Đăng ngày 13-04-2015
Hội
nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ, họp từ 10 đến 11/04/2015 tại Panama là một sự kiện lịch
sử : Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khai mở một chương mới trong quan hệ giữa
Hoa Kỳ và các nước Châu Mỹ Latinh vốn thường xuyên bị chao đảo trong nhiều thập
niên qua.
Tiếp theo thông báo hồi tháng 12 năm ngoái về việc
bình thường hóa quan hệ song phương, tại Thượng đỉnh lần này, với cuộc gặp đầu
tiên rất cởi mở, hữu nghị, kể từ hơn nửa thế kỷ qua, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch
Cuba Raul Castro đã chôn vùi những vết tích cuối cùng còn lại của thời kỳ chiến
tranh lạnh.
Trước khoảng ba chục nguyên thủ quốc gia tham dự Thượng
định, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố : « Sự thay đổi (của Mỹ) đối với Cuba đánh dấu
một thời kỳ trước và sau (sự kiện này)… Việc Chủ tịch Castro và tôi ngày hôm
nay, cùng ngồi dự hội nghị tại đây là một sự kiện lịch sử ». Nguyên thủ Mỹ nói
thẳng : « Chiến tranh lạnh đã kết thúc từ lâu. Tôi không quan tâm đến
những đấu đá vốn đã bắt đầu kể từ khi tôi chưa ra đời ».
Cuộc gặp cuối cùng ở cấp nguyên thủ quốc gia giữa Mỹ
và Cuba là vào năm 1956, tức là ba năm trước khi có cuộc Cách mạng của Fidel
Castro. Ông Obama sinh năm 1961, thời điểm Mỹ chính thức cắt đứt mọi quan hệ với
chế độ cộng sản Cuba.
Cuộc gặp Castro-Obama cũng đánh dấu sự tái hội nhập
của Cuba vào cộng đồng các nước Châu Mỹ, bởi vì La Habana bị gạt ra bên lề kể từ
khi cơ chế này được thành lập, vào năm 1994. Theo giới phân tích, cuộc gặp
thượng đỉnh Mỹ-Cuba sẽ tác động mạnh đến các mối quan hệ tại lục địa Châu Mỹ,
cho dù vẫn còn nhiều bất đồng giữa Washington và La Habana.
Bà Joy Olson, thuộc Văn phòng Washington Nghiên cứu
Châu Mỹ Latinh (Washington Office on Latin American – WOLA), được AFP trích dẫn,
nhấn mạnh : « Xét tới cùng, việc giải quyết được căng thẳng giữa Mỹ và
Cuba sẽ giúp thúc đẩy các mối quan hệ đối với phần còn lại ở châu lục này ».
Ông Santiago Canton, phụ trách Trung tâm Robert
Kennedy vì công lý và nhân quyền bổ sung : « Quan hệ giữa Hoa Kỳ và
Châu Mỹ Latinh từ nay sẽ khác. Bóng ma Cuba vốn tồn tại trong các quan hệ song
phương và đa phương giữa Hoa Kỳ và Châu Mỹ Latinh. Kể từ nay, bóng ma này biến
mất ». Ông cũng hy vọng sẽ không xuất hiện một « bóng ma » khác,
tức Venezuela.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela đã đe dọa
Thượng đỉnh Châu Mỹ tại Panama. Nhận thấy có nhiều nước Châu Mỹ Latinh ủng hộ
chính quyền Caracas sau khi Washington đưa ra các trừng phạt, đi kèm với phát
biểu vụng về của ông Obama cho rằng Venezueal « là một mối đe dọa về an ninh »
đối với Hoa Kỳ, trong hai ngày họp hội nghị, nguyên thủ Mỹ cố gắng làm dịu tình
hình.
Trong tuần trước, Washington đã cử một đặc phái viên
tới gặp Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, còn tại hội nghị, ông Obama đã làm
mọi cách để tránh bị chỉ trích trước mặt các nguyên thủ quốc gia khác. Trong
ngày thứ nhất của hội nghị, Tổng thống Mỹ trấn an rằng Venezuela không thực sự
là mối đe dọa về an ninh đối với Hoa Kỳ ; trong ngày thứ hai, ông Obama khéo
léo không tham dự cuộc gặp bàn tròn, trước khi Tổng thống Venezuela đọc diễn
văn và dự tính sẽ trao cho đồng nhiệm Mỹ một bản kiến nghị có hơn 10 triệu chữ
ký đòi Washington hủy bỏ sắc lệnh chống lại chính quyền Caracas.
Tuy nhiên, sau đó, nguyên thủ hai nước đã gặp nhau một
cách không chính thức bên lề hội nghị và ông Obama nhắc lại rằng Hoa Kỳ « không
có lợi ích gì khi đe dọa Venezuela và chỉ muốn ủng hộ dân chủ, ổn định, phồn thịnh
tại Venezuela và trong vùng ».
Giới phân tích nhấn mạnh, tại Thượng đỉnh ở Panama,
ông Obama đã đặt nền móng cho một bước khởi đầu mới trong quan hệ tại châu lục
này, nhưng để tìm lại được vị trí ưu tiên vốn có của mình, Hoa Kỳ còn phải giải
quyết nhiều vấn đề. Hội nghị này chỉ mang lại kết quả nếu Washington kiên trì
các nỗ lực ngoại giao.
------------------------
TIN
LIÊN HỆ :
No comments:
Post a Comment