Wednesday, April 1, 2015

Ngân Hàng Anh Quốc và kinh tế thế giới (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
Wednesday, April 01, 2015 2:33:44 PM

Nước Anh hiện đang ở trong tình trạng chuẩn bị tổng tuyển cử để chọn một chính phủ cho năm năm sắp tới. Trong lúc đảng Bảo Thủ của Thủ Tướng David Cameron đang khoe khoang thành tích của mình với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong các quốc gia phát triển vượt qua cả Hoa Kỳ thì Ngân Hàng Anh Quốc bỗng tung ra một quả bom.

Giới phân tích tài chính e ngại rằng các ngân hàng thương mại của Anh không đủ sức chịu đựng nổi một cuộc khủng hoảng kinh tế mới và sụp đổ thành ra cho mở một cuộc khảo sát mới về khả năng chịu đựng những cú sốc tài chánh có thể xảy ra cho hệ thống.

Nhưng thiên tai tài chánh nào làm cho Ngân Hàng Anh Quốc lo ngại như vậy?

Phải chăng đó là một sự sụp đổ trong giá nhà đất tại Anh vì bong bóng nhà đất tại Luân Ðôn bị xẹp? Hay là một sự tan rã của khu vực Euro gây ra bởi việc Hy Lạp phá sản và rời bỏ khu vực này?

Không! Cả hai chỉ là những lý do phụ. Cặp mắt của Ngân Hàng Anh Quốc nay tập trung vào một chân trời xa hơn - nền kinh tế thế giới. Các ngân hàng Anh, đặc biệt là sáu ngân hàng lớn chính - Barclays, HSBC, Santander UK, Standard Chartered, Lloyds và Royal Bank of Scotland cùng với một công ty tài chánh Nationwide Building Society - được kiểm tra xem chúng có khả năng chịu đựng được một số sự kiện kinh tế xảy ra cùng một lúc như, một sự suy thoái trong khu vực Euro, một tình trạng giảm phát tồi tệ nhất kể từ thời Ðại Khủng Hoàng, việc lãi suất tại Anh xuống bằng không và quan trọng nhất, khả năng một tình trạng trì trệ kinh tế đột ngột tại Trung Quốc!

Vì sao kinh tế Trung Quốc lại được coi là quan trọng như vậy đối với kinh tế Anh, nhất là khi hầu hết quan hệ kinh tế của Anh là với Châu Âu và Mỹ. Nhưng thực tế trong tình trạng liên lập gia tăng của kinh tế thế giới, một vòng xoắn đi xuống của giảm phát bị kích thích bởi một tình trạng trì trệ kinh tế tại Trung Quốc cùng với việc sụp đổ trong tỷ giá của đồng nhân dân tệ, hiện nay được coi như là nguy cơ quan trọng nhất đối với kinh tế thế giới và qua đó đến kinh tế Anh.

Giả thuyết rằng kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng ít nhất là 7% một năm bất kể mọi tình huống nào của kinh tế thế giới vốn đã được quá nhiều người tin vào. Người ta vẫn tự trấn an rằng chính Trung Quốc đã kéo thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tệ nhất kể từ thời Ðại Khủng Hoảng, cuộc Ðại Suy Thoái 2007-09 bằng một chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở khổng lồ. Nhưng điều mà nhiều người tôn sùng vào Trung Quốc quên là khả năng mà nhà nước Trung Quốc lập lại cái chương trình đó hầu như là đã tiêu tán hết. Sau chương trình đầu tư khổng lồ đó - với chính phủ Bắc Kinh bơm tiền hầu như không tính toán vào nền kinh tế, Trung Quốc đã có quá nhiều nợ - 26 ngàn tỷ đô la theo tính toán mới nhất - và những nhà lãnh đạo nước này nay biết rằng nền kinh tế không thể chịu đựng được một số nợ thêm nữa. Ngoài ra trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay với Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì của thế giới (một số tính toán dựa theo tương đương sức mua - PPP - còn cho kinh tế Trung Quốc lên số một) mô hình tăng trưởng qua đầu tư và xuất cảng không còn có thể tiếp tục hoạt động được nữa và các nhà lãnh đạo nước này biết rằng cần phải cải tổ và hướng kinh tế về phía tiêu thụ.

Kịch bản mà Ngân Hàng Anh Quốc đưa ra giả sử “những gì sẽ xảy ra nếu người ta thất vọng về sự tăng trưởng của kinh tế thế giới, các nhà đầu tư đổ nhau mua tích sản tại Hoa Kỳ và tình trạng tái cân đối của Trung Quốc đến quá muộn.”

Câu trả lời một cách ngắn ngủi là: giá nhà đất tại Trung Quốc sụp đổ, một loạt ngân hàng phá sản, đầu tư tan biến, đồng nhân dân tệ xuống giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, giá các nguyên liệu xuống thêm nữa và những bạn hàng của Trung Quốc rơi vào suy thoái.

Tại đây ta cần phải lưu ý đến lời cải chính của Ngân Hàng Anh Quốc. Khi đưa ra kịch bản, ngân hàng khẳng định rằng họ không đưa ra một “dự phóng kinh tế” cũng như là không diễn tả “một tập hợp những sự kiện dự trù sẽ xảy ra hoặc ít nhất là có triển vọng xảy ra.” Và quả thật, trong kịch bản đưa ra ngân hàng giả dụ rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt xuống chỉ còn 1.7% một con số bi quan hơn là những gì mà những người bi quan nhất về Trung Quốc có thể tiên đoán được. Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng có nhiều công trình nghiên cứu của một số cơ sở kinh tế đáng tin cậy cho rằng một tốc độ tằng trưởng kinh tế 3% tại Trung Quốc là một sự kiện rất khả dĩ xảy ra và họ đã có đủ bằng chứng đưa ra để chứng minh quan điểm đó của họ.

Kiểm tra khả năng chịu đựng của các ngân hàng thương mại trước những cú sốc kinh tế tài chánh bất ngờ là một trong những tiến bộ lớn trong quản lý kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng 2007-09. Nhưng những cú sốc tưởng tượng cần phải được coi là có tính khả tín. Cần lưu ý là trong các cú sốc mà Ngân Hàng Anh Quốc dự trù không có việc tan rã của khối Euro do việc Hy Lạp phá sản. Thành ra nỗi e ngại rằng cuộc khủng hoảng tới sẽ bắt đầu từ Trung Quốc và các thị trường đang phát triển là một chuyện rất có thể trở thành sự thật.







No comments: