Được
đăng ngày Thứ bảy, 25 Tháng 4 2015 06:22
Ngày
30/4 lại đến gần. Đây là một dịp để người Việt chúng ta tưởng niệm về một biến
cố lịch sử của dân tộc Việt Nam, là ngày mà chiếc xe tăng của quân đội nhân dân
Việt Nam húc đổ cửa sắt Dinh Độc Lập đánh dấu cho sự chấm hết của chế độ Việt
Nam Cộng Hòa (VNCH).
Với
chính quyền Việt Nam thì đây là một chiến thắng vĩ đại, giải phóng dân tộc và
thống nhất đất nước. Hàng năm cứ đến ngày này là chính quyền tổ chức lễ kỷ niệm
rất hoành tráng và nhất là năm nay, khi biến cố này vừa chẵn 40 năm. Với cộng đồng
người Việt hải ngoại, đặc biết là tại Mỹ và các nước phương Tây thì đây là một
ngày đau buồn vì mất nước, một ngày “quốc hận”. Với những người nghiên cứu và
quan tâm đến vận mệnh đất nước thì ngày 30/4 luôn là dịp để đi tìm câu trả
lời cho câu hỏi “tại sao VNCH lại thất bại”?
Đã
có nhiều bài viết về chủ đề này và câu trả lời được nhiều người chấp nhận nhất
đó là VNCH thất thủ vì “bị đồng minh Mỹ bỏ rơi”. Tất nhiên là còn nhiều lý do
khác nữa như sự viện trợ khổng lồ và ồ ạt của hai cường quốc cộng sản là Liên
Xô và Trung Quốc cho Miền Bắc hay sự quyết tâm đến sắt máu của chính quyền cộng
sản Bắc Việt là “đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải thống nhất đất nước” hay
“còn cái lai quần cũng đánh”…
Dù bất cứ với lý do
gì thì kết quả cũng chỉ có một: VNCH đã thất bại và đầu hàng. Đất nước Việt Nam
thống nhất dưới sự cai trị của chế độ cộng sản. Sau ngày 30/4/1975
ĐCSVN thay vì thực thi chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, khép lại quá khứ
và cùng chung tay xây dựng lại đất nước thì họ đã thực thi chính sách trả thù
và hạ nhục toàn bộ những người tham gia vào chế độ VNCH với một chính sách phân
biệt và kỳ thị một cách kinh khủng khiến hàng triệu người phải liều chết vượt
biên. Hàng trăm ngàn người đã mất mạng trong cuộc “bỏ phiếu bằng chân” trên đường
trốn chạy khỏi Việt Nam.
Bốn
mươi (40) năm sau biến cố đó thì Việt Nam vẫn là một đất nước tụt hậu và nghèo
đói nhất trong khu vực Đông Nam Á, người Việt Nam phải sang Lào và Campuchia kiếm
sống. Chính quyền Việt Nam đã thật sự bất lực và thất bại trong việc xây dựng đất
nước Việt Nam thành một quốc gia phát triển. Điều đáng lo hơn cả là cho tận đến
ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa thấy bất cứ một dấu hiệu nào cho sự thay đổi tại
Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vẫn ngạo nghễ và tin tưởng rằng họ sẽ
còn tiếp tục lãnh đạo Việt Nam đến… muôn năm?!
Điều
đáng buồn hơn nữa là không ít người Việt chúng ta trong đó có cả nhiều trí thức
vẫn loay hoay không biết làm phải gì để góp một tay vào sự thay đổi của đất nước.
Họ ngồi chờ. Họ sưu tầm và chia sẻ những bức ảnh cũ dưới thời VNCH để bùi ngùi
và luyến tiếc cho một thời vàng son đã qua. Một thanh niên trẻ ở Nghệ An (Nguyễn
Viết Dũng) vừa bị bắt giữ vì “tội” mặc áo có biểu tượng của quân lực VNCH và một
phong trào đòi tự do cho cậu ta đang được phát động rầm rộ trên mạng. Đây là một
sự việc rất bình thường và không có gì sai trái trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ
nhưng nó không mang lại điều gì tốt đẹp và chẳng để làm gì cả. Nếu người thanh
niên đó mang biểu tượng của một đảng phái chính trị đối lập nào đó thì sẽ tốt
hơn. VNCH đã chết từ lâu. Ai cũng biết là chế độ VNCH tốt đẹp và ưu việt hơn rất
nhiều so với chế độ cộng sản Miền Bắc nhưng dù sao nó cũng phải chết. Nguyên
nhân chính dẫn đến cái chết của VNCH là vì nó không có lãnh đạo và một tầng lớp
nhân sự chính trị thực sự. Ông Ngô Đình Diệm và ông Nguyễn Văn Thiệu đều là người
của Pháp để lại. Họ lên cầm quyền là do thời cuộc, được người khác dựng lên vì
vậy họ không có một “tư tưởng chính trị” và một “đội ngũ chính trị”. Các vị
lãnh đạo cao nhất của VNCH sau khi lên cầm quyền thì họ đã chuyển giao quyền lực
cho các cộng sự thân tín và đắc lực của họ, là những người không quan tâm đến
chính trị và rất thiếu ý thức quốc gia dân tộc. Họ coi những người yêu nước như
là kẻ thù vì vậy họ đã ngăn cản sự ra đời và phát triển của các tổ chức chính
trị đối lập. Những người không quan tâm đến chính trị, không tham gia đảng
phái, chỉ cần có bằng cấp cao hay có chút uy tín trong xã hội là được tin dùng
và cất nhắc vào những vị trí quan trọng trong bộ máy cầm quyền.
Lãnh
đạo của VNCH là những người “được” đưa lên cầm quyền chứ không phải giành được
chính quyền, họ không hề trải qua giai đoạn đấu tranh gian khó để được được cầm
quyền vì vậy họ không có tổ chức. Sau khi lên cầm quyền rồi thì họ mới khám phá
ra sự cần thiết của một đảng cầm quyền. Ông Nhu lập ra đảng Cần Lao và ông Thiệu
lập ra đảng Dân Chủ nhưng rồi đều thất bại. Một chính đảng thật sự và đúng
nghĩa chỉ có thể thành lập trong đấu tranh gian khó với một lý tưởng quảng đại.
Không ai có thể thành lập được một chính đảng sau khi đã cầm quyền. Đảng Cần
Lao tan vỡ hoàn toàn sau cái chết của ông Diệm và đảng Dân Chủ của ông Thiệu
cũng vậy. Một trong những bài viết hay và có giá trị là của tác giả Nguyễn Văn
Huy “Sinh hoạt đảng phái thời VNCH trước 1975” .
Trong
21 năm tồn tại ngắn ngủi của chế độ VNCH các tổ chức chính trị tại Miền Nam dù
đã có những cố gắng vượt bậc nhưng vẫn không thành công, lý do đúng như tác giả
nhận định “các đảng phái quốc gia cổ điển (Đại Việt và Việt Quốc) dựa theo
kinh nghiệm Trung Hoa dành ưu tiên cho giới sĩ thành thị, bỏ rơi quần chúng lao
động và nông thôn, ít lôi kéo được đám đông và thường đi bên lề thành công khi
cơ hội tiến đến. Những tổ chức khác, được thành lập vội vàng để đáp ứng một nhu
cầu lịch sử thường tan rã ngay sau khi cơ hội không còn nữa, nội bộ nếu còn thường
phân tán và chống phá lẫn nhau vì mất lý tưởng. Một đội ngũ ô hợp sẽ rã hàng
nhanh chóng trước một nhóm ít người nhưng có quyết tâm và có tổ chức”. VNCH
thất bại trước ĐCSVN chỉ vì một lĩnh vực duy nhất nhưng quan trọng nhất đó là:
Lĩnh vực chính trị. Mặc dù VNCH có chính nghĩa nhưng
họ không thuyết phục và động viên được người dân. Trong khi đó nhờ vào tuyên truyền dối trá
và bưng bít sự thật ĐCSVN làm cho người dân Miền Bắc tin rằng nhân dân Miền Nam
đang đau khổ, rên xiết dưới gót giày của “Mỹ Ngụy” và họ đã chiến thắng. Các
lực lượng chính trị tại Miền Nam chưa kịp lớn mạnh để hỗ trợ cho chính thể VNCH
và tham gia vào chính trường. Hậu quả là các binh sĩ và sĩ quan cấp thấp rất
anh dũng và kiên cường trong chiến đấu nhưng cấp lãnh đạo của VNCH lại rất kém
cỏi. VNCH thất bại là đương nhiên, nó do Pháp lập ra và cáo chung khi bị Mỹ bỏ
rơi.
Bốn
mươi (40) năm đã trôi qua từ biến cố quan trọng đó nhưng tương lai Việt Nam
cũng chưa biết là sẽ trôi dạt về đâu. Một điều rất quan trọng và cần thiết để cải
thiện tình cảnh hiện nay của Việt Nam nhưng lại được ít người quan tâm nhất đó
là việc “xây dựng các tổ chức chính trị dân chủ đối lập tại Việt Nam”. Người
dân Việt Nam và đặc biệt là tầng lớp trí thức Việt Nam vẫn chưa hiểu được rằng
“đấu tranh chính trị bắt buộc phải có một tổ chức mạnh mới có hy vọng thành
công; một chính đảng bắt buộc phải được xây dựng trên một tư tưởng chính trị và
phải bắt đầu bằng một đội ngũ nòng cốt gắn bó và có bản lĩnh; trong những điều
kiện lý tưởng nhất xây dựng một chính đảng cũng đòi hỏi ít nhất một hai thập
niên. Xây dựng một chính đảng rất khó nhưng là điều kiện bắt buộc, nếu không
thì hoạt động chính trị chỉ là vô ích, có thể còn có hại.
Nhân
sự chính trị là yếu tố trọng tâm của mọi dân tộc. Nó là hiện thân của chủ quyền
quốc gia. Nó là di sản của lịch sử. Nó không thể tự nhiên mà có. Sự hình thành
của một giai cấp chính trị chỉ có thể là kết quả của nhiều cố gắng liên tục qua
nhiều thế hệ. Nhưng từ một thế kỷ nay chúng ta không có nhân sự chính trị”. (Nguyễn Gia Kiểng)
Vì
sao tinh thần yêu nước của dân tộc ta lại yếu và thui chột đến vậy? Ngoài lý do
mà lịch sử để lại thì lý do quan trọng nhất, một tội ác mà ĐCSVN phải chịu
trách nhiệm trước dân tộc là “tội ác tàn sát hàng trăm nghìn người thuộc các
đảng phái quốc gia -như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt- hoặc chỉ giản dị là
không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, được phát động ngay từ năm 1945 và đạt tới
cao điểm trong những năm sau đó. Những người yêu nước này đã bị tàn sát chỉ vì
Đảng Cộng Sản muốn giành độc quyền kháng chiến để áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin. Đợt
tàn sát này đã cướp đi của đất nước những người yêu nước chân chính nhất và giải
thích tại sao tinh thần dân tộc của chúng ta lại yếu hẳn đi sau đó, yếu đến nỗi
"yêu nước" bị đồng hóa với yêu chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa mà một
trong những mục tiêu chính được công bố là xóa bỏ các quốc gia, mà không gây phản
ứng nào đáng kể. Lịch sử sẽ phải làm rõ thảm kịch này, ít nhất để làm rõ trách
nhiệm của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản và để trả công lý cho ký ức của các nạn
nhân”. (Thời điểm để nhìn rõ đảng cộng sản - Nguyễn Gia Kiểng)
Bốn mươi (40) năm rồi,
phải làm gì bây giờ?
Chỉ có một con đường duy nhất là trí thức Việt Nam cần chung tay góp sức, góp
tiếng nói cho một tổ chức chính trị đối lập đứng đắn và lương thiện để tổ chức
chính trị đó trở thành “giải pháp thay thế” cho giải pháp cộng sản đã áp dụng
70 tại Miền Bắc và 40 năm tại Miền Nam. Có người sẽ hỏi rằng “Vậy Tập Hợp Dân
Chủ Đa Nguyên đã làm được gì trong hơn 30 năm qua? Làm sao tin tưởng các ông
đây? Các ông liệu có làm được gì hay không?...” So với lịch sử thì khoảng thời
gian 30 năm không phải là quá dài và hơn nữa cái gì cũng phải có thời gian mới
đạt độ chín muồi, không thể chín ép được. Nhất là trong lĩnh vực đấu tranh dân chủ.
Chúng tôi không có ý định cướp chính quyền để thay thế ĐCSVN, chúng tôi muốn tạo
ra sự đồng thuận và từ sự đồng thuận đó chúng tôi sẽ cùng tất cả mọi người Việt
Nam chung tay chung sức tạo ra sự thay đổi và xây dựng lại đất nước Việt Nam. Đấu
tranh dân chủ là gì? Đâu là bản chất và nguyên tắc của đấu tranh dân chủ? Theo
chúng tôi thì bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là: “Mỗi một tổ chức chính
trị dân chủ sẽ đưa ra một ‘giải pháp thay thế’ mới, với những khác biệt so với
chính sách hiện hành, thuyết phục người dân đồng ý và sau đó là vận động tranh
cử và giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ để trở thành đảng cầm quyền.
Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị đó”.
Một
sự thật mà chúng ta đều biết là suốt 4000 lịch sử đã qua, Việt Nam chưa có một
đảng phái chính trị dân chủ nào thành công cả (ĐCSVN không phải là một tổ chức
dân chủ mà chỉ là một tổ chức khủng bố). Như vậy chúng ta cần phải hiểu ra một
điều rằng xây dựng một tổ chức chính trị dân chủ là vô cùng khó khăn nhưng nếu
không có nó thì đất nước sẽ không bao giờ vươn lên được.
Hai
công việc quan trọng nhất mà bất cứ một chính đảng nào cũng phải làm đầu tiên
đó là “xây dựng một cơ sở tư tưởng” và “xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt”.
Chúng tôi đã làm xong hai công việc chiếm nhiều thời gian nhất này và chúng tôi
đang trong giai đoạn xây dựng phương tiện và vận động quần chúng, nếu được người
dân Việt Nam ủng hộ thì khi đó chúng tôi sẽ công khai xuất hiện và đòi hỏi một
cuộc bầu cử dân chủ, tự do và minh bạch theo các tiêu chuẩn quốc tế. Dù có trở
thành đảng cầm quyền hay không thì chúng tôi sẽ luôn tuân thủ luật chơi dân chủ,
chấp nhận sự giám sát của người dân thông qua hệ thống tam quyền phân lập, qua
tự do báo chí và qua các tổ chức xã hội dân sự…
Chưa
bao giờ người Việt Nam thất vọng và mất niềm tin như bây giờ. Tuy nhiên nếu
chúng ta không còn niềm tin vào con người Việt Nam, vào tương lai của Việt Nam,
vào những điều trong sáng, lương thiện và tốt đẹp nữa thì tương lai của chúng
ta sẽ đi về đâu? Chẳng lẽ cứ chấp nhận sự lãnh đạo tồi dở của ĐCSVN mãi mãi? Rất
nhiều trí thức Việt Nam đã hiểu ra vấn đề nhưng vẫn ngồi đợi, nhưng đợi ai và đợi
cái gì? Số phận của chúng ta phải do chính chúng ta định đoạt chứ không thể
trông chờ vào sự hồi tâm chuyển ý của ĐCSVN hay chờ sự giúp đỡ của một thế lực
nào đó được? Không ai có thể làm thay cho chúng ta. Không ai có thể giúp chúng
ta khi bản thân chúng ta không làm gì. Chúng ta hãy thôi đừng oán hận người Mỹ
hay đổ lỗi cho khách quan nữa. Mỹ đến rồi Mỹ đi đó là quyền của họ. Thế giới
không nợ nần và không có nghĩa vụ phải giúp đỡ chúng ta, và giả sử nếu có thì
cũng không đáng kể. Yếu tố quan trọng và quyết định đó phải là nội lực và sự cố
gắng của chính chúng ta.
Người
dân Việt Nam nên quan tâm đến chính trị nhiều hơn và đặc biệt là đồng bào Việt
Nam tại hải ngoại nên thay đổi tư duy của mình bằng cách ủng hộ tinh thần và cả
vật chất cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn và có tiềm năng. Phải
nhớ một điều là bất cứ trong hoàn cảnh nào, thời đại nào hay xã hội nào thì các
giải pháp thay thế cho ĐCSVN cũng chỉ có thể đến từ các tổ chức chính trị dân
chủ đối lập. Chúng ta hãy vượt lên trên ngày 30/4, hãy vượt lên chính mình để
cùng nhau mở ra một kỷ nguyên thứ hai, một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam:
Kỷ nguyên của tự do và dân chủ.
Ngày
30/4 nên giữ lại như một ngày để cả nước tưởng niệm và suy nghĩ, tưởng niệm mọi
nạn nhân của cuộc chiến tranh này và suy nghĩ về đất nước…
Việt
Hoàng
No comments:
Post a Comment