BBC
Cập nhật: 11:16 GMT - thứ năm, 19 tháng 1, 2012
Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) công bố phúc trình về tình trạng kiểm duyệt xuất bản ở Việt Nam vào hôm 17/01.
Theo tài liệu, đoàn của IPA đã đến Việt Nam, gặp các nhà văn, nhà báo, nhà xuất bản ngầm và chính thức, công ty tư nhân trong vai trò là nhà xuất bản, cũng như các cơ quan đại diện nước ngoài và các nhà nghiên cứu.
IPA đưa ra nhiều khuyến nghị với chính quyền Việt Nam, trong đó có việc chấm dứt sự độc quyền của nhà nước về xuất bản, chấm dứt sự phê chuẩn của nhà nước đối với các lãnh đạo nhà xuất bản…
Phúc trình cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho nhiều cây viết đang bị tù hay quản thúc.
Nhân dịp báo cáo này ra mắt, nhà thơ Bùi Chí Vinh, sinh năm 1954 và đang sống ở TP. HCM, cho BBC biết tâm sự của ông về chuyện xuất bản ở Việt Nam.
"Nói chung, Việt Nam là một nước chưa được tự do xuất bản. Mọi thứ đều qua hệ thống của Đảng và chính quyền nhiều, rất chặt chẽ.
Để ra được một sản phẩm văn hóa gây được tiếng vang và dư luận là rất khó và tế nhị.
Người viết phải có bản lãnh, vừa có vị trí trong xã hội, thậm chí phải luồn lách, thương lượng đến thoả hiệp.
Là một danh nhân hay một nhà văn gây được tiếng vang cũng phải trải qua biết bao nhiêu cửa ải để được xuất bản công khai. Ở đây tôi muốn không nói đến xuất bản chui mà là xuất bản công khai của nhà nước.
Một cái tên nào đó thành danh, thành thương hiệu thì phải cảm phục người đó nếu người đó ở Việt Nam.
Tình hình xuất bản ở Việt Nam chưa được cải thiện, trong tương lai chưa biết ra sao.
Tất nhiên, nếu nhiều người có vai trò, vị trí trong xã hội cùng lên tiếng, cùng sát cánh với nhau có thể tạo nên một đòn bẩy, một sức bật, để những người có thẩm quyền coi lại chính sách và sẽ tạo điều kiện cho ngành xuất bản mở rộng ra hơn.
Nếu ngành xuất bản được mở rộng và tự do hơn thì càng củng cố được vị trí chính quyền của họ, vị trí cai trị của họ. Điều đó luôn luôn là hữu tương chứ không hề mâu thuẫn.
Một nhà cai trị khôn ngoan thì luôn luôn tạo điều kiện cho xuất bản nói riêng và văn hóa nói chung mở rộng. Đây là chính sách khôn ngoan của chính trị.
Tôi chịu đựng sự khắt khe, tôi là nạn nhân của sự khắt khe. Tôi làm thơ phê phán, chống bất công xã hội.
Tôi gần như là thằng dẫn đầu từ ngay sau giải phóng khi tôi còn ở cương vị trưởng ban Văn hóa Văn nghệ của một tờ báo lớn. Hồi đó, tôi phụ trách mảng văn hóa văn nghệ của tờ Tuổi trẻ.
Khi cần thiết tôi cũng dám bỏ đi bộ đội, bỏ cái vị trí có thể thăng quan tiến chức của mình để đi đánh giặc.
Và khi đánh giặc trở về, tôi cũng sẵn sàng đạp xích lô, không quay trở về báo Tuổi trẻ, không quay về cương vị trưởng ban nữa. Tôi tiếp tục để chiến đấu nhân dân, sát cánh những người nghèo.
Thành ra lúc đó tôi là người chịu đựng khắt khe nhất. Thơ văn của tôi hoàn toàn truyền khẩu.
Mãi đến năm 1989 khi ông Nguyễn Văn Linh mở cửa, thơ của tôi bắt đầu được in là thơ tình, một thời gian sau bẵng đi tới hơn gần 20 năm trời, tôi mới được in tiếp tập thơ Đời nhưng mà tôi cũng rên rỉ, vì tôi biết số phận của mình nằm trong một đất nước như vậy.
Từ từ, tôi mới tự mình bươn trải, tự mình khẳng định mình bằng chính ngòi bút của mình, bằng sự lương thiện của mình trong công việc và đời sống, rồi có lúc họ sẽ nhìn nhận ra."
-------------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment