Tuesday, April 7, 2015

Tác động của phúc trình "Rubber Barons" của Global Witness (Gia Minh - RFA)





Gia Minh, biên tập viên RFA
2015-04-07

Cách đây gần hai năm, Global Witness, tổ chức có trụ sở chính tại Anh Quốc, chuyên vận động đưa ra ánh sáng những hoạt động gây tác hại cho môi trường, xã hội công bố phúc trình về hoạt động đầu tư trồng cao su của hai đơn vị Việt Nam là Tổng công ty Cao Su Nhà nước  và Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Kampuchia. Hoạt động đó gây nên nhiều tác động bất lợi về môi trường và xã hội cho cư dân địa phương nơi bị lấy đất để trồng cao su.
Từ đó đến nay đã có những chuyển biến gì đáng chú ý?

Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này Gia Minh có cuộc nói chuyện với bà Megan MacInnes phụ trách về vấn đề vừa nêu nhân dịp bà sang Washington DC để có trình bày về tình hình liên quan.
Trước hết bà Megan MacInnes cho biết:

Bà Megan MacInnes: Tôi có mặt tại Washington trong tuần này để tham dự hội nghị của Ngân hàng Thế giới về đất đai và đói nghèo. Tại hội nghị tôi trình bày hoạt động của Global Witness làm việc với Tập đoàn Cao Su Việt Nam ( Vietnam Rubber Group- VRB) về những đồn điền cao su của họ tại Kampuchia và Lào.

Gia Minh: Đâu là những mặt tiêu cực của những dự án như thế của các công ty Việt Nam tại Kampuchia và Lào?
Bà Megan MacInnes: Vào tháng 5 năm 2013, tức hai năm trước đây, chúng tôi công bố phúc trình mang tên ‘Rubber Barons- Những ông vua cao su’. Phúc trình này xem xét việc mở rộng những đồn điền cao su của các công ty Việt Nam tại Kampuchia và Lào. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến Tập đoàn Cao Su Việt Nam và một đơn vị tư nhân là Công ty Hoàng Anh Gia Lai với những đồn điền cao su của họ ở hai nước Kampuchia và Lào. Tác động bất lợi mà chúng tôi thấy gồm những vụ tranh chấp lớn với cộng đồng địa phương, đặc biệt những cư dân mất đất, khiến họ không có đủ cái ăn nuôi sống bản thân, sự nghèo đói gia tăng. Chúng tôi cũng xem xét đến những vấn đề môi trường, nạn phá rừng, gây ô nhiễm do những đồn điền cao su gây ra.
Những điều mà tôi trình bày tại Ngân Hàng Thế giới là việc làm với phía Tập đoàn Cao su Việt Nam để thực hiện những biện pháp giải quyết bù đắp cho những thiệt hại gây ra tại những địa phương cụ thể có đồn điền cao su, cũng như công tác quản trị hoạt động chung với mục đích không lặp lại những vấn đề tương tự trong tương lai.

Gia Minh: Vậy bà có thể chia sẻ những tiến triển đạt được khi làm việc với Tập đoàn Cao su Việt Nam?
Bà Megan MacInnes: Điều thú vị mà tôi muốn chia xẻ là từ khi chúng tôi bắt đầu làm nghiên cứu từ năm 2012, chúng tôi nhận thấy Hoàng Anh Gia Lai, một đơn vị tư nhân có nhiều đầu tư ra nước ngoài, hẳn sẽ có những phản hồi nhiều hơn Tập đoàn Cao Su Việt Nam; nhưng thực tế lại trái ngược. Chúng tôi rất ngạc nhiên là mặc dù Hoàng Anh Gia Lai có được những khoản đầu tư và tham dự của nước ngoài, nhưng khi chúng tôi làm việc với Tập Đoàn Cao su Việt Nam lại có tiến triển hơn.
Tập đoàn Cao su Việt nam tiến hành thực hiện hai sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề. Thứ nhất là tiến trình tham vấn cộng đồng liên quan đến 22 đồn điền cao su mà tập đoàn này đang có tại Kampuchia và Lào. Rồi cơ chế phản hồi, thông tin và khiếu nại nhằm cải thiện thông tin liên lạc giữa các cộng đồng cư dân sống quanh đồn điền cao su và những tổ chức xã hội dân sự làm việc với công trên thực địa tại Kampuchia và Lào.
Về qui trình tham vấn cộng đồng, chúng tôi nhận thấy dù chậm nhưng có tiến triển chút ít và chúng tôi tiếp tục gặp gỡ Tập đoàn Cao su Việt Nam để lắng nghe về tiến triển trong lĩnh vực này. Còn đối với cơ chế thông tin được đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái, tức 9 tháng trước, cũng có đôi chút tiến triển, nhưng chúng tôi chưa thấy được triển khai trong thực tế cơ sở. Vì thế chúng tôi sẽ sớm làm việc với Tập đoàn Cao su Việt Nam để phản hồi và thảo luận với họ cách thức thực hiện đầy đủ ở cấp địa phương để có được tác động mà cộng đồng mong đợi.

Gia Minh: Trong phúc trình đưa ra cách đây hai năm có đề cập đến Công ty Tài Chính Quốc tế- IFC, một đơn vị của Ngân Hàng Thế giới, vậy những phản hồi từ phía IFC là gì và những điều được thực hiện?
Bà Megan MacInnes: Trước và sau khi công bố phúc trình chúng tôi đều có gặp IFC. Họ có đầu tư tài chính cho Hoàng Anh Gia Lai thông qua một quỹ đầu tư Việt Nam có tên Dragon Capital. Vì thế IFC làm việc với Dragon Capital để bảo đảm các khoản đầu tư theo đúng qui chuẩn của IFC. Như vậy có tiến triển nhưng theo chúng tôi chưa đầy đủ.
Đối với Hoàng Anh Gia Lai, một trọng tâm chú ý từ khi công bố phúc trình, đó là những khiếu nại về tác động mà cộng đồng cư dân địa phương nêu ra với Ngân Hàng Thế giới, IFC từ tháng 2 năm ngoái. IFC đã đưa ra một qui trình giải quyết tranh chấp giữa cộng đồng địa phương và công ty trên thực địa ở Kampuchia. Theo chúng tôi đây là cơ hội tốt nhất để cư dân địa phương và công ty giải quyết những tranh chấp, cải sửa những vấn đề mà công ty này gây nên. Đó là tiến triển nhận thấy được trên thực địa ở Kampuchia. Còn ở Lào thì chậm hơn vì người dân địa phương không được cho biết họ có công cụ khiếu nại đến IFC về những hoạt động trên thực địa của Hoàng Anh Gia Lai.
Còn về khoản tài trợ thì chúng tôi được biết IFC vẫn tiếp tục qua quỹ đầu tư tại Việt Nam can dự vào Hoàng Anh Gia Lai.

Gia Minh: Bà vừa nói Tập đoàn Cao su Việt Nam hợp tác với Global Witness hơn là Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi công bố phúc trình thì chúng tôi có phỏng vấn chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai và ông này nói muốn mời đại diện Global Witness sang làm việc. Thực tế đã có bao nhiêu cuộc làm việc giữa Global Witness với Hoàng Anh Gia Lai để thảo luận vấn đề?
Bà Megan MacInnes: Chúng tôi có nhiều cuộc gặp khi đến Việt Nam, và gặp những viên chức cấp điều hành của công ty này. Đầu tiên vào tháng 6 năm 2013, sau khi bản phúc trình được công bố, sự hợp tác rất tốt và thông tin liên lạc giữa đôi bên cũng mạnh và có những bước mà cả đôi bên thống nhất với nhau. Tuy vậy, mọi chuyện không theo hướng mà chúng tôi hy vọng.
Một vấn đề nữa là những cộng đồng dân cư tại Kampuchia muốn khiếu nại đến IFC và thương thảo trực tiếp với công ty, chúng tôi cho đó là quan trọng nên Global Witness rút về phía sau để cộng đồng địa phương ra mặt thương thảo với công ty. Chúng tôi chỉ giám sát tiến trình giải quyết, và không còn trực tiếp liên lạc với công ty. Tuy nhiên không có nhiều tiến triển trên thực địa.

Gia Minh: Nhưng Hoàng Anh- Gia Lai nói rằng họ thực hiện nhiều điều tốt cho cộng đồng cư dân nơi rừng được phá để trồng cao su. Bà có đồng ý và chứng kiến những đóng góp thực tế không?
Bà Megan MacInnes: Vâng Hoàng Anh Gia Lai đã nói và đưa ra cam kết công khai sẽ giải quyết vấn đề và mang lại những tác động có lợi tại Kampuchia và Lào. Nhưng chúng tôi chưa thấy những điều đó được thực hiện qua những đổi thay thực sự. Những bước mà công ty này thực hiện tỏ ra mang tính ‘quảng bá’ cho công ty, cho tiếng tăm của họ hơn là nghiêm túc và giải quyết vấn đề trong thực tế. Đơn cử Hoàng Anh- Gia lai mời Global Witness đi thăm hiện trường tại Lào và Kampuchia. Chúng tôi rất vui được tiến hành điều đó với hai điều kiện. Thứ nhất đi thực tế không có báo chí, phóng viên đi theo do như thế nguy hiểm cho cộng đồng dân cư địa phương vì đó là những cuộc gặp riêng. Điều kiện thứ hai là ngoài việc Global Witness đi với Hoàng Anh- Gia Lai, công ty phải thuê đơn vị ‘kiểm toán’ độc lập được tự họ tiếp cận vấn đề thực địa. Chúng tôi chưa hề đạt được thống nhất với Hoàng Anh- Gia Lai về những điều kiện đó cho nên những chuyến đi giữa Global Witness và Hoàng Anh- Gia Lai chưa thể tiến hành.

Gia Minh: Vậy Global Witness có những dịp thực hiện các chuyến đi riêng để đánh giá tình hình?
Bà Megan MacInnes: Vâng, chúng tôi luôn tiếp tục làm việc với các đơn vị nghiên cứu địa phương giám sát tình hình thực địa kể từ sau khi công bố phúc trình; nhưng ban đầu trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 trước khi công bố phúc trình chúng tôi cũng có những chuyến đi thực địa.

Gia Minh: Xin bà chia sẻ lại những ấn tượng thực sự khi chứng kiến đất bị dọn sạch để trồng cao su?
Bà Megan MacInnes: Có quá nhiều vấn đề về chuyện này. Chúng tôi thấy rằng quyền đất đai của người địa phương bị phớt lờ đi. Đời sống người dân bị tác động bất lợi vì ruộng lúa của người dân bị phá đi; những khu tâm linh, nghĩa địa nơi chon cất ông bà tổ tiên bị dọn sạch. Rồi đời sống, vấn đề an ninh lương thực của họ bị tác động vì họ không còn được tiếp cận những nguồn mà họ dựa vào đó để kiếm sống. Đó là những vấn đề xã hội. Ngoài ra còn có những tác động về môi trường đối với đa dạng sinh học địa phương khi mà chúng ta đang đối diện với những mối nguy toàn cầu đáng kể. Động vật hoang dã, những loài cây rừng còn bị đe dọa thêm nữa trước kế hoạch mở rộng những đồn điền cao su của Hoàng Anh – Gia Lai. Nhiều đồn điền này còn nằm trong những khu vực bảo tồn mà lẽ ra không được phá đi.
Dĩ nhiên tác động môi trường và xã hội rộng lớn khiến gia tăng nghèo đói tại khu vực địa phương. Rồi tác động về nguồn nước, lượng mưa khi chặt cây. Qui mô tác động thấy được thực là nghiêm trọng. Theo chúng tôi thì chính quyền Kampuchia, Lào và Việt Nam phải nghiêm túc trong vấn nạn này.

Gia Minh: Trong quá trình giúp cư dân địa phương bảo vệ quyền lợi của họ, Global Witness có nhận được sự trợ giúp của những tổ chức phi chính phủ khác không?
Bà Megan MacInnes: Thưa có, hoạt động của chúng tôi với đối tác xã hội dân sự địa phương là thiết yếu vì trong công tác này chúng tôi không thể tiến hành mà không có hợp tác của họ. Thực tế chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các tổ chức địa phương tại Lào và Kampuchia. Đơn cử tổ chức địa phương hỗ trợ cho cộng đồng trong giải quyết tranh chấp với Hoàng Anh Gia Lai. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với họ. Chúng tôi cũng thường xuyên nhận được phản hồi từ các tổ chức địa phương thông qua cơ chế phản hồi mà Tập đoàn Cao su Việt Nam thiết lập ra.
Chúng tôi cũng còn làm việc và liên lạc với những tổ chức Việt Nam, những tổ chức phi chính phủ để xem xét tác động khu vực của việc đầu tư ra ngoại quốc của Việt Nam mà gây ra những mối nguy về mặt xã hội và môi trường; từ đó bảo đảm những công ty Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Cao su Việt Nam không gây nên tác động như thế từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của họ nữa.

Gia Minh: Cám ơn bà Megan MacInnes và chúc công việc của Global Witness thành công.

Tạp chí Khoa học-Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.






No comments: