Wednesday, October 12, 2016

DUTERTE, NGƯỜI HÙNG hay NGƯỜI KHÙNG ? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
October 11, 2016

Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, gọi tắt là DU30, đắc cử hồi Tháng Năm, 2016 với 39% số phiếu, gần 17 triệu phiếu bầu trong cuộc chạy đua năm ứng cử viên. Khi tranh cử, ông Duterte đã hứa sẽ cho cảnh sát giết những người bán ma túy ngay tại chỗ, giống như ông đã làm ở thành phố Davao, nơi ông là thị trưởng trong 21 năm và được coi như một “người trừng phạt,” “the Punisher.”

Ba tháng sau khi nhậm chức, số tử vong lên tới 3,600 người, một phần ba do cảnh sát hoặc “dân quân tình nguyện” bắn, số còn lại không biết chắc bị ai giết. Trước những lời phản đối lối cai trị bất chấp quyền làm người của các nạn nhân, Duterte trả lời: “Tôi cho lệnh giết. Tôi không cần biết đến nhân quyền,… Nước ta có 104 triệu người, ai quan tâm đến con số 1,600 người bị giết?” Nhậm chức sau 100 ngày, ông được 64% dân chúng Phi hoan nghênh, chỉ thua cựu Tổng Thống Fidel Ramos năm 1992, đã được 66% tin tưởng. Nhưng chiến dịch “bài trừ ma túy” của ông được 84% dân chúng Phi ủng hộ, chỉ có 11% chống.

Ông Rodrigo Duterte tự so sánh mình với Hitler, “Nếu nước Ðức (quốc xã) có Hitler, nước Philippines có…,” ông tự chỉ vào mình. “Hitler giết ba triệu người Do Thái,… Philippines có ba triệu người ghiền ma túy. Tôi sẽ rất sung sướng giết hết!” Lãnh đạo hiệp hội các người Do Thái thế giới đã yêu cầu ông Duterte xin lỗi, nhưng ông Duterte không trả lời. Những người thân cận ông biện hộ rằng việc giết những người ghiền ma túy là cần thiết, vì hệ thống pháp luật ở Philippines bất lực trước đại nạn xã hội này.

Ðể thúc đẩy chiến dịch, ông Duterte sử dụng một hệ thống gọi là “barangay,” một định chế có từ thế kỷ 16, thời Tây Ban Nha cai trị, một thứ “lãnh đạo dân quân tình nguyện.” Các barangay được tổ chức lại vào năm 1998, nhưng không hoạt động, cho tới khi ông Duterte làm sống lại. Chỉ huy trưởng cảnh sát toàn quốc Ronald Dela Rosa giải thích: “Các barangay biết rõ ai trong khu phố ghiền ma túy, bán ma túy.” Mỗi barangay có một thủ lãnh và 6 “nghị viên,” kagawad. Các nghị viên này trên nguyên tắc được dân phố bầu lên, nhưng thường do một vài gia đình nắm trong tay, cha truyền con nối, nhờ dọa nạt hay mua phiếu.
Từ khi ông Duterte mở màn chiến dịch, 700,000 người đã “đầu thú” tại các sở cảnh sát. Phần lớn được ghi danh rồi cho về nhà. Nhưng sau đó, các đám “dân quân” dựa vào danh sách đó tới từng nhà, thường vào ban đêm, gọi từng người ra, bắn chết trước mặt cha mẹ, vợ con họ.

Những người “may mắn” chỉ bị tống giam thì thoát chết. Nhưng số người bị giam nhiều quá khiến các nhà tù chật ních, có nơi tù nhân đông gấp năm lần chỗ chứa. Nhiều bức hình cho thấy cảnh những người tù nằm la liệt chen chúc trên nhau, hầu hết cởi trần vì nóng quá. Nhà tù không có chương trình giúp người ta cai nghiện cho nên những người ghiền ma túy dễ trở lại bệnh ghiền, và chính trong nhà tù họ được bọn buôn ma túy làm quen và trở thành khách hàng.

Nhà tù đông đúc cũng là nơi các băng đảng tội phạm dễ dàng hoạt động tuyển mộ tay chân để sử dụng sau khi họ ra khỏi tù. Và điều người ta lo ngại nhất là chiến dịch bài trừ ma túy của Tổng Thống Rodrigo Duterte chỉ giết những tay bán lẻ ma túy, hạng thấp nhất trong guồng máy các băng đảng; trong khi đó các tay trùm vẫn bình an vô sự. Bọn này chỉ ngồi chờ cho đến khi cơn chấn động nguội bớt và giảm dần. Họ còn có thể lợi dụng tình trạng hỗn loạn này để thanh toán đám thủ túc của đối thủ. Bất cứ ai cũng có thể tố cáo người khác là bán ma túy rồi chỉ điểm cho cảnh sát đi bắn giết, hoặc tự mình giết.

Nhìn vào những nạn nhân bị giết, ai cũng thấy phần lớn thuộc tầng lớp người nghèo trong xã hội, những người ghiền cũng như những tay bán lẻ ma túy. Ðó cũng là những tay bán ma túy nghèo nàn và kém cỏi nhất, bị lộ diện và dễ bị chỉ điểm. Khi những người này chết, bọn trùm ma túy vẫn dễ dàng thay thế họ và tổ chức chặt chẽ hơn để tự bảo vệ chúng. Ðầu thập niên 2000, Thái Lan đã phát động bài trừ ma túy theo phương pháp của ông Duterte, và sau đó công nhận là thất bại.

Ðiều đáng lo ngại nhất là khi ông tổng thống hô hào mọi người đi giết những người ghiền và bán ma túy thì ông đã xóa bỏ tinh thần trọng pháp, một nền tảng của bất cứ xã hội nào muốn sống bình an. Hiện nay dân chúng Philippines bắt đầu sống trong lo sợ, tính mạng của họ có thể mất bất cứ lúc nào nếu có kẻ thù tố cáo họ ghiền hay mua bán ma túy! Bà Karen Gomez-Dumpit, thuộc Ủy Ban Nhân Quyền, lên án rằng, “Khung cảnh này sẽ dẫn đến những hành động tự phát, bất cứ ai có súng trong tay cũng có thể tìm giết kẻ mình đang thù ghét!” Nhiều người đã bị giết mặc dù không dính líu gì đến ma túy. Tình trạng không luật lệ này cũng tạo cơ hội cho các nhân viên chính quyền, thuộc các cơ quan bài trừ ma túy và công an, cảnh sát sách nhiễu và ăn hối lộ.

Khi làm thị trưởng thành phố Davao, ông Duterte cũng thi hành những chiến dịch bài trừ ma túy kiểu này. Dân chúng Davao hoan nghênh, nhưng hiện nay đây vẫn được coi là “thủ đô của tội sát nhân” (murder capital) trong nước Philippines.

Cựu Tổng Thống Fidel Ramos, 88 tuổi, mới viết một bài bình luận phê bình chính sách của Rodrigo Duterte. Ông Ramos vạch ra rằng Rodrigo Duterte đã bỏ phí 100 ngày đầu tiên trong chức vụ tổng thống vì đặt ưu tiên hàng đầu cho cuộc bài trừ ma túy; trong khi đó có những vấn đề quan trọng hơn bị bỏ qua, như việc giảm bớt nạn nghèo khó, khuyến khích đầu tư, tạo công việc làm thêm cho những người thất nghiệp. Fidel Ramos cũng chỉ trích ông Duterte dùng những lời lẽ bất nhã đối với các lãnh tụ quốc tế mà không biết sử dụng ngôn ngữ “văn minh” hơn. Ông Ramos chê trách ông Duterte đã nói những lời thô tục về Tổng Thống Mỹ Barack Obama trong lúc các bộ trưởng quốc phòng và tài chánh Phi đang đi thăm nước Mỹ. Ðặc biệt, ông phản đối những lời tuyên bố của Duterte nói sẽ bỏ Mỹ để mua vũ khí của Nga và Trung Cộng: “Có phải chúng ta đang xóa bỏ bao nhiêu thập niên cộng tác quân sự, các chiến thuật có hiệu quả, các loại vũ khí phù hợp với nhau, và tình đồng đội thân thiết một cách dễ dàng như thế? Chỉ vì DU30 nói như thế hay sao?”

Cựu Tổng Thống Fidel Ramos là người đầu tiên lên tiếng đả kích ông Duterte. Có lẽ vì Ramos được ông Duterte kính trọng, đã được chính ông Ramos khuyến khích ra ứng cử làm tổng thống. Ông Duterte từng nhờ ông Ramos đóng vai sứ giả đi qua Tàu, một chuyến đi không có kết quả nào. Nghe những lời ông Duterte đả kích Mỹ và tỏ ý muốn thân thiện với Trung Quốc, giới lãnh đạo Bắc Kinh không tỏ ra săn đón. Vì họ cũng biết đa số dân Philippines rất thân Mỹ. Năm ngoái, di dân Filipino và công dân Mỹ gốc Phi đã chuyển về nước 30 tỷ đô la, đứng hàng thứ ba sau Ấn Ðộ (US$72 tỷ) và Trung Quốc (US$64 tỷ). Tập Cận Bình cũng biết rằng ông Duterte tánh tình bất định không thể bỏ vốn vào ông ta được, và dân Philippines có quyền bỏ phiếu, vị tổng thống sau sẽ quay về chính sách thân Mỹ.

Ngoài ông Ramos, chưa thấy nhà chính trị nào, kể cả các cựu tổng thống khác, lên tiếng chỉ trích ông Duterte về chiến dịch bắn giết hơn 3,000 người ghiền ma túy mà không đem xét xử theo luật lệ. Ðiều quan trọng hơn nữa, là các chức sắc trong Giáo Hội Công Giáo cũng chưa lên tiếng, dù giáo hội đã từng lật đổ hai vị tổng thống Phi (Ferdinand Marcos và Joseph Estrada) sau khi hô hào dân chúng biểu tình đòi Quyền Dân. Tình trạng im lặng trong giới chính trị và tôn giáo có thể hiểu được, vì hiện nay 84% dân chúng Phi ủng hộ chiến dịch tàn sát của ông Duterte. Linh Mục Joel Tabora, thuộc dòng tên (Jesuit), ở thị xã Davao, nói với hãng tin Reuters rằng, “nhiều người bị giết chết, nhưng mặt khác lại có hàng triệu người hài lòng.”

Nhưng sẽ tới lúc người đa số dân Philippines sẽ cảm thấy lo sợ cho tính mạng của họ nếu tình trạng giết người tiếp tục, đe dọa tất cả mọi người. Họ sẽ thấy, như ông Ramos mới vạch ra, rằng Tổng Thống Duterte đã lãng quên nhiều vấn đề quan trọng hơn trong cuộc sống của họ. Trong hai năm qua, kinh tế Philippines tăng trưởng cao nhất ở Châu Á, cao hơn cả Trung Quốc. Ðó là nhờ các chính sách cởi mở của cựu Tổng Thống Benigno Aquino với một chế độ dân chủ ổn định. Nhưng tình trạng ổn định trên đang bị đe dọa khi chính quyền cũng coi thường luật pháp mà chính ông tổng thống làm gương xấu.

Ngày 18 Tháng Tám vừa qua, nghe mấy người dân than phiền bộ máy hành chánh chậm chạp, họ phải đi từ bàn giấy này qua văn phòng khác, ông Duterte nói, “Giết chúng đi! Tôi sẽ lo cho!” Gần đây, ông Duterte còn đe dọa các xí nghiệp, về thủ đoạn sa thải nhân viên vào làm trong vòng 5 tháng rồi thuê người mới, để khỏi phải đóng những khoản thuế an sinh xã hội cho họ nếu làm việc hơn 5 tháng. Ông nói: “Hãy lựa chọn: Hoặc chấm dứt thói đó, hoặc tôi sẽ bắn! Tôi là tổng thống!” Khi nhìn thấy những đôi mắt kinh ngạc của cử tọa trước lời nói của mình, ông Duterte vội nói chữa: “Ðó là tôi nói tượng trưng thôi!” Nhưng các nhân viên dưới quyền đã bắt chước.

Ông Nicanor Faeldon, tân tổng giám đốc thuế hải quan, nói chuyện với Phòng Thương Mại và Công Nghiệp người Phi gốc Hoa, về nạn nhân viên quan thuế tham nhũng: “Nếu tôi không đụng được tới bọn chúng theo đường lối hợp pháp, tôi sẽ đem bắn bỏ, từng đứa một!”

Fidel Ramos đã cảnh cáo ông Duterte rằng không thể duy trì tình trạng bất chấp luật pháp đó, vì giới đầu tư sẽ lo sợ, kinh tế sẽ xuống. Người đầu tư, người Phi hay người ngoại quốc, đều biết việc kinh doanh chỉ phát triển nếu xã hội được bảo đàm sống trong vòng pháp luật. Người dân Philippines, dù ghét bọn bán ma túy đến mấy, cũng không thể đồng ý sống quá lâu trong tình trạng vô pháp, vô thiên. Nhất là khi họ nhìn thấy có những người vô tội trong hàng ngàn người bị giết, họ sẽ lo sợ cho của chính bản thân mình. Khi đó, những nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo sẽ lên tiếng cùng dân chúng Philippines đòi ông Duterte chấm dứt cảnh điên khùng, náo loạn hiện nay.





No comments: