Tuesday, May 30, 2017

MỸ : BA "BẢO MẪU" CỦA DONALD TRUMP (RFI)




Đăng ngày 30-05-2017 

Ngày 27/05/2017, sau khi dự thượng đỉnh G7 tại Taormina, Ý, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đường về nước, kết thúc chuyến công du 8 ngày, ở Trung Đông rồi châu Âu. Trên báo Le Figaro (30/05/2017), nhà báo Renaud Girard "tổng kết" : "Những bài học rút ra từ chuyến công du của Trump".

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thượng đỉnh G7, tổ chức ở Taormina, Sicily, Ý, ngày 26/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst

Để hiểu rõ được sự vận hành của tân chính quyền Mỹ cũng như nắm bắt được những đường hướng chính trong chính sách đối ngoại của vị tổng thống "không giống ai" này, tác giả tiến hành phân tích riêng rẽ hình thức và nội dung.

Về hình thức, dường như hoạt động của tân chính quyền Mỹ dựa trên ba nguyên tắc lớn. Thứ nhất, có ba "bảo mẫu" đi theo "chăm sóc" "cậu bé" Donald Trump : đó là ngoại trưởng Tillerson, bộ trưởng Quốc Phòng Mattis và cố vấn an ninh quốc gia, tướng McMaster.

Ví dụ, tại thượng đỉnh NATO ở Bruxelles, tổng thống Mỹ đành chấp nhận nêu lên "mối đe dọa Nga" cho dù trong theo bản năng, ông chỉ coi Nhà Nước Hồi Giáo là kẻ thù thực sự của Hoa Kỳ. Thế nhưng, cần phải nói đến "mối đe dọa Nga" để tránh bị coi là "đồng chí" của Matxcơva trong lúc Quốc Hội Hoa Kỳ đang điều tra về nghi án quan hệ giữa các cộng sự của ông Trump với Nga.

Nguyên tắc thứ hai, Donald Trump không "quản lý vi mô". Cụ thể là ông không cần biết chi tiết các kế hoạch, và ủy quyền cho bộ trưởng Quốc Phòng tướng Mattis tự do đưa ra các sáng kiến được cho là cần thiết để bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ.

Nguyên tắc thứ ba : tân tổng thống Mỹ có cách tiếp cận rất thương mại trong các hoạt động ngoại giao, theo kiểu "ông thò chân giò, bà thò nậm rượu", tức là có đi có lại. Các đồng minh châu Âu của tân tổng thống Mỹ hiểu rõ điều này : châu Âu phải tăng ngân sách quốc phòng trước đã, rồi sau đó và chỉ sau đó, Hoa Kỳ mới nói đến điều 5 trong Hiến chương NATO, liên quan đến nghĩa vụ phòng thủ chung, bảo vệ lẫn nhau.

Về nội dung, theo báo Le Figaro, Hoa Kỳ đã từ bỏ học thuyết tân bảo thủ mà cựu tổng thống George W. Bush chủ trương, theo đó, để bảo vệ hòa bình thế giới, Hoa Kỳ phải "xuất khẩu" dân chủ, và nếu cần thì không ngần ngại sử dụng bạo lực. Trong chuyến công du Ả Rập Xê Út, Donald Trump đã tái khởi động thỏa thuận Mỹ bảo đảm an ninh cho nước này, được ký kết từ năm 1945. Đổi lại, Ryiad ký hàng loạt hợp đồng trị giá hơn 300 tỷ đô la.

Với thái độ thực dụng, khi tới Israel, Donald Trump đã yêu cầu Tel Aviv không tiếp tục mở rộng thêm các khu định cư Do Thái, không bàn đến chuyện chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem. Bởi vì, tân tổng thống Mỹ nghĩ rằng ông có thể thúc đẩy tái lập hòa bình ở Palestine, trên cơ sở có hai Nhà nước (Do Thái và Hồi giáo), đồng thời ông cũng muốn làm vừa lòng hai đồng minh lớn khác trong khu vực là Ả Rập Xê Út và Ai Cập.

Tại thượng đỉnh G7, tổng thống Mỹ đưa ra hai thông điệp cụ thể : Về thương mại, Donald Trump không nói đến chính sách bảo hộ mậu dịch và chỉ chủ trương "trao đổi thương mại công bằng" thay cho "tự do trao đổi mậu dịch". Ông cũng lên án những tập quán, biện pháp xấu trong trao đổi thương mại, một uyển ngữ lên án Trung Quốc thực hiện chính sách phá giá dumping.

Còn về hồ sơ nhập cư, Trump đã nói thẳng với châu Âu : Đó là chuyện của các vị, hãy tự giải quyết. Trong vấn đề này, Mỹ chỉ giúp châu Âu tại Libya vì đây là cơ hội tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Vậy nước Pháp có nên phàn nàn về khía cạnh hơi thô bạo này trong chính sách đối ngoại của Mỹ hay không ? Le Figaro nhấn mạnh là không. Đây chính là cơ hội để ngoại giao Pháp tỏa sáng như xưa.

----------------------------------

CÁC TIN KHÁC













No comments: