Sunday, October 30, 2016

DÙ BỊ ĐE DỌA LẤY ĐI MẠNG SỐNG, LM ĐẶNG HỮU NAM DỨT KHOÁT KHÔNG LÙI (Trần Phong Vũ)




Trần Phong Vũ
Posted by adminbasam on 30/10/2016

* Xin tỏ bày lòng thương cảm, mến phục đối với LM Đặng Hữu Nam và các nạn nhân.

* Trách nhiệm của tập thể giáo dân, HĐGMVN và Đức Cha Chủ tịch UB / CL & HB.
Từ lời tuyên tín đá vàng về một Sứ Mạng Thiên Sai…

“Dù biết rằng sẽ phải trả giá, nhưng không phải vì thế mà chúng tôi chấp nhận cúi đầu. Đó là mệnh lệnh của lương tâm….
Nếu giết một Lm Nam, sẽ có nhiều Lm Nam khác đứng dậy. Nếu giết một người đấu tranh, sẽ sinh ra hàng ngàn người đấu tranh khác. Giết một phong trào, sẽ có nhiều phong trào khác đứng dậy.”

Trên đây là câu trả lời phái viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ hôm Thứ Bảy 22-10-2016 vừa qua của Linh mục Đặng Hữu Nam quản xứ Phú Yên, người Mục tử quyết tâm sống chết cùng bày chiên của ông.

Cho đến hôm nay, dư luận trong và ngoài nước vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại những giây phút căng thẳng: Lm Đặng Hữu Nam cùng với cả ngàn giáo dân của ông khi đối diện với lực lượng công an và lũ côn đồ, thảo khấu đằng đằng sát khí tìm hết mọi thủ đoạn thâm độc, hèn hạ để ngăn cản đoàn xe đi khiếu kiện Formosa, thủ phạm đã phá hoại môi trường biển ở Vũng Áng.

Được biết, trong hai ngày 26 và 27-9, đáp lại lời thỉnh cầu khẩn thiết của bà con giáo xứ Phú Yên, Linh mục Đặng Hữu Nam đã nhận lời hướng dẫn 600 đồng bào nạn nhân vượt hơn 200 cây số tới tòa án huyện Kỳ Anh nộp hồ sơ kiện tổ hợp gang thép Formosa đã xả thải hóa chất cực độc xuống biển gây nên thảm cảnh cá chết hàng loạt trên bãi biển bốn tỉnh miền Trung. Trải qua những phút giây căng thẳng đấu lý với những kẻ có quyền, có thế, cha Nam và các nạn nhân đã đạt thắng lợi. Lần đầu tiên, trước áp lực của đám đông, tòa án Kỳ Anh đã phải chấp nhận 506 hồ sơ pháp lý, phá vỡ thứ luật rừng họ quen áp đặt lên đầu lên cổ những thành phần thấp cổ bé họng là chỉ nhận đơn kiện của cá nhân, cho dẫu nhiều người chịu chung một nỗi oan khiên như nhau. Mục đích của chế độ nhằm xé lẻ sức mạnh tập thể của quần chúng để dễ bề cai trị.

Qua ngày 16-10, trong một văn thư gửi ra công khai, Lm Nam thông báo ngày 18-10 sẽ cùng 1000 nạn nhân đi Kỳ Anh tái khiếu kiện Formosa. Ông muốn gian tiếp cho nhà cầm quyền biết trước để tránh gây bất ngờ và cũng để giúp cơ quan an ninh giao thông có thì giờ chuẩn bị giữ gìn trật tự cho chuyến đi.

Bản tin của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cho hay: Bất chấp những đe dọa và cản trở, người dẫn đầu vụ kiện tập thể chống lại Formosa cương quyết sẽ không bỏ cuộc trên con đường gian nan tìm công lý, đòi thủ phạm đầu độc biển miền Trung phải cút khỏi Việt Nam và đền bù thỏa đáng cho hàng chục ngàn ngư dân Việt bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa môi trường.

Bản tin cho biết tiếp: đúng như lời thông báo hai hôm trước, Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An, hôm 18/10 đã hướng dẫn một ngàn người trở lại tòa Kỳ Anh Hà Tĩnh, nơi tọa lạc trụ sở công ty Formosa, để khiếu nại việc tòa trả lại 506 đơn kiện của ngư dân đệ nạp cuối tháng 9 và yêu cầu tòa nhận lại số đơn này cùng 100 đơn kiện mới. Dù chuyến đi khiếu kiện tập thể lần hai bất thành vì những sách nhiễu từ nhà cầm quyền và người phát pháo lệnh đi đầu đang bị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị chế tài, nhưng vị quản xứ dấn thân vì người nghèo này khẳng định không từ bỏ ‘mệnh lệnh của lương tâm’, dứt khoát không cúi đầu trước cường quyền bạo lực.

Dù nhà nước gửi công văn ngăn cấm các chủ xe không cho người khiếu kiện thuê xe, nhưng Lm Nam cho hay:

“Đến ngày 18/10, chúng tôi thuê được 45 xe buýt cỡ lớn ở thành phố Vinh, 60 xe taxi, và 10 chiếc xe bảy chỗ để chở người vào tòa án. Khi chúng tôi tập trung tại thành phố Vinh, chính quyền can thiệp qua ngả Tòa Giám mục, qua Đức cha Nguyễn Thái Hợp. Giám mục giáo phận Vinh trực tiếp gọi điện cho tôi yêu cầu tôi cộng tác bằng cách cho bớt số người về. Theo gợi ý của công an, chỉ trong vòng 100 người đi thôi. Lúc đó, chúng tôi đã bị chặn ở thành phố Vinh. Tôi quyết định vâng lời Đức giám mục, cho bớt dân trở về giáo xứ, chỉ 40 người tiếp tục hành trình.
Đi chưa hết Vinh, chúng tôi bị hàng trăm cảnh sát giao thông cùng với rất nhiều lực lượng an ninh sắc phục chặn lại. Họ ra lệnh lôi chúng tôi xuống xe. Trong 6 chiếc xe bảy chỗ của chúng tôi, có một xe bị giật bung cửa. Họ lôi tất cả những người dân trên xe xuống, đàn áp dã man trước mặt hàng trăm cảnh sát, công an sắc phục. Tôi phản ứng gay gắt và họ dừng lại. Họ đuổi đi chiếc xe mà dân bị lôi xuống đó. Sau khi lực lượng sắc phục rút lui hết, càng có đông côn đồ manh động hơn, bao vây đoàn xe chúng tôi. Họ khiêu khích, đòi đoạt mạng chúng tôi. Thấy nguy hiểm, nên khi công an Nghệ An ra thương lượng, tôi yêu cầu họ phải điều thêm xe để đưa những người lúc nãy bị họ lôi xuống đánh đập giữa đường rồi đuổi xe chở họ đi, khiến họ không có phương tiện di chuyển. Tôi cũng yêu cầu công an Nghệ An điều một chiếc xe đưa đoàn đi về để đảm bảo an toàn tính mạng cho chúng tôi. Công an đã chấp thuận 2 yêu cầu đó. Chúng tôi trở về giáo xứ lúc 17 giờ cùng ngày trong khi chưa đệ đơn được lên tòa án Kỳ Anh.”

Được biết, trong những ngày này, cũng như Đức Cha Hợp, Lm Nam phải lo cứu trợ các nạn nhân bảo lụt. Tuy vậy ông cho hay dù đang phải chống đỡ với thiên tai, các nạn nhân vẫn chưa bỏ ý định kiện thủ phạm đã gây nên thảm họa môi trường biển ở Vũng Áng. Được hỏi bằng phương cách nào ông và các nạn nhân có thể tiến hành vụ khiếu kiện này, cha Nam nói, với các quốc gia tự do, cách đơn giản nhất là người dân có thể gửi đơn kiện bằng tất cả những phương tiện họ muốn, kể cả qua đường bưu điện. Nhưng với chế độ này, người ta có trăm phương nghìn kế để vô hiệu hóa mọi khát vọng của người dân, kể cả thủ đoạn nói láo là đơn kiện bị thất lạc không nhận được. Vì thế các nạn nhân chỉ còn một con đường duy nhất là chấp nhân gian khó, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để tới tận nơi. Ông nói: về một phương diện nào đó, khi người dân bị cản trở, bị bạo hành cũng mở mắt cho mọi người thấy rõ bộ mặt thật của chế độ đương quyền ở Việt Nam ngày nay. Đó cũng có thể là chất xúc tác để rồi sẽ có một cuộc thay đổi không chỉ từ phía nhà cầm quyền, mà cả thay đổi về nhận thức từ phía người dân.

Khi phái viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tỏ ý muốn biết phản ứng của ông đối với thái độ của nhà cầm quyền cho rằng việc ông hướng dẫn dân đi khiếu kiện là điều ‘sai trái’ có thể tạo nên những ‘bất ổn xã hội’, Lm Đặng Hữu Nam tâm sự:

“Nếu nhà nước này bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, nếu nhà nước này tôn trọng hiến pháp và luật lệ họ đề ra, thì chắc chắn chúng tôi không phải có những hành động như vậy. Nếu chúng ta sống dưới chế độ dân chủ, chúng ta thắng lớn, thậm chí, ta không cần phải đi khiếu kiện vì chính chính phủ sẽ khởi kiện cho chúng ta.
Vì chúng tôi bị đối xử bất công, chúng tôi phải đứng dậy và mở miệng lên tiếng kêu đòi. Họ cướp đi quyền sống của chúng tôi và tương lai con cháu giống nòi dân tộc, chúng tôi phải lên tiếng, bằng cách này không được thì bằng cách khác. Chúng tôi sử dụng những phương pháp rất ôn hòa, tôn trọng pháp luật. Những việc này chúng tôi được hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Đó là quyền của con người. Không thể nói việc chúng tôi đi biểu tình hay tập trung khiếu kiện là một việc gây ‘bất ổn’ xã hội.”

Với tâm tình yêu thương, sẵn sàng thí mạng sống để bảo vệ những nạn nhân khốn cùng, Lm Đặng Hữu Nam khảng khái tuyên bố”
“Dù biết rằng sẽ phải trả giá, nhưng không phải vì thế mà chúng tôi chấp nhận cúi đầu. Đó là mệnh lệnh của lương tâm….
Nếu giết một Lm Nam, sẽ có nhiều Lm Nam khác đứng dậy. Nếu giết một người đấu tranh, sẽ sinh ra hàng ngàn người đấu tranh khác. Giết một phong trào, sẽ có nhiều phong trào khác đứng dậy.”
… Tới trách nhiệm của Giám Mục, Linh Mục & Giáo dân trong 26 Giáo phận

Những lời tuyên bố công khai trên đây với đài Tiếng Nói Hoa Kỳ hôm 22-10 vừa qua của Lm Đặng Hữu Nam đã đặt ra trong lương tâm tất cả mọi người Việt Nam trong ngòai nước, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng một trách nhiệm phải chu toàn. Nhận thức rõ điều này, trong một bài viết của tác giả Điền Phương Thảo trên mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo hôm 23-10 của Đòng Chúa Cứu Thế đã khởi đầu bằng câu ca dao.
“Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Sau câu ca dao trên, tác giả ghi tiếp:
“Thành quả của một công việc không bao giờ là năng lực của một cá nhân, nhưng là do sự kết hợp một cách hài hòa công sức đóng góp của nhiều người.”

Lm Đặng Hữu Nam cùng với cả ngàn tín hữu giáo xứ Phú Yên, Nghệ An đã đi bước đầu để chứng tỏ sức mạnh của tập thể trước cường quyền bạo lực. Và cũng trong bước đầu này, Lm Nam và các nạn nhân đã phải trả giá. Hơn ai hết, vì đã hiểu được bản chất gian manh, tàn độc của một chế độ chuyên sống bằng bạo lực, bằng sức mạnh cơ bắp trong khi chúng lại rất sợ sự kết hợp của tập thể, của đám đông, ông thừa hiểu cá nhân ông cũng như những nạn nhân của Formosa cho dù có cố gắng đến đâu cũng sẽ còn phải trả giá nặng nề hơn nữa. Kể cả giá máu!

Suy nghĩ về trường hợp riêng của tập thể hơn 7 triệu tín hữu Công Giáo trong và ngoài nước, tác giả bài viết trên mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo của Dòng Chúa Cứu Thế đã nhắc tới sách Xuất Hành đoạn 19 từ câu 8 đến câu 13 tường thuật cuộc đấu tranh giữa Israel và quân Ama-Lếch. Trong khi tướng Giosuê đem quân đi giao chiến thì Môsê lên núi cầu nguyện. Môsê cần sức mạnh để tiếp tục cầu nguyện trong cuộc chiến đấu với người Amalếch bởi lẽ bao lâu Môsê đưa hai tay lên cầu nguyện thì dân Israel chiến thắng, nhưng khi ông mỏi mệt và buông tay xuống thì người Amalếch lại thắng thế. Do vậy, người ta lấy hòn đá kê cho Môsê ngồi. Người anh em của Môsê là Aaron và Hur bạn của ông, mỗi người một bên đã giúp Môsê giữ cánh tay luôn luôn ở trong tư thế cầu nguyện, nhờ vậy dân Israel đã chiến thắng cuộc chiến.

Từ đoạn tường thuật trong sách Xuất Hành kể trên, tác giả đối chiếu với trường hợp Lm Đặng Hữu Nam và đám đông nạn nhân đã, đang và sẽ còn tiếp tục xả thân đi kiện Formosa về trọng tội xả thải hóa chất cực độc như chì, thủy ngân gây nên thảm họa biển chết, cá chết, rong rêu, san hô bị tàn phá dẫn tới sinh mạng con người bị đe dọa. Ông nhấn mạnh, họ cũng rất cần sự tiếp trợ, trước hết bằng lời cầu nguyện của tập thể tín hữu khắp nơi, trong đó có hàng Giáo Phẩm, Linh mục, Tu sĩ nam nữ thuộc 26 Giáo phận trên toàn quốc, cũng như các cộng đoàn, cộng đồng người Việt Công giáo tị nạn ở hải ngoại.

Tác giả viết:
“Những lúc như thế này, những người dân Quỳnh Lưu, Phú Yên và đặc biệt là linh mục Anton Đặng Hữu Nam cần lắm “ một hòn đá kê” chỗ ngồi, những sự hỗ trợ để giữ lửa nhiệt huyết cho “hai cánh tay”, giúp họ giữ vững tinh thần trong một cuộc chiến vốn đã không ngang sức.
Đó là những buổi cầu nguyện được tổ chức thường xuyên tại các giáo xứ trên khắp các giáo phận của giáo hội Việt Nam. Bởi lẽ, trong tư cách là một công dân nước Việt thì chúng ta đã không được phép thờ ơ với hiểm họa môi trường biển miền Trung, cũng như vô cảm trước những khó khăn mà người dân nơi đây đang trực tiếp gánh chịu. Thế thì là người Công Giáo, cùng là chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta lại không cùng nhau cầu nguyện cho một phần thân thể của Chúa đang bị tổn thương hay sao?
Trong tháng Mân Côi này, các giáo xứ thường tổ chức những buổi cầu nguyện với Kinh Mân Côi. Ước chi các vị mục tử cũng kêu gọi cộng đoàn hiệp thông góp lời cầu nguyện của mình qua việc lần chuỗi, để nhờ bàn tay Đức Maria nâng đỡ, thêm sức mạnh và lòng kiên vững cho cha Nam cùng cộng đoàn giáo dân Quỳnh Hương và Phú Yên.
Đó cũng là những quyên góp tiền bạc mà đông đảo anh chị em đã và đang đóng góp thông qua các tổ chức thiện nguyện, các cha dòng CCT để giúp bà con có điều kiện vật chất để thực hiện những cuộc khởi kiện. Những người đi khởi kiện không chỉ đòi lại môi trường biển sạch, cá tươi cho bản thân họ mà còn cho chính chúng ta nữa.”

Cùng với hàng trăm ngàn nạn nhân Formosa, thủ phạm đã gây ra thảm họa biển chết, cá chết, người chết ở bốn tỉnh miền Trung và đồng bào cả nước, thay mặt khối công dân tín hữu Công giáo hải ngoại, người viết xin được kính cẩn tỏ bày lòng yêu thương cảm phục đối với Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam và hàng ngàn nạn nhân đã liều mình can đảm đối đầu với bạo quyền cộng sản trong những đợt khiếu kiện vừa qua.

Tiếp lời tác giả Điền Phương Thảo, mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo của Dòng Chúa Cứu Thế, chúng tôi thành khẩn kêu gọi lòng trắc ẩn của toàn thể công dân tín hữu Công giáo trong và ngoài nước cùng nhau bày tỏ tinh thần liên đới trách nhiệm và tình tương thân tương ái với quý Linh mục, trong đó có các cha Đặng Hữu Nam, cha Trần Đình Lai và hàng triệu đồng đạo chúng ta đang từng phút giây phải đối đầu với kẻ ác.

Hợp quần tạo nên sức mạnh, nhất là hợp quần giữa những người cùng có chung một niềm tin nơi Đấng Cứu Thế, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Giáo hội Công giáo Việt Nam vừa có một ban điều hành mới trong nhiệm kỳ ba năm 2016/2019 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hơn một lần trong những Thư Chung, những bài giảng thuyết, những lần trả lời phỏng vấn do các cơ quan truyền thông Việt ngữ quốc tế như VOA, BBC, RFI, RFA mạng VietCatholic News thực hiện, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Chính Tòa Giáo phận Vinh, bề trên Linh mục Nam, và cũng là người vừa được tái nhiệm trong chức vụ Chủ tịch Ủy ban Công Lý Hòa Bình trong Hội Đồng Giám Mục, luôn hết lời để cao tinh thần yêu thương đùm bọc, kêu gọi “lá lành đùm lá rách”, “lá rách đùm lá tả tơi”. Mong rằng tinh thần này trước hết và trên hết sẽ được thể hiện ngay trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tạo điều kiện nối kết 26 giáo phận trên toàn lãnh thổ Việt Nam, với ngót 50 Giám Mục, cả ngàn Linh mục, hàng chục ngày Tu sĩ, Giáo lý viên nam nữ lại với nhau thành một khối.

Dĩ nhiên lời kêu gọi này không chỉ giới hạn trong lời cầu nguyện, trong sự đóng góp tài vật mà còn bao gồm cả những tiếng nói, những hành động cụ thể của các Đấng Bậc Làm Thày trong Hội Thánh nhằm khích lệ giáo dân tích cực hưởng ứng những cuộc xuống đường bất bạo động khắp nơi, tạo nên một phong trào bất tuân dân sự đòi buộc nhà cầm quyền độc tài cộng sản phải trả lại quyền sống, quyền làm người cho mọi công dân.

Đất nước là tài sản chung.

Quan niệm dứt khoát là chỉ có tôn giáo mới có khả năng kết hợp lòng người chống lại kẻ thù chung là tập đoàn cộng sản vô thần, không tín ngưỡng. Hiểu như thế, mới đây tác giả Trương Nhân Tuấn đã nhân danh người con Phật bày tỏ khát vọng được thấy toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước ý thức được trách nhiệm thiêng liêng của mình trong công cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù chung hiện nay. Thiết nghĩ, khát vọng của ông Trương Nhân Tuấn cũng là khát vọng chung của tất cả các tín đồ thuộc các giáo hội Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo cũng như đạo Gia Tiên. Và dĩ nhiên cả tập thể Công giáo.

Một ngày cuối tháng 10-2016

--------------------------------------

Thứ Bảy, ngày 29 tháng 10 năm 2016




No comments: