Wednesday, April 8, 2015

Quan hệ Việt-Nga đang ở đâu? (Việt Hoàng)





Được đăng ngày Thứ tư, 08 Tháng 4 2015 04:00

Nhân chuyến thăm Việt Nam của thủ tướng Nga Medvedev bắt đầu từ ngày 6/4/2105, mối quan hệ Việt -Nga lại được hâm nóng bằng một loạt các văn kiện sẽ được ký kết như việc Việt Nam sẽ tham gia vào Liên minh kinh tế Á-Âu gồm Nga và bốn nước Trung Á (thuộc Liên xô cũ), mở rộng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, khai thác mỏ, lắp ráp xe ô tô… Một không khí hồ hởi xuất hiện trên báo chí  như là một cơ hội để Việt Nam thâm nhập vào thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng của Nga. Nên nhìn nhận và đánh giá mối quan hệ này như thế nào?

Chúng ta đều biết là Việt Nam có mối quan hệ truyền thống và khá đặc biệt đối với Nga, trước đây là Liên Xô. Chính nhờ sự viện trợ rất lớn của Liên Xô mà nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được hình thành và giành được chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh chiếm miền Nam. Việt Nam là một đồng minh quan trọng của Liên Xô và là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa tại Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung. Mối quan hệ anh em này kết thúc khi Liên Xô tan rã. Mọi viện trợ không hoàn lại từ Nga đều chấm dứt. Nga không còn ý định bao cấp cho các nước đàn em xã hội chủ nghĩa nữa. Mối quan hệ song phương và đa phương đối với Nga đều được đặt trên lợi ích kinh tế, thuận mua vừa bán.

Quan hệ Việt-Nga trở nên nguội lạnh dưới thời En-xin vì vướng mắc ở vấn đề nợ của Việt Nam. Do đồng rúp bị trượt giá mạnh và do liên bang Xô viết bị tan rã nên phải mất nhiều thời gian và thủ tục thì cuối cùng mới chốt lại được số nợ mà Việt Nam phải trả cho Nga. Tuy nhiên Việt Nam làm gì có tiền để trả nợ nên phải trả dần bằng hàng hóa nông sản. Doanh nhân Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên, người đang bóc lịch 30 năm trong tù) là người nhạy bén và đã có công giúp Việt Nam trả nợ Nga bằng việc đối lưu hàng hóa giữa hai nước. Hàng hóa từ Việt Nam nhập vào Nga đều do tư nhân làm, chủ yếu là hàng may mặc rẻ tiền và hải sản như tôm, cá basa… Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Nga cực thấp, chỉ hơn 3 tỉ đôla mỗi năm.

Quan hệ Việt – Nga mới thực sự trở lại nồng ấm trong thời gian gần đây khi Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong việc đòi hỏi chủ quyền toàn bộ khu vực Biển Đông. Đứng trước sự đe dọa của người “vừa là đồng chí, vừa là anh em” Trung Quốc, nên dù kinh tế còn khó khăn nhưng Việt Nam vẫn phải mua nhiều vũ khí của Nga để tự vệ và tăng cường khả năng phòng thủ. Việt Nam trở thành một trong những khách hàng lớn của Nga về vũ khí (đơn đặt hàng mua vũ khí của Việt Nam với Nga trong năm 2014 đạt 1 tỉ đôla).

Sự kiện lớn làm thay đổi cục diện nước Nga trong năm 2014 đó là việc Nga sát nhập bán đảo Krưm (Crimea) của Ukraina vào lãnh thổ Nga và sau đó là sự can thiệp quân sự vào hai tỉnh miền Đông Ukraina khiến Mỹ và Phương Tây áp đặt cấm vận lên Nga. Để phá vỡ thế bao vây cấm vận này, Nga đã tìm kiếm và khôi phục lại quan hệ với các nước có quan hệ truyền thống lâu đời như Việt Nam, Cuba, Venezuela, Bắc Triều Tiên, Sirya… Một quan hệ mang tính chiến lược và nổi bật nhất của Nga đó là quan hệ giữa hai cường quốc đang lên và đều chống Mỹ đó là trục Nga-Trung. Mối quan hệ Nga-Trung đã đạt một tầm vóc mang tính chiến lược mới bằng những việc làm ‘vô tiền khoáng hậu’ như ký kết một hợp đồng khí đốt khổng lồ lên tới 400 tỉ đôla, hay việc Nga bán cho Trung Quốc những vũ khí tối tân nhất của mình như hệ thống tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu thế hệ mới SU-35…

Nga cũng rất cần đến Việt Nam vì Việt Nam có một vị thế địa chính trị quan trọng và là cửa ngõ để Nga thâm nhập thị trường ASEAN. Một thành công bước đầu của Nga là được phép sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh để neo đậu tàu chiến và máy bay để tiếp tế cho các hoạt động quân sự cho quân đội Nga tại Châu Á-Thái Bình Dương. Sự kiện Mỹ lên tiếng than phiền Việt Nam khi các máy bay tiếp dầu Nga được cất cánh từ Cam Ranh để tiếp liệu cho các máy bay ném bom tầm xa của Nga đang hoạt động trong khu vực là một ví dụ.

Rõ ràng là Nga đang cần cả Trung Quốc lẫn Việt Nam để làm đối trọng với Mỹ. Tuy nhiên ai cũng biết một điều là nếu đặt lên bàn cân thì Trung Quốc nặng ký hơn Việt Nam rất nhiều. Việt Nam ngoài vị trí địa chính trị và quân cảng Cam Ranh ra không còn gì cả trong khi Trung Quốc thì hoàn toàn khác. Nếu phải chọn thì đương nhiên Nga sẽ chọn Trung Quốc và bỏ Việt Nam. Tất nhiên là Nga không muốn một cuộc chiến Việt-Trung xảy ra nhưng nếu nó vẫn phải xảy ra thì dưới sức ép của Trung Quốc thì Nga có thể ngừng cung cấp vũ khí cho Việt Nam.

Vậy Việt Nam cần giữ mối quan hệ với Nga như thế nào cho có lợi và hợp lý? Đầu tiên cần khẳng định rằng Việt Nam sẽ không chống Nga trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lý do là chúng ta không có công cụ gì để chống Nga hơn nữa chúng ta có quan hệ truyền thống lâu đời và tốt đẹp với Nga. Thật ra thì Việt Nam sẽ không chống lại bất cứ một nước nào chứ không riêng gì Nga, kể cả Trung Quốc. Việt Nam chỉ mong bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ của mình đã là khó chứ nghĩ gì đến chuyện chống nước này nước kia hay tham gia vào các cuộc thư hùng của các cường quốc như ông tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn thường tuyên bố. Việt Nam cần hợp tác thân thiện với Nga. Nhưng chúng ta cần biết rõ thế mạnh của Nga để đưa ra những đề nghị hợp tác cụ thể.

Nga có thế mạnh là chế tạo vũ khí, khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài ra Nga còn là một quốc gia rộng lớn và vì vậy họ cần đến một lượng lao động lớn. Việt Nam có thể hợp tác sản xuất các loại vũ khí hoặc nâng cấp các loại vũ khí có nguồn gốc từ Nga. Tuy nhiên không thể đặt hết cửa vào Nga vì có thể một lúc nào đó Nga sẽ đơn phương dừng hợp tác do sức ép từ Trung Quốc. Việc ông Medvedev đề nghị cho Việt Nam vào Nga khai thác này nọ cũng mang tính xã giao là chính, Việt Nam lấy đâu ra công nghệ để làm việc đó? Liên doanh dầu khí Vietsopetro chủ yếu để tìm và khai thác các mỏ dầu ngoài khơi Việt Nam là chính chứ không phải trong đất Nga. Lĩnh vực xuất khẩu nông hải sản từ Việt Nam vào Nga cũng không hề dễ dàng khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ chất lượng và mẫu mã như hiện nay. Dù chính phủ và người dân Nga không thích Mỹ và Phương Tây nhưng hàng hóa của Mỹ và Phương Tây lại là chuyện khác. Hàng hóa từ Việt Nam vẫn chưa có một chổ đứng nào đáng kể trong thị trường Nga. Muốn thay đổi thói quen và chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng Nga thì các doanh nhân Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Lĩnh vực xuất khẩu lao động phổ thông sang Nga có tiềm năng rất lớn tuy nhiên Việt Nam cần phải minh bạch và công khai trong việc ký kết các hợp đồng với đối tác Nga. Nếu không người lao động Việt Nam sẽ biến thành nô lệ kiểu mới… Trách nhiệm này thuộc về chính phủ Việt Nam chứ không thể phó mặc cho các doanh nghiệp tư nhân.

Hiện tại Việt Nam đang bị giằng kéo giữa ba cường quốc lớn là Mỹ-Nga-Trung. Để cân bằng được giữa ba cường quốc này không dễ khi lợi ích của họ ngày càng va đập mạnh. Việt Nam phải biết chọn bạn mà chơi và phải tiên liệu được gì sẽ xảy ra để có những lựa chọn thích hợp. Nga không đơn thuần là một quốc gia mà là một “thế giới Nga”. Thế giới Nga khó và có lẽ sẽ không thể nào hòa nhập với những phần còn lại của thế giới chung. Thế giới Nga đủ rộng và đủ tiềm lực để đứng một mình một phương trời. Quan hệ của thế giới Nga với thế giới văn minh (Mỹ và Phương Tây) sẽ không bao giờ hàn gắn được sau những gì xảy ra ở Ukraina. Hai thế giới này sẽ tìm kiếm một thỏa thuận để chung sống hòa bình với nhau trong bất đồng. Cuộc chạy đua để giành ngôi vị bá chủ thế giới chủ yếu là giữa Mỹ và siêu cường đang lên Trung Quốc. Việt Nam dù muốn hay không thì vẫn đang bị nhiều sức ép đến từ Trung Quốc và chỉ có Mỹ là nhân tố có thể kìm hãm được sự bành trướng của Trung Quốc. Lợi ích của Mỹ và lợi ích của Việt Nam gặp nhau ở một điểm đó là sự đe dọa đến từ Trung Quốc. Thiết lập quan hệ đồng minh với Mỹ một cách tiệm tiến và dứt khoát là lựa chọn duy nhất cho Việt Nam trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền. Nga không giúp được gì Việt Nam trong việc này.

Việt Hoàng








No comments: