Phạm Minh Hoàng
Tác
giả gửi tới Dân Luận
14/04/2015
Ngày 11/4/2015, truyền thông Việt Nam đã tường thuật
lại những cuộc thảo luận giữa chính quyền Myanmar và 6 nhóm sắc tộc đối lập
cũng như các chính đảng – trong đó dĩ nhiên có mặt bà Aung San Suu Kyi. Tuy
chưa ngã ngũ nhưng mọi người phải nhìn nhận đây là một bước tiến mới trong tiến
trình dân chủ hóa Myanmar vì vấn đề sắc tộc là một trong những khó khăn gay gắt
nhất từ nhiều năm qua.
Khởi đi từ năm 1990, khi chế độ quân phiệt phủ nhận
cuộc bầu cử dân chủ, bắt giam hàng trăm người trong đó có bà Aung San Suu Kyi,
lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, một tổ chức đấu tranh bất bạo động. Một
năm sau, bà Suu Kyi lãnh giải Nobel hòa bình trong tù, và Myanmar bắt đầu biết
thế nào làm cấm vận và cô lập của toàn thế giới.
Nhưng những tháng ngày đen tối ấy chỉ kéo dài 10
năm. Năm 2010, Aung San Suu Kyi được trả tự do, năm 2011 chính quyền dân sự của
Thein Sein lên thay thế chế độ quân phiệt và bắt tay vào một cuộc cải tổ nhằm
dân chủ hóa Myanmar. Việc làm đầu tiên của ông ta là thả tù chính trị, bãi bỏ
kiểm duyệt báo chí và đến năm 2013 chấp nhận báo chí tư nhân. Ngay năm 2013, Âu
châu và Mỹ đã gỡ bỏ lệnh trừng phạt để khuyến khích và ủng hộ cải cách. Tiếp
theo các luật biểu tình, hội họp được thông qua và sau các cuộc thương lượng
tháng 4/2015, cả thế giới đang trông chờ ngày bầu cử Tổng thống được dự trù vào
cuối năm 2015.
So
sánh với Việt Nam đã bắt đầu đổi mới từ năm 1986, bình thường hóa bang giao với
Mỹ và Tây Âu từ năm 1994, nghĩa là trước Myanmar gần 30 năm (nếu lấy mốc 1986
so với 2013 của Myanmar), thì ta thấy rõ là Myanmar đã đi được trước một bước
khá dài và điều quan trọng là vận hội mới tươi sáng hơn so với Việt Nam. Vậy
thì họ đã khác ta ở những điểm nào?
Trước tiên, Myanmar có cái may mắn là có được những
người lãnh đạo biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của bè đảng,
phe cánh và nhóm lợi ích. Ngay cả dưới thời quân phiệt Than Shwe, họ đã dám lấy
những quyết định táo bạo như cấm xe gắn máy tại Yangon, điều mà các nhà quản lý
Việt Nam đã bàn (và chỉ bàn) từ hơn 20 năm nay. Quan trọng hơn hết là Than Shwe
cũng biết giữ lời hứa trong việc vạch ra và thực hiện một lộ trình “dân chủ
trong kỷ cương”, dẫn đến việc giải tán nhóm quân phiệt và dần đưa đất nước
thoát khỏi chuỗi ngày đen tối, điều mà các lãnh đạo Việt Nam chưa hề (dám) nghĩ
tới.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo Myanmar đã sớm nhận ra âm
mưu của Trung Quốc và can đảm chọn thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh. Từ năm
1988 đến nay, Trung Quốc ra sức tìm cách bảo vệ chính quyền quân sự của Myanmar
và từng bước thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn. Ai cũng biết, sự “bảo vệ” này
không phải vì sự an toàn của người dân Myanmar mà chỉ là bảo vệ lợi ích của họ ở
quốc gia này đầy tài nguyên và ở một vị trí chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc
thoát khỏi “cái ao làng” ở biển Đông và bị “đóng nút chai” ở eo biển Malacca.
Năm 2011, Tổng thống Thein Sein đã dừng công trình
xây dựng đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD mà Bắc Kinh sẽ rút 90% sản
lượng điện về Trung Quốc. Bốn năm trước, Trung Quốc đầu tư vào Myanmar 8,26 tỉ
USD. Một năm sau, con số đó đã giảm một nửa, vì Myanmar mở cửa chào đón các nhà
đầu tư phương Tây. Trong năm nay, vốn đầu tư của Trung Quốc cam kết dành cho
Myanmar chỉ còn 56,9 triệu USD.
Đặc biệt trong tháng 2/2015, mặc dù yếu hơn về quân
sự, Myanmar cũng “nhắm mắt” cho máy bay ném bom các căn cứ quân sự sâu trong
lãnh thổ Vân Nam để trả đũa việc Trung Quốc vẫn ngấm ngầm hỗ trợ phiến quân
Kolang. Việc này ở Việt Nam có lẽ chỉ xảy ra trong mơ !
Thứ ba, cho dù là một chế độ quân phiệt, nhưng
Myanmar vẫn cho phép sự phát triển của các phong trào xã hội dân sự. Đây là một
điểm rất quan trọng nhiều người không nhận ra. Một trong những tổ chức đó là
Phong trào Shwe đấu tranh vì quyền lợi dầu khí cho nhân dân Myanmar, chủ trương
của họ là phản đối sự hiện diện của đông đảo công nhân Trung Quốc đến làm việc ở
cơ sở lọc hóa dầu trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đang đầu tư ở
Myanmar. Các phong trào xã hội dân sự cho rằng "Người Trung Quốc không hề
tôn trọng dân bản xứ. Họ tùy tiện làm mọi thứ", "Người dân không được
hưởng đầy đủ quyền lợi từ nguồn tài nguyên tự nhiên của chúng tôi”.
Một số nhà nghiên cứu đã cảm nhận được sự hiệu quả của
các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình dân chủ hóa Myanmar. “Nhờ phong trào
này, người dân ý thức được những điều bất thường trong bộ máy chính trị, họ biết
được quyền lợi và sự hợp pháp khi đứng lên đấu tranh”. Những nhà nghiên cứu đã
ngộ ra một điều là ánh sang chỉ lóe lên từ những nơi tăm tối, và cuộc cách mạng
này đã khởi đi từ những nơi bần cùng nhất của đất nước Myanmar.
* * *
Nhìn Myanmar không ai không khỏi bùi ngùi khi ngoảnh
lại Việt Nam. Đất nước họ chưa hề có những chiến tích “đánh Tây diệt Mỹ”, chưa
hề có một đạo quân “giáo sư, tiến sĩ”, chưa hề có một bằng khen trong các kỳ
thi Olympic như chúng ta, mà sao họ lại “đi sau về trước” như thế ? Theo thiển
ý, họ đã làm được chẳng vì họ có cái gì “hơn” chúng ta, mà ngược lại, chỉ vì họ
“thiếu” một thứ, đó là chủ nghĩa cộng sản. Người cộng sản thường cho rằng họ có
công đưa nền kinh tế vượt qua mức nghèo, thu nhập bình quân qua mốc 1000 đô la
Mỹ/người/năm. Nhưng hệ quả kéo theo là những mất mát không có gì bù đắp được. Từ
giáo dục, y tế, môi sinh, xã hội…nơi nào cũng ngổn ngang, và tình trạng ngày
càng tệ.
Myanmar cũng khởi đi từ những nghèo đói, từ những
thiếu thốn, nhưng họ khởi đi từ một cơ sở và một đầu óc lành mạnh. Với mật độ
dân số lý tưởng (76 người/km vuông) so với Việt Nam là 253, tài nguyên thiên
nhiên cực kỳ phong phú và đa dạng, so với trữ lượng dầu của Việt Nam đang trên
đường cạn kiệt; Myanmar đang hội đủ tất cả các yếu tố để phát triển một cách bền
vững.
Còn chúng ta, “dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lê”,
một chủ nghĩa dựa trên thành tích và dối trá đã biến con người đang từ thiện
thành ác, đang từ ngay thẳng sang gian dối; thì cho dù có tài nguyên thiên
nhiên vô tận, có kẻ hậu thuẫn chống lưng đảm bảo, vẫn mãi mãi là một nước nhược
tiểu. Đơn thuần vì chúng ta thua về mặt con người, thua về mặt nhân văn. Cũng
khởi đi trong đói nghèo, từ đổ nát nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều
thành công, thậm chí Thái Lan, Mã Lai cũng đã bỏ chúng ta rất xa.
Một người bạn trên facebook nói rằng trước cổng các
cơ quan cảnh sát Myanmar đều có tấm biển đề May I help you (Tôi có thể giúp gì
cho bạn). Họ biết người ta đến cơ quan cảnh sát để làm gì và sẵn sàng từ khi
người dân sắp bước chân vào, và tất cả những người quan hệ với chúng tôi đều
luôn nở nụ cười thân thiện. Tôi có hỏi một nhân viên rằng ở đây có khẩu hiệu
nào đại loại như “chính quyền là của dân, do dân, vì dân”, “cán bộ là đầy tớ của
nhân dân” không? Sau khi nghe lời dịch, anh ta cười ngượng ngập và lắc đầu.
Tôi có cảm giác chính quyền quân sự độc tài Myanmar
không phải như mình vẫn nghĩ. Dù trải qua ba mươi năm khó khăn, nhưng những vẻ
đẹp nhân văn, mối quan hệ đồng loại giữa những con người với con người vẫn được
trân trọng.
Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của một lãnh đạo
nước mình “Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN, có cái còn thấp hơn Lào,
Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”.
Tôi biết có khối thằng sẵn sàng chấp nhận chuyện đó
với bất cứ giá nào!
Phạm
Minh Hoàng
(13/4/2015)
(13/4/2015)
-------------------------------------
Phạm Minh Hoàng là con của một viên chức cao cấp thuộc
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1973, ông sang Pháp du học, tốt
nghiệp học vị thạc sĩ ngành Cơ học ứng dụng. Năm 2000 ông trở về Việt Nam, làm
giảng viên hợp đồng dạy môn Toán học ứng dụng tại Trường Đại học Bách khoa, Đại
học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng viết blog dưới bút hiệu Phan Kiến
Quốc kêu gọi chính quyền thực thi dân chủ và phản đối việc giao cho nhà thầu
Trung Quốc khai thác mỏ Beauxite ở Tây Nguyên.
Ông bị Cơ quan An Ninh thành phố Hồ Chí Minh bắt
giam để điều tra ngày 13.8.2010, Ngày 10.8.2011, Tòa án Nhân Dân Thành Phố Hồ
Chí Minh đã đưa ông ra xét xử sơ thẩm về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính
quyền nhân dân" theo khoản 2 Điều 79 Bộ luật Hình sự, và đã tuyên phạt ông
3 năm tù giam.
Nhiều tổ chức quốc tế đã phản đối vụ xét xử này và
kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông, như Ủy ban bảo vệ các nhà báo, tổ
chức Front Line Defenders, tổ chức Phóng viên không biên giới, cùng các chính
phủ Hoa Kỳ, Pháp, Liên minh châu Âu.
Ông đã kháng án. Ngày 29.11.2011 Tòa phúc thẩm Tòa
Án Nhân Dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bố chấp nhận kháng cáo của
ông, giảm án cho ông từ 3 năm tù xuống còn 17 tháng tù về tội "hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Ngày 13.1.2012, ông đã được trả tự do, sau 17 tháng ở
Tù.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng trên giảng đường đại học. Ảnh:
Internet
No comments:
Post a Comment