Friday, October 28, 2016

TIẾNG CA CỦA THỜI GIAN (Người Buôn Gió)




Thứ Sáu, ngày 28 tháng 10 năm 2016

Anh Hiếu sắp xa Hà Nội, hôm nay tôi hát tặng anh bài Nỗi Lòng Người Đi.

https://www.youtube.com/watch?v=PT7W9W88lc0

Tôi ra đi mang theo nhiều mảnh của Hà Nội, mỗi khi nhớ nhà, một mảng nào đó hiện lên trong đầu tôi. Nhất là những chiều cuối thu ở đây lạnh tê tái và ảm đạm.

 Một trong những mảng đó là người ca sĩ già Lộc Vàng ở quán mái lá gianh ven Hồ Tây.

Mỗi lần đến quán Lộc Vàng, tôi chọn chỗ ngồi khuất nhất để ngắm nhìn ông hát. Đó là tiếng hát của thời gian, của quá khứ, của một giai thoại từ một cuộc đời đầy sóng gió, khổ đau. Không có sân khấu trang hoàng màu sắc, lộng lẫy. Không có những trang phục bắt mắt. Người nghệ sĩ già trong chiếc áo sơ mi, quần âu bình thản hát từ bài này sang bài khác, rất đỗi giản dị.

 Ông hát những bài mình thích và những bài khách yêu cầu, thường chỉ là dòng nhạc tiền chiến hay nhạc vàng.  Tôi đến quán nghe ông hát bao lần không nhớ, nhưng tôi chỉ nhớ chắc chắn tôi yêu cầu ông hát có hai lần.

Lần thứ nhất là bài Tâm Sự Người Yêu của Đoàn Chuẩn.

Trích đoạn viết khi nghe bài này.

'' Trong cái quán lá đơn sơ này có một người chủ quán là người chứng kiến và cũng là chứng nhân cho một gia đoạn tăm tối của nền Tân Nhạc Việt Nam. Câu chuyện về án tù 10 năm mà ông Lộc phải chịu khi hát những bài tình ca lãng mạn, bất hủ này không còn xa lạ với chúng ta bây giờ. Nhưng về những bài hát nguyên gốc, những dị bản của lời hát thì chưa hẳn nhiều người đã biết. Lời bài hát mà ca sĩ Lộc Vàng thể hiện nhiều khi khác hoàn toàn những lời hát mà các ca sĩ chuyên nghiệp hát trên sân khấu. Và hơn nữa là có những bài hát mà ta chưa từng nghe ở đâu. dù có cố gắng tìm kiếm trên sạp đĩa, ở trên mạng, nhưng mong muốn được nghe bài Tâm Sự của Đoàn Chuẩn chẳng thể nào tìm thấy. Chỉ thấy một đoạn lời ngắn, không có lời hát.

Hôm qua tỉ tê chú Lộc cho nghe bài đấy, may là chú đồng ý hát cho nghe.

Một phút yêu lầm Cô Tô mất
Ngàn năm ân hận hỡi Phù Sai.

Thật lạ, khi bài Tâm Sự lại là nhạc phẩm gần như cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của người nhạc sĩ tài danh Đoàn Chuẩn, lại có những phút hối tiếc như vậy. Từ niềm tin mãnh liệt vào tình yêu được khẳng định trong bài ' Gửi người em gái' như ' rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ..nụ cười trong gió sớm, tôi đứng chờ em, bên cầu Hiền Lương.' Một niềm tin yêu chắc chắn đầy tính lạc quan cách mạng như thế, bỗng nhiên ở nhạc phẩm Tâm Sự sau này, lời nhạc của Đoàn Chuẩn chứa đầy hối tiếc như vậy. Không những thế lời kết của bài hát như câu hỏi đầy trách oán

- Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi.?

Ngày thống nhất đã đến rồi. Sao Đoàn Chuẩn bất ngờ nhắc nhớ tới những điển tích nước mất, nhà tan vì tình yêu mông muội của các bậc quân vương như Ngô Vương Phù Sai, Đường Minh Hoàng.?

Một nhạc phẩm khá lạ so với những nhạc phẩm thường thấy ở Đoàn Chuẩn.

Có lẽ vì khó tìm ra câu hỏi , cho nên những nhà chức năng văn hoá đã không phổ biến nhạc phẩm này của ông.

- Thuở ấy tình yêu chưa vướng lưới
Thời gian chưa đủ xoá niềm tin...

Hãy lắng nghe Tâm Sự của Đoàn Chuẩn qua lời ca của chú Lộc Vàng, và cảm nhận nỗi niềm người nhạc sĩ muốn gửi gắm về một mùa thu đến rất bất ngờ, khi mà hoa phù dung ( một loại ma tuý ) tràn ngập, làm người mê đắm vào những tình yêu mông muội dẫn đến cảnh nước mất, nhà tan.

...........................................................................


 Bài thứ hai là bài Nỗi Lòng Người Đi của Anh Bằng, đó là lần trước hôm tôi lên đường rời khỏi quê hương, trong một chuyến phiêu du ngày trở về xa thăm thăm.

- Hà Nội ơi ! Giờ biết ra sao bây giờ ?

Tôi chẳng biết Hà Nội của tôi giờ đang ra sao, những quán hàng quanh nhà tôi giờ có gì thay đổi. Nhiều lần cứ bâng khuâng vẩn vơ câu hát ấy trong đầu mình. Nhớ quặn thắt những chiều ngồi quán nước đầu nhà, trên cái ghế gỗ bóng loáng thời gian, nhấm một ngụm trà, rít một hơi thuốc lào và nhìn phố phường người qua lại. Nhớ tối mùa thu mát mẻ, trong lành nhâm nhi cốc cà phê nghe người nghệ sĩ già hát những ca khúc mượt mà, êm ả xưa cũ.

 Bây giờ thì người nghệ sĩ già , một phần ký ức Hà Nội trong tôi ấy, ông chuyển quán rồi. Dù chẳng biết ngày nào về lại quán cũ ấy nữa, nhưng nghe tin vẫn thấy nhói chút buồn. Cái quán cũ ông thuê , giờ người ta lấy lại xây nhà. Ai từng đến quán của ông sẽ biết, mỗi cốc nước chỉ vài chục ngàn. Người ta uống bia mới uống được nhiều, nhưng vào khung cảnh quán như thế, nghe dòng nhạc êm ả như thế, ai mà gọi tới tấp bia để cụng ly trăm phần trăm từ ly này sang ly khác. Người ta chỉ gọi tách trà, ly cà phê và lặng lẽ ngồi nhấm nháp thương thức âm nhạc. Mấy ai uống liên tiếp vài ly cà phê hay vài ly trà. Khỏi nói cũng hình dung tiền thu nhập trang trải cho người phục vụ, trông xe, ca sĩ, nhạc sĩ, thuê nhà....từ mấy chục khách hàng như thế sẽ thế nào.


 Người nghệ sĩ già và nghèo Lộc Vàng ấy, bất chấp tuổi tác và hoàn cảnh khó khăn vẫn theo đuổi niềm đam mê của mình là cất lên những bài ca bất hủ, những bài ca mà ông phải trả giá bằng gần 10 năm tù đày khắc nghiệt. Ông lại cặm cụi tạo một quán mới, vẫn đơn sơ, giản dị và tuềnh toàng giữa lòng Hà Nội, như chính con người ông vậy.


Mong các bạn có dịp đọc bài viết này, hãy một lần đến để ủng hộ và cổ vũ cho người nghệ sĩ già Lộc Vàng ở địa chỉ mới.

15 A, ngõ 12, Đặng Thai Mai, Hồ Tây, Hà Nội.

Ngày mai thứ bảy, quán Lộc Vàng khai trương ở địa điểm mới trên, bắt đầu lúc 19 giờ tối. Hy vọng ông sẽ nhận được nhiều sự động viên bằng sự có mặt của nhiều người.

Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 05:33 









No comments: