Wednesday, April 1, 2015

Đứng ngoài cuộc chiến? (John G. Rogers - Parade)





John G. Rogers
Trà Mi dịch và giới thiệu
Posted on April 1, 2015 by Editor1 Comment

Tuy là bài cũ, viết từ 45 năm trước, tác giả vẫn cho người đọc thấy một số dữ kiện, ở một góc rất thực về khối sinh viên Việt Nam tại Canada vào những năm 60-70 ở thế kỷ 20. Đây là sự thực lịch sử mà rất ít người trong cộng đồng người Việt tại Canada biết đến và một số khác lại rất muốn quên.

*

Independent Press-Telegram (Long Beach, California) ngày 14 tháng 6, năm 1970. Trang 159

Dưới đây là một bài viết cũ, cách đây đã gần 45 năm, về một số sinh viên phản chiến và quân cán chính đào nhiệm; tất cả đều là người từ miền Nam Việt Nam được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) gởi đi tu nghiệp ở Mỹ, du học bằng ngân sách quốc gia hay học bổng “kế hoạch Colombo” tại Canada. Bài viết/phỏng vấn cho tạp chí PARADE của ký giả John G. Rogers đã đăng trên tờ Washington Post cũng như tờ Independent Press-Telegram (Long Beach, California) ngày 14 tháng 6, năm 1970.

Tuy là bài cũ, viết từ 45 năm trước, tác giả vẫn cho người đọc thấy một số dữ kiện, ở một góc rất thực về khối sinh viên Việt Nam tại Canada vào những năm 60-70 ở thế kỷ 20. Đây là sự thực lịch sử mà rất ít người trong cộng đồng người Việt tại Canada biết đến và một số khác lại rất muốn quên.

Đã 40 năm chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, 40 năm miền Nam thuộc quyền cai trị của một nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa, xin mời quý độc giả cùng đọc lại chuyện ngày xưa.

*

Sinh viên Việt Nam ở Montreal trốn quân dịch, không về nước

Hầu hết họ là sinh viên được học bổng của chính phủ Canada(1).

Nhiều người không biết hiện có hàng trăm cựu sinh viên miền Nam Việt Nam đang an toàn trốn ở lại Canada không trở lại Việt Nam cho đến khi chiến tranh kết thúc. Họ thích Canada – nơi họ không phải đi quân dịch – hơn là Hoa Kỳ. Một phát ngôn viên của chính phủ Canada cho biết có khoảng 150 cựu sinh viên đại học đang trốn quân dịch và về một số tương đương sinh viên hiện đang theo học, khi tốt nghiệp có thể quyết định sẽ không trở lại quê nhà. Cho đến nay, Canada đã khá khoan nhượng với những người này, cũng như đã đối xử tương tự với với người Mỹ trốn quân dịch. Tuy nhiên, người phát ngôn của chính phủ Canada nói,
“Tỉ lệ của sinh viên miền Nam Việt Nam không muốn về nước đã tăng nhanh, điều đó làm cho chúng tôi cắt giảm chương trình học bổng dành cho sinh viên miền Nam Việt Nam.”

Theo nguồn tin của chính phủ, gần như tất cả các sinh viên trốn lính là cựu sinh viên đại học – một số đi du học Canada bằng học bổng của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, một số khác là con nhà giàu có, đã hối lộ để sang Canada đi học. Phần còn lại – một con số không rõ – đã đến Canada bằng những phương tiện ranh ma và đã tìm được nơi ẩn trú chính thức. Đa số những người miền Nam Việt Nam trốn ở lại Canada đều đồng ý với phát biểu của một trong những đồng hương của họ đang làm việc tại một thư viện ở Toronto. Ông ta nói với PARADE:
“Tôi không bao giờ có thể cho phép bản thân mình tham dự vào cuộc chiến tranh phá hoại hay làm bất cứ điều gì liên hệ với chính quyền Sài Gòn tham nhũng.”

Lê Phúc công chức đào nhiệm trốn từ Mỹ qua Canada. Nguồn Washington Post, 14 tháng 67, 1970. Nguồn: PARADE/Washington Post, June 16, 1970

Những người Việt Nam chống chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở Canada thường khẳng định họ không phải là cộng sản, nói về một sự thỏa hiệp cuối cùng với Hà Nội. Lê Phúc, 31 tuổi, cán sự thư viện Toronto nói,
“Cuối cùng, cả hai phía trong cuộc chiến đều là người Việt Nam và chúng tôi có thể tìm cách để thỏa hiệp.”

Từ Mỹ qua Canada, Lê Phúc là một người trốn quân dịch. Phúc kể,
“Tôi là một phó quận trưởng ở Việt Nam với chính phủ Sài Gòn đến năm 1966 thì tôi được một học bổng đi học về Khoa học Chính trị tại Đại học Kansas. Tại miền Nam Việt Nam tôi chỉ có một nguồn thông tin – từ Chính phủ. Ở Mỹ, tôi bắt đầu đọc rất nhiều điều quan trọng về chính phủ đó và vào mùa xuân 1968, tôi biết rằng tôi sẽ không về lại. Vì một số lý do. Tham nhũng là một. Và chính quyền Sài Gòn sẽ đổ ngay khi không còn viện trợ quân sự của Mỹ. Nếu tôi trở lại và có thể làm bất cứ điều gì có tính xây dựng thì tôi sẽ về. Nhưng tôi sẽ phải đi quân dịch ngay lập tức, và công việc của tôi sẽ là giết và hủy diệt. Tôi không làm việc đó.”

Lê Phúc kết hôn với một phụ nữ miền Nam Việt Nam đang theo học tại Atlanta với học bổng Fulbright và cùng Phúc qua Canada.

Nha sĩ Nguyễn Minh Sang, một sĩ quan quân y đào ngũ, công nhận là đã hối lộ trong trường hợp của ông – với mục đích là đem được vợ và con trai ra khỏi Sài Gòn để qua Canada sống với ông ấy. Sang, 33 tuổi, đại úy quân nha được gởi sang Mỹ tu nghiệp về nghề chữa răng, xác tín rằng chính phủ của ông không bao giờ thực hiện được kết quả đáng kể trong cuộc chiến. Ông Sang nói nói, “Khi tôi được lệnh trở về thì tôi từ chối.” Sang không nói làm cách nào ông đã trốn qua được Canada. Nhưng một khi đã đến đây, giống như Lê Phúc, thì không lâu sau Sang đã được coi là cư dân (landed immigrant). Cư dân có tất cả các đặc quyền như người dân Canada trừ việc không có sổ thông hành, quyền bầu và ứng cử.

Cựu đại úy quân nha đào ngũ Nguyến Minh Sang bên vợ con, mũ sĩ quan VNCH và sau lưng là cờ MTGPMN. Nguồn PARADE/Washington Post, June 14, 1970

Trong số những người trong cộng đồng sinh viên tại Montreal, có lẽ nổi bật nhất là Lương Châu Phước, 25 tuổi, visa đã hết hạn từ năm 1968, chỉ một năm sau khi Phước vào học ở Đại học McGill. Phước nhất định không rời Canada. Chính phủ Canada sau cùng đã đưa trường hợp của ông ra tòa. Nhưng sau đó vẫn không có quyết định nào và vấn đề của Phước được coi là hoãn lại. Lương Châu Phước, hiện là một cán sự phòng thí nghiệm, là một người hoạt động bận rộn. Phòng của Phước đầy rẫy những mẩu tin, sách, tờ rơi, băng nhạc các bài hát dân ca Việt Nam. Hiện nay anh ta đang bận rộn phát hành một nguyệt san khoảng 80 trang bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Phước nói,
“Chúng tôi làm thế nào đó phải xây dựng được một cuộc sống tốt hơn cho người Việt Nam. Cuộc sống ở Sài Gòn nay đã trở nên điên cuồng. Nào là Cadillacs, Chryslers, ti vi, máy rửa bát, nhưng ở nông thôn thì chẳng có gì hết ngoài tàn phá và những điều bất hạnh.”

Nhận định của Lương Châu Phước về Saigon, về Việt Nam 45 năm trước cũng có thể là lời tiên tri về T.p. Hồ Chí Minh về Việt Nam năm 2015; ngoài “Cadillacs, Chryslers, ti vi, máy rửa bát”, thành phố bị mất tên nay còn có Bentley and Rolls-Royce, Mercedes, Lexus, Audi and Porsche, iPad, iPhone, và nhiều xa xí phẩm phác. Nhưng nông thôn Việt Nam thì vẫn thế, không có gì hết ngoài những sự bất hạnh và dân oan. Có lẽ người dân Việt Nam không thể nín thở đợi nhóm của Lương Châu Phước về Việt Nam “xây dựng được một cuộc sống tốt hơn” cho họ.

Phòng của Phước đã trở thành một điểm gặp gỡ cho các sinh viên Việt Nam trẻ tuổi. Trong một đêm họp mặt, PARADE nói chuyện với Trần Tuấn Dũng, 23 tuổi, một sinh viên kỹ sư trường McGill, Dũng nói,

“Chúng tôi không phải là Cộng Sản. Chúng tôi là những người yêu nước.”(2)

Đỗ Đức Viên, 24 tuổi, sinh viên theo học tại Đại học Montreal,

“Tôi thích nhất là trở về nước của tôi, nhưng tôi chắc chắn một điều là sẽ không quay trở lại miền Nam Việt Nam như bây giờ.”

Ba mươi bẩy năm sau Viên viết về một người bạn sau chuyến về thăm Việt Nam,

“Trần, cũng người Đất Lạnh thuở tranh tối tranh sáng ngày xưa, tính cương trực, từng ở trong ban chấp hành ngày nào.
Học xong về Việt Nam liền. Mười mấy năm nay ở tù chung thân, hình như cái tội là không biết… phải không.
Năm 2006, vợ con đến khách sạn phải trình bao nhiêu giấy tờ ở Lễ Tân mới gặp được bạn của chồng. Con trai hai mươi mấy tuổi, mười mấy năm không có cha. Mắt buồn nhưng vẫn còn tin có ngày cha về.
‘Anh ạ, chồng em mà đi tù thì cả nước phải đi tù.’
Bạn Trần của Chiều Tây Đô đã không còn dịp dự Retrouvailles với chúng ta nữa rồi, anh đã ra đi lúc còn ở trong tù đến nay đã sắp giáp năm (tháng 10, 2010)”
Trích: Giang, “Đất Lạnh và tôi, ngày xưa”, 18 tháng 8 năm 2007. Trang Laval nhiều năm tình cũ.

Nguyễn Văn Nhã, 25 tuổi, một giáo viên ở một trường trung học kỹ thuật, tâm sự:

“Tôi sẽ lặng lẽ ở lại Canada. Đất nước này đã rất tốt với tôi.”

Một số người Việt Nam khác không muốn được được trích dẫn bằng tên và cũng không muốn có hình trên báo. Họ đưa những lý do khác nhau, tất cả, cách này hay cách khác, là sợ bị giới chức chính phủ Việt Nam Cộng hòa  trả thù nếu họ trở lại Việt Nam, hay lo sợ cho sự an toàn của gia đình của họ.

Tại Montreal, những sinh viên chống lại chính phủ ở Saigon – đã thành lập Hội Việt kiều Yêu nước tại Canada. Tuy nhiên, ngay cả những người chống đối mạnh nhất cũng phải thừa nhận rằng một số bạn hữu của họ là người ủng hộ chính phủ VNCH và những người khác là con nhà giàu thì thờ ơ, hạnh phúc ở ngoài cuộc chiến, lái ô tô và sống vui.

Sinh viên “yêu nước” trốn quân dịch không về nước: (từ trái qua phải): Lương Châu Phước, Đỗ Đức Viên, Trần Tuấn Dũng, và Nguyễn Văn Nhã. 1970. Nguồn: Tạp chí PARADE/Washington Post June 14, 1970

‘Nỗi nhớ nhà là lẽ tự nhiên’

Và cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam ở nước ngoài ra sao? Đại úy quân nha đào ngũ, Sang, hiện là một cán sự nha khoa, nói,

“Có nỗi nhớ nhà là lẽ dĩ nhiên. Và những cả những người thân mình có thể sẽ không khi nào gặp lại.”

Sang và vợ đã sanh thêm một con trai thứ hai ở Canada và bây giờ Lê Phúc cùng vợ của ông ấy đã có đứa con đầu lòng. Cả hai vợ chồng Lê Phúc đều làm việc ở thư viện và còn được khoảng 750 $ mỗi tháng sau khi đã trừ thuế; con trai lớn của Sang, Nguyễn Đình Huy, 6 tuổi, xem TV đài của Mỹ nhưng có một trò chơi ghép hình bản đồ của Canada như để giúp em hiểu về đất nước mới của mình. Có khi nào có xung đột gia đình về hướng đi của cuộc sống hiện tại hay không? Lê Phúc trả lời,

“Không. Người phụ nữ phương Đông rất là rất dễ phục tùng. Cô ấy đặt hạnh phúc gia đình trước bản thân mình.”

Bà Lê Phúc cười đồng ý.

Canada khác biệt thế nào so với xã hội Mỹ? Sang nói,

“Mỹ, dễ kích động về tất cả mọi thứ. Canada đằm thắm hơn. Và Canada rất yên bình. Bạn có thể đi trên đường phố vào ban đêm.”

Liệu họ sẽ xin trở thành công dân Canada hay không? Lê Phúc trả lời thay cho tất cả,

“Tại thời điểm này chúng tôi không nghĩ về việc trở thành công dân Canada. Hy vọng rằng chúng tôi bằng cách nào đó, một ngày nào đó, sẽ có một Việt Nam để chúng tôi có thể an toàn trở lại.”

Việt Nam 45 năm sau đã đủ an toàn cho những người đào nhiệm, phản chiến trở về chưa?

Hình như đa số họ vẫn ở đất nước này, 40 năm sau ngày những người họ ủng hộ toàn thắng và toàn trị.

© 2015 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: John G. Rogers, “Canada – New Sanctuary for the South Vietnamese”. Parade, June 14, 1970. Đăng cùng ngày ở Washington Post và Independent Press-Telegram (Long Beach, California)

(1) Bốn sinh viên Việt Nam trả lời phỏng vấn với John G. Rogers trong bài đều là sinh viên được chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho phép du học tại Canada với học bổng “Kế hoạch Colombo” trong những năm 1960 do chính phủ Canada cấp.

(2) Để hiểu rõ quan hệ của những sinh Việt Nam phản chiến và chống chính phủ VNCH trong Hội Việt kiều Yêu nước tại Canada với đảng cộng sản thế nào bạn đọc có thể tham khảo thêm “The Vietcong Front in Quebec” của Gilbert Gendron, do C-FAR phát hành năm 1987.



Tội phản quốc thì tử hình là xong.

-----------------------------

XEM THÊM :

Lê Quốc Trinh
Posted on March 19, 2015 by editor0 Comments

Lê Quốc Trinh
Posted on March 5, 2015 by editor2 Comments







No comments: