Monday, April 6, 2015

Tôi không làm chính trị, nhưng quyết làm điều chính đáng (Ts. Nguyễn Đình Thắng - Mạch Sống)





Ts. Nguyễn Đình Thắng  -  Mạch Sống  
Posted on Friday, April 03, 2015 @ 15:24:24 EDT

Chủ Nhật vừa rồi, sau buổi nói chuyện ở Nhà Thơ Đức Mẹ Ban Ơn Lành, một số anh chị ở Detroit "khoản đãi" chúng tôi bữa cơm lỡ cỡ giữa trưa và chiều trước khi chúng tôi lái xe hơn 2 tiếng đồng hồ về lại Grand Rapids. "Chúng tôi" đây gồm có anh Việt Hải, cư dân Grand Rapids, là người lái xe; chị Jackie đến từ Chicago; và tôi.

Trong không khí thân tình và san sẻ giữa những người nặng lòng với quê hương, câu chuyện xoay quanh nhiều đề tài, nào là xây dựng tinh thần đoàn kết, tuyển mộ giới trẻ, vận động chính sách Hoa Kỳ, phối hợp trong-ngoài...

Mọi người có vẻ chú ý nhất khi nghe tôi khẳng định: "Tôi không làm chính trị" dù ở Hoa Kỳ hay ở Việt Nam.

Quả vậy, chủ trương của tôi từ trước đến giờ là không làm chính trị. Các anh chị ở Detroit tỏ vẻ ngạc nhiên về thái độ này. Nhưng khi tôi giải thích thì mọi người đều cảm thông và biểu tỏ sự đồng ý.

Thế nào là làm chính trị?

Chúng ta không thể đồng ý hay không đồng ý với một khái niệm mơ hồ, mỗi người diễn giải một cách.
Trong định nghĩa của tôi, mà cũng là định nghĩa thông dụng ở các xã hội dân chủ, thì làm chính trị hàm ý tham chính: Hoạt động để chính mình hay người của mình tham gia chính quyền, kể cả việc thay thế đảng đương quyền. Đó là ở Hoa Kỳ. Còn ở Việt Nam thì sự tham chính này đòi hỏi tiền đề là phải thay đổi chế độ.
Để thay đổi hiện trạng xã hội, có hai cách: từ trên xuống và từ dưới lên. Làm chính trị là tác động sự thay đổi từ trên xuống, và muốn vậy thì phải tham chính. Tôi chẳng bao giờ thích thú với việc “làm từ trên xuống” ấy dù ở Hoa Kỳ hay ở Việt Nam. Tôi chủ trương làm từ dưới lên.
"Tôi không làm chính trị" là hiểu theo nghĩa ấy.

Làm điều chính đáng

"Không làm chính trị" không đồng nghĩa với “không làm điều chính đáng”.
Chống bất công xã hội là điều chính đáng.
Bảo vệ quyền con người là điều chính đáng.
Đẩy lùi chính sách đàn áp tôn giáo là điều chính đáng.  
Quốc tế vận để áp lực chế độ độc tài chấp nhận dân chủ hoá là điều chính đáng.
Bênh vực cho các tù nhân lương tâm là điều chính đáng.
Xây dựng thế và lực cho người dân để tự bảo vệ quyền và lợi ích là điều chính đáng.
Làm điều chính đáng là hành động theo lương tâm và ý thức, là thực thi nghĩa vụ của con người đối với con người, của đồng bào đối với nhau.

Có người gọi "điều chính đáng" là "chính sự". Dùng ngôn ngữ ấy, dù không làm chính trị thì vẫn phải làm chính sự, nhất là đối với những người tị nạn như chúng ta đã được ân sủng từ các việc làm chính đáng của nhân loại. Khi chúng ta bỏ nước ra đi, bao nhiêu người xa lạ đã lên án chế độ cộng sản độc tài và vận động Liên Hiệp Quốc và các chính quyền cưu mang, cứu giúp, bảo vệ và định cư chúng ta. Nhờ họ đã làm điều chính đáng mà chúng ta được có ngày nay.   

Thay đổi chế độ từ dưới lên

Hôm ấy có người lên tiếng không chấp nhận chế độ cộng sản và chủ trương phải loại trừ nó.
Tôi chia sẻ rằng điều này không là mục đích mà chỉ là hệ quả của phương cách “từ dưới lên”. Phương cách ấy đem dân chủ đích thực và trường tồn cho dân tộc vì chỉ có dân chủ thì đất nước mới phát triển và độc lập. Chúng ta không muốn một chế độ độc tài ra đi để rồi "được" thay thế bởi một chế độ độc tài khác, kể cả độc tài không cộng sản.
Và muốn có dân chủ thì thế và lực của dân phải vượt lên trên thế và lực của chế độ, bất kỳ chế độ nào. Khi ấy, người dân sẽ kiểm soát chính quyền, chọn chế độ họ muốn và sa thải chế độ họ không muốn. Đấy là phương pháp "từ dưới lên": tạo nội lực cho người dân để người dân vĩnh viễn làm chủ vận mạng của chính mình, của xã hội và của đất nước. Con đường này xa hơn nhưng phúc lợi sẽ lâu bền hơn cho dân tộc.
Và rồi tôi chia sẻ ngắn gọn kế hoạch ba bước 10 năm để thực hiện điều này, mà đến nay đã đi nửa đoạn đường.

Cảm thông dù không đồng ý

Tôi không rõ những người bạn ở quanh bàn nghĩ sao về quan điểm của mình, nhưng điều này không quan trọng. Quan trọng là sự trao đổi, chia sẻ quan điểm trong tinh thần tương kính. Và quan trọng hơn nữa là những tấm lòng son sắt cùng hướng về tổ quốc, sẵn sàng mở rộng lòng và trí tuệ để tìm hướng đi đúng cho dân tộc và quê hương. 

Và mọi người cùng đồng ý rằng không làm chính trị thì vẫn phải làm chính sự.

Hôm ấy trời bất chợt đổ tuyết dù đã vào Xuân. Cuộc trò chuyện trong không khí ấm cúng của nhà hàng kéo dài đến chiều.

Khi 3 người chúng tôi về đến Grand Rapids thì đã là 10 giờ đêm. Nửa tiếng sau tôi lại có buổi tâm tình với một số bạn trẻ thuộc nhóm Đại Tín đến tận khuya.







No comments: