Wednesday, October 26, 2016

VÌ SAO ẤN ĐỘ KHÔNG THỂ TIẾP TỤC NHẪN NHỊN PAKISTAN ? (Shashi Tharoor - Project Syndicate)




Shashi Tharoor  -  Project Syndicate
Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Trong hai thập niên rưỡi qua, Pakistan đã theo đuổi một chính sách chèn ép Ấn Độ mang tên “cái chết bằng ngàn vết cắt” – nhuốm máu đất nước này bằng các cuộc tấn công khủng bố liên miên, thay vì nỗ lực đối đầu quân sự công khai mà không thể giành phần thắng trước các lực lượng truyền thống ưu việt của Ấn Độ. Logic của chính sách này là Ấn Độ sẽ phản ứng một cách kiềm chế bởi Ấn Độ không có ý định chấm dứt các kế hoạch phát triển kinh tế đầy tham vọng, cũng như chính phủ nước này chưa sẵn sàng đối mặt với rủi ro chiến tranh hạt nhân.

Nhưng hình mẫu dễ đoán và lặp lại của quan hệ Ấn Độ-Pakistan đã bất ngờ bị phá vỡ hôm 29 tháng 9, khi Tổng Chỉ huy các Chiến dịch Quân sự (DGMO), Trung tướng Ranbir Singh, thông báo rằng lính đặc nhiệm Ấn Độ đã tiến hành các cuộc “tấn công phẫu thuật” (surgical strikes – các cuộc tấn công nhanh và chính xác – NBT) dọc Ranh giới Kiểm soát (LoC) ở Kashmir, đường biên giới quốc tế thực tế giữa hai nước.

DGMO tuyên bố rằng các cuộc tấn công vào rạng sáng ngày hôm đó đã tiêu diệt nhiều “bệ phóng” khủng bố và tiêu diệt số lượng đáng kể các chiến binh đang chuẩn bị vượt biên để tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ, cùng một số đối tượng đang yểm trợ cho những người này (có thể ám chỉ các binh lính Pakistan).

Dư luận ở Ấn Độ và tầng lớp chính trị khó tính có tiếng trong nước đã bày tỏ niềm tự hào mãnh liệt khi biết được thông tin này, đồng lòng ca ngợi một hành động kiên quyết đã phải nín nhịn quá lâu. Trong một phần tư thế kỷ qua, người dân Ấn Độ đã trông chờ trong bất lực khi những nỗ lực thiết lập hòa bình với nước láng giềng hiếu chiến do quân đội thống trị của họ liên tục đổ vỡ, nguyên nhân xuất phát từ các cuộc tấn công khủng bố từ phía Pakistan mà chính phủ ở thủ đô Islamabad dường như không thể hoặc không sẵn lòng ngăn cản.

Cuộc tấn công kinh hoàng nhất trong số này là các đợt tấn công nhằm vào nhiều địa điểm ở Mumbai, bắt đầu từ ngày 26 tháng 11 năm 2008, khiến 166 thường dân vô tội thiệt mạng. Nhưng Ấn Độ vẫn giới hạn phản ứng của mình trong hoạt động ngoại giao. Việc thực hiện sự “kiềm chế chiến lược” này khi đối mặt với các đợt tấn công liên tiếp của người Pakistan – một phần nhằm tránh kích động một cuộc chiến chính thức với nước láng giềng có trang bị vũ khí hạt nhân – đã khiến nhiều người Ấn Độ sục sôi căm phẫn trong bất lực. Đối với họ, dường như những kẻ khủng bố Pakistan có thể tấn công vào Ấn Độ một cách tùy ý, với việc chính phủ nước này miễn cưỡng chống trả như thể đảm bảo những kẻ giết người không bị trừng phạt.

Hồi tháng 1, các tay súng đã tấn công qua biên giới vào căn cứ của Ấn Độ tại Pathankot. Như thường lệ, Ấn Độ vẫn kiềm chế phản ứng, thậm chí còn mời Pakistan tham gia vào một cuộc điều tra chính thức về vụ tấn công. Phía Pakistan đã cử một đội ngũ các chuyên gia tình báo và quân sự tiến hành kiểm tra thực địa các cuộc tấn công, sau đó trở về nước rồi tuyên bố đó là một chiến dịch “mạo danh” nhằm đổ tội cho một người dân Pakistan vô tội.

Vốn đã ngán ngẩm trước luận điệu phản trắc này, người dân Ấn Độ lại một lần nữa lâm vào cảnh tang thương khi một vụ công kích xuyên biên giới khác lấy đi sinh mạng của 18 binh sĩ tại căn cứ quân sự ở Uri hồi tháng 9. Tuy nhiên, người dân Ấn Độ dường như không làm được gì nhiều, cho đến khi DGMO thông báo về một phản ứng quân sự đầy cương quyết.

Phía Pakistan có những phản ứng rất kỳ lạ, từ những tuyên bố khiếm nhã (được hỗ trợ bằng những chuyến xe buýt chở các nhà báo được sắp đặt trước tới những khu vực có chọn lọc của LoC) rằng không có bất cứ cuộc tấn công phẫu thuật nào được thực hiện, đến những lời phát biểu giận dữ cho rằng phía Ấn Độ đã tắc trách nổ súng qua LoC khiến 2 binh sĩ Pakistan tử trận. Đây là lần duy nhất quân đội Pakistan có vẻ ngỡ ngàng trước hành động của Ấn Độ.

Ấn Độ đã tự khích lệ bản thân trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Lo ngại về chiến tranh hạt nhân giữa hai nước láng giềng ở tiểu lục địa Ấn Độ vẫn chi phối dư luận quốc tế mỗi khi bùng phát căng thẳng song phương. Nhưng lần này, một phần nhờ vào lời phát biểu chừng mực và chính xác của DGMO, cũng như không có giọng điệu đắc thắng về quân sự trong phát ngôn chính thức của Ấn Độ (sự khoác lác của những tuyên truyền viên của đảng cầm quyền xuất hiện sau), thế giới dường như coi phản ứng của Ấn Độ là chính đáng.

Những nỗ lực của Pakistan nhằm tìm kiếm sự ủng hộ chống lại Ấn Độ đã bị nhiều nước khước từ, với việc Trung Quốc và Mỹ, hai nước thường chống đỡ cho Pakistan, cũng ôn hòa kêu gọi hai bên nên xoa dịu căng thẳng. Trong những ngày sau các cuộc tấn công, lo ngại về tình hình leo thang quân sự hơn nữa đã lắng dần.

Ấn Độ cũng siết chặt con ốc ngoại giao lên nước láng giềng cứng đầu, thuyết phục các thành viên khác trong Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) hoãn một hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức ở Islamabad như một hình phạt cho hành vi xấu của Pakistan. Chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố nước này đang thực hiện rà soát lại Hiệp ước Nguồn nước sông Ấn, theo đó Ấn Độ hào phóng nhường lại cho Pakistan một lượng nước lớn từ sông Ấn, vốn bắt nguồn từ Ấn Độ, và thậm chí không sử dụng phần nước mà mình được hưởng.

Hóa ra chiến dịch do Tổng Chỉ huy Singh đưa ra không phải là đợt tấn công quân sự đầu tiên của Ấn Độ qua LoC; trước đó từng có một số vụ tấn công khác dưới thời chính phủ tiền nhiệm nhằm đáp trả các vụ đột kích quân sự trên lãnh thổ Ấn Độ. Nhưng đây là lần đầu tiên các vụ tấn công này được thông báo công khai, mang lại một dấu hiệu rõ ràng về ý định và một tuyên bố táo bạo rằng câu chuyện thường lệ – Ấn Độ “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước những hành động quấy phá của Pakistan – sẽ không còn tiếp diễn.

Với các cuộc tấn công được hiệu chuẩn và có mục tiêu chọn lọc, Ấn Độ tỏ rõ rằng án binh bất động không phải là phản ứng khả dĩ duy nhất đối với những hành động khiêu khích mang tính khủng bố. Đây là một chiến lược can đảm và có phần mạo hiểm, do nó buộc Ấn Độ phải theo đuổi một chuỗi các hành động tương tự khi một cuộc tấn công khủng bố lớn tiếp theo xảy ra. Tuy nhiên, một quốc gia dám đứng lên chống lại những đợt tấn công liên tiếp vào lãnh thổ mình thì xứng đáng được tôn trọng hơn một nước chỉ biết kiềm chế, điều có thể được nhìn nhận như một sự yếu đuối.

Nếu quyết tâm này của Ấn Độ, cùng với sự cô lập ngoại giao sắp tới của Pakistan, có thể khiến các vị tướng Pakistan xem xét lại chính sách bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố như một công cụ trong chính sách nhà nước, thì hòa bình giữa hai nước láng giềng có thể sẽ khả thi trở lại. Tuy nhiên, đối với Ấn Độ, những hy vọng như vậy đã bị phản bội quá thường xuyên trong quá khứ gần đây đến mức Ấn Độ không còn có thể tiếp tục giơ mặt chịu đòn.

-----------------------
Shashi Tharoor, cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cựu Quốc vụ khanh về Phát triển Nguồn nhân lực và Quốc vụ khanh về Ngoại vụ của Ấn Độ, hiện là Nghị sĩ Đảng Quốc đại Ấn Độ và Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Đối ngoại. Ông là tác giả cuốn Pax Indica: India and the World of the 21st Century.

Copyright: Project Syndicate 2016 – India Stops Turning the Other Cheek
Nguồn: Shashi Tharoor, “India Stops Turning the Other Cheek,” Project Syndicate, 11/10/2016.

-----------------
Xem thêm:




No comments: