Monday, October 31, 2016

BA CẤP ĐỘ CỦA VIỆC TỪ THIỆN (Hoàng Hải Vân)




Hoàng Hải Vân
Đăng lúc: 29.10.2016 15:21

Cả nước đang hướng về đồng bào bị hoạn nạn do thiên tai ở miền Trung. Một lần nữa, người Việt chúng ta lại thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách”.

Việc cứu giúp và kêu gọi người khác cùng cứu giúp đồng bào bị hoạn nạn, có người chỉ vì tình thương, có người vì việc nghĩa phải làm, có người muốn để phước lại cho con cháu, có người vì danh tiếng, vì để quảng bá thương hiệu, để khuếch trương các hoạt động với nhiều mục đích khác nhau, v.v…, dù với động cơ gì thì cũng đáng quý, đáng được trân trọng. Không nên cao đạo xét nét động cơ của những người làm từ thiện.

Làm từ thiện, nhà Phật gọi là bố thí. Theo nghĩa Hán-Việt, bố là ban phát rộng rãi, thí là cho. Dùng từ “bố thí” hơi khó nghe, nó có vẻ như bề trên, kẻ cả ban phát sự dư thừa cho kẻ dưới. Tuy nhiên, từ này gốc tiếng Phạn là  dāna,  có nghĩa là sự chia sẻ, hiến tặng vật chất, năng lực hoặc trí huệ cho người khác, là một trong sáu hạnh cao đẹp của bồ tát. Theo nhà Phật thì bố thí có ba cấp độ: tài thí (hiến tặng của cải), pháp thí (chỉ cho con đường để tự cứu) và vô úy thí (hiến tặng sự không sợ hãi), trong đó vô úy thí là cấp độ cao nhất của hạnh bố thí.

Chia ra ba cấp độ không phải là hạ thấp đức hạnh của cấp độ trước và đề cao đức hạnh của cấp độ sau, mà để nói lên sự dễ hoặc khó của các cấp độ mà thôi. Cho tặng của cải là rất đáng quý và ai cũng có thể làm được, lá lành đùm lá rách, thậm chí là rách cũng có thể đùm lá nát. Chỉ cho con đường để tự cứu cũng đáng quý tương tự nhưng không phải ai cũng làm được, phải là người “có học”, có kinh nghiệm và thông tuệ mới làm được. Còn hiến tặng sự không sợ hãi, đương nhiên là rất đáng quý, nhưng ngoài sự thông tuệ còn phải có bản lĩnh, có sức mạnh che chở, thậm chí có quyền uy mới có thể làm nổi.

Trở lại cuộc cứu giúp đồng bào bị thiên tai. Đông đảo người dân đang thực hiện “tài thí” để giảm bớt cảnh đói khổ cho đồng bào mình, nhưng thiên tai cứ tiếp diễn năm này qua năm khác, lại diễn ra “tài thí”, triền miên bất tận. Còn “pháp thí”, ở đây là hướng dẫn cho đồng bào mình cách ăn ở thuận với thiên nhiên, biết cách chủ động đề phòng để giảm đến mức thấp nhất rủi ro trong bão lũ, tuy cũng có thực hiện nhưng không được nhiều và ít hiệu quả.  Riêng về “vô úy thí”, ai có thể hiến tặng cho người dân sự không sợ hãi, ai có thể tạo ra được sự an lành cho người dân trước thiên tai ? Đó chỉ có thể là Nhà nước.

Dân tộc ta sống trên mảnh đất này, hàng ngàn năm nay đã thích nghi với thiên nhiên mà định cư ở những khu vực an toàn. Dân miền Trung sống trên dải đất phía dưới là biển, phía trên là núi rừng bao bọc. Dù thiên nhiên có thịnh nộ tới đâu thì người dân nơi đây cũng vẫn được thiên nhiên che chở, họ vẫn tồn tại và sinh con đẻ cái bao đời nay. Là vì họ biết bảo vệ thiên nhiên, họ lao động sản xuất làm ra của cải để sinh sống nhưng không xâm phạm đến thiên nhiên, họ chỉ nhận phần khiêm tốn mà thiên nhiên ban tặng. Trừ một số năm thiên tai đột biến, nhìn chung ngày xưa bão lũ không gây hại trầm trọng cho cuộc sống người dân, ít diễn ra cảnh màn trời chiếu đất, ít có người chết như mấy chục năm gần đây (ngoài những trường hợp bất cẩn). Chính rừng, sông suối và thảm thực vật hiền hòa đã bảo vệ cuộc sống yên lành cho người dân trước trước mọi biến động của thiên nhiên.

Ngày nay, rừng nguyên sinh ở miền Trung đã gần như bị phá sạch. Núi non chỉ còn trơ sỏi đá, nhiều thảm thực vật biến thành sa mạc. Sông suối bị nắn dòng làm thủy điện, bị đào bới để khai thác khoáng sản vô tội vạ. Không còn rừng, không còn sự thuận dòng của sông suối thì lấy gì mà điều hòa lũ lụt. Lũ lụt ngày càng trở nên trầm trọng và hạn hán kéo dài chính là sự trả đũa của thiên nhiên. Nhưng oan nghiệt là chỉ có những người dân miền Trung nghèo khó gánh chịu sự trả đũa đó, còn những kẻ hưởng lợi lớn nhất từ việc phá rừng và tàn phá thiên nhiên thì bình an vô sự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không lâu sau khi nhậm chức đã ra lệnh đóng cửa rừng trong cả nước. Quyết định này là vô cùng cần thiết nhưng quá muộn và chưa đủ.

Vườn nhà tôi là một mảnh đất trước đây là rừng nguyên sinh bị người ta tàn phá chỉ còn cát trắng. Tôi đã cố gắng phục hồi những mầm cây còn sót lại. Có 4 cây sến đâm chồi và tôi dưỡng tới 5 năm nhưng chỉ to bằng bắp tay. Thời gian để những cây sến đó thành những cây gỗ mà người ta đã chặt phải mất nhiều chục năm nữa. Nói như vậy để thấy rằng, khi rừng đã bị phá thì gần như không thể phục hồi, muốn phục hồi phải mất vài thế hệ con người, trong điều kiện rừng phải bị đóng cửa tuyệt đối.

Đóng cửa rừng cũng chưa đủ. Bắt gỗ lậu, thậm chí bỏ tù bọn phá rừng và tiêu thụ gỗ lậu cũng chưa đủ. Phải cấm sử dụng gỗ rừng vào việc xây dựng các công trình dân dụng, chỉ cho phép sử dụng các loại gỗ rừng trồng và các loại gỗ có thể nhanh chóng tái sinh. Không có nơi tiêu thụ thì mới mong ngăn chặn được nạn phá rừng. Cần biết, ở Trung Quốc người ta có những biện pháp tương đối có hiệu quả nhằm ngăn chặn nạn phá rừng, nhưng lại không cấm triệt để việc dùng gỗ rừng trong xây dựng nên đã và đang xảy ra tình trạng “xuất khẩu phá rừng” từ Trung Quốc, nghĩa là Trung Quốc biến thành thị trường tiêu thụ gỗ do phá rừng không phải của họ mà của các nước khác.  Đối với việc phá rừng và nắn dòng sông suối để làm thủy điện, đến lúc phải chấm dứt, dù đã quá muộn.

Dù phải mất nhiều thế hệ mới khôi phục lại rừng, nhưng nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ thì rừng sẽ bị hủy diệt mãi mãi. Nhà nước làm ơn nhanh chóng “vô úy thí” cho dân đi. Chỉ có bảo vệ được rừng, khôi phục lại sự hài hòa của thiên nhiên thì mới có thể hiến tặng cho dân sự không sợ hãi.

HOÀNG HẢI VÂN



No comments: