Sunday, January 8, 2012

TRỄ QUÁ RỒI ÔNG TỔNG BÍ THƯ ƠI (Võ Long Triều)



Võ Long Triều
Sunday, January 8, 2012

Trong kỳ họp Trung Ương Ðảng Cộng Sản lần IV ngày 26 tháng 12, tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đề ra ba “khâu đột phá chiến lược” để xây dựng đảng, đó là:

- Ðẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức. Nhìn thẳng vào sự thật, bình tĩnh, khách quan, cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi và vật chất.
- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Nếu những lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng là thành thật thì cũng đã quá muộn màng, bởi vì từ khi xâm chiếm được miền Nam đảng cộng sản của các ông say mê chiến thắng xem người miền Nam như công dân hạng 2, cho phép cán bộ đảng viên có rộng quyền hành động, cai trị như đoàn quân chiến thắng thời thượng cổ đối xử kẻ chiến bại như nô lệ, người và của cải vật chất là chiến lợi phẩm của “Cách Mạng”.
Những sự kiện nêu trên là những nấc thang đảng bắt cho cán bộ đảng viên tiến trên con đường “thoái vị về chính trị và đạo đức”, và cũng là điều kiện thuận tiện cho tệ nạn hối mại quyền thế phát triển 36 năm ròng rã kéo dài. Nếu thật lòng ông Nguyễn Phú Trọng muốn “chỉnh đốn” thì phải làm một cuộc “Cách Mạng” thật sự, ngược lại với tất cả những gì đảng chủ trương và thực hiện bao nhiêu năm qua. Rất khó, ông Nguyễn Phú Trọng công nhận: “Nó dễ đụng chạm đến lợi ích và quan hệ của con người”.

Khó như vậy mà ông kêu gọi: “Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư phải gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm và cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi và vật chất”. Vấn đề tự phê, hãy xem ý kiến của Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, như sau: “Với tư cách là một đảng viên hơn 50 tuổi đảng... tôi không tin việc tự phê bình đó nếu nó không có một cơ chế vận hành để làm áp lực... Nếu chỉ kêu gọi hãy như thế nầy, hãy như thế nọ thì tôi cho rằng rất vô duyên!”. Dân gian thường nói: “Có ai chịu cha ăn cướp bao giờ”. Nhất là khi người ta là cao cấp trong Bộ Chính Trị hay Trung Ương đảng như ông Trọng đã xác nhận trong bài diễn văn khai mạc của ông: “Có suy thoái đạo đức và tệ tham nhũng ở cấp cao”.

Giáo sư Tương Lai cho rằng: “Mạng lưới pháp luật đang để cho ruồi to chui lọt, ruồi con mắc lưới, xử án không ra xử án”. Cựu TBT Nguyễn Văn Linh đã nói: “Nhà dột từ trên nóc”. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đảng viên lão thành nhận định: “Tình trạng tham nhũng trong đảng diễn biến nghiêm trọng, rất ít đảng viên nắm quyền từ cấp dưới lên cấp trên còn trong sạch!”.

Nếu những lời phát biểu của ông TBT Nguyễn Phú Trọng là giả dối, có mục đích che mắt dư luận, vuốt ve sự bực tức của quần chúng, tìm cách lấy lại niềm tin của họ thì cũng quá trễ rồi. Bất mãn tràn lan! Dân oan khiếu nại, tôn giáo bị bách hại nhưng vẫn luôn luôn đòi tự do tín ngưỡng, công nhân phản đối vì lương không đủ sống, trí thức bất bình vì nhà nước vi hiến vi luật của chính đảng đặt ra.

Ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị “khâu đột phá” thứ hai là: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ông đã thấy việc thực hiện thể chế kinh tế hoang dã lai căng nầy rồi, ông đã biết kết quả từ khi Trường Chinh tuyên bố “đổi mới để sống còn” và nhà thơ Tố Hữu lãnh đạo công tác “mượn kinh tế thị trường để phát triển xã hội chủ nghĩa”, tất cả các cơ quan và tổ chức kinh tế nhà nước đều hành động ngược với nền kinh tế ông muốn mượn.

Kinh tế thị trường do tư nhân thực hiện có tự do cạnh tranh. Kinh tế lai căng sử dụng công ty quốc doanh có độc quyền nắm giữ thị trường. Cộng sản bắt một con gà trống đạp con vịt mái để sản xuất cho ra một bầy vịt con thật nhiều! Mấy chục năm qua nhà nước áp dụng khoa học kinh tế lai căng theo định luật duy nhất là tùy hứng và tùy cá nhân phụ trách thì làm sao hoàn thiện được? Chỉ nhìn tình trạng kinh tế Việt Nam hiện tại thì biết ngay khi nào cộng sản chưa dám nhìn sự thật, bình tĩnh, khách quan như Nguyễn Phú Trọng khuyên thì kinh tế Việt Nam vẫn còn què quặt như “gà què ăn quẩn cối xay”. Ngay từ lúc đầu những năm thập niên 80 khi đổi mới đảng cộng sản không dám đổi mới thật bằng cách mượn hẳn kinh tế thị trường để phát triển xã hội, cắt cái đuôi lòng thòng phi lý vô nghĩa theo “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì may ra kinh tế mới có thể phát triển nếu đảng viên biết vận dụng. Bây giờ hãy còn cơ hội, dù đã muộn màng, nhưng nếu người trong đảng dám làm “cách mạng” thay đổi thể chế loại bỏ độc quyền đảng trị.

“Khâu chiến lược” thứ ba của ông Trọng đề ra là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Người ta còn nhớ ông Phó Giám Ðốc Sở Giao Thông Vận Tải (GTVT) ở Sài Gòn, chương trình phát triển hệ thống giao thông do Nhật Bản viện trợ, bị bắt vì tội rút ngân khoản viện trợ để xây nhà lầu biệt thự, mua xe cho thượng cấp mượn dùng và đặc biệt là cá độ bóng tròn, ăn thua hàng trăm triệu Mỹ kim nên mới gây sự chú ý của dư luận. Vụ ăn cắp của công tày trời như vậy mà “xử án không ra xử án” như Giáo sư Tương Lai phê phán.

Mới đây lại thêm một ông Giám Ðốc GTVT của tỉnh chơi cờ tướng với một đồng chí cao cấp khác trong tỉnh ăn thua hàng chục triệu đô la. Một anh bị bắt và một anh bị ngưng chức điều tra. Chắc rồi đây mấy con ruồi lớn cũng lọt lưới không mang án nặng nề chỉ có mấy con ruồi con chịu tù thay thế cấp trên.

Ba “khâu đột phá” của TBT Nguyễn Phú Trọng đều có liên quan tương tác với nhau qua hai sự kiện: Một là độc đảng, độc quyền, độc tài. Hai là nhờ đó tham nhũng được bao che từ trên xuống dưới nên dây mơ rễ má dính liền với nhau để hút máu dân và rút rỉa công quỹ. Hãy nghe Giáo sư Tương Lai nói:

“Một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho đảng càng ngày càng mất uy tín trong dân chúng là việc các vị quyền cao chức trọng nắm trong tay quyền hành rất lớn để mà tham nhũng qua hóa giá đất, hóa giá nhà, biến thành 'dĩ công vi tư'. Cả một mạng lưới khép kín, tinh vi của quy trình hóa giá khiến trong phút chốc những công bộc của dân sở hữu những căn nhà to đứng ngạo nghễ ở những vị trí một tấc đất không phải tấc vàng mà là cả cây vàng. Ðó là tấm gương treo lừng lững về sự bất công xã hội”.

Cho nên bây giờ ông báo động thì quá trễ rồi ông Nguyễn Phú Trọng ơi, bởi vì mọi tệ nạn xấu xa nó đã bắt rễ ăn sâu, bám xa trong hệ thống tổ chức đảng rồi khó mà tiêu diệt.

Trừ khi có một sự đổi mới thật sự, chấp nhận luật pháp cao hơn đảng, tự do phê bình, tự do ngôn luận, không cai trị bằng độc tài độc đảng thì dân tộc đất nước mới được an bình, phồn vinh. Hiện tại ông Nguyễn Văn An, cựu Chủ Tịch Quốc Hội, phê phán gắt gao: “Bộ chính trị là ông vua tập thể” đang cai trị xứ này. -

(VLT)

.
.
.

No comments: