Wed, 04/01/2015 - 02:36 — VietTuSaiGon
Chuyện người Việt, đặc biệt là lớp trẻ chen chúc nhau,
giành giật miếng ăn ở Hà Nội, Đồng Nai, Sài Gòn, Cần Thơ… nghe ra quá quen thuộc.
Từ chuyện xếp hàng rồng rắn, chen chúc và lội lên nhau, giẫm đạp nhau để có miếng
sushi, xúm nhau hôi bia của xe tai nạn, thản nhiên bưng trái cây (vải, nhãn) của
xe bị tai nạn rơi xuống vực… Và vài ngày trở lại đây là xúm xít giành giật từng
phần đồ chơi người ta ném từ trên tầng cao xuống và chen lấn vì miếng ăn ở Sài
Gòn. Tất cả, nhìn theo cách nào cũng rơi vào trạng thái thèm ăn của súc vật chứ
không phải của con người văn minh. Tại sao phần lớn người Việt Nam, giới trẻ Việt
Nam lại trở nên tệ hại như thế?
Câu trả lời không đơn giản, nhưng cũng không quá phức tạp.
Có hai vấn đề: Căn tính người Việt thời xã hội chủ nghĩa và; Phương cách quản
lý của nhà nước hiện tại.
Phải nói rằng đây là căn tính của người Việt thời xã hội
chủ nghĩa chứ không phải thời nào khác. Cũng có thể ở thời phong kiến và thuộc
địa, người Việt cũng có tính cách này nhưng chỉ ở mức cam chịu, cúi đầu trước
quyền lực phong kiến và nhận ơn của đức vua hoặc của “mẫu quốc” nhưng chí ít
cũng có tư thế, cũng khiêm cung và đĩnh đạt, không xô bồ, chụp giựt như hiện tại.
Nguyên nhân của tính chụp giựt, coi trọng miếng ăn của phần
đông người Việt hiện tại đều do thời kinh tế bao cấp, con người hoảng sợ vì mất
miếng ăn, vì thiếu đói và tù tội, con người phải quì lụy miếng ăn như một thứ cứu
cánh và con người không còn suy nghĩ được gì khác ngoài chuyện phải thông minh
để khỏi mất miếng ăn, khỏi bị đánh đập và khỏi phải tù tội.
Quá trình xếp hàng từ nửa đêm cho đến chiều hôm sau để chờ
miếng ăn, mỗi ngày đều phải xếp hàng, người trong gia đình phải thay phiên nhau
xếp hàng chờ miếng ăn suốt mười ba năm (1975 – 1988) sau đó là cơ chế kinh tế
thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với hàng núi các trò trí trá của giới
chức Cộng sản, họ đứng đằng sau các loại dịch vụ để người thân, gia đình họ
thao túng thị trường, biến thị trường trở thành sân sau của các quan chức mà ở
đó, mọi thủ đoạn, mọi sự ép chế, áp bức và bóc lột đều có đủ.
Chính quá trình mười ba năm dài sống trong tăm tối của chụp
mũ, xếp hàng chờ miếng ăn và hốt hoảng, lo sợ tương lai, lo sợ cái đói để rồi
tiếp theo là một thứ cơ chế tạo ra môi trường đội trên đạp dưới, nịnh nọt vì đồng
tiền bát gạo đã đẩy phần rất lớn người Việt rơi vào tình trạng đạp lên nhau mà
sống, bất chấp để làm giàu.
Hệ quả của quá trình sống từng ngày, thở từng ngày trong
vô cảm, mưu toan và sợ hãi đã đẩy số đông người Việt Nam đến chỗ bạc nhược với
chính mình, không thiếu những kẻ lười biếng, trông đợi vào lòng thương của người
khác và cũng không thiếu những kẻ cơ hội, giẫm đạp lên số phận của đồng loại để
làm giàu. Nhưng cho dù có giàu có, tiền bạc đầy túi thì tính khí, tập khí của họ
vẫn là kẻ bạc nhược, sự bạc nhược này di truyền sang những thế hệ sau. Nhiều bạn
trẻ không bao giờ dành ra được nửa giờ đồng hồ để đọc sách và suy tư về bản
thân, gia đình, đất nước nhưng lại sẵn sàng bỏ ra một buổi, vài buổi, thậm chí
vài ngày đứng xếp hàng ngoài nắng để được ăn miễn phí.
Điều này cho thấy khả năng suy tư của các bạn trẻ đã bị
thui chột tự bao giờ. Đương nhiên, cái lỗi lớn nhất vẫn thuộc về môi trường sống.
Nhưng ai đã tạo ra một môi trường, tạo ra một sinh quyển bệ rạc như hiện tại?
Điều này phải hỏi đến nhà cầm quyền, phải hỏi đến chính sách vĩ mô cũng như những
chủ trương lãnh đạo đất nước của họ. Không ai khác có thể trả lời được câu hỏi
này.
Nhưng, vấn đề hiện tại, chính sách hiện tại vẫn là quan
trọng nhất. Vì sao cho đến hiện tại, khái niệm “AnNamist” lại trở nên nổi trội
đối với người Việt Nam? Điều này phải xem lại cách quản lý của nhà nước. Nếu
nhà nước quản lý chặt chẽ, có những điều khoản qui định cấm các hoạt động dẫn đến
hành vi man di mọi rợ như ném đồ chơi miễn phí cho khách hàng tranh giành, ném ấn
đầu năm cho người ta giành giật, ném phết cầu may để người ta đánh nhau mà
giành giật… Làm những cái bánh chưng, những dĩa bê thui, tô mỳ Quảng, chiếc
bánh tét, tô hủ tiếu lớn nhất, lập kỉ lục… Để rồi người ta xúm xít vào mà tùng
xẻo, giành lấy cho mình một miếng như một loại bổng lộc… Thì làm sao đến nông nỗi
tệ hại như vậy?!
Đằng này, không những không cấm mà hầu như nhà nước còn cổ
xúy, đứng ra xác nhận kỉ lục, đứng ra bảo vệ những cuộc phân phát thức ăn miễn
phí, báo chí trong nước tuy không ca tụng nhưng cũng đưa tin như một sự kiện trọng
đại, một nét văn hóa của đất nước. Tất cả những hoạt động đó đều là tiếp tay
cho sự giẫm đạp, cho tranh đoạt và máu tham của con người.
Chuyện này không thể nói khác đi được, không thể đổ lỗi
cho người dân mà phải có một sự nhìn nhận khách quan, nhà cầm quyền hiện tại phải
nhìn thấy cái lỗi của những lãnh đạo đi trước và phải biết nhìn thấy sự thiếu
sót của giới lãnh đạo hiện tại để ít ra cũng không tiếp tục đẩy đất nước đến chỗ
hỗn độn như bây giờ.
Muốn làm được chuyện này, cần phải bớt đi lối nói hàm hồ
và tráo trở như một cán bộ quản lý văn hóa ở Hà Nội theo kiểu “chặt cây không cần
phải hỏi dân…”, “tranh ấn, cướp ấn là một hoạt động văn hóa, hái lộc thì phải
giành mới có…” và “lễ hội thành công tốt đẹp, không có sự giành giật nào như
báo chí đưa tin…”. Tất cả những phát biểu như vậy không những tráo trở, láo
khoét mà còn làm ảnh hưởng đến nhiều thế hệ đang sống dưới sự quản lý văn hóa của
nhà cầm quyền, biến xã hội thành một cái chuồng của những con vẹt nói khoét và
những con lợn tham ăn.
Những phát biểu và hành động (quản lý) hiện tại của nhiều
quan chức có quyền lực trong nhà nước chỉ dẫn đến nguy cơ đất nước không những
tụt hậu, man di mọi rợ mà đến một lúc nào đó, người Việt sẽ cắn xé nhau, giết
tróc nhau vì miếng ăn như một bầy súc vật. Và lúc đó, kẻ đứng vỗ tay không ai
khác ngoài chính kẻ đã cổ xúy và tạo ra nó. Đó mới là vấn đề!
No comments:
Post a Comment