Saturday, January 14, 2012

THỬ BÀN VỀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG (John Kay, FT)



John Kay

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài,
12/01/2012

Báo Financial Times đang tranh luận về chủ nghĩa tư bản, nhưng thực ra báo này đang bàn về tương lai của kinh tế thị trường.

Karl Marx chưa bao giờ dùng từ “chủ nghĩa tư bản”. Nhưng sau khi Das Kapital (Tư Bản) được xuất bản, thuật ngữ đó dùng để mô tả hệ thống tổ chức kinh doanh đã tạo điều kiện dẫn đến cách mạng công nghiệp. Đến giữa thế kỷ 19, hệ thống đó là trọng tâm của bối cảnh kinh tế. Werner Siemens ở Đức, Andrew Carnegie và John D. Rockefeller ở Mỹ, và hậu duệ của Richard Arkwright ở Anh. Tự thân hoặc chung sức với một số ít đối tác tích cực, họ xây dựng và vừa làm chủ các xí nghiệp và nhà máy thuê mướn tầng lớp lao động mới, vừa sở hữu máy móc trong đó.

Trong khi bảng hiệu “Ngân hàng Barclays” chỉ cho ta biết tên của công ty ta đến giao dịch, tấm biển “Nhà máy (của) Arkwright” cho ta biết Sir Richard là chủ nhân. Và người qua kẻ lại chẳng ai quên điều đó. Quyền lực kinh tế và chính trị của những vị lãnh đạo doanh nghiệp bắt nguồn từ việc họ sở hữu tư bản và nhờ quyền sở hữu đó, họ có quyền kiểm soát phương tiện sản xuất và trao đổi. 

Môi trường chính trị và kinh tế làm bối cảnh cho tác phẩm của Marx là một buổi giao thời ngắn ngủi trong lịch sử kinh tế. Tuy nhiên thuật ngữ được giới chỉ trích kinh doanh trong thế kỷ 19 đưa ra vẫn tiếp tục được cả giới ủng hộ lẫn giới chống đối kinh tế thị trường sử dụng, mặc dù bối cảnh công nghiệp đã biến đổi. Luật pháp ban hành vào thời của Marx đã cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, tạo điều kiện xây dựng những doanh nghiệp với cơ cấu sở hữu cổ phần phân tán rộng rãi [trong đại chúng]. Loại hình tổ chức doanh nghiệp này mãi đến cuối thế kỷ 19 mới phổ biến, nhưng sau đó nhanh chóng nhân rộng. Đến thập niên 1930, Berle và Means viết về sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát. Cùng lúc, Alfred Sloan ở công ty General Motors chứng minh rằng một nhóm nhà quản lý chuyên nghiệp có thể thực sự nắm quyền kiểm soát một công ty lớn và đa dạng hóa.

Vì vậy, những vị lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay không phải là những nhà tư sản theo nghĩa nhà tư sản như kiểu Arkwright và Rockefeller. Những nhân vật xuất chúng thời hiện đại có quyền lực và ảnh hưởng là nhờ địa vị của họ trong một hệ thống thứ bậc, chứ không phải nhờ quyền sở hữu tư bản của họ. Họ đạt đến những địa vị đó bằng kỹ năng của họ về chính trị trong tổ chức, theo những cách truyền thống mà các vị giám mục và tướng lĩnh đạt đến địa vị trong hệ thống thứ bậc giáo hội hay quân đội.

Nếu nửa đầu của thế kỷ 20 là thời kỳ thay đổi căn bản về bản chất của tổ chức kinh doanh, nửa sau của thế kỷ đó là thời kỳ thay đổi căn bản về bản chất của thành công trong kinh doanh. Giá trị của nguyên liệu chỉ là một phần nhỏ trong giá trị của sản xuất của một nền kinh tế hiện đại phức tạp, và giá trị của tài sản vật chất chỉ là một phần nhỏ trong giá trị của hầu hết những doanh nghiệp hiện đại. Những nguồn lực thiết yếu của công ty ngày nay không phải là nhà xưởng và máy móc, mà là những lợi thế cạnh tranh của công ty – đó là các hệ thống tổ chức, uy tín của công ty với các nhà cung ứng [vật tư] và khách hàng, và năng lực đổi mới sáng tạo của công ty. Xét về bất cứ khía cạnh liên quan nào, những thuộc tính này không thể thuộc sở hữu của bất cứ ai.

Một độc giả tiêu biểu của bài báo này làm việc trước một máy vi tính tại một bàn làm việc trong một khu văn phòng. Độc giả đó có lẽ không biết ai là chủ nhân của những thứ này. Rất có thể mỗi thứ có một chủ nhân khác nhau – một quỹ hưu bổng, một công ty bất động sản hay một doanh nghiệp cho thuê tài sản – chẳng ai trong số những chủ nhân đó là chủ lao động của họ.

Người ta không biết ai là làm chủ những công cụ làm việc của họ vì câu trả lời chẳng quan trọng. Nếu sếp của ta sai khiến hành hạ ta đủ cách, bóc lột ta hay chiếm đoạt giá trị thặng dư của ta, những lý do chẳng liên quan gì đến quyền sở hữu tư bản. Trong khi quyền kiểm soát phương tiện sản xuất và trao đổi có ý nghĩa rất quan trọng đối với cách tổ chức kinh doanh và những cơ cấu quyền lực trong xã hội, quyền sở hữu phương tiện sản xuất và trao đổi chẳng quan trọng là bao.

Cách nói tùy tiện dẫn đến lối tư duy tùy tiện. Bằng cách dùng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” của thế kỷ 19 cho một hệ thống kinh tế đã tiến hóa thành một điều khác hẳn, chúng ta có nguy cơ hiểu sai những nguồn tạo nên sức mạnh của kinh tế thị trường và vai trò của tư bản trong nền kinh tế đó.

Đọc thêm trên blog này:

.
.
.

No comments: