Wilson VornDick - The National Interest
Người dịch: Huỳnh Phan
Posted by adminbasam on
12/04/2015
ới các tiết lộ về việc bồi đắp có hệ thống và nhanh
chóng của Trung Quốc hay việc ‘xây dựng đảo’ trên nhiều thể địa lý khắp Biển
Đông, tranh chấp âm ỉ lâu nay ở Biển Đông dường như gần tới chỗ sôi sục lên.Terriclaims,
viết tắt của việc bồi tạo lãnh thổ (territorial reclamation) là một thuật ngữ
dùng để mô tả các hoạt động bồi đắp của một quốc gia khi tìm cách duy trì hoặc
mở rộng lãnh thổ như là một phần của sự tham vọng địa chính trị rộng lớn hơn.
Nhiều nước đã bồi tạo đất đai trong nhiều thiên kỷ, nhưng không có một nước nào
tìm cách để làm việc đó ở những nơi quá xa biên giới nước mình như Trung Quốc.
Hơn nữa, kiểu cách ám muội mà Trung Quốc tiến hành các hoạt động này trong Biển
Đông là nguyên nhân gây quan ngại.
Để hiểu lý do tại sao terriclaims của
Trung Quốc là không bình thường thì việc xem xét một số dự án xây dựng của các
nước khác là điều có ích. Trung Quốc không đang xây một đảo
Palm hoặc nhiều đảo World như thành phố Dubai của Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống
nhất. Dự án bồi tạo đất nhiều tỉ USD của Dubai bắt đầu vào năm 2001 dự kiến nhiều
quần đảo chạy từ bờ biển Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất tới Vịnh Iran (Ba
Tư). Palm Jumeirah, quần đảo gần đây nhất hoàn thành vào năm 2006 và được cấu tạo
theo dạng một cây cọ (palm), bao gồm các ngôi nhà sang trọng, các khu nghỉ dưỡng
khác nhau, và một đường monorail trãi dài nhiều dặm trên đất mới bồi tạo.
Trái lại, có vẻ các dự án xây dựng của Trung Quốc là
một phần của việc tóm thu lãnh thổ rộng lớn hoặc để làm cho yêu sách đường 9 vạch
bị tranh cãi của Trung Quốc thành thực tế. Những terriclaims này
dường như là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc theo chiến thuật xâm lấn chậm rãi
và có phương pháp để khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông, một chính sách bị gọi
mỉa mai là ‘cắt lát salami’ (tằm ăn dâu). Trong khi các hoạt động của Trung Quốc
tại quần đảo Trường Sa có thể chỉ thu hút sự chú ý của quốc tế mới gần đây, việc
họ sử dụng chiến thuật này không phải là điều mới.
Bồi
tạo đất đai trong lịch sử Trung Quốc
Terriclaims là một nỗ lực
mới của Trung Quốc để thiết lập lại ranh giới biển trong Biển Đông, nhưng sự xuất
hiện của chúng không làm các nhà quan sát hoàn toàn bất ngờ. Đó là vì terriclaims là
hiện thân mới nhất của lịch sử bồi tạo đất lâu dài ở Trung Quốc vốn lâu nay được
chính quyền các cấp của Trung Quốc cấp nguồn lực và hậu thuẫn. Trung Quốc có một
di sản về bồi tạo đất đai từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, khi họ sử dụng kỹ
thuật nạo vét và bồi đắp để tạo ra Kênh Đại Vận Hà (Dà Yùn Hé/大运河). Thành phố cổ Tô Châu có dạng
giống như Venice được xây dựng trên đất do bồi đắp. Trong thời kỳ hiện đại,
Trung Quốc đã bồi tạo nhiều phần to lớn của Macao, Thượng Hải, và thậm chí sử dụng
cách bồi đắp đất trong việc mở rộng Sân Bay Quốc Tế Hong Kong gần đây. Ngoài
ra, các hoạt động bồi tạo đất đã được lồng vào việc quản trị quốc gia của Bắc
Kinh và trách nhiệm về các hoạt động bồi tạo đất đã lan đến tất cả các cấp
chính quyền. Thật vậy, bộ máy chính quyền của Trung Quốc có bốn tổ chức lớn
trông coi một hoặc nhiều khía cạnh của vấn đề bồi tạo đất đai: Bộ Tài Nguyên Đất
Đai, Bộ Tài Nguyên Nước, Bộ Bảo Vệ Môi Trường và Cục Hải Dương Quốc Gia (SOA).
Nhiệm vụ chính trị và trọng tâm về biển của Cục Hải
Dương Quốc Gia (guó jiā hǎi yáng jú 国家 海洋局: Quốc Gia Hải Dương Cục), dưới
quyền Cục trưởng Liu Cigui (刘赐贵: Lưu Tứ Quý), làm cho cơ quan này trở thành độc đáo trong bốn cơ quan
đó. SOA giữ vai trò lãnh đạo trong việc tổ chức lại hầu hết các tổ chức dân sự
và bán quân sự trên biển của Trung Quốc trong năm 2013. Điều này trùng hợp với
việc lập ra một nhóm tư vấn cấp cao mới về các vấn đề an ninh biển của Ban Thường
Vụ Bộ Chính Trị vào năm 2012 mà trưởng nhóm đầu tiên là Tập Cận Bình. Bằng chứng
này cho thấy SOA đang lãnh đạo công việc terriclaim theo chỉ đạo từ các cấp cao
nhất ở Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng không phải là nước đầu tiên sử dụng việc bồi đắp lấn biển ở
Biển Đông. Năm 1999, Malaysia đã xây dựng trên Bãi Thám Hiểm (Investigator) – nằm
giữa Philippines và Malaysia, một tòa nhà bê tông hai tầng cùng với một bãi đáp
trực thăng, trạm radar và bến tàu. Đài Loan thực hiện các dự án lấn biển lớn
trên đảo Pratas trong năm 2007. Trung Quốc đã biến Đảo Phú Lâm trong quần đảo
Hoàng Sa thành đảo đất (terraformed) chứa một đường băng dài 2400 m, ba cảng,
và các cơ sở của Hải Quân và Không Quân. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ không những
đang bảo vệ yêu sách của mình mà còn mở rộng thêm chúng với những dự án
terriclaim lớn có ý hướng độc đáo về mặt quân sự. Sự tiến triển của các điểm terriclaims cho
việc xây đường băng, cơ sở vật chất kiên cố, kho chứa, khu vực tập kết, và các
kênh sâu cho tàu thuyền. Cơ sở hạ tầng về thông tin liên tạc dân sự nâng cao,
trạm nghiên cứu khoa học, hoặc các cơ sở phục vụ đánh cá không cần có một diện
tích lớn như vậy và cũng không đòi hỏi phải làm vội vàng và thậm thụt như vậy.
Các nhà quan sát Trung Quốc, chẳng hạn như Yoji Koda của Nhật, cho rằng chỉ
riêng việc bồi đắp (terriclaim) tiềm năng ở Bãi Scarborough cũng
có khả năng tạo ra một đảo gồm nhiều dặm vuông đất mới.
Ảnh
hưởng toàn cầu
Terriclaims của Trung Quốc
có thể có tác dụng thứ hai và thứ ba đáng kể. Terriclaims, nếu được
các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, ASEAN, hoặc cộng đồng quốc tế rộng hơn thừa
nhận, có thể dẫn đến việc mất đi lãnh thổ to lớn trên biển nếu một terriclaim được
hợp pháp hóa. Điều này cũng có thể dẫn đến xung đột. Biển Đông đã chứng kiến
xung đột về lãnh thổ trong quá khứ, nhưng khả năng và ảnh hưởng toàn cầu của
Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Đồng thời, chiến thuật này không nhất thiết chỉ
giới hạn trong Biển Đông, nó có thể được sử dụng ở các vùng ven biển thuận lợi
khác. Hiện có hơn 150 quốc gia ven biển yêu sách hơn 36 % diện tích biển của thế
giới. Các nước đất thấp ven các Biển Caribbean, Baltic, Địa Trung Hải, Vịnh
Iran, Châu Đại Dương và Bắc Cực đều dễ bị terriclaim. Độ sâu lúc triều
thấp nhỏ và sự gần gủi với các nước ven biển khác tại các vùng ven biển giàu
tài nguyên kề cận nhau này làm terriclaim có thể thực hiện được, có lẽ, cũng mời
gọi. Ngoài ra, Công Ước Liên Hiêp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)
năm 1982, không có quy định nào nói đến terriclaims. Các quy định
trong UNCLOS có thể diễn giải để thách thức hay bảo vệ terriclaims tốt
nhất chỉ là mơ hồ.[1]
Bất kể sự im lặng tương đối của UNCLOS về vấn đề
này, terriclaims cần phải được nêu ra giải quyết. Nếu terriclaims của
Trung Quốc được hợp pháp hóa do việc cộng đồng quốc tế không có hành động, điều
này sẽ không những là phần thưởng cho hành vi của Bắc Kinh mà còn cung cấp cho
Trung Quốc quyền vô điều kiện để tiếp tục terriclaim ở các khu vực khác. Quan
trọng hơn, thừa nhận terriclaims sẽ khuyến khích các nước khác
làm theo sự đi đầu của Trung Quốc. Nếu không tìm ra giải pháp,terriclaims sẽ
tàn phá môi trường biển và các khuôn khổ của nó. Ít nhất, ý hướng vì mục đích
quân sự trong terriclaims của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây khó
chịu các bên tranh chấp khác.
Terriclaims trong tương lai
Nếu như sự mơ hồ pháp lý không được loại bỏ hoặc terriclaims của
Trung Quốc không bị thách thức trực tiếp thì có thể kéo theo cuộc đua terriclaims giữa
Trung Quốc và các bên tranh chấp khác. Có hai câu trả lời mà cộng đồng quốc tế
cần xem xét. Thứ nhất, các quốc gia ký kết có thể duyệt lại UNCLOS để bao gồm terriclaims vào
hoặc kèm thêm một hiệp định phụ tương tự như Hiệp Định về Cá và Nguồn Cá năm
1995. Tuy nhiên, một bản sửa đổi sâu rộng hoặc phụ lục của UNCLOS là khó xảy
ra. Để có sự sửa đổi xảy ra, chắc chắn đòi hỏi phải có sự ủng hộ của Bắc Kinh
như là một thành viên của Hội Đồng Bảo An và là nước đứng đầu khu vực. Thứ hai,
các quốc gia quan tâm có thể dập tắt terriclaims qua trọng tài
hoặc Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển (ITLOS) hoặc Tòa Án Công Lý Quốc Tế hoặc thông
qua một khuôn khổ rộng lớn hơn hay hiệp định. Ngược lại, kiện tụng và trọng tài
cũng có thể không nhất thiết là một giải pháp khả thi khi xét tới tình trạng chậm
chạp và kéo dài của cuộc chiến pháp lý hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc.
Tùy thuộc vào việc tố tụng diễn tiến, có thể có nhiều khả năng các bên sẽ rơi
ngược vào một hình thức thỏa thuận song phương hoặc đa phương nào đó, tương tự
nhưng mạnh hơn Tuyên Bố về Ứng Xử năm 2002 vốn tìm kiếm sự gần gũi về terriclaims giữa
ASEAN hoặc các bên tranh chấp là thành viên ASEAN và Trung Quốc. [2]
Terriclaims của Trung Quốc
biểu lộ quyết tâm to lớn mà Trung Quốc sẵn sàng theo đuổi để thống trị Biển
Đông. Và mặc dù có vẻ mới lạ, thực tế là chiến thuật này giữ một vai trò lâu
dài như vậy trong lịch sử Trung Quốc có nghĩa là chúng ta không nên trông đợi
thấy nó sớm biến mất khỏi bộ công cụ của Bắc Kinh trong thời gian tới.
______
[1] Xem các Điều 7 (2) (về lắng tụ và các tam giác
châu), 76 (ranh giới cố định thay cho các yêu sách thềm lục địa), 60 (đảo nhân
tạo, các kiến trúc, và các cấu trúc), và 121 (sự khác biệt giữa đảo và [đảo]
đá).
[2] “Tuyên bố về Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông,”
ASEAN.
Wilson VornDick là thiếu tá Hải quân Mỹ và
được phân về Lầu Năm Góc và trước đó ông làm việc tạiViện Nghiên cứu Biển Trung
Quốc thuộc trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ. Ông đã khảo
sát sự tương tác địa chính trị của cả terriclaims lẫn các chủ đề khác ở Biển
Đông trong luận văn tốt nghiệp trườngHarvard, sẽ được công bố tháng 5
này. Đây là quan điểm cá nhân của ông, không liên quan đến chính sách của Chính
phủ Hoa Kỳ hay của Hải quân Mỹ.
Bài viết này đầu tiên được đăng tải trên trang web của
the CSIS Asia Maritime Transparency Initiative ở đây.
No comments:
Post a Comment