Sunday, October 30, 2016

GIỚI QUYỀN LỰC WASHINGTON BẤT AN NẾU TRUMP THÀNH TỔNG THỐNG (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
31 tháng 10, 2016

Donald Trump nói rằng nếu ông thắng cử, ông sẽ chấn chỉnh lại Washington và điều hành quốc gia như một doanh nghiệp. Người dân ở đây đang tự hỏi việc ông thực hiện lời hứa ấy liệu có đem đến những điều tốt đẹp hay không. Phóng viên Nhà Trắng của BBC Tara McKelvey hỏi liệu Tổng thống Trump sẽ chấn chỉnh lại Washington hay Washington sẽ chấn chỉnh lại ông?

Ông Trump đe dọa Nhóm siêu quyền lực Washington, một nhóm vô định gồm những nhà lập pháp, người vận động hành lang, nhà báo, luật sư và một số khác, rằng ông sẽ đảo lộn cả Washington và phá bỏ hết mọi thứ tại đây.

"Ông ta nói rằng mình hoàn toàn có thể đảo tung mọi thứ tại Washington. Dù cho khả năng ấy ra sao, thì đây vẫn là một sự đe dọa," ông Marty Cohen, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại trường Đại học James Madison, cho biết khi mô tả về Trump.

Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi thủ phủ Hoa Kỳ liên tục bị quay cuồng sau tuyên bố của Trump.

Ông Michael Kazin, tác giả của cuốn The Populist Persuasion: An American History đã nói rằng "Tôi không thể hình dung nổi một vị Tổng thống lại có những tuyên bố về một sự thay đổi lớn như thế."

Ông cho rằng Trump có nhiều nét tương đồng giống Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson, người có nhiệm kỳ từ năm 1829 đến năm 1837.
Ông Kazin nói rằng những người ủng hộ Jackson khi ấy bị xem như "những quần chúng nổi loạn" hay "những hai lúa say xỉn", bởi trong "bữa tiệc mở" mừng ngày nhậm chức của Jackson tại Nhà Trắng, họ đã làm vỡ hết mọi bát đĩa và vật trang trí của tòa nhà.

Giới chức tại Washington tỏ ra khá lo lắng về khả năng Trump sẽ tái diễn lại sự kiện này, hoặc thậm chí là có chiều hướng tệ hơn.

Theo Phó Giáo sư David Karol tại trường Đại học Maryland, tác giả đồng xuất bản cuốn Nominating the President, đặt vấn đề "Họ đang run sợ".

Và mọi thứ càng trở nên căng thẳng hơn khi số phiếu ủng hộ Trump ngày một tăng lên. Trong tháng 8, Trump chỉ còn kém đối thủ từ Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, chỉ 3 điểm, theo Ipsos/Reuters.

Hiện tại bà Clinton vẫn đang dẫn đầu trong các thăm dò, nhưng việc Cục Điều tra Liên bang (FBI) mở lại cuộc điều tra vào máy chủ email cá nhân của bà càng làm dấy lên nỗi lo sợ trong giới tinh hoa Washington về một cuộc thắng cử của Trump.

Tại một cuộc biểu dương diễn ra hồi đầu tháng 10 ở bang Florida, Trump đã gửi một lời cảnh báo tới những người đứng đầu Washington: "Cho những kẻ đang kiểm soát cán cân quyền lực tại Washington, và cho những lợi ích đặc biệt toàn cầu, chiến dịch của chúng tôi chính là một mối đe dọa hiện hữu mà hẳn các người chưa bao giờ được thấy."

Ông nói với những người tham dự đại hội rằng ngày tàn của Nhóm siêu quyền lực Washington đã đến.

Đối vối những người tại cuộc biểu dương này, và những người bên ngoài Washington, viễn cảnh Trump làm tổng thống thật tuyệt.

Stephen Moore, nhà tư vấn kinh tế lâu năm của Trump, nói rằng Trump sẽ khởi đầu cho một kỷ nguyên mới. "Ông ta là một doanh nhân," ông nói và khẳng định Trump sẽ trở thành "CEO của Hoa Kỳ và của chính quyền liên bang".
"Ông ta biết làm thế nào để cắt giảm hao phí và tạo ra lợi nhuận. Chính phủ Hoa Kỳ là một doanh nghiệp bốn nghìn tỷ đôla, và một người biết quản lý sẽ là nhân tố tốt."

Về nhiều mặt, Trump là yếu tố khác lạ.
Nhưng ông lại rơi vào một truyền thống bao đời nay của ứng cử viên ngoài cuộc.

Có thể liệt kê từ ông Jimmy Carter, một nhà Dân chủ đã thắng cử năm 1976, cho đến ông Ross Perot, một giám đốc kinh doanh đã thất bại trong chiến dịch tranh cử như một người không đảng phái vào năm 1992, đều đã thực hiện ý tưởng của Trump trước đó.

Thậm chí ông Barack Obama, một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ (vì thế cũng là một người trong cuộc của Washington), cũng đã dùng cách tiếp cận này.

Giáo sư Elizabeth Theiss-Morse của trường Đại học Nebraska, đồng tác giả cuốn Stealth Democracy: Americans' Beliefs About How Government Should Work, đã nói rằng "Tại châu Âu, họ có một kiểu hệ thống khác mà nhà cầm quyền không có những hoạt động bất thường như kiểu hệ thống của Hoa Kỳ. Vì thế bạn không thấy được sự tuyệt vọng thực sự mà người Mỹ đang cảm nhận".

Những cuộc nghiên cứu đã cho thấy người dân Hoa Kỳ không còn nhiều lòng tin vào thể chế chính trị, và những chiến dịch vận động ngoài cuộc đã khai thác sự oán giận của người dân Hoa Kỳ dành cho Washington. Người dân nhận thấy thủ đô như một nơi ô uế của chính quyền liên bang, một biểu tượng của bộ máy quan liêu, lười nhác và vô tích sự.

Các ứng cử viên ngoài cuộc yêu cầu sự thay đổi, và sau đó thường nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Bà Theiss-Morse đã nói rằng "Trump đang tiết lộ tất cả mọi thứ mà các giới chức Washington đang phải đối phó".
"Vấn đề ở đây là người dân không tin vào chính quyền".



Không khó hiểu khi vấn đề này đã làm cho những người thuộc Nhóm siêu quyền lực quan tâm, họ đang lo lắng về sự gia tăng lượng người hưởng ứng cho chiến dịch này.

Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama dành sự quan tâm cho khu vườn của mình tại Nhà Trắng.
Đầu tháng 10, bà nói với khách tham quan: "Tôi vô cùng tự hào khi biết rằng khu vườn nhỏ này sẽ tiếp tục sự sống của nó".

Nhưng Trump có vẻ không thích những kiểu tẻ nhạt như vậy. Vì thế mọi người bỗng cảm thấy lo lắng việc khu vườn sẽ không còn được chăm nom (hoặc thậm chí bị trát xi-măng lại).

Mục tiêu của nhà tù Guantanamo có thể sẽ chuyển sang một hướng khác. Một phần ba trong tổng số sáu mươi tù binh trong trại giam đã được minh oan và trả tự do. Nhưng Trump nói rằng ông ta muốn nhét kín nhà tù một lần nữa với "những kẻ xấu".

Chỉ huy trại, Chuẩn đô đốc hải quân Peter Clarke, nói đầu năm nay rằng ông lo ngại hệ lụy từ một chiến thắng của Trump, và những động thái của tù nhân.

Một khi thắng cử, Trump sẽ biết về mật mã phát động vũ khí hạt nhân, điều này càng cổ súy tư tưởng bành trướng vũ khí hạt nhân của Trump (ông nói rằng Hàn Quốc có thể thích điều này), nhiều người nhận thấy vấn đề dần trở nên đáng lo ngại.

Trong suốt chiến dịch của mình, ông thể hiện rõ sự hâm mộ của mình dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Peter Wehner, một cựu cố vấn lâu năm của Tổng thống George W Bush nói rằng "Một sự nguy hiểm đang hiện hữu từ những chính sách đối ngoại thảm họa, và những quân đội thảm họa".

Ông Gordon Gray, giám đốc chính sách tài khóa tại The American Action Forum, một Viện chính sách Trung hữu, đã nhìn vào những báo cáo ngân sách và thốt lên: "Không ổn, không ổn chút nào. Ông ấy có thể gây nên khủng hoảng kinh tế ngắn kỳ".

Theo những nhà môi trường học, đây là thời điểm diễn ra sự nóng lên toàn cầu, và Trump sẽ phá bỏ Hiệp ước Paris để làm thế giới nóng hơn nữa.



Ông có thể xé nát thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Karol vừa nói vừa thở dài: "Bạn biết đấy, mang sự thay đổi đến để chấm dứt cái gì cơ? Phiến quân Taliban đã trở lại rồi đấy".

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì những cuộc cách mạng mang tính thay đổi lớn kiểu như Trump thường không suôn sẻ

Dưới thời Tổng thống Bush, Phó Tổng thống Dick Cheney và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, họ đã phục vụ chính quyền nhiều năm trước đó, và dĩ nhiên biết cách để chèo kéo quyền lực về phe mình.

Nhưng khi chiến dịch mà bạn thực hiện đối chọi lại chính những người cùng đảng phái thì quyền hành của bạn cũng bị hạn chế.



"Ông sẽ bổ nhiệm ai đây, một Sarah Palin cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ à?" Kazin nói.
Ông nói thêm: "Cơ cấu quyền lực vốn đã được hình thành lâu nay sẽ khiến kẻ như ông phải trả giá".

Cohen nói rằng: "Nhiều người muốn ngồi vào chiếc ghế của Washington, và cố gắng thay đổi nó, nhưng rồi Washington vẫn là Washington".

Trump và những người khác nói rằng sự thay đổi lớn có thể đạt được thông qua cải cách thể chế như giới hạn về tài chính và kỳ hạn. Họ nhất trí với nhau rằng khi nào những người giữ những chiếc ghế trong chính quyền còn tại vị thì sẽ mãi chẳng có sự thay đổi nào.

"Cải cách lại một hệ thống để phục vụ ý đồ riêng của các ông à? Những kẻ đưa ra quyết định để thay đổi đích thực là những kẻ nhận được lợi ích từ việc đó," Cohen nói.

Mọi người tin rằng, bất kể ai thắng cử cuộc đua vào Nhà Trắng trong tháng 11 này thì những giới chức cao cấp vẫn sẽ chễm chệ trên chiếc ghế của mình tại Washington.







No comments: