Monday, October 10, 2016

TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ BÁO (Lê Phan)




Lê Phan
October 8, 2016

Báo chí Hoa Kỳ có một truyền thống lâu đời về việc ủng hộ ứng cử viên tổng thống.

Tờ New York Times đã ghi lại là ngày 11 tháng 10 năm 1860 họ đã viết một bài bình luận ủng hộ Ông Lincoln của Illinois vốn thường được gọi là “Old Abe,” 51 tuổi, cao 6ft7, làm tổng thống sắp tới. Tờ Times kết luận “Mọi sự sẽ tiếp tục như đến nay, trừ việc là nay chúng ta sẽ có sự lương thiện và quân tử thay vì bần tiện và tham nhũng trong các ban ngành của hành pháp, và một sự tôn trọng cho quan điểm của nhân loại về giọng điệu và lời lẽ của chính phủ trong vấn đề Nô lệ.”

Báo chí Hoa Kỳ cũng coi trọng nhiệm vụ này bởi họ coi đó là một trọng trách của tờ báo.

Trong mùa bầu cử năm nay, báo chí Hoa Kỳ càng cảm thấy sự quan trọng của việc lên tiếng trước việc lựa ứng cử viên nào cho chức vụ tổng thống.

Tap chí Atlantic trong suốt 159 năm của lịch sử của tờ báo đã chỉ có hai lần lên tiếng ủng hộ một ứng cử viên tổng thống. Lần thứ nhất cho ông Abraham Lincoln hồi năm 1860 và lần thứ nhì cho ông Lyndon B. Johson vào năm 1964. Lần thứ ba đến vào chiều thứ tư tuần rồi, khi tờ báo đưa lên Internet một bài bình luận ủng hộ bà Hillary Clinton cho chức vụ tổng thống và bác bỏ ông Donald J. Trump là “một ứng cử viên của một đảng quan trọng mà rõ ràng không có khả năng nhất trong suốt 227 năm của lịch sử chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.” Chưa hết, tờ báo còn gọi ông là “một kẻ mị dân, một người bài ngoại, một người kỳ thị giới tính, một người không biết gì hết và một người nói láo.”

Một ngày trước đó, chủ bút Graydon Carter của Tạp chí Vanity Fair viết, trong bức thư chủ bút cho số tháng 11 của tờ báo “Qua lời nói hay hành động, ông Trump đã quảng bá bạo động súng, cuồng tín, ngu dốt, không bao dung, nói láo, và tất cả những gì có thể được coi như là sai trái đối với xã hội.”

Và tuyên bố đó đã đến sau khi tờ USA Today, tờ báo toàn quốc của Hoa Kỳ, đã lần đầu tiên đưa ra một lời ủng hộ, hay đúng hơn là một lời “không ủng hộ” vì họ đã chống lại ông Trump mà họ bảo “không xứng đáng cho chức vụ tổng thống” nhưng không ủng hộ bà Hillary Clinton hay một ai khác. Căn bản tờ USA Today để độc giả của họ lựa chọn ai cũng được trừ ông Trump.

Thời gian này là vào chu kỳ của mùa bầu cử khi mà các nhà báo, dầu cho là báo viết, báo hình hay báo mạng, đều bàn luận về việc sự ủng hộ như vậy có ảnh hưởng gì đến kết quả của cuộc bầu cử hay không. Câu trả lời theo lịch sử chính trị Hoa Kỳ thì thường là “không,” không ảnh hưởng gì mấy.

Nhưng câu hỏi này mang một ý nghĩa mới năm nay bởi sự chênh lệch kinh hồn chống lại ông Trump. Báo chí, không kể tả hay hữu, không kể Cộng Hòa hay Dân Chủ, đã lên tiếng hầu hết chống lại ông Trump, và họ cứ tiếp tục theo nhau làm việc đó, với những ngôn ngữ lên án ứng cử viên một cách mà ở trong Nam hẳn sẽ gọi là “huỵch toẹt,” và với giọng điệu “phải cứu nguy cho nền Cộng Hòa.”

Những ủng hộ cho bà Clinton đến không phải từ những tờ báo mà bình thường chúng ta chờ đợi nhưng từ những tờ báo mà hoặc chưa bao giờ ủng hộ một ứng cử viên Dân Chủ, hoặc chưa làm việc này từ nhiều thập niên nay. Đó là những tờ báo như The Dallas Morning News, The Arizona Republic, The Cincinnati Enquirer. Hoặc như tờ USA Today tuy không ủng hộ nhưng mạnh mẽ chống đối ông Trump. Một cột trụ của nền báo chí Cộng Hòa và của chính trị bảo thủ Hoa Kỳ, tờ Wall Street Journal chưa làm việc đó, nhưng một thành viên của ban biên tập của tờ báo, bà Dorothy Rabinowitz đã bảo ông Trump là “không có khả năng.”

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là một cảm tưởng báo động tập thể mà họ bày tỏ – rằng ông Trump là một kẻ mị dân nguy hiểm (USA Today) mà việc bầu lên sẽ là đại diện cho một nguy cơ rõ ràng và hiển hiện (The Washington Post, The Cincinnati Enquirer) hay, như chủ bút Scott Stossel của The Atlantic tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ ba “một tiềm năng tình trạng khẩn cấp cho quốc gia hay một đe dọa cho nền Cộng Hòa.”

Đó là cùng một tiêu chuẩn mà tờ báo đã dùng khi họ quyết định phá lệ với lời hứa khi sáng lập là “một cơ quan không của một đảng phái hay phe phái nào” và ủng hộ ông Johnson năm 1964, và nhiều kịch tính hơn, ông Lincoln năm 1860.

Nhưng mặc dầu sự lo sợ xuyên qua mọi chủ thuyết trong các ban biên tập của các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ, một số lớn cử trên toàn quốc có vẻ không nghĩ như vậy.

Các cuộc thăm dò dư luận không giỏi tiên đoán kết quả cuối cùng của cử tri đoàn. Nhưng những cuộc thăm dò đó thường cho thấy cảm tưởng của sự suy nghĩ trên toàn quốc. Và hiện nay, tính theo trung bình từ các cuộc thăm dò, cho thấy vẫn có khoảng 40 đến 41% dân chúng Hoa Kỳ sẽ chọn ông Trump thay vì bà Clinton nếu cuộc bầu cử xảy ra ngay lúc này. (Với khoảng 45 hay 46% bà vẫn còn có một đa số nào đó).

Sự chia rẽ giữa các ý kiến của báo chí và một số cử tri đáng kể, đặc biệt là trong các cử tri Cộng Hòa, đã xảy ra từ nhiều thập niên nay. Nhưng cuộc tranh cử năm nay đã đưa sự chia rẽ đó lên một mức chưa từng thấy -không những giữa những cơ quan ngôn luận đủ mọi khuynh hướng chống lại ứng cử viên Cộng Hòa mà còn vì sự tương phản giữa lập trường báo động thảm họa của họ về một ông Trump làm tổng thống và niềm tin của những người ủng hộ ông nói là ông sẽ làm cho “Hoa Kỳ vĩ đại trở lại.”

Và rồi khi ngôn ngữ của các khuyến cáo trên các bài bình luận tăng thêm cường độ, thì ngôn ngữ tấn công báo chí cũng hung hăng không kém. Ông Trump đã thúc đẩy những cuộc tấn công này, diễn tả báo chí là “những đặc quyền đặc lợi” vốn đã “gian lận hệ thống chống lại những người dân Mỹ mỗi ngày.”

Việc này đưa chúng ta trở lại câu hỏi vậy liệu những bài bình luận đắn đo suy nghĩ, những lời lẽ chân tình của báo chí đó có thay đổi được bao nhiêu người. Những người cương quyết ủng hộ ông Trump sẽ chắc chắn coi những bài bình luận này là một bằng cớ nữa cho lập luận của ông Trump là báo chí thiên vị. Mới đây ông Trump còn bắt đầu ca ngợi điều mà ông bảo là việc ủng hộ bà Clinton đã khiến cho nhiều tờ báo mất độc giả. Trên một trong những tweet ông viết “Người ta thật là khôn ngoan khi hủy mua báo dài hạn cho các tờ báo ở Dallas và Arizona và nay USA Today sẽ mất độc giả! The people get it!”

Ông Charles Gasparino của đài Fox cung cấp một lý do thầm kín khác “một sự thù hận do ghen ghét” về tiền tài, “những bà vợ đẹp” và thành công trên truyền hình của ông Trump!
Câu hỏi đáng chú ý hơn là liệu những bài bình luận đó có ảnh hưởng gì đến những cử tri thực sự chưa quyết định hay không. Điều đó vẫn là và tiếp tục rất khó đoán.

Một trong những cách mà tờ New York Times thử là qua Google. Những câu hỏi về bà Clinton được googled tăng 50% ở quận Dallas sau đề nghị của tờ Dallas Morning News vào đầu tháng 9, tuy nó không bằng những câu hỏi về Ryan Lochte – anh chàng lực sĩ bơi lội ở Thế Vận Hội Rio bị vấn đề ở Brazil vì nói láo – hay là cho các trận đấu giữa đội Cowboys và đội Giants. Bà đã trở thành chiều hướng ở quận Hamilton của Cincinnati sau khi tờ Enquirer ủng hộ bà, và trên toàn Arizona sau tờ Republic ủng hộ bà. Nhưng cũng phải nói bà còn sau những đề tài như “tìm thấy anh hề” hay “ngày cà phê toàn quốc.”

Ông Stossel của tờ The Atlantic nói ông hiểu sự chia rẽ ở Hoa Kỳ hiện nay. Ông nói “Những người ủng hộ ông Trump có những than phiền chính đáng và ông đã nói với họ qua những cách mà rõ ràng là được họ hưởng ứng.” Ông Stossel cũng biết là sức mạnh của việc ủng hộ này có thể rất giới hạn. Nhưng ông nói: “Chúng tôi hy vọng là sự ủng hộ của chúng tôi, cùng với nhiều tờ báo khác nữa, sẽ có một ảnh hưởng gây âm hưởng mà có thể lan ra. Nếu nó ảnh hưởng đến vài người ở bên lề ở một vài tiểu bang quan yếu, việc đó sẽ có thể thay đổi cục diện.” Ông còn đùa bảo: “Với lịch sử ủng hộ của chúng tôi, chúng tôi đã thắng cả hai lần.” Thành tích đó, tờ New York Times kết luận sẽ giữ được hay là bị phá vào ngày 8 tháng 11 tới đây.

Ai đã làm nghề báo đều biết những điều mình viết, mình nói, đa số chả có ảnh hưởng gì cả. Nhưng là một kẻ đưa tin, họ không thể nào không báo trước khi điều mà họ tin là một thảm họa sắp đến.




No comments: