13-4-2015
Rất
nhiều khi, chúng ta tìm thấy những lời huấn giảng, những "wisdom" chẳng
đâu xa, mà ngay trong kho tàng văn học và truyện dân gian. Trong mối quan hệ với
Tàu, và đặc biệt là trong chuyến viếng thăm gần đây của ngài Nguyễn bí thư, câu
"Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà
trong nham hiểm giết người không dao" của thi hào Nguyễn Du thật thích
hợp (1).
Nhìn
cái mặt cười cười của họ Tập với thân hình bự như hộ pháp bắt tay ông Nguyễn bí
thư nhỏ thó, tôi dù tự thâm tâm rất muốn tin đó là một thiện chí của gã, nhưng
thực tế thì lại cho thấy đằng sau là một cái dao găm to tướng.
Các
bạn hãy tự hỏi có khi nào bạn mời khách vào nhà ở cửa trước, thì ở cửa sau bạn
cho con cái mình đi ăn cướp tài sản của người khách? Nếu một người nào làm như
thế thì các bạn phải kết luận rằng người đó "mất lịch sự" là nhẹ, hay
nặng hơn chút là "mất dạy". Bạn bè thật sự và người văn minh không ai
hành xử như thế.
Ấy
thế mà đó là cách mà gã họ Tập đón tiếp khách của hắn là ngài tổng bí thư mang
cái họ nổi tiếng nhất và phổ biến nhất ở Việt Nam: Nguyễn. Ngay trong lúc gã Tập
chiêu đãi đoàn của ông Nguyễn ở Bắc Kinh, thì ở Trường Sa, gã cho quân gấp rút
xây dựng Đảo Vành Khăn, một đảo mà quân Tàu đã cướp từ Việt Nam. Việc xây dựng
này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần "giữ nguyên trạng tình hình Biển
Đông" mà người của Tập từng nói. Khi được chất vấn về việc " nói một
đường làm một nẻo", đàn em của Tập là mụ Hoa Xuân Oánh nghênh ngang tuyên
bố theo kiểu "tao muốn làm gì thì tao làm" và không giấu ý đồ đó là một
hành động vì mục đích quân sự. Xin nhắc lại, những việc làm này xảy ra đúng vào
lúc ông Nguyễn bí thư đang là thượng khách của gã họ Tập.
Hành
động ngược ngạo của gã họ Tập dĩ nhiên là một cách khinh bỉ khách. Một tay thì
bắt tay khách, một tay thì cầm dao găm đâm lưng khách. Trong khi đó thì phía Việt Nam nói gì và làm gì? Chẳng thấy nói gì cả.
Cũng chẳng thấy làm gì. Ngược lại, báo chí Việt Nam ca ngợi tình đoàn kết của
hai nước, và nguyện thực hiện cái phương châm "4 tốt, 16 chữ" (2).
Còn họ có làm theo phương châm đó hay "tốt" không thì thiết tưởng
không nói ra chắc các bạn cũng thừa biết.
Cũng
xin nói thêm rằng cái phương châm này không phải của Việt Nam, mà là xuất phát
từ Tàu nhé. Năm 1999 Tàu họ đưa ra phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp
tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Năm 2002, họ lại rướn
thêm 4 chữ tốt: "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt".
Nhưng điều thú vị (hay nhục nhã?) là phía Việt Nam thêm chữ "vàng"
vào phương châm đó (3) và cả hệ thống truyền thông nước Việt Nam bị bắt phải tụng
niệm "16 chữ vàng". Nhớ nhé: chữ "vàng" là sáng tác của
phía Việt Nam, chứ Tàu nó không có mặn nồng như thế.
Chưa
hết đâu. Tàu nó còn dùng chuyến thăm của ông Nguyễn bí thư như là một con cờ phục
vụ cho ý đồ đen tối của chúng. Ở trên, tôi có nói rằng phía Việt Nam im lặng
trước những xây dựng của Tàu ở Đảo Vành Khăn. Nhưng Mĩ thì không. Tổng thống
Obama trong một bài phát biểu ở Jamaica tỏ ý quan ngại việc Tàu bắt nạt các
nươc láng giềng và đẩy họ vào thế lệ thuộc. Thế là Tàu lấy chuyến thăm của Nguyễn
bí thư làm một "case study" để chửi bới Mĩ (4). Tập cho Tân Hoa Xã
trích lời của Nguyễn bí thư là muốn tiếp tục mối quan hệ "đồng chí và anh
em", và nói với Mĩ: đó, chúng tôi có bảo ai lệ thuộc đâu. Có điều câu thứ
hai họ không nói ra, nhưng ai cũng biết là câu tất yếu: "họ muốn làm đồng
chí - anh em với chúng tôi đó chứ". Chắc ngài Nguyễn bí thư thích lắm khi
biết Tân Hoa Xã trích lời phát ngôn đó. Ngài giáo sư tiến sĩ họ Nguyễn từng nổi
tiếng với câu "Mình phải thế nào thì người ta mới mời chứ", nay còn nổi
tiếng thêm: Phát ngôn của mình phải hay thế nào thì người ta mới trích dẫn chứ.
Nhưng
phải công bằng mà nói đây không phải là lần đầu phía Việt Nam tỏ lời muốn làm
"đồng chí anh em" với Tàu. Cái ý nguyện này (phải nói là "ý nguyện")
đã có từ 70 năm trước.
Theo
tác giả Ngô Nhân Dụng thì ngay từ 1947, Hồ chủ tịch đã nhân danh “Ban Chấp Hành
Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương" gửi thư đến Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong đó có đoạn viết “Từ nay về sau tôi
sẽ thường xuyên thông báo những tin tức và tình hình kháng chiến chống Pháp của
Việt Nam và chính sách của đảng và chính phủ trong kháng chiến. Hy vọng các đồng
chí có thể thường xuyên đề xuất ý kiến và góp ý.”
Bức
thứ thứ hai đề ngày 20/2/1948, Hồ chủ tịch viết “Chúng tôi quyết định triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc của đảng vào
tháng 8, 1948. Hy vọng quý đảng chuẩn bị cử đại biểu đến dự đại hội để cung cấp
cho chúng tôi kinh nghiệm cách mạng của các đồng chí, đồng thời hy vọng thông
báo giúp bốn đảng anh em Liên Xô, Nhật Bản, Miến Điện, Ấn Độ cử đại biểu tham
gia. Đường đến có hai tuyến, hoặc là từ Hương Cảng đến Châu Nam rồi tới Việt
Nam, hoặc đến Xiêm La” (5). Thế mới biết phía Việt Nam tự nguyện làm đồng
chí với họ lâu lắm rồi.
Nhưng
có lẽ thời đó thì "gặp thời thế thế thời phải thế" – phải làm đồng
chí với kẻ thù. Nhưng khổ nỗi là sau này, ngay sau khi chúng cướp biển đảo của
ta, lấn đất của ta, giết người của ta, phá hoại đất nước ta, mà vẫn có người muốn
làm đồng chí anh em với họ thì quả là đáng ngạc nhiên. Thật tình, nó giống như
một mối quan hệ sadistic. Câu chuyện chẳng khác gì một người phụ nữ bị tên chồng
mất dạy đánh trối chết, mà vẫn chạy theo ôm chân nó và khóc lóc gọi nó là
"chồng"! Nghe thật lạ lùng, có lẽ người phụ nữ bị bệnh.
Thú
thật, tôi không biết ngài Nguyễn bí thư có thật sự tin vào 16 chữ vàng + 4 tốt
của Tàu? Tôi muốn nghĩ rằng ngài chỉ làm ngoại giao thôi, chứ chắc gì trong
thâm tâm ngài tin mấy lời đường mật của họ Tập. Nếu vậy thì cũng thông cảm cho
ngài, nhưng phải đợi đến khi ngài đi Mĩ du thì chúng ta sẽ biết hơn và có dịp
so sánh. Tuy nhiên, có một người trong đoàn của ngài không ngần ngại thổ lộ tâm
tư là tin. Đó là ngài phùng đại tướng (không cần viết hoa vì ngài quá nổi tiếng
và trở thành danh từ chung rồi), ngài từng một hai nhắc đến Tàu là "bạn".
Ngài còn lo lắng là người Việt [như người viết cái note này] không ưa họ Tập và
băng đảng của gã. Thà biểu lộ tình cảm như ngài phùng đại tướng tôi lại thấy
hay, vì mình biết rõ vị trí của ngài ấy. Nhưng những người mà "Bề ngoài
thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao" thì mới đáng
sợ vì đó mới là kẻ thù thật sự.
Người
phương Tây có câu "With friends like that who needs enemy" – bạn bè
như thế thì cần gì đến kẻ thù. Tương tự, có thể mượn câu đó để nói "Với bạn
bè như Tàu cộng thì Việt Nam không cần thêm kẻ thù".
N.
V. T.
(1)
Xin nói thêm cho rõ đây là phát hiện của anh Đoàn Khắc Xuyên, chứ không phải của
cá nhân tôi.
No comments:
Post a Comment