho đời những mùa dứa tươi ngon. Những trái dứa to, ngọt lựng và thơm mát, nặng đến 2 kg. Bởi vậy người quê anh gọi giống cây này là thơm. Ở đây, trong mỗi vườn nhà đều trồng vô số những cây mít - những cây mít cao và nhiều trái đến nỗi người ta bỏ quên nó. Bỗng một ngày, nghe thơm ngát cả một góc vườn, tìm kiếm mãi thể nào cũng bắt gặp một trái mít chín to đùng nằm dưới gốc cây. Tiên Phước, đâu đâu cũng xanh bạt ngàn những rừng dâu và quýt hoang - những thứ khó ăn này (vì nó chua lắm) cũng là niềm đam mê của trẻ con, nhất là trẻ con nhà nghèo. Tiên Phước với anh thật gần gũi và đầy kỷ niệm. Bây giờ, đứng nhìn những chùm bom rơi xuống đó, lòng Tín quặn đau.

Trở về nhà, trời chập choạng tối, phố đã lên đèn. Ở đây, vẫn còn là vùng an ninh. Tín thấy tiếc nhớ những tháng ngày trước đây, muốn đi đâu thì đi, khi nào về thì về.

Cơm xong anh qua thăm gia đình cô gái để xem họ có cần giúp đỡ gì không. Cô mời anh một chén trà. Ngồi xuống chiếc chiếu hoa mới trải trước hiên nhà, anh hỏi vài câu xã giao với ba mẹ cô gái. Tín đưa mắt nhìn một lượt căn nhà dựng tạm. Trong góc nhà chất ngổn ngang một đống chăn màn mà Chính phủ vừa mới cấp. Ông nội cô gái ngồi cạnh đống chăn màn ấy có vẻ buồn bã và mỏi mệt. Người già thường khó thích nghi với hoàn cảnh mới. Tay ông đặt trên cái hòm sơn đỏ (anh biết đó là hòm đựng gia phả, nhà anh cũng có một cái như thế), như thể sợ có ai đó sẽ đến lấy mất. Ông ta không quan tâm đến bất cứ ai, bất cứ điều gì. Hình như đối với ông cái hòm đựng gia phả ấy là một bảo vật vô giá.

Cô gái đoán được suy nghĩ của anh, nên giải thích:
- Khi bỏ Tiên Phước, ông không mang theo thứ gì ngoài cái hòm ấy và mấy bộ quần áo.

Cô nói và cười dễ dãi nhưng không kém phần nghiêm trang, kính trọng.

Tín hỏi:
- Chính quyền họ có giúp đỡ gì không?

Cô chỉ vào bao gạo 50kg và đống chăn màn:
- Chỉ có vậy thôi.

Cô nói bằng một giọng thản nhiên, vô ưu. Qua mẹ, Tín biết nhà cô ta khá giàu. Tín chào gia đình họ, bước ra đường nhưng không biết đi đâu. Không gian vắng vẻ và yên tĩnh quá, như không còn mọi sinh hoạt hằng ngày nữa. Trước đây, mỗi tối trước nhà anh có mấy hàng hoành thánh, bánh xèo, chè khá đông khách. Còn bây giờ chẳng ai bán mà cũng chẳng ai mua thì phải.

- Anh định đi đâu chơi nữa hả?. Cô gái ở phía sau Tín một khoảng khá gần.
- À, cũng chẳng biết đi đâu. Bây giờ đi lại ban đêm cũng không tiện. Chán quá !
- Con trai ở phố sướng thiệt, không làm gì hết.
- Cũng không hẳn như thế. Tuỳ gia đình, nhà tôi không có nhiều người, mọi việc mẹ làm hết rồi. Trách nhiệm duy nhất của tôi là phải học thật giỏi. Bây giờ trường học đóng cửa rồi, không biết rồi sẽ ra sao ?
-Ở quê em, con trai phải vừa làm việc vừa học. Đi học về phải làm vườn: chăm sóc tiêu, chè. Đứa nào đứa nấy đen nhẻm chứ không đẹp trai, trắng trẻo như anh.

Tín không cảm động mấy trước lời khen của cô gái, vì mọi người vẫn thường khen anh như thế, với lại tâm trạng anh bây giờ nặng nề quá.

- Ở quê, chị làm gì?Tín hỏi cho có chuyện.

- Đi chợ, nấu ăn, giúp mẹ mấy việc vặt trong nhà, vậy thôi. Ba mẹ em vừa làm ruộng vừa làm vườn: nào chè, tiêu, quế, rồi heo, gà nữa, vất vả lắm.
- Chị có nhớ nhà, nhớ bạn bè không ?
- Nhớ chứ. Em cũng có mấy người bạn tản cư xuống đây. Ngày mai chắc em sẽ hỏi thăm và đi tìm họ.

Tín hỏi vì tò mò trước thái độ bình thản của chị trước bao nhiêu biến cố xảy ra.
- Tôi trông chị chẳng lo buồn gì cả.

Chị đưa tay vuốt mái tóc dài đen nhánh ra sau. Tín vẫn thích nhìn những cô gái vuốt tóc như vậy, trông họ dịu dàng và quyến rũ làm sao! Tín đã nhìn Thương nhiều lần như vậy từ khi họ mới lớn. Và mỗi lần nhìn thấy Thương đưa hai tay vén tóc ra sau, mấy sợi tóc ngắn nổi bật trên làn da trắng ngần. Tín cảm thấy cuộc sống này có biết bao cái đẹp và đáng yêu.

- Có gì mà phải lo buồn chứ, ít ngày nữa thì đâu lại vào đó thôi. Đây đâu phải là lần đầu em chạy xuống đây: năm 68 này, năm 72 này, rồi lại lục tục kéo về.

Chị nói thật bình thản, Tín thấy cũng có cái “lí” của nó. Thế nhưng anh linh cảm mọi việc không giống như trước đây. Từ mấy ngày trước cha mẹ anh đã đặt vấn đề di tản ra khỏi Tam Kỳ rồi .

Tín nói với chị sự lo lắng của mình:
- Nếu như Chính phủ không tái chiếm được Tiên Phước, không lập lại an ninh ở đó được thì chị tính sao?
- Vậy thì nhà em đói à? Ở đây lấy gì mà ăn? Thiệt là tức chết đi được, đang yên đang lành… Nhà cửa, vườn tược chắc tan hoang hết cả.

Thái độ bất mãn hiện rõ trên nét mặt đáng yêu của chị. Tín thấy tất cả niềm hạnh phúc bình dị trước kia như một vùng ảo ảnh, chỉ đợi tan biến đi như bọt biển tan trên trùng dương. Bây giờ mọi việc trở nên rối tung, thật không công bình. Những buổi tối đi ăn kem với bạn bè, đi nghe nhạc, và hẹn hò với Thương trở nên xa vời. Tuổi trẻ - họ đâu có yêu cầu gì lớn lao đâu?! Tín bất giác thở dài. Chị tiến đến, rất tự tin chị cầm tay anh. Tín kịp nhận ra bàn tay ấm áp, mềm mại của chị. Tín nhớ đến đôi bàn tay Thương của anh cũng nhỏ nhắn và mềm mại như thế.

Nhẹ nhàng giở tay chị ra, Tín nói:
- Thôi khuya rồi, chị đi nghỉ đi. Tín bước đi, còn nghe rõ lời trách nhẹ nhàng của chị:
- Người đâu mà nhát như thỏ đế.

Những tiếng nổ chát chúa vang động khắp không gian tĩnh mịch. Tín vùng dậy như mọi lần, chính xác và nhanh nhẹn, anh phóng vào hầm. Định thần lại, anh nhận ra tiếng nổ là từ đơn vị pháo binh đặt bên kia sông. Tín nhìn đồng hồ trên tay: đã 5h15 rồi. Tín bước vội ra khỏi hầm đi xuống nhà dưới, làm vệ sinh. Qua nhà ăn, anh chợt nhận ra mẹ đang ngồi ủ rũ, và gầy sọp hẳn đi. Mẹ anh nhét bông vào tai để khỏi phải nghe tiếng ồn cứ ì ầm luôn. Những tiếng nổ vẫn nối tiếp nhau tưởng chừng không bao giờ dứt. Mái tole rung lên bần bật từng hồi. Khung cửa kính phát ra những âm thanh rè rè nghe xót cả ruột gan. Không biết mẹ có chịu nổi không ?

Ngồi vào bàn ăn, bữa cơm ngon lành mà không nuốt nổi. Mẹ buồn rầu và trông khắc khổ quá. Gương mặt mẹ vốn đã khắt khổ, một gương mặt ghi dấu bao nỗi lo toan, tủi cực từ lúc mẹ còn con gái cho đến nay, giờ trông càng đáng thương hơn. Cha còn giữ được bình tĩnh, ít nhất là ở bề ngoài. Cha không ăn cơm, ông ngồi uống trà. Ông uống từng ngụm nhỏ như muốn uống cả những nỗi lo lắng, buồn bực vào lòng. Rồi chậm rãi, ông buông từng tiếng mỏi mệt:
- Con đến nhà con bé Thương nói với má nó nếu được thì cùng đi với gia đình mình, đi được người nào hay người đó, sớm ngày nào hay ngày ấy. Tình hình này thì không xong rồi.

Tín đạp xe vèo vèo trên đường phố vắng tanh. Bánh xe rào rào nghiến trên lớp sỏi mỏng, lướt vút đi. Tín chợt có cái cảm tưởng khôi hài rằng mình giống như kị sĩ chinh hành đường xa. Hai bên đường, nhiều nhà đã khoá cửa - những cái ổ khoá to tướng, có nhà lại kéo ngang qua một đoạn dây thép gai. Mọi việc xảy ra chóng vánh đến không ngờ, cứ như một vở tuồng đóng vụng. Con đường rộng và dài hơn mọi ngày. Những người lính dựng công sự ở ngã ba đường và nhiều nơi khác. Trông họ khẩn trương như thể sẽ có một trận đánh diễn ra sau một vài giây nữa. Chàng trai trẻ như anh chợt thấu rõ một nỗi buồn ghê gớm xâm chiếm từng mảnh lòng. Thời gian và không gian quanh anh giãn ra vô cùng vô tận.

Tín bước vào nhà Thương. Thương đón anh với vẻ mặt hốt hoảng, và lo âu. Câu nói đầu tiên của cô như nghẹn lại:
- Ba em vẫn chưa về, chắc là bị kẹt ở Huế rồi. Đài BBC nói Huế đã bị bao vây, mọi ngã đường đã bị phong toả, làm sao bây giờ hả anh? Cậu em lên đón mẹ con em.

Tín bước vào phòng khách, một người đàn ông to lớn, vẻ mặt hiền hậu, nghiêm trọng. Tín đã gặp ông nhiều lần. Ông là em út của mẹ Thương, ông ở Chu Lai, buôn xăng dầu nhưng khá giàu có và giao thiệp rộng rãi. Ông là một người lịch lãm.

Tín cuối đầu chào ông như hồi còn bé:
- Con chào chú.

Ông nắm tay anh, nụ cười thân mật và đầm ấm.
- Ngồi xuống đây đi con.

Qua câu chuyện, anh được biết, ông và mấy người bạn mua được một chiếc tàu biển để di tản ra nước ngoài mà Thương thì muốn gia đình anh cùng đi một chuyến. Nhưng gia đình anh còn có hai gia đình của cô anh, và các anh chị họ của anh nữa, cũng khoảng 20 người. Mà cha mẹ Tín thì không thể đi một mình mà bỏ hai cô anh được. Hơn nữa, nhà anh thì chuẩn bị ra đi bất cứ lúc nào, có thể là chiều nay, hoặc sáng mai.

Tín nói đề nghị của cha mẹ anh với mẹ Thương, nghe xong bà nói:
- Con về nói với cha mẹ, bác rất cám ơn. Nhưng ba con Thương chưa về thì bác chưa đi đâu hết. Mẹ con bác là phụ nữ, chẳng có gì phải sợ. Con nên đi sớm, đi càng sớm càng tốt. Chiến tranh thì phải chấp nhận chia tay nhau thôi. Không thể chọn lựa, không có giải pháp nào trọn vẹn. Chỉ xin ông trời cho chúng ta lại gặp nhau, tai qua nạn khỏi.

Tín cảm thấy đất dưới chân sụt nứt. Tín nhìn qua thấy Thương vùng bỏ chạy về phòng. Tín xin phép vào với Thương. Nàng úp mặt vào gối, Thương khóc thật to. Đôi vai rung rung, anh nhìn Thương khóc, nhìn căn phòng nhỏ nhắn có hai cửa sổ nhìn ra vườn, mùi nước hoa quen thuộc, rèm cửa màu xanh nhạt. Tín sắp đánh mất tất cả rồi sao?! Tín thấy mình khô cứng. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: “Hay là mình ở lại với Thương”. Cha mẹ anh sẽ không đồng ý, nhất là mẹ. Tín hiểu mẹ anh, mẹ không thể sống thiếu anh được. Từ bé anh đã là báu vật của mẹ.

Nhè nhẹ ngồi xuống bên Thương, anh vén lại mái tóc Thương loà xoà trên vai, trên gối. Mùi thơm quen thuộc quyến rũ, Tín thấy đau buốt trong lòng. Chỉ 10 ngày trước đây, anh thấy Tường đau khổ, giờ đây chính mình đang đối diện với đau khổ, đơn độc và tuyệt vọng. Nhưng hiện nay, tình hình của Thương rất bi đát, Thương đang chịu hai nỗi lo buồn cùng một lúc. Làm sao Thương chịu nổi đây? Thương gầy guộc, mảnh khảnh như một cành mai, rất dễ tổn thương. Tín ý thức được mình phải làm gì trong hoàn cảnh này. Tín là hi vọng và là chỗ dựa của Thương. Tín phải can đảm và dũng lược, không được yếu đuối, không được đau buồn. Trong hoàn cảnh này thì bi luỵ có ích gì. Tín kéo Thương vào lòng, ôm Thương thật chặt. Bàn tay Thương tìm đến tay anh, như đi tìm sự nương tựa che chở.

Tín nói với Thương:
- Em bình tĩnh, mình có thể đi tìm một số người quen để hỏi tin tức của ba em.

Đôi mắt Thương sáng lên một chút, vén lại tóc rồi, với sự quả quyết, và sức mạnh của ý chí được kế thừa từ người mẹ. Thương đứng lên, đến bên bàn trang điểm, chải vội mái tóc rối bời. Thương nói và chỉ nhìn anh qua gương:
- Anh đưa em đi nghe, ngồi ở nhà khóc thì ích gì.

Tín đạp xe đưa Thương qua các phố vắng teo, những con chó mất chủ chạy rong ngoài đường đói khát và sợ hãi. Tín thấy thương chúng nó, có những con rất đẹp, trên cổ còn đeo chuỗi hạt thuỷ tinh rất đỏm dáng. Chắc là của một cô chủ nhỏ nào đó đeo cho. Trên đường có những người đi rất vội vã, nét mặt đăm chiêu và đầy hoang mang. Đã thấy những người đi hôi của, nét mặt lơ láo khinh bạc, tay ôm hoặc vác trên vai những bao nặng trịch to tướng. Tín rẽ vào một con đường nhỏ, dừng lại trước một căn nhà đẹp, một khu vườn nhỏ, trước nhà được bài trí theo kiểu Nhật. Cánh cổng sắt sơn xanh, khoá chặt bằng ổ khoá to tướng. Tín nhón người nhìn vào trong. Cửa chính căn nhà cũng đóng, không có ai để hỏi. Thấy Thương ủ rủ, nét mặt buồn rười rượi.

Tín an ủi:
- Mình đi tìm chỗ khác đi em.

Tín lại đưa Thương đi, bây giờ thì ra ngoại ô, Thương nói:
- Không có nhiều nơi để tìm đâu anh, đồng hương của ba chỉ có hai người thôi. Nhà vừa rồi là của ông bác sĩ - bạn của ba. Còn nhà mình sắp tìm là của một bác sĩ mới ra trường cũng làm ở Huế. Tín rẽ phải, con đường rợp bóng tre, tre đan dày đến nổi có rất ít bóng nắng rãi xuống đường. Chạy qua một cây cầu nhỏ xây bằng đá, cây cầu có vẻ cổ kính, dòng nước trong vắt êm đềm chảy phía dưới. Tín nghĩ đây có lẽ là nơi hẹn hò thơ mộng những đêm trăng. Cuộc sống nơi đây có vẻ vẫn bình thường. Có rất nhiều người vẫn ra đồng, vẫn chăn trâu bên vệ đường, trên bờ đê nhỏ. Tín hiểu họ chỉ còn biết an phận, chấp nhận số trời, họ đâu có điều kiện, tiền bạc để ra đi họï sợ hãi sự thay đổi. Anh và Thương vào nhà, qua một cái cổng vôi thấp và hẹp, nhưng khá cầu kỳ. Lại một ngôi nhà cổ, tường vôi dày, mái thấp, hàng hiên hẹp với những trụ vôi tròn.

Người phụ nữ trẻ và cũng rất đẹp, ôm con - một cậu bé kháu khỉnh. Nhận ra Thương chị vồn vả hỏi thăm tin tức của chồng mình. Thương thất vọng, chị ấy cũng không có tin tức gì. Họ ngồi trên trường kỷ bằng gỗ đen bóng. Căn nhà hơi tối và nhiều cột quá, hững cây cột to tròn bằng gỗ mít sáng bóng.

Thương nói :
- Em cũng không có tin gì của ba em. Vậy mà em hi vọng chị có tin gì đó. Thương mân mê chén trà trên tay - bàn tay nõn nà, nền sứ trắng muốt.

Ước gì bây giờ không có chiến tranh, anh sẽ vẽ. Thương trong dáng ngồi này, bàn tay và chén trà này. Tín cũng biết vẽ một chút. Chị ngồi ôm con, nước mắt hai hàng, chị nói nhỏ nhẹ rành rọt. Tín biết chị chịu đựng nỗi đau này đã lâu và cũng quen dần với nó.

- Tình hình Huế nguy ngập rồi, không liên lạc được đâu. Chỉ biết cầu xin ông trời thương xót, cho mọi chuyện qua đi.

Trong những ngày tháng này, ở đâu người ta cũng cầu xin ông trời. Trước đây, anh không biết có ông trời không, nhưng bây giờ thì anh tin. Ông trời với quyền năng vô hạn, với sự công bằng, với tình thương yêu những người bất hạnh. Uống hết chén trà, anh an ủi chị:
- Nếu có tin gì chúng em sẽ thông báo cho chị.
- Chị giữ gìn sức khoẻ và chăm sóc cho em bé.

Thương nói thêm, tay mân mê bàn tay bé nhỏ của đứa bé. Thằng bé nhìn Thương đôi mắt tròn xoe, miệng cười chúm chím làm Thương bịn rịn.

Tín đưa Thương về. Phố xá như trong một cơn dịch, mọi người chạy đâu mất, chỉ còn là một thành phố ma vắng lạnh. Trong hoàn cảnh này, chỉ có hi vọng và nghị lực mới giúp ta đứng vững.
- Em phải cố gắng lên.

Về đến nhà, Tín thấy một chiếc xe Renaul đậu trước sân. Tín hơi bàng hoàng, tuy đã dự kiến điều này từ mấy hôm nay. Đi qua sân, anh thấy ông nội của cô gái trú ngụ nhà anh đứng ở hiên. Ông vẫn ôm cái hòm đựng gia phả. Một tay còn lại ông xỉa xói vào khoảng không trước mặt chửi rủa một điều gì đó. Tiếng ông bị át đi trong tiếng pháo bắn liên tục. Mái tôn, cửa kính rung lên bần bật. Tín chào ông nhưng ông không trả lời. Đôi mắt hiền từ và xa xăm. Tín vào nhà, thấy mẹ đang bận bịu với những gói đồ đạc đã gói ghém cẩn thận. Tín thấy ân hận vì đã không giúp được mẹ tí nào.

Mẹ kéo tay anh bảo:
- Đây là túi xách của con, nhớ giữ cho cẩn thận. Trong đó mẹ để một lượng vàng và một ít tiền, lỡ con bị lạc thì có cái để tiêu xài.

Tín “ạ” một tiếng như hồi còn 5-6 tuổi. Tín thấy mắt cay cay. Mẹ lúc nào cũng lo cho anh từng tí một. Tín nhìn ra ngoài, ông cụ vẫn đứng đó. Tay ôm cái hòm và vẫn xỉa xói vào khoảng không, chửi rủa một điều gì đó. Đôi lúc ông định đi vào trong, nhưng chỉ được dăm bước thì lại quay ra, đứng nhìn vào khoảng không, lẩm bẩm chửi.

Tín hỏi mẹ:
- Cụ sao thế mẹ?

Mẹ không nhìn anh, sửa soạn một cái gì đó:
- Ông cụ lẫn rồi con ạ. Tội nghiệp, được cái rất hiền lành.

Tín đi ra ngoài, vào thăm nhà cô gái. Ba mẹ cô đi vắng, hai cậu bé đang đùa nghịch với nhau. Cô gái ngồi bó gối ở một góc nhà, mắt đỏ hoe. Cô không buồn nhìn anh khi anh đến gần. Tín an ủi cô một chút thôi, vì lòng anh bây giờ cũng rối bời thì an ủi ai được đây.
- Cụ lẫn vì bị khủng hoảng. Rồi sẽ qua thôi, chị đừng lo lắng quá.

Cô nói và vùng vằng một cách rất đáng yêu của con gái:
- Tại sao lại như thế này mới được chứ.

Tín biết bây giờ nói gì cũng vô ích. Tín vào nhà xin phép mẹ đến nhà Thương và ở lại đó đêm nay.

***

Đi giữa phố xá vắng vẻ, anh thấy buồn kinh khủng và hơi sợ. Nhưng anh thấy yên tâm khi những người lính vẫn đi lại trên phố, súng lăm lăm trên tay, mũ sắt và áo giáp làm cho họ to lớn và cứng ngắt.

Thương và mẹ rất vui khi Tín đến. Đèn vẫn sáng khắp nhà, những ngọn đèn trong vườn cũng sáng như mọi khi. Tín đứng nhìn khu vườn êm ả và thân thương, trong lòng vô cùng nuối tiếc. Những chiều hồng sắc nắng, Thương ngồi đó dưới tán cây lá loà xoà, trông Thương thuần khiết, trong suốt và thiên thần.

Bữa cơm dọn dưới hiên, ngọn nến sáng rực, trên bàn có món bồ câu quay mà anh ưa thích, món gà hầm của Thương và rất nhiều cây trái trong vườn, có cả một lọ hoa khá lớn. Nhìn những cành hoa được cắm cầu kỳ và duyên dáng, anh biết Thương dành cho anh. Mẹ Thương hỏi về tình hình của gia đình anh.

Tín thuật lại chi tiết và nói:
- Phần con và gia đình như vậy là tạm ổn. Con chỉ lo cho bác và Thương. Con phải ra đi, để bác và Thương trong hoàn cảnh thế này. Thật là tệ!

Tín cảm thấy xấu hổ, và vô trách nhiệm, không dám nhìn Thương. Mẹ Thương nhìn anh với nụ cười nhân hậu, cố làm cho thật tươi tỉnh.
- Con không có lỗi gì hết. Với lại bác và Thương còn có cậu út, khi khẩn cấp bác sẽ đưa Thương về đó. Con cứ đi, đừng lo lắng gì hết. Bác tin rồi chúng ta sẽ lại đoàn viên.
- Má, con bói thử ha!

Thương nói và đứng lên với một chút trẻ con hồn nhiên mọi ngày, chạy vào trong phòng, Thương làm gì đó. Tín và má Thương nhìn theo, chờ đợi. Lát sau, Thương đi ra với hai mảnh giấy xếp vuông vắn. Nàng nhắm mắt, đặt tay lên ngực làm gì đó, bỏ hai mảnh giấy vào hộp. Thương đổ ra và bảo tôi chọn một. Tín chọn mảnh giấy gần mình nhất. Thương mở mảnh giấy và nhảy lên vui sướng. Thương đặt mảnh giấy lên bàn trước mặt anh và má nàng. Dòng chữ tròn và rất con gái của Thuơng: ”gặp lại”. Tín mở mảnh giấy còn lại có ghi ”không gặp lại”. Không biết sao anh cảm thấy vui và tin tưởng vào sự linh thiêng nào đó. Sau đó, họ ăn cơm rất ngon, nhất là anh, sau một ngày đạp xe đi lại nhiều.

Trăng đêm nay mờ nhạt, bầu trời đầy sao, và cao vời vợi. Ở một nơi nào đó rất xa có một vài tia chớp và tiếng ì ầm, nhưng đó là tiếng vang vọng của sấm. Tín không biết giữa tiếng sấm của tự nhiên và tiếng nổ chát chúa của đại bác có cái gì đó khác nhau về cung bậc; nhưng tiếng của cơn giông mùa hạ thì êm đềm, và thân thuộc chứ không kinh hoàng như tiếng đại bác. Chắc có lẽ con người sinh ra vốn không thuộc về chiến tranh. Chiến tranh là sự biến thái của lòng ích kỉ và sự ngu dốt.

Đêm yên tĩnh và mênh mông, họ đi dạo trong vườn, tay trong tay, trên con đường rãi sỏi nhỏ nhắn quen thuộc. Tín không nghe có tiếng nhạc vọng lại từ nhà hàng xóm như mọi lần, chỉ có tiếng côn trùng, nghe buồn bã và đơn điệu. Thương đa cảm hơn mọi lúc, nàng nếp vào anh. Mùi thơm từ tóc Thương làm bước chân anh như khựng lại. Vụng về, bất ngờ và mãnh liệt, Tín ôm Thương vào lòng và nụ hôn đầu đời nở trong đêm đầy đau xót.

Chuông đồng hồ điểm mười tiếng, Thương nuối tiếc giở vòng tay của anh:
- Mình vào nhà đi anh, đi nghĩ sớm, chẳng biết ngày mai ra sao, phải giữ gìn sức khoẻ để chịu đựng. Tín khẽ gật đầu.

Chiếc giường êm ái không làm cho anh dễ ngủ hơn, nụ hôn nồng nàn và nóng bỏng cứ vương vấn trên môi. Tín hình dung mái tóc dài bồng bềnh như mây buổi sớm, dáng dấp mảnh khảnh và yêu kiều như được tạc nên bằng ngọc, rực rỡ và thuần khiết. Tín cảm thấy lo sợ - sự lo sợ chưa bao giờ rõ ràng và thô ráp như bây giờ. Chẳng lẽ mình lại mất Thương sao, như vậy thì thật quá bất công với mình và Thương.
Tín thấy nhói đau ở ngực, hít một hơi chậm và sâu, anh chìm vào giấc ngủ nặng nề.

Tín bị hất tung ra khỏi giường, bừng tỉnh bởi tiếng đồ đạt trong phòng rơi vỡ. Chộp vội cây đèn bin, anh lao đến phòng Thương suýt nữa bị đâm sầm vào cửa. Thương cũng bị tiếng bom nổ làm giật mình tỉnh dậy, nàng vội vã chạy sang phía anh, suýt nữa là đâm sầm vào nhau. Chung quanh là bóng tối dày đặt, ánh đèn bin sáng lạnh lẽo quét một vệt sáng chói loà. Trong những âm thanh hỗn độn và hung dữ, tiếng gọi thất thanh của má Thương vọng ra từ trong hầm trú ẩn.

Chiếc hầm trú ẩn nhỏ nhắn và cũng thoang thoảng mùi thơm của phụ nữ được soi sáng dưới ánh đèn mờ ảo của cây nến nhỏ. Tín cảm thấy ấm cúng khi đựơc ngồi sát kề với Thương, chỉ phiền một nổi, đôi chân dài của anh phải co lại một cách khổ sở. Ngoài kia loé lên những ánh chớp và tiếng nổ làm rung chuyển cả căn hầm, bụi đất rơi vãi trên người họ. Thương áp sát người vào Tín không còn e thẹn trước mặt mẹ. Tín ôm Thương vào lòng tự nhiên và mạnh mẽ.

Tín nói với má Thương:
- Tiếng nổ nghe gần quá thưa bác.

Bà trả lời anh như nói một mình, giọng bình thản và cam chịu:
- Thế này thì hỏng rồi.

Anh ghé vào tai Thương:
- Em có sợ không?
Thương lắc đầu nhè nhẹ.
- Anh cũng không sợ.

Tín nói với Thương như vậy và nghĩ trong đầu: Khi con người đối diện với sự sợ hãi tột cùng thì chẳng còn sợ nữa. Những tiếng nổ cứ nối tiếp nhau như không bao giờ dứt, đất rung chuyển, trần hầm rung chuyển. Những tiếng nổ tàn bạo và vô tình. Tín nhìn lên tầng hầm và tự hỏi: không biết bao giờ nó đổ xuống đây… mặc kệ nó. Có Thương bên cạnh, anh không thấy điều gì là bất hạnh. Họ chịu đựng cho đến sáng.

Tiếng súng đã dừng. Trời bắt đầu sáng. Họ cẩn trọng ra khỏi hầm, không biết có điều gì đang chờ đón họ. Chỉ mong đừng có biến cố gì lớn. Anh ngầm thán phục mẹ của Thương, sau những việc kinh hoàng xảy ra bà vẫn bình tĩnh, quắc thước…bà quan sát xung quanh. Cả ngôi nhà và khu vườn. Bà đi ra vườn, bước đi tự tin và lịch lãm. Chung quanh yên tĩnh và nặng nề. Không một tiếng nói vọng lại từ ngoài kia như mọi ngày. Tín cảm thấy đang sống trong một thế giới khác. Một thế giới mà mình chưa hiểu biết gì. Anh và Thương theo sau, rụt rè như những chú gà con. Bà dừng lại trước một thân cây lớn bị phạt ngang một nửa thân cây phía trên đổ xuống đè bẹp mấy luống hoa và hàng cây cảnh. Bà rưng rưng nước mắt. Đây là lần đầu tiên Tín thấy bà khóc. Bà khóc không thành tiếng. Tiếng khóc bị nén lại trong lồng ngực (bà hơi sững sờ một chút).

Thương cầm tay mẹ lắc nhẹ và an ủi:
- Có gì đâu mẹ, chỉ là một cây mít thôi mà.

Đôi mắt bà xa xăm nhưng cái thần thái vẫn uy nghi không hề thay đổi. Bà quay sang Thương và Tín, giọng trầm buồn:
- Đây là cây mít của ông ngoại con trồng khi má được sinh ra. Nó cùng tuổi với má và đã sống cùng má qua bao nhiêu thăng trầm đắng cay và hạnh phúc.

Bây giờ thì Tín hiểu cây mít này quan trọng với bà đến nhường nào. Nó là một kỷ niệm lớn lao và thiêng liêng.
Anh nói để an ủi bà:
- Chiến tranh mà bác. Nó phá huỷ tất cả, vô tình và độc ác. Ở đâu chẳng như vậy.

Để cho Tín và Thương yên tâm, bà nói:
- Các con đừng lo lắng cho má, má không sao hết. Má đã chứng kiến nhiều, trải qua nhiều sự đau đớn và không như ý. Miễn sao các con bình yên là má biết ơn ông trời rồi. Cuộc đời này, mong ước nhiều thì sẽ sợ hãi khi mất mát. Thôi vào ăn mai đi, gì thì gì cũng phải ăn chứ.

Họ đang ăn mai lặng lẽ và cảm động. Ai cũng muốn nói cái gì đó, nhưng không biết nói như thế nào. Tâm sự đầy ắp, ngôn ngữ bây giờ trở nên vô nghĩa và bất lực. Bà gắp thức ăn bỏ vào chén của hai người với cái nhìn trìu mến và bao dung của người mẹ. Bà muốn thương yêu họ thật nhiều, cho họ thật nhiều vì bà hiểu điều gì đang xảy ra, vì bà là người có viễn kiến. Có ai đó đi vào vườn, bà đứng dậy nhìn ra ngoài.

- Anh Lâm của con đến - bà nói nhỏ nhẹ và đi ra ngoài.

Cả Tín và Thương cũng ra theo. Anh Lâm người anh cả hiền lành nhân hậu của Tín vội vàng dựng xe, vẻ mặt hơi căng thẳng.

- Cả nhà bình yên chứ - anh hỏi cộc lốc.

Bà trấn an anh bằng nụ cười nhân hậu:
- Không sao hết, chỗ con thế nào? cha mẹ vẫn khoẻ chứ.

Họ đi vào nhà, vừa đi anh Lâm vừa nói:
- Ba và con đều khoẻ, mẹ con thì không được tốt lắm, mẹ con lo lắng không ngủ được mấy hôm nay.

Anh ngồi xuống, tay mân mê chén trà, những ngón tay run run. Trông anh thật tội nghiệp. Anh có một khuôn mặt bình thường và khiêm tốn. Đối với anh những gì xảy ra là quá sức chịu đựng, anh thúc giục gia đình di tản. Đơn giản vì anh sợ chiến tranh, sợ tàn phá, chết chóc. Anh muốn chạy trốn cho đến khi nào không còn chạy trốn được nữa. Diện mạo chiến tranh đối với anh thật khủng khiếp, nó giống như một con quái vật.

- Ba mẹ con đã quyết định gì chưa?.

Bà hỏi nhưng không trông đợi một câu trả lời. Hình như bà đã biết trước những gì đang xảy ra. Sự sắc sảo và thâm trầm từng trãi giúp cho bà biết tất cả.

- Cha mẹ con quyết định hôm nay ra đi, nếu bác cùng đi thì rất tốt, con nghĩ bác nên đi. Biết đâu bác trai cũng đã vào Đà Nẵng rồi.

Bà trầm tư, giọng nói đầy âu lo nhưng rành rọt:
- Nếu bác trai có mặt ở Đà Nẵng thì đã về đây rồi. Đường vẫn bị chia cắt mà. Hơn nữa, bác đã chuẩn bị cả rồi.

Bà quay sang Tín, anh thấy sợ hãi vì biết bà định nói gì. Anh không muốn nghe câu nói đó, vẫn biết rằng rồi sẽ nghe - nó như một phán quyết của toà.

- Tín nên ra đi càng sớm càng tốt, càng chờ đợi mọi việc sẽ càng xấu hơn thôi.
- Nhưng con không thể bỏ bác và Thương trong hoàn cảnh như thế này…- anh lắp bắp.

Bà nhìn anh nghiêm khắc:
- Con phải nghĩ đến mẹ con, phải chăm sóc mẹ. Còn bác và Thương sẽ về chỗ cậu út khi cần. Đừng lo lắng gì hết…, đi đi, không kịp nữa đâu. Bà nói như ra lệnh. Thương kéo Tín đứng lên. Anh như người mất hồn.

Giọng Thương ân cần và tha thiết.
- Anh đi đi. Em và mẹ tự lo được mà. Còn cậu út nữa. Khi nào về, anh phải đến đến đây thật sớm nhé. Em chờ anh. Đi đi anh.

Tín chết điếng, anh lặng người đi, không phản ứng gì hết. Anh cảm thấy mình khô cứng, không còn sự sống. Thương đẩy sau lưng anh nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, cô nói như van xin anh:
- Nếu còn nghĩ đến em, anh phải ra đi.

Anh Lâm giục Tín:
- Thôi đi về đi, cả nhà đang chờ. Mọi người đang nhốn nháo cả lên. Mẹ đang lo lắm.

Tín không còn sự lựa chọn nào nữa. Anh ôm Thương thật chặc như muốn họ cùng tan biến vào nhau để mãi mãi không rời xa được.

Thương gở anh ra giọng đầy nước mắt nhưng kiên quyết
- Anh đi nhớ giữ gìn sức khoẻ.

Anh leo lên xe, đôi chân cứng đờ. Anh vẫy tay chào như người mộng du. Thương đứng đó dịu dàng và thuần khiết trong nắng mai rực rỡ của một ngày cuối xuân.

Tín về đến nhà. Mẹ anh đang chờ trước sân, vẻ hốt hoảng lộ ra trên khuôn mặt già nua. Mẹ anh chạy vội ra khi anh xuất hiện ở cổng.

- Ôi con trai, con không sao chứ?
- Dạ không sao, mẹ ạ.
Mẹ Tín vuốt mái tóc hơi dài và rất nghệ sĩ của anh, bà xoa xoa lưng và vỗ nhè nhẹ.
- Con không sao là tốt rồi, thôi lên xe đi con.

Mẹ anh khệ nệ xách túi xách của anh và của mẹ. Mẹ anh là một người đàn bà nhỏ nhắn và thấp, chỉ tới vai anh. Anh thấy mẹ cằn cỗi từ những ngày gần đây. Mẹ mất ngủ và hơi bị khó thở. Anh đỡ hai tuí xách từ tay mẹ,nhưng mẹ không chịu.
- Để mẹ xách cho, con lên xe đi.

Ba anh từ phía sau trách bà :
- Bà để cho nó. Nó lớn rồi. Bà cứ coi nó như đứa bé lên năm mãi hay sao.

Họ lên xe, mẹ anh dùng khăn lau ghế cho anh ngồi. Bà ngồi một bên ngắm nghía con. Xe lăn bánh sau khi chất lên trần rất nhiều hành lý, dây nhợ chằng chịt bao quanh khối hành lý đó. Xe chạy ngang qua khu vực nhà Thương ở, anh chồm người ra ngoài để nhìn cho kỹ. Nhà Thương ở đó, chỗ vòm cây cao và xanh rờn. Anh rưng rưng nước mắt, bất chợt anh nhớ đến Tường và bài hát của Doãn Mẫn: ”biệt ly nhớ nhung từ đây, chiếc lá cuốn theo heo mây….”. Anh thấy mình chỉ là một chiếc lá bị cơn lốc thời cuộc ném đi một cách tàn nhẫn. Xe đã chạy xa rồi, vòm cây mờ dần và khuất hẳn. Lòng Tín giờ đây tan nát. Mẹ hiểu và an ủi anh.
- Con đừng lo, con bé Thương nó có tướng mệnh phụ, sẽ không sao đâu.

Anh biết mẹ chỉ an ủi anh thôi. Nhưng sợ mẹ lo lắng, anh cũng gượng cười. Bây giờ xe đã chạy rất xa, hai bên đường là cánh đồng lúa mênh mông, xanh rờn. Trời không gió, những khóm tre bao quanh những xóm nhà nhỏ chơ vơ giữa cánh đồng đứng lặng yên như buồn bã. Trên những con đê cỏ xanh mượt, người ta vẫn thả trâu - những con trâu to mập đủng đỉnh vừa đi vừa gặm cỏ. Hình như ở đây không hề có chiến tranh, anh nói với ba:
- Nông dân thế mà sướng, họ chẳng lo gì, chẳng chạy đi đâu hết.

Ba anh cười buồn buồn:
- Tài sản của nông dân chỉ có đất ruộng và trâu bò, họ biết làm gì được.

Anh chợt hiểu ra:
- Như vậy, nghĩa là trong cuộc đời này, chúng ta không thể lựa chọn. Ai đó hoặc hoàn cảnh nào đó đã lựa chọn cho chúng ta rồi - số phận - người ta gọi như vậy.

Chị Thi - con của bà cô ngồi phía sau, với một cô con gái hai tuổi đang ngủ trên tay:
- Thằng này trở thành ông cụ non hồi nào vậy?

Mẹ Tín ói mửa vì xe chạy quá nhanh và cũng vì mẹ quá yếu. Anh lo lắng nhìn mẹ, mặt mẹ xanh và hơi thất thần. Anh xoa dầu cho mẹ.
- Mẹ hít thở thật sâu nghe mẹ, sẽ đỡ thôi, mẹ ngồi ra cửa đi.

Ba anh bảo tài xế chạy chậm lại, mẹ ngồi bên cửa sổ thỉnh thoảng vẫn ói. Tín mong cho nhanh đến nơi để mẹ nghỉ ngơi. Bây giờ chỉ còn cách Đà Nẵng 30km. Đường đi có rất nhiều hố, do đạn pháo đào lên. Một chiếc xe nằm giữa ruộng, bánh xe chổng ngược lên trời. Ở đây, ruộng thấp hơn mặt đường khoảng 3m. Có người chết, anh thấy những chiếc chiếu và mền củ kỹ, có cái rách nát đắp kín những xác người, nhưng vẫn thấy hai bàn chân tái nhợt, xám ngoắt. Xe dừng lại, một số người đàn ông bước xuống, Tín đi theo ba. Ba anh dở mấy tấm chiếu đắp những người xấu số. Anh thấy 4 người đàn ông, 2 đàn bà và một cháu bé. Nhìn hành lí của họ, anh biết họ cũng là những người di tản như anh. Còn chiếu và mền thì anh biết là của mấy bác nông dân gần đó cho họ, chờ thân nhân đến nhận. Anh thấy thương cảm cho họ vô cùng. Làm sao thân nhân họ biết đựoc, không điện thoại, không liên lạc, không cảnh sát, làm sao đây?! Điều chắc chắn là các bác nông dân ở gần đây sẽ phải chôn cất họ thôi. Anh quay lại xe, mẹ anh đang ngồi bên vệ đường với mấy người phụ nữ trong gia đình. Mẹ có đỡ mệt hơn một tí.

Hai giờ chiều, xe đến Đà Nẵng. Xe chạy vào đường Nguyễn Hoàng, dừng lại trước một ngôi nhà khá lớn,có sân rộng rãi. Ngôi nhà to nhưng rất đơn điệu, đây là nhà mà ba anh nhờ một người bà con thuê từ mấy ngày trước, năm chỉ vàng trong 3 tháng. Ông chủ nhà - người thấp, đậm, da trắng, đôi mắt hơi đỏ, ông ăn mặt sang trọng. Nhìn ông, anh biết là hạng người giàu có, có nhiều mối quan hệ và thành đạt. Ông dẫn ba và Tín đi giới thiệu căn nhà. Nhà 3 dãy, dãy trước hướng ra đường, có hai gian rộng - một là phòng khách, một là điện thờ Phật; 2 dãy phía sau đối diện nhau, ở giữa là khoảng sân hẹp và giếng nước. (Ở đây dùng nước máy, giếng để dự phòng). Hai dãy nhà này đều có lầu. Gia đình anh được thuê hẳn một dãy như vậy, dãy nhà này có một phòng vệ tinh, nhà bếp, nhà ăn, còn trên lầu là nơi nghỉ ngơi.

Tín thấy một nơi tạm dung như thế này là tốt lắm rồi. Anh đã nghĩ nó tệ hơn kia. Căn nhà này cũng đơn điệu và khô khan, không biết ông chủ của căn nhà này thuộc hạng người nào, quan chức hay thương nhân, hay là kẻ đầu cơ; ông ta giàu có, lịch lãm, nhưng cũng tẻ nhạt như căn nhà này. Ông chuẩn bị ra đi, đồ đạc ông để lại hết, chỉ có hành lí nhẹ mang theo người. Vợ ông đẹp và sang trọng. Bảy người con: 3 trai, 4 gái ở vào tuổi đi học. Thằng bé nhỏ nhất khoảng 4 tuổi. Gia đình ông chuẩn bị xuống tàu, ông chào mọi người, sau khi đã dặn dò kỹ:

- Buổi tối, nhờ bà con thắp hương nơi bàn thờ Phật.

Họ đi qua trước mặt anh. Một cô gái bằng tuổi Thương, cũng mái tóc gợn sóng, dáng người mảnh mai, nhưng đôi mắt thì không đẹp bằng đôi mắt Thương - mắt Thương to sáng và ánh nhìn dịu dàng, còn cô bé này thì hơi kiêu hãnh. Khi đi qua trước mắt anh, cô cố tình chạm hành lí vào người anh với một nụ cười khiêu khích. Không phản ứng gì, Tín chẳng còn tâm trạng nào để chú ý đến sự khiêu khích đó - dáng đi nhún nhảy và hơi điệu, anh nghĩ:
- Cô bé này thật nông cạn.


© 2008 www.danchimviet.com

No comments: