Nguyễn Quang Dy
05/05/2017
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cả khủng hoảng kinh
tế lẫn xã hội và chính trị. Không phải chỉ có dân chúng mất niềm tin, doanh
nghiệp hoang mang, mà cả cán bộ cao cấp cũng nhấp nhổm chuồn ra nước ngoài (mỗi
khi bị truy cứu trách nhiệm). Hội nghị TW5 sẽ mở màn cho một đợt thanh trừng mới,
đẩy tranh giành quyền lực lên một tầm cao mới. Nhưng nếu không cải cách thể chế
(chính trị) thì không thể tránh được khủng hoảng chính trị.
Muốn chống tham nhũng, trước hết phải kiểm soát quyền
lực (bằng tam quyền phân lập). Thứ hai là phải tư hữu hoá đất đai và tài sản
công. “Đánh chuột sợ vỡ bình” là một nghịch lý chết người do thể chế hiện nay
đang làm hệ thống phân liệt. Bắt xong sâu này sẽ có sâu khác, nếu cái lồng ấp
sâu vẫn còn nguyên. Diệt xong hổ này sẽ có hổ khác nếu nguyên nhân sinh ra và
nuôi dưỡng hổ báo vẫn còn. Đã đến lúc phải dũng cảm thay đổi thể chế (thậm chí
phải thay bình mới) thì may ra mới giải được nghiệp chướng hiện nay để thoát hiểm.
*
Hội nghị TW5 đã bắt đầu. Sự cố Đồng Tâm chưa kịp lắng
xuống thì tin kỷ luật ông Đinh La Thăng lại rộ lên. Không khí Hà Nội lại nóng bỏng
và ngột ngạt như trước ĐH XII, với những tin tức đồn đoán dồn dập. Sau ông
Thăng sẽ đến lượt ai? Liệu ông Nguyễn Tấn Dũng có còn an toàn? Ai sẽ thay ông
Thăng tại thành phố Hồ Chí Minh? Nhưng quan trọng hơn cả là ai sẽ giành được
chiếc ghế Tổng Bí thư? Phải chăng những ân oán chưa kịp thanh toán tại ĐH XII
thì nay phải thanh lý? Có lẽ vấn đề nhân sự còn quan trọng hơn cả vận mệnh quốc
gia.
Đối với nhiệm kỳ của một chính phủ mới, việc kiểm điểm
hay đánh giá giữa kỳ (mid-term review) là một thông lệ cần thiết (đúng quy
trình). Muốn đánh giá khách quan để có một bức tranh phản ánh đúng hiện trạng,
nhằm cải cách thể chế theo định hướng “kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành
động”, người ta thường tham vấn ý kiến của các chuyên gia tư vấn độc lập.
Dưới đây là một số đánh giá khái quát về thực trạng Việt Nam trước
TW5.
Chính
phủ kiến tạo
Ngay tại đại hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (3/12/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ
thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với
chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên đất đai, thể chế và
các ưu đãi ngầm”. Chính phủ xác định trọng tâm trách nhiệm của mình là “cải
cách thể chế” để xây dựng chính sách và thực hiện chiến lược đúng quy
hoạch. Trong chỉ đạo và điều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng,
xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, chống lại lợi ích nhóm, tham nhũng và trục lợi (Người
lao động, 3/12/2016).
Từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam
kết trước toàn dân về một Chính phủ “kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động”.
Ngay từ đầu, Thủ tướng đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều
kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông đã tạo được dấu ấn nhất định với cộng đồng
doanh nghiệp bằng cách đối thoại trực tiếp, và đưa ra Nghị quyết 19, Nghị quyết
35 (năm 2016) và Nghị quyết 19 (năm 2017) để thúc đẩy “cải cách môi trường
kinh doanh”. Đó là một định hướng đúng, nhưng các nghị quyết ở cấp chính phủ
chưa đủ. Nhưng nếu thiếu hoặc chậm tiến hành cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ vào
lúc này thì sẽ không thể có được một chính phủ kiến tạo để dẫn dắt sự phát triển.
Ngay với ba nghị quyết nói trên, muốn có kết quả thực
sự, Thủ tướng phải có sự đồng hành của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là các Bộ trưởng
và Chủ tịch các tỉnh/thành phố. Nhưng trên thực tế, chưa thấy có sự đồng hành
đó. Lãnh đạo các cấp vẫn còn “đủng đỉnh, ỳ ạch, đẩy qua đẩy lại công việc cho
nhau và chậm giải quyết theo chức trách của mình”. Một số bộ, ngành vẫn bám giữ
những chính sách lỗi thời, gây khó khăn cho doanh nghiệp và một số ngành nghề.
Giữa lời nói và việc làm vẫn còn một khoảng cách xa vời, chưa khắc phục được (“Thể
chế cho một chính phủ kiến tạo”, Doanh nhân Saigon cuối tuần,
24/01/2017).
Theo bà Phạm Chi Lan, trong số các di sản của Chính
phủ trước, vấn đề nan giải số một là nợ công, thứ hai là nợ xấu ngân hàng, và
thứ ba là ba đột phá chiến lược thực hiện chậm. Nhưng đến nay các vấn đề này vẫn
còn rất nan giải “Tiền đề quan trọng nhất là đổi mới tư duy thì vẫn chưa làm
được trong đông đảo đội ngũ nhà nước” (“Bà Phạm Chi Lan trả lời
phỏng vấn về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, Huỳnh Phan, VietnamNet,
10/9/2016).
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhận xét rằng Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đã tập trung cải cách môi trường kinh doanh để khắc
phục hậu quả do Chính phủ trước để lại: hệ thống ngân hàng yếu kém, thâm hụt
ngân sách lớn, các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và tham nhũng. Chủ trương đó
đã làm cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng hơn vào chương trình cải cách của Chính
phủ mới và một số thay đổi ban đầu đã được quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên chương
trình cải cách gặp phải nhiều thách thức, nhất là xu hướng bảo hộ ngày càng
tăng trên thế giới, và Hiệp định thương mại TPP bị Mỹ bỏ rơi. Đó là những rào cản
làm ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế và làm chậm đà cải cách của Việt Nam
trong mấy năm tới (“Reviewing Vietnam’s Economic Reforms since the
CPV’s 12thCongress”, Lê Hồng Hiệp, January 5,
2017).
Theo Giáo sư Carl Thayer, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
“có tinh thần đồng đội”, và những kinh nghiệm chuyên sâu trong việc điều hành
chính quyền địa phương ở Quảng Nam trước đây cũng như khi làm Bộ trưởng -
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, và Phó thủ tướng sau này. Tuy vậy, Carl
Thayer chỉ ra 4 thách thức mà ông Nguyễn Xuân Phúc đang đối mặt: (1) giảm nợ
công, (2) cải cách hệ thống ngân hàng, (3) cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước,
(4) chống tham nhũng. Carl Thayer nhận xét, “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một
nhà điều hành và thực thi chính sách có năng lực. Chúng ta có thể kỳ vọng vào
những thành quả trong nhiệm kỳ của ông ấy” (“Một năm của Chính phủ
kiến tạo và hành động”, Zing, 10/4/2017).
Theo Giáo sư Alexander Vuving, Chính phủ Nguyễn Xuân
Phúc cần cải cách thể chế để tạo môi trường kinh doanh
thông thoáng. Tuy còn hơi sớm để kết luận có đột phá được không, nhưng có
nhiều lý do để hy vọng đổi mới sẽ tiếp tục diễn ra. Ngoài đổi mới nhân sự lãnh
đạo cấp cao sau Đại hội Đảng lần thứ XII, có một số xu thế lớn đang thúc đẩy
chính trị và kinh tế Việt Nam theo hướng đổi mới hơn nữa. Mục tiêu này cần trải
qua nhiều bước, mà bước đầu tiên có thể tiến hành ngay là rà soát lại các văn bản
dưới luật, như các quy định, thủ tục, nghị định, thông tư, chỉ thị. Cần mạnh
tay loại bỏ các rào cản để giảm mạnh chi phí kinh doanh, đồng thời sửa lại các
quy định theo hướng bảo vệ lợi ích chung, và giảm thiểu lợi ích nhóm.
Song song với quá trình này, cần tinh giản và sắp xếp
lại bộ máy nhân sự nhà nước, bao gồm các cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà
nước để tăng hiệu quả, hiệu lực và năng suất của khu vực công. Hiện tượng hiệu
quả thấp và năng suất thấp không chỉ phổ biến ở khu vực nhà nước mà cả ở khu vực
tư nhân. Việc tăng hiệu quả đầu tư và tăng năng suất lao động là những thách thức
lớn mà Chính phủ mới cần phải tìm mọi cách vượt qua.
Tiến sỹ Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright, Việt Nam)
nhận xét “Ấn tượng lớn nhất của tôi là những hành động thực tiễn, đúng với khẩu
hiệu Chính phủ hành động mà Thủ tướng đã đề ra”. Thủ tướng đã
có nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cố gắng cải cách thể chế
để tạo ra sự minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ “, nhưng chưa thấy
một chiến lược rõ ràng để giải quyết căn bản vấn đề bộ máy hành chính cồng kềnh,
thể chế thiếu minh bạch, làm rõ trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo”.
Trong năm đầu tiên giữ cương vị đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đã đi thăm nhiều nước (Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ, Lào, Campuchia và Thụy
Sĩ), nhằm thúc đẩy quan hệ đối ngoại.
Đại sứ Anh Giles Lever nói, “Tôi ấn tượng nhất với
thành tựu của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trong xếp hạng của
Ngân hàng Thế giới năm nay, Việt Nam đã tăng tới 9 bậc, trở thành một trong 60
nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới”.
Tuy các chuyên gia nhận xét khá tích cực về chủ trương
cải cách của Chính phủ mới, nhưng họ cũng vạch ra nhiều thách thức và rủi ro có
thể làm thui chột kết quả. Liệu đấu đá tranh giành quyền lực giữa kỳ sẽ thúc đẩy
hay cản trở cải cách thể chế? 12 dự án lớn thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng, đang
được bàn hướng xử lý, nhưng dường như vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm. Sau PVN
sẽ là vụ nào tiếp? Vấn đề cải cách thể chế và “nhất thể hóa” bộ máy và chức
danh lãnh đạo (mở rộng đề án 25) liệu có được xác quyết lần này (TW5) hay lần
sau (TW6)? Đây là những hội nghị trù bị cho Đại hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018,
nên qua vụ PVN và 12 vụ án lớn phải xét xử trong năm nay, chắc có nhiều quan chức
phải vào tù.
Tại Đại hội XII, để loại ông Nguyễn Tấn Dũng, ông
Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đã phải nhượng bộ ông Dũng bằng cách chấp nhận
cơ cấu ông Nguyễn Văn Bình, ông Đinh La Thăng và ông Hoàng Trung Hải vào Bộ
Chính trị. Nay nếu ông Đinh La Thăng bị kỷ luật phải ra khỏi Bộ Chính trị, thì
liệu ông Bình và ông Hải có thoát không? Bên cạnh mục tiêu chống tham nhũng,
ông Nguyễn Phú Trọng (và ông Trương Tấn Sang) chắc còn khát vọng cá nhân muốn
đòi món nợ từ TW6 năm 2012 khi ông Nguyễn Tấn Dũng thoát tội.
Bàn
cờ đối ngoại
Chủ nghĩa biệt lập và xu hướng bảo hộ trong nước
(đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới), thay vì toàn cầu hóa và thương mại tự
do, sẽ cản trở Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển. Không có hiệp định TPP,
Việt Nam sẽ bị hẫng hụt vì mất một cơ hội lớn để mở rộng thị trường ngoài nước,
đồng thời mất một sức ép mạnh từ bên ngoài để thực hiện cải cách thể chế trong
nước. Việt Nam có nguy cơ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Tại Hội nghị Thượng
đỉnh ASEAN tại Manila (26-29/4/2017), Tuyên bố chung của ASEAN không nhắc gì đến
việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, vì ASEAN bị Trung Quốc phân
hóa.
Tuy hy vọng đến một lúc nào đó ông Donald Trump sẽ đổi
ý (như các vấn đề khác) và quay lại với TPP, nhưng đừng nên trông đợi vào khả
năng này. Việt Nam phải mau chóng đàm phán để thực hiện một “TPP minus” (trừ Mỹ),
nhằm tận dụng các cơ hội của hiệp định này trong khuôn khổ 11 nước, đồng thời
có những nỗ lực rất lớn để thúc đẩy xuất nhập khẩu và đầu tư với thị trường Mỹ.
Việt Nam cũng phải khai thác tối đa các cơ hội thị trường với những đối tác
quan trọng khác như Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, AEC. Tăng
cường nội lực vừa là tiền đề tối cần thiết cho phát triển của Việt Nam, vừa là
điều kiện không thể thiếu để Việt Nam có thể hội nhập, hợp tác kinh tế tốt với
các đối tác bên ngoài.
Quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump
tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cả hai kịch bản sau đều nguy hiểm cho Việt Nam: (1) Căng
thẳng gia tăng dẫn đến xung đôt Mỹ-Trung (về thương mại hay Biển Đông) và (2)
hòa hoãn dẫn đến bắt tay hợp tác Mỹ-Trung (đi đêm) hy sinh lợi ích của đồng
minh và bạn bè (như năm 1972-1975). Việc tái cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung
Quốc trong tam giác Mỹ-Trung-Việt sẽ khó hơn. Vì vậy ngoài Mỹ, Việt Nam phải
mau chóng tăng cường đối tác chiến lược với các cường quốc Tây Âu (như Anh,
Pháp, Đức), và với các cường quốc Châu Á (như Nhật, Ấn Độ, Úc) trong khuôn khổ
đối tác chiến lược mới ở Châu Á-TBD để đối phó với Trung Quốc bành trướng ở Biển
Đông.
Việt Nam có chủ trương “làm bạn với tất cả”. Nhưng theo
Tiến sỹ Vũ Quang Việt (chuyên gia LHQ) “Từ xưa tới giờ, Việt Nam chưa bao giờ
là đồng minh của Mỹ. Có thể nói thật ra Việt Nam tưởng Trung Quốc là đồng minh
của mình nhưng không phải như vậy. Cho nên, Việt Nam không có đồng minh, mà cơ
bản là không có bạn. Ngay cả Nga cũng không phải là bạn của Việt Nam, mà Nga
cũng không coi Việt Nam là bạn”. Ông Việt cho rằng Việt Nam phải nhận thấy thực
tế đó để không ảo tưởng, và có đường lối độc lập tự chủ.
Ngay sau khi Donald Trump đắc cử, Thủ tướng Nguyễn
Xuân phúc đã có cuộc điện đàm ngắn với ông Trump (14/12/2016), và khẳng định “Việt
Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Mỹ”. Tổng thống đắc cử Donald
Trump đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được và những tiến triển tích cực
trong quan hệ hai nước và “khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng
thúc đẩy quan hệ” (VietnamNet, 15/12/2016).
Trong lần gặp Đại sứ Ted Osius (nhân dịp ông được
tái cử làm Đại sứ tại Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết ngày
23/2/2017, Tổng thống Donald Trump đã gửi thư cho Chủ tịch và “khẳng định
mong muốn thúc đẩy hợp tác”. Đó là những tín hiệu tốt từ phía Mỹ, nhưng nên
nhớ Donald Trump vẫn là một ẩn số khó lường. Việc Bộ Quốc phòng Mỹ không cho hải
quân tiếp tục tuần tra (FONOPS) tại Biển Đông làm người ta lo ngại Trump có thể
đổi chác vấn đề Biển Đông lấy vấn đề hạt nhân Triều Tiên (“Trumps Turn
Toward China Curtails Navy Patrols in Disputed Zones”, Helene Cooper, NYT,
May 2, 2017).
Các chuyên gia CSIS (như Phương Nguyên) cho rằng
“phe người lớn” (the Axis of Adults) trong chính quyền Mỹ (như H.R. McMaster,
James Mattis, Rex Tillerson) sẽ không dễ dàng để Tổng thống Trump có thể làm ảnh
hưởng đến vị trí chiến lược của Mỹ ở châu Á-TBD. Năm 2014, khi TNS John McCain
thăm Hà Nội (khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD981) ông McCain đã từng khuyên
Việt Nam “Chúng ta phải nhanh lên”. Nhưng đáng tiếc lúc đó Việt Nam vẫn
đang đánh đu giữa Mỹ và Trung Quốc, nên bỏ qua cơ hội.
Tại sao Tổng thống Donald Trump gửi thư cho Chủ tịch
nước Trần Đại Quang (23/2/2017), chứ không phải là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc? Trong “Tứ trụ” hiện nay ông Trần Đại Quang vẫn
là một ẩn số. Nghe nói ông Trần Đại Quang lên làm Chủ tịch nước vì đã có công
ngăn chặn được tham vọng của ông Phùng Quang Thanh. Khi còn làm Bộ trưởng Bộ
Công an, ông Trần Đại Quang đã đi thăm Mỹ gần một tháng (3/2015) nhưng vẫn chưa
đi thăm Trung Quốc lần nào. Người ta cho rằng ông Trần Đại Quang có thể kế thừa
đường lối đổi mới của ông Nguyễn Tấn Dũng. Quan điểm đổi mới của ông Lê Kiên Thành
gần đây dường như phản ánh phần nào quan điểm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang
và Bộ trưởng Tô Lâm (“Nghĩ về cuộc đổi mới lần 2”, Lê Kiên Thành, CAND,
19/2/2017).
Sau khi thăm Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình
Minh đã sang thăm Mỹ, hội đàm với Ngoại trưởng Rex Tillerson tại Washington
(20/4/2017). Ông Phạm Bình Minh đã chính thức trao thư của Chủ tịch nước Trần Đại
Quang mời Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 và thăm
chính thức Việt Nam. Ông Tillerson đã khẳng định Tổng thống Donald Trump sẽ
tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Tại cuộc hội đàm giữa Phó Thủ
tướng Phạm Bình Minh với Cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia H.R. McMaster (21/4/2017),
ông McMaster đã trao thư của Tổng thống Donald Trump chính thức mời Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ. (VietnamNet, 21/4/2017).
Thực
trạng đất nước
Thứ nhất là suy thoái về kinh tế và khủng hoảng tài
chính, do nợ công khổng lồ và nợ xấu ngân hàng ngày càng gia tăng. Tình trạng
“thu không đủ chi” dẫn đến bội chi ngân sách làm thâm hụt ngân sách trầm trọng,
buộc Chính phủ phải bán tháo vốn ở một số doanh nghiệp lớn. Theo đồng hồ nợ
công quốc tế (the Economist), nợ công của Việt Nam (nợ Chính phủ) đã tới ngưỡng
báo động (65% GDP). Nhưng theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt (chuyên gia thống kê của
LHQ), tổng số nợ công (năm 2016) là 431 tỉ USD (bằng 210% GDP). Đây là tổng số
nợ của Chính phủ và nợ của các doanh nghiệp nhà nước, sau khi trừ đi phần Chính
phủ bảo lãnh trùng lặp. Theo ông Việt, riêng nợ của 3200 DNNN là 324 tỉ USD
(2016), bằng 158% GDP (“Nợ, trả nợ và khủng hoảng”, Vũ Quang Việt,
TBKTSG, 9/2/2017).
Thứ hai là suy thoái của hệ thống chính quyền và khủng
hoảng lòng tin trong nhân dân (kể cả “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên).
Chính quyền “của dân, do dân, vì dân” đã trở thành khẩu hiệu suông, hay
nói khác đi là “của nhóm lợi ích, do nhóm lợi ích ,vì nhóm lợi ích”.
Trong thực tế, các nhóm lợi ích đã lợi dụng các lỗ hổng về thể chế (đặc biệt chế
độ sở hữu toàn dân về đất đai và các nguồn tài nguyên khoáng sản) như luật sơ hữu
toàn dân về đất đai, để thao túng chính sách nhằm trục lợi. Có lẽ vấn đề sở hữu
ruộng đất là quả bom nổ chậm lớn nhất hiện nay. Sự cố Đồng Tâm vừa qua là một
ví dụ điển hình.
Thứ ba là suy thoái về hệ tư tưởng và khủng hoảng thể
chế. Mô hình kinh tế thị trường “định hướng XHCN” và “sở hữu toàn dân” đã bộc lộ
quá nhiều bất cập và rủi ro. Doanh nghiệp nhà nước (là “quả đấm thép” của Chính
phủ) đã bộc lộ quá nhiều yếu kém về quản trị, nên đánh mất vai trò chủ đạo, trở
thành gánh nặng như tội đồ của nền kinh tế. Cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh
nghiệp nhà nước vẫn chậm và ỳ ạch, vì bị các nhóm lợi ích thao túng. Có người
lo nếu bỏ chính sách “hạn điền”, liệu các nhóm lợi ích có thao túng chiếm đoạt
đất không?
Thứ tư là suy thoái về văn hóa, giáo dục và khủng hoảng
nhân cách. Theo Dân trí (31/5/2016) hiện nay có 225.000 cử
nhân/thạc sĩ thất nghiệp. Cả nước có 412 trường đại học/cao đẳng, với 2,2 triệu
sinh viên trong 95 triệu dân (một tỷ lệ còn cao hơn các nước phát triển). Theo
Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội, đến quý III/2016, cả nước có hơn 1,1 triệu
người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó số có bằng cử nhân trở
lên chiếm 1/3. Đó là cảnh báo về khủng hoảng giáo dục, làm chất lượng nguồn
nhân lực và năng suất thấp. Trong khi đó giới trí thức vẫn tranh cãi gay gắt về
chất lượng và tiêu chí phong hàm Giáo sư. Hàng năm cả nước có 8000 lễ hội, tình
trạng lãng phí, bạo lực và thiếu văn hóa tại các lễ hội đáng báo động.
Thứ năm là suy thoái về môi trường (đặc biệt là môi
trường biển, nguồn nước ngọt, rác thải và không khí). Nhiều dự án lớn đã gây ô
nhiễm và hủy hoại môi trường nghiêm trọng (như nhiệt điện/thủy điện). Điển hình
nhất là siêu dự án thép Formosa đã gây ra thảm họa môi trường miền Trung (như một
quả bom nổ chậm). Nguyên nhân chính là do tư duy chụp giật (vì dốt và tham lam)
muốn đầu tư vào dự án lớn bằng mọi giá, bất chấp rủi ro về môi trường.
Bài
học Vinashin
Một ví dụ điển hình dẫn đến khủng hoảng tài chính và
nợ công khổng lồ, là do những bê bối của “con tàu đắm Vinashin” và các tập đoàn
kinh tế khác. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn không có lối thoát, do tư duy quản
trị sai lầm và yếu kém, bị các nhóm lợi ích thao túng lỗ hổng thể chế để tham
nhũng trục lợi, dẫn đến vấn nạn kinh tế hiện nay. Vào thời Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, Vinashin đã nợ tới 86 ngàn tỷ VNĐ (bằng 4 tỷ USD, chiếm 2,5% GDP).
Năm 2005 Chính phủ phát hành 750 triệu USD trái phiếu,
kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,125%/năm tại thị trường CK New York, hạn trả gốc và
lãi là 2016. Chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ 750 triệu USD để phát
triển ngành đóng tàu. Nay khoản vay này đã tiêu tán hết, nhưng Vinashin không
có khả năng trả nợ, và hồ sơ vụ này đã “khép lại”. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến
Thành nói rằng giao toàn bộ 750 triệu USD cho Vinashin là “lỗi cực kỳ lớn”.
Năm 2010, Chính phủ phát hành 1 tỷ USD trái phiếu, kỳ
hạn 10 năm, lãi suất 6,75%/năm tại sở giao dịch CK Singapore. Chính phủ đã cho
các tập đoàn dầu khí, điện lực, Vinalines vay lại. Số tiền này cũng bị
“nuốt chửng” như Vinashin. Năm 2014, Chính phủ định phát hành 1 tỷ USD trái phiếu,
nhưng lần này không thành. Cuối năm 2015, Chính phủ lại một lần nữa định phát
hành 3 tỷ USD trái phiếu, nhưng đến giữa 2016 thì kế hoạch này phá sản.
Đến năm 2017, món nợ Vinashin vẫn còn gần như nguyên
vẹn, và trách nhiệm trả nợ chuyển sang Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc. Vào quý
1/2017 chính phủ lại “kêu trời” vì nếu trả nợ cho Vinashin trong 10 năm tới bằng
tiền dự phòng ngân sách (như tiền lệ), thì phải có 63,2 ngàn tỷ đồng. Nay lấy
đâu ra số tiền khổng lồ nói trên? Vinashin (nay là SBIC) đang ăn vạ chờ Bộ Tài
chính xử lý, trong khi Bộ Tài chính phải đối phó với bội chi ngân sách khổng lồ,
không biết lấy đâu ra tiền để nuôi hai bộ máy khổng lồ của đảng và chính phủ…
Bài
học PVN
Dầu khí là ngành mũi nhọn, đóng góp nhiều nhất cho
GDP (trước đây là 24%). Vì vậy PVN luôn đươc ưu tiên cao nhất và có nhiều đặc
quyền nhất (nên rất khó kiểm soát/giám sát). Tuy đơn giản chỉ cần hút dầu thô
lên bán, nhưng tại sao PVN và các công ty con vẫn thua lỗ? Phải chăng nhiệm vụ
của PVN không phải chỉ đóng góp cho GDP, mà còn phải “nuôi” lãnh đạo (và nhóm lợi
ích). Vì vậy, nhóm nào lên cầm quyền cũng phải nắm PVN.
Ngày 27/4/2017, UBKTTW đề nghị xem xét kỷ luật Uỷ
viên BCT Đinh La Thăng. Luật sư Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội)
cho rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử UBKTTW đề nghị xem xét kỷ luật một Ủy
viên BCT (đương chức). Nhưng điều còn bất bình thường hơn là tại sao một cán bộ
mắc nhiều sai phạm như vậy, nhưng lại được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn. Cần phải
làm rõ trách nhiệm của người bổ nhiệm.
Một điều đáng lưu ý nữa là trước đây, ông Đinh La
Thăng đã từng được ca ngợi là “tư lệnh” năng động, táo bạo, dám làm, dám chịu
trách nhiệm trong công tác. Ông Vũ Mão (và nhiều người khác) đã từng khen Bộ
trưởng Giao thông Đinh La Thăng hết lời, “Tôi hoan nghênh và ủng hộ những việc
làm thể hiện tư duy, phong cách mạnh mẽ của của Bộ trưởng Đinh La Thăng”. (VietnamNet,
11/2011). Vậy những vị đó nay nói gì?
Báo cáo tài chính của PVN (năm 2010) đánh giá cao
“thành tích” của ông Đinh La Thăng. Thông báo của BCHTW số 148-TB/TW, về tình
hình hoạt động của PVN trong 7 năm (2007-2014) cũng đánh giá cao “Ngành Dầu
khí đã phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu, trở
thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng…”.
Nhưng nay UBKTTW kết luận là thời kì 2009-2011 ông
Đinh La Thăng đã mắc phải các khuyết điểm như: “Đầu tư phân tán, dàn trải;
thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm
lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp… Chịu trách nhiệm khi ký ban
hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng uỷ Tập đoàn PVN có nội dung
không phù hợp với quy định pháp luật…” Nếu trước đây BCHTW đã đánh giá
sai thì nay những người có liên quan trong vụ việc này có chịu trách nhiệm
không?
Trong một mô hình kinh tế (và thể chế) bất bình thường
như hiện nay, thì việc phân định đâu là lỗi của cá nhân (ông Đinh La Thăng) và
đâu là lỗi của hệ thống, là một việc khó nhưng cần làm rõ. Nếu “đánh chuột sợ
vỡ bình” thì làm sao chống được tham nhũng? Nếu đã truy cứu trách nhiệm của
ông Đinh La Thăng tại PVN, thì cũng phải truy cứu trách nhiệm những ai đã quyết
định cho PVN đầu tư vào dự án Dung Quất và đầu tư sang Venezuela. Chỉ vì những
lý do chính trị hồ đồ mà họ đã gây tổn thất nặng nề cho ngân sách (1,8 tỉ USD)
trong tình hình tài chính khó khăn hiện nay. Vậy ai phải chịu trách nhiệm về những
tổn thất này?
Cùng với ông Vũ Huy Hoàng và Trịnh Xuân Thanh, ông
Đinh La Thăng khó thoát được tội, vì đã tìm cách tẩu tán 7 tỷ USD tiền lãi do
chênh lệch giá bán dầu khí từ những năm 2009-2011. Chính ông Nguyễn Tấn Dũng và
ông Vũ Huy Hoàng đã phát hiện ra khoản tiền lãi “trời cho” như vô chủ này (do
giá dầu tăng vọt từ 50 USD lên 140 USD/thùng). Tuy ông Trịnh Xuân Thanh cũng biết,
nhưng chỉ có ông Đinh La Thăng và trợ lý là Vũ Đức Thuận mới biết cụ thể. Ông
Thăng đã trình ông Nguyễn Tấn Dũng duyệt hàng loạt dự án ma để tẩu tán khoản tiền
khổng lồ đó, mà Tổng công ty PVC của ông Trịnh Xuân Thanh là đầu mối.
Thay
lời kết
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước 3 nguy cơ có thể
cản đường đổi mới: Thứ nhất, đồng tiền Việt Nam có thể bị mất giá từ 4% đến 5%
trong năm 2017. Thứ hai, tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp tục sụt
giảm, ảnh hưởng đến thương mại và thu hút FDI của Việt Nam. Thứ ba, tiến trình
hội nhập kinh tế quốc tế với các FTA mới đang gặp nhiều khó khăn, có thể làm
suy giảm động lực cải cách thể chế của Việt Nam.
Tăng trưởng thực sự của Viêt Nam hiện nay chỉ bằng
5% (theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh). Thảm hoạ môi trường biển do Nhà máy
Formosa Vũng Áng gây ra từ tháng 4/2016 đến nay làm cho hàng trăm ngàn ngư dân
phá sản. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, bị hạn hán và ngập mặn nặng
nề, làm sản xuất lúa gạo bị tổn hại nghiêm trọng. Về chăn nuôi, giá heo giảm xuống
mức kỷ lục hiện nay, đang làm nông dân điêu đứng.
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cả khủng hoảng kinh
tế lẫn xã hội và chính trị. Không phải chỉ có dân chúng mất niềm tin, doanh
nghiệp hoang mang, mà cả cán bộ cao cấp cũng nhấp nhổm chuồn ra nước ngoài (mỗi
khi bị truy cứu trách nhiệm). Hội nghị TW5 sẽ mở màn cho một đợt thanh trừng mới,
đẩy tranh giành quyền lực lên một tầm cao mới. Nhưng nếu không cải cách thể chế
(chính trị) thì không thể tránh được khủng hoảng chính trị.
Muốn chống tham nhũng, trước hết phải kiểm soát quyền
lực (bằng tam quyền phân lập). Thứ hai là phải tư hữu hoá đất đai và tài sản
công. “Đánh chuột sợ vỡ bình” là một nghịch lý chết người do thể chế hiện nay
đang làm hệ thống phân liệt. Bắt xong sâu này sẽ có sâu khác, nếu cái lồng ấp
sâu vẫn còn nguyên. Diệt xong hổ này sẽ có hổ khác nếu nguyên nhân sinh ra và
nuôi dưỡng hổ báo vẫn còn. Đã đến lúc phải dũng cảm thay đổi thể chế (thậm chí
phải thay bình mới) thì may ra mới giải được nghiệp chướng hiện nay để thoát hiểm.
Xét cho cùng, nguy cơ của dân tộc Việt Nam không phải chỉ là “thù trong” mà còn
là “giặc ngoài”. Vì vậy, nếu không sớm dẹp được “thù trong”, thì làm sao
có thể chống được “giặc ngoài”?
N.Q.D.
4/5/2017
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 13:26
No comments:
Post a Comment