Sunday, October 30, 2016

KHI TRUNG CỘNG ĐI MUA THẾ GIỚI (Lê Phan)




Lê Phan
October 29, 2016

Cho đến nay theo tờ Financial Times xuất bản ở Luân Đôn, gần $40 tỷ đầu tư của Trung Cộng vào các công ty của Tây phương đã bị từ chối hay đang bị xét lại.

Mới thứ hai 24 tháng 10 vừa qua, cả Brussels lẫn Berlin đã đưa ra những quyết định nhằm chặn lại mấy vụ chiếm lĩnh của Trung Quốc chỉ là những chỉ dấu mới nhất của một sự kháng cự lại của Tây phương trước đầu tư từ Bắc Kinh vốn đã đóng góp cho việc hủy bỏ gần $40 tỷ dự trù đầu tư của các tập đoàn Hoa lục từ giữa năm 2015.

Hầu hết đã bị rơi vào những quan ngại về cạnh tranh và an ninh, như một vụ mua bất động sản gần một căn cứ quân sự quan trọng, đã khiến một số quốc gia Tây phương đang tính đến những thủ tục luật lệ mới để điều tra các cuộc mua bán của Trung Quốc. Nhất là khi con số 40 tỷ, do ngân hàng Grisons Peak cung cấp, chưa bao gồm việc Trung Quốc mua trọn tập đoàn kỹ nghệ nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ mà trị giá là $44 tỷ và công ty làm semiconductor Aixtron của Đức, trị giá 679 triệu euro. Cả hai đã bị nhà chức trách Liên Hiệp Âu Châu và Đức đòi xét lại.

Mặc dầu những quan ngại, những tập đoàn Trung Cộng tiếp tục tung ra những affair mới. Tập Đoàn HNA, một tập đoàn hàng không và du lịch, loan báo là họ sẽ mua 25% cổ phần của Hilton Worldwide từ tập đoàn Blackstone với giá $6.5 tỷ trong khi Tập Đoàn China Oceanwide nói họ đồng ý mua công ty bảo hiểm Hoa Kỳ Genworth Financial với giá $2.7 tỷ.
Nhưng có những chỉ dấu cho thấy sự gia tăng chú ý đã trở thành một cái thắng cho sự việc người Hoa đổ tiền ra ngoại quốc và mua bất kể. Tổng số các vụ sát nhập và mua bán cho quý ba của năm nay chỉ có $46.1 tỷ, so với $49.4 tỷ cho quý thứ nhì và một kỷ lục $95.6 tỷ cho quý đầu năm nay.

Tuần rồi, tin tức cho biết là Blackstone, một nhóm đầu tư tư nhân, đã hủy bỏ kế hoạch bán khách sạn nổi tiếng của San Diego Hotel del Coronado, vốn nhìn xuống quân cảng San Diego, dự trù với giá $1 tỷ cho công ty bảo hiểm Anbang vì những quan ngại về an ninh quốc gia.

Trên thế giới, hồi tháng 8, Úc chặn tập đoàn lưới điện nhà nước Trung Cộng State Grid Corp và Cheung Kong Infrastructure Holdings, một công ty Hồng Kông, không cho mua một số cổ phần đủ để kiểm soát mạng lưới điện lớn nhất nước bao gồm việc cung cấp điện cho thủ đô Canberra và hai thành phố lớn nhất nước Sydney và Melbourne. Chỉ vài phút sau khi Úc loan báo quyết định, phát ngôn nhân bộ ngoại thương Bắc Kinh đã lên án nói quyết định đó là bảo hộ mậu dịch và đe dọa sẽ giảm thiểu ý định của các công ty Trung Cộng đầu tư vào Úc.
Trong nhiều vụ dự trù mua ở Hoa Kỳ, các công ty Trung Cộng đã hủy việc đấu giá sau khi biết được là ủy ban về đầu tư ngoại quốc ở Hoa Kỳ, một ủy ban cứu xét quốc gia, tính chuyện xét lại. Unisplendor, một chi nhánh của tập đoàn nhà nước Tsinghua Holdings, hủy việc muốn mua Western Digital, một công ty kho dữ liệu, sau khi ủy ban quyết định điều tra.

Tổng cộng có 11 vụ mua lớn đã bị các nhà đầu tư Trung Cộng bỏ cuộc từ tháng 7 năm ngoái, lý do chính là sự siết chặt kiểm soát bởi nhà chức trách từ Hoa Kỳ qua Úc và nay đến cả Âu Châu.

Trong một bài bình luận trên tờ Financial Times, ông John Gapper giải thích vấn đề không những vì an ninh mà còn vì một lý do quan trọng hơn, đó là “nếu Trung Quốc không thắng được Âu Châu, họ sẽ mua (để có được thắng lợi đó).”

Ông Gapper nhắc lại là khi ông Tập Cận Bình đến Hà Bắc hồi năm 2012 để mở đầu chiến dịch chống tham nhũng, ông ra lệnh bữa cơm chỉ được có bốn đĩa và một tô canh, không có rượu. Bữa cơm “thanh đạm” đó là để ra hiệu cho quan chức là không được có những tiệc tùng thịnh soạn vốn là một hình thức hối lộ.

Các công ty ngoại quốc đến đầu tư ở Trung Quốc cũng bị một thứ diet khắc khổ không kém. Trên bàn tiệc chỉ có vài đĩa và hầu hết là những món khó nuốt. Như chủ tịch Phòng Thương Mại EU ở Hoa lục, Jorg Wuttke giải thích, khác hẳn “bàn tiệc” mà Trung Quốc được chiêu đãi ở hải ngoại. Nay thì Đức và Liên Hiệp Âu Châu đang ngưng chiêu đãi hay ít nhất lấy bớt đi một số món ngon.

Thận trọng là phải, không những bởi vì có điều gì không phải trong việc các công ty Trung Quốc đi mua công ty ngoại quốc, nhưng bởi vì Bắc Kinh ngược lại đã đặt những chướng ngại khiến cho các công ty ngoại quốc không vào thị trường của họ được.

Mà các tập đoàn Trung Cộng giờ đây không chỉ đe dọa các công ty vừa và nhỏ của Đức, vốn là nền tảng của nền kỹ nghệ Đức, mà họ còn nhắm vào các mục tiêu khác nữa. Dalian Wanda đã đang hăng say mua các cổ phần của Hollywood. Các công ty Trung Cộng nay không chỉ hài lòng sản xuất quần áo, đồ chơi và hàng điện tử, để lại những thứ kỹ thuật cao hơn cho người khác.

Sở dĩ Đức nay đặt ra việc xét lại về vụ Aixtron là vì có một loạt các công ty kỹ thuật sản xuất cao bị nuốt. Kuka, một công ty sản xuất robot cho kỹ nghệ chế biến, bị Midea, một công ty đồ gia dụng điện tử ở Quảng Đông mua, với giá 4.5 tỷ euro năm nay. Các công ty Trung Cộng cũng đã mua một lô các công ty sản xuất bơm chất đặc và dụng cụ cơ khí. Đức nổi tiếng sản xuất những dụng cụ cơ khí hạng cực tốt chỉ để phục vụ cho những ngành kỹ nghệ cần đến nó. Nay nếu mất đi những khả năng này thì sự chế ngự của kỹ nghệ sản xuất của Đức cho kỹ thuật cao sẽ gặp khó khăn.

Bởi thực ra không có gì bí hiểm cho việc gì đang xảy ra. Kế hoạch “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” được tung ra hồi năm ngoái, kêu gọi Trung Quốc chuyển sang các ngành sản xuất cao cấp trong 10 kỹ nghệ, kể cả dụng cụ cơ khí và robot, không gian, y khoa và kỹ thuật tin học.

Nếu họ không đủ khả năng để đánh bại những công ty Đức hay Hoa Kỳ, họ sẽ tìm cách mua những công ty này.

Tự nó, hành động này cũng không nguy hiểm. Nó còn hơn là chiến thuật cũ của Trung Cộng, vốn thúc đẩy “sáng tạo nội địa” bằng cách bắt các công ty Âu châu và Hoa Kỳ muốn tiếp cận thị trường Hoa lục phải lập công ty liên doanh với các công ty Trung Cộng và chuyển giao kỹ thuật để trả giá cho việc được tham gia. Đó là trường hợp của Siemens, Kawasaki và Alstom khi họ muốn trúng thầu xây hệ thống đường xe lửa cao tốc cho Trung Cộng.

Việc Trung Cộng muốn chuyển đổi sang kỹ thuật cao tự nó cũng không có gì là đáng trách. Trung Cộng không thể ở mãi vị trí sản xuất những hàng rẻ tiền với đồng lương rẻ mạt vì sớm muộn gì cũng có những nước nghèo hơn như Việt Nam hay Indonesia hay Bangladesh sẵn sàng làm rẻ hơn nữa. An ninh của Tây phương không bị đụng chạm nếu Trung Cộng mua khả năng chuyên môn về robot hay dụng cụ cơ khí cao cấp.

Điều làm cho các quốc gia và doanh nghiệp Tây phương tức giận là vì sự đầu tư chỉ có một chiều. Trong khi Trung Cộng tự do mua Genworth Financial, một công ty bảo hiểm Hoa Kỳ, hầu như không một công ty ngoại quốc nào lớn có thể vào được thị trường bảo hiểm của Trung Cộng.

Đức ngày càng lo cũng phải. Giữa Đức và Trung Cộng không có một sân chơi ngang hàng. Đức nằm trong một khối các nền kinh tế cởi mở nhất trong khi Trung Cộng áp đặt rất nhiều hạn chế. Điều càng đáng ngại hơn là những công ty mà Trung Cộng đổ tiền vào mua của Đức bao gồm những lãnh vực mà hiện nay Đức giữ ưu thế cạnh tranh như dụng cụ cơ khí, năng lượng mới, kỹ thuật y khoa, robot kỹ nghệ, tractor khổng lồ và kỹ thuật điện tử cho xe hơi.

Trong khi đó các công ty Trung Cộng đang đổ tiền đi mua khắp thế giới có được những trợ cấp và trợ giá bởi chính quyền từ Bắc Kinh đến địa phương khiến cho nó tạo nên một sự cạnh tranh không công bằng ngay cả trong việc mua bán.

Người ta cũng sợ là các chủ nhân quốc doanh của Trung Cộng sẽ thu nhập những kỹ thuật căn bản và kiến thức, dẫn đến hiện tượng gọi là làm rỗng ruột nền tảng kỹ nghệ của các đối thủ Tây phương. Đây không phải là chuyện đùa. Sự giảm thiểu khả năng của một ngành kỹ nghệ liền lạc như xe hơi của Đức có thể chọc thủng những lỗ lớn vào nền tảng kỹ nghệ và sau cùng có thể phá hủy toàn thể một ngành kỹ nghệ cũng như một vùng kỹ nghệ.

Những lo ngại này không phải là không có nền tảng, và chính vì vậy mà ngày càng có nhiều chính phủ thấy cần phải chặn bớt đầu tư của Trung Quốc.





No comments: