01:13:am 14/04/15
Tiến sĩ Lyle
J. Goldstein là giáo sư tại Viện Nghiên Cứu Hàng Hải Trung Quốc, thuộc
Trường Cao Đẳng Quốc Phòng của Hải Quân Mỹ, thành phố Newport, tiểu bang Rhode
Island. (Trường Cao Đẳng này, mỗi hai năm một lần, đều tổ chức họp mặt các quan
to Hải Quân của nhiều nước trên thế giới đến để trao đổi kinh nghiệm, làm quen
với nhau, networking giống như các doanh nghiệp. Trong hai lần họp mặt gần đây
nhất, Hải Quân CHXHCN Việt Nam đều cử người đến dự.)
Trong một bài
nghiên cứu mới đây, Tiến sĩ Goldstein cho biết một chiến lược gia-thầy
dùi-quân sư-thợ bàn của Trung Quốc đã đề nghị với Thiên Triều là tại thời điểm
này, Trung Quốc nên có một hành động giống như Nga đã làm tại bán đảo Crimea (hay
Crimée, hay Krym, hay Crưm gì cũng được.)
Mời bạn đọc ĐCV theo dõi những ý chính trong bài
nghiên cứu của Tiến sĩ Goldstein.
———————————————————
Trương Vấn Mộc là một nhân vật hay gây tranh cãi
trong giới làm chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Không giống như các đồng nghiệp của ông tại Bắc Kinh
trong nhóm có tiếng nói có trọng lượng về chính sách đối ngoại, họ Trương ít đi
dự các hội thảo, diễn đàn có sự góp mặt của các đồng nhiệm phương Tây. Ông
không đứng chung với nhóm đã tích lũy nhiều dặm bay của các hãng hàng không, nhờ
đi họp hầu như mỗi tháng với các viện nghiên cứu đủ nhãn hiệu ở Washington.
Thu mình làm việc tại Trường đại học Bắc Hàng (trước
đây là Trường đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh), ông không có những chức
danh sang trọng hùng dũng của các chiến lược gia-học giả thuộc các trường đại học
tầm Bắc Kinh, Thanh Hoa hoặc Phúc Đán. Nhưng “khuyết điểm” này lại làm cho ông
có thêm nhiều người biết đến như một “chiến lược gia Trung Quốc chính cống”
không hề biết khớp hoặc choáng trước các định chế hoặc học thuyết phương Tây.
Không ai phủ nhận Trương Vấn Mộc đã để lại ít ra là
một dấu ấn trong chiến lược của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Ông là một trong những
nhà “hải quân học” thứ thiệt đầu tiên của Trung Quốc, những người lên tiếng trước
nhất, hối thúc chính quyền Bắc Kinh phải đóng một hàng không mẫu hạm/tàu sân
bay, trước khi các học giả khác chạy theo đuôi.
Năm 2009, ông viết quyển Bàn Về Sức Mạnh Mặt Biển của
Trung Quốc, đại ý: sức mạnh thương mại toàn cầu của Trung Quốc cần có một lực
lượng hải quân hùng hậu đi kèm. Tầm nhìn này khiến nhiều người cho rằng rồi đây
ông sẽ được gọi là “Mahan của Trung Quốc”. (Alfred
Mahan vừa là đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, vừa là chiến lược gia địa chính trị, vừa
là nhà sử học, vừa được coi là “chiến lược gia Mỹ quan trọng nhất của thế kỷ
19.”)
Mặc dù nhiều ý tưởng của họ Trương đã được các chiến
lược gia Trung Quốc chấp nhận, thỉnh thoảng ông vẫn có những ý tưởng bị xem là
trái chiều. Ví dụ, năm 2009, ông cảnh báo Trung Quốc chớ nên dính vào bất kỳ
tranh chấp quan trọng nào ở Biển Đông, bởi vì làm như thế sẽ khiến Trung Quốc
khó tập trung vào mục tiêu quan trọng: thống nhất với Đài Loan.
Tiếp tục đưa ra những ý tưởng ấn tượng, cuối năm
2014, ông có một bài tham luận dài trên tập san Chính Trị Quốc Tế, một ấn phẩm
thuộc loại có trình độ học thuật cao của Trung Quốc. Bài tham luận được đăng
hai lần, cho thấy nó đã được đánh giá tốt. Bài có tựa “Ý nghĩa của những diễn
biến ở Ukraina đối với thế giới và cũng là những cảnh báo cho Trung Quốc.”
Theo cái nhìn của tác giả bài tham luận, Nga đã thắng
lớn phương Tây trong vụ này và Putin là chiến lược gia bậc thầy. Họ Trương
không ngại ngùng tuyên bố sự kiện ở Ukraina mang lại cho Trung Quốc một “kinh
nghiệm giáo huấn” quan trọng.
Ông nói rằng Moscow chiến thắng bởi vì đối với Nga,
Crimea là vùng đất sinh tử, trong khi đối ới Châu Âu, nó chỉ là một trong nhiều
chuyện quan trọng. “Với Crimea, Moscow sẵn sàng tung hết nguồn lực vào, nhưng
phương Tây thì không.” Nói kiểu xì-phé, Nga sẵn tố mí ga, xả láng sáng về sớm,
Tây Âu thì pha.
Yếu tố tư cách lãnh tụ cũng góp phần vào sự thành
công của Nga tại Crimea. Họ Trương nói có thể diễn nôm thế này: khi ra sàn nhảy
của Bước Chân Hoàn Vũ, Khrushchev thì phăng-te-zi bậy bạ, hay lắc đủ kiểu;
Gorbachev thì quá chân phương, tắc tắc xình tắc tắc xình; trong khi đó, Putin
đi những bước thật chắc theo kiểu Stalin và làm chủ được tình huống có nhiều
người đạp chân nhau trên sàn.
(Trong một bài khác, Tiến sĩ Goldstein có nhận xét
là nhiều người Trung Quốc ngưỡng mộ hành động chiếm đoạt Crimea của Putin vào đầu
năm 2014.)
Đánh giá nước Nga trước thế giới, họ Trương nói rằng
“dựa trên chiều dài lịch sử, sức mạnh của Nga không thể đi quá xa, nhưng muốn tỏ
sức mạnh ở Ukraina, Nga không có vấn đề gì sất.” Ông còn gợi ý rằng Putin tăng
uy tín là tất yếu bởi vì “một đất nước đứng trước khủng hoảng thường có khuynh
hướng đẻ ra một lãnh tụ đầy năng lực.” Nhưng ông giải thích chỉa khóa để Putin
chận được “ý đồ bành trương của NATO sang phía đông” là tổng thống Nga đã tạo
được một sự “đồng thuận toàn dân.” Ông nghĩ Trung Quốc cũng có thể tạo được đồng
thuận kiểu này, dẫn đến một tác động địa chính trị quan trọng tương tự.
Họ Trương viết tiếp: sau khi Putin đã chận được đà
tiến về hướng đông của NATO, “người phương Tây bắt đầu nhìn sang Trung Quốc. Họ
sẽ thắc mắc: vậy thì Trung Quốc muốn gì? Đối với Trung Quốc, không gì khó chịu
cho bằng khi thấy thái độ của người phương Tây cực kỳ phù phiếm, bá láp.”
Quay sang đề tài phát triển quan hệ Nga-Hoa, một đề
tài cấp thiết hơn, họ Trương nói thẳng: “Sai lầm lớn trong chính sách đối ngoại
của Mỹ ở thế kỷ 21 là đã đẩy Trung Quốc về phía Nga.” Theo hướng này, ông có một
nhận xét lý thú: “… nếu biên giới Nga-Hoa không ổn định, không thể nào mường tượng
chuyện Nga đánh chiếm Crimea năm 2014.”
Đánh giá giới lãnh đạo Mỹ trong thời gian vừa
qua-như George W. Bush hoặc Hillary Clinton-họ Trương nói những người này “chỉ
biết những luận điệu rỗng tuếch, không có ý thức chiến lược.” Còn chính sách
Xoay Trục của Obama bây giờ là “một ý đồ của Mỹ muốn quay lại với chính sách của
thập niên 1950, tạo ra một vòng vây Trung Quốc.”
Trương Vấn Mộc xem tình hình ở Ukraina là một nét tỏ
lộ sự thật trên sân khấu chính trị thế giới. Trong ý nghĩa này, ông mạnh mẽ phê
phán các đồng nghiệp Trung Quốc nào muốn “tuân thủ luật pháp để giải quyết êm
thắm tất cả mọi vấn đề.” Tương tự như vậy, ông khuyên lãnh đạo Trung Quốc chớ
nên đặt nặng vào “quyền lực mềm.” Ông viết: “… người Nga đâu có dựa vào quyền lực
mềm, thay vào đó, họ trực tiếp dùng xe tăng để giải quyết vấn đề.”
Ông cũng phê phán những học giả Trung Quốc nào chủ
trương “không nên chống Mỹ vì Mỹ bây giờ là sếp sòng, chống lại sếp sòng sẽ
mang lại hậu quả không hay.”
Họ Trương khẳng định: “Tư duy đó là sai.” Để minh họa
cho sự sai lầm khi Trung Quốc chọn con đường phục tùng Mỹ, ông nói nếu trong
giai đoạn đầu lập quốc, người Mỹ đi theo con đường tránh đối đầu trực tiếp thì
họ chẳng bao giờ thoát khỏi vòng tay đô hộ bá quyền của người Anh.
Nhắn nhủ những người đồng hương có thái độ nhân nhượng,
ông nói nếu Trung Quốc không chịu đứng thẳng người, nhìn thẳng vào mắt người
phương Tây, thì phe phương Tây trước sau gì cũng “đắc thốn tiến xích,” được
đàng chân lấn đàng đầu.
Đánh giá Washington, họ Trương trích câu nói của Mao
“Hoa Kỳ có thể trông giống như con ác quỷ to đùng, nhưng thực ra chỉ là con
hổ giấy.”
Ở đoạn cuối của bài tham luận, họ Trương có vẻ muốn
Bắc Kinh phải có một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn, dựa trên nguyên tắc ở
đâu cũng vậy, thương mại chịu tác động của chính trị.
Ông mạnh mẽ và dứt khoát muốn Trung Quốc có một “khoảng
không gian an toàn,” nếu không, sẽ khó có được an ninh thực sự. Không gian này
nhằm bảo vệ “vòng đai vàng” chạy dọc theo vùng biển miền đông. Theo ông, hiện
nay vòng đai này đang gặp một khúc xương, là Đài Loan, hòn đảo làm khựng lại sự
phát triển đầy đủ sức mạnh đường biển của Trung Quốc. Sức mạnh này là chìa khóa
giúp bảo vệ khu vực và cuối cùng là bảo vệ an ninh cho Trung Quốc.
Tự đặt câu hỏi “liệu có thể thống nhất với Đài
Loan được hay không?” họ Trương tự trả lời “được chứ. Trong trường hợp
Ukrainea, Putin đã nới rộng được khu vực an ninh đến tận phía nam Crimea, NATO
chỉ đứng nhìn, bởi vì Crimea nằm ngoài tầm sức mạnh của NATO.”
***
Tiến sĩ Goldstein cho rằng có nhiều phần chắc lập
trường của ông Trương Vấn Mộc không phản ảnh lập trường chung của đa số các
chuyên viên lập chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nói chung là bóng bẩy và
phải đạo hơn.
Tiến sĩ Goldstein ghi nhận: mặc dù họ Trương được
nhiều chiến lược gia Trung Quốc gọi là “diều hâu chúa,” nhưng ông ta không muốn
thấy Trung Quốc bành trước quá mức giống như các nước lớn khác.
Thế nhưng, theo Tiến sĩ Goldstein, lời lẽ của họ
Trương là một lời nhắc nhở kịp thời cho mọi người thấy rằng nếu Bắc Kinh chọn
con đường đi theo vết chân của Moscow, họ sẽ “hung hăng” hơn nhiều, so với chuyện
đắp đất đắp cát lên mấy hòn đảo tí hon, hoặc đi loanh quoanh ba cái bãi đá ngầm
bằng dăm ba cái tàu tuần duyên chỉ trang bị vũ khí nhẹ.
***
Lời bàn của Mao Tốn Cơm: Đọc xong bài của Tiến sĩ
Goldstein nói về Quân sư Trương Vấn Mộc, Mao Tốn Cơm có một tiếng thở phào và một
tiếng thở dài.
Tiếng thở phào vì may quá, ông Khổng Minh tân thời
này xúi ông Tập Cận Bình nên đánh chiếm Đài Loan thay vì đánh chiếm cái nước
môi hở răng lạnh ở phía nam. Hú vía.
Thoạt nhìn thấy cũng có lý. Thời cơ thuận lợi cho Tập
đại ca. Mỹ đang kẹt vì Afghanistan, Iraq, ISIS. Châu Âu đang mệt với Nga vì
Ukraina. Tình hình biên giới với Nga và Ấn Độ ổn. Túi bạc đang đầy… Đánh chiếm
Đài Loan sẽ đặt Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Đại Hàn trước việc đã rồi. Trong tầm phủ
sóng của Nhật Hàn nhưng ngoài tầm phủ sóng của Mỹ, liệu Nhật Hàn có dám chơi
không?
Nhưng xét kỹ thì phải nói giống như Nguyễn Minh Triết đã nói trong
phút 4:41 của video này, ông Obama ơi, vấn đề này là khó lắm đó.
Tiếng thở dài vì tuy ông Trương Vấn Mộc không xúi
đánh Việt Nam nhưng trong thực tế, Việt Nam bây giờ có còn thực sự do người Việt
Nam làm chủ đâu. Hết rừng đầu nguồn đến khai thác bô-xít, hết bô-xít đến Vũng
Áng, hết Vũng Áng đến khu du lịch đèo Hải Vân… Ngoài biển, vạn lý trường thành
bằng cát tiếp tục đắp bồi… Có lấy nước Biển Đông làm mực, trúc Trường Sơn làm
bút cũng không viết ra hết các tội.
© Đàn Chim Việt
-------------------
THEO
DÒNG SỰ KIỆN:
No comments:
Post a Comment