Thursday, January 26, 2012

TẦNG LỚP TRÍ THỨC VIỆT NAM VẪN CẦN SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ? (Vũ Ái Quốc)



Vũ Ái Quốc
Thứ tư, 25 Tháng 1 2012 21:24

Trả lời phỏng vấn của phóng viên đài BBC về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản, giáo sư Chu Hảo cho rằng: “Chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”

Giáo sư cũng cho rằng: "Tính chính đáng của đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều trong lòng dân. Lịch sử đã để lại những dấu ấn rõ ràng và được toàn dân thừa nhận về vai trò của đảng cộng sản đưa Việt Nam từ một nước không ai biết đến trở thành một nước độc lập. Đưa Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh, thống nhất đất nước".

Phát ngôn của một giáo sư, một trí thức XHCN tiêu biểu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trong đó có cả những thường dân như tôi. Sau một thời gian đọc và suy ngẫm phát ngôn của giáo sư, của các ý kiến phản hồi, tôi có một vài thắc mắc mong giáo sư giải đáp.

Câu hỏi thứ nhất: Giáo sư nói: "Tầng lớp trí thức theo định nghĩa mà tôi (giáo sư) hiểu chưa hình thành ở Việt Nam từ sau năm 1954 và sau năm 1975 ở Miền Nam". Nói như giáo sư, thì người đọc như tôi hiểu là trước năm 1954 ở Việt Nam, từ trước năm 1975 ở Miền Nam đã có tầng lớp trí thức theo định nghĩa mà giáo sư hiểu là có: "Khả năng độc lập tư duy, khả năng dám bảo vệ chính kiến của mình, khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội."
Xin giáo sư cho biết tôi hiểu như vậy có đúng không? Nếu đúng thì xin giáo sư giải thích vì sao tầng lớp này lại chưa hình thành, đúng hơn là bị biến mất và không được hình thành ở nước ta từ những thời điểm đó đến nay? Đó có phải là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng hay không? Là việc làm chính đáng của Đảng không?

Câu hỏi thứ 2: Trong thời gian qua, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức XHCN, đã đạt được những thành tựu to lớn gì trên các lĩnh vực: Nhân quyền, dân chủ, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học… để thế giới phải biết đến, ngoài các cuộc chiến tranh khốc liệt?

Câu hỏi thứ 3: Vì sao giáo sư lại nói: “Chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước. Nếu như đảng cộng sản Việt Nam mở rộng dân chủ và thực sự tôn trọng tự do học thuật, thực sự tạo ra những cơ chế dân chủ để thực sự phát huy sự năng động, sáng tạo tư duy, để có thể bảo vệ được những người có những ý kiến thiểu số, nhưng chưa hẳn đã là sai trong thời điểm hiện tại".
Cái NẾU mà giáo sư đưa ra tôi xem như một đề đạt của giáo sư với Đảng. Giáo sư có tin là Đảng sẽ nghe mách nước của giáo sư để tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ “trí thức” không? Hay Đảng lại phớt lờ và tiếp tục “TRÓI” “trí thức” như lâu nay?

Câu hỏi thứ 4: Giáo sư là người hiểu biết rộng và đi nước ngoài nhiều, xin giáo sư cho biết: Rất nhiều nước trên thế giới và trong khu vực không có Đảng cộng sản, họ không có được sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đội ngũ trí thức của họ có những thiệt thòi, thua kém gì so với “trí thức” nước ta? Đất nước của họ không có Đảng cộng sản có phát triển “nhanh, mạnh, vững chắc đến giàu đẹp văn minh” như nước ta không?

Câu hỏi cuối cùng: Đội ngũ đảng viên ngày này, có lý tưởng, phẩm chất, đạo đức lối sống như đội ngũ đảng viên trước 1975 không? Tính chính đáng của Đảng trong dân còn nhiều (nếu đúng như giáo sư nói) xuất phát từ đâu? Động cơ mục đích của những người muốn vào Đảng ngày nay là gì?

Rất mong sự hồi âm của giáo sư trên diễn đàn này.

Trân trọng cảm ơn giáo sư.

Vũ Ái Quốc
.
.
.

No comments: