Monday, October 10, 2016

CƠN NHỨC ĐẦU CỦA CHÍNH PHỦ MỸ (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
October 7, 2016

Cơn nhức đầu của chính phủ Mỹ tên là Rodrigo Duterte, tổng thống Philippines, mới lên ngôi cuối Tháng Sáu 2016. Trong ba tháng, ông Duterte đã nhiều lần dùng những tiếng chửi thô tục nhất khi nói về ông tổng thống Mỹ, ngoại trưởng Mỹ, và đại sứ Mỹ ở Manila, bằng tiếng Tagalog và tiếng Anh.

Nhưng chửi thề và nguyền rủa là chuyện nhỏ. Ðiều đáng nhức đầu là khi ông Duterte nói chính phủ ông muốn đoạn giao với Mỹ để kết thân với Trung Cộng và Nga. Người ta không biết ông có ý định thật hay không. Và nếu có ý định đó thì ông có làm thật hay không! Rồi nếu ông định làm thật thì ông có làm được hay không? Bấy nhiêu câu hỏi đủ nhức đầu rồi. Nhức đầu hơn cả là chính phủ Mỹ phải tính toán: Phản ứng với ông Rodrigo Duterte cách nào đây?

Thực ra chính quyền Mỹ không làm gì ghê gớm chọc giận ông Duterte! Nguyên nhân gây ra những cơn thịnh nộ của ông chỉ là những lời nói. Tổng Thống Barack Obama, Ðại Sứ Philip Goldberg, và Ngoại Trưởng John Kerry lên tiếng chỉ trích chính quyền Duterte đã cho cảnh sát và một số người tình nguyện bắn, giết những người Phi bị nghi là bán ma túy hoặc dùng ma túy, mà không cần đem ra tòa xét xử. Ông Obama vốn là luật sư, ông Duterte cũng là luật sư, đáng lẽ hai bên phải đồng ý rằng luật pháp là chuyện khá quan trọng. Chính phủ Mỹ nào cũng tự coi họ phải làm gương đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đặt quyền lực của giới cầm quyền trong giới hạn của Hiến Pháp, và các thủ tục, luật lệ. Ðó là căn bản của các xã hội sống dân chủ. Cho nên, khi thấy đến 1,500 người bị giết chết một cách bất hợp pháp thì họ phải lên tiếng can ngăn! Nếu họ im lặng thì sẽ biết nói năng làm sao khi cần phản đối đoàn lính giả trang của ông Vladimir Putin bắn giết dân Ukraine? Hay lính Syria của ông Assad thả bom giết người dân ở Aleppo?

Ông Obama bắt buộc phải phản đối, cho cả thế giới và dân Philippines nghe. Các nhà lãnh đạo các nước Châu Âu cũng phải bày tỏ ý kiến. Người bình thường nghe xong những câu nói không vừa ý rồi thì có thể bỏ qua; mặc ai nói gì thì nói, đường ta ta cứ đi. Nhưng ông Duterte không phải người bình thường. Cái Ngã Mạn (Ego) của ông lớn quá khổ. Nghe chỉ trích một câu, ông phải đáp lại mười câu, với trọng lượng nặng gấp mười lần, nhân lên thành gấp trăm!

Năm 2014, nước Mỹ giúp Philippines 1 tỷ 150 triệu đô la viện trợ kinh tế, hai năm trước mỗi năm 800 đến 900 triệu. Liên Hiệp Châu Âu viện trợ 163 triệu US$ năm 2013 và 175 triệu năm 2014. Chưa nghe ai nói, nhưng ông Duterte đã đoán trước và dọa liền: Nếu các nước Châu Âu và Mỹ cắt viện trợ, ông Duterte ta đây bất cần! “Ði chỗ khác chơi! Cứ đem tiền đi cho ai thì cho! Nước chúng ông vẫn sống!”

Ngày 2 Tháng Mười, ông Duterte dọa sẽ chấm dứt ngang xương bản hiệp ước giữa Phi và Mỹ mà vị tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino mới ký năm 2014. Hiện có khoảng 300 lính Mỹ đóng ở Phi và 107 đóng vai cố vấn trong cuộc tiễu trừ quân nổi dậy gốc Hồi Giáo ở đảo Mindanao, quê hương ông Duterte. Ông dọa đuổi lính Mỹ về nước. Ngay lập tức, ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi Delfin Lorenzana phải lên tiếng, nói rằng quân đội Philippines còn yếu, vẫn cần quân Mỹ giúp, nhất là tại Mindanao họ rất cần những khí cụ thâu lượm tin tình báo của Mỹ. Ông Lorenzana khôn khéo giải thích rằng tổng thống của ông không được thông báo đầy đủ tin tức nên nói lầm, mà đó là lỗi của Bộ Quốc Phòng!

Nặng nề nhất là khi ông Duterte bảo rằng chính phủ Mỹ dọa không bán vũ khí cho Philippines, vì thế ông sẽ đoạn tuyệt với Mỹ, “I will break up with America!” Ông dọa sẽ đi mua súng ống, bom đạn, máy bay xe tăng của Trung Quốc và Nga – dù ông chưa hỏi ý kiến hai nước này có bán chịu hay không!

Ðến lượt bộ trưởng Ngoại Giao Phi phải chữa cháy. Ông Perfecto Yasay lại phải giải thích rằng nước ông muốn cải thiện ngoại giao với Trung Quốc, nhưng không hề có ý liên minh quân sự! Ông Yasay nói trước Thượng Viện Phi rằng chính vị tổng thống của ông nói nhiều lần rằng nước Phi chỉ liên minh quân sự với Mỹ, Mỹ là đồng minh duy nhất!

Nhưng người Mỹ không được nghe những lời ông Duterte nói riêng với các bộ trưởng trong chính phủ ông. Họ lo lắng nếu ông Duterte làm thật như lời ông nói trước công chúng thì sao? Cả kế hoạch “chuyển trục sang Châu Á” của Tổng Thống Obama sẽ phải thay đổi nếu Philippines trở cờ! Chương trình bành trướng của Trung Cộng trong vùng biển Ðông Nam Á sẽ được cơ hội lớn.

Nếu ông Duterte nhất định đuổi quân Mỹ khỏi Philippines thì Hải Quân Mỹ vẫn còn nhiều cách để có mặt trong vùng biển này. Mấy ngàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đóng thường trực ở phía Bắc Australia. Chiến hạm Mỹ được đón nhận thường xuyên tại quân cảng Changi trên đảo quốc Singapore, một cái gai trong mắt giới lãnh đạo Bắc Kinh. Các nước Ðông Nam Á khác chắc chắn phải lo sợ hơn trước mưu đồ của Trung Cộng và khi cần giữ thế cân bằng sẽ sẵn sàng mở cửa cho phép Hải Quân Mỹ qua lại; như Malaysia, Indonesia và có thể cả Việt Nam.

Nhưng điều hy vọng của ông Obama, hay ông Trump hoặc bà Clinton trong năm tới, là ông Duterte không thể thực hiện những lời ông dọa dẫm, ông ta sẽ chịu bó tay khi đụng phải thực tế.

Thứ nhất, dân Philippines thân Mỹ, điều này không ai chối cãi được. Mỹ đã cai trị Philippines nửa thế kỷ sau khi thắng Tây Ban Nha, và trả lại độc lập cho dân Phi ngay sau Ðại Chiến Thứ Hai. Chính Hồ Chí Minh, năm 1945, đã nói với các sĩ quan tình báo OSS rằng ông ta muốn nước Mỹ thay thế Pháp, bảo hộ Việt Nam như đối với Philippines, lúc nước này còn chưa độc lập. Dân Phi không ghét Mỹ như người Việt Nam thường vẫn ghét Pháp.

Ông Duterte được đa số bầu lên vì những lời hứa diệt trừ tham nhũng và ma túy, ông ta không hề được dân ủy nhiệm thay đổi chính sách ngoại giao. Nếu ông ta nhất định thay đổi, dân Phi sẽ lên tiếng. Họ có nhiều cách. Những cuộc biểu tình của dân chúng đã từng lật đổ nhiều chính phủ dân cử ở Manila, được biểu dương là “Quyền Lực Của Dân.” Chưa kể, ông Duterte hiện đang tạo rất nhiều kẻ thù, không biết người nào trong đám thân nhân của 1,500 người bị sát hại hoặc hàng ngàn người bị thương tích sẽ tìm cách rửa hận.

Giới lãnh đạo quân sự và quốc phòng ở Philippines phải lo sợ trước viễn ảnh mất cái dù che chở của Mỹ. Không có nước Mỹ đứng bên, Philippines sẽ trơ trụi trước các chiến dịch bành trướng của Trung Cộng. Năm 1991, sau khi Mỹ phải rút khỏi các căn cứ ở Philippines, Bắc Kinh bắt đầu lấn lướt. Họ đặt chân lên các bãi đá Scarborough Shoal, đến năm 2012 thì cấm các ngư dân Phi bén mảng. Hành động đó là lý do khiến chính phủ Phi phải kiện trước tòa trọng tài quốc tế.

Dân Phi đang vui mừng trận chiến thắng pháp lý, không lẽ họ lặng im khi chính phủ Duterte cúi đầu nhượng bộ Bắc Kinh chỉ vì muốn “thả mồi bắt bóng?” Giới tướng lãnh Phi sẽ lo ngại quân đội họ còn yếu, khó tiễu trừ quân nổi dậy ở phía Nam nếu mất viện trợ kỹ thuật của Mỹ. Liệu họ có dám tin vào khả năng Trung Cộng sẽ thay vào chỗ đó hay không? Dân Phi có chấp nhận bóng dáng quân Trung Cộng trên đất nước họ hay không, sau những vụ biểu tình ào ạt vì vụ Scarborough?

Chính quyền Mỹ có vẻ yên tâm. Họ nói rõ rằng ông Duterte nói gì thì nói, chính phủ Phi chưa hề chính thức yêu cầu Mỹ rút hơn 400 quân nhân ra khỏi nước này. Cũng không ai nói gì về việc xóa bỏ các hiệp ước liên minh phòng thủ!

Tánh khí bất định của ông tổng thống Phi có thể là một lợi khí ngoại giao. Không ai nghĩ rằng những lời ông chửi rủa, rồi xin lỗi, hoặc những lời đe dọa nay thế này mai thế khác của ông là “chắc như đinh đóng cột.”

Bắc Kinh cũng đủ khôn ngoan để biết rằng không nên hồ hởi bắt tay ông Duterte. Không ai biết chắc ông ta sẽ còn nói gì và sẽ làm gì. Trước đây, chính ông Duterte cũng đe dọa rằng nếu Trung Quốc xâm chiếm các hòn đảo tại Scarborough Shoal của Philippines thì sẽ diễn ra cảnh “đẫm máu!” Một điều họ biết chắc là dân chúng Phi ghét Trung Cộng! Hiện nay Bắc Kinh chỉ lợi dụng được một điều, là ông Duterte không đòi hỏi phải thi hành bản phán quyết của tòa trọng tài quốc tế. Không những thế, ông ta còn chấp nhận “thương thảo song phương” với Trung Cộng, thay vì tìm các giải pháp quốc tế như các vị tổng thống trước.

Vậy chính phủ Mỹ có thể làm gì trước các lời đe dọa của ông Rodrigo Duterte? Có một quy tắc cư xử khôn ngoan là nếu gặp một người nói năng như trẻ con thì mình hãy cư xử như người lớn. Chính quyền Mỹ có thể giữ im lặng, chờ người dân Philippines làm gì với ông tổng thống của họ!

--------------------------------

VienDongDaily.Com
09/10/2016

Những lời phát ngôn bừa bãi, cay độc vẫn tiếp tục phát xuất từ ông Rodrigo Duterte, tổng thống của Phi Luật Tân. Trong tuần qua, khi nói rằng Tổng Thống Obama có thể “cút đi,” ông Duterte đe dọa vứt bỏ nhiều thập niên hợp tác an ninh chặt chẽ với Hoa Kỳ. Điều này gợi ý cho thấy rằng Manila sẽ quay sang nhờ Trung Quốc hoặc Nga hỗ trợ.

Những lời chỉ trích dữ dội chống Mỹ mới đây nhất được đưa ra, giữa lúc các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến và Hải Quân Hoa Kỳ tập luyện đổ bộ và làm những cuộc diễn tập khác với các binh sĩ Phi Luật Tân, tại những địa điểm ven biển ở gần các lộ tuyến hàng hải chiến lược và những hòn đảo bị tranh chấp ở Biển Đông, một điểm nóng trong khu vực.

Các cuộc tập trận chung bắt đầu vào hôm thứ Ba và được dự trù kéo dài cho đến ngày 12 tháng Mười. Trong tuần qua, ông Duterte nói rằng đây sẽ là đợt cuối cùng của những cuộc tập trận chung với quân đội Hoa Kỳ.

Các giới chức chính phủ Obama đã quyết định phần lớn phớt lờ những lời lăng mạ và những tối hậu thư của ông Duterte. Họ nói rằng họ không thu nhỏ lại các chương trình quân sự hoặc viện trợ ở Phi Luật Tân.

Amy Searight, giám đốc Chương Trình Đông Nam Á của Trung Tâm Chiến Lược Và Nghiên Cứu Quốc Tế phi đảng phái ở Washington, nói, “Chính phủ đang chơi trò này cũng như có thể giỏi như người ta có thể chơi. Cách lựa chọn tốt nhất cho Hoa Kỳ là cứ giữ bình tĩnh và để cho sự việc diễn ra. Chúng tôi vẫn chưa biết nơi mà ông Duterte dự định đi tới với chuyện này.”

Washington và Manila đã có một hiệp ước phòng thủ hỗ tương từ năm 1951. Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter nói rằng quan hệ hợp tác quân sự vẫn còn được “bọc thép.”

Ông nói như vậy ở Honolulu sau khi gặp bộ trưởng quốc phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana, trong một cuộc họp cuối tuần của các bộ trưởng quốc phòng từ Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á, một tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy việc hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh.

Lorenzana nói rằng ông Duterte có thể “hiểu sai” về giá trị của việc Phi Luật Tân hợp tác quân sự với Hoa Kỳ.

Josh Earnest, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, nói rằng những lời lẽ cứng rắn của ông Duterte là “ngược lại với mối quan hệ ấm áp đang có giữa dân chúng Phi Luật Tân và dân chúng Mỹ.”

Trong tháng qua, ông Duterte dùng một câu chửi thông thường trong tiếng Tagalog, tạm dịch là “đồ chó đẻ” để ám chỉ ông Obama. Tòa Bạch Ốc phản ứng bằng cách hủy bỏ một cuộc họp song phương được dự định tổ chức, ở bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Lào.

Sau đó trong một văn bản thông qua phát ngôn viên của ông, ông Duterte nói rằng ông lấy làm tiếc rằng ngôn ngữ của ông bị hiểu là “một cuộc tấn công cá nhân vào tổng thống Hoa Kỳ.”

Theo các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết, Tổng Thống Obama lo ngại về những vụ giết người tràn lan không được pháp luật cho phép, xảy ra từ khi ông Duterte đắc cử nhờ một lời thề quyết tuyên chiến với ma túy bất hợp pháp. Cảnh sát và dân quân đã giết chết hơn 3,500 người, tính từ khi ông Duterte lên nhậm chức vào ngày 30 tháng Sáu. Một giới chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao xin giấu tên để nói chuyện thẳng thắn, nói, “Từ ngữ là quan trọng.” Tuy nhiên, giới chức ấy nói thêm, “Chúng tôi không phản ứng với từng điều nhỏ được nói bằng tiếng Tagalog ở đâu đó tại Phi Luật Tân.”

Phi Luật Tân đã trải qua năm chục năm làm một thuộc địa của Mỹ, cho đến khi giành được độc lập sau thời Đệ Nhị Thế chiến, và trong quá khứ nhiều lần các mối quan hệ đã trở nên sóng gió. Trong năm 1991, Hoa Kỳ đã buộc phải từ bỏ những căn cứ không quân và hải quân lớn ở nước này.

Tổng Thống Obama đã đến thăm Phi Luật Tân hai lần trong bốn năm qua, trong một nỗ lực nhằm mở rộng các mối quan hệ. Nỗ lực đã được đền đáp bằng việc quân đội Hoa Kỳ tiếp cận rộng rãi hơn với các căn cứ và các hải cảng của Phi Luật Tân, và hợp tác nhiều hơn trong những các chương trình chống khủng bố.

Trong năm 2014, Washington và Manila ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng được tăng cường, một phần trong nỗ lực nhằm cung cấp một thế đối trọng mạnh mẽ hơn với việc bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông giàu tài nguyên, nơi họ xây lên các đảo nhân tạo.

Thỏa thuận ấy, bây giờ bị ông Duterte chỉ trích, được Tối Cao Pháp Viện Phi Luật Tân xác nhận là hợp hiến vào ngày 12 tháng Giêng.

Tòa Bạch Ốc giữ từ 300 tới 500 quân nhân ở Phi Luật Tân, để hỗ trợ cho việc huấn luyện, những cuộc tập trận chung, và những hoạt động khác. Khoảng từ 50 tới 100 thành viên lực lượng đặc biệt Mỹ cũng làm việc với các lực lượng an ninh Phi Luật Tân, đặc biệt là trên các hòn đảo bất ổn ở miền nam.

Cách đây mười tuần, Phi Luật Tân đã giành được một chiến thắng pháp lý quan trọng, khi một tòa án quốc tế là Tòa Án Trọng Tài Thường Trực tại The Hague, phán quyết rằng những tuyên bố chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc, trên những hòn đảo và những rạn san hô ở Biển Đông, đều là không hợp lệ.

Tuy nhiên, ông Duterte tìm cách xích lại gần hơn với Bắc Kinh, một đối tác thương mại lớn của Manila.

Sheila Smith, một thành viên cao cấp của Hội Đồng Về Quan Hệ Ngoại Giao, một tổ chức phi đảng phái ở Washington, nói, “Có một lịch sử của tình cảm chống Mỹ tập hợp xung quanh những vấn đề chủ quyền ở Phi Luật Tân, mà ông Duterte có thể khai thác. Nhưng ông đang chơi trò khá nguy hiểm, nghĩ rằng chúng tôi có thể tỏ thiện cảm với Trung Quốc, với tư cách là một hàng rào.”




No comments: