(Phần
văn bản)
08/05/2017
Link
video đã đăng ngày 5/5/2017:
-
Trần Quang Thành: Chúng tôi được biết gần đây một số trí thức và nhân
sĩ ở Đà Lạt trước đây tham gia Nhóm Đà Lạt nay lại đứng ra thành lập
một nhóm mới gọi là Câu lạc bộ Phan Tây Hồ. Tại sao nhóm nhân
sĩ Đà Lạt lại thành lập Câu lạc bộ Phan Tây Hồ?
-
Mai Thái Lĩnh: Như anh đã biết, Tây Hồ là tên hiệu của ông
Phan Châu Trinh, cho nên người ta cũng gọi ông là Phan Tây Hồ. Cách đây hơn 10
năm – vào khoảng năm 2006, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về Phan Châu Trinh và
những công trình nghiên cứu đầu tiên đã được công bố trên mạng Internet từ năm
2007. Tôi và anh Hà Sĩ Phu đã có một số bài viết về tư tưởng chính trị của Phan
Châu Trinh.
Có thể nói lý do
chính khiến cho chúng tôi chọn tên Phan Tây Hồ làm tên của Câu lạc bộ là do tư
tưởng chính trị mà ông đã vạch ra từ những thập niên đầu thế kỷ thứ 20 có tính
chất hết sức độc đáo. Mặc dù hiện nay chúng ta đã bước vào giữa thập niên thứ
hai của thế kỷ 21 – nghĩa là gần 100 năm sau, chúng tôi nhận thấy tư tưởng
chính trị của ông vẫn không hề lạc hậu. Ở đây có nhiều điểm, tôi chỉ xin kể ra
vài điểm mà chúng tôi tâm đắc:
Đặc điểm 1: Căn cứ vào
những điều ông đã viết và đã nói, chúng tôi xác định Phan Châu Trinh là nhà
dân chủ đầu tiên, và cũng là nhà dân chủ-xã hội đầu tiên của Việt
Nam.
- Trước hết, ông là người Việt Nam đầu tiên đã có một
quan niệm về đảng chính trị rất phù hợp với chế độ dân chủ hiện
nay. Trong một lá thư gửi cho một du học sinh tên Đông, ông định nghĩa: “đảng
là những người có ý kiến chung, có lợi hại chung, hợp nhau lại để lo liệu làm
cho đến một mục đích chung, trong để giữ cái lợi quyền đảng mình, ngoài để đối
địch với đảng nào khác ý kiến mình”. Ông cũng là người chủ trương dân
chủ đa đảng. Ông viết trong lá thư đó như sau: “trong nước nhiều đảng thì
cãi cọ nhau nhiều, cãi cọ nhiều thì sự lợi hại mới biết, dân mới có thể lựa đảng
nào phải mà theo; anh xem nước nào văn minh, nước nào mà không có bè đảng, chỉ
có nước dã man thì chỉ có một lệnh vua mà thôi”[1].
- Điểm đặc sắc là ông chẳng những thừa nhận nguyên tắc tam
quyền phân lập mà còn thừa nhận một nền dân chủ ít nhất phải
có hai đảng để đảng này kiềm chế đảng kia, đảng này phê bình đảng kia.
Và trong thực tế, ông đã thực hiện điều đó, bởi vì vào cuối đời, mặc dù là một
người cánh tả, ông đã về nước với chủ trương cộng tác với một đảng cánh hữu (tức
là Đảng Lập hiến của ông Bùi Quang Chiêu) để xây dựng một chế độ dân chủ, bắt đầu
từ Nam kỳ.
- Chúng tôi gọi ông là nhà dân chủ-xã hội đầu
tiên của Việt Nam bởi vì mặc dù ở thời đại đó, ông dùng ngôn ngữ của thời đại,
nên đã dùng từ “chủ nghĩa xã hội” của các đảng ở Pháp, nhưng nếu đi vào nội
dung thì chúng ta thấy ông không chủ trương đấu tranh giai cấp, không chủ
trương cải cách ruộng đất hay quốc hữu hóa, mà lại chủ trương “lao tư lưỡng lợi”,
tức là người lao động cũng như nhà tư bản cùng có lợi. Vào thời đó, những người
đương thời – nhất là những người trong cánh tả ở Pháp, có thể coi ông là “kém
giác ngộ”, là “cơ hội”, là “thiếu tính giai cấp”, nhưng ngày nay, có thể nói hầu
hết các đảng cánh tả trên thế giới đều từ bỏ quốc hữu hóa, chấp nhận nền kinh tế
thị trường thì chúng ta lại thấy chủ trương của ông là hoàn toàn đúng đắn, hoàn
toàn phù hợp với thời đại hiện nay.
Cho nên chúng tôi gọi xu hướng của ông là dân
chủ-xã hội (social democracy) chứ không phải là chủ nghĩa xã hội
dân chủ (democratic socialism). Bởi vì người theo chủ nghĩa xã hội dân
chủ vẫn muốn làm chủ nghĩa xã hội bằng phương pháp dân chủ, còn ông là người
dân chủ-xã hội, nghĩa là coi dân chủ là hàng đầu, thứ đến mới là công bằng xã hội,
chứ ông không chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội giống như người khác.
Đặc điểm 2: Phan Châu
Trinh chủ trương giành độc lập qua hai bước và bằng phương pháp đấu tranh bất bạo
động:
- Có thể nói trong khi hầu hết các đảng phái và các
nhà yêu nước khác đều coi độc lập là mục tiêu hàng đầu thì
Phan Châu Trinh lại chủ trương giành độc lập bằng hai bước: trước hết
đòi một chế độ tự trị (trong tiếng Anh gọi là dominion),
sau đó mới tiến tới giành độc lập. Về điểm này, ông gần với quan điểm
của Bùi Quang Chiêu bên Đảng Lập hiến, vì vậy ông mới cộng tác với Bùi Quang
Chiêu;
- Phan Châu Trinh chủ trương đấu tranh theo phương
thức bất bạo động, nên nhiều người ví ông với Gandhi. Nhưng Phan Châu Trinh
khác với ông Gandhi, bởi vì quan niệm bất bạo động của Gandhi là một quan niệm
mang màu sắc tôn giáo, nhất là hai khái niệm satyagraha và ahimsa của
Gandhi đều bắt nguồn từ tôn giáo (Kỳ Na giáo, Jainism), trong khi
quan niệm “bất bạo động” của Phan Châu Trinh dựa trên suy nghĩ thực tiễn chứ
không có tính chất tôn giáo. Chủ trương của ông có thể tóm tắt như sau: nước ta
là một nước yếu, nếu chống lại một kẻ mạnh (cường quốc) mà dùng vũ lực thì chắc
chắn sẽ thất bại, còn nếu như muốn thắng ta lại dựa vào sức mạnh của nước khác
thì như vậy vô tình dẫn đến chỗ “quốc dân đồng bào chung quy vẫn nguyên cái
lưng con ngựa, chỉ thay người cưỡi mà thôi”[2].
Nếu soi vào tình hình thực tế, nhiều người khoe là
ta đánh Pháp, đánh Mỹ. Đánh Pháp đánh Mỹ để làm gì? Đánh Pháp đánh Mỹ ta lại dựa
vào viện trợ của nước khác (của Liên Xô, của Trung Quốc) và bây giờ, mình chỉ
là con ngựa, chỉ thay người cỡi. Bây giờ người cỡi trên lưng dân Việt Nam là Trung
Hoa cộng sản.
- Theo ý kiến của Phan Châu Trinh, muốn giành được độc
lập trước hết phải dựa vào sức mình là chính, tạo điều kiện để cho mình mạnh
lên. Muốn như vậy phải đấu tranh giành chế độ tự trị trước
khi tiến đến giành độc lập hoàn toàn. Muốn như vậy, phải đoàn kết
toàn dân trong một thể chế dân chủ, nghĩa là đoàn kết và tôn trọng người khác,
tôn trọng ý kiến chính trị của người khác, “đoàn kết trong đa dạng”. Chủ trương
này hoàn toàn ngược lại với chủ trương “đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng
sản”. Nhưng nếu xét trong giai đoạn hiện nay, xét đến yêu cầu “hòa giải, hòa hợp
dân tộc” thì chủ trương của Phan Châu Trinh đúng đắn hơn rất nhiều so với chủ
trương của Đảng Cộng sản. Bởi vì Đảng Cộng sản chỉ đoàn kết với những người đi
theo mình, còn người nào không theo thì họ đàn áp.
Đặc điểm 3: Phan
Châu Trinh là một người chủ trương “thoát Trung” rất sớm:
Trong một lá thư gửi cho ông Phan Văn Trường năm
1923, ông viết như sau: “Xưa kia nước Nam là một nước lớn, và chính vì nó đã
theo và bắt chước các sai lầm của nước Tàu mà nó mất độc lập, điều đó là có thật
và không thể che giấu”[3].
Nhưng “các sai lầm của nước Tàu” là sai lầm gì?
Chúng ta có thể xem lại hai bài diễn thuyết cuối cùng của ông tại Sài Gòn vào
tháng 11 năm 1925[4] để thấy được lập luận của ông:
Trước hết, nhận xét về nền văn minh Á Đông dựa trên
Nho giáo, ông thừa nhận đạo Khổng Mạnh (tức là Nho giáo nguyên thủy) bao hàm yếu
tố “dân chủ” (đúng ra phải gọi là yếu tố “thân dân”, nghĩa là yêu dân, thương
dân, gần dân). Theo Phan Châu Trinh, nếu phát huy được yếu tố này của Nho giáo
nguyên thủy thì chế độ quân chủ Á Đông có thể tiến lên một chế độ gọi là “quân
dân cộng trị” (vua và dân cùng nhau cai trị), tức là chế độ quân chủ lập
hiến. Nhưng chúng ta thấy ở phương Đông chỉ có mỗi một mình nước Nhật là
làm được điều này, còn bản thân Trung Hoa không làm được.
Trong thực tế, ở Trung Hoa Nho giáo đã trải qua hàng
nghìn năm sống trong chế độ quân chủ chuyên chế cho nên theo Phan Châu Trinh,
Nho giáo đã nhiễm phải “nọc độc chuyên chế” và nọc độc đó đã trở thành vật cản
trên con đường dân chủ hóa. Vì vậy chủ trương của Phan Châu Trinh là giữ gìn và
phát huy những tinh hoa của Nho giáo, đồng thời tẩy rửa “nọc độc chuyên chế” của
nền văn minh đó bằng cách đưa yếu tố “dân chủ” của phương Tây vào. Nói cách
khác, muốn “thoát Trung”, trước hết phải giữ gìn và phát huy những tinh hoa của
Nho giáo (những tinh hoa này đã được Việt Nam hóa, trở thành bản sắc của dân tộc),
nhưng mặt khác phải hướng về phương Tây để du nhập chế độ dân chủ nhằm tẩy rửa
nọc độc chuyên chế.
Phan Châu Trinh đã từng hy vọng Tôn Dật Tiên cũng
như Quốc Dân Đảng sẽ giúp cho Trung Hoa tẩy rửa được cái nọc độc chuyên chế. Đáng
tiếc là từ năm 1949, Trung Hoa lục địa lại rơi vào tay Đảng cộng sản, và sau đó
Đảng cộng sản đã “nâng cấp” chế độ quân chủ chuyên chế thành chế độ độc
tài toàn trị kiểu phương Đông, một chế độ còn ghê gớm hơn hàng ngàn lần so
với quân chủ chuyên chế ngày xưa.
Vậy mà Việt Nam ta – dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản, thay vì học tập chế độ dân chủ của phương Tây lại rập khuôn xây dựng một
mô hình độc tài toàn trị kiểu Trung Hoa cộng sản. Như vậy đất nước làm sao có
thể phát triển, làm sao có thể giữ vững được nền độc lập?
Do ba đặc điểm đó, chúng tôi thấy tư tưởng chính trị
của Phan Chu Trinh cực kỳ “hiện đại”. Và vì lý do đó, chúng tôi chọn tên Phan
Tây Hồ để đặt tên cho Câu lạc bộ của mình.
*
-
Trần Quang Thành: Ở Tây nguyên, ở Lâm Đồng - Đà Lạt ra đời Câu lạc bộ Phan
Tây Hồ. Trong khi đó tại miền Trung – quê hương của Phan Châu Trinh, thì lại ra
đời một tổ chức mới gọi là Viện Phan Chu Trinh. Giữa Viện Phan Châu Trinh và
Câu lạc bộ Phan Tây Hồ có điểm gì tương đồng và quan hệ như thế nào?
-
Mai Thái Lĩnh: Chúng tôi cũng đã biết tin: trước đây đã có Quỹ
Phan Châu Trinh và giờ đây lại thành lập Viện Phan Châu Trinh.
Thật ra, về quan hệ cá nhân thì giữa chúng tôi với một
số anh trong Viện Phan Châu Trinh (như anh Nguyên Ngọc, anh Chu Hảo,…) cũng có
mối liên hệ. Như là đôi khi cộng tác với nhau ký kết một số văn kiện gửi Đảng
và Nhà nước để kiến nghị hoặc để đòi hỏi, yêu sách trên một số vấn đề dân sinh,
dân chủ, bảo vệ Tổ quốc, v.v. Nhưng về tổ chức thì có thể nói hiện nay vẫn chưa
có mối liên hệ nào.
So sánh giữa hai tổ chức, chúng tôi thấy có sự khác
nhau. Viện Phan Châu Trinh là một tổ chức “hợp pháp”, được Nhà nước công nhận,
chẳng những được tài trợ cả về phía Nhà nước mà còn được tài trợ từ nhiều tổ chức
ở hải ngoại. Có thể coi đó một loại think tank hợp pháp, được
tài trợ. Ngược lại, Câu lạc bộ Phan Tây Hồ chỉ là một tổ chức nhỏ bé, chỉ gồm một
số cá nhân, hình thành một cách tự nhiên từ xã hội dân sự và cho đến nay, chưa
nhận sự tài trợ của một tổ chức nào cả. Bởi vì hoàn cảnh chưa cho phép: hiện
nay ở Việt Nam chưa có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp và
lập hội. Hơn nữa, chúng tôi cũng muốn giữ tính độc lập, khách quan trong việc
nghiên cứu về Phan Châu Trinh.
Nói về sự hợp tác giữa chúng tôi và Viện, chúng tôi
nghĩ rằng nếu Viện Phan Châu Trinh làm được công trình nào có nhiều tư liệu thì
chúng tôi cũng có thể tham khảo. Bởi vì hiện nay, chúng tôi cũng dựa vào nhiều
tư liệu, như những tư liệu mà gia đình ông Phan Châu Trinh qua Pháp thu thập được
trong các thư khố và đã xuất bản. Nhưng nói đến việc cộng tác với nhau thì
chúng tôi thấy vẫn còn rất nhiều trở ngại.
Có một sự khác biệt căn bản giữa chúng tôi với Viện
Phan Châu Trinh cũng như nhiều tổ chức, cá nhân khác trong việc nghiên cứu Phan
Châu Trinh. Phần lớn các công trình nghiên cứu về Phan Châu Trinh cho đến nay đều
thiên về việc tìm hiểu câu khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”
và thường nhấn mạnh Phan Châu Trinh như một nhà giáo dục lớn. Nhưng theo chúng
tôi, nếu chỉ nhấn mạnh Phan Châu Trinh như một nhà giáo dục lớn thì không giải
thích được tại sao một nhà giáo dục lại phải ở tù đến hai lần và phải sống xa
quê hương mãi đến khi gần mất mới về gặp được người thân? Theo tôi, nếu chỉ
khai thác khía cạnh một nhà giáo dục thì chúng ta không nói lên được đầy đủ đặc
điểm của Phan Châu Trinh. Thực chất Phan Châu Trinh là một nhà hoạt động chính
trị và kể cả khi nói về giáo dục, cũng cần phải nhấn mạnh: ông là một nhà giáo
dục thiên về việc khai mở các giá trị dân chủ và nhân quyền.
Chúng tôi thiên về xu hướng thứ hai. Điều cốt yếu là
tìm hiểu tư tưởng chính trị của ông, đường lối chính trị mà ông vạch ra cho dân
tộc, đất nước này. Chúng tôi cho rằng chính vì đi tìm đường lối chính trị cho
dân tộc mà ông phải chấp nhận những năm tháng tù đày cũng như bao nhiêu năm phải
sống xa quê hương, xa người thân yêu.
Về mối liên hệ giữa hai tổ chức thì chúng tôi nghĩ rằng
trong tương lai, tùy theo tình hình phát triển của đất nước, các quyền tự do
căn bản được mở rộng hơn, mới có thể có sự hợp tác. Còn bây giờ thì hơi khó
khăn. Hiện nay, nếu chúng tôi hợp tác với các anh bên Viện thì nhiều khi những
công trình chúng tôi nghiên cứu đưa ra xuất bản chưa chắc được cho phép. Ngược
lại, nếu các anh ấy cộng tác với chúng tôi thì các anh ấy cũng có thể bị Đảng
và Nhà nước đặt thành vấn đề!
*
- Trần
Quang Thành: Xin hỏi thêm về mục đích và việc làm của Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, nếu
đi vào hoạt động cụ thể thì trước mắt, Câu lạc bộ của chúng ta có gặp khó khăn gì, thuận
lợi gì để phát triển các hoạt động của mình?
-
Mai Thái Lĩnh: Có thể nói từ sau khi xuất bản một số tác phẩm về
Phan Châu Trinh thì vào khoảng từ năm 2008 trở đi, chúng tôi đã có ý định thành
lập Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, nhưng mãi đến bây giờ mới có điều kiện thuận lợi và
có được sự đồng thuận trong anh em. Ngay từ năm 2008, tôi có viết một lá thư trả
lời anh Trần Ngọc Cư – một dịch giả hiện đang sống tại Hoa Kỳ. Lá thư đề ngày
21/6/2008 và đã được đăng công khai trên trang talawas. Trong đó
tôi đã bày tỏ ý định thành lập một think tank, tạm dịch là “kho tư
duy” hay là “kho tư tưởng”[5].
Chúng tôi xác định Câu lạc bộ Phan Tây Hồ là một think
tank, một kho tư duy, một kho tư tưởng. Như vậy hoạt động chính của chúng
tôi là cố gắng tìm ra những ý tưởng mới , những giải pháp để vạch
ra một con đường phát triển hợp lý nhất cho dân tộc, cho đất nước. Như tôi và
anh Hà Sĩ Phu đã nhiều lần trình bày, chúng tôi dựa vào những bài học mà trào
lưu dân chủ-xã hội trên thế giới tích lũy được để vận dụng vào Việt Nam, và những
bài học mà Phan Châu Trinh để lại cho chúng ta ngày nay. Dựa trên tinh thần kết
hợp giữa Đông và Tây, nghĩa là lấy tinh hoa của phương Đông kết hợp với phương
Tây - nhất là đưa các ý tưởng về dân chủ, nhân quyền và chế độ chính trị của họ
vào Việt Nam.
Như vậy là có hai công việc. Việc thứ nhất là thảo
luận, tranh luận, suy nghĩ để tìm ra những giải pháp, những đề xuất. Thứ hai là
phổ biến rộng rãi tư tưởng của Phan Châu Trinh và những bài học kinh nghiệm của
trào lưu dân chủ-xã hội cho công chúng rộng rãi – và nhất là cho giới trẻ.
Nhưng như anh đã biết, làm việc này rất khó khăn. Bởi
vì chúng tôi đã từng gặp nhiều rắc rối: bị công an thẩm vấn, bị quản thúc, quản
chế, bị canh gác, không cho đi nước ngoài, v.v. Trong những cuộc tranh luận giữa
chúng tôi và công an, chúng tôi nói: “Đã nói đến tự do tư tưởng, tự do ngôn luận
thì chúng tôi được quyền suy nghĩ, được quyền viết, được quyền phổ biến”; nhưng
về phía công an thì họ nói ngược lại: “Các anh được quyền viết nhưng chỉ được để
đó thôi chứ không được phổ biến cho ai khác, bởi vì phổ biến cho ai khác thì
các anh mang cái tội đi tuyên truyền”. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì công việc trở
nên rất khó khăn.
Cho
nên điểm lại, chúng tôi thấy có những khó khăn và thuận lợi như sau:
Về khó khăn: Câu lạc bộ Phan Tây Hồ của chúng tôi cũng giống như phần lớn các tổ
chức xã hội dân sự khác mọc ra gần đây từ phong trào đấu tranh cho dân chủ,
nhân quyền, tức là những tổ chức hoặc bị đàn áp, hoặc nếu đàn áp không được thì
cũng để đó chứ không thừa nhận, nói chung là không có tính hợp pháp. Mà chế độ
toàn trị độc đảng là một chế độ mà bất cứ tổ chức nào ra đời cũng phải được sự
công nhận của Đảng, chịu sự lãnh đạo của Đảng, ngoài ra thì coi như không hợp
pháp. Như thế, hoạt động rất khó khăn, bởi vì người khác sẽ ngại, không dám tiếp
cận với mình.
Chỉ cần lấy một ví dụ. Trong những năm gần đây, đã
có một số người thành lập một số trang web hoàn toàn nặc danh mà mục tiêu hàng
đầu là nói xấu, phỉ báng chúng tôi, ví dụ trang “Hồ sơ dân chủ” và một số trang
tương tự. Họ tập trung nhắm vào tôi và anh Hà Sĩ Phu để nói xấu đủ điều. Có điều
vô lý thế này: những trang đó đều nặc danh, không bài nào ký tên thật, nhưng
trình độ rất cao. Họ có kỹ thuật ăn cắp thư riêng và có sự hỗ trợ từ thế lực
chính trị nào đó cho nên họ vẫn tồn tại. Mặc dù trong thời gian qua rất nhiều
trang web bị đánh phá, đánh đến nỗi mất sạch, như là trang ykien.net có rất nhiều
tư liệu về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, rất nhiều tư liệu về các vị hưu trí
xung quanh ông Nguyễn Hộ, ông Trần Độ. Trong khi rất nhiều trang mạng bị đánh
phá đến mức mất sạch tư liệu như thế thì các trang mạng này – tự xưng là “chống
phản động” (thực ra là chống dân chủ, bảo vệ chế độ độc tài toàn trị) vẫn sống
mạnh, sống khỏe, gần như là “bất khả xâm phạm”. Trong tình hình như vậy, những
đề tài nghiên cứu của chúng tôi – thường là đề tài cấm kỵ, người ta rất dễ quy
chụp là thông tin xấu, thông tin độc, v.v. Mà như chúng tôi thì viết dưới tên
thật một cách đàng hoàng, nhưng những kẻ đánh phá chúng tôi toàn dùng tên giả
mà họ vẫn sống nhăn, suốt ngày không biết họ ăn lương của ai, nhờ sự hỗ trợ của
ai mà chỉ lo bới móc, nói xấu chúng tôi. Vì vậy hoạt động rất khó khăn.
Về thuận lợi: Trước hết
là do lòng dân, ngày càng có sự thay đổi. Đã có thời kỳ chúng tôi bị cô lập,
không ai dám tới chơi, hoặc bị canh gác suốt, lúc nào cũng có người canh gác,
có lúc lơi đi một chút thì canh gác nhân những dịp lễ lớn... do đó khiến người
ta sợ. Chúng tôi bị chụp mũ là “phản động” thì có ai dám tới chơi? Nhưng rồi dần
dần có thay đổi. Người ta bớt tránh né, sợ sệt và sau cùng thì ngay cả các cán
bộ, đảng viên – thậm chí cả những người đã “hai mùa kháng chiến”, đã hy sinh đi
theo Đảng, cũng bắt đầu hiểu chúng tôi và đến tiếp cận. Một thuận lợi nữa là hiện
nay Internet ngày càng phát triển cho nên chúng tôi cũng bớt cô lập hơn trước.
Đặc biệt có thuận lợi này: về mặt nghiên cứu thì chúng tôi hoàn toàn tự do
trong tư tưởng, không bị ràng buộc gì hết. Cho nên chúng tôi có thể nghiên cứu
mà không bị thành kiến, không sợ có vấn đề nào là “húy kỵ”, cho nên chúng tôi
có thể nghiên cứu một cách độc lập, khách quan và không chịu bất cứ một sự kiểm
duyệt nào.
Để
kết thúc buổi trao đổi này, tôi xin nêu một điều băn khoăn, suy nghĩ:
Theo tài liệu chúng tôi nghiên cứu được về Phan Châu
Trinh thì cách đây gần cả thế kỷ (đầu thế kỷ thứ 20), ngay tại thủ đô nước
Pháp, Phan Châu Trinh và một số nhà yêu nước Việt Nam khác là “dân thuộc địa” mặc
dù có bị mật vụ rình rập, theo dõi, báo cáo,... nhưng vẫn sinh hoạt được, vẫn tổ
chức diễn thuyết, tổ chức họp hành được, thậm chí có khi ra tuyên bố, mà thậm
chí có lúc vài ba trăm người, có lúc đến bốn, năm trăm người tham gia. Rồi lúc
ông Phan Châu Trinh về nước (năm 1925), trước khi mất, ông đã diễn thuyết tại
Sài Gòn hai lần, mặc dù ông không được chính quyền thực dân ưa thích mà ông vẫn
diễn thuyết được hai lần, công bố trên báo đàng hoàng để mọi người đến nghe, có
hàng trăm người đến nghe, rồi các bài nói chuyện được ghi lại, được in ra phổ
biến. Vậy mà chúng ta hiện nay, đến năm 2017 rồi, tức là cách cả trăm năm sau rồi,
chúng ta vẫn không đạt được trình độ của chế độ thuộc địa ngày xưa.
Vậy
câu hỏi đặt ra là thế này:
Đã có những người tự xưng là yêu nước, lại coi mình
là yêu nước nhất, không ai bằng nữa cơ, tự xưng là người giải phóng cho dân tộc
này, giành độc lập cho đất nước này, vậy mà quyền tự do hội họp, tự do lập hội,
tự do ngôn luận, tự do tư tưởng kém xa cả trăm năm trước. Vậy thì giải phóng để
cho ai? Ai được hưởng lợi trong công cuộc giải phóng này đây? Suy nghĩ này, nhất
là trong những ngày tháng 4 là những ngày kỷ niệm những trang sử của đất nước,
một bên thì cho đây là công cuộc giải phóng “vĩ đại”, nhưng nói như ông Võ Văn
Kiệt thì có bao nhiêu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn. Chúng tôi rất
băn khoăn về điều này.
Tại sao cho đến giờ này mà những người dân Việt Nam,
và như chúng tôi là những người chỉ muốn suy nghĩ ra những điều có lợi cho đất
nước, vậy mà cho đến bây giờ phải nói là còn tệ hơn... Chúng tôi không được hưởng
những quyền tự do so với thời kỳ Nam kỳ thuộc địa trước đây hàng trăm năm.
Đấy là câu hỏi được đặt ra...
T.Q.T.
– M.T.L.
Các tác giả gửi BVN
[5] Chữ tank trong
tiếng Anh có nghĩa là thùng chứa, bình chứa. Danh từ think tank dùng
để chỉ một nhóm người có kiến thức và kinh nghiệm, cùng làm việc với nhau để sản
sinh ra những ý tưởng và góp ý kiến về một lĩnh vực nào đó.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 08:01
No comments:
Post a Comment